Triều đại nhà Nguyễn cáo chung cách đây mới năm mươi hai năm (1945-1997); vậy mà mọi chuyện chừng như đã trở thành quá xưa cũ. Tất cả đều đã trở thành đồ cổ mất rồi. Trong mớ đồ cổ đó, có phần của Thầy tôi, tức bố tôi. Ông cụ, húy là Võ Văn Lang (1897-1977), là vị Nhứt đẳng Thị vệ cuối cùng của triều nhà Nguyễn. Tôi không có ý định viết về ông cụ. Anh chủ biên tạp chí TSH nhân khi nghe tôi kể những mảnh ký ức của thầy tôi về cung đình Huế đã xúi tôi cố ghi chép lại, vì “biết đâu có ích cho những nhà nghiên cứu sử sau này, vì đây là những điều chưa ai nói.” Vâng, vậy thì. . . .
Thầy tôi làm thị vệ trãi hai triều Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1925-1945). Thị vệ là bộ phận cận vệ của vua, ngày đêm thay phiên nhau có mặt bên cạnh vua, vừa lo bảo vệ vua, vừa lo hầu hạ mọi mặt, từ công việc triều đình đến đời sống riêng tư hàng ngày. Chỉ có thị vệ mới hàng ngày vào ra phòng ngủ của hoàng đế chứ không phải là thái giám.
Từ trước, các vua ăn ở và làm việc thường ngày tại điện Càn Thành. Điện Cần Chánh chỉ dùng để họp các phiên thường triều. Sau khi điện Kiến Trung hoàn tất, vua Khải Định dùng nơi này làm chỗ cư trú và làm việc hàng ngày, vì đầy đủ tiện nghi (điện, nước, điện thoại. . .) và khang trang hơn. Vua ở đâu thì thị vệ ở đó. Vì vậy, mặc dầu không được ở ngay trong điện Kiến Trung nhưng thị vệ cũng có chỗ ăn ở thường trực bên cạnh, gọi là Thị vệ xứ. Nếu nhìn về hướng bắc thì Thị vệ xứ là một dãy nhà trệt lợp ngói, nằm bên trái, xế về phía sau của địện Kiến Trung. Dãy nhà này chia ra làm nhiều căn. Non một nửa thuộc cánh phải là Thị vệ xứ, còn nửa kia dành cho các bộ phận phục dịch khác (nhà để xe, chỗ ở của tài xế, thợ máy, thừa phái. . . Số này đặt dưới sự sai phái sắp xếp của thị vệ) Hồi còn bé, có khi tôi được vào trong Nội, ở chơi với Thầy tôi hàng tuần, theo ông đi hết cung này tới điện nọ nên các cung điện và đồ đạc trong Nội đối với tôi dần dần trở thành quen thuộc. Sau này, khi thầy tôi tiếp tục trông coi Đại Nội thời Chính phủ Quốc Gia của Quốc Trưởng Bảo Đại (1949-1956) với chức vụ Chưởng vụ Đại Nội, tôi lại có nhiều dịp vào thăm, nhìn ngắm kỹ hơn và ý thức hơn.
Nhớ lại, khi tôi được vào chơi trong Nội thì thầy tôi đã được gọi là “Quan Nhứt” hay “Ông Nhứt” rồi, tức là đã lên đến Nhứt đẳng Thị vệ. Có lẽ vì đã làm đàn anh nên thầy tôi có được một phòng riêng trong Thị vệ xứ, còn các phòng khác thì thường ở chung hai người. Người ta thường gọi các ông thị vệ bằng đẳng trật, kèm theo cái tên (thấp nhất là Ngũ đẳng, cao nhất là Nhất đẳng), ví dụ ông Nhứt Lang, ông Ngũ Huệ v.v.
