HAI CUỐN TỰ ĐIỂN RẤT CÓ HẠI CHO TIẾNG VIỆT
Bài của LÊ MẠNH CHIẾN
Mùa thu năm 2003, thầy giáo về hưu H.H.Phúc ở Hà Tĩnh có đưa cho chúng tôi xem một quyển từ điển giải nghĩa các từ Hán-Việt dày hơn 860 trang, mà theo thầy thì nó rất tồi tệ, rất có hại cho người sử dụng vì nó có quá nhiều sai lầm nghiêm trọng. Thầy đề nghị chúng tôi đọc và phân tích, phê phán những chỗ sai để cảnh báo trước toàn xã hội về tai hại của nó. Chúng tôi liền mở ra xem, lướt qua vài chục tờ ở vần A thì giật mình khi thấy ở từ ác ôn, soạn giả giải thích rằng ôn nghĩa là bệnh dịch. Thực ra, vốn là 惡 棍 ác côn, do sự biến âm chút ít mà thành ra ác ôn. Chữ côn có nghĩa gốc là cái gậy và nghĩa mở rộng là kẻ hư hỏng; nó có mặt trong các từ du côn, côn đồ. Do đó, ác ôn là kẻ hư hỏng, gây nhiều tội ác. Lướt qua vài trang, gặp từ anh hùng thì thấy giải thích rằng hùng nghĩa là loài thú khỏe nhất. Tuy từ điển này không ghi chữ Hán, nhưng qua cách giải thích như vậy thì ta biết rằng soạn giả nghĩ đến chữ hùng (熊) nghĩa là con gấu. Nhưng, trong từ anh hùng 英雄 thì hùng (雄) nghĩa là người có tài trí kiệt xuất. Cách giải thích các từ tố ôn và hùng như thế chứng tỏ rằng soạn giả không hề biết chữ Hán (mặc dầu có thể đã từng đi học chữ Hán, nhưng “chữ của thầy đã trả hết cho thầy” rồi), mà chỉ đem lời đoán mò để giảng giải các từ ngữ Hán-Việt, may ra thì đúng. Lật vội mấy trang nữa, liếc vào từ đại sứ 大使, một từ rất quen thuộc, ta lại phải kinh ngạc vì ở từ này, chữ đại nghĩa là lớn (大) thì soạn giả lại giảng rằng đạinghĩa là thay thế (代).
Tạp chí Thế Giới Mới từ số 582 đến số 587 (từ ngày 26.4. đến 31.5.2004 ) đã công bố bài 170 sai lầm trong một cuốn từ điển nhưng độc giả chưa biết tên cuốn từ điển đó. Bài ấy đã được đăng liên tiếp trong 6 kỳ mà chỉ mới nêu được 68 từ phạm sai lầm. Nhưng, như thế cũng đủ cho thấy nhiều sai lầm rất đáng sợ mà soạn giả đã phạm phải.
Sau đó, được một số độc giả mách bảo, chúng tôi đã xác định được rằng quyển sách chứa hàng đống sai lầm kia chính là Từ điển từ và ngữ Hán Việt của GS Nguyễn Lân (bản mà chúng tôi đã đọc là của Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, HN, 2002). Một số độc giả còn cho biết thêm rằng những sai lầm mà chúng tôi đã nêu đều có mặt đầy đủ trong quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000), mà người biên soạn cũng chính là GS Nguyễn Lân. Chúng tôi đã đối chiếu hai quyển với nhau thì thấy rằng Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2112 trang) chứa gần như trọn vẹn cả Từ điển từ và ngữ Hán Việt (867 trang), cho nên, những từ bị giảng sai trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt thì đều có mặt trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng được đọc bài Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, trong quyển Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm của tác giả Huệ Thiên (do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào quý 3 năm 2004; bài này được in lại từ tạp chí Văn ở TP Hồ Chí Minh , số 6, tháng 9 và số 8, tháng 11 năm 2000), trong đó, tác giả chỉ mới ‘’đọc lướt’’ các vần A, B, C (chiếm 1/5 quyển sách) mà đã vạch ra được 117 điều “chưa ổn’’. Những ý kiến phê bình của ông Huệ Thiên rất xác đáng. Tuy nhiên, vì chỉ mới “đọc lướt’’ cho nên trong phần mà ông đã đọc qua vẫn còn những sai lầm nghiêm trọng chưa bị phát hiện. Từ đó, chúng ta biết rằng ngoài những sai lầm giống như ở Từ điển từ và ngữ Hán Việt (mà chúng tôi đã tìm thấy hơn 200 trường hợp), Từ điển từ và ngữ Việt Nam còn chứa vô số sai lầm khác nữa, rất có hại cho việc học tập và giảng dạy tiếng Việt.
