Tuesday 31 December 2013

Hàng ngàn đồng hương dự lễ tưởng niệm & vinh danh nhạc sĩ Việt Dzũng.

 Nguyệt Ánh, Thân Mẫu Việt Dzũng và Phu Nhân Cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu

 
image
Thánh Lễ An Táng ca nhạc sĩ Việt Dzũng diễn ra tại Nhà Thờ Thánh Linh   (Holy Spirit Catholic Church) thuộc thành phố Foutain Valley vào sáng thứ Hai 30 tháng 12, 2013 
(Hình: Hồ Đăng / Viễn Đông)                   
image
Linh mục Hoàng Quang Đức đang cử hành nghi thức Tiễn Biệt linh hồn Gioakim Việt Dzũng trước sự chứng kiến của Đức Giám Mục, quý Linh Mục, quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Tăng, Ni và đồng hương. 
(Hình: Thanh Phong / Viễn Đông)





image
Hòa Thượng Thích Viên Lý (người cầm microphone) cùng các vị trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã dâng lời cầu nguyện theo tôn giáo của mình dành cho ca nhạc sĩ Việt Dzũng trong đêm tưởng niệm thứ Sáu 27/12/2013. 
(Hình: Hồ Đăng/Viễn Đông)


LITTLE SAIGON – Lòng yêu mến, thương tiếc và ngợi ca Việt Dzũng, người nghệ sĩ tài hoa, người chiến sĩ kiên cường chống bạo quyền cộng sản, người luôn quan tâm, lo lắng giúp đỡ anh em Thương Binh, Cô Nhi Quả Phụ VNCH và những người bất hạnh tại quê nhà, đã được thể hiện trong đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh Việt Dzũng do đài truyền hình SBTN - SET, Trung Tâm Asia tổ chức từ 8 giờ tối đến sau 12 giờ đêm thứ Sáu 27-12-2013 tại phòng thu hình của Trung Tâm Asia ở địa chỉ 10501 Garden Grove Blvd, CA 92842. Chắc chắn sẽ còn nhiều buổi tưởng niệm và vinh danh ở nhiều nơi trên thế giới.

Vào lúc 4 giờ chiều 27-12-2013 linh cữu ca nhạc sĩ Việt Dzũng đã được quàn tại phòng số 1 Peek Family Funeral Home để làm lễ phát tang. Cộng đoàn giáo xứ Thánh Linh đã đọc kinh, cầu nguyện cho linh hồn Gioakim Nguyễn Ngọc Hùng Dũng (Việt Dzũng) trước khi Linh Mục Đinh Ngọc Quế, nguyên Tuyên Úy Công Giáo Biệt Khu Thủ Đô cử hành nghi thức làm phép các khăn tang và trao lại cho các người thân của nghệ sĩ Việt Dzũng.
image
Bàn thờ với di ảnh Việt Dzũng. 
(Hình: Thanh Phong/Viễn Đông)