Thầy tôi thường gọi phòng làm việc của vua là phòng phê và bàn giấy của vua là bàn ngự phê. Đời Khải Định, bộ phận văn phòng của vua được đặt ở một nơi khác, gọi là Nội các, thường gọi tắt là Các . Đến đời Bảo Đại, từ 1932 trở đi, sau khi ở Pháp về, vua cho cải tổ lại nhiều mặt, trong đó, văn phòng của vua được gọi là Ngự tiền Văn phòng, cầm đầu là một Đổng lý. Các quan của Nội các đều lấy từ các bậc đại khoa (xuất thân tiến sĩ hay phó bảng), được đặc cách mang bài bạc chứ không phải bài ngà như các quan khác. Các quan ở Các, vừa có học vị cao, vừa được gần gũi với vua, nên cả triều đình đều nễ vì, kính trọng. Đời vua Khải Định chữ Hán đang còn thịnh. Vua thường phê giấy tờ bằng chữ Hán với bút son. Công việc của thị vệ trực tại phòng phê không những lo hầu trà, hầu thuốc, hầu quạt, mà còn cả việc mài mực, mài son, sắp đặt giấy tờ, đóng ấn, truyền đạt mệnh lệnh của vua. Cái ấn “Đại Nam Hoàng Đế Chi Bửu” bằng vàng ròng, nặng khoảng 5 kilo thường được đóng trên các đạo sắc phong và các giấy tờ quan trọng khác. Thầy tôi nói “Đóng ấn gì cũng lấy sức mà đè để nó ăn cho đều chứ còn với cái bửu ni thì cứ cầm cho vững, để nhè nhẹ lên hộp son, xong, nhắm vị trí trên tờ giấy cho ngay ngắn, rồi để xuống nhè nhẹ là tự nó ăn đều ngay.”
Vua thường chỉ thị cho các Bộ, Viện qua Nội các. Thị vệ là con thoi liên lạc giữa vua và Nội các. Muốn truyền một chỉ thị gì, đại khái vua sẽ nói với thị vệ trực rằng: “Này, X (tên thị vệ), truyền cho Các rằng ta . . . (nội dung chỉ thị)”. Sau khi nghe xong, Người thị vệ vái, tâu “Tuân mạng” rồi nhẹ nhàng lui ra, thi hành phận sự. Đến nơi làm việc của Nội các (ngày đêm đều có quan túc trực, gọi là trực thần) thị vệ hô “Hoàng đế truyền chỉ”. Trực thần vội sửa sang khăn áo tề chỉnh, đứng dậy với giấy bút cầm tay, sẵn sàng ghi chép, miệng nói “Dạ, chúng tôi xin tiếp chỉ”. Người Thị vệ lặp lại lời vua dặn, quan Nội các nghe đến đâu ghi đến đó. Nội dung này sẽ được trang trọng chép lại trên tờ giấy khác, cho vào tráp sơn son thếp vàng để đệ ngược trở lại cho vua xác nhận. Công việc này được gọi là thỉnh huấn. Vua đọc lại, nếu thấy nội dung do thị vệ truyền đạt phản ánh đúng ý của vua thì chỉ cần điểm một chấm son nơi đầu chữ Tấu (tâu), có nghĩa là đúng như vậy, đồng ý. Động tác này gọi là châu điểm. Còn nếu không, vua sẽ thêm bớt cho rõ ý hơn. Tờ giấy mang bút tích xác nhận đó sẽ được trả lại cho Các. Bấy giờ quan ở Các sẽ sao mệnh lệnh ấy ra, đóng ấn Nội các, rồi gởi cho Bộ, Viện hay người liên hệ thi hành, còn bản chính sẽ được lưu vào văn khố, về sau sẽ trở thành sử liệu để Quốc Sử Quán chép sử.