Như vậy, riêng GS Nguyễn Lân đã biên soạn ra hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt. Điều này làm cho nhiều người đau lòng, nhưng đó là sự thực không thể chối cãi. Với số lượng sai lầm nhiều đến mức ấy thì phải in thành sách hoặc đăng nhiều kỳ liên tiếp mới có thể tải hết được. Trong phạm vi một bài viết cho một lần đăng báo, chúng tôi chỉ có thể nêu vài chục ví dụ về những sai lầm nằm trong cả hai quyển từ điển kể trên để độc giả chứng giám.
1. ẩn lậu 隱漏
Theo soạn giả thì ẩn = giấu kỹ, lánh đi, ngầm; lậu = rỉ ra ngoài, và ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra. Quả thật, trong chữ Hán, chữ lậu 漏 này có nghĩa là rỉ ra ngoài. Nhưng như thế thì các từ tố ẩn và lậu có vẻ như trái nghĩa với nhau, bởi vậy, giải nghĩa như vậy là không thoả đáng, mà có thể nói là sai. Chữ lậu còn có vài nghĩa khác nữa, mà trong trường hợp này nó có nghĩa là lọt, là thoát (lậu võng nghĩa là lọt lưới), cũng là trốn tránh mà thôi. Vậy ta có thể nói rắng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, là lẩn tránh. Soạn giả định nghĩa rằng ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra là để “khắc phục” điều mâu thuẫn mà ông cũng nhận thấy như chúng tôi chăng, nhưng, không thẳng thắn nói ra nghĩa là nói một cách ấp úng vì sợ sệt, hoặc là ở trong tình thế không thể giấu giếm được nên đánh phải nói ra chứ đâu có phải là ẩn lậu.
2. bàn hoàn 盤桓
Từ bàn hoàn có hai nghĩa: a) quanh quẩn không dứt ra được; b) quấn quýt với nhau. Giải thích như thế cũng tạm được. Về các từ tố, soạn giả cho rằng bàn là quanh co, hoàn là uốn éo. Thực ra, bàn 盤 nghĩa là vòng vèo, còn chữ hoàn 桓 này có các nghĩa như sau: a) cột gỗ dựng bên cạnh các dịch trạm (tức là trạm chuyển công văn) hoặc các công thự để quy định vị trí đứng đợi. Như vậy, từ bàn hoàn 盤桓 có nghĩa ban đầu là đi lại quanh quẩn cái cột mốc để mong ngóng. Về sau, nó có nghĩa mở rộng là bồi hồi, vương vấn, và quấn quýt.
3. bắc thần 北辰
Bắc thần nghĩa là sao bắc cực. Chữ thần 辰 này có nhiều nghĩa, trong đó, có nghĩa là thiên thể, là tinh tú, là ngày tháng, là đế vương (khác hẳn với chữ thần 臣 nghĩa là kẻ bề tôi hoặc chữ thần 神 trong từ tinh thần 精神). Trong trường hợp này, thần 辰 có nghĩa là ngôi sao. Nó còn có âm là thìn để chỉ ngôi thứ 5 trong 12 ngôi địa chi (tí, sửu, dần, mão, thìn, tị…). Soạn giả đưa ra một định nghĩa rất dài dòng: bắc thần là ngôi sao sáng hình như đứng yên một chỗ trên bầu trời và giúp ta xác định hướng chính bắc. Ðịnh nghĩa này không sai nhưng quá rườm rà. Ðiều không thể tha thứ được là ông đã “phán” bừa rằng thần nghĩa là tinh thần.
4. bị cáo 被告
Bị cáo là người bị tố cáo và bị toà án đem ra xét xử. Soạn giả đã hiểu đúng nghĩa của từ này, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy ông giải thích rằng cáo nghĩa là báo cho biết! Nếu đúng như vậy thì từ bị cáo chẳng liên quan gì với việc báo cho biết. Ðành rằng chữ cáo 告 cũng có nghĩa là báo cho biết, nhưng nó còn có một số nghĩa khác nữa, mà cụ thể ở đây là buộc tội, vạch tội.
5. bức xạ 輻射
Theo soạn giả, bức nghĩa là bắt buộc, xạ nghĩa là bắn; bức xạ là sự phát và truyền năng lượng dưới dạng sóng và dạng hạt. Có thể chấp nhận định nghĩa này về bức xạ. Nhưng soạn giả đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi ông đoán liều rằng bức nghĩa là bắt buộc. Chữ bức 輻 ở đây (khác hẳn chữ bức 逼 là bắt buộc) có nghĩa gốc là nan hoa ở bánh xe, và có nghĩa mở rộng là toả ra khắp mọi phía xung quanh.
