Tuesday 22 October 2013

Thanh Phương RFI / Viện Khổng Tử hay cuộc xâm lăng văn hóa Trung Quốc ?

Trong bản tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc nhân chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hà Nội giữa tháng 10 vừa qua, hai quốc gia đã thông báo « nhất trí » thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam. 



Thật ra, Viện Khổng tử đã được Trung Quốc thành lập ở rất nhiều nước khác trên thế giới. Việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam đã được chính phủ Hà Nội quyết định từ năm 2009, nhưng thông báo chính thức về việc thành lập viện này đã một lần nữa gây lo ngại cho giới nhân sĩ trí thức Việt Nam về nguy cơ xâm lăng văn hóa của Trung Quốc, trong bối cảnh mà phim ảnh Trung Quốc từ nhiều năm qua tràn ngập các đài truyền hình Việt Nam và văn hóa Trung Quốc chi phối ngày càng nhiều đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong kiến trúc đền chùa. 

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn từ Viện Khổng tử sẽ được thành lập ở Việt Nam :
RFI : Xin kính chào tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Thưa ông, những nước như Pháp hay Đức cũng đã có những trung tâm văn hóa ở Việt Nam như Alliance Française hay Viện Goethe. Nhưng vì sao việc thành lập Viện Khổng tử của Trung Quốc lại gây lo ngại như vậy ?

TS Nguyễn Xuân Diện : Việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam không phải chỉ mới được đặt ra trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Lý Khắc Cường, mà từ năm 2009, ông Tập Cận Bình, khi ấy là phó chủ tịch Trung Quốc, khi đi thăm Việt Nam đã thúc giục Việt Nam thành lập Viện Khổng tử để tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục. 

Theo tôi biết, trên thế giới hiện đã có hơn 40 nước có tổng cộng hàng trăm Học viện Khổng tử. Riêng Thái Lan thì đã có 13 Học viện Khổng tử. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nét tương đồng nhau về mặt văn hóa và gần đây là người ta có nhắc đến tương đồng về chính trị, nhưng đến bây giờ mới xúc tiến mạnh việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam. Theo tôi biết, học viện này sẽ được đặt trong Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ cũ). 

Từ khi nhận được tin này, những nhà nghiên cứu, những nhân sĩ, trí thức rất là lo lắng. Lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Nhiều nước đã đặt các học viện, các trung tâm văn hóa ở Việt Nam, nhưng những học viện, những trung tâm đó không gây lo ngại nhiều như Học viện Khổng tử này. Lý do là vì trong người dân Việt Nam luôn thường trực một tinh thần phản kháng, một sự tự đề kháng đối với văn hóa Trung Quốc, mặc dù là tư tưởng của Khổng tử, các thiết chế, mô hình Nhà nước theo kiểu Nho giáo của Khổng tử đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ rất lâu rồi. 

Chúng tôi rất lo lắng bởi vì Viện Khổng tử này chắc chắn không phải được lập nên để tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học hay cuộc đời và sự nghiệp của Khổng tử, cũng như về Nho học : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Tam Tòng Tứ Đức ...

RFI : Theo ông biết thì Viện Khổng tử của Trung Qu ốc ở Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào?

Thực chất đây sẽ là một trung tâm văn hóa và ngôn ngữ, nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa Trung Quốc : thi ca, âm nhạc, ẩm thực, trà đạo..., và sẽ có những giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc. Đằng sau đó luôn là những hoạt động tư vấn về du học, tức là kéo thanh niên Việt Nam đến Trung Quốc du học ngày càng nhiều. Đây cũng sẽ là trung tâm dạy Trung văn, tức là tiếng Hoa.

Đó là những hoạt động bề nổi, còn đằng sau nó chắc chắn sẽ là những hoạt động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về mặt văn hóa và tư tưởng về một nước Trung Hoa hiện đại. Chính vì vậy nhiều nhà quan sát cho rằng việc thành lập Viện Khổng tử chính là một sự thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc, hoặc có người gay gắt hơn thì nói rằng đấy là bước đầu đặt cơ sở cho việc bành trướng văn hóa. 

Điều này thật đáng lo ngại, bởi vì sức ép và sự tuyên truyền văn hóa của văn hóa Trung Quốc hiện đại lên Việt Nam hiện nay rất là mạnh mẽ. Nhân dân đã không được những người làm công tác văn hóa dẫn dắt, cho nên, họ có sự sùng bái văn hóa Trung Quốc rất là quá đáng. 

Ví dụ ngôi chùa đạt nhiều kỷ lục ở Việt Nam và Đông Nam Á là chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Ngôi chùa ấy chẳng có dáng dấp gì mang bản sắc Việt Nam, mà thực chất là một ngôi chùa Tàu, mà hàng năm lại thu hút hàng triệu du khách. Các phim ảnh Trung Quốc thì chiếu tràn lan trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương. Rồi thì việc dựng các tượng sư tử Trung Quốc ở các đình chùa, đền miếu, cũng như ở trụ sở các tổng công ty. Rồi thì hàng hóa, đèn lồng Trung Quốc cũng tràn lan. 

