Tuesday, 28 January 2014

Ngựa trong đời sống và trong văn thơ - Nhựt Trọng

Tranh Mã Đáo Thành Công (Google)Hằng năm, cứ vào độ Xuân về Tết đến, tôi cố gắng viết một bài để đóng góp vào số Báo Xuân Viên Giác và Website chùa Viên Giác; Cũng là dịp để mong được gặp gỡ quý Độc giả, quý Văn Thi hữu trên Văn Đàn và xin gởi trao những lời Chúc Mừng Năm Mới thân thương nhứt.

Năm nay, con Ngựa lại quay về  ngự trị thế gian. Nếu như năm trước, chúng tôi đã mượn 2 câu thơ trong Sấm Trạng Trình để đề tựa cho bài viết về năm con Rắn; thì năm nay, xin được phép mượn 2 câu tiếp theo cho trọn  ý:


``Long Vỹ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khổ đao binh
Mã đề Dương cước anh hùng tận
Thân Dậu niên lai kiến thái bình``

Rõ ràng từ năm con Rồng bước sang năm con Rắn vừa qua, đao binh, chiến cuộc đã xảy ra thảm khốc tại rất nhiều quốc gia và đang có mầm móng tràn lan đến  khắp nơi trên thế giới!  Tất cả đều do cái tâm tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... cố hữu của con người! Rất mong rằng, khi vó Ngưa  quay về cùng với cú đá của năm con Dê, sẽ làm cho những vị anh hùng không xứng danh, tham ô, nhũng lạm, độc tài... cùng tận (Như cái lý Nhân Quả của Nhà Phật), nơi nơi chào đón năm Thân, năm Dậu trong cảnh thái bình, an lạc!

Năm nay, cũng là năm ``Đáo Tuế Lục Tuần`` của quý Ông Bà Cô Bác, quý Đạo hữu sanh năm Giáp Ngọ 1954; Có thể xem là một năm rất trọng đại trong đời sống của chúng ta, vì 60 năm mới trở lại một lần (Giáp Ngo 1954-Giáp Ngọ 2014) Tính theo Âm Lịch, quý Vị bước vào``tuổi thọ`` 61. Chúng tôi thiển nghĩ, quý Vị có tuổi Giáp Ngọ, nên mừng sinh nhựt năm nay bằng một buổi tiệc dù đơn sơ hay long trọng hơn một chút cũng là để nhắc đến một niềm vui nhiều ý nghĩa, nhứt là để cho con cháu có dịp nhớ đến hiếu đạo, nhớ đến công ơn sanh thành, dưỡng dục của Ông Bà, Cha Mẹ.

Nhân dịp viết về vấn đề tuổi thọ, chúng tôi xin được phép cung kính giải thích về tuổi thọ của Sư Ông THICH MINH TÂM, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội PGVNTN Âu Châu, Viện Chủ chùa Khánh Anh, Paris Pháp Quốc, vừa viên tịch ngày 08.08.2013; cũng để thành tâm tưởng niệm đến Ngài, trong khi chúng ta chào đón mùa Xuân đầu tiên vắng bóng một vị Ân Sư khả kính!

Sư Ông sanh năm 1940, đến năm 2013 nếu tính theo Dương Lịch là 73  và tính theo Âm Lịch là  74 tuổi, tại sao ghi thế thọ là 75? –Có người suy đoán: Hay là người tu khi mất được tính thêm 1 tuổi ?

Chúng tôi đã giải thích cho một số bạn bè, Đạo hữu; nay xin được viết lên đây để chúng ta cùng chiêm nghiệm: -Sư Ông sanh ngày 18.01.1940, nhưng  Âm Lịch, còn trong năm Kỷ Mão (Năm con Mèo 1939). Vì vậy đến năm Quý Tỵ đúng là 75 tuổi tính theo Âm Lịch, chớ không phải là người tu được tính thêm 1 tuổi.

Những người sanh năm 1940 là tuổi Canh Thìn; Một nguyên tắc đúng gần 100%, là vì những người sanh năm có số 1 cuối cùng có Thiên Can là Tân (Vídụ sanh năm 1941 là Tân Tỵ), có số 2 cuối cùng là Nhâm, 3 Quý, 4 Giáp, 5 Ất, 6 Bính, 7 ĐInh, 8 Mậu, 9 Kỷ, 0 Canh.

Từ ngàn năm trước đến nay, các ngày sanh, các sự kiện lịch sử đều đúng như vậy. Chúng tôi xIn nêu lên vài ví dụ cụ thể:

-Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm Canh Tý 40 CN
-Ngô Quyền sanh năm Mậu Ngọ 898
-Chiến thắng  Bạch Đằng Giang năm Mậu Tuất  938
-Lý Thường Kiệt sanh năm Kỷ Mùi 1019
-Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) sanh năm Nhâm Ngọ 1762 v...v...

