Monday, 13 January 2014

Chuyện Tâm Thần - Trần Mộng Lâm

Câu chuyện này ám ảnh tôi cho mãi đến bây giờ.

Tôi viết lại để các cụ cao niên Việt Nam đọc, suy nghĩ, để tránh cho mình  bị rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Những năm đó, tôi làm việc trong một trung tâm săn sóc sức khỏe  cho nhưng người mắc bệnh mãn tính và mất  tự quản, ở đây người ta gọi là CHSLD, hay centre d’hebergement et de  soins de longue durée, bên Mỹ còn gọi là nursing home thì phải. Thực ra, đây chỉ là một phần nhỏ trong nghề nghiệp của tôi, vì công việc chính của tôi là ở nơi khác.

Vào  những tháng cuối năm đó, khu trại do tôi trách nhiệm nhận một bệnh nhân mới. Cô y tá báo cho tôi biết qua điện thoại là đây là một người Á Châu, có tên là Son Thong . Nghe tên, tôi chắc rằng đây là một người Miên, có lẽ họ Sơn, nhưng cô y tá người Pháp đọc không bỏ dấu. Mấy hôm sau, vào CHSLD làm việc,, tôi thấy đúng là như vậy.

Son Thong người cao lớn, cường tráng nữa là khác. Ông ta nói tiếng Pháp khá , có thể diễn tả ý kiến của mình một cách khá rõ ràng. Tôi còn nhớ rất rõ lời ông ta nói với tôi, nó làm tôi hơi nhức nhối vì cùng một cảnh ngộ với mình :

-Tôi đến đây để tìm Tự Do mà người ta lại nhốt tôi vào đây. Đây là xứ tự do, có phải vậy không. Ông là người Á Châu, ông phải giúp tôi. Tôi không muốn bị bó buộc sống tại nơi này, tôi muốn sống ở ngoài.

Tôi không ngạc nhiên, những bệnh nhân của tôi đều nói như vậy. Thường thì họ bị gia đình gửi vào, vì gia đình không còn đủ sức lo cho họ. Tuy nhiên, những người không có bệnh nặng lắm, thì có thể gửi vào những trung tâm nhẹ hơn, gọi là centres intermédiaires , còn CHSLD thì kỷ luật chặt chẽ hơn. Các bệnh nhân bị nhốt trong các trại bệnh, thường thì mỗi trại có khoảng 30 giường, ra vào có cửa , muốn mở, phải biết bấm số code mới  mở được. Người bệnh có thể đi từ lầu này xuống lầu khác, nhưng không thể ra khỏi CHSLD nếu không có người nhà đi cùng, và không được phép của bác sĩ. Tóm lại, gần như một nhà tù, nếu không có thân nhân lãnh về những lúc cuối tuần,

Tôi hứa với Son Thong là sẽ cố gắng giúp ông, để di chuyển ông đến một centre intermédiaire, dễ chịu hơn, nhưng việc này phải có sự giúp đỡ của người làm công tác xã hội, ở đây gọi là travailleur social. Tôi lật hồ sơ của Son Thong ra xem, và thất kinh khi đọc được câu chuyện của người bệnh này. Hai vợ chồng ông đến Canada sau nhưng biến cố năm 1975. Họ cũng đi làm, và sau khi đến tuổi về hưu, cũng được lãnh tiền già. Hình như ông ta có một người con gái sống bên Bỉ, nhưng vì một lý do nào đó, không ai biết cô này ở đâu, và sống ra sao. Ngay Son Thong cũng không biết.

