Tuesday, 10 September 2013

Tưởng Niệm Anh Hùng Đông Tiến Và Cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh

Westminster (Bình Sa)- - Trưa Chủ Nhật ngày 8 tháng 9 năm 2013 tại Westminster Rose Center, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Nam California đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm Cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các Anh Hùng Đông Tiến.

Trước khi vào lễ chính thức, đồng hương lần lượt đi xem những hình ảnh sinh hoạt của những anh hùng Đông Tiến và Đảng Việt Tân đã được Ban tổ chức trưng bày trong hội trường.
Hiện diện trong buổi lễ nhận thấy có Ông Thị Trưởng Thành Phố Westminster, Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, Ông Phan Kỳ Nhơn, Chủ Tịch Ủy Ban Chống Công Sản và Tay Sai cùng qúy vị đại diện dân cử, đại diện các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và đồng hương tham dự. Về phía Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng chúng tôi nhận thấy có Ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư và các thành viên trong Đảng Việt Tân Nam California.
Trong buổi lễ tưởng niệm.
Mở đầu buổi lễ là phần rước di ảnh Cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cùng các anh hùng Đông Tiến đã hy sinh gồm các chiến hữu: Lê Hồng, Nguyễn Trọng Hùng, Trần Thiện Khải, Võ Hoàng, Trương Ngọc Ni, Trần Hướng Việt, Huỳnh Văn Tiến, Lưu Minh, Phùng Tấn Hiệp, Dương Văn Tư, Ngô Chí Dũng, tất cả các di ảnh được an vị trên bàn thờ tổ quốc, trong lúc nầy những MC điều hợp chương trình đã lần lược đọc tiểu sử từng vị đã hy sinh trong chiến dịch Đông Tiến trên đường trở về quê hương tiếp tục con đường chiến đấu phục quốc mà Cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, người lãnh đạo phong trào đã nói: "Đường chúng ta đi chỉ có hai cái đích. Cả hai cái đích đều vô cùng vinh quang và ý nghĩa đó là: Một là giải phóng Việt Nam, Hai là được anh dũng hy sinh cho đại cuộc giải phóng Việt Nam…."
Trong buổi lễ tưởng niệm.
Buổi lễ bắt đầu với phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm. Sau đó Ông Trần Trung Dũng Đại Diện Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, Đảng Bộ Nam California, Trưởng ban tổ chức lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của tất cả qúy vị trong buổi lễ hôm nay. Trong dịp nầy ông cũng đã nhắc lại những gương hy sinh của Cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các anh hùng Đông Tiến, ông tiếp: "Đây là lúc nhìn lại để chúng ta có thêm nghị lực mà quyết tâm dấn thân trong cuộc đấu tranh nhiều cam go nầy. Ông không quên cảm ơn sự hổ trợ của đồng hương, của các hội đoàn, đoàn thể, cộng đồng cùng các cơ quan truyền thông đã hết lòng yểm trợ trong thời gian qua." Tiếp theo lễ niệm hương trước bàn thờ tổ quốc do qúy vị đại diện các đoàn thể đấu tranh gồm: Giáo Sư Nguyễn Tư Mô, Ông Phan Kỳ Nhơn và ông Nguyễn Văn Cừ, sau phần niệm hương là lễ tưởng niệm theo nghi thức cổ truyền do Hội Đền Hùng thực hiện.
Trong buổi lễ tưởng niệm.
Tiếp theo phần phát biểu của quan khách, xen lẫn chương trình văn nghệ đấu tranh.
Sau đó là phần thảo luận và trả lời những câu hỏi của đồng hương có liên quan về công cuộc đấu tranh trong quốc nội hiện nay do Ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân phụ trách, qua nhiều câu hỏi cũng như những ý kiến đóng góp của đồng hương đã được Ông Lý Thái Hùng trả lời và giải thích thỏa đáng.
Trong buổi lễ tưởng niệm.
Cuối cùng là phần niệm hương dành cho đồng hương tham dự.
Cũng nên nhắc lại vào những ngày đầu của thập niên 80, khi cả nước rơi vào quyền cai trị hà khắc của tập đoàn cộng sản Việt Nam bán nước, tâm trạng của đồng bào trong nước cũng như hải ngoại vẫn bàng hoàng và tuyệt vọng. Trong lúc nầy Cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cùng các chiến hữu của ông đã từ giã gia đình thân yêu, rời xa những tiện nghi vật chất nơi xứ người, tìm đường về nước, mang tất cả tâm huyết và sinh mạng của mình để đóng góp vào đại cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ tại quê nhà. Tiếc thay chí chưa thành mà người đã mất. Ông và những chiến hữu của ông đã hy sinh trên đường xâm nhập trở về quê hương vào ngày 28 tháng 8 năm 1987.
Mọi chi tiết liên lạc: (714) 622-9988 hoặc: namcali@viettan.org


