Tuesday 5 November 2013

Hồi Ký « Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục » - Eunsun Kim & Sébastien Falletti - Thuỵ My

Tháng Chạp năm 1997 : Cái chết ở tuổi mười một

(Chương mở đầu tác phẩm hồi ký « Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục » - Eunsun Kim & Sébastien Falletti)

Từ gần một tuần qua, tôi đơn độc trong căn hộ lạnh lẽo tại Eundeok, ngôi làng nhỏ nơi tôi sinh ra ở Bắc Triều Tiên. Cha mẹ tôi đã bán hết tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ trừ một chiếc bàn thấp và một tủ ngăn vách, để mua thức ăn. Gạch lót sàn cũng đã bị bán đi, tôi ngủ ngay trên nền xi-măng, trong một túi ngủ tạm bợ làm bằng quần áo cũ. 


Trên các vách tường trơ trụi, chỉ còn lại mấy khung ảnh đặt cạnh nhau - chân dung « Chủ tịch vĩnh cửu » Kim Il Sung và tướng quân Kim Jong Il. Cả hai nhìn thẳng vào tôi. Nhưng đem bán các ảnh chân dung này sẽ bị xem là báng bổ, có nguy cơ bị tử hình.

Trời tối sẫm, dù vậy tôi vẫn đọc được những gì mình viết ra. Điện đóm không có, vả lại các bóng đèn đã biến mất từ lâu. Đêm nhẹ xuống sau buổi chiều tháng Chạp. Không còn lò sưởi nữa, nhưng tôi không thấy lạnh mấy, vì đã sức tàn lực kiệt. Tôi không có gì ăn từ nhiều ngày qua, tôi sẽ chết đói. Vì vậy mà tôi cố viết lại bản di chúc của mình. Tôi mười một tuổi.
***
Tôi đã quyết định như thế trên đường trở về nhà. Đó là lần thứ ba tôi đi tìm mẹ và chị Keumsun. Cả hai đã đi Rajin-Sonbong, thành phố lớn bên cạnh làng tôi từ sáu ngày trước để tìm thức ăn, vì chúng tôi chẳng còn gì để ăn ở Eundeok cả. Lấy hết can đảm, tôi băng qua chiếc cầu bắc qua sông, rồi men theo đại lộ chính đến bến xe.

Khách bộ hành rất hiếm hoi trên hè phố, nhưng tôi nhìn chăm chăm vào khuôn mặt tất cả những người đi ngang qua, sợ lỡ không trông thấy mẹ nếu bà quay về theo hướng ngược lại. Phía bên trái, tôi nhận ra cửa hàng bán mì mà tôi ưa thích biết bao, hồi trước ba tôi thỉnh thoảng có dẫn tôi đi ăn vào dịp lễ. Đằng xa là tiệm chụp hình mà chúng tôi đã từng đến chụp những tấm ảnh kỷ niệm gia đình.

 bến xe, người ta để cho tôi được gia nhập vào đám đông đang chen chúc phía sau một chiếc xe tải được sử dụng làm xe đò chạy tuyến Rajin-Sonbong, cách đó một giờ xe chạy. Tôi không phải trả tiền, có lẽ vì là con nít.

Trong suốt cuộc hành trình, tôi không ngừng hồi hộp quan sát những chiếc xe hơi và xe tải đang lưu thông trên đường để tìm ra khuôn mặt mẹ. Nhưng đến trạm cuối, tôi chỉ còn trơ lại một mình, đối diện với một hàng rào lính tráng. Trước mặt tôi, là những hàng rào kẽm gai có phóng điện bảo vệ lối vào Rajin- Sonbong.

Phải có giấy phép đặc biệt mới được vào trong thành phố. Thế nên tôi đành phải rình rập ở đó cả tiếng đồng hồ, canh chừng những bóng người đi ra, với niềm hy vọng và tâm trạng khủng hoảng. Không thấy cả mẹ lẫn chị Keumsun ra khỏi khu rào chắn. Thất vọng, tôi quyết định trở về nhà vì trời đã sập tối.

Lần này thì tôi chắc chắn rằng mẹ và chị không bao giờ trở về nữa. Chắc là có chuyện gì xảy ra rồi, hoặc là cả hai đã bỏ rơi tôi. Trái tim thắt lại, đầy cay đắng, tôi thầm trách mẹ. Lúc đi mẹ bảo là mẹ sẽ mang đồ ăn về « trong hai hoặc ba ngày nữa ». Và mẹ để lại cho tôi 15 won để sống tạm qua ngày. Cả một gia tài đối với tôi !

Thoạt đầu tôi rất phấn khích vì chưa bao giờ có nhiều tiền như thế. Đôi mắt tôi sáng rỡ. Một mình, y như người lớn, tôi hãnh diện đi đến jangmadang, ngôi chợ nằm gần bên sông. Tôi mua một miếng đậu hũ, rồi quay về căn hộ bé tí chỉ có một phòng của chúng tôi ở tầng một. Tôi thưởng thức từng muỗng nhỏ cái khối trắng mềm mại ấy, chia thành nhiều suất để có thể duy trì được đến khi mẹ trở về. Ngon ơi là ngon, tôi rất thích ăn đậu hũ !

Trong suốt hai ngày tôi ở nhà, quan sát những người qua lại thông qua khung cửa sổ nhìn ra đường. Từ khi ba mất hôm 11/11, nghĩa là cách đây vài tuần, hai chị em tôi đã nghỉ học do quá bận đi đào bới rễ củ và kiếm củi trên núi để kiếm sống. Hơn nữa nếu trở lại trường thì rất xấu hổ vì chúng tôi không còn thứ quần áo nào ra hồn. Tất cả đều đã bán hết rồi, nay chị em tôi phủ lên người những miếng giẻ rách tả tơi. Ra đường tôi rất sợ gặp phải bạn học cùng lớp.

Sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ, cái đói bắt đầu giày vò tôi, và cả nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Từ khi nhấm nháp hết miếng đậu hũ, tôi chẳng còn gì để cầm hơi nữa. Mẹ thì vẫn chưa về ! Tôi nằm trên sàn nhà, nhắm mắt và nhẩm đếm trong đầu : chắc chắn là mẹ sẽ xuất hiện khi tôi đếm đến mười. Nhưng chẳng có gì thay đổi cả. Tôi bèn đếm từ 10 ngược trở lại 1. Cũng không hơn gì.

Rồi tôi tập nhịn đói cho qua bữa. Trên nền balcon, tôi tìm được mấy chiếc lá củ cải đầy bụi hồi đó chúng tôi mang phơi còn sót lại. Tôi nhặt vài chiếc ít bị héo nhất đem nấu lên thành món canh. Trong hai ngày, tôi sống sót với loại canh vô vị này…

Thêm hai ngày nữa trôi qua, tôi không còn có gì để cho vào miệng nữa, thậm chí tôi chẳng còn đủ sức lực để đi ra ngoài ăn xin hay ăn cắp…Cơ thể tôi quen dần với cái đói đang hành hạ, nhưng tôi bị kiệt lực. Chỉ còn lại trong tôi một sự mệt mỏi ngày càng thêm nặng nề. Tôi cố ngủ, người yếu như sên, có cảm giác như sàn nhà sẽ nuốt chửng tôi. Thật kỳ lạ, tôi cảm thấy như đang bị hút vào tâm trái đất vậy !

Bỗng chốc tôi hiểu rằng mình sẽ chết. Lúc mẹ và chị tôi trở về, có khi là đã quá trễ. Thế là hết. Từ khi nạn đói bắt đầu, tôi đã quen với cái ý nghĩ là chắc tôi không qua khỏi, cho đến nỗi tôi không còn sợ chết nữa. Tuy vậy tôi tự nhủ, tôi không thể ra đi như thế mà không để lại dấu vết gì…Tôi bỗng nảy ra quyết định soạn thảo di chúc. Tôi muốn mẹ biết được những gì tôi đã trải qua, biết rằng tôi đã đợi mẹ, đã làm mọi cách để đi tìm mẹ. Và nhất là tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi.

Trong ngăn kéo của chiếc bàn thấp, tôi tìm được một cuốn sổ nhỏ bằng giấy tốt và một cây bút chì, trong số những món đồ hiếm hoi còn chưa bị bán đi. Ngồi xổm trong bóng tối mờ mờ, tôi bắt đầu viết. Tôi kể lại nỗi gian truân của tôi, về ba chuyến đi tìm mẹ tận thành phố lớn, về sự tuyệt vọng. Tôi nắm chặt cây bút chì, viết đầy cả trang giấy.

(…) « Mẹ ơi, con đợi mẹ. Con chờ đợi đã sáu ngày trời rồi. Con cảm thấy con sắp chết. Tại sao mẹ không về với con ? »

Tôi khóc nức nở, nằm vật xuống trong cái bóng tối đang dần dần phủ dày lên người. Bỗng dưng tôi nghe có những tiếng động trên cầu thang, trái tim tôi đập loạn cả lên. Nhưng không, đó chỉ là những người hàng xóm trở về nhà họ…

Tôi đặt bản thảo lên một vị trí dễ thấy trên bàn. Rồi với gương mặt đẫm lệ, tôi nằm dài ra và nhắm mắt lại, tin chắc rằng mình sẽ chẳng bao giờ thức dậy nữa.

Chương 1 : Viết, như một chứng nhân

Tháng Ba 2011. Những cánh cửa tự động sập lại, đoàn tàu chuyển động, và đường ke chờ tàu lướt qua trước khi tôi bị nuốt chửng vào miệng hầm tối đen. Tôi dán người vào cửa kính, thấy lòng trống vắng. Những luồng sáng thoảng qua trên vách tối - một chiếc kính vạn hoa dạng quảng cáo, chiếu lên một câu khẩu hiệu mà tôi không đọc nổi. Tất cả đều diễn ra quá nhanh tại Seoul, ngay cả trong métro.

Tôi 25 tuổi, tên tôi là Eunsun.

Trông tôi cũng giống như các nữ sinh viên khác, và nhờ vóc dáng nhỏ nhắn, không ai nhận ra là tôi già hơn các bạn học. Chừng 40 phút nữa, tôi sẽ đến trường đại học Sogang, một trong các trường đại học nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Trường tôi trông không ấn tượng bằng trường Korea University hay Yonsei danh giá, nhưng tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà mình với những dấu mốc quen thuộc, với các bạn bè tôi đã có được.

Thời khóa biểu trong ngày đã được định sẵn. Tôi sẽ ôn thi trong thư viện, với chiếc máy tính xách tay Samsung hai màu đỏ trắng, và đôi khi bấm nghịch chiếc iPhone có vỏ bao màu tím, để tìm ra các bạn bè đang ngồi ở quán cà phê Starbuck trong trường. Tôi thích uống caffe latte, vì đối với tôi thì cà phê expresso quá đắng. Rồi tôi quay lại thư viện, cố không ngủ gục trên chồng sách.

Tôi học ngành ngôn ngữ và văn minh Trung Hoa, bạn đọc sẽ hiểu lý do ở những chương sau. Tại Hàn Quốc, phải ganh đua rất dữ dội để có được điểm cao, nhưng tôi cố gắng tối đa. Rất ít bạn cùng lớp biết được rằng tôi không được đến trường trong nhiều năm trời, nên tôi phải phấn đấu để rút ngắn lại sự chậm trễ của mình.

Tôi thích học hành, nhất là vào học kỳ đầu tiên, khi các giảng viên đều mới mẻ và nhiệt tình nên học hỏi được rất nhiều thứ. Khoảng 10 giờ tối, tôi trở về căn hộ nhỏ nằm lạc loài trong trung tâm đô thị lớn, gặp lại chị Keumsum và mẹ.

***
Tác giả Eunsun Kim tại Seoul.
Seoul là một thủ đô khổng lồ có 15 triệu dân, đầy những tòa nhà chọc trời, với những xa lộ mênh mông băng ngang. Một dòng sông lớn - sông Hàn - chảy qua giữa thành phố, với những chiếc cầu cao đến chóng mặt. Nhưng vào mùa đông khi dòng sông đóng băng, gần như có thể đi bộ qua sông mà không cần đến cầu. Phía sau nổi bật lên những dãy núi nhọn hoắt, trên một đỉnh núi sừng sững một ngọn tháp truyền hình to lớn. Tháp Nam Sơn là biểu tượng của thành phố đã cưu mang tôi.

Tất nhiên là ở đây đôi khi bị kẹt xe nhiều tiếng đồng hồ dưới cơn mưa dầm tháng Bảy, và tiền thuê nhà hết sức đắt đỏ. Nhưng cuộc sống thì thú vị biết bao, thực tiễn biết bao, và trôi đi rất nhanh. Internet tốc độ cao có mặt ở khắp nơi. Mỗi góc phố, ngày cũng như đêm, đều có nơi giải trí. Tại khu phố sinh viên Sinchon, buổi tối tôi thường đi với bạn bè uống Maekju, một loại bia nội địa, trong những quán bar không đóng cửa bao giờ. Chúng tôi thưởng thức mực khô và choukoumi, ngon kinh khủng, có thể nuốt chửng cả miếng.