Mọi việc tốt đẹp cho vợ chồng Son Thong, cho đến khi bà vợ qua đời vì một tai biến mạch máu não. Từ đó, sức khỏe của Son Thong xa sút. Ông ta vẫn ở một mình, nấu ăn, giặt giũ, nghĩa là tự lo bản thân mình, không cần nhờ vả đến ai, vì cũng không có bệnh ngặt nghèo gì, chỉ tội nhớ nhớ, quên quên, như hầu hết những người già, phải ở một mình. Có một lần, dọn nhà đến một appartement tại vùng bắc Montréal, vì giá thuê nhà rẻ hơn, ông đi lạc, phải nhờ cảnh sát đưa về, vì theo ông, ông không thuộc đường lối ở khu phố mới. Cho đến một ngày, vì nấu ăn và để quên bếp, ông gây ra một vụ hỏa hoạn. Cũng may cứu hỏa đến kịp thời, dập tắt được, nhưng Son Thong bị phỏng nhẹ ở mặt và tay phải. Người ta đưa ông vào nhà thương, trị phỏng cho ông, nhưng cô travailleuse sociale và giới hữu trách cho rằng ông không thể sống một mình được, nguy hiểm cho ông, và nhất là cho người khác. Họ đưa ông ra tòa, và ông tòa ra lệnh là từ nay, ông phải được đưa đến một CHSLD, vì ông không có thân nhân. Vì không có than nhân, ông không được ai rước về nhà chơi mỗi cuối tuần, nên 365 ngày một năm, ông không ra khỏi CHSLS, trừ các buổi mà người ta tổ chức du ngoạn tập thể cho toàn thể các cụ già, rất hiếm hoi, chỉ vài ngày vào mùa hè.

Trước án lệnh của tòa án rõ ràng như vậy, tôi làm sao giúp được ông !!

Cho nên dù đã cố gắng nhờ người travailleur social của nơi tôi làm giúp đỡ ông, tôi vẩn thấy ông ta phải ở lại trại bệnh, giữa những cụ già khác, trong đó có rất nhiều người bị bệnh Alzheimer, hay Démences với những triệu chứng của những người không còn sáng suốt. Những người này, vì bệnh tật, vì bực bội, nhiều khi trở thành hung dữ, có khi bạo hành ngay cả với các y công, y tá.

Trong trường hợp này, dĩ nhiên là phải nhờ đến các nhà chuyên môn về bệnh tâm thần.

Nói về các bệnh tâm thần, đối với các bệnh nhân trở thành hung dữ, thì không thể không nhắc tới một nhà khoa học tên Egas Moniz.

Năm 1949, giải Nobel về Y Học và Sinh Lý Học đựợc trao cho Antonio Egas Monitz vì ông ta đã phát minh ra leucotomie préfontale hay lobotomie. Ông ta đục các lỗ vào xương trán các bệnh nhân rồi chích vào trong đó alcool để phá các thùy trán của bộ óc. Phải hiểu là vào thời điểm đó, không có cách chữa trị những người bị bệnh tâm thần, như là schizophrénie. Lobotomie biến các bệnh nhân hung dữ thành những người dễ bảo, nhưng cũng đồng thời trở thành các thực vật.

Nói tới các cơ sở điều trị các bệnh tâm thần trong thời xa xưa, không thể không nói tới một bộ phim rất nổi tiếng mà chắc hẳn mọi người đều đã xem qua. Tôi muốn nói tới phim “One Flew over the Cuckoo’ nest “ hay “Vol au dessus d’un nid de coucou”

Wire, briar, limber-lock.
Three geese in a flock.
One flew east, one flew west.
And one flew over the cockoo’nest

Đây là một câu đồng dao của thổ dân Mỹ, và cũng là động lực hay niềm cảm xúc để cho tác giả viết nên tác phẩm. Cuckoo là tên một con chim, nhưng cũng có nghĩa là một người mắc bệnh tâm thần. Đại khái là truyện kể về số phận hẩm hưu của các người mắc bệnh thần kinh, bị nhốt trong các trại bệnh, không khác gì bị cấm cố suốt đời trong các trại giam. Tội của họ không phải cướp của, không phải giết người, nhưng chỉ vì họ bị bệnh. Vì bị bệnh, họ cũng bị giới hạn sự đi lại trong một toà nhà, không gọi là nhà tù, nhưng gọi là nhà thương tâm thần. Già  yếu, mất tự quản, cũng là  một cái tội, hỡi ơi.

Đêm Noel năm đó không hiểu bằng cách nào, Son Thong trốn ra khỏi được CHSLD.