Bốn tiếng đồng hồ sau lễ phát tang, hàng ngàn đồng hương, trong đó có Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, hai Thị Trưởng gốc Việt, ông Tạ Đức Trí và ông Michael Võ, các nghị viên Chris Phan (Garden Grove), Diana Lee Carey, Sergio Contreras và Magie Rice (Westminster), LS Nguyễn Xuân Nghĩa và phái đoàn Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Tây Nam Hoa Kỳ, các hội đoàn trẻ Tổng Hội Sinh Viên, Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Đoàn Thanh Niên Cờ Vàng, Đoàn Thanh Thiếu Niên TQLC (Young Marines), khóa 1/70 Sĩ Quan Thủ Đức... cùng rất đông anh chị em nghệ sĩ và đồng hương đến tham dự. Buổi Tưởng Niệm được trực tiếp truyền hình trên làn sóng 57.4 của đài SET/TV.
Phía ngoài trụ sở của đài, di ảnh Việt Dzũng được đặt trên một bàn thờ có hoa nến, hai bên có nhiều lá quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ, phía dưới ban tổ chức đã đặt trên 600 ghế ngồi nhưng rất đông người phải đứng theo dõi trên màn ảnh rộng. Lễ Tưởng Niệm cử hành phía trong studio với chật kín người. Ban Giám Đốc đài phải kê thêm một số ghế và đặt thêm một chiếc TV lớn để đồng hương ngồi theo dõi buổi lễ ở phía cửa sau. Theo ước tính, cả bên trong Studio lẫn phía ngoài có đến gần hai ngàn đồng hương tham dự.
image
Hàng ngàn đồng hương bất chấp tiết trời lạnh lẽo, ngồi phía ngoài trụ sở đài SBTN, SET tham dự Lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh ca sĩ Việt Dzũng. 
(Hình: Thanh Phong/Viễn Đông)
Nghệ sĩ Nam Lộc và nhạc sĩ Trúc Hồ mở đầu với lời chào mừng và cảm tạ tất cả mọi người đã đến với ca nhạc sĩ Việt Dzũng đêm nay. Nghệ sĩ Nam Lộc cũng giải thích và cám ơn sự hỗ trợ của Thị Trưởng Tạ Đức Trí và các nghị viên HĐTP Westminster, lẽ ra tổ chức tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ hoặc Rose Center nhưng vì lý do riêng, nhất là về mặt kỹ thuật nên ban tổ chức quyết định làm lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh nghệ sĩ Việt Dzũng tại đây, nơi mà Việt Dzũng từng sinh hoạt.

Ca sĩ và MC Đỗ Tân Khoa đọc tiểu sử và những sinh hoạt của Việt Dzũng trong nhiều lãnh vực văn nghệ, truyền thông, bác ái xã hội và nhất là đấu tranh cho một tổ quốc Việt Nam được tự do, dân chủ, không cộng sản và toàn vẹn lãnh thổ.

Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ gồm Giám Mục TL Trần Thanh Vân, Hòa Thượng Thích Minh Nguyện, ông Trần Văn Kiệm (thay mặt GS Nguyễn Thanh Giàu, Hội Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Linh Mục Joseph Nguyễn Thái (Linh Hướng và Điều Hành TTCG/VN); Hòa Thượng Thích Viên Lý (Viện Chủ chùa Điều Ngự). Mỗi vị dâng một lời cầu nguyện theo tôn giáo của mình cho linh hồn ca nhạc sĩ Việt Dzũng.

Sau đó, các vị dân cử Việt, Mỹ rồi đến Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng NVQG Nam Cali, các hội đoàn lên chia buồn với tang quyền. Mỗi vị đều nói lên nỗi xúc động của mình trước sự ra đi của ca nhạc sĩ Việt Dzũng.

Nhạc sĩ Trúc Hồ, Giám Đốc đài SBTN và Trung Tâm Asia nói:

“Nếu không có Việt Dzũng sẽ không có Trung Tâm Asia.”

Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Chủ Tịch Hội HO Cứu Trợ TPB,QP/VNCH nói trong nước mắt:

“Dũng ơi, chị từng nghĩ rằng khi chị ra đi sẽ có em đưa tiễn, không ngờ em lại đi trước chị !”

Nghệ sĩ Nam Lộc cũng nghẹn ngào cho biết, Việt Dzũng thường nói với tôi:

“Khi nào em đi trước anh, em để lại cho anh mái tóc còn anh đi trước em, xin anh để lại cho em đôi chân; giờ này Dzũng đã lặng lẽ ra đi.”

Các bạn trẻ như Ngãi Vinh (Đoàn Trưởng Đoàn Thanh Sinh Phó Đức Chính) Lý Vĩnh Phong (Đoàn Trưởng Đoàn TN Phan Bội Châu), Nguyễn Thu Hà (Đoàn Trưởng Young Marines) đều nhắc lại những kỷ niệm, những lời dặn dò, khích lệ và cả những lời nói nghiêm khắc mà Việt Dzũng đã nói với các em khi các em làm sai một điều gì đó.

Người hùng Lý Tống từ San Jose xuống cũng lên chia sẻ một chút về Việt Dzũng khi anh bị giam tại Thái Lan.

