Sunday 6 October 2013

Đắng Ngọt - Trần thị LaiHồng


 
                                 Rau Đắng

Bờ biển Hoa bang Florida không nhiều đá. Từ mặt nước bước lên, cát vàng trải dài khoảng trăm bộ, tiếp nối là bãi rau muống biển, lau sậy, những hàng cây tra, và lác đác mấy dãy dừa lả ngọn.

Công viên Jupiter nằm giữa  những rặng dừa, tra, và xa lộ 1. Như hầu hết khu vực công cộng, nơi này cũng được hoa chăm cỏ xén lối phẳng cây trồng. Có khác chăng, là những tảng đá khá lớn rải rác vệ đường và dọc lối xuống bãi tắm. Những tảng đá lớn cỡ ghế bành, phẳng nhưng không lì. Sù sì, vân vi. Nhiều tảng có đường nét kỳ ảo như đẽo gọt, khắc, khảm. Những nét hải sản hóa thạch.

Lần đầu tiên khám phá vạt đá, tôi mải mê nhìn ngắm và mân mê sờ mó dấu vết đời sống để lại, có thể mấy chục mấy trăm năm …từ bên này Đại Tây dương hay bên kia, từ Bắc băng dương dạt về hay từ Nam lội ngược. Chỗ lõm của đỉnh ốc. Nét lượn cong viền vỏ sò. Vết hằn dấu dã tràng…

Dọc theo bờ có một vùng đá ngầm, chỉ khi triều xuống thật thấp mới lộ rõ. Vòm đá tròn, lối mòn xoáy nước xuyên ngang dãy thạch nhũ dẫn vào một hốc nhỏ chỉ bàn tay luồn vào được, nhưng khi ghé nghiêng mắt, bên trong là hang động tí hon lấp lánh xà cừ phản chiếu nắng sớm. Cũng lung linh, cũng nguy nga như một ngôi đền nhỏ.

Thường tôi chỉ quẩn quanh vùng đá ngầm và những tảng đá lớn lề đường.
Một hôm, cạnh mấy tảng đá đẹp nhất, tôi bỗng phát giác mấy nhánh xanh lá mọng màu ngọc nõn điểm hoa trắng, rất quen thuộc. Rau Đắng.

Đó là một loại cỏ đa niên thường bò trên bờ ruộng đất ẩm hoặc đất pha cát cạnh bờ ao, hồ, sông, biển … Thân nhỏ nhưng mập mọng tròn như sợi giây gai xanh, lá xinh như những móng tay nhỏ, mọc đối nhau, vị rất đắng. Ngắt một cọng nhâm nhi. 
Rau Đắng. Chính là Rau Đắng.

***
Hai chiếc trực thăng lần lượt đáp xuống thửa ruộng, thả đám sinh viên lên đường công tác vào làng mạc. Họ đang làm việc điều nghiên thu thập ý kiến, nhận xét và phản ứng cũng như đề nghị của dân quê – chọn theo lối random, bốc thăm – về ảnh hưởng những cuộc hành quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa càn quét tảo thanh Việt Cộng nằm vùng xôi đậu, về chiến dịch chiêu hồi, về việc ngăn chặn sự xâm nhập của bộ đội Cộng sản Bắc Việt, về những đợt dội bom trải thảm B-52… 

Các cuộc điều nghiên thăm dò công luận này do Viện Gallup bên Mỹ thực hiện, với hợp tác của Phòng Thông tin Hoa Kỳ tại ViệtNam – Juspao – và Trung tâm Nghiên cứu ViệtNam, từ năm 1965 cho đến 1970. 

Phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ mắc mưu thâm độc tuyên truyền của Cộng sản,  đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève và việc Hoa Kỳ rút khỏi ViệtNam, dẫn hậu quả mở đường cho Cộng sản Hà Nội tràn ngập miền Nam, thôn tính ViệtNam Cộng hòa và cuộc di tản 1975 của trên triệu người Việt trôi giạt khắp nơi trên thế giới. 

Là trưởng toán, thường không phải trực tiếp công tác mà chỉ giúp phân phối và điều hành, kiểm soát những bản điều nghiên, nhưng lần này, có phóng viên đài CBS theo làm phóng sự tại chỗ, và tôi được/bị chọn làm đối tượng thu hình.

Buổi sáng, có xe đón đến xóm làng Chòi, rồi từ cổng làng thả bộ tiến sâu vào một căn nhà khá khang trang của ông Bốn Nửa. Sau đó là một nhà khác, mái tranh phên nứa oằn dưới lùm cây leo hoa tím hồng, có hai cây xoài lớn hai bên. 

