Người ta thường bảo tương lai không ai biết trước, trong khi quá khứ là những gì đã qua, không thể lấy lại được cho dù tiếc nuối. Vì vậy chỉ có hiện tại mới là quan trọng. Thời gian trôi đi nhanh lắm, như bóng câu qua cửa sổ. Đời người chỉ như giấc ngủ trưa. Hiểu được như vậy càng thấy cuộc sống hiện tại mới đáng giá, đáng quan tâm hơn cả.
Nhưng mấy ai hiểu được như vậy. Bằng chứng là người ta cứ dồn hết mọi nỗ lực cho tương lai, ngay cả khi nhiều người vẫn biết ngày mai là cái gì đó vô định, thường thốt ra miệng: Ôi dào, hẵng biết thế, chẳng biết có sống đến ngày mai không…Nhưng rồi cứ “Thắt lưng buộc bụng”, ăn dè hà tiện, đầu tư cho tương lai…
Còn những khi thảnh thơi hiếm hoi trong cuộc đời vất vả khốn khó, người ta lại nhớ về quá khứ với niềm hoài vọng.
Quá khứ luôn ám ảnh, luôn khiến người ta khắc khoải nhớ về, dù nó là kỷ niệm vui hay buồn…
Dĩ vãng đau buồn thì người ta nhớ về nó với đôi mắt đỏ hoe cay sè, và lòng đầy những hờn tủi!...(Nhưng không thể không nhớ!)
Quá khứ êm đềm thì xúc động và lòng đầy tiếc nuối…
Quá khứ là kỷ niệm. Ai cũng có kỷ niệm. Với người này kỷ niệm là nỗi buồn, nhiều khi là nước mắt. Người kia may mắn hơn, có một tuổi thơ êm đềm, được cha mẹ cưng chiều, được ngủ trong cánh võng đưa nôi, được lạc vào những giấc mơ hoa trong lời ru của bà, của mẹ…
Dẫu là một “Tuổi thơ dữ dội”, mò cua bắt ốc, chăn trâu cắt cỏ, bên tai luôn văng vẳng tiếng trì chiết cay độc của dì ghẻ , rưng rưng tủi hổ khi ngồi trên lưng trâu nhìn chúng bạn đến trường, sẽ cho tuổi thơ bé một kỷ niệm đẫm nước mắt, thì cũng không làm cho con người ta “Đoạn tuyệt” với dĩ vãng…
Thế đấy! Dù biết không lấy lại được thời gian với những dấu ấn đã qua đi, nhưng người ta không thể đào mồ chôn nó!...; Và như vậy, nó vẫn mãi có tầm ảnh hưởng tới cuộc sống đang và sẽ của hết thảy con người ta…Quá khứ cứ mãi níu kéo cuộc sống, hay là ta không chịu rời bỏ nó. Cũng có khác chi.
Cá nhân có quá khứ. Quá khứ là tiểu sử.
Dân Tộc có quá khứ. Quá khứ Dân Tộc là lịch sử.
Ngày hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai, sẽ là tiểu sử của mỗi cá nhân, là lịch sử của Dân Tộc.
Mỗi trang sử đều bắt đầu từ chính hôm nay…
Những ai, những gì được coi là vĩ đại, được tung hô là muôn năm hay vạn tuế, sớm muộn cũng đến bến hoàng hôn, lùi vào hôm xưa, trở thành dĩ vãng…
Chỉ có non sông, Dân Tộc được mãi trường tồn, dù phải trải qua những thăng trầm của lịch sử…
Quá khứ cho đời người kỷ niệm êm đẹp khiến ta nuối tiếc mỗi khi hồi tưởng.
Quá khứ cũng gói ghém bao nhiêu là nước mắt cho ta làm hành trang để ta phải hờn dỗi tủi hổ mỗi khi nhớ về…
Lịch sử cho Dân Tộc những giây phút cười rạng rỡ niềm vui, những kiêu hãnh ngẩng cao đầu khi tấu khúc khải hoàn ca.
Lịch sử cũng đang tâm dìm cả Dân Tộc anh hùng vào cảnh nồi da xáo thịt, để hận thù đeo bám mãi trong tâm…
Ngực đầy huân chương, người cựu chiến binh đang ngồi nhớ về quá khứ. Ông không nhớ về tuổi thơ, vì nó xa quá, xa lắc xa lơ. Láng máng lơ mơ những tiếng thét đả đảo Việt gian. Những đói rách xác xơ chân lấm tay bùn. Những hận thù độc ác. Ông nhớ về thời liệt oanh khi ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn nhọn hoắt đá tai bèo. Ông nhớ lương khô, măng rừng, nước suối thay cơm. Nhớ mưa rừng rét run, mắt mờ vì đói. Nhớ cơn sốt rét rừng tím ngắt môi khô. Nhớ những bữa no đồ hộp chiến lợi phẩm lúc thắng trận. Nhớ xích xe tăng nghiến trên đường phố cùng tiếng “Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn”. Nhớ những người dân đổ ra đường, cầm cờ nửa xanh nửa đỏ vẫy “Quân giải phóng”. Mặt lấm lét, nụ cười gượng nhìn “quân ta” “Tiến về Sài Gòn”. Nhớ đường phố ngổn ngang, nhà cửa hoang mang, những mặt người hốc hác, tan hoang. Nhớ “Quân ngụy” quần túi hộp lũ lượt giơ tay hàng. Con búp bê biết nhắm mở mắt, lại biết khóc biết cười. Lúc đứng dậy mở to mắt xanh. Lúc nằm thì ngủ khép hàng mi dài cong vút. Tóc xoăn óng vàng, váy đẹp như công chúa. Khung xe đạp. Cassette. Áo va-li-ze. Nhớ cặp đùi non dài thêm dưới chiếc juyp mini. Nhớ đèn màu chớp nháy… Ti vi chạy đầy đường! Lộn ngược ba lô…Có tiếng hát Duy Khánh, Lệ Thu...