Sau những lời phát biểu, chia buồn của các giới chức chính quyền, dân cử, Cộng đồng và đại diện các hội đoàn, đoàn thể đến lượt các ca, nghệ sĩ thay phiên nhau lên chia sẻ những cảm xúc của mình và trình bày những ca khúc do Việt Dzũng sáng tác. Xen kẽ chương trình , ban tổ chức cũng cho chiếu trên màn hình những sinh hoạt về văn nghệ, về đấu tranh mà nghệ sĩ Việt Dzũng đã làm khi còn sinh tiền.

Hầu hết các ca nghệ sĩ lên trình bày những nhạc phẩm đã không còn bình tĩnh, giọng lạc hẳn đi, nỗi xúc động nghẹn ngào thấy rõ trên khuôn mặt từng người. Nhiều đồng hương đã không dấu được giọt lệ khi nghe các ca sĩ hát những ca khúc của Việt Dzũng như: Lời Kinh Đêm - Kinh Tỵ Nạn - Mời Em Về và đặc biệt nhạc phẩm “Một Chút Quà Cho Quê Hương” (bài hát mà Nghệ sĩ Nam Lộc cho biết, trong tất cả các nhạc phẩm Việt Nam chưa có bài nào được hàng triệu người, cả trong lẫn ngoài nước hát nhiều như bài này).

Danh ca Ý Lan hát trong nước mắt lập lại ba lần câu cuối của một nhạc phẩm do Lê Uyên Phương sáng tác “Ngày mai, ngày mai ta không còn thấy nhau...” làm nhiều người khóc theo cô.

Ban tù ca Xuân Điềm cũng góp mặt trong chương trình, nhạc sĩ Xuân Điềm vô cùng xúc động không nói được nhiều, có lẽ giữa Việt Dzũng và nhạc sĩ Xuân Điềm có chung một tư tưởng, một quyết tâm tranh đấu cho một Việt Nam tự do, dân chủ và không còn bóng dáng cộng thù.

Sau lời chia sẻ, chia buồn của các ca sĩ, 5 MC quen thuộc của Trung Tâm Asia: Nam Lộc, Đỗ Tân Khoa, Diệu Quyên, Thùy Dương và Ngọc Đan Thanh là những người đứng bên cạnh Việt Dzũng nhiều nhất trong các chương trình ca nhạc cũng như các buổi sinh hoạt đấu tranh đã chia sẻ nỗi đau buồn, mất mát người anh, người em mà không có ai thay thế được. Ngoài thân nhân của Việt Dzũng, có lẽ người đau khổ và buồn bã nhất là xướng ngôn viên Minh Phượng, cô được Việt Dzũng nhận là người chị tinh thần, đã cùng với Việt Dzũng lập ra Radio Bolsa, và cả hai đã truyền đi khắp nơi giọng nói ấm áp, tiếng cười sảng khoái của mình trong những buổi phát thanh hàng ngày.

Trong lễ phát tang, đôi mắt Minh Phượng đã sưng húp và đỏ hoe, vì quá xúc động nên cô đã không xuất hiện trên khán đài trong lễ Tưởng Niệm,

Khi đồng hồ chỉ đúng 12 giờ 12 phút đêm cũng là lúc kết thúc Đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh ca nhạc sĩ Việt Dzũng do SBTN, SET và Trung Tâm Asia tổ chức.

Theo chương trình, vào lúc 5 giờ chiều 28-12-2013 còn có buổi thăm viếng, cầu nguyện của Liên Đoàn Công Giáo Miền Tây Nam Hoa Kỳ, Tổng Giáo Phận Los Angeles và các Giáo phận Orange, San Bernadino và San Diego tại nhà quàn Peek Family.

Có lẽ chưa có một giáo dân nào, và cả có thể chưa một linh mục nào sau khi qua đời có được một vinh dự lớn lao nhất với sự Thăm Viếng, Cầu Nguyện của cả một Liên Đoàn Công Giáo Miền, một Tổng Giáo Phận và 3 Giáo phận dành cho mình như tín hữu Gioakim Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, tức ca nhạc sĩ Việt Dzũng.