Nhưng các bạn không chịu tin lời tôi là các loại hải sản ở Bắc Triều Tiên ngon hơn, tuy điều đó là sự thật. Họ không hiểu tôi, vì tôi đến từ một thế giới khác. Và cái thế giới đó, họ thậm chí còn không thể tưởng tượng ra được.

Toa tàu lao với tốc độ nhanh làm rung chuyển dưới chân. Xung quanh tôi, các ajuma có mái tóc xoăn đang đọc những truyện dài nhiều kỳ, qua điện thoại di động có ăng-ten đã được gập lại. Ở đây, người ta gọi các bà nội trợ là ajuma. Vịn tay vào các thanh kim loại, các nữ sinh viên đi những đôi giày gót nhọn lơ đãng thả hồn theo nhạc, chiếc iPod đeo bên tai. Số khác chuốt lại mascara trên mi, rút ra những chiếc gương bỏ túi. Các cô làm ngơ trước người bán rong dĩa CD đang cố bán bộ sưu tập đĩa Frank Sinatra cho ông cụ trong toa, nhờ những thùng loa gắn trên bánh xe. Các ga tàu mênh mông lần lượt diễu qua một cách máy móc.

***
Métro Hàn Quốc làm cho tôi mơ mộng. Chìm vào kỷ niệm, tôi nhớ lại những nhà ga ở Bình Nhưỡng mà tôi đã được ba dẫn đến, cách đây lâu lắm rồi. Các nhà ga này sang trọng tuyệt vời, với những chùm đèn màu tím như trong phim. Ánh đèn néon nhợt nhạt ở đây không thể sánh kịp.

Tôi nhớ mãi chuyến đi đến thủ đô Bình Nhưỡng. Hồi đó tôi lên chín tuổi, đi với ba và chị Keumsun, còn mẹ muốn ở lại coi nhà. Chuyến đi thật là tuyệt, cho dù chúng tôi chả có gì để ăn. Không thấy có nhà chọc trời ở đó, nhưng chúng tôi nhìn thấy một khách sạn đang được xây dựng mà đã cao đến 150 mét. Trên đỉnh công trình này, máy móc và con người chao động, có vẻ bé nhỏ như những con kiến !

***
Chỉ còn ba trạm nữa là đến trường, tim tôi đập nhanh với bản hợp âm của toa tàu. Tốc độ này làm cho lòng tôi dậy sóng, nó nhắc nhở rằng tôi đến từ một hành tinh khác. Ở đó, phải mất hai ngày dài vô tận trên tàu hỏa để đến được Chongjin, nơi ông bà tôi cư ngụ, chỉ cách thành phố nhỏ Eundeok của tôi có 95 cây số. Một chuyến đi vắt cạn sức lực trong thời tiết giá lạnh ; chen chúc nhau như những con vật, chúng tôi tiểu tiện vào những hộp sắt vì sợ mất chỗ. 

Cùng một khoảng cách đó, tại Hàn Quốc tôi chỉ mất không đầy 20 phút, trên một chuyến tàu cao tốc tiện nghi. Ở Bắc Triều Tiên, chỉ có thủ đô mới được hưởng những tiện nghi hiện đại, như là trạm métro ở Bình Nhưỡng đã làm tôi lóa mắt.

Tôi hồi tưởng lại về tất cả những người tôi đã bỏ lại sau lưng, không có bất cứ tin tức gì kể từ ngày tôi trốn khỏi đất nước để tìm phương sống sót. Lúc đó tôi 11 tuổi, bụng trống rỗng, nhà cửa không còn. Các cô dì, chú bác, các bạn học cùng trường lớp của tôi có sống sót qua trận đói đó hay không ?

Trong toa tàu, một hành khách liếc nhìn tôi, như thể tôi là người ngoại quốc…Trong khi tôi đã làm mọi cách để trông giống như một thiếu nữ Hàn Quốc, với đôi giày cao gót, chiếc váy ngắn và áo blouson bó sát. Thực ra tôi sinh ngày 15 tháng 8 năm 1986 tại Eundeok, thành phố công nghiệp nhỏ bé thuộc tỉnh Hamgyong ở miền Bắc. Sau cuộc hành trình đầy sóng gió kéo dài 9 năm xuyên qua Trung Quốc và Mông Cổ, tôi đã thành công trong việc tìm được tự do. Tại Seoul, tôi có được hộ chiếu, không còn là một người không giấy tờ sống lén lút nữa, và bắt đầu một cuộc sống mới.

Tuy vậy, những kỷ niệm thường xuyên quay lại đè nặng lên tôi, và một câu hỏi luôn ám ảnh : Vì sao dân tộc Bắc Triều Tiên của tôi lại phải khổ đau đến như thế ?

Câu trả lời, tôi tìm được trong sách báo từ khi đến được nơi đây : đó là do một chế độ độc đoán vô nghĩa. Do sự điên cuồng của một triều đại khát máu, triều đại họ Kim, đã chà đạp trong biển máu tất cả những ai chống đối. Do một thảm họa kinh tế, hậu quả của một hệ thống cộng sản chủ nghĩa bị đẩy đến mức cùng cực. Tuy vậy các câu trả lời này không làm tôi hài lòng, không thể làm trái tim tôi dịu lại.

Nhất là, chúng làm cho tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực. Dù chỉ sống cách vùng biên giới tua tủa những rào kẽm gai chia cách vùng đất quê hương tôi chưa đầy 40 km, tôi không thể làm gì để giúp đỡ các đồng bào mình, đang kiệt quệ vì nạn đói và sự trấn áp của một quyền lực nghiệt ngã. Bắc Triều Tiên đã trở thành một hố đen sâu thẳm đối với 22 triệu cư dân, bị những người trên hành tinh này, cũng như người anh em Hàn Quốc cùng dòng máu bỏ quên. Nỗi đau dâng ngập lòng tôi.

***
« Trạm Sinchon ».

Giọng nói máy móc xé toang sự im lặng trong toa tàu, kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ. Tôi thất thểu bước xuống bến tàu, tìm lối ra, leo lên những bậc cầu thang như một cái máy. Tôi quyết định rằng kể từ lúc này, một khi chui lên mặt đất, tôi sẽ không còn giữ thái độ thụ động nữa. Không thể kéo dài tình trạng này !

Tôi cần phải kể lại câu chuyện của mình. Để quá khứ đáng sợ không trôi vào quên lãng, để nói lên tiếng nói của hàng triệu người Bắc Triều Tiên đang chết dần chết mòn từng ngày trong im lặng. Và để tố cáo sự khổ đau của hàng trăm ngàn người đã từng cố thoát khỏi địa ngục như tôi, nay đang trốn chui trốn nhủi ở Trung Quốc. Hai mươi hai ngàn người đã đến được vùng đất hứa Hàn Quốc. Và ở đây, chúng tôi bị xem như những công dân hạng hai, trong khi sai lầm duy nhất của chúng tôi là đã chối từ nguy cơ bị chết đói.

Vì những người anh em Bắc Triều Tiên của tôi không có quyền nói lên tiếng nói, tôi sẽ nhân danh họ mà viết. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, hai nước Triều Tiên sẽ được thống nhất, tuy phức tạp, nhưng rồi cũng sẽ đạt được. Để thành công trong việc hợp nhất, chúng tôi cần có sự giúp đỡ của toàn thế giới. Nhưng nếu muốn tìm ra giải pháp, thì cần phải hiểu được nguồn cội của cái ác.

Tôi đã khám phá được một số, cùng với mẹ và chị, vào cái ngày đáng nhớ mà tôi cứ ngỡ mình sẽ thở hơi cuối cùng.

« BẮC TRIỀU TIÊN, 9 NĂM ĐỂ THOÁT KHỎI ĐỊA NGỤC » - Chương 2 : Tôi từng là học sinh ngoan


Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ biến mất khỏi cõi đời này nhanh chóng như thế. Vào mùa đông năm 1997 đó, tuổi thơ đã hoàn toàn lìa bỏ tôi, mà tôi không nhận ra. Trong nhiều năm trời, tôi đã là một cô bé khá hạnh phúc. Tôi không thiếu thốn gì cho đến năm lên chín.
***
Eundeok, thành phố quê hương tôi nằm ở vùng cao phía đông bắc của đất nước đầy núi non, cách dòng sông Đồ Môn chưa đầy 15 km. Dòng sông này là đường biên ngăn cách với Trung Quốc và Nga. Ở phía bên kia, chạy xe chừng một giờ là đến biển. 

Vào mùa đông, trời lạnh như cắt thịt, tuyết đọng suốt nhiều tuần lễ dưới bầu trời xanh mênh mông. Đôi khi để đến trường, tôi phải vượt qua tấm khăn trải bàn trắng muốt ngập lên đến ngực ấy. Ngược lại, trời luôn nóng và ẩm vào dịp sinh nhật tôi lúc giữa mùa hè. Đó cũng là ngày kỷ niệm được giải phóng khỏi quân Nhật chiếm đóng năm 1945, một ngày lễ lớn. 

Cho dù có nhiều nhà máy bao quanh, nhưng thành phố quê tôi không lớn lắm : chỉ cần một tiếng đồng hồ là đã đi được một vòng thành phố. Ở đằng xa, có thể nhận ra được vài bóng cây trên dãy núi ở xa nhất, nhưng những ngọn đồi gần đó gần như đều là đồi trọc, vì cây rừng đã bị đốn để làm củi sưởi. 

Trước khi đến được những tòa nhà đầu tiên, người ta đi qua nhiều vùng mỏ đã trở nên nổi tiếng, từ khi các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng bị thất sủng được gởi đến đây để trừng phạt. Quân đội có nhiều doanh trại, cơ sở gần đó, cũng như mọi nơi trên khắp cả nước, vì chúng tôi thường xuyên lo sợ bị Mỹ và đồng minh là Hàn Quốc xâm lăng. 

Những lần leo lên núi để tìm nấm, tôi nhận ra những nòng súng đại bác được ngụy trang ít nhiều, và đằng xa là trại lính mà chúng tôi cố tránh đi qua vì lính tráng ở đây vốn nhiều tai tiếng. Họ thường dùng quyền hành của mình để trộm đạo của dân nghèo. Chẳng hạn khi một toán lính đi qua mặt một người đàn ông đang hút thuốc, họ có thể đòi người này cho họ cả gói thuốc. Còn nếu từ chối thì hãy coi chừng !

Một dòng sông chảy ngang qua trung tâm thành phố Eundeok, có một chiếc cầu lớn bắc qua sông. Đôi khi tôi cũng tắm ở đó. Nhà tôi ở cách con sông chỉ có mười phút đi bộ. Những tòa chung cư lớn nhất thành phố được xây bằng xi-măng màu xám, với những balcon sơn trắng hay hồng, cao tối đa năm tầng. Ở đây quảng cáo không hề hiện diện. Những bức tường hoặc để trần, hoặc đầy những câu khẩu hiệu vinh danh lãnh tụ Kim Jong Il của chúng tôi. Tòa nhà tôi ở chỉ có ba tầng, những bức tường đều bị nứt nẻ. Những người hàng xóm bảo, chung cư này trước sau gì cũng sập.

***
Dù vậy, vào đầu thập niên 90 tôi cảm thấy khá hạnh phúc. Không có gì vui bằng gặp lại ba tôi sau giờ học. Đôi khi ba dẫn tôi đi xem phim,  nếu ba có được mấy tấm vé nhờ mối quan hệ ở chỗ làm. 

Ba tôi làm công nhân xưởng sản xuất vũ khí « 20 tháng Giêng » - tên này được đặt để kỷ niệm ngày Chủ tịch Kim Il Sung, người sáng lập chế độ, đến thăm. Tại Bắc Triều Tiên, đa số các cơ sở nhà nước đều mang cái tên ghi dấu ngày được một nhà lãnh tụ đến thăm viếng. Một thói quen kỳ lạ bộc lộ tệ tôn sùng cá nhân, vẫn được các lãnh đạo duy trì, nhưng sau này tôi mới hiểu được.

Mỗi lần như thế, ba hẹn tôi trước rạp xi-nê vào cuối buổi học ban chiều. Tôi đến đó một mình, như người lớn vậy. Nhưng có một tấm vé trong túi chưa đủ : khó nhất là tìm cho được một chỗ ngồi, vì người ta chen lấn nhau để vào phòng chiếu phim. Thế là ba nhấc bổng tôi lên, để tôi ngồi trên vai ông, rồi chen vào đám đông. Những giây phút đó làm tôi thích mê ! Chúng tôi xem các bộ phim phiêu lưu, có những người hùng chiến đấu với bọn Nhật đô hộ. Viền quanh màn ảnh là những hàng chữ to tướng kêu gọi : « Tất cả đoàn kết lại phía sau tướng quân Kim Jong Il ! ».