Chính những điều đó khiến người ta lo rằng là với Viện Khổng tử, Trung Quốc coi như đã đặt một bàn chân xâm lăng văn hóa đối với Việt Nam. Chưa bao giờ sức mạnh văn hóa Việt Nam suy yếu nhiều như hiện nay. Khi nào mà chúng ta không chống lại được xâm lăng về văn hóa, thì chúng ta sẽ không còn gì là nền tảng của nước Việt Nam nữa và sẽ bị đồng hóa. Đây sẽ là một điều vô cùng nguy hiểm. Xâm lăng về văn hóa còn nguy hiểm hơn là xâm lăng về quân sự. Cho nên tôi thấy rất lo ngại.

RFI : Nhưng trong sự xâm lăng văn hóa này phải chăng cũng có sự tiếp tay của các lãnh đạo văn hóa, đã cho chiếu quá nhiều phim ảnh Trung Quốc trên truyền hình quốc gia, đến mức giới trẻ Việt Nam bây giờ thuộc sử Tàu hơn là sử Việt ?

Đúng là bây giờ trẻ con cấp 1, cấp 2, cấp 3 thuộc sử Tàu hơn là sử Việt. Văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ thường ngày của các em. Sóng truyền hình Trung Quốc tràn lan như vậy. Không những thế các bộ phim của cũng thế. Chúng ta thấy rằng là năm 2010, phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tức là phim Đường tới thành Thăng Long, từ kịch bản, đạo diễn, cho đến diễn viên và vai quần chúng, cũng như bối cảnh, hậu kỳ, trang phục đều là do người Trung Quốc làm. 

Bộ phim mang tính phản văn hóa như vậy cho nên các nhà nghiên cứu, các học giả đã yêu cầu không được chiếu bộ phim đó trong đại lễ 1000 năm Thăng Long. Về sau người ta mới phát hiện bộ phim đó không chỉ mang tính phản văn hóa, mà còn phản quốc, vì những nội dung lịch sử đã bị bóp méo và làm sai lạc. 

Chúng tôi lo ngại vì giới lãnh đạo văn hóa Việt Nam hiện nay hiểu một cách rất là ấu trĩ và vô cùng hạn chế về văn hóa Trung Quốc. Vì vậy, họ không phát động được trong cán bộ, công chức trên toàn quốc về việc phải có một sự đề kháng như thế nào đối với văn hóa Trung Quốc.

Hậu quả là vào những dịp Tết trong những năm gần đây, có khi cả thành phố, thị trấn thắp toàn đèn lồng Trung Quốc. Hà Nội gần đây đã phải phát động việc dẹp bỏ các tượng đá sư tử ở các đền chùa. Như vậy tức là họ cũng đã thấy được một phần rồi, nhưng những cái mà họ thấy được, nhưng so với những cái mà những người lãnh đạo cần phải có là chưa tương xứng. Chính vì vậy, những người tha thiết với truyền thống, với văn hóa Việt Nam đang rất là lo lắng. 

RFI : Thưa tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, để cưỡng lại sự xâm lăng về văn hóa đó, liệu chúng ta có thể phát động một chiến dịch giống như chiến dịch kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, để tẩy chay hàng Trung Quốc, cho dù chúng ta vẫn tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của văn hóa Trung Quốc ?

TS Nguyễn Xuân Diện : Cách đây vài năm Bộ Chính trị đã phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt. Lúc ấy báo chí cũng làm rùm beng một vài sự hưởng ứng đó. Nhưng bây giờ chuyện ấy đã chìm đi rồi. Người ta cũng không nghĩ đến chuyện giữ gìn những phong trào đó hay phát động một lần nữa.

Nhưng trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ đã ngấm ngầm một phong trào muốn tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, trước hết là hàng thực phẩm và thuốc chữa bệnh, nhưng đó cũng chỉ là những phong trào tự phát, chứ không phải là được phát động sâu rộng, được truyền thông Nhà nước cổ vũ, khuyến khích. 

Tôi nghĩ rằng nên khơi dậy một tinh thần dân tộc và một tinh thần bài Hoa đúng mức. Bài Hoa đây không phải là bác bỏ hết những gì có nguồn gốc từ Trung Quốc, một nền văn minh lớn của nhân loại. Nằm cạnh một nền văn minh lớn như thế, Việt Nam cần tiếp thu, thừa hưởng những giá trị văn hóa, những tác phẩm lớn của Trung Quốc mà đã mang tầm mức nhân loại. 

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải giới thiệu trong dân chúng, nhất là cho lớp trẻ, những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, những giá trị thẩm mỹ thuần Việt, những tác phẩm văn học, mỹ thuật Việt Nam, những văn hóa chùa, làng...