Về, gặp “Hòn vọng phu” Chưa kịp mừng tủi, ra cánh đồng năm tấn dỡ khoai. Những năm tháng đói dài…Đánh dậm. Mò cua…
…
“Hòn vọng phu” . “Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non”.Đường cày đảm đang”. “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”. “Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sỹ. Hậu phương thi đua với tiền phương”. “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tiếng “Phản lực” rít. “Thần sấm” bổ nhào. Giấc ngủ hầm chập chờn. Bom rền pháo sáng. Còi báo động hú liên hồi. Còi báo yên hú dài. Tin loa đài chiến thắng. Họp chia công điểm. Tập dân quân. Đèn dầu lụi bấc.Quạt mo cau nồng nực. Khoai độn cơm...
“Mỗi người làm việc bằng hai. Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe.”. “Vào hợp tác đói không l(n)o”…
…
Lên phố gánh hàng rong. Nhớn nhác chạy công an. Phố phở đèn xanh đèn vàng.
Bãi rác nước cống đen. Tiền lẻ sống mòn…Nghi quyết đảng QH họp. Trộm cướp hiếp dâm. Tham nhũng giá leo thang. Chợ đông cũng ế hàng. Ngõ hẹp dựng cổng chào Khu phố văn hóa…
…
Bom nổ khói chưa tan. Huýt hồi còi xông lên. Cuốc xẻng san đường mồ hôi lưng ướt áo. Thông xe. Bếp Hoàng Cầm. Rau tàu bay măng rừng. Võng đưa nôi nằm khóc. Viết mong thư. Trăng tròn trăng khuyết. Rừng già rụng tóc…Miếng vải dù chiếc lược đuya-ra…
Về. Ôm mẹ khóc. Soi gương tìm xuân sắc. Cười nếp nhăn. Thèm mũm mĩm trẻ thơ. Kỷ luật nông trường đảng viên. Nhà lá lưng đồi. Trâu mẹ nghé con. Đơn từ lá rụng gió thu sang.
…
Kỷ niệm xưa muốn xua!...
Mùa tuyết rơi. Bên trời Tây có người ngồi “Nhớ về nơi xa ấy”. Thấm thoắt 38 năm trường.Thời ấy họ là chủ nhân “Hòn ngọc viễn Đông” . Họ nhớ tiếng “Đại bác đêm đêm dội về thành phố”. Nhớ Sài Gòn hoa lệ. Nhớ da diết ánh đèn vàng, phòng trà tha thiết điệu slow. Giọng Khánh Ly vọng mãi trong đầu. Sài Gòn xưa khi chưa đổi tên nhỏ hơn bây giờ. Nhưng Sài Gòn xưa kiêu kỳ và lộng lẫy, lịch thiệp nữa. Mỗi tiếng hát, mỗi bản nhạc đều đem đến dấu yêu, dù chở chuyên da diết giọt sầu… “Giọt lệ đài trang” không chỉ rơi trên đất kinh kỳ ngày ấy, nhưng còn rên rỉ tới tận bây giờ, bên mãi trời Tây. Nó không thể phai mờ trong tim người viễn xứ.
Núi Ngự Bình thông vẫn reo? Vườn ai vẫn mướt xanh như ngọc? Thuyền ai còn đậu bến sông trăng? Người viễn xứ còn nhớ như in. Màu áo tím học trò. Sông Hương giọng hò mái đẩy? Tiếng chuông Thiên Mụ cứ ngân nga mãi!...
…
Kỷ niệm xưa nuối nhớ!...