 Nơi nấm mồ mới chôn vào cuối ngày
Video Thánh Lễ

Những tấm hình cuối cùng trong Tang Lễ Việt Dũng




 Viết trên quan tài cho Việt Dzũng


Cái chết của Việt Dzũng
Tạp ghi Huy Phương

“Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.”

(Chúc Thư - Huy Phương)

RIP

Việt Dzũng đã thực sự bỏ chúng ta ra đi vào ngày Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Hai, tại bệnh viện Fountain Valley, Nam California, ở tuổi 55. Chúng ta nghĩ rằng cái chết của Việt Dzũng là quá sớm nhưng cũng không là đột ngột, vì bệnh tim của anh đã cho anh biết trước là có thể chết bất cứ lúc nào. Một người chết ở tuổi 55, vẫn thường được người đời cho là chết trẻ, nhưng thực sự sống thế nào cho có ý nghĩa, còn chiều dài của đời sống đôi khi chẳng nói lên được điều gì. 
alt
Bàn thờ tại lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, tối Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai 2013.

Với 38 năm, có thể nói từ tuổi trưởng thành, bắt đầu hiểu biết và từ lúc phải bỏ quê hương ra đi, cuộc đời của Việt Dzũng đã dài hơn nhiều cuộc sống khác, dù sống thọ đến tám chín mươi, nhưng “đa thọ” đôi khi cũng “đa nhục”. Với đôi chân bẩm sinh tật nguyền, không lành lặn, mạnh mẽ như đôi chân của chúng ta, chống đỡ nhờ đôi nạng, nhưng gần 40 năm qua, anh đã đi những đoạn đường dài nhiều lần gấp bội chúng ta, mà đã đến những nơi chúng ta chưa bao giờ đến được, hay nếu có, cũng chỉ là trong nỗi mơ ước. Phải gần Việt Dzũng để thấy những khó khăn những lúc anh ra sân khấu, hay phải bước lên bục cao, di chuyển bằng máy bay, cả lúc lên xuống xe, trong khi di chuyển hàng ngày trong những công việc và nơi chốn khác nhau, mới thấy sự nỗ lực không ngừng, mà không ai cũng có thể có được. Hơn nữa, anh chỉ có một nụ cười mà không có những nét cau có, giận dữ hay nặng lòng vì những điều bất như ý.

Nước Mỹ đã có thể cho anh những phương tiện ưu đãi dành cho người khuyết tật, nhưng anh đã không thể nào sống trong sự an bài của số phận, và đã quyết chọn cho mình một cuộc sống khác hơn, vững vàng, trong sáng, có lý tưởng và mạnh mẽ hơn tất cả những người mạnh mẽ.

Nói đến tên Việt Dzũng, có lẽ chúng ta không cần phải ghép thêm một danh xưng đằng trước. Nhạc sĩ, ca sĩ, MC, xướng ngôn viên, ký giả, soạn giả, chủ bút một tòa soạn báo chí hay điều hợp một chương trình phát thanh, làm “host” cho một buổi hội luận trên đài truyền hình, kể cả tài đánh máy rất nhanh, ở địa hạt nào anh cũng tỏ ra một người xuất sắc, toàn mỹ.

Việt Dzũng ra đi, như vậy, đã để lại rất nhiều thương tiếc cho tất cả mọi người Việt Nam trên thế giới, bất kỳ đó là Mỹ, Canada, Pháp, Việt Nam và cả bên trời Ðông Âu, ở cả những nước vừa ra khỏi chế độ Cộng Sản. Ðó là tất cả những người Việt có tình yêu với đất nước, quê hương trên khắp vùng đất thế giới. Phải nhìn những cụ già ngồi xe lăn, những gia đình dẫn cả con cháu đến dự đêm tưởng niệm Việt Dzũng, một đêm cuối năm giá lạnh, trước đài truyền hình SBTN, thuộc thành phố Garden Grove; phải nghe những nhân vật chính quyền, tôn giáo, thành viên các đoàn thể trong cộng đồng cả Việt lẫn Mỹ, già hay trẻ, bày tỏ nỗi thương tiếc của họ đối với Việt Dzũng trên sân khấu Asia, mới thấy sự ra đi của anh là sự mất mát to lớn dường nào đối với tất cả mọi người.