Cũng có khi ba đưa tôi đến hàng bán mì lạnh, món đặc sản của thủ đô Bình Nhưỡng. Chúng tôi mang theo một cái xô, ba tôi hãnh diện chìa ra cho bà bán hàng bốn tấm phiếu thực phẩm của nhà nước, rồi cha con tôi về nhà thưởng thức món ăn. Tôi chưa bao giờ được ăn thức gì ngon như thế ! Cho dù không đủ để ăn cho đã thèm…

Ba mẹ tôi không hề tưởng tượng được có ngày sẽ bị chết đói, vì cả hai đều xuất thân từ những gia đình « lý lịch tốt ». Có nghĩa là những người có người thân giữ các chức vụ kha khá trong quân đội, hoặc trong đảng Lao động đang điều hành đất nước. Bằng cớ là thời trẻ, ba mẹ tôi đều sống ở Bình Nhưỡng – chỉ giai cấp ưu đãi mới được cư ngụ ở thủ đô. 

Ông ngoại tôi là sĩ quan quân đội, đã từng nuôi những dự định lớn lao cho con gái. Ông mơ mẹ tôi sẽ được đi học tại trường đại học Kim Il Sung danh giá, ngôi trường tốt nhất đất nước, chính Kim Jong Il cũng từng học tập tại đó. Để đảm bảo việc con gái có được điểm cao trong kỳ thi tuyển, thậm chí ông đã tranh thủ các giảng viên bằng cách tân trang lại sân chơi của trường. Khổ thay, mẹ tôi có tính cách như con trai, không thích học lên. Bà muốn trở thành tài xế ! Và hôm đi thi, bà đi trễ…Tham vọng của ông tôi đành sụp đổ. 

Kể từ đó, mẹ tôi tỏ ra có cá tính hết sức mạnh mẽ, nhờ đó mà đã cứu được tôi sau này. Chính bà là người ra lệnh trong nhà. Bà không cao lớn, nhưng là một phụ nữ thông minh và kiên định. Khi bị bệnh, gương mặt bà vẫn tươi tắn, không tỏ dấu hiệu gì khác thường cả. Tôi cũng giống mẹ, khi còn nhỏ điều đó làm tôi bực bội vì mỗi lần bị ốm nhẹ, chẳng ai tin tôi cả và vẫn bắt tôi đi học. Có lẽ sức mạnh này đã giúp tôi sống sót, trong khi biết bao người khác đã ngã gục.

***
Tại Eundeok, mẹ tôi là người nuôi sống gia đình, nhờ việc làm tại bệnh viện của khu mỏ. Bà mang về những thức ăn thừa từ căng-tin, khiến chúng tôi tránh được cái đói trong suốt nhiều năm trời. Bà thường phàn nàn là ba tôi thiếu thực tế, cho rằng ông vừa ngây thơ, vừa không đủ cứng rắn. Trong tấm ảnh cưới, ba trông khá đẹp trai, nhưng tôi nhớ rằng ở ngoài thì ông gầy hơn. Một hôm, mẹ bảo ba đi hái trộm bắp trên đồng để có cái ăn. Ông trở về với hai bàn tay trắng và…không có áo khoác : ông đã để lại chiếc áo khi bị người nông dân bắt quả tang và dọa sẽ tố cáo. Mẹ tôi giận điên lên ! 

Tại Triều Tiên, người đàn ông phải mạnh mẽ nếu muốn được vợ tôn trọng. Cuộc hôn nhân của ba mẹ tôi do bà ngoại sắp xếp, vào cái thời mà mẹ rời Bình Nhưỡng để đến sống ở Chongjin, thành phố cảng lớn ở vùng duyên hải phương đông. 

Ba tôi không có khiếu kinh doanh, nhưng nuôi dưỡng một niềm đam mê, đó là viết lách. Tại nhà máy, ông luôn xung phong viết báo cáo, kẻ khẩu hiệu hay viết những bài tuyên truyền. Vượt lên tất cả những thứ đó, ba tôi còn là một người có tấm lòng cực tốt, và với một bé gái như tôi, thế là quá đủ.

Tôi cũng có thể trông cậy vào chị Keumsun của tôi, nhờ chị bảo vệ trong trường hợp gặp khó khăn. Nếu bọn con trai chọc phá tôi, chị liền truy đuổi và không ngần ngại lao vào đánh nhau. Chị Keumsum và tôi không giống nhau, nhưng cũng có lần người ta tưởng chúng tôi là hai chị em sinh đôi. Chị lớn hơn tôi hai tuổi nhưng lại nhỏ con hơn, nước da sẫm màu, mắt to, khác hẳn với tôi. Ngược lại chúng tôi có cái mũi giống nhau, và một tình thân gia đình khó tả. Nhất là chị hết sức cá tính ! Chị rất tự tin, biết cách lý luận và thuyết phục người khác là mình có lý. Tại Eundeok, bạn hữu của cha mẹ tôi gọi chị là « cô bé người lớn », vì cái vẻ nghiêm nghị của chị.

***
Tôi thích đi học, và là học sinh ngoan. Sáng nào cũng vậy, trời hãy còn tối khi mẹ đánh thức chúng tôi dậy. Tôi rửa mặt bằng nước lạnh, thường là lạnh buốt vào mùa đông. Rồi trong khi mẹ chuẩn bị bữa sáng, tôi ủi cẩn thận bộ đồng phục học sinh. Chiếc váy màu xanh đậm, chiếc áo trắng, và thêm một chiếc khăn quàng đỏ xinh xắn của Đội Thiếu niên. Tôi còn nhỏ, chưa được quyền mang chiếc huy hiệu có hình Kim Il Sung mà tất cả người Bắc Triều Tiên đều đeo thường xuyên trên ngực áo, từ khi được kết nạp Đoàn ở tuổi thanh niên.

Trong ánh sáng chập choạng của buổi bình minh, tôi đến với các bạn học tại quảng trường lớn ở trung tâm thành phố. Đúng bảy giờ, chúng tôi khởi hành đi đến trường, xếp hàng theo từng lớp, nhịp nhàng vừa đi vừa hát các bài ca ngợi lãnh đạo.« Cho dù còn bé, nhưng tinh thần chúng tôi rất cao ! Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ tướng quân Kim Jong Il ! ». Một trong các bài hát ưa thích của tôi là bài Vạn dặm để học tập. Bài này kể lại chuyến đi qua các làng mạc và núi non Trung Quốc của chàng thanh niên Kim Il Sung, khi chiến đấu chống lại người Nhật.

Sau mười phút đi rập ràng theo kiểu quân nhân, chúng tôi đứng khựng lại muôn người như một trước ngôi trường, để các giáo viên kiểm tra lại đồng phục. Cuối cùng chúng tôi có thể vào lớp.

Buổi học luôn bắt đầu bằng việc đọc nhẩm, thường là một trang sách về thời tuổi trẻ của Kim Jong Il, mà chúng tôi phải noi gương. Hay là các giai thoại như câu chuyện về bà mẹ ông là Kim Jong Suk, thu nhặt các hạt ngũ cốc dưới đất, trước cái nhìn tò mò của con trai.

-         Vì sao mẹ làm như thế, mẹ có thiếu thốn gì đâu ?
-         Vì không thể lơ là trước một nguồn tài nguyên nào, con ạ.

Tôi vẫn không hiểu được ý nghĩa đằng sau giai thoại, nhưng tôi cố khắc ghi vào trí nhớ, theo yêu cầu của cô giáo.

Thường thì tôi kín đáo nhìn một vòng quanh lớp. Chúng tôi có bốn chục đứa, ngồi sau những chiếc bàn kê dọc trên sàn. Trước mặt tôi, trên bục là chiếc bàn gỗ to của cô giáo, một tấm bảng đen, và phía trên, Kim Jong Il trong bức ảnh chăm chú quan sát chúng tôi. Ở cuối lớp là một chiếc lò sưởi mà vào mùa đông chúng tôi có thể hâm nóng các gà-mên thức ăn cho bữa trưa.

Rồi cô giáo bước vào lớp. Cô chỉ định một học trò để cao giọng đọc trang sách trước mặt. Môn học về cuộc đời các lãnh tụ một trong những môn quan trọng nhất, cùng với môn toán, ngôn ngữ Triều Tiên và đạo đức cộng sản.

Trong giờ học cần phải giữ im lặng, nghịch ngợm một chút là có thể dẫn đến việc bị sỉ nhục trên lớp : trước mắt tất cả mọi người, cô giáo đánh chúng tôi với chiếc gậy to vẫn được dùng để chỉ lên bảng. Hồi đó tôi vẫn nghĩ bạn nào hư thì bị phạt đòn là bình thường. Phải nói thêm rằng, tôi luôn tránh được hình phạt này, nhờ tôi là học trò ngoan.

Tuy vậy, tôi không thể tránh được các buổi tự kiểm hàng ngày được áp đặt mỗi người dân trên đất nước này, tại nhà máy cũng như trường học. Lần lượt vào cuối ngày, chúng tôi phải thú nhận các sai trái của mình trước cả lớp. Tôi nhớ lại có một hôm, khi vất vả làm việc trong vườn rau của cô giáo, tôi đã bực tức thốt lên :
-         Hái bắp để làm cái gì chứ, trong khi mình chẳng được ăn !
-         Thái độ cá nhân chủ nghĩa này là không thể chấp nhận được, trong xã hội Bắc Triều Tiên xã hội chủ nghĩa !
Cô giáo cho gọi tôi đến, gay gắt mắng tôi như thế, sau khi một bạn học tố cáo.

Hôm sau tôi phải tự kiểm một cách thảm hại trước cả lớp, trước khi chuyển qua phản công bằng cách tố lại thái độ không tốt của đứa bạn đã bán đứng tôi. Thành thật mà nói, tôi đã trả thù với một sự thích thú có phần độc ác, vì tôi ganh tị với cô bạn này. Ba của con bé ấy làm việc trong cùng nhà máy với ba tôi, nhưng nhận được tiêu chuẩn thực phẩm cao hơn rất nhiều, do cấp bậc cao hơn.
***
Ở trường, cần phải tôn trọng tôn ti trật tự. Vào đầu năm chúng tôi « bầu » ra một lớp trưởng, và những người phụ trách cho mỗi phận sự quan trọng. Về mặt chính thức, thì đó là các cuộc bầu cử tự do, nhưng chỉ có một ứng cử viên ! Ngày nay tôi nhận ra trò giả dối đó cũng là hình ảnh của chế độ độc tài vẫn luôn ngự trị trên đất nước tôi.

Mọi việc diễn ra như thế này : một ngày trước cuộc bầu cử, cô giáo bí mật gọi tôi đến, có lẽ vì tôi là học sinh ngoan. Hôm sau vào ngày bầu bán, cô hỏi cả lớp :
-         Các em có đề cử ra ứng cử viên nào không ?
Im lặng. Tôi bèn rụt rè giơ tay lên nói : « Kim Song Ku », theo như lệnh của cô giáo đã rỉ tai tôi hôm trước.
-         Ai đồng ý ? - Cô hỏi.
Không chút ngần ngại, cả lớp liền thông qua, và như vậy anh bạn Kim Song Ku đã được bầu lên. Thực tế thì ba của cậu này là thợ mộc, và chúng tôi nghi rằng ông ấy đã cung cấp cho cô giáo những đôi đũa gỗ.

Tại Bắc Triều Tiên, không có phương cách nào để bảo đảm cho sự thành công của con em tốt hơn là việc tặng quà cho thầy cô giáo. Lại thêm vài điều nữa mà ba mẹ tôi, vốn không bao giờ đi họp phụ huynh, đã không chịu hiểu cho.

Tuy vậy có một lần việc bầu cử đã gây ngạc nhiên cho tôi. Cô giáo yêu cầu học sinh bầu ra một người phụ trách việc quét dọn lớp hàng ngày sau mỗi buổi học. Một phận sự không lấy gì làm thú vị, nhưng mang lại cho ta ít nhiều uy tín trong trường. Một nam sinh đứng dậy và đề nghị tên tôi. Tôi cảm thấy mặt mũi đỏ bừng lên.

Hồi đó tôi rất nhát tiếp xúc với bạn trai, và không nói chuyện với đám con trai bao giờ. Thành ra tôi chưa bao giờ để ý đến cậu bạn ấy, nhưng kể từ hôm đó tôi bắt đầu âm thầm ngưỡng mộ cậu. Phù hiệu của bạn ấy mang hai vạch và ba ngôi sao, nghĩa là thuộc cấp bậc rất cao. Tôi thì chỉ có hai ngôi sao mà thôi.

Các biểu tượng này quy định thứ bậc trong lớp, người cao nhất là ba sao và ba vạch. Cô giáo chọn ra để thưởng cho các học sinh ưu tú - đó là các học sinh ngoan ngoãn nhất, hoặc là thường tự nguyện làm các công việc nặng nhọc. Cô cũng hay dùng để thưởng công cho các học trò nào mà cha mẹ tỏ ra hào phóng với cô hay với nhà trường. Chẳng hạn, khi một cửa kính bị vỡ, các phụ huynh đề nghị được trả tiền sửa chữa. Và thế là cậu con được « thăng cấp ». Tại Bắc Triều Tiên là như thế. Nhưng rủi thay cho chị Keumsun và tôi, ba mẹ tôi chưa bao giờ hiểu được cái cung cách này.

