Saturday 4 January 2014

Tình Huynh Đệ Theo Ý Nghĩa Năm Giáp Ngọ 2014!

"Tình Huynh Đệ Là Nền Tảng Và Là Con Đường Dẫn Đến Hòa Bình" (Đức Giáo Hoàng Phanxicô I)
Tình Huynh Đệ Theo Ý Nghĩa Năm Giáp Ngọ 2014!
Lm Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh
Frankfurt-Đức quốc, thứ sáu, 03 tháng 01 năm 2014

Qúi bạn hữu,
anh chị em thân mến!

Trong niềm hân hoan chào đón, Chúa giáng trần, thông điệp nào, chúng tôi xin được gửi đến qúi vị trong năm Giáp Ngọ?

"Vinh danh Chúa cả trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa Thương." (Luca 2, 14) (Verherrlicht ist Gott in der Höhe und auf Erden ist Frieden bei den Menschen seiner Gnade“ (Lc 2,14) (Tiếng Đức). „Bình an dưới thế!“Thưa, đó cũng là xứ điệp Hòa bình Giáng sinh, mà Thiên thần đã báo tin. Sự ra đời của một Hài nhi, đồng nghĩa với việc „Hòa bình cho người Chúa thương“. Hay Ngôn xứ Jesaja mô tả khẩn cấp trẻ sinh ra đó là ai: „Một trẻ thơ sẽ chào đời để cứu ta. Một người con sẽ được ban tặng cho chúng ta. Người gánh vác quyền bính trên vai. Danh hiệu của người là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh Dũng mãnh, người Cha Muôn Thủa, Thủ lãnh Hòa bình (Fürst des Friedens). Quyền bính của người vĩ đại và nền Hòa bình vương quyền của Người sẽ vô tận.“ (Jes 9, 4-6).
Mừng Chúa Giáng sinh, cũng đồng nghĩa là hãy thực thi Hòa bình, hãy sống trong hòa bình. Bởi vì xứ điệp mà Thiên thần Chúa loan truyền trong đêm Giáng sinh, và sự tiên báo của Ngôn xứ Jesaja, chính là lời hứa hẹn, lời mời và cũng là sự đòi hỏi nơi chúng ta, hãy dấn thân phục vụ cho Hòa bình và bảo vệ hòa bình.

Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con trai ban tặng cho chúng ta!“. Đúng vậy, chúng ta tận hưởng „món qùa“ thật qúi báu. Nhưng khi hưởng món qùa này thì chúng ta cũng có trách nhiệm đáp trả đền ơn Người đã ban tặng chúng ta. Vì, Thánh Phaolô nhận định như sau: „Thiên Chúa sai con Con mình tới, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái. Thiên Chúa đã sai Thần khí của con mình để ngự trong lòng anh em mà kêu lên: „Abba, cha ơi!“ Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con.“ (Galát 4, 4-7)

Thiên Chúa xuống thế làm người là giải thoát, và là giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ, như xưa Chúa giải thoát dân Người khỏi ách thống trị nô lệ của người Ai-Cập. Như thế, không có tự do, không có hòa bình. Không có Giáng sinh, không có giải phóng con người khỏi nô lệ. Chúa đến giải thoát nhân phẩm con người khỏi sự trà đạp nhân quyền. Không có Chúa giáng trần, con người sẽ vẫn ở trong trạng thái bị nô lệ. Chúa đến để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ, đồng thời nâng cao nhân phẩm và bảo trọng nhân phẩm con người chúng ta. Thiên Chúa „phục hồi phẩm giá con người“, như Lời Nguyện nhập lễ, của Thánh lễ Giáng sinh ban ngày.
 
Hòa bình trong kìm kẹp, trong cưỡng ép thì chẳng khác gì như xác người nằm trong hòm, đưa đám bởi kẻ chủ sự độc tài. Đó là hiện tượng mà đáng tiếc chúng ta qúa biết trong lịch sử thế giới, mà ngày nay, tiếc thay, ngay cả tại Việt Nam, đồng bào, 90 triệu người, vẫn còn cúi đầu chịu nhục khổ, chịu làm nô lệ cho 14 kẻ tội phạm phản động trong bộ chính trị. Hiện tượng 90 triệu nô lệ cho „ 14 đầy tớ nhân dân“!
 