(Chỉ những ngày sanh, những sự kiện xảy ra vào khoảng tháng giêng hoặc có khi bước qua đầu tháng 2 Dương Lịch thì có ngoại lệ, vì còn nằm trong năm cũ Âm Lịch, Cụ thể như trường hợp của Sư Ông Minh Tâm, nói trên  hoặc Vua Minh Mạng từ trần ngày 20.01.1841, nhưng còn trong năm Canh Tý 1840, chưa qua năm Tân Sữu 1841)

Giap Ngo 2014Trong đời sống, nhất là thời xa xưa, Ngựa là một con vật rất gần gũi với loài Người, lại có sức mạnh bền bỉ, khôn ngoan, trung thành. Chúng tôi  sưu tầm và xin ghi lại vài đặc tính về loài Ngựa để góp tiếng chào mừng năm Giáp Ngọ đang về với chúng ta:

Trung bình Ngựa sống khoảng 25-35 năm. Đặc biệt loài Ngựa Billy có thể thọ đến 62 năm. Thời gian mang thai từ 335-340 ngày (Người mang thai 9 tháng 10 ngày, # 280 ngày).  Sinh ra, Ngựa con có thể đứng lên, chạy nhảy ngay sau một thời gian ngắn; 4 tuổi đã trưởng thành. Loài Ngựa nhỏ con nhứt thế giới chỉ cao 35-40 cm, sống tập trung ở Carolina, nước Mỹ, sống 40-50 năm. Ngựa hoang có nguồn gốc từ Trung Á, đã được thuần hóa. Người ta dùng Ngựa để cỡi, để chuyên chở, để ra trận...  Ngựa ăn thực vật (cỏ), đặc biêt là gậm cỏ chớ không nhai; thích làm bạn với dê, hươu, lạc đà.

Nghiên cứu về loài Ngựa rằn (vằn) cũng mang đến cho chúng ta nhiều thú vị:

-Ngựa rằn sống nhiều nhất ở Phi Châu.
-Thuộc nhóm động vật có ngón lẻ, khác với loài Người; nhờ đó Ngựa có khả năng chạy nhanh qua những địa hình đất đá cứng.
-Khi Ngựa tập trung từng đàn, những bộ lông vằn họp vói nhau làm cho chúng ta khó phân biệt từng con.
-Tuy nhiên, mỗi loài Ngựa vằn có hình dạng sọc vằn khác nhau, cũng như dấu vân tay của chúng ta.
-Cũng nhờ có bộ lông vằn mà Ngựa vằn tránh được sự hút máu của côn trùng.
-Ngựa vằn cũng chỉ ăn cỏ, lá cây.
-Tốc độ 55 Km / giờ, chậm hơn các loài Ngựa khác, nhưng bền bỉ và có thể chạy đường xa.
-Nước là nhu cầu thiết yếu; vì vậy khi di chuyển,  Ngựa vằn luôn bám  gần nguồn nước.
-Ngựa vằn thường sống chung với LInh Dương và họp quần gây  sức mạnh,
-Với đà tiến của Xã Hội ngày nay, loài Ngựa vằn bị cướp dần nguồn nước và trên 2 Thế kỷ qua, loài Người đã cố thuần hóa loài Ngựa vằn, nhưng không thành công. Chúng ta chỉ thấy Ngựa vằn được nuôi trong các Sở thú.

Nói về loài Ngựa, chúng ta không thể quên nhắc đến một phương tiện chuyên chở rất phổ biến tại vùng Saigon–GiaĐịnh, Việt Nam trước đây; đó là những chiếc  Xe Thổ Mộ đã xuất hiện từ khoảng thập niên 80 / Thế kỷ 19, Mãi  đến năm 1954 -1960 khi học Trung học, chúng tôi vẫn còn thấy những chiếc xe Thổ Mộ giữa Thủ Đô Saigon.