Lúc đó tôi tự hỏi, không biết cậu bạn kia đề nghị tôi vì đánh giá tốt về tôi, hay đơn giản là vì cô giáo đã ra lệnh cho cậu. Đến nay điều đó vẫn là một bí mật. Tôi không biết cậu bạn bây giờ ra sao, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được…

« BTT, 9 năm để thoát khỏi địa ngục » – Chương 3 : Ở vương quốc họ Kim


Tôi nhớ mãi buổi chiều tháng Bảy năm 1994 ấy…

Tôi lên tám, hôm ấy trời mưa như trút nước. Hồi đó chúng tôi cư ngụ trong một căn nhà nhỏ. Những giọt nước rơi rào rào trên mái nhà, mạnh cho đến nỗi từng giọt lớn nhễu liên tục xuống trần. Cùng với ba, tôi chạy từ đầu này tới đầu kia căn phòng để lấy xô hứng nước, tránh cho nhà khỏi bị ngập.

Bỗng dưng một tiếng động khô khan vang lên trước cửa. Một người đàn ông hiện ra trước cổng, quần áo sũng nước. Ngạc nhiên thay, đó là ông tổ trưởng dân phố, ở đây người ta gọi là iminban. Một nhân vật cần phải dè chừng, vì ông ta dòm ngó và báo cáo với chính quyền tất cả những gì xảy ra trong khu phố chúng tôi. 

Toàn bộ đất nước được những con người đáng ngờ loại này giám sát, và nay họ vẫn đang đảm bảo sự kiểm soát của chế độ trên 22 triệu người dân Bắc Triều Tiên.

-         Tối nay, nhớ coi tin tức trên ti-vi. Có một tin quan trọng sẽ được loan báo ! - ông ta vội vã ra lệnh.

Rồi không chờ đợi câu trả lời, ông biến mất dưới làn mưa tầm tã. Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được một mệnh lệnh như thế.

***

Đúng giờ, tôi ngồi trước ti-vi, bên cạnh chị Keumsun và ba. Chúng tôi rất hồi hộp vì tò mò, nhưng cũng hơi phấn khích. Có một điều gì đó rất đặc biệt đã xảy ra.

Như thường lệ, trước phông nền cảnh Bình Nhưỡng và dòng sông Taedong, nữ phát thanh viên truyền hình xuất hiện trong chiếc váy truyền thống. Nhưng tối hôm đó, cô trình ra một gương mặt thẫn thờ, gần như sắp khóc. Cô đột ngột thông báo :

-         Chủ tịch Kim Il Sung đã từ trần.

Ba tôi sững sờ bất động. Bầu trời như vừa sụp đổ. Chị tôi và tôi lo lắng nhìn ông. Tất cả chúng tôi đều bị thôi miên trước những hình ảnh liên tục được chiếu. Tôi không hiểu cả, nhưng biết rằng có việc gì đó không thể tưởng tượng được vừa xảy đến.

Rồi mẹ tôi đi làm về, bà cũng khóc. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ trong tình trạng như thế cả. Tại bệnh viện, bà được biết tin cùng với các đồng nghiệp, và một người quá xúc động đã lên cơn đau tim. Ngày hôm đó có nhiều người đã chết vì bị sốc trên khắp cả nước.

Mẹ tôi suy sụp vì bà thành thật yêu mến Chủ tịch. Hồi còn nhỏ ở Bình Nhưỡng, mẹ đi học ở gần Mangyongdae, nơi Chủ tịch sinh ra. Đó là một trang trại với những bức tường bằng đất trộn rơm bao quanh, đã trở thành một địa điểm hành hương của quốc gia. Tôi cũng có lần được đến đó, nhưng lúc ấy tôi còn bé lắm.

Mẹ kể rằng có một lần Kim Il Sung bằng xương bằng thịt đã đến thăm trường. Bà đã có dịp đến gần, đứng cách ông chỉ có một mét ! Theo bà tả lại thì Chủ tịch rất cao, có nụ cười tươi. Trên những bức chân dung ngự trị khắp nơi, kể cả ở lối vào nhà ga Eundok, thì ông có vẻ là người tốt và nhiệt thành.

Ông gần như là Thượng đế đối với chúng tôi, và ý nghĩ là ông đã chết có vẻ khó tưởng tượng được. Người ta có thể sống mà không cần Thượng đế hay không ? Không cần có cha hay không ? Đó là người đã giải phóng nhân dân khỏi ách quân Nhật, là nhà lập quốc, người cha của dân tộc.

Cảnh khóc than tập thể khi Kim Jong Il qua đời.
Khi cái chết của ông được loan báo, cuộc sống đã ngưng đọng lại trên cả nước cho đến khi tang lễ vĩ đại diễn ra vài ngày sau đó, được truyền hình trực tiếp. Khắp nước Bắc Triều Tiên diễn ra những cảnh khóc lóc tập thể : những người lính lăn ra đất mà khóc, các phụ nữ gào lên đau đớn. Và mưa không ngừng rơi. Trên truyền hình, người dẫn chương trình giải thích « ngay cả đất trời cũng khóc cho sự ra đi của lãnh tụ vĩ đại ».
***
Ngày nay đang ở trung tâm Seoul, câu nói đó vẫn còn vang vọng trong tai tôi. Nó tiêu biểu cho quá trình tẩy não mà chúng tôi phải chịu đựng, và hiện vẫn tiếp diễn tại Bắc Triều Tiên. Hồi đó, đứa bé gái là tôi thực sự tin là ông trời đã khóc vì tuyệt vọng, vào cái ngày 8 tháng 7 năm 1994 ấy.

Nay thì tôi biết rằng, chỉ đơn giản lúc đó là mùa mưa, và vào mùa này tại Bắc Triều Tiên mưa rất nhiều. Nhưng do bị đầu độc, tôi tin tất cả những gì được kể ở trường, ở nhà, với lại cũng không có bất cứ phương tiện nào để nghe được một cách diễn đạt khác. Ngay cả người lớn cũng không có khả năng so sánh.

Cuộc sống lưu vong từ đó đến nay đã cho phép tôi dần dần thoát được ra khỏi các luận điệu tuyên truyền và nhìn thẳng vào thực tế : đất nước tôi đang nằm trong tay một chế độ độc tài khát máu. Các lãnh tụ họ Kim không phải là những người cha bảo vệ con dân, mà rõ ràng là các bạo chúa. Tuy vậy cho đến ngày nay, đại đa số đồng bào tôi không hề có cách nào để mở mắt. Dân tộc tôi hoàn toàn bị cô lập, phải sống trong một thế giới khép kín.

Không nên trách họ tại sao lại không nổi dậy, vì họ không có phương tiện nào để mài dũa tinh thần phê phán, không ý thức được tầm vóc sự bất hạnh của mình. Họ không thể đánh giá được thực tế phũ phàng của chế độ độc tài. Internet không hề hiện diện, ngoại trừ đối với các lãnh đạo cao cấp của đảng. Việc nối mạng truyền hình quốc gia, gọi điện thoại và trao đổi thư tín với nước ngoài đều bị cấm đoán, những ai vi phạm có thể bị bắt đi lao động cải tạo.

Tuy vậy ngày càng có những mẩu tin thoát ra được qua ngõ biên giới Trung Quốc nhờ những người buôn bán và chạy áp-phe, nhưng ảnh hưởng của chúng không đến được với các tỉnh nằm sâu bên trong. Tại biên giới chia cách với miền Nam, vùng đất được quân sự hóa nhất thế giới, các tháp canh và bãi mìn tạo nên một thành lũy không thể vượt qua nổi.

Không có thông điệp nào đến được với Bắc Triều Tiên, ngoại trừ một số truyền đơn tố cáo các tội ác của các lãnh đạo họ Kim, được thả bay qua các hàng rào kẽm gai. Những gia đình bị chia cắt từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1953, vẫn không có được một tin tức nào từ người thân của họ đang sống ở phía bên kia « DMZ », tức vùng phi quân sự. Người ta vẫn gọi vùng biên giới tua tủa rào kẽm gai hiện cắt làm đôi bán đảo Triều Tiên như thế. Sự quên lãng đang ngự trị giữa hai xã hội Nam Bắc.

***
Cũng như mọi người, hôm sau khi Kim Il Sung qua đời, tôi cũng bị khủng hoảng. Từ sáng sớm, mẹ đã bắt chị Keumsun và tôi lên núi hái hoa viếng ông - một nhiệm vụ nặng nhọc mà tất cả bọn trẻ con chúng tôi đều phải làm mỗi khi đến dịp sinh nhật lãnh tụ. Và hãy coi chừng nếu như trở về tay không, hay tệ hơn nữa, là với những đóa hoa màu vàng. Chúng tôi sẽ bị mọi người cười nhạo, bị thầy cô giáo trừng phạt. Đó là vì màu vàng được xem là màu tượng trưng cho kẻ thù Mỹ. Chúng tôi đều nghĩ là tất cả những người Mỹ đều tóc vàng !

Buổi tối ngày 9 tháng 7 năm 1994 ấy, không có một bông hoa nào còn sót lại trên cây, do cuộc càn quét của bọn trẻ chúng tôi.

Sau khi hái hoa, tôi trở về tham dự buổi lễ tưởng niệm ở trung tâm thành phố. Giữa đám đông đang gào khóc, đến lượt tôi cũng bật khóc. Tôi không biết chính xác vì sao mình lại khóc, nhưng cảm thấy cần phải làm như thế. Tôi bị kích động bởi không khí chung quanh. 

Tôi còn nhớ là có một cô bạn bên cạnh không khóc nổi. « Nó làm bộ khóc » - tôi nghĩ như thế khi nhìn thấy giọt nước bé tí nơi khóe mắt cô. Nhưng cô bạn không có chọn lựa nào khác, cô có nguy cơ bị đánh giá không tốt nếu cặp mắt cứ ráo hoảnh.

Tuy vậy nỗi đau buồn của chúng tôi là thành thật, chúng tôi thành tâm yêu mến Kim Il Sung, cũng như con trai và là người kế vị ông, Kim Jong Il. Họ là những ông già Noel của chúng tôi ! Ngày 15/4 và 16/2, sinh nhật của hai vị lãnh tụ, là ngày tuyệt vời đối với trẻ em. Chúng tôi nhận được một kí-lô bánh kẹo của lãnh tụ tặng cho.

Trước đó một hôm, tôi cứ lăng xăng như khỉ, hồi hộp không ngủ được. Đến sáng, với bộ đồng phục tinh tươm, tôi hãnh diện đi nhận món quà : một túi lớn bằng nhựa trong mang hàng chữ « Chúng tôi không mong muốn gì hơn trên thế giới này ». Tôi cho rằng đây là cách để cho người dân hiểu rằng không có ai hạnh phúc hơn chúng tôi…

Bên trong chiếc túi có nào kẹo chewingum, kẹo caramel, bánh bột đậu nành rắc đường, bách bích-quy…Cả một giấc mơ ! Trên đường về, tôi ôm chặt gia tài này vào lòng, che phủ bằng một mảnh vải mà mẹ tôi đã cẩn thận đưa cho để tránh những cặp mắt thèm muốn.

Ngay cả sau khi đến Hàn Quốc, phải mất một thời gian sau tôi mới nhìn ra được sự thật. Tôi không muốn tin Kim Jong Il là một nhà độc tài nghiệt ngã. Tại Seoul, tôi đọc được cuốn sách do đầu bếp người Nhật của ông viết – người đầu bếp này đã trốn về Tokyo để tránh móng vuốt của Kim Jong Il sau nhiều năm dài làm món sushi phục vụ cho ông Kim. 

Kenji Fujimoto đã kể lại chi tiết sự tàn bạo và những bê tha phóng đãng của lãnh tụ. Điều này quá xa vời so với hình ảnh vị thần hộ mệnh mà chúng tôi được dạy dỗ trong nhà trường, nên ban đầu tôi từ chối không muốn tin vào những gì đã đọc.

Mỗi buổi sáng lên lớp chúng tôi đều được học một giai thoại về cuộc đời gương mẫu của Kim Jong Il. Người ta dạy chúng tôi là vào ngày ông ra đời, một ngôi sao đã xuất hiện trên đỉnh núi Paekdu, ngọn núi lửa khổng lồ nơi quốc gia Triều Tiên đã được tạo lập cách đây nhiều ngàn năm. Câu chuyện cứ như một chuyện thần tiên. 

Người ta cũng ca ngợi công trạng của Kim Il Sung, lãnh tụ giải phóng dân tộc. Hồi còn nhỏ, lúc đi Bình Nhưỡng, ba tôi đã chỉ cho xem một gốc cây hùng vĩ, trong một công viên nằm dọc theo dòng sông Taedong, nơi mà cậu bé Kim Il Sung hồi trước đã leo lên để cố chạm đến một chiếc cầu vồng. Chính ở đó mà ông nảy ra ý tưởng phát động cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

***
Ngày nay, tất cả những dối trá này đã bốc hơi, và tôi hãi hùng nhìn thẳng vào thực tế. Ở đây, tôi được biết về các trại cải tạo khủng khiếp ở đất nước quê hương tôi, nơi  có ít nhất 150 ngàn tù nhân đang chết dần chết mòn, vào lúc mà bạn đang đọc những dòng này. Hồi còn ở Bắc Triều Tiên, tôi không biết đến sự hiện diện của các trại cải tạo ấy, chỉ biết đơn giản là có những người đột ngột biến mất.