Người thị vệ vâng mệnh đi truyền lệnh mà sai ý vua, dĩ nhiên sẽ bị khiển trách. Do đó, ai cũng phải lo thi hành nghiêm túc. Khi được thăng Ngũ đẳng, thầy tôi chưa được ba mươi (ông sinh năm 1887), nghĩa là thuộc lọai trẻ trong quan trường, và theo ông cụ, sự lựa chọn ấy là do lòng ưu ái của vua Khải Định, vì “không biết răng mà Ngài thương thầy như con vậy, dạy vẻ từng chút một. Như chuyện đi thỉnh huấn đó, Ngài dạy: 'Vì các quan ở Các đều là bậc đại khoa, còn Lang là người của ta sai bảo. Lang làm sai, bị lỗi đã đành mà các quan ở Các còn nghĩ rằng ta dùng người bất xứng, như vậy ta cũng hổ lây. Vậy nên phải rất thận trọng. Khi ta bảo đi truyền chỉ, hãy lắng nghe cho kỹ. Có gì không hiểu hoặc nghe không rõ thì hỏi lại. Nhược bằng sợ mà không dám hỏi thì đứng yên đó, ta biết ý, sẽ giảng lại cho rõ nghe, nhận hiểu rồi mới đi. Khi nói, phải từ tốn, rõ ràng. Phải luôn luôn giữ gìn tư cách nghiêm chỉnh, vì đang thưà hành vương mạng' ” Sau khi kể lại câu chuyện đó, thầy tôi kết luận: Đó, con thấy không? Đó không phải là lời vua dặn bầy tôi. Đó là lời cha dạy con. Ông cũng nói thêm rằng sở dĩ ông có chút hiểu biết khá rành rẽ về trong Nội và nghi thức cung đình cũng là do vua Khải Định giảng dạy cả. Chẳng hạn khi hầu vua tới một cung điện nào đó, nếu có thì giờ, vua thường giảng cho biết ý nghĩa của tên cung điện, cung điện đó được xây dựng đời nào, để làm gì v.v.
Những chi tiết về bữa cơm của vua mà tôi dùng làm tài liệu để viết bài Thử bàn về ảnh hưởng cung đình trong phong cách Huế (TSH, 1993) cũng là do thầy tôi kể lại. Mâm cơm với ba mươi lăm phẩm vị (ba mươi lăm món) dành cho hòang đế có lẽ chỉ tồn tại dưới thời Khải Định. Tôi không được nghe kể về bữa ăn của vua Bảo Đại (mà cũng quên hỏi) nhưng tôi nghĩ vị hòang đế Tây học này hẳn không ưa nghi lễ rườm rà và thích không khí gia đình hơn.
Như tôi đã viết trong bài ấy, bộ phận lo bữa ăn hàng ngày cho vua và nội cung là Thượng thiện. Vua ăn cơm gọi là hòang đế ngự thiện. Hầu vua trong bữa ăn gọi là chầu thiện. Chầu thiện, ngoài thị vệ luôn luôn có mặt để hầu hạ, sai bảo, còn có hai vị quan từ tam tứ phẩm trở lên ngồi hầu chuyện với vua cho vui bữa ăn. Mùa nóng, thị vệ còn phải lo quạt hầu. Hồi đó đã có điện, nghĩa là có quạt điện, nhưng quạt hầu vẫn còn. Có lẽ đó là dấu hiệu của quyền quí? Quạt hầu là cả một kỹ thuật và nghệ thuật. Theo thầy tôi, khi quạt phải giữ lễ, nghĩa là không phải quạt bằng hai tay và quạt phành phạch để lấy gió cho nhiều, như quạt bếp, quạt lò. Cây quạt lông to như cái lá vả, cán gỗ sơn son, chỉ được cầm bằng tay mặt ( hồi trước, tối kỵ tay trái), còn tay trái thì khoanh ngang ngực, bàn tay dấu dưới nách phải, vừa có vẻ giữ lễ, vừa có công dụng đở bớt gánh nặng cho tay phải. Phải quạt thong thả, khoan thai, tạo thành ngọn gió mát tự nhiên nhẹ nhàng đưa qua, mát người mà không được làm bay giấy, bay tóc, hoặc làm bay miếng bánh tráng (bánh đa) nướng trong mâm cơm.