6. cử tọa 擧座
Về từ tố cử, soạn giả nêu ra các nghĩa: cất lên, đưa lên, nổi dậy, thi đỗ; còn tọa thì có nghĩa là ngồi. Thực ra, chữ tọa 座 ở đây có nghĩa là chỗ ngồi (khác với chữ tọa 坐 nghĩa là ngồi). Về chữ cử, ngoài vài nghĩa mà soạn giả đã nêu, còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có nghĩa là tất cả., và đó chính là nghĩa của nó trong từ cử tọa. Vì thế, cử tọa nghĩa là tất cả những người ngồi dự một cuộc họp
7. dạ hợp 夜合
Theo lời soạn giả thì dạ = ban đêm; hợp = thích hợp; và dạ hợp là một loài cây cùng họ với ngọc lan, hoa trắng rất thơm, nở về ban đêm. Cách cắt nghĩa từ tố hợp như trên đã khiến ông tin rằng dạ hợp nghĩa là thích hợp với ban đêm nên loài hoa này ắt phải nở về đêm! Ðó là một điều sai nghiêm trọng. Ðúng là chữ hợp 合 có một nghĩa là thích hợp, là phù hợp, nhưng nó còn có nhiều nghĩa khác nữa. Trước hết, nghĩa ban đầu của nó là khép lại, mà đó cũng chính là nghĩa cụ thể trong từ dạ hợp 夜合. Từ điển Từ nguyên nói về cây dạ hợp như sau: “mộc bản, diệp trường, hoa thanh bạch sắc, hiểu khai dạ hợp, cố danh”. Nghĩa là: thân gỗ, lá dài, hoa màu trắng xanh, trời sáng thì nở, ban đêm thì cụp lại, do đó mà có tên ấy. Như vậy, vào ban đêm, hoa dạ hợp không thể nở được, dẫu đã nở rồi cũng phải cụp lại.
8. Ðịa Trung Hải 地中海
Ðịa là đất, là lục địa; trung là ở trong, ở giữa; hải là biển. Ðịa Trung Hải là biển ở trong lục địa. Tuy nhiên, từ này đã trở thành tên riêng để chỉ một biển cụ thể, có diện tích 25 triệu km2, nằm ở phía nam Châu Âu, phía bắc Châu Phi, phía tây Châu Á, thông với Ðại Tây Dương qua eo biển Gibraltar và thông với Biển Ðỏ qua kênh đào Suez. Ðiều đáng ngạc nhiên là sau khi giải thích rằng Ðịa Trung Hải là biển ở giữa lục địa, soạn giả đưa ra một câu ví dụ: Biển Caxpiên của Liên xô là một địa trung hải. Như vậy, ông đã không định nghĩa được từ Ðịa Trung Hải, lại còn dùng từ này như một danh từ chung, với nghĩa là cái hồ lớn. Hơn nữa, biển Caxpiên còn có 43.200 km2 thuộc chủ quyền của Iran chứ không hoàn toàn thuộc Liên Xô trước đây.
9. đồng lõa 同伙
Có lẽ ai cũng biết rằng từ đồng lõa có hai nghĩa: 1) người trong cùng một nhóm để làm một việc bất chính (danh từ), và 2) cùng tham gia một nhóm làm việc bất chính (động từ). Soạn giả dạy rằng lõa là cái bọc. Thực ra, lõa là âm đọc chệch từ chữ hỏa 火 nghĩa là lửa, là bếp. Theo binh chế thời xưa, mười người lính thì cùng nấu một bếp, tạo thành một hỏa, như một tiểu đội vậy. Đồng hỏa 同伙 (chữ hỏa 火 ở đây thường được viết là 伙 để chỉ người) nghĩa là người trong cùng một bếp ăn, mở rộng ra là bọn người cùng một nhóm “làm ăn với nhau” (thường là bất chính.)
10. giám quốc 監國
Soạn giả cho biết: giám nghĩa là trông coi, quốc là nước. Đúng. Nhưng ông định nghĩa rằng giám quốc là người đứng đầu một nước cộng hoà tư sản thì sai to. Càng sai nữa khi ông viết rằng Ngày nay người ta dùng từ “tổng thống” để thay từ “giám quốc”. Thực ra, giám quốc là người cầm quyền tạm thời khi vua vắng mặt hoặc khi vua còn nhỏ. Ví dụ, năm 1908, Phổ Nghi lên ngôi khi mới hai tuổi, đình thần nhà Thanh đã cử cha của ông ta là Tải Thuần làm giám quốc. Cuối năm 1787, tướng của Nguyễn Huệ là Vũ Văn Nhậm ra Bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi lập Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận (chú của Lê Chiêu Thống ) làm giám quốc vì Lê Chiêu Thống đã chạy khỏi kinh thành để cầu cứu quân Thanh. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông vẫn để Lê Duy Cận làm giám quốc.