Muốn đem lại một sự đề kháng đối với sự xâm lăng văn hóa của bên ngoài, thì trước hết cần phải khơi dậy, giáo dục sự hiểu biết cho lớp trẻ về văn hóa của cha ông. Trong mạnh, thì ngoài mới không xâm lăng vào được. Khi người ta yêu quý những nét văn hóa đẹp đó, thì người ta mới dốc sức gìn giữ nó, tạo nên một lớp áo giáp bảo vệ trước sự xâm lăng từ bên ngoài. 

Mặc dù Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm, liên miên bị Trung Quốc xâm lược như vậy, mặc dù người Trung Quốc đã truyền chữ Hán vào Việt Nam, thiết lập chế độ cai trị, áp đặt văn hóa lễ nghi, nhưng đã không thể đồng hóa Việt Nam.

Lý do là vì văn hóa Việt Nam trong mấy nghìn năm qua được dựa trên một nền tảng vững bền của văn hóa Việt gốc ở Đông Nam Á, mà điểm son mà văn hóa làng, chống lại được sự xâm lăng về mặt văn hóa, giữ được những giá trị văn hóa và chính những giá trị văn hóa đó trở lại làm nên sức mạnh của dân tộc, đánh thắng được những trận lừng lẫy trong lịch sử. 

RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

Với Học Viện Khổng Tử 
Hà Văn Thùy , viết ...

Người bạn hỏi : “Thiên hạ đang nhao nhác về Học viện Khổng Tử, ông thấy thế nào, có đáng ngại không?”

Tôi nói : “Đến bây giờ, khi đã có Nhà văn hóa Pháp, Viện Goeth , Hội đồng Anh… mà xứ này chưa có Học Viện Khổng Tử mới là không bình thường. Còn chuyện ngại, theo tôi vừa không, vừa có !”

Lý do không ngại

Nếu là cơ quan lập ra để trao đổi văn hóa nhằm hiểu biết lẫn nhau đúng như tôn chỉ của nó, “dụng khẩu bất dụng thủ” (dùng lời, không dùng nắm đấm) thì là điều tốt. Việt Nam và Trung Quốc vốn “đồng chủng đồng văn”. Từ nghìn năm trước, Khổng Tử được người Việt coi là thánh, là vạn thế sư biểu, trên nước ta, khắp Bắc Trung Nam chỗ nào chả có miếu Văn thánh… Vậy việc lập Viện Khổng Tử là tiếp nối truyền thống xưa, đâu có gì lạ?

Có điều trước kia, do chưa hiểu cội nguồn lịch sử văn hóa Trung Quốc cũng như Việt Nam nên người Việt thường lép vế trước ông thầy Tàu. Nhưng nay thì khác. Nếu có một tao đàn để trao đổi học thuật nghiêm túc, chúng ta không thiếu chuyện để nói.

Xin ghi lại cuộc luận đàm văn hóa giữa Trạng Quỳnh và sứ Tàu thời hiện đại.
“Sứ: tiền chủ hậu khách, xin Trạng nói trước!

Quỳnh: Tôi mạn phép thưa với quan Sứ là có lẽ Cụ Khổng không biết gốc gác nước Lỗ của Cụ từ đâu?

Sứ: Sao ngài nói vậy. Là bậc thánh nhân trước tác kinh sử lẽ nào Cụ lại không rành…

Quỳnh: Tôi tin Cụ không biết bởi lẽ, nếu biết, Cụ đã không gọi người phía Nam là man di! Theo thiển kiến của kẻ ngu này thì, trước thời Chu, nước Lỗ chỉ là một trong 800 tiểu quốc hạt tiêu hạt cải, phần lớn là của người Việt. Một nhúm người Dương Việt lập quốc, đặt tên nước của mình là Rõ, có nghĩa sáng rõ, rực rỡ. Nhưng khi người Hoa Hạ làm chủ, không phát âm được vần R nên phải nói trại thành  rồi thành Lỗ. Nếu biết cội nguồn như vậy, chắc Cụ đã không…

Sứ: Dà, à…

Quỳnh: Ngay cả việc giảng kinh Thi, Cụ Khổng cũng trật lấc…

Sứ: Sao ngài dám…

Quỳnh: Xin thưa, quan Sứ xem đây, câu cuối bài Quan Thư, cụ ghi “Quân tử hảo cầu.” Đấy là quân tử Tàu chứ đâu phải quân tử Việt?! Nguyên văn tiếng Việt của nó là “Quân tử hiếu kều !”  Quân tử Việt, tự nhiên, đa tình, thấy giữa bãi vắng, một thục nữ yểu điệu, thì chàng ta “hiếu kều” tức là khoái động thủ, muốn nắm tay ve vuốt, đâu có chịu đứng như phỗng mà cầu tốt?! Sau này, khi san định, Cụ Khổng, một phần vì không đủ chữ, một phần vì tư tưởng thanh giáo, chuyển thành “hảo cầu,” thật vô duyên…Mà như kẻ ngu này hiểu thì không chỉ Cụ Khổng mà hàng tỷ người Trung Hoa đâu đã hiểu hết được thứ tiếng dân quý quốc vẫn nói!