Riêng về món tráng miệng là do các bà phục vụ, hoặc trái cây, bánh ngọt, mứt hay chè. Mỗi bà, theo sáng kiến và tài nghệ riêng của thị nữ dưới tay, làm một món, đưa vào cho thị vệ dọn lên sau bữa ăn. Đó là chưa kể những món ngon vật lạ khác do các quan địa phương dâng tiến. Vì vậy, các món tráng miệng thường họp thành một khay lớn, gồm nhiều thứ, mỗi thứ một vẻ, một vị, chế biến tinh vi và nghệ thuật. Dĩ nhiên, vua không bao giờ dùng hết các món đó, chỉ nếm qua một đôi chút các món ưa thích, số còn lại thường ban phát cho thị vệ hoặc làm quà tặng cho các quan chầu thiện.
*
Vua Khải Định có hai bà vợ chính và hai hay ba bà vợ thứ khác. Triều nhà Nguyễn -- ngoại trừ vua Gia Long (vua đầu) và vua Bảo Đại (vua cuối) -- không có lệ phong hoàng hậu và đông cung thái tử. Các bà vợ chính sẽ được phong là Phi (Nhứt giai phi, Nhị giai phi. . . ) Hễ bà nào có con lên làm vua thì con sẽ phong cho mẹ làm Hoàng thái hậu. Bởi vậy mới có câu tử quí mẫu vinh (con quyền quí thì mẹ được vinh hiển). Trong hai bà phi của vua Khải Định, bà thứ hai họ Hoàng, người Mỹ Lợi (huyện Vinh Lộc, Thừa Thiên) sinh ra vua Bảo Đại sau này. Khi vua Khải Định sanh tiền, bà chỉ được phong làm Nhị giai phi mà thôi. Đến khi vua Bảo Đại lên ngôi mới phong tặng mẹ làm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (khi còn là bà Phi, bà ở viện Đoan Huy, một trong lục viện của nội cung), thường được gọi là Đức Từ Cung hay Đức Từ. Bà có con với vua Khải Định khi vua đang còn tiềm để, tức là thời đang còn là ông hoàng ở tại phủ An Định thuộc làng An Cựu. Sau này, khi đã làm vua, phủ An Định mới được xây dựng lại theo kiến trức mới, nguy nga bề thế hơn và được gọi là cung An Định. Người ta thường dùng chữ tiềm để để chỉ thời kỳ ông vua tương lai đang còn hàn vi. Tướng tinh của vua là rồng. Ông hoàng lúc hàn vi cũng ví như con rồng đang còn nằm phục ở đáy biển (tiềm để). Khi thời cơ tới thì rồng từ đáy biển vụt bay bổng lên trời, vùng vẫy tung mây lướt gió. Rồng mây gặp hội là vậy. Còn bà số một, Nhứt giai phi, là con gái của ông Hồ Đắc Trung, một vị đại thần có uy tín và thế lực của triều đình lúc bấy giờ. Theo lời kể của bà ngoại tôi, thời hàn vi ở phủ An Định, Đức Từ là một trong những người thiếp, thường được gọi là chị Út. Cơ trời đưa đẩy, chị Út lọt mắt xanh ông hoàng phủ An Định và sinh ra hoàng tử Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại sau này. Có lần tôi hỏi thầy tôi: “ Dạ, tại răng ngài (chỉ vua Khải Định) gặp và có con với Đức Từ từ hồi còn là ông hoàng ở phủ An Định, vậy mà khi làm vua lại cưới thêm một bà nữa và lại phong cho bà sau này làm Nhứt giai phi, còn Đức Từ chỉ là Nhị giai phi mà thôi ?” Thầy tôi cắt nghĩa khá dài, đại khái, đó là một cuộc hôn nhân có tính cách chính trị. Vua Khải Định lên ngôi năm 1916, sau khi vua Duy Tân mưu cùng hai nhà cách mạng Trần Cao Vân và Thái Phiên lật đổ người Pháp không thành và bị đày sang Algérie (Phi châu). Ông Hồ Đắc Trung là quan đầu triều lúc bấy giờ, có uy tín và thế lực. Tuy rằng vua Khải Định đã có vợ và có con nhưng đây là cuộc hôn nhân không cưới hỏi, nghĩa là không chính thức, không đúng nghi lễ. Do đó, dưới ảnh hưởng của ông Hồ Đắc Trung, Triều đình đã đứng ra cưới vợ cho vua, và vua trở thành rễ của quan đầu triều. Mặc dầu bà là người đến sau nhưng do Triều đình cưới hỏi, có danh nghĩa to lớn, lại con nhà gia thế nên đương nhiên phải giữ ngôi vị thứ nhất.
