Saturday, 4 January 2014

BBC: VN muốn gì khi "đăng cai" Vesak 2014?

Chùa Bái Đính
Vesak 2014 sẽ được tổ chức tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình từ 7-11/5/2014
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2014 (hay Vesak 2014) sắp được "đăng cai" ở Việt Nam vào thượng tuần tháng 5/2014, theo thông báo của Ban tổ chức và giới chức từ Việt Nam.
Sự kiện kéo dài năm ngày (7-11/5) có chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc” sẽ được tổ chức tại Chùa Bái Đính, thuộc tỉnh Ninh Bình và sẽ thu hút 10.000 người tham gia, theo ban tổ chức.

"Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc," tờ Dân trí trích dẫn ý kiến của một Quan chức từ Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam nói.Trong đó, có 1.500 lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các học giả, các phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Giáo phật từ 90 - 100 quốc gia trên thế giới với "8.500 đồng bào phật tử và người dân Việt Nam", vẫn theo Ban tổ chức.
Đây là lần thứ hai, Việt Nam "đăng cai" Vesak với lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2008.
Nhân dịp này, Giáo sư Võ Văn Ái, Giám đốc Văn phòng Thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (trước 1975) có trụ sở ở Paris, một Tổ chức vẫn theo dõi và vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam, cho BBC biết phản ứng.
"
GS Võ Văn Ái: Tôi có nghe tin này. Theo tôi, trước đây vào năm 2008 Việt Nam đã từng đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ, thì năm nay cũng thế thôi. Có nghĩa rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cố “sống còn” trên công luận quốc tế bằng công tác tuyên truyền giả dối mà thôi để minh chứng cái gọi là “tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo”. Nhưng trong thực tế thì không. Trong thực tế vẫn tiếp diễn cuộc đàn áp và triệt tiêu tôn giáo nói chung và đặc biệt là Phật giáo nói riêng. Vì Phật giáo du nhập Việt Nam từ trước thế kỷ thứ nhất Tây lịch, và khối quần chúng Phật giáo chiếm đa số trong dân số Việt Nam.
Điều mà người có lương tri không thể nào không đánh lên câu hỏi là vì sao tôn vinh Ngày Đản sinh Đức Phật, đồng thời với việc 365 ngày trên 365 ngày đàn áp, sách nhiễu những người con Phật bao gồm chư Tăng Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), là Giáo hội dân lập truyền thừa lịch sử, kể từ khi Phật giáo tập họp thành giáo hội dưới thời Đinh qua chức vị Tăng Thống do Vua ban.

'Thực tế tự do tôn giáo'

Giáo sư Võ Văn Ái
Giáo sư Võ Văn Ái cho rằng Việt Nam sử dụng Vesak như một công cụ tuyên truyền
Hai ví dụ điển hình, là Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ bị giam tù năm 1977, sang 1982 lưu đày về quê quán tỉnh Thái Bình hàng mười năm, năm 1994 vì đi cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long lại bị kết án 5 năm tù giam ở Ba Sao. Và hiện nay ngài vẫn còn bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện ở Sài Gòn.
Ví dụ thứ hai mới xảy ra hai hôm trước đây, là ngày 01/1/2014, Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ thuộc Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, đã ngồi trên chuyến bay đi Sài Gòn tại phi trường Phú Bài, Huế, công an lên bắt xuống. Lấy cớ xét hành lý vì nghi ông Cầu có thể đặt bom trên máy bay(?).
Ông Lê Công Cầu bị câu lưu và bị thẩm vấn suốt 13 tiếng đồng hồ. Công an Huế đã kết án ông Cầu vi phạm luật pháp vì tham gia GHPGVNTN là giáo hội mà Nhà nước không thừa nhận. Công an đã tịch thu 2 máy laptop, 2 USB, 2 điện thoại cầm tay. Hiện ông Cầu bị Công an Thừa Thiên Huế quản chế tại gia bằng khẩu lệnh, cấm không được ra khỏi nhà và liên lạc với bất cứ ai.
"Về đối ngoại, thì biểu dương điều mà công luận gọi là 'chiếc mặt nạ' xưng là “tôn trọng nhân quyền – tôn trọng quyền tự do tôn giáo”... Đối nội thì bế môn tỏa cảng để dễ bề đàn áp tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, và cả nhân quyền nữa"
GS Võ Văn Ái
Tôi có trong tay Tài liệu “Về tôn giáo và đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo” do Viện Khoa học Công an ở Hà Nội ấn hành, 602 trang, in một triệu bản, dùng để huấn luyện phương pháp được cho là để đàn áp Phật giáo và các tôn giáo khác dành cho cán bộ, công an, bộ đội hoạt động trong vùng tôn giáo và có giáo dân. Tài liệu này lưu hành nội bộ ngành công an. Mỗi bản in đều được đánh số để theo dõi sự thất thoát.
Ý thức hệ Cộng sản chủ trương chống và tiêu diệt tôn giáo. Khởi thủy là những phân tích của Lênin về tôn giáo ở Tây phương. Nhưng người Cộng sản Việt Nam được cho là "cuồng tín trong lý triết của chuyên chính vô sản", nên không phân biệt được danh từ và tổ chức tôn giáo ở Tây phương hoàn toàn khác với thực tại tôn giáo châu Á, mà Phật giáo là một đặc trưng.
Hãy nhìn vị Trưởng Ban tôn giáo Chính phủ đương kim của Việt Nam là một Tướng Công an thì ta có thể tất hiểu ngay chính sách tôn giáo của Nhà nước Cộng sản. Các ủy viên của Ban này không phải là các nhà nghiên cứu tôn giáo đơn thuần, hay các bậc Tu sĩ chân chính, thuần khiết thuộc các tôn giáo, mà là đảng viên Cộng sản chính thức hoặc không chính thức. Do chính sách được cho là "Hồng hơn Chuyên" này, nên Việt Nam mới để xảy ra nhiều đổ vỡ, thậm chí là 'điêu linh, suy thoái' đạo đức, trật tự xã hội như ngày hôm nay.