Giap Ngo 2014Xe Thổ Mộ có nguồn gốc từ những chiếc xe song mã sang trọng của Vua chúa, của giới thượng lưu tại nước Pháp, Người dân miền Nam Việt  Nam đã cải tiến cho thích hợp với địa hình của miền quê sông nước. Xe Thổ Mộ có 2 bánh xe bằng cây rất lớn; thân xe trang trí rất đẹp, được kéo bởi một con Ngựa khỏe mạnh. Xe song mã thì được kéo bằng 2 con Ngựa. Người ta phải đóng móng ngựa bằng sắt thì nó mới chạy xa được. Khi xe chạy phát ra âm thanh lọc cọc. lách cách và thỉnh thoảng nghe tiếng Ngựa hí cũng  vui tai. Mắt Ngựa thường được che hai bên, con Ngựa chỉ nhìn về phía trước; không biết có phải là để cho con Ngựa không bị chi phối bởi những sự ồn ào ở chung quanh. Dù vậy, thỉnh thoảng cũng có những chú Ngựa ``chứng``, chòm lên cao hoặc kéo chiếc xe chạy thật nhanh, làm cho hành lý bị quăng tứ tung và hành khách một phen khiếp vía! Chiếc xe Thổ Mộ tuy nhỏ, nhưng  đa dụng, có thể gồng gánh chở chuyên từ 5-7 Người cùng với hành lý nặng nề. Đặc biệt, trên lộ trình, xe có thể dừng lại dễ dàng bất cứ chỗ nào. Hình bóng những chiếc xe Thổ Mộ là kỷ niệm thân thiết của người dân Nam Bộ; cũng là một nét Văn hóa bình dị của vùng đất Phương Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, Phù Đổng Thiên Vương đã cỡi Ngựa sắt, đánh tan giặc Ân xâm lược, rồi phi Ngựa  lên núi Sóc Sơn mà biến mất. Đây là một hình ảnh kỵ binh đầu tiên của nước ta.

Giap Ngo 2014Ngày xưa, các Vị tướng thường cỡi Ngựa chiến xông pha vào trân mạc.Tại các nước Âu Mỹ, chúng ta đã có dịp chiêm ngưỡng những pho tượng đồng to lớn ghi tên thật trang trọng để tưởng niệm những vị tướng tài của đất nước và Dân tộc. ALexander (356-323 TCN), Hoàng đế Macedonia đã chinh phục Ba Tư; Thành Cát Tư Hãn (1162-1227 CN), một Đại Hãn của Mông Cổ đã có dã tâm xâm lược từ Á sang Âu; Napoleon (1769-1821), Hoàng đế nước Pháp, một tài năng quân sự, một nhà lãnh đạo phi thường, được xem là Thần chiến tranh...Tất cả đều có biệt tài cầm quân, bách chiến bách thắng và đã xử dụng những đoàn kỵ binh thần tốc, tinh nhuệ, Những tượng đài tưởng niệm, ghi công các vị nầy đều với hình tướng  oai nghi trên lưng chiến mã. Con Ngựa gắn liền với những chiến công hiển hách! Những chiến sĩ dọ thám, liên lạc, truyền tin, vận chuyển, cũng dùng Ngựa để vượt qua hàng trăm cây số, ngược xuôi giữa các chiến trường. Ngày nay, binh chủng Thiết Giáp được gọi là Kỵ binh, mang ý nghĩa cỡi ngựa (từ trên xe bọc thép) mà chiến đấu; khác với bộ binh.

Khi bạn bè, người thân thuộc làm lễ khánh thành một cơ sở kinh doanh, về nhà mới hoặc trước một chuyến đi xa... người ta thường tặng một bức tranh ``Mã Đáo Thành Công`` mang ý nghĩa cầu chúc tốt đẹp nhứt. Câu đầy đủ là: ``Kỳ khai đắc thắng, Mã đáo thành công``, có nghĩa: Khi cờ đã phất (xuất quân hay bắt đầu làm một việc gì) thì phải đại thắng và Ngựa quay về để báo tin thành công !

Bức tranh thường vẽ hình 8 con Ngựa khỏe mạnh, phi nước đại, cát bụi tung bay và tất cả đều chạy về một hướng, mang ý nghĩa của sự dũng mãnh, nhanh chóng, cùng một chí hướng, đạt sự thành công. Theo Hán văn, Tám là `` Bát``, cùng âm với ``Phát``, nên  bức tranh có 8 con Ngựa.

Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh xâm lược  vào đầu Xuân Kỷ Dậu, Vua Quang Trung đã cho kỵ sĩ đem về tặng Công Chúa Ngọc Hân một cành Đào và báo tin chiến thắng; đây cũng là một hình ảnh mang ý nghĩa ``Mã đáo thành công``.