Hễ nói đến hoàng hậu và công chúa thì mười người như một đều nghĩ rằng các bà này hẳn phải sắc nước hương trời. Tôi cũng không ra ngoài lệ đó, nên hỏi thầy tôi : “Dạ, chắc bà con cụ Trung đẹp ghê lắm ?” Thầy tôi cười, bảo: “Không, không đẹp lắm, nước da bồ quân chứ không phải trắng. Người nghiêm trang, thùy mị” . Cụ Khổng (?) dạy rằng “phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là trong cư xử, vợ chồng phải kính trọng nhau như khách. Ai đâu thì không biết chứ theo lời kể của thầy tôi thì quan hệ tình cảm giữa vua Khải Định và bà Nhứt giai phi họ Hồ là điển hình cho lời dạy đó. Vua ở một mình tại điện Kiến Trung. Thỉnh thoảng, bà đến thăm chồng, thường là ban tối. Trong khu Tử Cấm Thành trong Đại Nội, các cung điện được nối nhau bằng những dãy hành lang lát gạch Bát Tràng có mái che mưa nắng lợp ngói, gọi là nhà cầu. Có những dãy nhà cầu dài hun hút. Có những dãy nhà cầu có tường che chắn một bên nếu bên ấy xây về hướng bắc, để ngăn mưa gió mùa đông. Nhà cầu được chiếu sáng về đêm bằng đèn điện. Dầu vậy, khi bà Phi đi thăm vua, thường có hai thị nữ đi trước cầm đèn lồng và hai thị nữ đi sau hầu hạ. Vua ngồi trên sập hay bàn. Sau khi vái chào, bà Phi được vua mời ngồi nơi ghế do thị vệ mang lại. Vua gọi vợ bằng bà và bà Phi gọi vua bằng hoàng đế hay ngài. Hai bên hỏi thăm sức khỏe của nhau và nói chuyện với nhau như khách. Chừng mươi lăm phút là chấm dứt buổi thăm.
Người ta thường đồn rằng vua Khải Định bất lực nên không thích gần đàn bà. Vì vậy, cũng có nhiều lời đồn đãi về gốc gác vua Bảo Đại, cho rằng ông không phải là con vua Khải Định. Điều này thật khó xác định và tôi cũng chưa bao giờ hỏi thầy tôi về việc này vì cảm thấy rằng hỏi như thế có vẻ phạm thượng và chắc chắn sẽ làm cho ông phật ý. Trong khi đó, một người không có dính dáng gì đến vua quan thì lại có một thông tin rất độc đáo, đó là bà ngoại tôi. Bà người ở Vạn Vạn, có hàng quán ở chợ An Cựu, cung cấp thực phẩm cho phủ An Định (vua Khải Định bấy giờ đang còn là ông Hoàng) nên có dịp vào ra nơi này và có cơ hội chuyện trò với kẻ ăn người làm trong đó. Bà ngoại tôi kể rằng khi thấy chị Út có bầu, Đức Tiên Cung và Đức Thánh Cung ( tiếng tôn xưng hai bà vợ của vua Đồng Khánh; một bà là chánh mẫu, một bà là mẹ đẻ của vua Khải Định) đã mở một cuộc tra hỏi gắt gao, xem tác giả là ai. Khi nghe khai tác giả là ông hoàng phủ An Định, hai bà bắt khai ngày tháng gần nhau, bảo ghi sổ và hăm “ Nếu sau ni mi đẻ không đúng ngày đúng tháng thì tau chém đầu ba họ”. Chị Út đã khóc lóc cam đoan là đúng sự thật. Hai bà đem việc này hỏi ông hoàng, cũng được xác nhận như thế. Đến khi sinh ra, tính ngày tháng đúng y như đã khai nên hai ngài bề trên mới cho công nhận người con của chị Út sinh ra là giòng giõi Nguyễn phước tộc. Bà tôi kể chuyện này là để chứng minh quan điểm của bà rằng “Ở đời, cái chi cũng do số Trời định đoạt cả”.