Sứ: Dà, dà ! Ngài không được xúc phạm đại quốc !

Quỳnh: Thưa không, tôi chỉ nói sự thật, còn nếu tôi sai, xin quan Sử chỉ bảo! Thế xin hỏi quan Sứ: Từ Mông Cổ từ đâu ra, có nghĩa là gì?

Sứ:    Thế mà cũng hỏi, đó là từ tổ tiên chúng tôi đặt ra để gọi người Mông Cổ!

Quỳnh: Ngài nói đúng, nhưng chỉ đúng ở ngọn. Người Việt, chủ nhân đầu tiên của Trung Quốc, gọi những người sống trên đồng cỏ phía bắc Hoàng Hà là người Đồng Cỏ. Sau này do người Hoa Hạ không nói được vần Đ nên đọc trại Đồng thành Mồng rồi thành Mông, còn Cỏ thành Cổ! Đồng Cỏ có ý nghĩa, còn Mông Cổ thì vô nghĩa, cũng vô nghĩa như tên nước Lỗ của cụ Khổng vậy!

Sứ:    Thật vậy sao, nghe cũng có lý, tiếc là ngộ hổng piếc!

Quỳnh:  Xin hỏi quan sứ, ông vua cuối của nhà Hạ và nhà Thương tên gì? 
Quan sứ trố mắt nhìn Trạng nghi ngại, sợ bị mắc lỡm. Nhưng thấy vẻ mặt Trạng thực như đếm, bèn nói:

Sứ:  Ngài không định bỡn tôi chứ? Đó là Kiệt và Trụ, ai mà không hay!

Quỳnh: Vâng, xin hỏi quan Sứ câu nữa, vậy ý nghĩa hai cái tên đó là gì?

Sứ: Suy nghĩ lúc lâu rồi nói, người Trung Quốc thường đặt tên theo ý nghĩa, nhưng đôi khi cũng không. Tôi nghĩ, tên hai vị này không có gì đặc biệt.

Quỳnh: Vậy là quan Sứ không biết rồi, vì là con cháu người Việt nên thời đó người Hoa Hạ nói tiếng Việt. Thấy vua nhà Hạ hoang dâm nên khi chết, gọi ông ta là Cặc, còn ông vua cuối nhà Thương là Đụ. Người về sau do không nói được những từ như vậy nên gọi trại thành Kiệt, Trụ!  Thế quan Sứ có biết, Lưu Bang thực ra nhà nghèo, ít học nên không có tên mà vì là thứ ba trong nhà nên được gọi là Lưu Ba. Sau này khi làm vua mới nối thêm vần NG nữa thành Lưu Bang không? Còn trên đời chẳng làm gì có cái tên lỳ quặc Câu Tiễn. Đó là tên ông vua người Việt là Cu Tí rồi sau gọi theo Đường âm thành Câu Tiễn!  Nhân đây, cũng xin hỏi quan Sứ: Từ Trung Nguyên từ đâu ra vậy?

Sứ:   Đó là nơi phát tích của người Hoa Hạ chúng tôi, là đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, từ đó mà có tên Trung Quốc…

Quỳnh: Ngài nói không sai. Nhưng xin hỏi cái tên gốc của Trung Nguyên là gì, do ai đặt?

Sứ: Ngài hỏi gì kỳ. Nó là thế, còn gốc với ngọn gì, đất Trung Quốc phải do người Trung Quốc đặt tên chớ còn ai vào đây nữa!

Quỳnh: Xin thưa, vậy Ngài không biết rằng trong sách Trung Quốc dân tộc sử của tiên sinh Chu Cốc Thành nói rằng, người Việt vào Trung Quốc trước người Hán sao? Sau khi khai phá đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, người Việt đặt tên con sông lớn ở đấy là sông Nguồn còn đồng bằng thì được gọi là Trong Nguồn. Khi chiếm vùng đất này, ban đầu người Hoa Hạ vẫn gọi theo người Việt, nhưng sau đó, vào thời Đường, chuyển âm Trong thành TrungNguồn thành Nguyên! Xin được hỏi quan sứ điều nữa: vì sao ngôn ngữ Trung Hoa hiện nay đơn âm?

Sứ:    (Mừng ra mặt, có vẻ hý hửng), nói dõng dạc: điều này thì tôi biết chắc như đinh đóng cột, đó là bậc kỳ lão của chúng tôi, tiên sinh Dương Chấn Ninh, không chỉ là nhà Nobel vật lý mà còn là nhà kinh Dịch kiệt xuất từng phát biểu: như mọi ngôn ngữ khác, tiếng Trung Quốc lúc đầu đa âm nhưng Kinh Dịch làm cho ngôn ngữ Trung Hoa trở thành đơn âm!