Chính Hồ Chí Minh còn phải khẳng định: „Không có gì qúi hơn Tự do“. Có người phải dùng vũ khí để mong kiến tạo hòa bình, để được hít thở bầu khí tự do. Chúng ta nhìn sơ qua „Mùa xuân Ả rập“! Bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu chết chóc mới có hòa bình. Có qúa nhiều dẫn minh cụ thể cho chúng ta thấy, không có tự do, sẽ không có hòa bình. Hòa Bình và tự do là hai đứa con sinh đôi. Có tự do mới có hòa bình. Tự do là điều tất yếu phải có để kiến tạo hòa bình. Đã bao mùa giáng sinh, đến và đi, thế mà dân tộc chúng ta vẫn sống trong cảnh nô lệ, dưới ách cai trị độc tài của tập đoàn Công sản, tay sai Hán Cộng.
 
Tình huynh đệ là nền tảng và là con đuờng dẫn đến Hòa Bình!“. Đó là tiêu đề và là Thông điệp cho Ngày Thế Giới Hòa bình (01-01-2014), mà Đức Thánh Cha Franxicô gửi cho toàn thể thế giới. Nếu Thiên Chúa giáng trần, đã trở thành như con người chúng ta, mặc lấy mọi sự hèn yếu con người, thì chúng ta là con cái của Người. Và đồng thời chúng ta là anh em với nhau.
 
Không phải cứ có tình huynh đệ là tự động dẫn tới hòa bình. Thưa không! Khởi nguyên trong Kinh Thánh cho thấy, hai anh em Kain và Abel đã giết nhau. Anh em giết lẫn nhau! Một dẫn tích cảnh cáo chúng ta thật nghiêm trọng. Trong cách mạng Pháp 1789, bao nhiêu người phải chết oan, dưới danh nghĩa vì tình Huynh đệ, đấu tranh cho tình Huynh đệ?
Hãy xem tình huynh đệ (nói theo người quốc gia) của đồng bào Việt Nam chúng ta! Nào là Trịnh Nguyễn phân tranh. Nam Bắc nội chiến. Chiến tranh huynh đệ! Hãy xem tình đồng chí (huynh đệ) của các nước anh em Xã hội Chủ nghĩa! Đối Nga xô, thì Cộng sản Việt Nam làm tay sai. Đối với nước „Răng hở môi lạnh“, thì rước Tầu ô, giầy xéo mồ mả cha ông chúng ta. Cứ mỗi lần thay đổi ngôi thứ, thì cả một êkíp bị thủ tiêu.
Mới đây, thế giới bàng hoàng kinh khiếp hành vi man rợ của cậu tướng, bóp mũi ra sữa Kim Jong Un, giết người dượng của mình là Jang, qua hình thức „Quan Jue“, tức là xử tử bằng chó đói. Thế giới thức tỉnh ngỡ ngàng kinh ngạc nhìn nhau, sau cơn mê. Sao lại có chuyện man rợ đến thế được?! Nhưng đối với người Việt, thì việc cha con, anh em „xử lý“ với nhau, thì đây là chuyện cũ rích. Hãy coi cách xử sự cha con họ hàng với nhau qua vụ Cải Cách Ruộng Đất. Họ bị xúi dục con tố cha, vợ tố chồng, nàng dâu tố mẹ chồng, bố chồng. Từ tình huynh đệ, họ trở thành kẻ thù của nhau, và gọi nhau bằng mày tao, thằng nọ con kia.