Giữa những chuyện đồn đãi về nguồn gốc vua Bảo Đại, tôi nghĩ rằng người ta quên một điều rất quan trọng, đó là việc hoàng tử Vĩnh Thụy được sinh ra và được công nhận là chính thống ngay từ khi vua Khải Định đang còn tiềm để, nghĩa là đang còn là một ông hoàng ngồi chờ thời. Đang là một ông hoàng chờ thời, vậy mà đã toan tính nuôi con người khác để chờ kế vị? Làm sao có chuyện ngược đời đến thế? Tôi cũng nghĩ rằng bà ngoại tôi là người dân giả thật thà, chỉ vì việc sinh nhai mà có cơ hội tiếp cận phủ An Định, nhờ đó mới được biết câu chuyện độc đáo như thế. Đứng về mặt phương pháp sử mà xét, đó là nguồn tin chưa bị ô nhiễm.
Trở lại bà Nhứt giai phi họ Hồ một chút. Sau khi vua Khải Định băng hà, hoàng tử Vĩnh Thụy nối ngôi tức vua Bảo Đại. Tử quí thì mẫu vinh. Cái cảnh bà Nhị giai phi họ Hoàng trở thành đấng mẫu nghi thiên hạ, ai ai cũng kính cẩn phục tùng càng làm cho bà Nhứt giai phi họ Hồ thêm cám cảnh bẽ bàng. Nghe đâu về sau bà xin xuất giá (?). Dưới thời Tổng Thống Diệm, bà vẫn còn được chính phủ trợ cấp và nghe nói người ta thường gặp bà đi lang thang, người không được bình thường.
*
Vua Khải Định mất sớm, hình như mới ngoài 40 và nghe đâu vì chứng lao xương. Chữa bệnh cho vua theo tây y thì có bác sĩ Normet (?, còn đông y thì có Thái y viện. Thầy tôi kể rằng thuốc vua dùng chỉ sắc có một nước. Để tăng cường sức khỏe cho vua, Thái y viện dâng thang thuốc bổ. Sau khi sắc nước đầu dâng vua, một y sinh thấy xác thuốc còn tốt quá, tiếc của đời, không nở vất đi, bèn đem phơi khô. Tích trử được mấy chục thang như vậy, ông ta đem tán làm thành thuốc tể, bán lại cho một anh thợ hớt tóc bị lao. Anh thợ hớt tóc uống xong tể thuốc, lành bệnh, mập mạnh hơn xưa. Thầy tôi kể câu chuyện này nhân nói chuyện về cách sắc thuốc bắc, và theo ông cụ, thuốc bắc mà sắc một nước là phí của.
Mặc dầu được đông, tây y tận tình chữa trị nhưng bệnh tình của vua không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngoài lễ cầu an chính thức ở các chùa, các bà nội cung nghe đền miếu nào linh thiêng là cho ngay thị nữ thân tín đem lễ vật đến cầu xin cho vua được tai qua nạn khỏi. Hồi đó nhà thờ La Vang ở Quảng Trị ( trở thành Vương cung Thánh đường thời Tổng thống Diệm) có tiếng là thiêng nên bà Nhị giai phi cũng cho người đến cầu cúng, dù vua không phải là người theo Thiên Chúa giáo.
Có lẽ biết rõ bệnh tình của mình nên vua Khải Định lo soạn sẵn di chiếu để đề phòng sự ra đi đột ngột. Tôi hỏi :
-Dạ, di chiếu đó là do ngài tự tay viết hay ngài đọc cho các quan viết ?