Cả hai nơi, cuộc phỏng vấn diễn ra riêng rẽ, không bị ống kính CBS phiền hà.

Chủ căn mái lá phủ đầy hoa tím là một bà già, tuổi chừng 60 là cùng mà trông hom hem còm cõi, tóc thưa búi củ tỏi nhiều muối hơn tiêu, trán hằn rãnh, mắt hấp hem kèm nhèm, miệng móm xọm, răng lổn nhổn thiếu nên giọng  “nẫu” thêm thều thào trệu trạo;

-        Chơ mần chi mà đi xa dữ hèn ?

-        Nói giọng chi nghe “dẹ dẹ” quá heng !

-        Tui ở đây từ thở cha sinh mẹ đẻ, xưa yên bình mà nay loạn không yên. Tui con bốn đứa … Hai gái lấy chồng xa phố chợ lâu lâu mới dzià. Hai trai thì … thằng lớn nhảy núi rồi vô bưng vô biền, thằng nhỏ đi lính bảo an cộng hòa. Lâu lâu  tụi nó về, khi thằng anh về thì thằng em không có. Thằng anh đi thì thằng em về, như chơi cút bắt trốn tìm dzậy cà !!!! Chỉ tội tui và chòm xóm. Đứa mô về thì ai cũng khổ. Mà oánh nhau gì đâu chỉ có dân tai bay vạ gió lãnh đủ. Đắp mô đào hầm, thụt cà nông bắn sẻ chôn mìn ….

-         Sớm mơi chừ đi nắng mệt, chắc khát khô cổ rồi! Tui mời ăn chè ni mới nấu hồi sáng sớm. Ăn vô giải nhiệt khỏe đầu óc …

-        Dạ, bác cho thì con cám ơn. Mà chè chi dzậy bác ???

-        Chè… Chè rau đắng.

Bà bưng ra một khay gỗ nhỏ cũ kỹ, trên để hai chén đất thô mẻ miệng và hai muỗng nhôm méo mó.

-        Ăn đi! Mát lắm!

-        Dạ… Mời bác.

Tôi ngại ngùng nhưng cũng múc một muỗng, ngậm nghe vị đắng thoạt chạm đầu lưỡi, trôi qua khẩu cái chuyển sang ngọt dịu rất lạ.

-        Rau đắng đó! Ngoài ruộng thiếu khối… Đắng mà lại ngọt mới lạ. Mà mát lắm, mát lắm!!!!

Giã từ bà già, tôi và anh chàng phóng viên CBS tìm về điểm hẹn thửa ruộng.  Đúng như bà già nói, bờ ruộng – những con đường dường –  đầy rau đắng. Thân tròn lẳn như sợi giây gai xanh, lá nhỏ mọc đối phiến thuôn dẹp mọng dài cỡ đốt tay, gân chánh khó thấy, hoa cô độc 5 cánh trắng ở nách lá, đơn sơ, mộc mạc.

Bốn giờ chiều. Chiếc trực thăng thứ nhất đúng hẹn phần phật đáp. Đưa tôi và các bạn toán công tác thứ nhất về chỗ trọ tỉnh lỵ Tuy Hòa. Chiếc thứ hai đúng hẹn, nhưng toán sinh viên không trở lại.
Họ bị bộ đội vừa về đêm trước lùa lên núi. Vùng xôi đậu, nay đen mai trắng, mốt trắng tê đen. Tin báo cho tọa độ đã trật chìa. Rủi may thay đổi khôn lường.

Dưới lùm giây leo hoa tím, không ngờ về sau khám phá là nơi ngụy trang một hầm bí mật kiểu địa đạo thông ra giao thông hào nối về chân núi để bộ đội đi đi về về ẩn ẩn hiện hiện trà trộn trong làng. Hẳn thằng con lớn của bà già vừa về đêm trước đã lắng nghe hết đầu đuôi buổi “nói chuyện.” Ống kính CBS thu hình những chùm hoa tím trên mái nâu, chẳng thấy được lớp rơm rạ tủ hai gốc xoài ủ luôn miệng địa đạo.
***

Chuyến về thăm quê hương lần đầu tiên, tôi năn nỉ xin chồng cho đi thăm làng Chòi Phú Yên.
Căn nhà lá mái khang trang xưa nay đã đổi chủ. Nhưng túp lều tranh oằn dưới lùm cây leo hoa tím vẫn còn. Một bà cụ, lần này đúng là một bà lão đúng tuổi cụ lưng cong oằn trên gậy trúc khua đường, tóc lèo tèo mấy sợi cước bạc phau, trán sâu hằn xếp nếp thời gian, lông mày lông mi cũng trắng, mắt nhòa nhấp nhem không nhìn ai rõ mặt, miệng móm mém dúm dó xọm lõm thốt giọng phều phào trệu trạo.  Chuyện xưa nhắc hỏi thăm phải lập đi lập lại vào tai. Bà cụ lắc đầu quơ tay.