Quỳnh: Xin lỗi ngài, vị giáo sư lỗi lạc của Ngài cũng trật lấc. Không phải kinh dịch làm cho ngôn ngữ Trung Hoa trở thành đơn âm mà ngược lại, Kinh Dịch được ghi bằng ký hiệu nhị phân là vạch đứt vạch liền có trước. Sau đó, khi chữ vuông ra đời, Văn Vương, Khổng Tử mới dùng chữ để giải mã Dịch bằng cách thêm vào Hào từ, Thoán từ, Thập dực giúp nhiều người hiểu được kinh Dịch… Tiếng Việt vốn đa âm nhưng khi phát minh ra chữ tượng hình đơn lập, mỗi chữ chỉ ký âm được một tiếng. Vậy muốn được ký âm, tiếng phải đơn lập theo! Nhân đây cũng xin được thưa với quan Sứ, là dù đọc nát nhị thập tứ sử thì cho tới nay, tôi đố ngài biết được nguồn gốc người Trung Quốc ở đâu, tiếng Trung Quốc từ đâu ra và chữ Trung Quốc do ai sáng tạo?

Sứ: (mặt xịu xuống buồn xo rồi cất giọng thành thực): Phải nói điều này kể cũng xấu hổ, nhưng không thể nói khác, là không chỉ ngộ mà toàn thề tồng pào của ngộ cũng hông piếc, xin Trạng chỉ giáo!

Quỳnh: Xin lỗi quan Sứ, bây giờ tôi phải về, ra chợ mua mớ rau muống nấu cơm, kẻo mụ vợ tôi tối ngày ngồi coi phim Tàu bỏ tôi nhịn đói! Hẹn tái ngộ, tôi sẽ cho Sứ biết, còn nhiều hơn những điều như thế!”


Trên đây chỉ là câu chuyện hư cấu, nhưng thực tế, chúng ta có nhiều điều để nói với người Trung Hoa mà khi nghe ra, những người còn lương tri sẽ hướng về đất Việt như cội nguồn.

Có câu chuyện buồn thế này. Tôi mới đọc trên mạng bài viết của một học giả người Môn ở Miến Điện. Biết rằng ngôn ngữ Môn là hệ ngôn ngữ lớn ở Đông Á và người Môn là tộc lớn nhưng rồi bị mất đất, mất luôn tổ quốc nên ông đau đáu kiếm tìm đất tổ của mình. Một số nhà khoa học nói rằng, nơi phát tích của người Môn là Bắc Bộ Việt Nam nhưng ông không tin vì Annam nhỏ bé và bị nô lệ đâu xứng đáng là quê hương của dân tộc ông! Ông tin vào một số học giả phương Tây khác cho rằng, Nam Trường Giang là nơi phát tích của người Môn. Vì vậy, trong dịp sang Trung Quốc, ông đã tới nam Trường Giang với lòng thành kính của kẻ hành hương tìm về cố xứ. Cảm động về mối chân tình của ông nhưng thương ông “mồ cha không khóc lại khóc đống mối” tôi định viết cho ông lá thư nói rằng: “Bằng nguồn ADN lấy từ chính máu huyết đồng bào của ông và đồng bào tôi, khoa học xác minh rằng, bảy vạn năm trước, tổ tiên của ông và của tôi là người Việt cổ chủng Indonesian, được sinh ra tại thềm Biển Đông của Việt Nam. Người Lạc Việt Indonesian đa số, giữ vai trò lãnh đạo phương Đông về xã hội và ngôn ngữ. Khoảng năm vạn năm trước, có những nhóm Việt cổ đi về hướng tây, tới đất Mianmar thành người Môn bản địa. Nhóm đi xa hơn, tới Ấn Độ thành người Dravidian. Sau đó, do khí hậu phía bắc bớt lạnh, người Việt đi lên khai phá đất Trung Hoa. Rồi người Dravidian bị người Arian xâm lăng, người Môn bị người Miến chiếm đất, trở thành người thiểu số.. Do nhận thấy người Môn và người Khmer giữ được ngôn ngữ gốc nên học giả phương Tây gọi là hệ ngôn ngữ Môn-Khmer nhưng thực ra đó là ngôn ngữ Việt cổ. Tổ tiên người Môn không hề sống ở Nam Dương Tử rồi bị đẩy sang đất Miến như ông đã tưởng lầm. Khoa học cho thấy, quê hương người Môn là Bắc Bộ, hay nói đúng hơn là thềm Biển Đông của Việt Nam.” Nhưng vị học giả đã qua đời ba năm trước! Thật tiếc là cho tới khi chết, ông vẫn chưa được biết cội nguồn thực của mình!

Nếu sự thật về lịch sử, văn hóa Hoa Việt được phổ biến, chắc nhiều người Trung Hoa sẽ hiểu đâu là nguồn cội của mình.