Về Môt Người Bạn Đã Hy Sinh

Trần Đức Huy
Câu hát quen thuộc văng vẳng vang lên:
Vì hòa bình là ước mơ chung
Phải kiên gan chiến đấu không ngừng
Để lịch sử giở qua trang mới
Trang bắt đầu cho cuộc phục hưng * 

đã đưa tôi trở về những ngày xưa cũ. Hình ảnh của anh cũng chợt hiện ra nơi đây như để chia xẻ với tôi. Thân xác thì ở Nhật Bản nhưng tâm hồn thì dành trọn cho những người đã lên đường chiến đấu và đã hy sinh, đặc biệt cho người bạn có tên: Ngô Chí Dũng





* * *
Tôi đã gặp

Vào cái tuổi của thời còn non trẻ, tuổi đầy ắp những mơ ước đầy háo thắng, tôi gặp anh qua những sinh hoạt của sinh viên tại Nhật.
Anh hơn tôi một tuổi, học trên tôi một lớp, anh có khuôn mặt trắng hồng, dáng vẻ của một cậu công tử xuất thân từ một gia đình sung túc và nề nếp. Khoảng 1972, anh là một thành viên của nhóm thực hiện tờ “Tin Việt Nam”, tờ báo duy nhất của nhóm sinh viên quốc gia thời đó. Sau đó, anh là Trưởng Ban Báo Chí của Hội Sinh Viên Việt Nam tại Nhật Bản. Tôi là trưởng ban văn nghệ, một thành viên của Hội nhưng sau anh một nhiệm kỳ nên sự giao tiếp với anh chỉ ở mức độ chào hỏi, xã giao bình thường. Với những lần tiếp xúc ít ỏi thì dưới mắt tôi: anh là một công tử bột chăm chỉ thích chuyện chính trị. Những gì tôi biết về anh chỉ có thế. Sự giao tình với anh cũng chỉ ở mức bình thường nếu không có biến cố 30/4/75. 


Sau cuộc đổi đời đau đớn, tập thể sinh viên du học tại Nhật có khoảng trên dưới 800 người, ngoại trừ một số nhỏ thuộc thành phần thiên tả là tỏ vẻ vui mừng, số còn lại mặc dầu có tinh thần quốc gia không chấp nhận cộng sản nhưng tất cả đều rơi vào tâm trạng hoang mang, chán nản vì không còn nơi nương tựa. Hơn nữa, nhìn về quá khứ, Nhật Bản vốn là nước không có những chính sách tiếp nhận người lưu vong một cách mặn mà nên hầu như ai cũng tính chuyện phải tìm một chỗ để an tâm sống cuộc đời còn lại. Muốn như thế thì cũng phải có một tư thế, có nghĩa là phải có tổ chức, ủy ban đại diện thì những nguyện vọng, yêu sách mới may ra có kết quả. Cái khó là ai cũng mang tâm trạng bất an, lo sợ, nên chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện dấn thân “ăn cơm nhà vác ngà voi” đầy bất trắc như vậy. Đúng lúc đó, anh xuất hiện. Tôi còn nhớ mãi câu nói của anh trong một buổi họp tại cư xá sinh viên vào những ngày giữa tháng 5/1975: “Tôi xin là người trách nhiệm đại diện anh em nếu mọi người đồng ý”. Mọi người vỗ tay, anh nói tiếp: “Thế thì xin tất cả im lặng để Ủy Ban làm việc”. Hội trường với mấy trăm con người đang xì xào bỗng im phăng phắc. Tổ chức có tên “Ủy Ban Tranh Đấu Cho Tự Do người Việt tại Nhật Bản” mà anh là người “đứng mũi chịu sào” đã ra đời vào những tháng ngày cực kỳ khó khăn đó.

Đầu tiên thì hoạt động của Ủy Ban này chỉ có mục đích là đi tìm những quốc gia hay những nơi có qui chế tỵ nạn cởi mở tiếp nhận số sinh viên nào không chấp nhận chính quyền việt cộng. Vài tháng sau, mục đích cuộc đấu tranh cho người Việt tại Nhật đã mở rộng hơn thành cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do cho dân Việt. Ngày 1/11/1975 tại Tokyo, một tổ chức có tên là Nhóm Người Việt Lưu Vong mà tiền thân là “Ủy Ban Tranh Đấu Cho Tự Do người Việt tại Nhật Bản” đã ra một bản minh định lập trường, gồm những điểm chính như: chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc chiến đấu chống cộng sản của cha anh chúng tôi dù đã thất bại - chúng tôi chiến đấu không vì mặc cảm, mà vì lòng tự trọng của những người trẻ muốn đóng góp sức lực của mình vào cuộc chiến đấu giành lại tự do – nhân bản - chúng tôi mong mỏi mọi người và thế giới ủng hộ chúng tôi. Sau đó thì nhóm người Việt lưu vong được đổi thành Tổ Chức Tranh Đấu Cho Tự Do của Người Việt và cuối cùng là Tổ Chức Người Việt Tự Do. Tôi tâm phục anh từ đó. 