“Em còn nhớ hay em đã quên”. Đường Tự Do giờ đã đổi tên… Dinh độc Lập nay Hội trường Thống Nhất. Nắng Sài Gòn mùa này gay gắt, nhưng du khách vẫn tấp nập vào ra Dinh Độc Lập. “Đây là phòng họp nội các chính phủ của tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu…”
Khách theo chân người hướng dẫn lên cầu thang, lần lượt qua các tầng, các phòng. Một người bỏ xứ đeo chiếc camera đắt tiền nơi ngực. Ông dường như tách khỏi đám khách Tây phương cùng người hướng dẫn. Bởi vì khi khách theo chân người hướng dẫn đi tới các phòng khác, thì ông vẫn còn đứng đó. Ông muốn xem thật kỹ từng bức tranh, từng hiện vật. Ông còn gí sát cặp kính trắng vào những dòng chữ chua bên dưới mỗi kỷ vật. Ông không xem như du khách. Nhiều người xem vì hiếu kỳ. Nhiều người xem chỉ là vì theo “Tua” (tour). Còn ông thì khác. Dù không phải một nhà sử học, nhưng ông tham quan với tâm trạng xúc động man mác buồn! Vì ông là người xa xứ mấy mươi năm. Vì ông từng là một phần của cuộc chiến đau thương- cuộc chiến xô đẩy cả dân tộc vào tổn thất điêu linh vô bờ bến. Đã ba mươi tám năm, mà như mới hôm nào…
Ông đứng mãi trước cửa phòng trình quốc thư. Căn phòng không lớn lắm, nhưng ánh sáng chan hòa. Một màu vàng Hoàng gia cho cả căn phòng, từ đồ đạc đến trần, tường nhà. Nổi bật trên bức tường chính diện cửa ra vào là bức tranh rộng lớn gần như choán hết cả diện tích bức tường. Đó là bức tranh mô tả cảnh sinh hoạt thời Hùng Vương của quân Dân nước Văn Lang. Bức tranh đẹp, nói lên niềm tự hào một dân tộc có cội nguồn rõ ràng và thể hiện ý chí độc lập tự cường. Kia, phòng ăn của gia đình tổng thống. Những chiếc ghế bọc vải hoa giản dị. Kia, phòng ngủ của vợ chồng tổng thống. Căn phòng không rộng lắm. Chiếc giường cũng nhỏ, đơn giản không cầu kỳ. Một căn phòng còn nhỏ hơn, là nơi tổng thống cầu nguyện mỗi buổi sáng. Ngoài hành lang, du khách ngắm mô hình bệnh viện do đệ nhất phu nhân tổng thống xây để chăm sóc sức khỏe người nghèo… Phòng chiếu phim, phòng tiếp khách của bà tổng thống. Và đây, phòng làm việc của tổng thống VNCH. Những giá sách vẫn đầy các sách ngữ văn. Một hàng chữ chua bên dưới cho du khách hiểu rằng tổng thống VNCH có thể thông thạo nhiều ngôn ngữ…Bức ảnh tổng thống chơi trống nhân dịp tới thăm lớp thiếu sinh quân và tham gia dàn hợp ca của trường mà tổng thống sắm vai một drummer… Trên đỉnh Dinh thự, du khách xem những thứ cuối cho một tour vào Dinh Độc Lập: Kia là dấu vết quả bom mà viên phi công không lực VNCH( Mà thực chất là một cán binh việt cộng luồn sâu) ném xuống trong những ngày tàn cuộc chiến. Ngảnh sang bên này, du khách có thể nhìn thấy Nhà thờ đức bà Sài Gòn…
…
Năm mươi năm sau(?).
...
Một chiều đầu thu sương tím mỏng như lụa giăng sát mặt Hồ Tây. Gió heo may se se lăn tăn mặt hồ. Đường Thanh Niên đã mở rộng hơn xưa, đủ chỗ cho những chiếc xe bus hai tầng tránh nhau thoải mái…
“…Chúng ta đang đi trên con đường mà lăm mươi năm trước mang tên Lê Duẩn- Cô hướng dẫn viên xinh đẹp duyên dáng trong chiếc áo dài đang thuyết minh trên xe cho du khách tới Hà Nội”.
“…Con đường này trước đây có tên Đường Điện Biên. Dọc hai bên con đường này ngày ấy rợp những cờ đỏ búa liềm, nhất là vào những dịp 30 tháng tư, hay dịp mùng 2 tháng 9… Bây giờ chúng ta sẽ vào thăm tòa nhà QH…”.
“…Quý khách có thể thấy những chiếc nút điện tử trên những chiếc bàn này gần như còn mới…như năm mươi năm về trước. Tại đây, chính trong Hội trường này, vào tháng 11 năm 2013, gần 500 đại biểu của QH đã nhấn nút điện tử trên những chiếc bàn kia, để bỏ phiếu thông qua Bản Hiến Pháp sửa đổi… Với việc thông qua bản hiến pháp này, Dân Tộc VN tiếp tục phải trải qua một thời kỳ dài mà người dân chỉ biết tới quyền của mình…được ghi trong HP…Cho mãi đến khi…”.
Khi xe đoàn khách du lịch qua một vườn hoa nhỏ, nhiều ánh mắt đổ dồn về một bức tượng chân dung một người có chiếc cằm nhọn, áo phanh ngực, ưỡn về phía trước, như nhìn một vật thể lạ, hay người ngoài hành tinh…
Dec/20th/2013.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả