Monday, 18 November 2013

Đôi nét về Lê Văn Khoa - Trần Việt Hải

















Chân dung Lê Văn Khoa, ảnh Trần Bích Hiền
Âm nhạc làm tan biến những nỗi cô đơn, vơi đi mọi ưu phiền… Hãy để những giai điệu đầy cảm xúc dắt ta rong rủi khắp nơi trong cái vô hạn của không gian và thời gian... Tôi cảm được điều ấy và xin được nói về người đã gợi ý cho tôi.
Tôi đã phỏng vấn Giáo sư Lê Văn Khoa về nhiều khía cạnh vì tôi muốn biết và muốn viết về ông. Trong bài này tôi chỉ đề cập đến một vài phương diện nổi bật nhất của ông là âm nhạc và nhiếp ảnh.              
Lục ký ức trong giai đoạn tiền "Lục thập như bất tùng kê", tôi nhớ lại đôi nét về ông:
Trước 1975 khi còn ở trung học, tôi học thêm Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ, tọa lạc trên đường Mạc Đỉnh Chi có những hàng cây sao dài bóng mát. Nơi đây tôi gặp Giáo sư Khoa nhiều lần khi đi ngang qua lớp nhiếp ảnh do ông phụ trách. Dò hỏi thì được học viên nam cũng như nữ cho biết lớp học rất hào hứng và lý thú vì thầy Khoa có biệt tài ăn nói, vui tánh và nắm vững đề tài giảng dạy. Tôi cũng nhiều lần xem phòng triển lãm ảnh nghệ thuật của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam (1969-1975), phải nói tôi rất yêu thích. Danh tiếng ông lẩy lừng. Ai cũng quý nhưng vì ông quá lớn nên ít ai dám đến gần. Câu phát biểu của sĩ Lam Phương trong một dịp hội ngộ gần đây có thể là lời nói thay cho nhiều người, trong đó có tôi. Lam Phương nói: "Ngày xưa tôi chỉ đứng xa xa nhìn anh Lê Văn Khoa nhưng không dám đến gần!" Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, thế giới người tị nạn đã đưa chúng tôi xích lại gần nhau hơn.
Giáo sư Lê Văn Khoa thường xuất hiện trên đài truyền hình số 9, nên quần chúng biết đến hình ảnh và tên tuổi của ông. Những buổi hòa nhạc của ông tại Sài Gòn, trên các làn sóng phát thanh, ông xuất hiện thường trên báo chí, nơi những cơ sở giáo dục mà ông giảng dạy như trường trung tiểu học Cơ Đốc, đại học Vạn Hạnh, Hội Việt Mỹ... thỉnh thoảng ông về dạy nhiếp ảnh tại Cần Thơ, nơi sanh quán của ông, đi diễn thuyết và triển lãm các nơi giúp danh tiếng ông càng lan ra xa và rộng hơn. Biến cố 75 đã làm ông phải rời quê hương.
Đến Hoa Kỳ tị nạn chính trị, ông dạy nhiếp ảnh tại đại học Salisbury State College, ở tiểu bang Maryland từ đầu năm 1976 đến mùa Hè 1977. Ông triển lãm ở nhiều tiểu bang miền Đông và miền Trung Hoa Kỳ trước khi dọn về California.
Gần đây tôi hân hạnh được giữ vai trò phối hợp trong ban chủ trương thực hiện hai Tuyển tập về Giáo sư Lê Văn Khoa. Tuyển tập một, chuyên đề về âm nhạc, dầy khoảng 600 trang, do hai tổ chức Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ thực hiện, sẽ phát hành trong mùa Thu năm nay, 2011. Quyển thứ hai mang chủ đề sinh hoạt Văn hóa Giáo dục, Xã hội và Nghệ thuật, do hai tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation và Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam phối hợp thực hiện, sách dầy hơn 400 trang. Nhờ cơ hội hãn hữu này tôi được duyệt qua nhiều bài viết từ các nơi gởi về, trong đó có những bài nhận định của nhiều thức giả trong giới văn học, nghệ thuật, báo chí và truyền thông. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm nhìn Lê Văn Khoa dưới lăng kính giáo dục. Thi sĩ Phan Bá Thụy Dương kể những kỷ niệm cũ của dĩ vãng một thời để nhớ, trong đó có Lê Văn Khoa, một con người nghệ sĩ tài danh và đức độ...