Có lẽ vì trong dịp lễ, người ra vào tấp nập, nên các nhân viên canh gác không thể kiểm soát cẩn mật sự ra vào. Ông ta đi, đi mãi trong tuyết rơi, trong giá lạnh, cho đến khi  có người phát giác, vì thấy một ông già Á Châu đi lang thang trong khi mọi người quây quần trong các căn nhà ấm cúng, bên gốc cây Noel. Họ  báo cho Cảnh Sát hay. Cảnh sát đồng thời cũng đã được CHSLD báo cho hay về việc Son Thong biến mất khỏi nhà dưỡng lão, nên họ không khó khăn gì để tìm ra sự thực. Họ  điệu ông về CHSLD. Y tá gọi cho tôi, hỏi phải làm sao ? Cò cách  nào khác  hơn là cho ông ta một liều an thần và đề nghị mời bác sĩ tâm thần đến khám sau đó. Tôi biết rằng họ sẽ cho các liều antipsychotiques thôi, nghĩa là các thuốc về tâm thần dành cho các trường hợp như Son Thong.

Và quả là như vậy.

Sự cô đơn và có lẽ  phản ứng phụ của thuốc men làm Son Thong trở thành dễ nổi giận hơn trước. Trong trại, có một bà già Canadienne bị lú lẫn nặng, hay níu kéo các người đi gần, nói năng lung tung. Rủi là bà ta níu nhằm Son Thong. Thế là ông già Miên thụi cho bà một quả vào ngực. Bà lão xấu số bị gẫy mất 3 xương sườn và qua đời sau đó tại nhà thương. Báo chí làm tùm lum, trên những tờ báo giấy, và trên cả internet.

Những ngày sau, Ban điều hành CHSLD phải thuê luôn một cô y tá, ngày đêm phải ở cận kề bên Son Thong, theo sát ông, kể cả lúc đi vệ sinh.

Dĩ nhiên người ta gia tăng lượng thuốc an thần, để làm ông bớt hung hăng.

Và cũng dĩ nhiên là người ta không thể để ông mãi mãi ở đây, ví quá tốn kém cho CHSLD. Sau cùng, Son Thong bị chuyển đến một nơi nào đó, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Tôi không biết hiện nay ông ta sống ở nơi nào, nhà thương tâm thần nào.

Có lẽ trường hợp của Son Thong rồi cũng giống như câu truyện tả trong phim Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu.

Phim này được viết dựa theo tác phẩm của Kesey.


Kirk Douglas mua truyện phim đó. Ông rất thích truyện phim, truyện anh chàng Mc Murphy, nhân vật chính. Mc Murphy bị nhốt trong một trại tâm thần, bị sự hành hạ của một nữ y tá tên là Ratched, sau cùng nổi điên, muốn bóp cổ chết Rached. Bị khống chế,  bị trừng phạt, anh trở về trại bệnh trong tình trạng đờ đẫn. Để anh khỏi phải sống mãi trong tàn phế, một người da đỏ cùng trong trại tâm thần dùng gối đè chết Murphy, giải thoát cho anh. Người bạn da đỏ sau đó thành công trong việc trốn khỏi trại tâm thần. Cuốn phim kết thúc với hình ảnh người da đỏ đó mờ dần trong bóng tối.


Kirk Douglas hy vọng mình có thể thủ vai Mc Murphy, nhưng chưa thực hiện được.

Ít năm sau, vì tuổi già, Kirk Douglas đành giao cho con trai là Michael Douglas thực hiện việc sản xuất .

Michael Douglas cuối cùng lại loại bỏ bố khỏi vai Mc Murphy.

Lý do là Kirk Douglas đã quá già, không còn ăn khách nữa. Jack Nicholson đã được chọn để thay thế.
Bài viết này, tôi viết khi đã bước vào tuổi thất thập. !! Tuổi để có thể hiểu được là: Cuộc đời rất vô thường.

Trần Mộng Lâm


Xin Chú ý : Trên đây chỉ là một truyện giả tưởng, lấy ý từ các tin tức trên báo chí. Mọi sự trùng hợp đều không phải ý muốn của tác giả.