Những kỷ niệm khó quên


* Khi đã “kết” nhau, tôi và anh đã có nhiều dịp trao đổi hơn về mọi mặt. Nói anh sinh ra để “làm chính trị” cũng không ngoa, vì bất cứ chuyện gì từ vui hay buồn khi nói chuyện với anh, cũng “bị” anh kéo về chuyện chính trị hay là chuyện Việt Nam. Xin kể một câu chuyện về anh mà tôi nghe được. Một hôm, tôi cùng anh và một số bạn đến thăm đồng bào tại một trại tị nạn để hỏi thăm về tình hình Việt Nam, nói chuyện được một lúc thì trời đổ mưa tầm tã, một cô trong nhóm “than thở”: “Thấy mưa nhớ Việt Nam quá anh Dũng ạ”, anh cười cười và đáp ngay: “Nói đến mưa mới nhớ đến chuyện ở bên Ý, kỳ rồi đảng cầm quyền đã mất ghế vì đã không có đối sách kịp thời khi mưa lớn khiến có vài người thiệt mạng” (đại khái tôi nhớ là như vậy). Mắt cô gái tròn xoe tỏ vẻ ngạc nhiên, có lẽ là vì cô tưởng câu trả lời của anh phải mang một ý nghĩ chia sẻ thông thường.

* Nhớ có lần trong một buổi tối mùa đông ngồi đóng, gói báo Người Việt Tự Do để gửi đi, cạnh cái lò sưởi nhỏ, bên ngoài còn nghe rõ tiếng gió rít qua khe cửa, anh hỏi tôi: “Ông có thấy là mình kỳ cục khi làm những chuyện mà có người cho là chuyện dễ ợt không?” Tôi hỏi lại: “Ông muốn nói chuyện gì?”, “Chuyện mình đang làm nè, chuyện đóng báo gửi đi nè”. Câu chuyện bỏ lửng ở đó, nhưng sau đó tôi hiểu ý anh muốn nói: “Dễ thì dễ thật, nhưng mà có mấy ai dám bỏ tất cả để đi làm chuyện dễ ợt hay không”, vì ban chiều có một vài người bạn ghé nhà, thấy anh đang cắm cúi, cắt dán từng địa chỉ, có người phán một câu: Mấy chuyện này thì dễ ợt, ai làm chả được.
Những người học cùng năm với anh, sau khi ra trường đã chạy đôn chạy đáo tìm việc để ổn định cuộc sống, để giúp đỡ gia đình, toàn là những lý do chính đáng, nhưng anh lại đi ngược dòng, anh đã rất “tiêu cực” trong việc tìm cho mình một đời sống an định, anh chỉ làm những công việc parttime không bó buộc giờ giấc, vừa đủ trang trải cho một cuộc sống đơn giản nếu không nói là đạm bạc để dành thì giờ hoạt động. Anh không thụ động ngồi yên nhìn những ước mơ của mình trôi theo năm tháng, anh đã đi đây đi đó, kết hợp vận động để mưu tìm cho mình những điều mà lúc đó có thể chỉ là những ước mơ ngoài tầm tay: Mai này chúng ta cùng về Việt Nam.

* Trong những lần công tác tại Hoa Kỳ, khi về lại Nhật, lúc nào anh cũng có quà cho tôi; khi thì khoanh giò lụa, lúc thì cái bánh chưng, lúc thì vài quả hột vịt lộn.... và lần nào anh cũng nói: Định mang về cho ông nhiều hơn, nhưng sợ tụi phi trường nó lấy hết. Nhưng có món quà mà tôi thích nhất là những “bài nhận định”. Khi làm tờ Người Việt Tự Do, bài nhận định là bài khó nhất vì phải nói lên được quan niệm, nhận định của Tổ Chức về thời cuộc Việt Nam cũng như thế giới; thường thường thì đã được chia phiên (ngoại trừ tôi), nhưng nếu người đến phiên bận chuyện không viết được thì rất ư là kẹt. Nếu anh không bận công tác thì chuyện giải quyết dễ dàng, nhưng nếu anh bận công tác xa thì báo lại phải phát hành trễ vì phải chờ phải đợi. Tôi nhớ có vài lần, đúng vào lúc đang “bứt tai vò trán” thì thư của anh đến cùng bài nhận định kèm theo vài chữ: “Tôi gửi để phòng hờ nếu có kẹt bài”. Vì thế đối với tôi, đây là những món quà mà tôi thích nhất vì đã nhận được những gì mà mình muốn lại đúng ngay thời điểm.