-Ngài viết nháp trên một cuốn vở học trò bằng viết chì rồi sau đó quan Nội các chép lại, ngài duyệt và cho đóng ấn, niêm phong. Cuốn vở và cây viết khi nào cũng để sẵn nơi cái bàn đầu giường, khi nào khoẻ thì ngài biểu kê cái gối cao lên và lót gối dựa đở lưng, rồi nửa nằm nửa ngồi mà viết, một lát mệt, lại nghỉ.
Thầy tôi rất thán phục bản di chiếu này vì trong đó vua Khải Định đã dự kiến hiểm họa cọng sản mà người kế vị sẽ phải đương đầu. Thầy tôi nói “Ngài thường nói ta sợ sau này con ta khổ vì nạn cọng sản thôi”. Nếu ta biết rằng vua Khải Định băng hà năm 1925, lúc đó cọng sản Việt Nam mới manh nha, vậy mà sớm thấy được mối đại họa đó thì thật là phi thường. Sau này, dường như tôi có đọc đâu đó một sử gia Pháp viết về lịch sử Việt Nam cận đại cũng đã có nhận xét rằng bản di chiếu của vua Khải Định là một di chiếu tiên tri khi đề cập đến hiểm họa cọng sản ở Việt Nam rất sớm, khi chưa có dấu hiệu nào đáng quan ngại.
Người chủ trì đám tang vua Khải Định là ông Hồ Đắc Trung, nhạc gia của vua. Khi vua băng hà thì sở lăng ở Châu Ê thường gọi là lăng Khải Định, xây chưa xong (khởi công từ 1920, đến 1931 mới hoàn thành). Trong khu vực lăng tẩm của các vua chúa, nơi chôn quan tài là vị trí bí mật nhất. Chính vì muốn bảo mật vị trí này mà ngưới ta đồn đãi rằng thợ xây cất nơi đó đều bị giết chết để tuyệt đường tin tức. Như trường hợp lăng Minh Mạng và lăng Tự Đức, đó là cả một khu rừng, chả biết nơi nào mà rờ. Còn lăng Khải Định thì lại khác, không thấy khu rừng mai táng đâu cả. Ai đã vào thăm bên trong lăng, đều thấy trong chính điện có tượng của vua mặc triều phục ngồi trên ngai. Người ta nói rằng bên dưới cái bệ vua ngồi chính là nơi đặt quan tài. Tôi đem việc này hỏi thì được thầy tôi trả lời:
Không chắc như vậy. Sau khi thầy địa lý tìm được huyệt tốt, nhắm hướng, phân kim đàng hoàng và chỗ đó được xây khuôn tĩnh bằng gạch hay đá Thanh thật chắc chắn. Thầy địa lý kiểm soát lại phương hướng kỹ càng và cho đặt bốn góc bốn mốc bằng đá, để cho quan tài phải nằm đúng vị trí giữa các mốc đó. Xong, người ta đặt một hệ thống róc rách và một đường ray (rail) từ đó dẫn ra xa. Huyệt mã và đường ray được xây thành một đường hầm, ở trên che kín và lấp đất lại, trồng cây cỏ hay xây dựng gì đó để ngụy trang; cửa vào đường hầm được niêm phong. Sau khi đã lấp đất che phủ toàn bộ thì mấy ai biết đích xác cái tẩm (nơi đặt quan tài) nằm chỗ nào. Nói rằng quan tài được hạ huyệt như đám ma thường, là không đúng. Quan tài có bánh xe ở dưới, được đặt trên đường ray, như toa xe nằm trên đường ray vậy. Tới giờ hạ huyệt, lính chỉ việc đứng hai hàng hai bên đường ray, nắm dây mà kéo, quan tài theo đường ray đi vào trong, đến khi đụng cái mốc bằng đá thì dừng lại. Bấy giờ cụ Hồ Đắc Trung mới đích thân cầm đèn một mình đi vào trong hầm kiểm soát lần cuối xem quan đã nằm đúng vị trí tính toán chưa. Khi thấy đâu vào đấy, cụ trở ra, cho lệnh hạ cánh cửa đá để đóng huyệt lại. Còn cửa vào đường hầm cũng được ngụy trang, xoá hết mọi dấu vết, vậy làm sao biết chắc là nơi nào?