Trong hơn 1000 trang giấy với cái nhìn đa phương, đa diện của những văn, nhạc sĩ như Phạm Xuân Đài (Phạm Phú Minh), Phan Lạc Phúc, Phạm Kim Vinh, Anh Bằng, Quỳnh Giao, Quản Phúc Cảnh, Trần Chúc, Cát Biển, Phạm Mạnh Tiến, Jackie Bông, Lê Văn, Đặng Phú Phong, Quách Nam Dung, Lưu Nguyễn, Nguyễn Khánh Hồng, Võ Văn Thạnh, Thái Đắc Nhã, Quản Phúc Cảnh, Phạm Ngọc Mai, Trịnh Nam Sơn, Tiểu Thu, Thanh Hằng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trung Hậu, Duy Khiêm, Tinh Châu, Ngọc Hà, Phan Anh Dũng, Lý Tòng Tôn, Trịnh Y Thư, Trương Công Khả, Duy Anh, Đường Sơn, Hùng T. Nguyễn, Trần Hương, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Dương Viết Điền, Phong Vũ, Nathan Trương, Phan Sinh, Vũ Hùng Tôn, Quỳnh Liên, Vũ Thùy Hạnh, Trương Vũ, Lê Minh Khải, Cát Biển, Cao Minh Hưng, Vũ Thiên Nga, Trịnh Nam Sơn, Ngọc Mai, Nguyễn Hoàng Hương v. v. . . Bên cạnh có còn các nhiếp ảnh gia, các giáo sư âm nhạc và nhiều nhạc sĩ ngoại quốc phát biểu cảm tưởng của họ về tài nghệ của ông như: Dmytro Stepovyk, Svyatoslava Semchuck, Taras Yanytsky, Lyudmila Chychuk, Melissa Balmain, Irina Starodub, Vicki Riley, Alla Kulbaba, Helena Gevorkyan, Andrew Wailes, Elise Miller, Nina Rodionova, Kateryna Myronyuk... 

