Monday, 11 November 2013

Nghệ thuật nhân sinh: Quên

Một buổi tối, tôi đi thăm người bạn từng bị vu cáo hãm hại. Lúc ăn cơm, anh nhận được một cú điện thoại, người đó muốn nói cho anh biết ai đã hãm hại.
 
Nhưng anh bạn tôi đã từ chối nghe. Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói: “Biết rồi thì sao chứ? Cuộc sống có những chuyện không cần biết và có những thứ cần phải quên đi”.
  
Sự rộng lượng của anh khiến tôi rất cảm kích. Ðời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc.
  
Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua, đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường. Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.
  
Sẵn sàng Quên đi là một cách cân bằng Tâm Lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống. Có một câu nói rất hay rằng: “ Tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình”, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình. Bởi lẽ đó, để có được niềm vui và một cuộc sống thanh thản, ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.
  
Có rất nhiều người thích câu thơ:
           “Xuân có hoa bách hợp, Thu có trăng. Hạ có gió mát, đông có tuyết”.
 
Trong lòng không có việc gì phải phiền lo, ấy mới chính là mùa đẹp của nhân gian. Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống một cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.
  
Giang Nhất Yến
 
alt
 
Vài cảm nghĩ:
Quên nơi đây không có nghĩa là mất trí nhớ, như ở trường hợp bệnh lý Alzheimer, cũng không là cách đè nén mang tính tiêu cực để rồi sẽ nhớ lại,  mà là không cố chấp, nắm giữ sự vật theo thói quen.
 
Sự nắm giữ cố chấp mọi việc là vui hay buồn luôn xảy ra theo thói quen (tập khí) của con người, và đây được xem là nguồn gốc gây ra khổ đau.  Bởi buồn là cảm giác khó chịu khi không được toại ý, còn vui là cảm giác dễ chịu khi được thỏa mãn.
 
Tuy nhiên, để ý rằng vui không tồn tại lâu dài, nếu nó phụ thuộc vào những điều kiện làm ta toại ý;  nhưng bình thường niềm vui của con người  lại rơi vào trường hợp ít hay nhiều các điều kiện, và con người lại luôn luôn có ý muốn đi tìm mọi cách để có những điều kiện tạo nên niềm vui cho mình.  Điều kiện chồng điều kiện, con người luôn bị trói buộc vào chúng – những ảo giác.  Vậy thì bản chất của niềm vui phải chăng cũng chẳng kém gì nỗi buồn?
 
Do đó, quên là nên hàm ý  quên đi cái buồn hay cái vui bình thường như ta quan niệm thì mới trọn vẹn. Trong trường hợp này Quên có thể đồng nghĩa với Xả (;  P: upekkha;  S: upeksha;  E: equanimity).  Xả không có nghĩa là gỗ đá trước ưa thích và chê ghét của đời thường, mà là cần tỉnh táo để thấy rõ bản chất của chúng, để đừng bị trói buộc, cắm sâu vào chúng mà trở thành tham lam và thù hận – hai tính chất làm bế tắc nội tâm (nội kết), gây ra khổ đau cho chính mình.
 
Để đạt được cái quên “tích cực” này, có lẽ chúng ta phải thực hành thường xuyên và nhuần nhuyễn Xả như là một phản xạ nhạy bén.  Bốn lãnh vực nhớ nghĩ (quán niệm) thường được tập luyện Xả là:
 
Xả Thân,捨身: thân xác.
Xả Thọ,捨受: cảm xúc.
Xả Tâm,捨心: suy tưởng.
Xả Pháp,捨法: mọi sự vật.
 
Trở về chính mình với Thân, Thọ, Tâm để thấy rõ bản chất, đó là tự tri. Đến với Pháp để thấy rõ bản chất, đó là toàn tri.
 
Công cụ (pháp khí) làm phương tiện cho thực tập xả chính là lý Duyên khởi***. Quán niệm lý Duyên khởi sâu sắc cho từng lãnh vực sẽ giúp dần cho sự chuyển hóa nội tâm – tạo sự cân bằng tâm lý, đó là tránh hay vượt qua các cực đoan.  Một khi nội tâm đau khổ do bị bế tắc bởi tham lam và sân hận được khai thông bằng sự chuyển hóa này, thì có lẽ chính đây là hạnh phúc thật sự!
____
***Lý Duyên khởi nói rằng mọi sự vật là do các yếu tố tương tác hợp-tan (duyên), cho nên tuy thấy mọi sự vật là có, nhưng không có thực thể (thường có).  Đã không thực thì cớ sao ta phải nắm giữ, thay vì thấy đó là điều mà chúng ta cần cảnh giác.
HT