Chính vì thế, Học viện Khổng tử không có gì đáng ngại.

Lý do để ngại

Có không ít lý do để ngại. Đó là việc nhà cầm quyền Bắc Kinh theo thói quen cố hữu làm những chuyện không đàng hoàng, vì đó là bản nghệ của họ. Lý do quan trọng hơn là vì “đã có đảng và nhà nước lo”, người ta gạt nhân dân đầy trí tuệ ra ngoài, đặt vào đó những kẻ bằng cấp cùng mình nhưng cũng cùng mình dốt nát, ăn không nên đọi, nói không nên lời, suốt ngày khom lưng cúc cung nhận những thánh chỉ từ người Tàu để làm những điều tổn dân hại nước! Điều này thực tế đã diễn ra. Mấy năm trước, một tiến sĩ người Việt ở Úc viết cuốn Khoa học soi sáng lịch sử, có nhiều phát hiện mới về cội nguồn người Việt, được NXB Lao Động in nhưng vì động chút xíu tới lông chân “ông bạn 16 chữ”, nó bị đem nghiền bột. Còn tôi, kỳ công viết cuốn Khám phá lại lịch sử Trung Hoa, trình bày những tri thức mới nhất về cội nguồn sinh học, lịch sử, văn hóa Trung Hoa. Những phát hiện sẽ giải phóng người Việt khỏi ách ngu dân hàng nghìn năm, cung cấp cho dân Việt vũ khí trí tuệ, tinh thần vô song để bảo vệ và xây dựng đất nước. Đem tới ba nhà xuất bản, biên tập viên nhiệt thành ủng hộ nhưng rồi “tạm thời để lại” vì “cơ quan QLXB cho là nhạy cảm”! 

Khi người dân vừa bị trói tay vừa bị bít miệng thì thua trên sân nhà là cái chắc. Lo là phải !
 
 ______________________



2.

MỐI HẬN của KHỔNG TỬ
(Trích Luận ngữ Tân thư)
Thiên hạ rộng lớn, vẫn có những con đường gọi là độc đạo. Vũ trụ mênh mông, vẫn để cho thánh nhân độc hành. Sướng một đời là kẻ tục nhân, hận nghìn thu là bậc cao sĩ. Thế mà gọi là tục nhân thì bị cho là mắng, gọi là cao sĩ thì lại bảo rằng khen. Có ai ngờ đạo lý lại sinh ra từ đạo tặc? Lừa một người thì khó, lừa cả thiên hạ xem chừng dễ như trở bàn tay. Việc gặp trên đường té ra không đến nỗi phải ôm hận, việc chứng kiến cả đời, té ra vẫn phải ôm hận nghìn thu. Vui đến tận cùng thì nét mặt hoảng hốt, buồn đến tận cùng thì thần thái tỉnh bơ. Ngu đến tận cùng lại chính là đang ở chỗ chân lý. Hiểu đến tận cùng lại chính là quay trở lại cái lúc ngu… Rốt cuộc thánh nhân cái gì cũng giống hệt mọi người, chỉ khác duy nhất chỗ tận cùng đó mà thôi.
Vẫn “Lời tựa“ trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó.

Khổng Tử và các học trò trên đường sang nước Vệ, gặp một người đang cày ruộng, bèn sai học trò tới hỏi thăm đường. Người đi cày trỏ về phía Khổng Tử mà hỏi:
“Người đang ngồi kia là ai vậy?“.
Học trò đáp:
“Đó là thầy tôi“.
Người đi cày bảo:
“Thiên hạ bây giờ lắm đạo, nhiều thầy. Trong nhà vừa mất trộm, ra ngõ gặp ngay một kẻ xưng là thầy thì còn gì chán hơn thế nữa. Ta hỏi thầy ngươi là ai mới được chứ?“.
Học trò đáp:
“Thầy tôi là Khổng Tử. Đạo của thầy tôi là đạo lý, không phải đạo tặc. Đạo ấy chẳng liên quan gì đến việc trộm cắp cả“.

Người đi cày bảo:
“Thế tại sao cũng gọi là đạo? Chẳng phải cuộc đời bao giờ cũng chính là một vụ ăn cắp vĩ đại đó sao? Vì thế mới sinh ra đạo lý. Vậy mà bảo chẳng liên quan gì thì ai mà tin được. Cái ấy gọi là ‘đạo tặc khứ, đạo lý lai’ (Đạo tặc vừa đi khỏi, đạo lý liền đến ngay). Hai thứ ấy cứ thay nhau trở qua trở lại mãi như thế. Khổng Tử thầy ngươi có phải là người đang tìm đường trở về cái chỗ ngu nhất hay không? Sao đến bây giờ mà vẫn còn mờ tối thế? Có mỗi một con đường (độc đạo). Lại có mỗi một người đi (độc hành). Thế mà còn phải hỏi!“. 