Phải mục kích đoàn người đông đúc viếng anh tại nhà quàn, thánh lễ di quan nơi nhà thờ, tại buổi tiễn đưa lần cuối anh về với cát bụi, mới thấy Việt Dzũng thân thuộc, gần gũi chừng nào trong lòng tất cả mọi người, không biết họ là ai, tôn giáo nào, ở mọi lứa tuổi, ở bất cứ nơi nào đến đây. Nhưng, hơn hết, họ đều là những người yêu nước và đang nghĩ về quê hương, đất nước bên kia, cách chúng ta, những người đang sống lưu vong, nửa vòng trái đất.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy gia đình, bạn bè và những người gần gũi, cộng sự của anh như Trúc Hồ, Minh Phượng, Nguyệt Ánh, những người đã cùng đứng với anh trên sân khấu như Ngọc Ðan Thanh, Diệu Quyên, Thùy Dương, Nguyên Khang... không ngăn được dòng nước mắt khi nói về anh, nhưng vì sao cả những người ở xa, từ San Jose xuống, từ Riverside về, từ Los Angeles, San Diego đến, không hề quen biết, gần gũi anh, chỉ thấy nghe anh qua băng nhạc, làn sóng phát thanh hay băng tần truyền hình, vì ngưỡng mộ, thương tiếc anh, cũng sụt sùi nhỏ lệ.

Chúng ta có thể nói đây là cái chết gây xúc động nhất trong cộng đồng hải ngoại từ gần 40 năm nay, và Việt Dzũng quả là một tên tuổi quá lớn. Cái tên Việt Dzũng và những việc làm của anh đã làm cho trong nước kiêng dè và sợ hãi, khi họ không dám loan tin sự ra đi của anh. Nguyên tắc của truyền thông là phải loan tin sự thật, báo tin về một cái chết, dù là bạn hay thù, vì sao phải im lặng? Việt Dzũng, người mà chính quyền trong nước đã đặt tên là “Tên Gangster Trên Sân Khấu Hải Ngoại” ra đi, hẳn là một niềm vui mừng lớn cho họ!

Ðây là một sự thật chúng ta không cần mở mắt lớn, cũng thấy rõ. Cộng Sản sợ hãi trước đám đông quần chúng thầm lặng đã đồng ý và thương yêu một người suốt bao nhiêu năm tranh đấu cho những người thấp cổ bé miệng ở quê hương, và sợ những tiếng nói, hình ảnh này đưa về tận nơi quê nhà.

Gia đình Việt Dzũng đã từ chối vinh dự phủ cờ cho anh và chúng ta tôn trọng quyết định này. Nhưng giả thử dù có được phủ lá quốc kỳ trên quan tài anh ngày ra đi, thì Việt Dzũng, một người chưa hề có một ngày lính, cũng xứng đáng hơn biết bao nhiêu quân nhân đã bỏ anh em, bỏ bạn bè, được sống trên mảnh đất tự do này, đã trở về Việt Nam nhiều lần, chết già trên giường bệnh cũng được hưởng nghi thức ấy.

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Khi mới sinh ra đời, bạn khóc và mọi người xung quanh bạn đều mỉm cười. Hãy sống sao để khi nhắm mắt, bạn mỉm cười trong lúc mọi người quanh bạn khóc.” Việt Dzũng đã sống được một đời sống như vậy!

Ðây cũng là một cái tang chung và một tổn thất lớn của Asia và SBTN. Trong những năm gần đây Trúc Hồ đã mất Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân và bây giờ là Việt Dzũng! Những sự mất mát coi vậy mà rất khó thay thế.