Ý đồ đăng cai Vesak

Chùa Chiền Việt Nam
Chính quyền Việt Nam cho rằng tự do tôn giáo và dân chủ luôn được tôn trọng rộng rãi trong cả nước
BBC: Theo ông, Việt Nam có ý định hay ý đồ gì khi vận động và đăng cai giành quyền tổ chức Vesak Liên Hợp Quốc năm nay?
Ông Võ Văn Ái: Theo tôi không ngoài ý đồ tuyên truyền giả dối. Việt Nam luôn có 2 chính sách.
Về đối ngoại, thì biểu dương điều mà công luận gọi là 'chiếc mặt nạ' xưng là “tôn trọng nhân quyền – tôn trọng quyền tự do tôn giáo” để thu hút viện trợ và đầu tư trên mặt trận ngoại giao trong suốt nhiều thập niên qua.
Đối nội thì bế môn tỏa cảng để dễ bề đàn áp tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, và cả nhân quyền nữa.
"Với bản tính bao dung, khoan hòa, tôn trọng đối thoại của người Phật tử, tôi nghĩ rằng người Phật tử cần lên tiếng ôn hòa cảnh giác những hành vi đạo đức giả."
GS Võ Văn Ái
Chúng ta luôn nhớ một câu nói đã phổ biến trong dân gian, xuất hiện tại miền Nam sau năm 1975 được ứng dụng cho tất cả mọi hành động chính trị của Nhà nước CHXHCNVN, đó là “Thấy vậy nhưng không phải vậy!”.
BBC: Theo ông giới Phật tử Việt Nam ở hải ngoại nói chung sẽ đón nhận tin về sự kiện Vesak 2014 ra sao?
Ông Võ Văn Ái: Với bản tính bao dung, khoan hòa, tôn trọng đối thoại của người Phật tử, tôi nghĩ rằng người Phật tử cần lên tiếng ôn hòa cảnh giác những hành vi đạo đức giả. Người Phật tử có thể tán thán bất cứ ai tổ chức kỷ niệm Ngày Khánh đản Đức Phật, nhưng đồng lúc phải tố cáo những mưu đồ bất thiện nằm sau các cuộc tổ chức ấy.
Nhân dịp này chúng tôi xin được lưu ý rằng Đức Phật luôn dạy mọi chúng sinh đều có chủng tính Phật. Một người dù có xấu đến mấy, như kinh Phật nói là 'kẻ cướp, thảo khấu' cũng có thể thành Phật, nếu biết quăng con dao trong tâm.
Thế nhưng chỉ vứt con dao trên tay của họ không thôi thì e rằng chưa đủ, vì có thể họ vẫn còn nuôi ý đồ bất thiện.

Giáo sư Võ Văn Ái đồng thời cũng là Phát ngôn nhân của Viện Hóa Đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở trong nước, một tổ chức không được nhà nước Việt Nam hiện nay thừa nhận.