Học trò trở lại thưa. Khổng Tử trầm ngâm một lát rồi than rằng: 

“Đó là một bậc ẩn sĩ đấy. Dạy ta biết nghĩ là Cha, Mẹ. Dạy ta biết những điều ta nghĩ đã tới đạo hay chưa, chính là kẻ đi cày kia“.

Thấy các học trò ngơ ngác có vẻ chưa hiểu. Khổng Tử nói tiếp: 

“Chẳng phải các ngươi vì quá hăng hái nên lúc nào cũng sẵn sàng đi nhầm đường đó hay sao? Vì thế thỉnh thoảng mới cần phải dừng lại hỏi thăm. Giả sử hôm nay ta không nghe được những lời nói từ miệng người thợ cày kia thì có lẽ phải ôm hận không biết đến bao giờ“.

Một hôm khác, Ngài cùng các học trò đi qua một làng nọ, gặp một bà mẹ đang ôm lấy anh con trai của mình mà gào khóc thảm thiết. Anh con trai mũ cao áo dài, hài vớ, cân đai nghiêm chỉnh, rõ ràng là một kẻ vừa học hành đỗ đạt, đang sắp sửa được bổ làm quan. Khổng Tử thấy vậy thì lấy làm lạ, bèn hỏi: 

“Con bà có phải là người vừa đỗ cao đó không? Tôi biết, bà cũng như nhiều người khác, thấy con mình thi đỗ thì mừng quá đến nỗi phải phát khóc lên đó thôi. Song cớ sao lại ra chiều thảm thiết như vậy?“.

Bà lão nâng vạt áo gạt nước mắt, cay đắng trả lời: 

“Nào có gì mà mừng với rỡ. Tôi chẳng qua một chữ bẻ đôi cũng không biết, nên mới phải cho con theo đòi trường ốc đấy thôi. Ngài là bậc thánh nhân, chắc ngài chẳng lạ gì cái sự giáo dục bây giờ. Trong trường, người ta toàn nhồi nhét vào bụng học trò những điều bịp bợm, dối trá, nhằm biến chúng thành những kẻ u mê, không biết phân biệt đâu là thực, đâu là giả nữa. Kết quả những hạng gọi là có học bây giờ nom thì sáng sủa, nghiêm trang đấy, song một nửa chữ của đạo lý làm người cũng không hiểu, chỉ biết suốt đời chạy theo danh lợi, tận tụy phục vụ cho cường quyền, trung thành tuyệt đối với cường quyền… mà thôi. Dạy học như thế thì có khác gì lừa bịp? Biết con mình bị lừa mà không làm thế nào được, thì hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn? Nay nó thi đỗ, nghĩa là cái sự lừa ấy đã thành tựu rồi. Vì thế tôi đang đau khổ đấy chứ. Đâu có mừng rỡ gì“.

Khổng Tử lại hỏi: 

“Bà là người không biết chữ, sao lại biết chắc rằng con mình bị lừa?“.

Bà lão trả lời:
“Đã là một người mẹ thì không cần phải đọc sách mới biết con mình thay đổi theo chiều hướng nào. Huống chi bây giờ đang là thời đại của dối trá, dối trá ngự trị từ trên cao xuống thấp, dối trá tràn lan từ công sở, chợ búa, đến học đường… Xưa nay học làm người cốt ở học Kinh, Sử. Thế mà Kinh thì tôi nghe con tôi đọc ra rả, chỉ thấy duy nhất một thứ kinh giả cầy ở đâu ấy, hình như những chỗ khác người ta bỏ từ lâu rồi. Sử thì chỉ thấy nhai đi nhai lại một mẩu bé tí tẹo đã được thổi phồng, được tô son trát phấn, trùm lên cả ngàn năm sử sách của Ông Cha. Ngay cả văn chương cũng chỉ thấy học vẹt những thứ văn một chiều, ngợi ca sự giả dối, tàn nhẫn… Giáo dục như thế chẳng phải lừa mị thì là cái gì? Thậm chí có khác nào ăn cắp linh hồn của người ta rồi nhét những thứ đểu giả của mình vào? Học như thế thì dẫu có đỗ cao đến mấy, thực chất cũng chỉ là một thứ dở người, tiểu nhân mà thôi, chẳng bao giờ sống nổi cho ra cái giống người! Rồi thì họ bảo sao nghe vậy, rồi thì chỉ biết tham lam, đớn hèn… Dẫu họ có ngồi trên đầu, trên cổ đến muôn năm cũng chẳng hề nhận ra, có khi còn phải biết ơn họ nữa là khác…“.

Khổng Tử bảo: 

“Thì chính những kẻ đó, vì muốn giữ mãi địa vị đè đầu cưỡi cổ thiên hạ của mình đến muôn năm (nguyên văn: “vạn tuế“), cho nên mới đẻ ra cái nền giáo dục ấy. Nay bà có đồng ý để cho con trai bà đi theo tôi để học lại đạo lý làm người chăng? Có điều sẽ không thể làm quan được mà thôi“.