Tại Seoul, khi nghe lời kể của những người cũng chạy trốn sang đây, tôi hiểu rằng đất nước tôi thực ra chỉ là một nhà tù rộng lớn. Trong đó, những người tù không hề ý thức được về tầm vóc nỗi bất hạnh của mình, vì trước hết họ phải chiến đấu để có thể sống sót.

Tất cả những câu hỏi này lại hiện về trong đầu tôi vào tháng 11/2010, khi Bắc Triều Tiên đột ngột bắn pháo vào một hòn đảo Hàn Quốc ở Hoàng Hải. Bốn người đã thiệt mạng vì đạn súng cối, chỉ cách Seoul có bảy mươi cây số. Chị tôi và tôi cứ ngỡ chiến tranh đã xảy ra. Keumsun nói với tôi :

-         Họ đã điên cả rồi !

Tôi thì tôi không nghĩ là sẽ có một cuộc chiến tranh toàn lực. Tôi tin chắc rằng chế độ sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lực, từ bỏ các loại vũ khí nguyên tử đang được bí mật chế tạo. Và tôi tự hỏi, liệu có một ngày nào đó mình sẽ được trở về đất nước Bắc Triều Tiên đã được giải phóng khỏi các bạo chúa, khỏi sự bần cùng và nạn đói…

Chương 4 : « Chúng ta sẽ chết hết »

Một thiếu niên làm việc trên cánh đồng hợp tác. Ảnh chụp ngày 30/09/2011 dưới sự kiểm soát của chính quyền BTT.
Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục
Chương 4 : « Chúng ta sẽ chết hết »

Người tôi mỏng như một cành lá, nhưng tôi có cảm giác mình nặng cả tấn. Tôi sụp xuống trong tình trạng vô thức trên nền nhà lạnh buốt. Bóng tối giá băng của căn hộ nuốt chửng lấy tôi một cách nghiệt ngã. Tâm trí nhẹ như bông của tôi không còn sức chiến đấu, và trái tim tôi đã mất đi lòng can đảm.

Mẹ đã đi rồi. Thế là hết, tôi thậm chí còn không rung động khi nghe tiếng bước chân trên cầu thang. Buổi tối tháng Chạp năm 1997 ấy, tôi sẽ lìa bỏ cõi đời ở tuổi mười một…

Bỗng nhiên một tiếng động khô khốc xé lấy màng tai tôi. Một giấc mơ chăng ? Hay là một cơn ác mộng ? Tôi mở hé một bên mắt một cách máy móc. Một dáng người tiến thẳng về phía tôi, cái bóng lớn dần lên. Sợ hãi, tôi ló ra khỏi chỗ tranh tối tranh sáng. Và tôi chợt nhận ra những nét quen thuộc. Đó là mẹ tôi ! Và chị Keumsum, ở ngay phía sau bà.


Một đợt adrénaline bỗng trả lại cho tôi nghị lực, cơn khủng hoảng biến ngay. Một niềm vui sướng mênh mông ! Tôi chưa bao giờ vui mừng như thế.

Cách đó chỉ vài tiếng đồng hồ, tôi đã viết bản di chúc của mình. Thế mà hai người thân yêu đây rồi ! Một phép lạ…Tôi bỗng thấy xấu hổ vì đã thốt ra tiếng kêu tuyệt vọng lúc mẹ và chị đang trên đường về - thật không can đảm chút nào. Với lại tôi đã viết ra những lời khá căng về mẹ. Bà phát hiện ra bản di chúc trên chiếc bàn thấp. Tôi nín thở. Mẹ đọc tờ giấy và trở nên câm lặng. Khuôn mặt bà không biểu lộ một xúc cảm nào, tôi không bao giờ biết được lúc đó bà nghĩ gì. Niềm vui nhòa nhạt đi.

…Và biến hẳn, khi tôi nhận ra rằng mẹ và chị trở về tay không, trái với bao mong đợi của tôi. Chuyến đi Rajin-Sonbong đã thất bại. Hai người không mang về chút gì để tôi bỏ vào miệng, mà tôi thì vô cùng đói ! Tôi chưa được ăn gì sau món canh vô vị cách đây hai ngày. Thất vọng khủng khiếp, nhưng tôi không dám biểu lộ ra.

Mẹ có vẻ vừa kiệt sức vừa lúng túng sau chuyến đi dài vô ích ấy. Và việc đọc bản di chúc của tôi không giúp thêm được gì. Vì không có gì ăn, bà rót một ly nước lã để uống. Cái nhìn của bà lướt quanh căn phòng tối tăm và trống rỗng. Mẹ thốt lên bằng một giọng mệt mỏi :

-         Giờ thì mẹ con mình chỉ còn việc chết đi ở nơi đây. Tất cả chúng ta sẽ chết hết…

Trong im lặng, mẹ buông mình xuống chiếc mền vá víu nhiều chỗ, dọc theo vách ngăn gian bếp, dưới khung cửa trổ. Đây là chỗ ít lạnh nhất trong căn hộ. Chị tôi và tôi thu mình lại, dựa vào mẹ. Bóng tối bao trùm lên ba mẹ con. Tôi chìm vào giấc ngủ, nơi trú ẩn cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi đói khát, vô vọng, nhưng ít nhất tôi không đơn độc.

***
Buổi sáng, những tiếng động đường phố vọng đến, nhưng chúng tôi không ai động đậy. Mẹ vẫn nằm trên nền nhà suốt nhiều tiếng đồng hồ, như một giấc ngủ miên viễn. Áp lực đè nặng trên vai bà đã trở nên không thể chịu đựng nổi. Mẹ biết rằng bà là thành lũy cuối cùng chống lại một căn bệnh truyền nhiễm đã hoành hành trên đất nước từ ba năm qua và ngày càng thêm trầm trọng : đó là nạn đói.

Từ năm 1995, những người trong gia đình chúng tôi đã ngã rạp như ruồi, người này theo chân người kia, và chúng tôi sẽ là những người kế tiếp trong danh sách. Trong hai năm qua, bà ngoại tôi đã mất đi, rồi đến ông ngoại. Cách đây một tháng, đến lượt ba tôi qua đời do kiệt sức vì đói khát. Dưới đôi mí mắt nhắm nghiền, hẳn là mẹ tôi lại thấy diễu qua cuộn phim đau thương – cha mẹ rồi đến chồng chết đói – một cuộn phim chưa có hồi kết.

Tôi không được ăn mì từ một năm qua. Cho đến tận năm 1994, tôi vẫn chưa hề bị thiếu ăn vì như đã nói, mẹ tôi mang về nhà những thức ăn thừa từ căng-tin bệnh viện. Nhờ bà mà chúng tôi được thường xuyên ăn cơm với món kimchi – đặc sản của Triều Tiên làm bằng cải thảo muối cay. Cái món dưa muối màu đỏ, cay nồng và ngon làm sao ! Một khi đã quen, thì cứ muốn thưởng thức mãi.

Nhưng từ khi lên chín tuổi, chúng tôi không còn có được cơm ăn mỗi ngày : tại bệnh viện, thức ăn ngày càng thiếu thốn. Thay vì cơm, mẹ cho chúng tôi ăn món bột bắp nấu chín, mà tôi không thích chút nào. Tôi rên rỉ :
-         Con không muốn ăn đâu !
Tuy vậy tôi biết rằng chẳng có thức gì khác.

Kể từ thời điểm này, các cửa hàng quốc doanh ở cạnh nhà gần như trở thành vô dụng. Đó là một cửa hàng nhỏ bằng xi-măng, có hai cửa sổ với chấn song sắt,  trông giống nhà tù hơn là cửa hàng. Toàn bộ nguồn thực phẩm cung cấp cho thành phố đều phải chính thức chuyển qua các gian hàng tối tăm này, vì tại Bắc Triều Tiên tất cả đều thuộc sở hữu Nhà nước - theo như giáo điều của chủ nghĩa xã hội.  đó có thể tìm thấy từ đồng phục học sinh cho đến dầu ăn hay gạo - trên nguyên tắc

Từ hai năm qua, cửa hàng quốc doanh hầu như luôn đóng cửa vì không được tiếp tế. Dần dà, tiêu chuẩn phân phối cho các nhà máy trở nên không thường xuyên, rồi đứt hẳn. Và mỗi người tự xoay sở ở « chợ đen », mua bán những gì có thể tạijangmadang – chợ dân sinh được Nhà nước mặc nhiên cho phép tồn tại, hay ngay trên các đường phố. Trên bậc thềm những ngôi nhà, người ta chưng ra một vài món hàng, và mỗi khi bán được lại dùng để mua thực phẩm mà giá cả luôn tăng vọt.

***
Từ khi trốn được khỏi Bắc Triều Tiên, tôi mới biết rằng chúng tôi là nạn nhân của nạn đói khủng khiếp đã tàn phá đất nước vào giữa thập niên 90. Cho đến ngày nay, vẫn chưa có chuyên gia nào biết chính xác có bao nhiêu người đã bị chết đói, trong tấn bi kịch mà chính quyền luôn chối bỏ : ít nhất là 500.000 người, hay có lẽ hơn một triệu, theo một số tổ chức phi chính phủ. Tại Seoul, tôi phát hiện rằng tỉnh Hamgyong của tôi ở miền bắc, là nơi bị nạn đói hoành hành nhiều nhất.

Nguyên nhân của trận đói thì có nhiều và phức tạp. Trước hết, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã làm đảo lộn một nền kinh tế vốn lệ thuộc vào ông anh cả cộng sản. Các nhà máy lần lượt đóng cửa vì không còn nguồn điện, phân bón biến mất khỏi các cánh đồng, tiêu chuẩn thực phẩm co rút lại như miếng da lừa. Rồi kể từ năm 1994, những trận lụt khủng khiếp đã là phát súng ân huệ cho nền nông nghiệp èo uột của tỉnh chúng tôi.

Số lương thực tồn trữ hiếm hoi được dành cho các quân nhân và giai cấp ăn trên ngồi trước, trong khi dân chúng chết dần chết mòn vì đói khát. Trước hết là trẻ con, rồi đến người già và phụ nữ. Chất lượng thực phẩm phân phối từ khi tôi mới sinh ra cho đến giữa thập niên 80 ngày càng tệ hại, nhưng kể từ năm 1994, số lượng bị giảm mạnh, và những chuyến giao hàng thường xuyên bị hủy. Về mặt chính thức, những người có trách nhiệm của cửa hàng nói là hàng chỉ bị giao trễ mà thôi. Tuy nhiên đôi khi chúng tôi không nhận được gì trong suốt sáu tháng trời.

***
Năm 1995, bà ngoại tôi là người đầu tiên ngã xuống tại Chongjin. Rồi năm sau đó, đến lượt ông ngoại tôi, một quân nhân về hưu qua đời, hậu quả của việc tư nhân hóa. Sức khỏe mong manh của ông không chịu đựng nổi khi Nhà nước chấm dứt chế độ phân phối nhu yếu phẩm. Mẹ tôi biết được thảm kịch này qua một lá thư, mà sau đám tang rất lâu mới đến tay bà. Cũng do thư từ chậm chạp mà mẹ chưa bao giờ có thể nói lời vĩnh biệt người cha. Dưới đôi mắt nhắm nghiền, nhất định bà đang nghĩ về điều đó.

Điều nghịch lý là gia đình tôi đã phải trả giá đắt cho vị thế « ưu tiên » và lòng tin mù quáng vào chế độ. Chưa bao giờ những người thân của tôi lại nghĩ rằng chế độ có thể để cho họ chết đói ! Họ hoàn toàn lệ thuộc vào tiêu chuẩn lương thực của Nhà nước, và bỗng chốc bị ngã gục nhanh chóng hơn những người biết « chân trong chân ngoài » để tồn tại.

Chỉ có những ai biết buôn bán chợ đen kiếm tiền mới có khả năng mua được thực phẩm ngoài chợ. Các cán bộ và sĩ quan cao cấp thì được hưởng chế độ cung cấp đặc biệt. Cuối cùng, chỉ có những viên chức trung cấp như ông ngoại tôi bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chế độ phân phối chấm dứt. Ông ngoại không có khiếu kinh doanh, và không có khả năng làm những việc khác để sống còn.

Rồi vào mùa hè năm 1997, nạn đói tấn công vào ba tôi. Thể chất yếu ớt của ông lại càng hom hem thấy rõ, ngay sau khi tiêu chuẩn của nhà máy không còn nữa. Tôi vẫn còn nhớ được khuôn mặt ông, ngày càng hốc hác thêm. Một buổi tối, khi vác than về để cả nhà sưởi ấm, thân hình gầy còm của ông bỗng ngã gục vì mệt nhọc, trước cặp mắt tuyệt vọng của mẹ.