Tôi không ngạc nhiên khi ban biên tập nhận được nhiều tài liệu viết về ông. Trong hơn 60 năm tận tụy với nghệ thuật, dù âm nhạc hay nhiếp ảnh, Lê Văn Khoa đã phụng sự nghệ thuật bằng con tim, bằng khối óc, bằng nỗi đam mê, với sự thủy chung chân chất, với nhiệt tâm không mòn mỏi. Cận kề ngưỡng cửa bát tuần, ở lứa tuổi phải "rửa tay gác kiếm" lui về nghỉ ngơi khi bóng hoàng hôn phủ chụp trên đôi vai, nhưng hình như nghệ thuật là dưỡng tố nuôi sống ông, cho ông những nguồn năng lực để sinh tồn, nên ông vẫn tiến bước. Ông xuất hiện trong những sinh hoạt âm nhạc, văn hóa cộng đồng, những buổi giảng dạy nhiếp ảnh, ông viết báo nhận định nghệ thuật chụp ảnh, ông cố vấn cho giới trẻ, những hậu bối của ngành nghệ thuật. Tôi nghĩ một khi chất nghệ thuật ấy bị lấy ra khỏi ông, chắc ông sẽ héo tàn, sẽ ốm o gầy mòn rất nhanh. Phải chăng câu nói của họa sĩ gốc Ý trong thời kỳ Phục hưng của Âu châu (European Renaissance), Giovanni Bellini, đã đúng với tâm tư của Lê Văn Khoa: "Nghệ thuật là sự nhiệm mầu của đời sống"?
Nói đến tên tuổi Lê Văn Khoa, người ta nghĩ ông là một nhạc sĩ hay một nhiếp ảnh gia có bề dầy kinh nghiệm hàng chục năm. Nhưng thật ra ông cũng đã từng hoạt động xã hội. Ông trải rộng tấm lòng thương mến trẻ thơ. Ít ai biết ở buổi niên thiếu ông đã vắng tình mẫu tử cần thiết nhất, vì mẹ mất năm ông được 12 tuổi. Nhà văn Trần Trung Đạo mất mẹ khi tuổi nhỏ  vơ, được nhà chùa dang tay cưu mang, vì thế nên trong nét văn Trần Trung Đạo nhuốm nét buồn vì thương mẹ. Trần Trung Đạo rất thương trẻ thơ. Nhà văn Trần Trung Đạo và nhà văn Lê Văn Khoa có mẫu số chung: mồ côi mẹ sớm và thương mến trẻ thơ. Họ là những người hiểu rõ hơn ai hết những nỗi quạnh hiu và buồn tủi của những trẻ em mồ côi, những mầm non không may mắn trong cuộc sống này. Ông Lê Văn Khoa khi xưa sống gần gủi và cưu mang trẻ bụi đời trên vĩa hè Sài Gòn. Ông cũng dành thì giờ quý báu của mình để vào thăm trại Giáo Hóa Thiếu Nhi Phạm Pháp và Trung tâm Cải huấn. Ông chuyện trò, tâm tình thân mật để hướng dẫn các em. Cũng cần nói thêm, trước năm 1975, ông mở Trung Tâm Hội Họa Thiếu Nhi Lê Văn Khoa với ban giảng viên thật hùng hậu gồm các họa sĩ danh tiếng như Văn Đen, Hồ Thành Đức, Nguyên Khai, Nguyễn Trung, Trịnh Cung v. v. . . Gần đây ông viết sách dạy thiếu nhi đánh đàn dương cầm. Trong tập sách nhạc mang tựa "Nhạc Việt Mến Yêu", thầy giáo Lê Văn Khoa muốn giới thiệu những giai điệu đáng yêu, những bài hát Việt Nam quen thuộc cho các em học dương cầm, giúp các em đàn được những bài nhạc mà  phụ huynh yêu thích. Tôi muốn ghi nhận yếu tố Lê Văn Khoa rất gắn bó và gần gủi trẻ thơ mà chính nhà văn Phan Lạc Phúc đã viết về điểm này trong sự gợi nhớ của ông.
Trước năm 1975, ông là chủ biên của loạt sách về giáo dục thanh thiếu niên, gia đình, sức khỏe và tôn giáo do nhà xuất bản Thời Triệu ấn hành. Con người lành mạnh hay giá trị hạnh phúc của từng cá thể và gia đình sẽ làm vững mạnh xã hội, là tâm điểm của ban chủ biên khi dịch thuật, phóng tác những tác phẩm giáo dục giá trị của ngoại quốc ra Việt ngữ. Sách báo của Nhà xuất bản Thời Triệu không bày bán ở nhà sách, nhưng được giới thiệu từng nhà nên số phát hành rất cao. 
Lê Văn Khoa là con người của đức hạnh và tôn giáo. Thân phụ ông là một  mục sư Cơ Đốc giáo. Ông thụ huấn nơi cha mình tấm lòng bác ái, sự từ tâm. Ông lãnh hội từ thân phụ một tư tưởng vị tha và bao dung. Ông luôn tỏa ra nét yêu đời. Bạn tôi, nhà văn Dương Viết Điền nhận xét "Anh Lê Văn Khoa  lúc nào cũng cười, trông rất yêu đời". Một người bạn khác, thi sĩ Hải Sa Cát Biển ghi trong bài viết: "Lê Văn Khoa, một biểu tượng của nụ cười". Trong đời sống này chúng ta rất cần lòng vị tha, bác ái và sống với đức tính tự tin yêu đời.