* Anh có lối nói chuyện giống người Mỹ, hay nhún vai, khi nhắc đến một tên nhân vật ngoại quốc anh thường thêm chữ “thằng” đằng trước, một lối nói không lấy gì làm thiện cảm đối với người Việt Nam nếu người nói chuyện không ở mức thân tình, điều này anh bị anh em “chỉnh” không ít, nhưng khi giao tiếp với người ngoại quốc như Nhật hay Mỹ thì anh lại được rất nhiều người quí mến. Có lần, một giáo sư người Nhật cho biết là sẽ giới thiệu cho Tổ Chức một nhân vật có thế giá, đầy quyền lực trong giới tài phiệt - chính trị Nhật. Hôm gặp gỡ, vị giáo sư rất trang trọng, đem theo bà vợ cũng là người Nhật mặc áo dài Việt Nam cho cuộc gặp thêm ý nghĩa. Khi hai bên giáp mặt, vị giáo sư ngạc nhiên khi thấy anh bước tới tươi cười bắt tay vui vẻ nói chuyện rất tự nhiên với nhân vật đó. Vị giáo sư thắc mắc hỏi, anh cười nói: ông này tôi gặp mấy lần rồi mà!
Thời đó, việc nhập cảnh Mỹ rất khó dù chỉ đi du lịch, nhưng chỉ cần anh viết một giấy giới thiệu ký tên anh dưới danh nghĩa Tổ Chức “Người Việt Tự Do” là được cấp visa ngay không cần phải chờ đợi. Hỏi anh thì anh nói: chuyện đó mà làm không được thì làm sao làm chuyện lớn. Nhỡ có nhu cầu đấu tranh phải kết hợp phải di chuyển mà không có những cái tối thiểu đó thì làm sao mà tranh mà đấu?

* Những vận động không ngừng nghỉ của anh, của những anh em trong tổ chức khắp nơi đây đó, nhất là qua chuyến triển lãm hình ảnh tị nạn xuyên nước Mỹ vào năm 1979 đã đưa tới kết quả: vào một ngày của tháng 6/1981, anh báo tin là sẽ có một phái đoàn gồm đại diện 3 tổ chức: Lực Lượng Quân Dân Việt Nam, Tổ Chức Phục Hưng, Người Việt Tự Do sau chuyến công tác Đông Dương sẽ đến Nhật để bàn tính chuyện mở lối về quê mẹ, nâng cuộc đấu tranh lên một tầm vóc cao: trực diện với quân thù. Sau những phiên họp tại Nhật, vào tháng 12/1981,Tổ Chức NVTD đã chính thức giải thể để gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo. Đường về Việt Nam đã được khai thông từ đó. Khi toán tiền phong từ khắp năm châu trở về đất mẹ vào năm 1981, anh đã có mặt cùng những người bạn khác mà tôi đã gặp. Việc anh trở về chẳng qua chỉ là một tiến trình suy luận hợp lý. Cái lý đó thật giản dị: anh đã tìm được môi trường thích hợp nhất để anh sống chết với quê hương.

* Trước khi lên đường, anh đưa tôi một túi xách và dặn dò đủ thứ: đây là hồ sơ những nhà báo hay liên lạc, kia là túi đựng những giấy tờ tùy thân cũ như: thẻ căn cước, sổ thông hành v.v.... còn có một cái túi được gói nhiều lớp thật kỹ bên ngoài có ghi rõ: “những thứ không nên xem”, tôi tò mò nhưng không dám hỏi, và tôi cũng quên hẳn có cái túi như thế. Sau lúc vào khu chiến, anh có thư cho tôi và “tiết lộ”: đó là túi đựng những lá thư của gia đình mà không bao giờ anh trả lời và yêu cầu tôi giữ kỹ”.

* Khi gặp lại anh trong một vài lần công tác tại hải ngoại, tôi có cảm tưởng anh như là một người khác, tinh anh, sáng suốt, nhanh nhẹn, sắc bén hơn khi trước. Tôi hỏi: ông có thấy ông thay đổi so với trước không? Anh trả lời ngay: “khác nhiều chứ, vào đó thì chỉ có một chuyện phải làm là: đặt hết tâm trí vào nỗ lực phải giải phóng Việt Nam càng sớm càng tốt cho dân mình bớt khổ thôi”.
Chưa hết, ngoài ra, anh rành rọt một cách quá chuyên nghiệp về những gì mà trước đây anh chưa bao giờ đụng tới, anh giải thích chuyện chuyên môn về cách làm đài phát thanh, cách edit, cách thu thanh, sao cho tiếng không ồn. Anh dặn khi đọc bài thì phải thế này, thế nọ. Những thư từ trao đổi giữa tôi và anh có khi biệt tăm có khi mấy tháng mới nhận được nhưng lúc nào cũng thòng thêm một câu nửa đùa nửa thật: “Ông nhớ làm cho đều đặn, tránh trường hợp có cũng được, không có cũng không sao như thời sinh viên đâu đấy nhé”.

Khoảng cuối năm 1992, tôi được thông báo là anh mất tích.

* * *

Nguyễn Thái Học, Tháng 12/1927, khi còn là sinh viên 27 tuổi đã là lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng can cường đứng lên chống giặc Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị lên đoạn đầu đài vào tháng 6 năm 1930 khi được 30 tuổi.
Phùng Tấn Hiệp, 22 tuổi (1977) cầm súng ở Đồng Bò, 25 tuổi (1980) vượt biên tìm đường cứu nước. 30 tuổi (1983) đã hy sinh trên bước đường khai mở lối về.
Ngô Chí Dũng, 24 tuổi (1975), lãnh đạo Tổ Chức Người Việt Tự Do, 30 tuổi (1981) về nước chiến đấu. Mất tích (1992).