« Trước khi từ giã cõi đời, những người sắp chết thường làm những điều dại dột » - một câu châm ngôn Triều Tiên nói như thế. Trong những ngày cuối, cái đói đã làm cho ông mất trí. Ông có những hành động kỳ cục, làm cho mẹ bực mình. Một hôm khi đi làm về, bà thấy căn nhà hầu như trống rỗng. Mẹ tôi hoảng sợ, tưởng là bị trộm khuân. Thật ra, những người hàng xóm đã thuyết phục ba tôi giao cho họ tất cả những gì chúng tôi có để mang ra chợ bán. Hết sức giận dữ, mẹ tôi đã tìm lại ở jangmadang những vật dụng quý giá nhất đối với bà, đặc biệt là chiếc mền xinh đẹp vốn là quà cưới. Nhưng đã quá trễ, những món đồ đó đã bị bán đi !

Rồi đến một hôm, ba tôi đã gục ngã hẳn. Chúng tôi thậm chí còn không có khả năng chi trả cho một tang lễ. Trên ngôi mộ của ông được đào trong bùn, chúng tôi chỉ có thể cắm một mảnh gỗ có khắc tên ông, để người ta không quên mất ông quá sớm. Vài tuần sau đó, mảnh gỗ này đã bị lấy cắp mất, có lẽ là để sưởi ấm. Người ta sẵn sàng làm bất kỳ thứ gì để sống sót.

***
Từ khi ba tôi qua đời, cuộc sống của chúng tôi trở thành địa ngục, với viễn cảnh duy nhất là cuộc đấu tranh sinh tồn. Ngay cả bệnh viện cũng không còn khả năng nuôi ăn các bệnh nhân, không còn ai nhận được tiêu chuẩn phân phối. Chị em tôi không còn đến trường nữa, như tôi đã nói, vì chẳng còn trông ra hồn người. Nhất là vì chúng tôi không có thì giờ, suốt cả ngày trời đều dành cho việc kiếm ra thứ gì đó có thể ăn được.

Cả ba mẹ con sống ẩn dật trong căn hộ, trốn tránh mọi cái nhìn. Mỗi ngày chúng tôi âm thầm ra đồng để ăn cắp lúa và bắp, trốn tránh các cuộc tuần tra của các toán lính. Chúng tôi lén nhổ từng bụi cây, rồi đi lên núi để tướt hạt mà không ai nhìn thấy. Chúng tôi cũng tìm kiếm rễ củ và nấm. Đôi khi mẹ con tôi hái củi – vốn ngày một hiếm, mang đi bán, dành dụm để có được miếng ăn hàng ngày. Mẹ tôi dồn chút sức lực cuối cùng vào những nhát búa bửa củi, trong khi chị Keumsun và tôi bẻ những cành cây nhẹ nhất để bó thành những bó củi nhỏ. Thật là khó nhọc ! May thay, chúng tôi chưa bao giờ bị bắt quả tang.

***
Nằm bất động, đôi mắt khép hờ, trong đầu mẹ tôi hẳn đã liên tục chiếu đi chiếu lại những hình ảnh này. Chuyến đi Rajin-Sonbong là hy vọng cuối cùng của bà. Mẹ nghĩ rằng ở cảng, bà có thể kiếm ra tiền hay tìm được thức ăn, cứu được chúng tôi. Nhưng nỗ lực tận cùng này đã thất bại.

Mẹ vẫn không nhúc nhích, nhưng kỳ lạ thay, tôi cảm thấy bà đang vạch ra một kế hoạch trong im lặng.

Bên ngoài, mặt trời đã lên cao. Bỗng dưng mẹ ngồi bật dậy, ánh mắt sáng rực. Bà đã quyết định chuyển sang hành động. Bản năng sinh tồn của bà vẫn chưa bị tước đoạt.

Chương 5: Chạy trốn

Chân dung Kim Il Sung tại một khu nhà ở Bình Nhưỡng. Ảnh chụp ngày 05/10/2011.
Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục

Chương 5: Chạy trốn

Ngày hôm đó, mẹ tôi đã bước sang cái ngưỡng không thể lùi lại được nữa. Tôi nhớ lại cảnh bà đứng trong phòng khách, tia nhìn rực lên với một quyết tâm mới, tương phản hẳn với sự tuyệt vọng của hôm trước. Trước mắt tôi, bà làm cái điều mà tôi chưa bao giờ tin rằng có thể diễn ra.

Bà tiến lại gần bức tường chính với những bước chân cương quyết, nhón chân, vói tay lên để gỡ các bức chân dung Kim Il Sung và Kim Jong Il. Đó là những bức ảnh màu được lồng kính, bọc khung gỗ mạ vàng.

Hai nhà lãnh tụ dõi theo chúng tôi cả ngày lẫn đêm kể từ những ngày tháng trẻ thơ êm đềm của tôi, và hiện vẫn giám sát từng hộ gia đình trên đất nước. Người ta thấy chân dung lãnh tụ khắp nơi, hiện diện trong mỗi tòa nhà, cho đến từng toa tàu trong métro Bình Nhưỡng. Trong cái tôn giáo mới toàn trị do Kim Il Sung sáng lập, đó là những vật thiêng liêng.

Nay thì mẹ tôi không còn sợ hãi nữa. Bà cẩn thận rút ra tấm ảnh của hai vị lãnh tụ đã được thần thánh hóa. Sau đó bà tấn công đến khung ảnh, bẻ thành nhiều mảnh nhỏ. Đó là thứ cuối cùng chúng tôi có thể đem bán.


Mẹ vừa phạm một tội có thể bị án tử hình. Không thể để cho bất kỳ ai biết được mớ gỗ vụn này từ đâu đến. Và nếu hàng xóm trông thấy mấy tấm ảnh bị mất khung ấy, họ có thể tố cáo chúng tôi đã xúc phạm lãnh tụ. Để phòng ngừa, mẹ tôi quyết định đốt hai tấm ảnh.

Bà mang mớ gỗ ra chợ, và nhờ đó cuối cùng chúng tôi cũng mua được một bữa ăn. Lần đầu tiên từ ba ngày qua, tôi mới có chút gì bỏ vào bụng. Thức ăn mới ngon làm sao! Mẹ tôi dường như tìm lại được một chút nghị lực, có thể là nảy sinh từ tuyệt vọng. Bà quyết định bán chiếc tủ vách ngăn, món đồ cuối cùng mà chúng tôi sở hữu, ngoài chiếc bàn thấp mà tôi đã dùng để viết bản di chúc. Nhưng tại jangmadang, những người láng giềng nói rằng nó quá cũ kỹ, khó kiếm được người mua. Giải pháp duy nhất là chẻ ra làm củi đem bán, cầm hơi được thêm vài hôm nữa.

Nhưng sau đó thì sao, chẳng thể nào biết được. Làm thế nào để sống sót ? Mùa đông khắc nghiệt không hề để cho mẹ tôi được ngơi nghỉ, hơn nữa bà lại đổ bệnh. Mẹ không có khả năng nuôi ăn chúng tôi nữa, nên phải tạm gởi tôi ở nhà một bà bạn. Tôi rời nhà mà không biết rằng có dịp trở lại nữa hay không. Chị Keumsun đi xe lửa đến nhà dì tôi ở Chongjin. Mẹ cần lấy lại sức lực. Những người hàng xóm lo ngại thấy bà quá yếu ớt, trong khi nhiệt độ ngoài trời xuống đến âm 15 độ. Họ nói rằng bóng ma của ba tôi vẫn lẩn quẩn đâu đó, để mang bà đi theo. Phải cảnh giác với những hồn ma. Có nhiều ma lắm, hồi nhỏ tôi rất sợ ma.

***
Chính trong mấy tuần lễ cuối mùa đông 1997-1998 mà số phận tôi đã đảo lộn. Không còn biết bấu víu vào đâu, mẹ tôi dần trở nên táo bạo, nghĩ đến cái điều không thể tưởng tượng được: vượt biên. Chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên đến một nơi chốn vô định, để cứu sống các con. Khi tôi gặp lại mẹ vào đầu tháng Hai, tôi hiểu rằng bà đã có một quyết định đáng sợ: trốn sang Trung Quốc.

Eundeok chỉ cách biên giới có một tiếng đồng hồ, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mạo hiểm như thế. Vượt qua đường ranh giới được những người mặc quân phục, trang bị súng ống canh giữ, có vẻ là một dự tính điên khùng. Những bạn bè lần đầu tiên đã hạ giọng nói với chúng tôi sự đúng đắn của ý tưởng này. Họ bảo rằng chúng tôi không có cơ hội nào để sống sót ở đây. Những người láng giềng kể lại, có những người thân của họ đã sang đó và kiếm sống được.

Ban đầu mẹ tôi không tin, vì khi bà còn trẻ, đất nước chúng tôi giàu có hơn Trung Quốc. Vào thời đó, chính những người Trung Quốc mới mơ sang Bắc Triều Tiên để được no đủ. Thế giới thay đổi quá nhanh! Và cần nhắc lại là, ở đây người dân hoàn toàn không có thông tin gì về phần còn lại của thế giới, ngoài những luận điệu tuyên truyền được gieo rắc - tốt nhất là sống ở đây còn hơn là trong sự hỗn loạn của thế giới tư bản. Chúng tôi sống trong sự lừa dối thường trực, mà thời đó tôi không hề biết.

Cuối cùng mẹ tôi cũng thuận theo, vì không có cách nào tốt hơn. Nhưng một khi có ý định trong đầu, không thể nào làm cho bà thay đổi quyết định. Không hề nói với ai, bà âm thầm chuẩn bị. Chúng tôi sẽ trở thành những “kẻ đào tẩu”, những kẻ phản bội tổ quốc. Tuy nhiên vào lúc đó, chúng tôi không hề quan tâm đến chính trị. Đó chỉ là bản năng sinh tồn, chứ không phải là ý định nổi dậy chống lại chế độ. Mục đích là tìm được thức ăn, để không ngã rạp như rươi.

Tôi không có khả năng chỉ trích sự độc tài của Kim Jong Il, chỉ muốn không bị đói ăn. Chỉ sau đó, dần dà trong quá trình đào tẩu thảm hại để đến được Seoul, tôi mới được mở mắt về tình trạng nô lệ của chúng tôi, và hiểu được sự khủng khiếp của chế độ phi nhân này. Ngày nay, tôi có thể tố cáo những tội ác của chế độ, vì tôi đã được an toàn tại Hàn Quốc. Và bao tử tôi không còn trống rỗng.


***
Sông Đồ Môn, ranh giới Bắc Triều Tiên - Trung Quốc vào mùa đông.
Mười lăm năm đã trôi qua, nhưng tôi nhớ rõ từng chi tiết cái ngày cuối mùa đông ấy, khi cuộc đào thoát bắt đầu. Tôi không biết rằng nó kéo dài đến chín năm.

Màn đêm buông xuống Eundeok. Mùa xuân không còn xa nữa, nhưng tôi lạnh run, vì nhiệt độ xuống thấp từ khi bóng tối phủ lên thành phố. Trong bóng đêm chập choạng, chị Keumsun, mẹ và tôi nhẹ nhàng lách ra ngoài. Mẹ đóng vĩnh viễn cánh cửa căn hộ của chúng tôi. Tôi mang theo một chiếc túi ba lô nhỏ đựng những kỷ niệm quý báu nhất: đó là những tấm ảnh, đặc biệt là tấm chụp ba tôi đội chiếc mũ lông, đứng trước bức tượng Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng. Đó là tấm hình tôi thích nhất.

Trên đường, những người khách bộ hành không biết rằng sẽ không bao giờ thấy lại chúng tôi. Lúc nãy mẹ tôi có đến gặp một người bạn, mượn rìu và cưa, nói rằng để đi kiếm củi. Bà không dám nói với ông ấy là chúng tôi sẽ mang đi luôn. Hai dụng cụ này bảo đảm chống lại cái đói, trong chuyến du hành vô định của chúng tôi. Mẹ tôi nghĩ, chỉ cần chặt củi dọc đường và bán khi nào cần mua đồ ăn. Mẹ luôn có những ý tưởng thực tiễn.

Trời tối đen như mực khi chúng tôi đến được ngôi làng biên giới, sau khoảng một tiếng đồng hồ đi đường. Lợi dụng bóng tối, chúng tôi tránh xa ngôi làng, băng qua cánh đồng bằng cách núp sau những lùm cây. Bỗng dưng đôi mắt đã quen với bóng tối của tôi phân biệt được một vũng sáng trong đêm. Dòng sông Đồ Môn! Phía sau đó là Trung Quốc. Tự do - và tôi hy vọng - cả gạo thóc cũng đợi chúng tôi ở bên ấy. Đêm nay chúng tôi sẽ đến được.