Tổng Bí Thư Cộng sản Trường Chinh, tên thật Đặng Xuân Khu, vì ganh tị với bảy (07) người anh em họ Đặng Vũgiỏi giang hơn mình, vì theo đảng Đại Việt, năm 1952 đã bị Đặng Xuân Khu thủ tiêu. Ngoài ra, Trường Chinh còn đấu tố chính cha mẹ đẻ mình. Thế mới có câu vè trong dân gian:

Đấu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác-lê. Nhục ấy đời chê thằng họ Đặng. Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa, tội kia sách chép đứa tên Khu!“ (Đâng Xuân Khu = Trường Chinh). Và viên đạn khởi đầu cho cuộc thanh trừng, qua cái gọi là Cải Cách Ruộng đất, bắn tử hình bà Nguyễn Thị Năm, còn gọi là bà Cát Thanh Long, người đã từng che dấu, nuôi ăn những đầu não Cộng sản: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị và Lê Giảng. Thế mới thấu tình đồng chí Cộng sản. (Xem: Đặng Chí Hùng: Những sự thật cần phải biết (14). Trường Chinh, kẻ vong bản. Dân Làm báo.Vn. 06/08/2013).
 
Từ Trung Cộng tới Việt Nam! Từ Liên Xô, dưới thời Lê-nin, Stalin, tại Trung Cộng thì dưới thời Mao, Đặng Tiểu Bình, tại Việt Nam thì dưới thời Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẫn, dưới triều đại họ Kim tại Bắc hàn, thì tình đồng chí Cộng sản, chỗ nào cũng giống nhau, từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu. Tình đồng chí là thủ tiêu lẫn nhau, nô lệ cho chức tước, tham vọng cho quyền lực tiền bạc. Đó là nguyên nhân họ hãm hại nhau. Nhân phẩm con người bị đối xử như „quan jue“.
 
Xét tình huynh đệ chi binh thời Đệ Nhất Cộng Hòa, thì Tướng tá phản bội chém giết lẫn nhau! Cũng chẳng khác gì tình „đồng chí Cộng sản“! Con cái mẹ Âu Cơ nồi da xáo thịt! Chẳng có mấy thời được yên! Bao nhiêu người Công giáo bị giết dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, dưới thời Phong Trào Văn Thân. Dưới thời Cộng sản, thì người Công giáo bị xếp công dân hạng hai. Chẳng người Công giáo ngoan đạo nào muốn giữ chức vụ quan trọng guồng máy qủy quái của Cộng sản. (Cũng là dẫn chứng hùng hồn! Con cái Chúa không làm tôi mọi cho ma qủy!)
 
Sự chia rẽ tranh chấp, không biết đoàn kết. Có lẽ, đấy là cái „nợ“, cái nghiệp, và là cái „Kiếp“ của dân tộc Việt Nam chúng ta chăng? Khởi đầu đã chia rẽ rồi!? Năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển.
 
Đừng chỉ ỷ vào tình huynh đệ để rồi không cố gắng xây dựng hòa bình. Hãy nhớ lời cảnh cáo của nhà văn George Orwall, thì „Big Brother“ (Tình huynh đệ vĩ đại) là một hệ thống kiểm soát, canh gác toàn bộ. Vì thế, chúng ta phải thận trọng trong việc dùng chữ tình huynh đệ. Tình huynh đệ được hiểu trong nghĩa Đức Giêsu là anh em chúng ta. Những ai cùng ăn bữa ăn với Người, cùng uống từ chén thánh với Người, là thân thể Thiên Chúa, họ là tứ chi của Người, là anh em với nhau. Họ là một phần của một chi thể. Và nếu một phần chi thể bị đau, thì mọi chi thể đều cùng bị đau, theo lối giải thích của Thánh Phaolô (Kor 12, 16).

Cũng vậy, tình huynh đệ phải được thể hiện qua câu tục ngữ: Một con ngựa đau, cả tầu không ăn cỏ! Ngựa là loài vật còn biết thương nhau đùm bọc cho nhau như thế. Một con bị đau, bị hành hạ, thì cả tầu/chuồng ngựa phản đối, buồn bả không/chịu ăn. Vừa tỏ thái độ phản đối, vừa bày tỏ thái độ liên đới với đồng loại, tình huynh đệ với nhau, vì cùng chung chuồng. Vậy thì con người sao lại hờ hững với nhau, chuyện ai người ấy lo, đèn ai nhà ấy rạng?! Con người đồng loại với nhau sao lại dửng dưng thờ ơ lãnh đạm, vô cảm, trước sự đau khổ của đồng bào?! Chẳng nhẽ con người chịu thua loài vật ở điểm biết thương yêu đồng loại sao?
 