Tôi, hãnh diện được đứng chung hàng ngũ với Phùng Tấn Hiệp, với Anh, những nối dài của tuổi trẻ dấn thân trong lịch sử cứu nước.

Hôm nay ngồi ghi lại những giòng tâm sự về anh, tôi nhớ anh vô cùng. Không biết thân xác anh bây giờ phiêu bạt nơi đâu, nhưng tôi vẫn tin rằng anh vẫn còn hiện diện đâu đây bên cạnh để hỗ trợ đồng bào anh, bè bạn anh trong trận chiến đấu cuối cùng này để mãi mãi chấm dứt khổ đau trên quê hương yêu dấu. ** 
Tạm biệt anh.

Nhật Bản
Trần Đức Huy
Tháng 8/2011
---------------------------------------------
* Một đoạn của “Bài Ca Đại Việt” thơ Bắc Phong trong tập thơ Chính Ca, Huỳnh Vi Sơn phổ nhạc
**Lời kêu gọi của Chủ Tịch Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam Hoàng Cơ Minh tuyên đọc tại chiến khu vào ngày công bố cương lĩnh chính trị 8 tháng 3 năm 1982.


Nhân Ngày 28 tháng 8
Vũ Nhân Phong

Cách đây một tháng, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã mời Chủ Tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đến thăm Toà Bạch Ốc để hai nước có thể tạo thêm sự gắn bó và hợp tác. Chuyến thăm ấy là lần thứ ba sau năm 1975 mà một vị lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được một vị tổng thống Hoa Kỳ tiếp đãi. Hai lần trước là do tổng thống tiền nhiệm, tổng thống George W. Bush, đã mời thủ tướng Phan Văn Khải và chủ tịch Nguyễn Minh Triết sang viếng thăm Hoa Kỳ.


Đây là các tin mà ai cũng đã biết. Nhưng tôi nhắc lại đây hôm nay vì sự kiện này cho thấy là cách đây hơn 30 năm điều mà ông Hoàng Cơ Minh nói vẫn còn chính xác, còn có thể áp dụng vào công cuộc đấu tranh ngày hôm nay: 


“Dân tộc Việt Nam chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để giải quyết vấn đề Việt Nam của người Việt Nam, và chúng ta kêu gọi thế giới hãy cộng tác với chúng ta để giải quyết vấn đề Việt Nam của thế giới, vì đây cũng là trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới.” phát biểu của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Chủ Tịch MTQGTNGPVN, tại Đại Hội Chính Nghĩa ngày 30 tháng 4, 1983, thủ đô Hoa Thịnh Đốn.




Ngược giòng thời gian, từ lúc cộng đồng Việt Nam hải ngoại mới rời khỏi các trại tỵ nạn, ông Hoàng Cơ Minh đã thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) vì hiểu rằng là trước sau, các quốc gia đã đón nhận những người tỵ nạn cũng sẽ quên đi các hành động phạm nhân quyền của đảng cộng sản Việt Nam nếu cảm thấy rằng việc hợp tác với chế độ cộng sản sẽ có lợi về mặt kinh tế hoặc chính trị. Nhận định này với sự việc hai vị tổng thống Hoa Kỳ, một thuộc đảng Cộng Hòa, một thuộc đảng Dân Chủ đã mời các lãnh đạo cộng sản Việt Nam đến thăm Hoa Thịnh Đốn, cho thấy suy nghĩ của ông Minh quả là không sai. 


Ông Hoàng Cơ Minh đã chủ trương xây dựng một nước Việt Nam “dân giầu, nước mạnh.” Dân giầu ở đây không chỉ giới hạn vào tiền và vật chất, mà giầu tình nghĩa, giầu cơ hội phát triển và tiến lên. Nước mạnh không chỉ đề cập đến sức mạnh “cứng” là quân sự, nhưng mà cả “sức mạnh mềm,” là dân trí, là văn hoá xã hội, mà tất cả sẽ xác định vị trí tương đối của VN trên bàn cờ thế giới. Hơn nữa, thế nào là mạnh, thế nào là giầu có thể thay đổi theo thời gian, theo những mục đích luôn luôn thay đổi.




Vì thế, ông Minh đã kêu gọi người Việt khắp nơi hợp tác với ông và Mặt Trận để canh tân đất nước Việt Nam, mà trong đó, bước đầu tiên là lật đổ chế độ độc tài cộng sản Việt Nam. Ông Minh đã phân biệt rất rõ giữa hai giai đoạn đấu tranh: trước tiên là chấm dứt chế độ cộng sản, sau đó là tiến trình canh tân đất nước không ngừng.