Địa điểm này quen thuộc với tôi vì cách đây vài tuần, chúng tôi đã thử lần đầu. Đó là hồi đầu tháng Ba. Theo những lời khuyên thu thập được từ những người đưa đường, chúng tôi định đi bộ qua dòng sông đang đóng băng. Nhưng cần phải nhìn nhận một thực tế: đã quá trễ. Những mảnh băng giá đã thấy trôi nổi trên dòng nước. Băng đã bắt đầu tan, cần phải đợi đến mùa đông năm sau. Một sự chờ đợi vô tận! Chúng tôi đã phải thất thểu quay lại Eundeok trong đêm. Nhưng mẹ tôi, không bao giờ chấp nhận bại trận, đã quyết định rằng chúng tôi sẽ trở lại vào mùa xuân để đi qua sông Đồ Môn – lần này thì lội trong nước, vì dòng sông có tiếng là nông.
***
Thế là giờ đây chúng tôi đã trở lại trong đêm. Nhẹ nhàng và thận trọng, chúng tôi tiến gần bờ sông Đồ Môn. Cách dòng sông vài mét, tôi dán chặt người trên cát. Từ đó, có thể bí mật quan sát những toán lính biên phòng đi tuần qua lại bên bờ sông. Chúng tôi nằm bất động nhiều giờ liền, trong im lặng. Mẹ tính toán thời gian và tần suất các vòng tuần tiễu của những người mặc quân phục.

Vào khoảng nửa đêm, khi một toán tuần tra đã đi qua, mẹ tôi phát tín hiệu - bà tiến lên trên bãi cát, nắm lấy tay hai chị em tôi kéo đi. Bất chợt bàn chân tôi chạm vào mặt nước. Thật là lạnh giá! Chúng tôi không biết bơi, nhưng mẹ nắm tay chị em tôi rất chặt. Nước nhanh chóng lên đến đầu gối tôi, dâng đến bụng rồi ngập lên đến cổ. Tôi cảm thấy mình sẽ bị chìm ngập trong nước. Tôi sợ hãi. Chị Keumsun và tôi cố níu mẹ lại, tuy bà vẫn rất kiên quyết. Cuối cùng mẹ cũng nhận ra là nước quá sâu đối với chúng tôi, và lùi về phía những đụn cát. Tôi thở ra nhẹ nhõm!

Nhưng mẹ rất bướng bỉnh. Bà yêu cầu chúng tôi phải ngoan ngoãn chờ đợi, để một mình bà cố tìm ra một lối thoát. Bóng dáng của mẹ từ từ chìm sâu vào dòng nước đen như mực, và càng lúc càng nhỏ dần đi.

Tôi run rẩy, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, thấy dáng hình mẹ tôi nhòa lẫn vào bóng tối. Bà sẽ chết chìm. Chúng tôi sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy mẹ nữa. Và nếu bà thành công trong việc sang được đến bờ bên kia, thì chị Keumsun và tôi sẽ ra sao? Mẹ tôi đã biến mất, tim tôi đập loạn cả lên.

Bỗng dưng sau những phút giây dài dằng dặc, hình thù mẹ lại hiện ra bên bờ sông, nước chảy ròng ròng trên người bà. Mẹ run cầm cập, cố gắng lắm mới bước đi nổi. Tôi sợ rằng mẹ sẽ ngất xỉu, dòng nước giá băng đã làm cho bà kiệt sức. Chỉ còn cách bờ bên kia có ba mét, lòng sông bỗng sụt sâu xuống và mẹ tôi bị hụt chân. Chỉ còn có ba mét nữa là bà đặt chân lên được đất Trung Quốc!

Tôi hoảng loạn. Trong đêm đen, hai đứa bé gái đơn độc, cố gắng hỗ trợ một người mẹ bệnh hoạn, run rẩy. Biết làm gì bây giờ?

         - Đành chịu, mẹ con mình nộp mạng cho biên phòng vậy – Mẹ tôi quyết định một cách nhẫn nhục.


Chương 6 : « Kogebi » - Nỗi nhục (1)



Bong bóng được thả lên trời nhân dịp khánh thành tượng lãnh tụ Kim Jong Il tại đại học Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA phân phát ngày 02/10/2013.
Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục

Chương 6 : « Kogebi » - Nỗi nhục (1)

Trước trạm biên phòng nhỏ, người trưởng trạm mặc quân phục nhìn xoáy vào chúng tôi. Mẹ tôi giải thích là chúng tôi băng qua sông để lẻn vào vùng này đi kiếm củi, hy vọng sẽ bán được ở Rajin-Sonbong. Tôi cảm thấy ông ta không tin một chút xíu nào vào lời nói dối của chúng tôi. Sau một thoáng do dự, ông ra lệnh cho mẹ con tôi dồn vào một góc trạm. 

Chúng tôi mệt nhoài, run rẩy. Viên sĩ quan mang lại mấy chiếc bánh bắp và sữa bột, cho phép chúng tôi ngủ trên nền đất. Người tôi được sưởi ấm nhờ tiếp xúc với ondol, loại lò sưởi trên nền nhà ở Triều Tiên. Tôi chìm vào giấc ngủ không mộng mị.

Sáng dậy, tôi hiểu rằng ba mẹ con đã gặp may. Viên sĩ quan để chúng tôi ra đi mà không hỏi han gì thêm. Trong suốt cuộc hành trình, đôi khi chúng tôi may mắn gặp được những người độ lượng, có khả năng tỏ ra lthương cảm đối với người khác. Tôi không biết tên của họ, nhưng nếu không có những con người tốt bụng này có thể tôi không còn sống được đến ngày hôm nay. Tôi muốn qua những dòng này, nói lên lời cảm ơn họ từ tận đáy lòng. 


***
Dù được tự do bất ngờ, tình hình của chúng tôi vẫn hết sức tệ hại. Lần này không có chuyện trở lại Eundeok, mẹ tôi đã dứt khoát như thế. Nhưng đi đâu bây giờ ? Mẹ quyết định hướng về Rajin-Sonbong, nghĩ rằng tại thành phố lớn này chúng tôi sẽ tìm được cách mưu sinh ở bến cảng. Chúng tôi bán chiếc rìu và cây cưa để mua ít thức ăn, rồi ra đi.

Tôi nhớ lại, đây là cái ngày u ám nhất trong đời. Trời mưa như trút nước, chúng tôi không biết sẽ ngủ tạm nơi nào, hết sức tuyệt vọng. Nhất là tôi đã bị mất vĩnh viễn bức ảnh cuối cùng của ba tôi. Tấm ảnh chụp ông đội chiếc mũ lông trùm đầu - bức hình mà tôi thích nhất - đã không chống chọi nổi với nước sông Đồ Môn. Mực bị nhòe, và dần dần khuôn mặt ba tôi bị mờ nhòa để rồi biến mất hẳn. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn còn tiếc nuối bức ảnh.

Trong cuộc sống mới, tôi phải bám víu vào những kỷ niệm mờ mịt của ngày thơ ấu để không quên đi nét mặt của người cha. Tôi nghĩ về chuyến đi Bình Nhưỡng tuyệt vời cùng với ba và chị Keumsun khi tôi lên chín tuổi. Chúng tôi đã lên xe điện ngầm, đi xem pho tượng khổng lồ của Kim Il Sung và lăng mộ vĩ đại của lãnh tụ. Ba muốn cho chị em tôi thưởng lãm những công trình đẹp nhất của thủ đô. Và đặc biệt lần đầu tiên trong đời, ông đã mua cho tôi một món đồ chơi trong một cửa hàng. Một đồ chơi hình ngôi sao bằng nhựa, mà sau đó tôi mang theo khắp nơi. Tôi hãnh diện vô cùng trước các bạn gái cùng trường. Những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên …

---
Chúng tôi trôi dạt tới cảng Rajin, nơi các ngư dân bốc xuống những thùng cua. Càng cua, bộ phận thơm ngon nhất – và đắt nhất – được dành riêng cho thương lái Trung Quốc. Chỉ còn lại những chiếc mai cua, có thể mua được với giá rẻ. Buổi tối đầu tiên trở thành những kẻ không nhà, mẹ đã mua rất nhiều mai cua để lên tinh thần cho chị em tôi. Cả ba mẹ con thưởng thức bữa tiệc này mà không nghĩ đến tương lai, và vẫn không biết được sẽ qua đêm ở đâu. 

***
Không ai có thể giúp đỡ chúng tôi tại Rajin, nên mấy mẹ con đành đi cầu viện sự trợ giúp từ gia đình bên ngoại ở Chongjin. Phải mất hai ngày trời trên chuyến xe lửa chật ních người và chạy chậm như sên, để đến được thành phố cảng cách đó khoảng một trăm cây số ở miền nam. Chúng tôi đi vòng tránh nhà ga vì không có tiền mua vé, và lén lên toa tàu cuối. Khi đoàn tàu chuyển động, tôi thu mình lại trong một góc và vẫn ngó chừng những người soát vé. Lúc họ đến, chúng tôi xô đẩy đám người chen chúc, trốn vào toa-lét. Thật là cả một thành tích khi nhét được cả ba người vào cái xó chật hẹp này, ép vào nhau như cá mòi !

Trong toa tàu, mùi nước tiểu xông lên nồng nặc vì nhiều hành khách phải tiểu tiện vào các hộp, do không thể đến được nhà vệ sinh. Rồi lại còn phải cảnh giác với bọn trộm cắp tung hoành trong mỗi toa, đặc biệt khi tàu chui qua đường hầm. Chúng tôi ngủ mà vẫn phải ôm khư khư đôi giày để chắc chắn rằng chúng không bị lấy cắp khi đang mơ màng giấc điệp.

Thật là tương phản với chuyến tàu tiện nghi chị em tôi đã lên để đi Bình Nhưỡng với ba ! Ghế nệm êm ái, cửa kính rộng rãi tha hồ ngắm cảnh, không khí lịch sự…Những phụ nữ xinh xắn mặc bộ đồng phục đẹp kiểm soát vé, và trong cuộc hành trình, các cô giúp chúng tôi giải trí bằng cách chơi đàn phong cầm tại lối đi chung. Thường thì hành khách yêu cầu một bài hát nào đó và các cô phục vụ bản nhạc, trước khi mời người này hay người nọ hát theo. Lại còn có cả một toa hàng ăn !

Suốt đời, tôi vẫn hoài nhớ chuyến đi này. Về cái ảo ảnh chỉ dành riêng cho các nhà độc tài của chúng tôi. Bởi vì ngoài ra trên toàn đất nước, việc thiếu thốn hàng hóa đã bắt đầu cảm nhận được. Nhưng tôi không biết thế, tôi vẫn còn sự vô tư của tuổi thơ.
---
Sau hai ngày đường mệt nhoài, chúng tôi gõ cửa nhà dì, em gái của mẹ. Dì sững người trước cách ăn mặc kỳ cục và dáng vẻ bụi đời của mẹ con tôi. Đã từ lâu dì không có tin tức gì về chúng tôi, nhưng không thể tưởng tượng được mẹ con tôi lại ra nông nỗi như thế này.

Rất nhanh, chúng tôi hiểu rằng mình không được nghênh tiếp nơi đây. Dì tôi muốn giúp đỡ, nhưng dượng thì lại khác. Mà ở Triều Tiên, đàn ông mới là người quyết định. Hai hôm sau, chúng tôi được mời ra khỏi nhà. Nạn đói đã khiến mạnh ai phải lo lấy thân người ấy.

Đây là một cú sốc đối với mẹ tôi, vì bà đã từng giúp đỡ em gái rất nhiều trong quá khứ. Khi làm việc ở bệnh viện, mẹ thường gởi cho dì những chiếc bánh bột gạo và những thứ thực phẩm khác – hồi đó thư từ, bưu phẩm còn được chuyển đi tương đối đàng hoàng. Thế mà bây giờ chúng tôi bị tống ra đường trong lúc không có một xu trong túi.

Rất hoang mang, mẹ tôi đến mộ ông ngoại cầu nguyện một mình, lần cuối. Bà không dám làm phiền cô em út mà bà cưng chiều nhất, cũng đang ở Chongjin. Chúng tôi ngậm ngùi quay về nhà ga, lại leo lên con tàu chật ních người đi về hướng bắc, mang nỗi tuyệt vọng về Rajin-Sonbong. 

Từng cánh cửa một đóng sập lại trước mặt chúng tôi. Dự tính trốn sang Trung Quốc bằng cách vượt qua con sông Đồ Môn băng giá bị dời lại ít nhất đến mùa xuân tới. Mẹ con tôi bắt đầu cuộc sống bụi đời một cách nhục nhã. Chúng tôi đã rời bỏ căn hộ tồi tàn ở Eundeok để rồi rơi xuống tận đáy.
---
Tôi vẫn còn nhớ chính xác cái thời kỳ đau xót đã làm tôi suy sụp hẳn. Tôi đang đi bộ trên một con đường ở Rajin, bỗng nhiên một thằng bé từ đâu xuất hiện trước mặt tôi. « Kogebi ! Mày là một kogebi ! » Nó nhìn thẳng vào mắt tôi, cười chế nhạo một cách độc ác. Phẫn nộ dâng trào, tôi bỏ lại đồ đạc trên lề đường, giận dữ rượt theo thằng bé ấy. Tôi gào to với cả sức lực : « Tao không phải là kogebi ! ».