11. kinh lạc經絡
Soạn giả cho biết rằng chữ kinh 經 có các nghĩa: sửa trị, đường dọc, sách vở, từng trải, thường. (Chúng ta hiểu rằng trong từ kinh lạc, thì kinh có nghĩa là đường dọc). Còn chữ lạc thì ông cho rằng đó là dây thần kinh, và kinh lạc là hệ thống dây thần kinh nối liền các huyệt. Nhưng, theo từ điển Từ Hải thì kinh lạc là mạng lưới các đường vận chuyển khí huyết (theo quan niện của Đông y, gần có nghĩa như năng lượng) trong cơ thể. Kinh 經là những đường chính chạy theo chiều dọc của cơ thể; lạc絡 là những đường nối ngang giữa các đường dọc ấy; các huyệt châm cứu đều nằm trên mạng lưới kinh lạc. Hệ kinh lạc khác hẳn hệ thần kinh, và các đường kinh lạc không trùng với các dây thần kinh.
12. linh sàng 靈床
Linh là thiêng liêng, là liên quan đến người chết; sàng là cái giường. Các từ tố này đã được soạn giả giải nghĩa đúng. Nhưng ông cho rằng linh sàng là giường thờ người mới chết chưa đem chôn. Nếu như vậy thì phải chăng Nguyễn Du đã dùng sai từ này ở hai câu thơ trong Truyện Kiều:
Sang nhà cha, tới trung đường,/ Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.
Thật ra, từ linh sàng có hai nghĩa: 1) giường đặt thi thể người chết khi đám tang; 2) cái bàn nhỏ đặt trước bàn thờ, làm “chỗ nghỉ” cho linh hồn người chết khi chưa hết tang. Đó chính là cái “giường thờ”, rồi từ đó, dân ta cũng gọi cái bàn thờ là “giường thờ” khiến nhiều người, kể cả những người biên soạn từ điển tiếng Việt đã định nghĩa: “giường thờ” là bàn thờ tổ tiên, cao và rộng! (Hoàng Phê). Trong hai câu thơ trên đây, linh sàng mang nghĩa thứ hai.
13. lộng hành 弄行, lộng quyền 弄權
Lộng hành nghĩa là hành động một cách coi thường mọi người. Lộng quyền nghĩa là đem quyền hành ra làm trò đùa, muốn làm gì thì làm, chẳng kể gì đến phép tắc luật lệ. Chữ lộng 弄 có một số nghĩa thông thường là: chơi đùa; đem sự vật khác hoặc sự việc khác ra làm trò đùa; khinh nhờn, coi thường. Với nghĩa như thế, người ta còn có từ lộng nguyệt, nghĩa là chơi đùa với trăng, tức là vui chơi dưới ánh trăng, lộng ngôn là nói năng bừa bãi, thích nói gì thì cứ nói, và lộng bút nghĩa là viết lách vô trách nhiệm, không biết cũng viết bừa, coi thường mọi người. Tiếc thay, soạn giả chỉ nắm được nghĩa sơ sài của các từ lộng hành và lộng quyền rồi suy ra rằng lộng nghĩa là lấn át. Chưa kể đến hàng trăm trường hợp giảng giải liều lĩnh khác, chỉ riêng trường hợp này cũng đã đủ cho phép mọi người coi ông là một kẻ lộng bút.
14. lưu chiểu 留照
Soạn giả giảng rằng lưu = giữ lại; chiểu = văn bản; và lưu chiểu là tác phẩm văn nghệ nộp cho cơ quan lưu trữ của nhà nước để làm tài sản chung. Nhưng, chẳng có chữchiểu nào có nghĩa là văn bản cả. Hơn nữa, chúng ta biết rằng chữ chiểu ở đây chính là biến âm của chữ chiếu 照, tức là đối chiếu, là so sánh để phát hiện thật hay giả hoặc đúng hay sai. Lưu chiểu là giữ lại bản mẫu của văn bản đã lưu hành để so sánh, kiểm tra khi cần thiết. Mục đích chính của việc lưu chiểu là như thế chứ không phải để làm tài sản chung. Soạn giả đã không hiểu chữ chiểu và cũng không hiểu gì về từ lưu chiểu.
14. lỵ sở治所
Lỵ sở là trung tâm hành chính của một địa phương. Nhưng thật là sai lầm khi soạn giả đoán rằng lỵ là đến nơi. (Chữ này có mặt trong từ lỵ nhậm 蒞任, nghĩa là đến nơi nhậm chức). Ông không biết rằng lỵ sở vốn là trị sở治所 nhưng bị đọc chệch đi và đã trở thành thói quen. Lỵ ở đây chính là trị 治, nghĩa là cai quản, điều hành công việc, và cũng dùng để gọi tắt từ trị sở.
15. thôi thúc 催促
Từ này tưởng là quá đơn giản, thế mà soạn giả đã giảng sai. Theo ông, thôi nghĩa là thúc giục, và thúc nghĩa là buộc. Thực ra, chữ thúc 促 này có nghĩa là giục giã, là đòi phải tăng tốc, như trong từ đốc thúc, khác với chữ thúc 束 nghĩa là buộc. Chữ thúc trong từ thôi thúc cũng có âm là xúc, và có mặt trong từ xúc tiến.