Cô Nhung và Hoàng Anh! Ðời người hữu hạn. Xin hãy hãnh diện mỉm cười khi mọi người đang khóc.
Vĩnh biệt Việt Dzũng! Mấy ai đã được sống và chết như anh.

  
Người buôn gió là bút hiệu của một người trong nước viết về Việt Dzũng. Có một điểm người buôn gió nói về những người "đấu tranh dân chủ" ở hải ngoại tôi thấy mình nên nhìn lại.


Tôi định không viết gì về anh, mặc dù những ca từ Chút Quà Cho Quê Hương, Lời Kinh Đêm hay Mời Em Về của anh đọng sâu sắc trong tôi lúc tôi chỉ mười mấy tuổi. Lúc tôi không ý thức nhiều về chính trị, nhưng thân phận con người trong lời ca của những nhạc phẩm mà anh sáng tác thật khủng khiếp. Có lẽ tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào vẽ những nét vẽ về thân phận con người mà sự ám ảnh ghê gớm như Lời Kinh Đêm. Nhất là câu hỏi da diết với trời xanh, biển cả đang làm giống tố quăng quật những con thuyền mong manh giữa trùng khơi.

Biển ngây ngô hay biển man rợ
Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ.


Sở dĩ tôi định không viết bởi tôi hèn. Tuy rằng trong thâm tâm tôi nếu có dịp sang Mỹ, kiểu gì tôi cũng tìm gặp để chào anh một cái bắt tay. Tôi hèn chẳng phải tôi sợ những người cộng sản đối nghịch với anh, họ làm gì tôi. Tôi hèn vì tôi sợ '' một số người ''  những người đấu tranh dân chủ.

Họ sẽ chửi tôi tư cách gì viết về anh hả thằng oắt con Bắc Kỳ. Mày định lăng xê cho bản thân mày à.?

Họ chửi bạn tôi hay thằng em Nguyễn Lân Thắng của tôi như vậy. Chỉ hành động ghé thăm nghĩa trang Biên Hòa, thắp nén hương cho người đã khuất. Nguyễn Lân Thắng bị một số kẻ tự nhận là hậu duệ của quân lực VNCH chửi bới. Họ cho rằng Nguyễn Lân Thắng không đủ tư cách để thắp hương , để bén mảng đến nghĩa trang Biên Hòa nơi những chiến sĩ QLVNCH an nghỉ.... Cho nên tôi cũng sợ khi nhắc đến những người như các anh.

Tôi kể sơ qua lý do vậy, chứ tôi có cách thủ rồi. Giờ viết gì tôi nhận tôi hèn, ngu, lưu manh, cơ hội...nhận một lô xích xông sẵn thế, cho một số nhà ''đấu tranh dân chủ '' khỏi lo tôi tư cách có hay không. Có chửi tôi thì chả ăn thua vì tôi tự chửi mình trước rồi.

Không biết trình tự của ba nhạc phẩm trên, nhạc phẩm nào có trước. Những cảm nhận của mình tôi sắp xếp trình tự như ở phần đầu. Nhạc phẩm Chút Quà Cho Quê Hương đắng chát, trần trụi về một sự thật tăm tối thời bấy giờ trong nước, trong nhạc phẩm ấy tình trạng đói kém và thiếu thốn về vật chất được phác họa không chút che đậy màu mè, dăm ba thước vải, chiếc nhẫn yêu thương, cây bút máy, hộp diêm nhóm lửa..thú thực khi nghe bài đó. Tôi cũng ước có thân nhân ở nước ngoài để có quà là cây bút máy hay vài chiếc kẹo để ngậm cho ngọt giữa cuộc đời đầy cay đắng vì đói khát, thèm thuồng.

Rồi đến bài Lời Kinh Đêm thật sự tôi không nghĩ đó là cùng một tác giả. Bởi sự trần trụi cay đắng của Chút Quà Cho Hương lớn quá, khiến tôi không nghĩ nổi một nhạc phẩm đầy chất triết lý về sinh tử, chia ly được ẩn sâu trong ca từ như.

Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ
Người buông xuôi về nơi đáy nước
Người có mộng một nấm mồ xanh.