Sau cuộc chạy đua điên cuồng, thằng bé biến mất trong những con ngõ quanh co. Tôi thất thểu trở về phía chị tôi, người vẫn còn run. Một nỗi buồn mênh mông dâng ngập hồn tôi. Kogebi là một từ xuất phát từ tiếng Nga, mà ở nước tôi có nghĩa là trẻ bụi đời. Tại Eundeok, tôi gặp chúng ngày càng nhiều và ba mẹ tôi luôn dặn dò phải coi chừng. Những đứa trẻ mồ côi ấy là sản phẩm của trận đói lớn. 

Ngay từ đầu thập niên 90, nhiều trẻ em đã trở thành mồ côi do cha mẹ bị chết đói, và phải học cách tự xoay sở để sống sót - trên đường phố. Trước sự dửng dưng hoàn toàn của một chế độ đã để cho dân tộc mình trở thành mồi ngon của bần cùng và nạn đói, trong khi viện trợ quốc tế được dành cho quân đội và giới cán bộ đặc quyền. Giờ đây những đứa trẻ này tự tổ chức thành băng nhóm và lấy cắp tất cả những gì chúng trông thấy khi đi qua. Đó là mặt trái của Bắc Triều Tiên, mà tuyên truyền không bao giờ để lộ.

Chưa bao giờ tôi phải chịu đựng một sự sỉ nhục như thế. Nhưng điều làm cho tôi đau đớn nhất, là bỗng chốc nhận thức được đó là sự thật : tôi đã thực sự trở thành kogebi, một đứa trẻ bụi đời. 

Chương 6 : « Kogebi » - Nỗi nhục (2)


Bên dòng sông Áp Lục, biên giới Trung-Triều.
Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục

Chương 6 : « Kogebi » - Nỗi nhục (2)

Kể từ mùa xuân, cả ba mẹ con tôi sống như những kẻ lang thang, nhiều tuần lễ không thể tắm rửa. Những con chí cắn xé trên đầu, và hai chị em tôi bắt chí cho nhau, như bọn khỉ. Mỗi tối cần phải tìm được một chỗ trú thân để ngủ qua đêm, tránh những cơn mưa ẩm ướt làm cho mùa hè mù sương. 

Khi màn đêm buông xuống, lúc những người bán hàng đã dọn về, chúng tôi nép vào một mái hiên phát hiện được ở ngõ vào chợ. Nhưng thường thì một nhân viên nào đó đến đuổi đi, thế là mẹ con tôi đành phải co ro ở những gầm cầu thang xung quanh. Mùi từ các nhà vệ sinh ở hành lang xông lên nồng nặc, nhưng ít nhất chúng tôi có được một chỗ trú, cho đến lúc những người gác-dan lại xua đuổi. Phương án cuối cùng, khi đã bị đuổi xua khắp chốn : ngủ dưới gầm cầu.
---
Khi mưa ngừng rơi, mẹ dẫn chị em tôi vào rừng ngủ dưới trời sao. Như vậy còn tốt hơn, tránh xa được những cái nhìn ngờ vực. Nhất là chúng tôi có thể tắm rửa ở những thác nước, để tống khứ lớp cáu ghét dày cộp. Với lại có thể tiết kiệm thời gian, vì ở ngay nơi làm việc ! Thực tế, việc kiếm củi đã trở thành phương tiện kiếm sống chủ yếu của chúng tôi.

Mỗi buổi sáng, ba mẹ con bắt đầu cái công việc mà tôi rất ghét. Không có dụng cụ, nên chúng tôi phải dùng tay trần, dốc hết sức lực bẻ các cành ra khỏi thân cây. Thật là mệt nhọc, trong khi kết quả thì rất tệ vì trên các dãy hàng ngoài chợ, những bó củi của chúng tôi trông thảm hại so với củi của những người cạnh tranh, được cưa rất ngọt. Hiếm khi chúng tôi kiếm được trên mười hay mười lăm won. 

Để cải thiện tình hình, mẹ nghĩ ra được một cách. Bà để tôi, đứa nhỏ nhất nhà đứng sau quầy hàng. Cái dáng gầy còm và vẻ mặt thê lương của tôi khiến người mua thương hại, không nỡ trả giá nhiều với một con bé trông khốn khổ như thế.
---
Mỗi ngày, lại phải xuống chợ rồi lại trở lên núi, bao tử thường trống rỗng. Một buổi chiều nọ, tôi không còn chịu đựng được. Mớ củi nặng xé đôi vai, tôi đã kiệt sức và từ chối không chịu bước thêm một bước nào nữa. Mẹ tôi bảo :
-         Chúng ta phải xuống núi bán số củi này trước khi trời tối.
Tôi vẫn không nhúc nhích. Mẹ bực mình nói :
-         Thế thì mặc kệ con vậy, cứ ở lại đây đi. Mẹ và chị tiếp tục đi đây !

Tôi nhìn theo bóng hai người xa dần trong rừng rậm, và thả mình xuống đất. Đã nhất định rồi, tôi sẽ qua đêm tại đây, một mình trên núi. Tôi chỉ vừa được mười hai tuổi.

Bất chợt bóng tối bao trùm lên tôi, khiến ngay lập tức tôi phải hối tiếc quyết định của mình. Tiếng gió xào xạc thổi qua cành lá làm tôi sợ hãi. Tôi tin rằng có ai đó đang tiến lại gần, hay thấy những bóng đen di chuyển sau những thân cây. Để tự trấn an, tôi nút chặt lấy tai và nhắm mắt lại.

Không thể nào ngủ được. Tôi đành mở mắt ra và tập trung chú ý vào bầu trời trên cao. Ánh trăng sáng tuyệt vời chiếu lung linh khu rừng, xuyên thấu những đám mây. Để chạy trốn những ám ảnh của rừng đêm, tôi ngắm nghía những cụm mây êm ái như bông. Dần dà tôi nhận ra một vài hình dáng kỳ lạ. Ô kìa, một con rồng ! Ơ, có một « thằng người » đằng kia…Tôi thích thú, dần quên đi nỗi sợ. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một vòm trời đẹp như thế. Rồi giấc mơ mang tôi đi như một em bé. 

Buổi sáng thức dậy, vẫn một mình, tôi cảm thấy khoan khoái. Rồi tôi nghe có tiếng bước chân. Mẹ và chị Keumsun xuất hiện trong rừng. Mừng ơi là mừng ! Và nhất là hai người không trở về tay không : mẹ đã mua tteok, loại bánh đúc làm bằng bột gạo hấp chín. Niềm ao ước thầm kín của tôi đã trở thành hiện thực, chúng tôi cùng thưởng thức và tôi chưa bao giờ trải qua một đêm tuyệt vời như thế !

***
Ở Rajin, thời tiết chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng tôi, theo đó mẹ tôi thích ứng các hoạt động mưu sinh. Sau một trận bão biển, chúng tôi ra bãi cát thu thập những sợi rong dài tấp vào bờ, nấu món súp thật ngon để đem ra chợ bán. Trên bến cảng, tôi tìm nhặt những con cá bị ngư dân vứt đi. Một buổi chiều, gần một kho hàng, mùi táo bỗng xông lên mũi. Khi tìm tòi, tôi phát hiện ra hẳn một sọt táo đã bị hư một phần, bị các nhà buôn Trung Quốc bỏ lại. Tôi chọn lấy những quả còn nguyên và chiều hôm đó chúng tôi tha hồ đánh chén.

Nhưng cuộc sống kiểu này làm mẹ con tôi kiệt sức. Mùa hè bắt đầu kết thúc, sương mù ẩm ướt nhường chỗ cho bầu trời xanh mênh mông với những đám mây khổng lồ. Ở Triều Tiên, người ta nói rằng bầu trời mở rộng ra vào tháng Chín. Tôi mừng sinh nhật mười hai tuổi ngoài đường phố, và chúng tôi vẫn không có hy vọng gì cho tương lai.

Một hôm, tôi quen một thằng bé kogebi. Chúng tôi nói chuyện trên hè phố và nó cho tôi biết các mánh khóe.
-         Bọn tao ăn cắp ! Kiếm được khá bộn, đặc biệt là bắp cải. Đôi khi bọn tao thu được cả năm trăm won chỉ trong một lần đi ăn trộm !

Tôi hiểu ngay là tốt nhất chúng tôi nên thay đổi hoạt động. Những lần lên xuống núi liên tục, những cố gắng thảm hại để bứt lấy vài cành cây, những mớ củi nhỏ nhoi đem bán làm mẹ con tôi kiệt lực mà vẫn không kiếm được bao nhiêu. Thôi thì mặc kệ chuyện đạo đức : nếu muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay thì cần phải có một ít tiền.

Thế là đến lượt chúng tôi bắt đầu đi ăn trộm. Rau quả, bắp cải, bắp…vặt trộm được lén lút mang bán ngoài chợ. Công việc này giúp chúng tôi để dành được một ít tiền, nhưng lại nhiều rủi ro. Một buổi sáng, khi đang bứt vài củ khoai tây trên cánh đồng, mấy người nông dân bỗng xuất hiện. Chúng tôi bị bắt quả tang. Mẹ tôi van nài họ tha cho, nhưng họ không thèm nghe và đánh đập bà dữ dội ngay trước mắt chị em tôi. Chị Keumsum và tôi hoảng sợ, chờ đợi đến lượt mình. May thay, họ không dám đụng đến chúng tôi - hai chị em quá còm cõi…Họ cũng không giao chúng tôi cho công an. Tóm lại, chúng tôi đã thoát nạn.
---
Sau chuyến phiêu lưu này, mẹ tôi đau đầu suy nghĩ tìm phương cách ít rủi ro hơn để sống còn. Bà mơ khởi đầu một chuyện làm ăn nho nhỏ bằng cách hợp tác với cô em út. Thế là vào mùa thu, mẹ gởi tôi đi « công tác » ở Chongjin, với năm trăm đồng won trong túi. Cả một gia tài vào thời đó ! Với số tiền này, người ta có thể mua được đến mười ký bắp. Tôi phải thuyết phục dì út đến chỗ chúng tôi. Nếu dì từ chối, mẹ yêu cầu tôi ở lại Chongjin vì bà không còn nuôi nổi tôi ở Rajin.

***
Tôi đi xe lửa một mình. Không còn sợ hãi, tôi đã trở nên chai lì. Dì rất vui vẻ đón tôi, và nhờ số tiền năm trăm won mang theo, hai dì cháu có thể mua được rất nhiều thực phẩm. Tôi dần dà gợi ra dự định của chúng tôi. Trước tiên dì tỏ ra sợ hãi, rồi người em gái được mẹ tôi thương nhất bắt đầu suy nghĩ. Quan hệ của dì với chồng không tốt, hai vợ chồng thường xuyên cãi cọ…

Hai ngày sau đó, cả hai dì cháu đã có mặt trên sân ga chờ đợi chuyến tàu đi Rajin-Sonbong, khá êm ả vì không ai biết chuyện dì bỏ đi. Nhưng bất chợt trong đám đông ở nhà ga, chúng tôi nhận ra chồng của dì đang chạy đôn chạy đáo tìm kiếm. Chúng tôi nhanh chóng tìm chỗ trốn, tim đập thình thịch. Khuôn mặt dì tỏ rõ vẻ hoảng sợ. Dì do dự, rồi con tàu đã đến. 

Vào lúc lên tàu, dì út tôi lùi lại một bước.
-         Cháu biết đó, dù sao thì dì cũng có một người chồng và hai đứa con, không thể bỏ chồng con lại được.
Tôi không có cách nào để níu kéo dì, bà đã chọn lựa như thế. Tôi đành nói với dì :
-         Nếu dì đổi ý, hãy đến với mẹ cháu ở Rajin. Hẹn gặp tại nhà ga ! Mấy mẹ con luôn quanh quẩn ở đó…

Con tàu chuyển động, và tôi phải ra đi một mình. Cho đến ngày hôm nay, khung cảnh này vẫn còn ám ảnh tôi. Tôi không bao giờ còn có được tin tức gì về dì tôi nữa, cũng như những người thân còn lại trong gia đình. Dì vẫn còn sống ở Chongjin, hay đã bị chết đói ? 

Hơn nữa, một nỗi nghi ngờ khủng khiếp vẫn đeo đuổi tôi. Khi nói rằng dì luôn có thể đến tìm chúng tôi ở Rajin, tôi đã ngầm hứa hẹn là dì có thể trông cậy vào mẹ con tôi. Nếu dì đến tìm chúng tôi như đã hẹn ở trước nhà ga mà không thấy ai thì sao ? Tôi chẳng bao giờ biết được, vì một tháng sau đó, chúng tôi đã đi khỏi hẳn Rajin. 

Khi tôi trở lại, mẹ tôi đã cân nhắc cặn kẽ vấn đề : không còn có tương lai nào cho chúng tôi ngay trên đất nước của chính mình. Giá băng mùa đông bắt đầu đổ xuống thành phố, sắp tới trời sẽ rất lạnh, khó thể sống sót ngoài đường. Nhưng cái lạnh mang đến cho chúng tôi cơ hội cuối cùng : dòng sông Đồ Môn sẽ đóng băng và trở nên cứng như đá.