Lê Văn Khoa có những năng khiếu tiềm ẩn khiến tôi ngạc nhiên khi đọc nhiều bài biên khảo về âm nhạc, cũng như nhiếp ảnh của ông. Khi nhận xét hay phê bình một vấn đề liên hệ nào đó, ông dùng bút pháp sâu sắc nhưng nhẹ nhàng. Có người hỏi rằng nhà biên khảo họ Lê đã viết nhiều về âm nhạc, về nhiếp ảnh, phóng tác, dịch thuật sách ngoại ngữ, Lê Văn Khoa cho ấn hành nhiều sách loại học làm người, nhưng Lê Văn Khoa có viết loại truyện về tình yêu không?
Thưa có! Tôi đọc truyện ngắn "Say Trong Ánh Mắt" ông viết khi hội ảnh Val de Bièvres triển lãm ảnh tại Viện Pháp Văn Sài Gòn (Institut Français de Saigon). Chuyện một cô gái Pháp từ Paris vốn đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh đã phải lòng một nhiếp gia Việt Nam. Một love story giữa hai nhân vật Pháp-Việt được nhà văn Lê Văn Khoa viết với tình tiết thật nhẹ nhàng, dễ thương. Nàng tên "Diễm" cái tên gần gủi với "Jolie", vâng có thể "Jolie de Paris" nếu chúng ta tìm đọc truyện này. Chủ điểm của bài viết là đề cao cái nhìn mới, nghệ thuật sáng tạo trong nhiếp ảnh mà ông đeo đuổi và khai phá từ trước cho đến nay, gần nhất là bộ ảnh “Do You See What I See?” của ông.
Chưa hết, Lê Văn Khoa đi sang Đông Âu do công tác âm nhạc, trên chuyến bay dài băng Đại Tây Dương hướng về California ông dâng nguồn cảm tác về một "Chuyện tình Nga-Mỹ". Hai nước trước đây vốn thù nghịch, nhưng nay qua ngòi bút Lê Văn Khoa cho hai người bạn âm nhạc từ những đam mê nhạc cổ điển có cơ hội quen nhau. Bối cảnh là Moskova, xứ Nga có nhạc viện nổi tiếng Tchaikosky (Tchaikovsky Conservatory). Đây là một chuyện tình có những episodes éo le yêu thương, có những nụ hôn nồng nàn, những pha yêu đương nóng bỏng và có những hồi hộp của bọn cảnh sát mật vụ theo rình rập đe dọa, giăng mắt cú vọ theo dõi cô nhạc sĩ người Nga, vì sự nghi ngờ đố kỵ giữa Nga và Mỹ vẫn còn.
Nhân vật nữ trong truyện tên là Anastasiya Smirnoff. Nhân vật nam là nhạc sĩ đến từ Mỹ tên Alex Anderson. Câu truyện được lồng vào với hai nhạc phẩm là Dream và Nocturne.
Đọc đến khoảng 2/3 bài viết tôi bỗng cảm nhận một sự gần gủi nào đó khi nhớ đến các đĩa nhạc của Lê Văn Khoa. CD "Memories" thì Nocturne là tên bài số 2, xuất sắc qua tiếng violin réo rắt do Svyatoslava Semchuck diển tả dạ khúc, hòa lẫn tiếng piano thánh thót do danh thủ Irina Starodub đệm. Đây là khúc nhạc tình đê mê mà người từ các chủng tộc khác nhau đều yêu thích. Rồi CD "Lullaby" có bài "Mơ", tức bài Dream, số 2, cũng do Svyatoslava Semchuck trình tấu violin. Âm thanh êm ái quyến  rất sâu sắc của bài nhạc là biểu tượng cho tính chất thật lãng mạn của loại neo-romantic (tân lãng mạn). Đây là một chuyện ngắn đầy sôi động. Cá nhân tôi cũng thích viết love story dù do hư cấu hay dựa vào chuyện thật.
Đọc văn Lê Văn Khoa, tôi nhận thấy ông có óc sáng tạo, văn chương lãng mạn phong phú như nhạc của ông. Ông cũng có khả năng biên khảo vững chải. Ông thừa sức là một ngòi bút viết văn nếu ông muốn. Nhưng ông thường chú trọng việc viết phê bình nghệ thuật nhiếp ảnh và âm nhạc, như là những đóng góp cho nghệ thuật mà thôi.
Để kết thúc bài này, chúng ta hãy nghe những "Ước mơ của Lê Văn Khoa", một tài năng của nước Việt:

"... Hồi còn trẻ tôi đã tâm niệm sẽ tiếp tay với những người đi trước để phong phú hóa Nhạc Việt. Phong phú hóa bằng cách nào? Không phải bằng những ca khúc phổ thông nữa nhưng mà đưa nó đi xa hơn để có thể hòa vào dòng nhạc của thế giới ..."
Và thưa quý vị, Lê Văn Khoa đã làm được việc này.

Trần Việt Hải



Gia đình Lê Văn Khoa,
ảnh Thái Đắc Nhã