Nói rồi Ngài quay lại bảo các học trò: 

“Giả sử hôm nay ta không được chứng kiến câu chuyện này, thì chẳng bao giờ ta biết được cái sự lừa bịp trong giáo dục nó lại ghê gớm đến thế. Bây giờ ta mới hiểu hết được câu nói của người thợ cày ngày trước. Thì ra cuộc đời quả là một vụ ăn cắp vĩ đại. Người ta đã ăn cắp vào đến tận linh hồn của mỗi con người. May mà thiên hạ vẫn còn có những bà mẹ không biết chữ như bà mẹ đây. Nếu không thì chẳng biết đến đời nào ta mới rửa được mối hận này?“.

Bà lão nghe nói, bấy giờ mới tỏ vẻ mừng rỡ. Bèn vái Khổng Tử ba vái mà dắt tay người con lại, trao cho Khổng Tử. Người con đó sau này trở thành một học trò nổi tiếng giỏi về văn chương của Ngài. Chính là thầy Tử Hạ. Thầy họ Bốc, tên Thượng, người nước Vệ, nhỏ hơn Khổng Tử tới bốn mươi tư tuổi. Tử Hạ về sau quả nhiên suốt đời không làm quan, chỉ mở trường dạy đạo lý và thỉnh thoảng viết sách mà thôi. Câu chuyện trên chính là được rút ra từ trong sách của Thầy. 

Lại một hôm khác, Khổng Tử cùng các học trò đi qua một bến đò. Thấy một người ngồi lủi thủi trên bờ, nét mặt buồn bã, đang ném những viên sỏi xuống dòng sông. Khổng Tử bèn tới gần hỏi: 

“Có điều gì mà người buồn bã vậy?“.

Người kia không ngẩng mặt lên, chỉ buông một câu nhát gừng:
“Tôi đang cô đơn“.

Khổng Tử bảo: 

“Thời buổi đảo điên như thế này mà cô đơn thì cũng không có gì lạ. Song cô đơn mà còn biết buồn thì chẳng qua chỉ là cái cô đơn tạm thời, cô đơn trong chốc lát mà thôi. Cô đơn mà không còn biết buồn là gì nữa mới là sự cô đơn vĩnh cửu“.

Nói xong dắt học trò đi thẳng. Duy có Nhan Hồi còn cố nán lại hỏi han, biên rõ tên họ, quê quán người ấy lại rồi mới đuổi theo thầy. 

Mấy năm sau, thầy trò lại có dịp qua bến đò ấy. Nhớ lại chuyện xưa, Nhan Hồi lân la hỏi thăm thì được biết người kia quả đã tìm được bạn tri kỉ, không còn cô đơn nữa rồi. Họ Nhan phục quá, bèn hỏi Khổng Tử:
“Năm xưa, làm sao thầy biết kẻ ấy chẳng qua chỉ cô đơn tạm thời mà thôi?“.

Khổng Tử trả lời: 

“Lòng người nghĩ mà chưa tới thì thôi. Một khi nghĩ mà đã tới thì có khác gì vũ trụ thu nhỏ (nguyên văn: “tâm đắc tiểu vũ trụ“). Khi ấy linh tính lúc nào cũng tràn ngập cả trời đất. Còn cảm thấy buồn nghĩa là vẫn có người tri kỉ ở đâu đó trong đời, có điều chưa đến lúc gặp đấy mà thôi. Nhưng cô đơn mà cảm thấy lòng mình lạnh tanh, không còn biết buồn là gì nữa, thì thế gian quả không còn ai là người tri kỉ nữa rồi. Như thế mà chỉ cô đơn đến trọn kiếp thì vẫn còn là may đấy. Việc này ta đã chứng kiến cả cuộc đời rồi“.

Nhân chuyện ấy, có mấy câu truyền lại trong đời như sau: 

“Thiên hạ thùy nhân tri kỉ? Hận nhất dạ.
Thiên hạ vô nhân tri kỉ! Hận thiên thu“.

(Còn hỏi được) thiên hạ ai là người tri kỉ thì (chỉ) hận một đêm. (Khi đã biết) thiên hạ không còn người tri kỉ nữa thì hận đến nghìn thu). 

Đời sau có người hỏi: Vậy Khổng Tử có phải là người cô đơn không? Nếu là người cô đơn, thì cô đơn như thế nào? 

Khổng Tử đúng là người cô đơn. Không những thế, đó là người cô đơn vĩnh cửu. Hiểu được lòng mình chỉ có thể là người tri kỉ. Song trên đời đã không có ai là kẻ như thế, thì mong gì có ở những đời sau. Vì thế rốt cuộc, Ngài vẫn phải ôm hận nghìn thu.

10/2005
Phạm Lưu Vũ

"wake up and smell the coffee"
r i e n d l y Yours


Net@pressO