-        Thằng con lớn đi luôn không về. Trong trận Vũng Rô năm 1965, thằng anh trong đội du kích chết mất xác đâu trên núi… Thằng em bảo an ngụy thì Mậu Thân 68 cũng vùi thây khi bộ đội tấn công Tuy Hòa…

Tui được phong là mẹ liệt sĩ nhưng chẳng được chi vì mắc tội có thằng con ngụy ... Hai đứa con gái cũng tan hoang nhà cửa ly tán, một đứa thành bà góa về đây với một bầy cháu lúc nhúc tối ngày đi bươi rác. Còn đứa tê theo chồng chạy đâu tuốt thiệt xa biệt mù cà cưỡng  …

-        Rau đắng? Đắng quá! Chừ không ai màng hái chớ nói chi chuyện ăn! Chừ ai cũng ăn ngọt …

-        Cô cho tui chi đây? Đường. À, đường phèn…Tui chừ cũng không ăn rau đắng nữa, không nhai được, hết răng rồi. Nhưng đường phèn thì ngậm ngọt …

Chiến tranh vị đắng. Lòng  mẹ hiền như đường mía lau ngọt. Lòng dân lành luôn ngọt. Đường ngọt làm dịu vị đắng của rau. Nhưng tình mẹ và lòng dân không pha loãng nổi vị đắng chiến tranh còn đọng lại in hằn trong trái tim, trong tâm hồn .…


Chú thích và tài liệu tham khảo :
-      Trận Vũng Rô năm 1965 và Tàu Không Số tức là Tàu 143 là trận khám phá tàu cộng sản Bắc Việt lén lút chở vũ khí do Trung Cộng và Nga sô tiếp tế xâm nhập vào miền Nam qua ngả biển. Tàu bị bắn cháy rụi, bộ đội Bắc Việt và du kích bị sát hại, một số thoát lên ngả Trường Sơn rồi chạy về Bắc. 
Bài viết của Cánh Thép Vũ Thất trong link :

Chi tiết và hình ảnh rất đầy đủ gom trong hồ sơ bên dưới. Mời download để đọc. 

Trận Vũng Rô.docx
Trận Vũng Rô.docx
241K   View   Download  

       Thêm chi tiết tiếng Anh trong link  http://vnafmamn.com/VungRo_incident.html

-        Reader’s Digest November 1968 “ The Blood-red Hands of  HoChiMinh”

-        Lữ Lan, Cuộc Chiến 30 Năm Nhìn Lại Từ  Đầu, 2006

-        Trọng Đạt, Cuộc Chiến tại Đất Nhà  http://to-quoc01.blogspot.com/2012/04/trong-at.html

-         Rau đắng : một loại cỏ đa niên mọc bò nơi đất cát ẩm hoặc đất ruộng nhiều cát hay doc bờ biển, trồng bằng hạt nhưng thông thường cắt cọng dăm vào nước là mọc rễ.

Tên khoa học là Bacopa monniera thường gọi là Herb of Grace, thuộc họ thực vật. Có nơi còn gọi là rau sam trắng. Được biết và khai thác từ 3,000 năm trước tại Ấn độ, gọi là Brahmi lấy từ gốc chữ Bhrama có nghĩa là Đấng Sáng tạo. Rau đắng thông dụng tại các nước Nam Á như Ấn độ, Sri Lanka, Thái Lan, Lào, ViệtNam, Nam dương, Phi luật tân… qua Hawaii, qua  mấy tiểu bang phía Nam Hoa kỳ, nhất là Florida.

Rau đắng có hoạt chất saponin gồm bacoside A và B, tác dụng gia tăng tuần hoàn não, chống ốc-xy-hóa  tế bào não, giúp tăng trí nhớ, tinh thần sáng suốt tỉnh táo, giúp chữa chứng động kinh, một số bệnh về đường ruột. …


Dùng làm thức ăn : trộn dầu giấm, làm gỏi, xào, nấu canh,  rau đắng mà nấu cá trê/ ai về lục tỉnh thì mê không rời … ăn sống chấm nước cá hay thịt kho, ăn với bún mắm, lẩu mắm, cháo cá kèo đệm rau đắng sống ….