16. thế nghiệp 世業
Soạn giả đã giảng rằng thế nghĩa là quyền lực hoặc trạng thái (có dạng chữ Hán là 勢), nghiệp nghĩa là nghề, và thế nghiệp là chức vụ do cha ông để lại trong thời phong kiến. Thực ra thế 世 nghĩa là đời, nghiệp 業 là sự nghiệp hoặc sản nghiệp. Thếnghiệp 世業 là sự nghiệp hoặc tài sản do đời trước để lại. Các bộ từ điển đáng tin cậy đều định nghĩa như thế.
18. trữ tình 抒情
Vì không biết “mặt chữ” mà chỉ phỏng đoán theo cảm tính nên soạn giả đã giảng giải rằng trữ là chứa chất, tình là tình cảm; trữ tình là chứa chất tình cảm. Thật là sai lầm nghiêm trọng. Nên nhớ rằng ở đây, trữ 抒 nghĩa là biểu đạt, là bày tỏ. Trữ tình nghĩa là bày tỏ tình cảm. Cần phân biệt chữ trữ 抒 này với chữ trữ 貯 trong từ tích trữ.
19. vi điện tử 微 電 子
Vi điện tử là hạt điện tử rất nhỏ, đó là cách giải thích của soạn giả, khiến người đọc buồn cười. Điện tử, tức electron, là một loại hạt cơ bản bền vững, là hạt tích điện âm trong mọi vật chất thông thường, có khối lượng bằng khoảng 9,11 x 10-28gram và điện tích khoảng -1,602 x 10-19 coulomb. Như vậy, điện tử có khối lượng và điện tích rất cụ thể, làm gì có thứ điện tử rất nhỏ khác nữa?
Từ vi điện tử vốn được dịch từ tính từ microelectronic(al) trong tiếng Anh (hoặc micro-electronique trong tiếng Pháp), nó chỉ có thể đóng vai trò tính từ, như trong các cụm từ như mạch vi điện tử, thiết bị vi điện tử, v.v. để chỉ mạch điện tử hoặc thiết bị điện tử có kích thước cực kỳ nhỏ bé.
20. viễn phố 遠浦
Soạn giả giải thích rằng viễn = xa; phố = chỗ bán hàng, nhà trạm; và viễn phố = nơi ở xa. Rồi ông trích dẫn câu thơ Gác mái, ngư ông về viễn phố… của Bà huyện Thanh Quan. Ông không hiểu rằng ở đây, phố 浦 nghĩa là bến sông chứ không phải phố 鋪 là cửa hàng. Viễn phố 遠浦 nghĩa là bến sông ở xa. Bà huyện Thanh Quan ở thế giới bên kia hẳn phải nổi giận và vô cùng đau lòng cho đất nước nếu bà biết rằng có một nhà biên soạn từ điển tiếng Việt ở cuối thế kỷ XX đã giảng giải thơ của bà như thế.
Vài chục thí dụ trên đây chỉ là một phần mười của những sai lầm mà chúng tôi đã phát hiện được trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt, mà cũng nằm cả trong Từ điển từ và ngữViệt Nam của GS Nguyễn Lân. Đương nhiên, vì Từ điển từ và ngữ Việt Nam chứa trọn nội dung của Từ điển từ và ngữ Hán Việt và còn thêm rất nhiều từ ngữ khác ít liên quan đến Hán ngữ nên nó còn phạm vô số sai lầm khác mà tác giả Huệ Thiên đã cho thấy một phần qua bài Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân.
Qua những thí dụ này, chúng ta thấy soạn giả Nguyễn Lân luôn luôn sẵn sàng “sáng tác” nghĩa cho các từ tố; hơn nữa, ông lại rất thiếu kiến thức về văn hóa, lịch sử và khoa học. Nếu trong đời một giáo viên đứng trên bục giảng mà một hai lần phạm vài sai lầm như những trường hợp kể trên thì cũng trở thành trò cười và mang tiếng cả đời rồi. Huống chi, từ điển là sách cung cấp những hiểu biết chính xác về từ ngữ, ở đây là từ ngữ tiếng Việt, mà phạm đến vài trăm sai lầm lớn như thế, sao có thể chấp nhận được?