Dân Ca Nam Bộ thì có bài Lý Ngựa Ô, rất hay nhưng chưa biết tên tác giả. Nhiều ban hợp ca nổi tiếng đã trình diễn và được sự ái mộ của khán thính giả khắp nơi, Chúng tôi cũng không quên  bản nhạc ``Ngựa Phi Đường Xa`` của Lê Yên, một thời đã gắn liền với tên tuổi Ban hợp ca Thăng Long và lưu lại biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên. Ở hậu phương thì có những Trường đua ngựa để vui chơi, giải trí, nhưng đôi khi, cũng vì lòng tham, người ta đã cá độ ăn thua rất lớn, đã có người vỡ nợ, phá sản, tự tử như một vài trường hợp đã xảy ra tại Trường đua ngựa Phú Thọ tại Saigon hoặc rải rác đó đây.

Trong mỹ nghệ tranh sơn mài, chúng ta thấy những bức tranh mang chủ đề ``Vinh Quy Bái Tổ``: Một Thư sinh miệt mài kinh sử, sau khi thi đậu Trạng Nguyên được Vua ban cho bổng lộc, cỡi con Ngựa quý, chung quanh có cờ lộng, có quân hầu, trở về thăm quê hương, gia đình. Người vợ thương yêu từ thuở cơ hàn, đã từng tần tảo lo cho chồng ăn học, nay cũng được thơm lây, ra đầu làng đón chồng và được binh lính võng đi sau chồng; nên bức tranh còn có tên là `Ngựa anh đi trước, Võng nàng theo sau`` và cũng mang ý nghĩa ``Mã Đáo Thành Công`` !

Giap Ngo 2014Cá Ngựa là động vật sống ở  biển nhiệt đới, mình dài khoảng 1,5 đến 3,5 cm, là một loại thuốc quý tại vùng Đông Á, Trung Quốc, Việt Nam... Đặc biệt, cá Ngựa, cũng như cá chìa vôi, con đực mang thai và sinh con. Cá Ngựa còn có cái vòi dài để bắt mồi cũng như  cái đuôi dài để quấn chặt vào tảo biển, không bị nước cuốn trôi đi. Mỗi năm, hàng chục triệu cá Ngựa bị đánh bắt để làm thuốc; vì vậy số lượng bị giảm lần và có thể bị xóa tên, nếu con người không có kế hoạch, không có những điều luật bảo vệ  hợp lý!

Trong các trung tâm phố trên nưóc Đức, chúng tôi thường thấy vài người Cảnh Sát cỡi những con Ngựa rất cao lớn, khỏe mạnh tuần hành chậm rãi để giữ an ninh cho  mọi người và cũng tạo nên một hình ảnh đặc thù, một nét mỹ quan cho xứ sở của họ.

Người Đức còn tổ chức thường xuyên những cuộc biểu diễn, thi đua cỡi Ngựa vượt qua các chướng ngại vật, các hàng rào rất cao... Những người điều khiển  con ngựa của mình thật khéo léo, tài ba.

Thời bình, chúng ta thử hình dung, nếu trong nhà có nuôi một hai con Ngựa, chiều chiều cỡi ngựa dạo chơi trong trang trại hoặc thăm viếng bạn bè, nhăm nhi vài chung rượu, chén trà... thì vô cùng hạnh phúc. Lại có thêm một chiếc xe Thổ Mộ để cả nhà di chuyển đó đây, đi chợ,  đi mua sắm, chở chuyên vật dụng. Vừa thuận tiện, vừa vui và đở tốn kém cho ngân quỹ gia đình.

Đặc biệt hơn, trong lịch sử Phật Giáo, hình ảnh con Ngựa cũng rất gần gũi, thân thương: Khi quyết chí xuất gia, quyết tâm cắt ái lìa thân, giã biệt vợ đẹp, con xinh, giã biệt Vua Cha, triều đình và bao nhiêu quyền uy tột đỉnh... Thái Tử Tất Đạt Đa, giữa đêm khuya đã cùng với người hầu cận là Sa Nạc, cỡi con Ngựa Kiền Trắc rời hoàng cung lên tận rừng sâu (Sau nầy có tên là Khổ Hạnh Lâm) và tu hành khổ hạnh suốt 6 năm trường cho đến khi đạt thành Đạo quả:

``Bán dạ du thành xuất gia tầm Đạo
Lục niên khổ hạnh trú tại thâm sơn
Nhứt đỗ minh tinh chứng thành Phật quả``
(Trích bài Đảnh Lễ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật)