Tách biệt hai việc này khỏi nhau là vì hai việc này không thể góp lại thành một hay theo đuổi song song. Lý do là vì đảng cộng sản là nguyên nhân căn bản chặn đứng hay làm biến dạng mọi nỗ lực canh tân, đẩy chệch các cơ hội phát triển đất nước cho nên những nỗ lực canh tân đất nước sẽ là vô ích và bị méo móp nếu được tiến hành trong khi chế độ cộng sản vẫn còn hiện hữu.




Cụ thể ở dưới chế độ Cộng sản biến thái hiện nay, khi sự hiểu biết là yếu tố chọn lựa giao trách vụ thì bằng giả trở thành giải pháp cho các cán bộ lãnh đạo. Tự do tôn giáo là yêu cầu sinh hoạt của một xã hội bình thường, thì các cán bộ mặc áo tu hành ru ngủ quần chúng bằng các nghi thức mê tín hay khai thác thị hiếu. Khi không thể thi hành chính sách ngăn sông cấm chợ nữa, thì tất cả mọi hoạt động xã hội dồn vào buôn và bán: bán lao động, buôn xác thịt của cả phụ nữ lẫn thiếu nhi, vân vân. Nói tóm tắt thì xã hội tràn ngập tệ trạng của tất cả các tệ nạn xã hội tại Việt Nam để phục vụ cho túi bạc của những kẻ cầm quyền đứng trên luật pháp.




Vì thế mà ông Minh đã ưu tiên nhắm vào đảng cộng sản, kêu gọi mọi người tham gia Kháng Chiến. Tại hải ngoại ông Minh đã vận động đồng bào ngưng gởi tiền về Việt Nam, làm việc với các chính giới để đừng hợp tác với chế độ cộng sản. Tại quốc nội ông và các chiến hữu của ông đã lập chiến khu, lập đài phát thanh Kháng chiến để khuyến khích đồng bào trong nước tổ chức một cuộc tổng nổi dậy.




Nhiều người đã xuyên tạc hình ảnh người kháng chiến quân cầm súng, cho rằng ông Minh muốn tiếp diễn một cuộc chiến tranh võ trang với đảng cộng sản. Nhưng điều này đã bị diễn giải hoàn toàn sai trật. Các Kháng Chiến Quân đi về Việt Nam qua đường bộ cần võ khí để tự vệ, và cương lĩnh nói rõ là để khơi mào và yểm trợ tổng nổi dậy toàn dân.




Ý niệm “tổng nổi dậy” của ông Minh căn cứ trên cái thực tế là một chế độ thực sự vì dân là bởi vì thực quyền do dân trao cho. Khi dân nhất tâm giành lại cái quyền của mình vì có khả năng tự bảo vệ trên tinh thần mỗi người là một pháo đài, mỗi làng xã là một chiến khu, thì chế độ không thể tồn tại. Hay nếu có tràn ngập võ khí trấn áp thì cũng chỉ nắm giữ kiểm soát các vùng đô thị tập trung, chứ không thể ở các làng quê thôn xóm xa xôi. Tôi nghĩ rằng đó cũng là tinh thần mà hiến pháp Mỹ cho người dân có quyền mang võ khí.  Tinh thần tự vệ của người dân Việt Nam đã được ông Hoàng Cơ Minh xác định rõ trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội Chính Nghĩa ngày 30 tháng 4, 1983 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn:




Chúng ta không hiếu chiến, chúng ta không mở cuộc chiến tranh mới, mà chúng ta tiến hành một cuộc đấu tranh giải phóng. Nếu sức mạnh chính yếu của chiến tranh đến từ nòng súng, đến từ đại bác, xe tăng, thì sức mạnh chính yếu của đấu tranh giải phóng đến từ con tim, đến từ quyết tâm của con người. Sức mạnh chính yếu của đấu tranh giải phóng đến từ hàng triệu con tim rực lửa căm hờn, quyết tâm tiêu diệt tập đoàn bạo quyền Việt Cộng.”




Nhận định trên của ông Hoàng Cơ Minh tuy đã hơn ba thập niên nhưng giá trị của những ý tưởng ấy chưa hề giảm.




Tình hình thế giới có thay đổi, nhưng bản chất của vấn đề mà ông Minh muốn giải quyết không thay đổi. Đảng cộng sản vẫn còn đó, đứng trên đầu dân Việt, chận đường phát triển và vươn lên của dân tộc. Bên cạnh đó vì quyền lợi kinh tế chính trị, đã có nhiều quốc gia đã chính thức công nhận quyền lãnh đạo của chế độ cộng sản độc tài. Nhưng sự công nhận của ngoại quốc cho một chế độ không nhất thiết giữ cho chế độ đó mãi mãi tại vị, khi mà người dân nhất quyết giành lấy quyền sống của mình.



Cho nên như ông Minh đã nói, chính người Việt phải giải quyết vấn đề của nước Việt, không chờ mong vào quốc tế làm giùm được. Và lịch sử của ba thập niên qua cũng cho thấy là một cuộc tổng nổi dậy của dân có thể gây nên những biến chuyển kinh thiên động địa: Khối Liên Xô đã vỡ, Cách Mạng Cam tại Ukraine đã chống lại sự tham nhũng trong cuộc bầu cử tổng thống tại đó, và gần đây nhất những cuộc biểu tình tại Ai Cập đang làm biến chuyển nước này. 