Một thực tế rất đáng buồn là Từ điển từ và ngữ Hán Việt chứa nhiều sai lầm nghiêm trọng như vậy nhưng sau lần xuất bản đầu tiên năm 1989 (Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh), nó đã được tái bản nhiều lần. Vì thế nên đến năm 2000, GS Nguyễn Lân lại cho ra đời quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam lớn hơn và càng nhiều sai lầm hơn. Đặc biệt, Từ điển từ và ngữ Hán Việt thì được GS Lê Trí Viễn coi là cuốn từ điển Hán Việt tốt nhất từ trước đến nay, và nó sẽ là công cụ tra cứu không thể thiếu được đối với bất kỳ ai, trước hết là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các nhà biên soạn, khi muốn nắm được nghĩa chính xác của từ và ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay. Còn về giá trị của Từ điển từ và ngữ Việt Nam thì GS Vũ Khiêu cho rằng “trí tuệ và tâm huyết của tác giả đã tạo ra một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội đang mong đợi” (theo Lời giới thiệu).
Khỏi phải bàn về tính khả tín của hai vị giáo sư này.
L. M. C.
VAI LỜI CÙNG GS NGUYỄN LÂN VÀ ÔNG LÊ MẠNH CHIẾN
Bài của Trần Bá Thiên trên QC 5/1/2013
Nhân đọc bài Hai quyển tự điển rất có hại cho tiếng Việtcủa tác giả Lê Mạnh Chiến tại: ( tại đây!) Tác giả Lê Mạnh Chiến đưa ra cả trăm hạt sạn khi định nghĩa nhiều từ trong 2 tác phẩm Tự điển Từ và nghĩa Hán Việt và Tự điển Từ và ngữ Việt Nam của gs Nguyễn Lân. Tôi cảm thấy có vài vấn đề như sau.
I- Nên đưa phương pháp peer review vào chương trình giáo dục
Tôi không biết nên dịch peer review là gì. Tôi hiểu peer review là công tác góp ý cho một nghiên cứu khoa học. Nhà nghiên cứu trong khi miệt mài suy nghĩ, viết lách và tổng hợp đôi khi phạm các loại sai lầm như 1) viết thiếu chứng cớ, chẳng hạn nếu ai nói vấn đề bị đa số người tham gia phản đối thì phải đưa ra 1 điều tra định lượng cho thấy số phản đối chiếm quá bán số người tham gia. Nếu không có số liệu định lượng này thì phát biểu ấy bị xem là thiếu chứng cớ. 2) sử dụng nguồn tài liệu khác mà không ghi trích dẫn. Vụ này còn được gọi là đạo văn. Tuy nhiên đôi lúc nhà nghiên cứu do mệt đầu, mệt óc nên có lúc trích dẫn Ý từ một tài liệu khác mà quên hay vô ý không ghi rõ nguồn. 3) một số sai sót khác khi nghiên cứu đơn cử như việc sử dụng công cụ sai, vd khi nói tôi yêu nước nhiều hơn bạn thì phải hỏi lấy gì đo được tình cảm mà so sánh người này yêu nhiều hơn người kia.
Để tránh tình trạng nghiên cứu có sạn và để giúp nghiên cứu được chặt chẻ và vững mạnh hơn về tính khoa học, các trường đại học nhiều nước đã yêu cầu nhà nghiên cứu phải đưa tác phẩm của mình cho một số chuyên gia xem xét và góp ý. Xin phép tạm gọi peer review là góp ý đồng đẳng. Khi ấy tác giả của nghiên cứu xem các chuyên gia khác cũng là những nhà nghiên cứu như mình nhưng ở các lãnh vực khác. Và những nhà nghiên cứu đồng đẳng kia hỗ trợ tác phẩm của mình thêm hoàn chỉnh.
Góp ý đồng đẳng xảy ra trước khi xuất bản và cả sau khi xuất bản. Nói chung kết quả nghiên cứu ngày nào còn được đưa vào thực tiễn thì ngày đó còn cần đến góp ý đồng đẳng.
Nếu áp dụng tinh thần góp ý đồng đẳng vào nền giáo dục và nghiên cứu khoa học nước ta thì sẽ tránh tình trạng tự ái hảo mà ta thường gặp. Cụ thể trong trường hợp gs nguyễn Lân nếu ông xem các phản biện của cụ Lê Mạnh Chiến là nhằm giúp tác phẩm của ông trở thành khuôn vàng thước ngọc cho giới khoa học thì ông sẽ phải cảm ơn ông Lê Mạnh Chiến qua các hành động như 1) xem xét và tiếp nhận ý kiến 2) giải thích nếu thấy nhận xét phản biện nào chưa chuẩn.