Thật khủng khiếp cho những người vượt biển, người vượt biển khi buông xuôi về nơi đáy nước với ước mơ thân xác mình có một nấm mồ xanh cỏ. Như bao nhiêu người chết bình thường khác trên bờ. Người ta có vô vàn ước mơ, nhưng ước mơ chết có được nấm mồ thì mấy nhà văn, nhà thơ nào tưởng rượng nổi. Phải chăng chính sự trải nghiệm của mình qua cuộc vượt biển đã khiến cho anh thấu được ước mơ của những người chết đuối trên biển Đông như vậy.

Thế rồi đột ngột nhạc phẩm Mời Em Về tuy có dấu ấn chung về nỗi buồn thân phận lưu vong như hai bài trước, nhưng nhạc phầm này ca từ lãng mạn một cách êm đềm đến dịu ngọt. Tôi cám ơn anh , mặc dù anh chưa ra Hà Nội lần nào nhưng nét vẽ của anh về Hà Nội, về một bà mẹ Hà Nội tóc bạc ngồi đâu đó đang tụng lời kinh Phật , tiếng Nam Mô buồn..làm tôi nhớ người mẹ già của tôi vô vàn. Người mẹ già của tôi đã bao lần ngồi đâu đó ở ngồi chùa nào của Hà Nội tụng kinh khấn Phật mong cho tôi thoát được cảnh ngục tù.

Bài hát dịu dàng lắm, này Cổ Ngư chiều đổ lá, trong mưa buồn lưa thưa, này phố phường xưa những chiều mưa phủ.

Bài hát mà lời như định mệnh. Mà cả lời của ba bài hát, có bài nào lời không như định mệnh đâu.? Một định mệnh buồn của thân phận tha hương.

Nhưng chim đã gãy cánh
Nhưng mây đã ngừng trôi
Để cho tôi còn lại nơi này.


Mong anh nằm yên bình nơi ấy, nếu có dịp mà tôi sang bên đó. Chắc chắn sẽ đến nấm mồ xanh của anh để thắp nép hương cho một trong những người nhạc sĩ  Việt Nam, đã viết  những nhạc phẩm về thân phận con người sâu sắc nhất.

Mong lời ca của anh sẽ khiến những con chim xa xứ không bao giờ mỏi cánh ước mơ tìm về với quê cha, đất mẹ. Để chao cánh lượn trên bầu trời Hà Nội, Sài Gòn trong một chiều say nắng.

Chia buồn với trung tâm Asia đã mất đi một người MC ưu tú, người MC quan tâm sâu sát đến từng diễn biến của những người đấu tranh trong nước, nhắc tên những người đấu tranh trên sân khấu giữa hàng nghìn khán giả. Để cho những người yêu nước bên ngoài và những người yêu nước bên trong thấy gần gũi với nhau hơn, gắn bó và hiểu biết nhau hơn. Khoảng trống của anh để lại thật lớn trên sân khấu Asia. Hy vọng những MC như Nam Lộc, Thùy Dương cập nhật tình hình trong nước nhiều hơn và cặn kẽ hơn để lấp khoảng trống mà Việt Dzũng bỏ lại, thiết nghĩ đó cũng là cách tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa và đầy lòng trắc ẩn, bao dung đó.

Video Leyna Nguyễn nói về Việt Dzũng in Vietnamese and English

 Sau khi hạ huyệt 3:15 PM 12/31/2013

Video Lễ An Táng

  
 Video Thánh Lễ

   

 Chào tay lần cuối


Thân Mẫu Việt Dzũng và Phu Nhân Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

 Các Phái Đoàn Phật Giáo

 Hơn ngàn người trong Thánh Đường

Các Linh Mục trong Thánh Lễ

Gia Đình và Di Ảnh

 Trong Thánh Đường




Trước giờ hạ huyệt

Cành Hoa Hồng cho Việt Dzũng

CQN/QLVNCH

Những Vòng Hoa

Trước Thánh Đường









Hội Đồng Liên Tôn

Thị Trưởng Fountain Valley và Phu Nhân