Sẽ có người cho rằng những điều ông Hoàng Cơ Minh đề ra cách đây ba thập niên không còn áp dụng được vì không hợp thời, quá khó thực hiện. Nhưng đối với riêng tôi thì trong 30 năm qua người VN không mấy ai nhận xét được vấn đề rõ và chính xác bằng ông Hoàng Cơ Minh. Trong đời này không có gì quá khó, không làm được; chỉ sợ là lòng người không muốn làm hay dám làm. Tương lai Việt Nam có giầu mạnh hay không là sẽ do từng lòng mỗi chúng ta vững hay không.Cũng như tương lai của mỗi người là do sự làm việc nhiều ít của mỗi người chứ không do sự  xin xỏ bố thí.
------------------------------------

Tháng Tám Tưởng Niệm
Những Anh Hùng Đông Tiến
Tuệ Vân




"Đường chúng ta đi chỉ có hai cái đích. Cả hai cái đích đều vô cùng vinh quang và ý nghĩa. Một là giải phóng Tổ Quốc Việt Nam. Hai là được anh dũng hy sinh cho đại cuộc giải phóng Tổ Quốc Việt Nam" 
[Phó Đề Đốc HOÀNG CƠ MINH - Chủ Tịch MTQGTNGPVN]


Cuộc đời ai cũng trải qua những giây phút đam mê hào hứng của tuổi thanh niên. Những đam mê hào hứng đó tùy theo sự lựa chọn của mỗi cá nhân mà sẽ để lại cuộc đời họ những kỷ niệm vui buồn khác nhau. Với những thanh niên có mặt trong tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) vào thập niên 80s, ngày nay đã là những trung niên, khi nói về những ngày tháng quá khứ tham gia MT, họ đều cho biết đó là một thời đáng sống, một thời mà họ đã sống rất trọn vẹn trong lý tưởng và đã có cơ hội đóng góp rất thật với niềm tin của họ. Tham gia MT họ cũng đã được chứng kiến những sự hy sinh đáng quý phục của biết bao đoàn viên trong tổ chức, bên cạnh những kháng chiến quân đi làm lịch sử.  

Ngược giòng thời gian, vào thập niên 80s lòng người Việt khắp nơi như bừng bừng nổi sóng trước sự tàn bạo dã man của cộng sản đến từ miền Bắc. Đối với những người dân miền Nam chạy thoát khỏi chế độ cộng sản đến được bến bờ tự do ai ai cũng không quên những người ở lại. Họ theo rõi tin tức hằng ngày từ quê nhà, đau xót trước những thảm trạng thuyền nhân trên con đường vượt biển, thương cảm cho số phận của những người tù cải tạo bị đầy đọa trong những trại tù trải dài từ Nam chí Bắc. Cạnh đó những chiến dịch đánh tư sản mại bản và tiểu tư sản để cướp đoạt của cải người dân của cộng sản, hay chính sách vô văn hóa vô đạo đức của cộng sản Hà Nội khi dậy cho con trẻ miền Nam phải tố cáo gia đình ông bà cha mẹ với các cán bộ hướng dẫn ở trường khiến mọi người càng hãi hùng. Vì thế tham gia đấu tranh để chấm dứt chế độ cộng sản trên đất nước lúc bấy giờ là một điều cần thiết và là lý tưởng của người Việt quốc gia.

Dưới sự hướng dẫn của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh tổ chức MTQGTNGPVN lúc đó là một trong những tổ chức đấu tranh cách mạng có mặt sớm nhất tại hải ngoại. Qua đường lối đấu tranh đề ra trong Cương Lĩnh, MTQGTNGPVN đã quy tụ được những con người ưu tú Việt Nam trên toàn thế giới và đã trở nên một mối đe dọa cho chế độ cầm quyền Bắc Việt.

Do tình yêu đất nước, nhân tố chính, chỉ trong một thời gian ngắn tổ chức MTQGTNGPVN đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ gắn bó những đoàn viên Mặt Trận vào một đại gia đình. Là  một thành viên, người viết đã chứng kiến những đoàn viên Mặt Trận đi đến đâu, bất cứ tiểu bang nào, hay đất nước nào trên thế giới, họ cũng đều được các chiến hữu tại địa phương tiếp đãi thân thiện, nồng nàn như người thân trong nhà. Tất cả những đóng góp công sức hay tài lực của đoàn viên Mặt Trận lúc đó chỉ hướng về một mục đích chung là xây dựng một lực lượng cách mạng mạnh đủ sức để đương đầu với guồng máy độc tài Hà Nội.