Tôi cũng xin có đôi dòng với cụ Lê Mạnh Chiến. Dường như chúng ta đang hiểu lầm hay hiểu một cách cực đoan câu chuyện Lã Bất Vi treo thưởng ngàn vàng cho ai sửa được 1 từ trong tác phẩm Lã Thị Xuân Thu. Tôi không biết Lã Bất Vi nghĩ gì vì tôi không tin vào những lời dè biểu của người đời sau về câu chuyện thưởng ngàn vàng này. Tôi nghĩ chúng ta nên hiểu ấy là cách Lã Bất vi vì muốn tác phẩm này là khuôn vàng thước ngọc nên cần sự tư vấn và góp ý của các chuyên gia khác sống cùng thời với ông. Nhiều người vẫn bình luận rằng phải viết như Lã Bất Vi nghĩa là viết đúng tới mức chuẩn không cần chỉnh. Suy nghĩ như thế vô tình tạo ra một thứ áp lực trong giới học thuật. Chính vì áp lực ấy, nhiều nhà nghiên cứu tìm cách che đậy các hạt sạn trong nghiên cứu của mình thay vì công khai nhìn nhận hạn chế của mình để được thế hệ nghiên cứu khác kế thừa và hoàn chỉnh tư tưởng mà họ đã dầy công khai phá.
II- Văn hóa xin lỗi
Nếu ai thấy ta sai và ta biết họ nói đúng thì tốt nhất là xin lỗi và tiếp thu ý kiến. Lỗi mà đã xin thì hết lỗi. Nếu lấp liếm với chiêu vú cả lấp miệng em thì dù đời này họ chưa nói được thì đời sau họ cũng nói. Người này không nói thì sẽ có người khác nói. Sự thật sẽ chiến thắng và chừng ấy thay vì lưu danh thiên cổ lại trở thành lưu xú thiên thu.
Xin minh họa thêm bằng câu chuyện ông quan đầu tỉnh nào đó sau khi ôm hôn cô bé bán bia đã bị cô bé cho 1 cái tát trời giáng. Ông quan này nỗi đóa bèn ra lệnh đuổi cổ con bé tội nghiệp ấy để ông được giữ danh hiệu HCM. Xin xem bài Nếu cụ Hồ còn sống ( tại đây!)
Mình bổng thấy thương cho gs Nguyễn Lân. Vì sao mà gs lại thả trôi danh dự của mình như vậy? GS là giáo sư hay giáo sĩ đây?
Sunday, January 05, 2014
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
“TỪ ĐIỂN TỪ VÀ TỪ NGỮ VIỆT NAM”, MỤC CHỮ CÁI NÀO CŨNG CÓ SAI SÓT
Góp thêm tiếng nói vì sự trong sáng của tiếng Việt
Bài của Hoàng Tuấn Công trên QC 6/1/2013
NQL: Giáo sư Nguyễn Lân là thầy của nhiều đàn anh khả kính của bọ Lập. Giáo sư đã qua đời mà mình cứ đem cuốn sách của giáo sư ra nói thật không đành. Nhưng đây không phải cuốn sách bình thường, nó là cuốn từ điển, quan trọng hơn nữa nó là cuốn từ điển từ và ngữ Việt Nam. Do đó, những sai sót của nó không thể không nhắc đến, cũng là để góp thêm tiếng nói vì sự trong sáng của tiếng Việt như tác giả Hoàng Tuấn Công đã nói chữ không có ý gì khác.
Từ điển từ và ngữ Việt Nam - tác giả GS Nguyễn Lân. Xuất bản lần đầu năm 2000, tái bản lần 1 năm 2006, 2.119 trang; tập hợp 51.700 từ và ngữ – Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Lời Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (dịp tái bản lần thứ nhất) cho ta biết: “Sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, Tác giả và Nhà xuất bản đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh công trình này, đồng thời tác giả cũng đã kịp thời sửa chữa, bổ sung những chỗ còn sai sót của lần xuất bản đầu tiên trước khi qua đời 7/8/2003” và “… công trình này của GS Nguyễn Lân dù có cố gắng đến đâu vẫn không thể tránh khỏi sai sót, khiếm khuyết …và rất mong nhận được sự ủng hộ và chỉ giáo của quý bạn đọc gần xa”. Trong “Đôi lời tâm sự thay lời tựa” GS Nguyễn Lân viết: “Trong năm năm qua, mặc dầu tôi đã để toàn tâm toàn ý vào việc biên soạn bộ từ điển này gồm 51.700 từ và ngữ, nhưng vì tuổi cao, có thể có những sai sót, dám mong các độc giả sách này vui lòng chỉ bảo cho”.Với tinh thần xây dựng, chúng tôi xin đáp lời ngỏ ý của GS Nguyễn Lân và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh về cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam (tái bản lần thứ nhất đã được sửa chữa bổ sung của tác giả).
Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin được lược trích một phần nhỏ những sai sót theo mục chữ cái (từ A đến Y) của Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân:
A
A hành ác nghiệp (A: dựa theo; hành: làm; ác: ác; nghiệp: kiếp trước) Nói người độc ác hành hạ người khác:Người mẹ chồng a hành ác nghiệp.