Khi vua Khải Định băng hà, hoàng tử Vĩnh Thụy mới 12 tuổi, đang học ở Pháp. Về nước nối ngôi và chịu tang vua cha xong, vua Bảo Đại lại tiếp tục sang Pháp học cho tới năm 1932 mới về nước cầm quyền. Một trong những cải cách đầu tiên của ông vua tây học này là bỏ phép lạy khi triều bái. Về lạy, có nhiều cách. Lạy người sống thì hai lạy, lạy ông bà tổ tiên khi cúng giỗ thì bốn lạy, nhưng lạy vua phải đến năm lạy. Vua Bảo Đại cho rút gọn lại còn ba xá (hành tam khấu lễ). Việc cải cách quan trọng nhất của vua là cho về hưu một loạt năm ông đại thần cựu học nắm giữ năm bộ của chính phủ Nam triều để thay vào đó bằng những người có tây học (chẳng hạn học giả Phạm Quỳnh, quan Tuần phủ Ngô Đình Diệm). Đây là một biến cố chính trị lớn lúc đó, nên có người đã làm bài thơ theo kiểu chơi chữ như sau:
Năm cụ khi không rớt cái ình,
Đất bằng sấm dậy, thảy đều kinh.
Bài không đeo nữa, xin dâng lại;
Đàn chẳng ai nghe, khéo dở hình.
Liệu thế không xong, binh chẳng đặng;
Liêm đành giữ trọn, lễ dừng rinh.
Công danh như rứa đà hưu hỉ,
Đại sự xin nhường lũ hậu sinh.
Năm ông Thượng thư hưu trí là:
1. Ông Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại (Nội vụ);
2. Ông Tôn Thất Đàn, Thượng thư Bộ Hình (Tư pháp);
3. Ông Phạm Liệu, Thượng thư Bộ Binh (Quốc phòng);
4. Ông Võ Liêm , Thượng thư Bộ Lễ (Giáo dục và Nghi lễ)
5. Ông Vương Tứ Đại, Thượng thư Bộ Công ( Xây dựng)
Cái khéo của bài thơ là trong mỗi một câu vừa mô tả sự việc, vừa ghép được tên ông quan cùng cơ quan họ đảm trách, chưa kể cái ý nhẹ nhàng châm biếm trong đó. Phải là tay làm thơ Đường tài ba mới chơi chữ được như thế. Vì vậy, bài thơ rất được truyền tụng và trở thành giai thọai văn chương của đất thần kinh. Và khi đã trở thành giai thọai thì dễ lâm vào cảnh tam sao thất bản. Người ta gán ghép bài thơ cho ông này ông kia là tác giả mà không nghe ai nói tới nhân vật thầy tôi đề cập. Khi tôi còn học trung học, chính thầy tôi đọc cho nghe bài thơ này, cắt nghĩa về xuất xứ và ý nghĩa, tôi thích quá, học thuộc lòng cho đến giờ.
Theo ông cụ, tác giả bài thơ là một nhân vật người Quảng Trị, đang làm quan trong triều. Ông tên là Võ Cẩn, khoa bảng xuất thân, học rất giỏi, tính tình lại ngay thẳng, cương trực, có phần cao ngạo là đằng khác, không sợ mất lòng ai bao giờ, dù là quan lớn cấp trên. Khi đứng nói chuyện, thường chống nạnh sau lưng bằng cách xỏ cả hai tay vào lưng quần. Trong triều ai cũng nễ, không gọi ông bằng chức tước mà gọi tôn là tiên sanh. Sau này, do một sự tình cờ, tôi được kết bạn với một người cháu gọi ông Võ Cẩn bằng ông, đó là anh Võ Huyến, nguyên Chỉ huy phó Cảnh Sát Quốc Gia Quảng Trị trước 1975. Chính anh Huyến xác nhận chuyện thầy tôi kể về bài thơ thời thế năm 1932 và cho biết còn bút tích của tác giả.