Sống theo tình huynh đệ là phải sống thực theo tinh thần, một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ. Tình huynh đệ là biết liên đới, hiệp nhất và hiệp thông với người khác, phải biết „chê cỏ“ bày tỏ lỗi đồng kham, đồng cảm, đồng khổ và đồng chịu với nhau, khi thấy đồng loại bi đàn áp bất công.
Dù chúng ta, ở trong nước, hải ngoại, già trẻ lớn lé, tuy là „bầu bí“ khác giống, khác dòng họ, nhưng chúng ta đều sống chung „cùng dàn“, cùng thừa hưởng văn hóa của dân tộc, do cha ông chúng ta để lại. Chỉ khi nào chúng ta thật sự trung thành với nhau, qua tình huynh đệ nói trên, thì từ việc bày tỏ nhỏ, qua cách bắt tay xã giao, qua sự gặp gỡ chào hỏi, chúng ta mới thật sự có đủ nghị lực dấn thân làm việc lớn, dấn thân phục vụ cho Hòa bình, cho đồng đội cho đồng bào, đang bị sống tủi nhục làm nô lệ cho tập đoàn „đầy tớ nhân dân“.
 
Trong Tông Huấn „Pacem in Terris“, (Hòa bình trong trần thế) đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII, còn đi thêm một bước nữa. Người kêu gọi tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, không phải chỉ có người Thiên Chúa giáo, song, tất cả „mọi người với/có lòng thiện tâm“ (universis bonae voluntatis hominibus), hãy dấn thân cho Hòa Bình! Tất cả mọi người có lòng thiện tâm (bonae voluntatis) là câu khởi xướng trong bài Kinh Vinh Danh, trong đại Lễ Giáng Sinh, và đồng thời cũng là lời Thông điệp Giáng sinh gửi cho tất mọi người có lòng thiện tâm: „Gloria in excelsis Deo et in terra pax hominibus bonae voluntatis“ (Vinh Danh Chúa cả trên trời, bình an duới thế cho người thiện tâm!)
Xin Người ban cho anh chị em và tất cả những ai thành tâm thiện chí/thiện tâm được hưởng phúc bình an và tình thương của Người“ cũng là lời chúc Phúc lành sau đại lễ Giáng sinh.

Riêng người Thiên chúa giáo, chúng ta chưa nên hài lòng là con cái của Chúa. „Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta có đáng được gọi là con Thiên Chúa không? Điều ấy chưa được bày tỏ.“(1 Ga 3 2). Vì, Đức Chúa Giêsu chúc phúc và thánh hóa cho ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con của Chúa. (Mt 5, 9).
 
Đức cố Giáo Hoàng Gioan mời gọi tất cả mọi người hãy đem „pacem in terris“ (Hòa bình đến cho trần gian). Nhưng xem ra, chỉ ai có lòng thiện tâm thì họ mới sẵn sàng chính danh đích thực đem bình an đến cho nhau. Đối với những ai có lòng „khẩu Phật tâm xà“, thì chẳng khi nào họ đem lại sự bình an đích thực cho người khác được. Mà ngược lại, qua thủ đoạn bẩn thỉu, họ sẽ đem thù hận, chia rẽ và tang thương.
 
Kết luận
Mầu nhiệm Giáng sinh mời gọi chúng ta, hãy sống trong tình huynh đệ theo thái độ „một con ngựa đau, cả tầu chê cỏ“. Trong năm Giáp Ngọ, tất cả chúng ta là huynh đệ với nhau, không phân biệt tôn giáo, nếu chúng ta có lòng thiện, chống lại sự ác độc của Cộng sản. Bởi vì, tất cả những ai có lòng thiện tâm, thì họ liên đới ràng buộc với nhau. Họ có một nỗi nhung nhớ chung, họ có một giấc mơ chung, một nỗi khát vọng chung, một mẫu số chung, là đem lại bình an cho thế giới, cho đồng loại, cho đồng bào. Và trong niềm mơ ước này, họ là anh em với nhau, họ sống thật trong tình huynh đệ với nhau.