Tham gia tổ chức đấu tranh cách mạng MTQGTNGPVN khi đó có đủ mọi thành phần: bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thương gia, cựu sĩ quan, cựu tù nhân chính trị, sinh viên, người công nhân, người ngư phủ, bà nội trợ, em học sinh, người già, người trẻ, nam và nữ, vân vân. Có nhiều trường hợp nguyên cả gia đình tham gia đấu tranh, ông bà cha mẹ vợ chồng con cái đều trở thành chiến hữu của nhau. Tình gia đình và tình nước hòa chung. Không giai cấp, không phân biệt. Sự gắn bó giữa người với người trong Mặt Trận vào những ngày tháng đó thật là tuyệt diệu. Tất cả đều cho việc chung, mọi hy sinh đều hướng đến đất nước. Có những chuyến đi công tác xuyên bang của lãnh đạo để gặp gỡ thân hữu, đến nữa đêm 2, 3 giờ sáng đoàn xe mới tới, nhưng người chờ gặp vẫn đông đúc rộn ràng, gặp nhau vui mừng cười nói, với những cái bắt tay thật chặt và ấm áp.

Tại cơ sở địa phương Houston những ngày tháng đó người viết còn nhớ hàng tháng các anh chị em chiến hữu đã hẹn gặp nhau để bàn bạc về tình hình đất nước, về những công tác đẩy lùi ảnh hưởng của cộng sản tại hải ngoại, về sự xây dựng cộng đồng người Việt quốc gia, về công tác ngoại vận và quốc tế vận, về nhu cầu phát triển cơ sở địa phương, và không kém quan trọng đó là công tác yểm trợ kháng chiến quốc nội.
Có một công tác không thể không nhắc đến của MTQGTNGPVN lúc bấy giờ là công tác phủ nhận ngày Quốc Khánh 2 tháng 9 của Việt Cộng qua việc vận động lấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày Quốc Khánh của người Việt tại hải ngoại. Công tác này đã được các cơ sở Mặt Trận cùng đồng bào hải ngoại thực hiện trong suốt nhiều năm, đã gây tiếng vang trên thế giới và khiến cho cộng sản phải lúng túng. Điều này cũng là lý do ngay sau khi tại hải ngoại Mặt Trận không còn thực hiện ngày “Ghi Ơn Quốc Tổ, Mừng Ngày Quốc Khánh” thì trong nước Việt Cộng đã nhanh chóng tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương một cách rầm rộ với sự hiện diện của thủ tướng Việt cộng Phan Văn Khải.
26 năm trôi qua, các KCQ Việt Nam không còn nhưng tinh thần các anh không mất. Hy sinh cho lý tưởng tự do các anh đã cho tuổi trẻ Việt Nam sự tự tin về truyền thống bất khuất của cha ông, cho hải ngoại và các chiến hữu của các anh sự tự hào vào những người đi trước. Cho ý niệm “đấu tranh toàn dân toàn diện để chấm dứt chế độ Cộng sản trên đất nước”, và “bài toán Việt Nam phải do chính người Việt Nam giải quyết” của cố chủ tịch Hoàng Cơ Minh vẫn có giá trị trong cuộc đấu tranh chung.

Những chỉ trích về Mặt Trận QGTNGPVN ngày nay tuy vẫn còn nhưng không ai có thể phủ nhận sự đóng góp của MT và sự hy sinh của những kháng chiến quân thuộc MT. Những hoạt động đấu tranh chống cộng của MT cùng người Việt hải ngoại trong suốt thập niên 80s đã khiến cộng sản phải hãi sợ. Đầu thập niên 1990s khi có dịp về nước tác giả bài viết có được nghe một cán bộ cộng sản kể về một buổi họp chi bộ tại Hà Nội trong đó cán bộ cộng sản được khuyến cáo phải đề phòng tổ chức Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh cho dù khi đó CSVN cho rằng họ đã tiêu diệt toàn bộ KCQ HCM tại Nam Lào. 

Tưởng niệm các chiến hữu Đông Tiến, hôm nay nhắc lại chuyện cũ để tỏ lòng tri ân những người nằm xuống. Các chiến hữu đã cho người viết một lý tưởng để đi và một cuộc đời ý nghĩa để sống. Các chiến hữu đã biến đổi người viết từ một người phụ nữ e dè, tránh xa đám đông, an phận thủ thường, không thích chính trị, thành một người quan tâm tới số phận dân tộc, thương cho những người nghèo cô thế và đấu tranh cho sự bất công.

Tiếp nối ước mong của các anh, người viết nguyện sẽ làm tất cả những gì trong khả năng để cho những thế hệ tiếp nối biết được những tội ác của Cộng sản Việt Nam để tất cả cùng tiếp tục đấu tranh cho đất nước.

Tháng Tám năm nay, xin thắp nén hương khấn nguyện, cầu xin hồn thiêng sông núi và những chiến hữu kháng chiến quân Đông Tiến, cùng tất cả những anh hùng liệt nữ Việt Nam, độ trì cho công cuộc đấu tranh chung sớm chấm dứt chế độ Việt Cộng trên đất nước, để con người Việt Nam sẽ có lại một tương lai tươi sáng, trong tự do dân chủ và ấm no nhân bản.