Trong hội họa, trong văn thơ, loài Ngựa cũng hiện diện trên nhiều tác phẩm rất nổi tiếng. Trước khi kết thúc bài nầy, người viết thân ái kính mời quý Anh Chị Em, bạn bè thân hữu, nhất là quý Vị có độ tuổi 60-70, xin hảy cùng chúng tôi hồi tưởng những năm tháng hồn nhiên, xuân trẻ dưới các mái trường Trung Học Đồng Nai, Văn Thanh, Văn Lang, Petrus Ký, Nguyễn Văn Khuê, Võ Trường Toản hoặc Gia Long, Trưng Vương... tại Thủ đô Saigon. Trong không khí của một đất nước tự do, thanh bình, với một nền giáo dục ``nhân bản``, ``dân tộc`` và ``khai phóng``; nhầm mục đích phát triển toàn diện cho mỗi học sinh, mỗi cá nhân về tinh thần quốc gia, tinh thần dân chủ, khoa học... Ngoài các môn Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Hình học, Âm nhạc, Sinh ngữ,,, chúng ta đã được học Văn với các Vị Giáo Sư nổi tiếng như Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Trần Bích Lan, Lữ Hồ v...v... Chuyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn cùng với những bài thơ của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ, của Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan... đã ghi vào tâm tư của chúng ta đầy ắp những kỷ niệm, những vốn liếng Văn chương không bao giờ phai nhạt được! Phải không quý Vị.

Chào mừng năm mới Giáp Ngọ, cầm tinh con Ngựa, chúng tôi xin được ghi lại một vài đoạn thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc (Bản dịch của Bà Đoàn Thị Điểm)  Một kiệt tác mang nặng tâm tư, tình cảm, nỗi buồn thương ai oán của người Chinh Phụ:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy

Giữa cảnh thiên nhiên thật hữu tình, người vợ trẻ phải tiễn đưa chồng ra biên ải, đối diện với làn tên, mũi giáo hiểm nguy, lòng buồn dào dạt, than cho thân phận, không sánh bằng con Ngựa luôn được gần gũi bên người chồng thương yêu của mình:

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ không bằng ngựa, thủy không bằng thuyền

Đâu đây trong tác phẩm nhiều lần tác giả đã vẽ lên  hình ảnh của con chiến Mã, như người bạn đường thân thiết và đồng cam cộng khổ, sẵn sàng sống chết với người  xông pha vào trận địa; đã có biết bao nhiêu người chiến sĩ trở về với ``da ngựa bọc thây``!

Chí làm trai dậm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tợ hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu

Như một bức tranh thủy mạc, tác giả Đặng Trần Côn  đã mô tả hình ảnh chiến trường hiểm nguy bằng  2 câu thơ đầy thi vị:

Xông pha gió bãi trăng ngàn
Tên reo đầu ngựa giáo lan mặt thành

Hình ảnh người Chinh Phu mang võ phục màu đỏ tợ như ánh nắng chiều, oai nghi trên lưng con tuấn mã màu trắng tinh anh như tuyết; buồn mà rạng rở làm sao:

Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

Đặng Trần Côn, như là một họa sĩ tài ba, ông đã dùng những vần thơ tuyệt tác gợi cho người đọc thấy hiện lên trước mắt một bức tranh thật sống động: Một đoàn quân với cờ xí tung bay, với tiếng nhạc ngựa hòa trong tiếng trống và nơi đây hai người thương yêu phải chia rẽ, cách xa...

TIếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống
Giáp mặt rồi phút bổng chia tay
Hà Lương chia rẽ đường nầy
Bên đường trông bóng cờ bay bùi ngùi

Người Chinh Phụ tiễn đưa chồng vạn dậm lên đường; nỗi sầu thương cao ngất, không biết ai buồn hơn ai! Cú pháp so sánh ý nhị của tác giả Đặng Trần Côn, qua tài chuyển dịch điêu luyện của Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã nói lên tấm lòng tha thiết của người vợ chiến binh  trong tuyệt phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc.

Quân trước đã gần ngoài doanh liễu
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương
Đưa chàng vạn dậm lên đường
Lòng chàng ý thiếp ai buồn hơn ai !

Lỡ sinh ra và lớn lên trong thời chinh chiến, bản thân người viết, từ thời xuân trẻ và trong suốt cuộc đời, đã trải qua biết bao nhiêu lần phải giã biệt vợ con, thân nhân gia đình, để lên đường nhập ngũ, phải đi xa, hay những năm dài vào tù ra khám... Chúng tôi cảm thông sâu sắc với những cuộc chia ly!

Trước thềm năm mới, chúng tôi tha thiết mong rằng , Xuân Giáp Ngọ quay về, móng ngựa cứng cáp sẽ xua tan cường hào ác bá, dẹp tan tham nhũng, độc tài, chiến tranh, khủng bố, để cho nhân loại khắp nơi trên thế giới  ``Thân Dậu niên lai kiến thái bình``và được sống trong cảnh đoàn viên, an lành, hạnh phúc.

Nhựt Trọng