Không đúng ! Thứ nhất: nghiệp không phải là kiếp trước. Phật học từ điển (Đoàn Trung Còn) giải nghĩa “ác nghiệp: nghiệp dữ. Những sự tạo tác dữ mà mình đã gây ra từ những đời trước hoặc trong đời nầy (….) Ác nghiệp là nhơn duyên, còn cảnh khổ đời này và cành khổ đời sau là quả báo”. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa chữ “nghiệp”: “Cái nhân, như: nghiệp chướng 業障 - nhân ác làm chướng ngại”. Như thế, “nghiệp” đây không phải là “kiếp trước” mà là cái nhân. Có “ác nghiệp” (nhân ác) và “thiện nghiệp” (nhân lành). Có thể hiểu là hành vi, việc làm của người ta nó giống như hạt giống, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Mặt khác,“a” ở đây không phải “dựa theo” mà nghĩa là hùa theo.“A hành” là hùa theo người khác. A hành ác nghiệp là hùa theo người khác để làm điều ác chứ không phải “nói người độc ác hành hạ người khác” như cách giải thích của GS.
Á nguyên (Á: sau một bậc; nguyên: bắt đầu) Như á khôi.
“Nguyên” ở đây là đứng đầu chứ không phải là “bắt đầu”. Mục từ “á nguyên”được tác giả chú “như á khôi”. Mà chữ “khôi” ở ngay trang trước đã được chính soạn giả chú nghĩa là “đứng đầu” đấy thôi.
Ái nam, ái nữ. Có cả hai bộ phận sinh dục ngoài của nam và nữ.
Nếu theo cách mô tả của GS Nguyễn Lân có lẽ đây là một ca sinh đôi có “cả hai bộ phận sinh dục ngoài” của một người nam và một người nữ nhưng chung một cơ thể chăng ? Theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức “Ái nam. Tiếng gọi đàn ông hay đàn bà không đủ bộ phận sinh dục. Có khi gọi ái nam, ái nữ, cũng là người bán nam, bán nữ”. Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê giải nghĩa: “Ái nam, ái nữ. Có bộ phận sinh dục ngoài không giống của nam, cũng không giốngcủa nữ”. Như vậy cách “hình dung” về bộ phận sinh dục người ái nam, ái nữ của soạn giả không đúng và nghe thật đáng sợ !
Anh hùng nhất khoảnh (khoảnh: thời gian ngắn) Nói người tự cho mình là hơn cả mọi người trong một thời gian: Ở bến xe có tên lưu manh tự mình cho là anh hùng nhất khoảnh.
Chữ “khoảnh” trong câu thành ngữ gốc Hán này tự dạng là (頃), có nhiều nghĩa: khoảng ruộng 100 mẫu; thoáng chốc, khoảnh khắc… Ở đây, khoảnh (nghĩa đen = khoảng rộng100 mẫu) được hiểu là một vùng, một địa phận, khu vực (chỉ không gian) chứ không phải khoảnh khắc (chỉ thời gian) như GS lầm tưởng. Thành ngữ nói kẻ chỉ (dám) xưng hùng, xưng bá, làm mưa làm gió trong một khu vực nhất định. Cái “bến xe” mà tên lưu manh tự xưng anh hùng trong câu dẫn chứng của GS chính là“nhất khoảnh” (chỉ không gian) đấy thôi.
Ă
Ăn lông ở lỗ (ở lỗ tức là cởi truồng) Nói cuộc sống của người nguyên thuỷ.
Thực ra “lỗ” đây có nghĩa là hang hốc, hang động. Ý nói chuyện ăn và ở, chứ không nói chuyện ăn và mặc: ăn thì ăn sống nuốt tươi (còn cả lông của thịt thú rừng) ở thì chưa có nhà cửa mà ở lỗ (hang động).
Ăn ít ngon nhiều. Nói một món ăn chỉ cần ăn ít cũng đã thấy ngon: món tôm này ăn ít ngon nhiều.
Sai sót này cũng thuộc dạng được “copy” từ cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam sang mà chúng tôi đã nói đến trong bài “Những sai lầm mang tính hệ thống của Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”.
Â
Âm phủ (âm: chết; phủ: dinh thự) Chỗ người chết ở theo mê tín.
Sai ! Ở đây “âm” là thế giới của người chết chứ không phải “chết”, “phủ” là làcõi chứ không phải “dinh thự”.
Âm sắc (âm: tiếng; sắc: màu) Tính chất khác nhau giữa hai âm cùng độ cao và độ to hơn: Âm sắc của hai nhạc cụ khác nhau.
Thực ra “sắc” đây nghĩa là sắc thái, tính chất chứ không phải là “màu”, cho dù hai nghĩa đều xuất phát từ chữ sắc có cùng tự dạng là (色).
Âm vị (âm: tiếng; vị: nói) Đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có tác dụng phân biệt ý nghĩa của từ.
Thực ra “vị” đây có nghĩa là đơn vị, tự dạng là (位) chứ không phải tự dạng vị(謂) là nói (bảo). Chính soạn giả đã giảng “âm vị” là “đơn vị ngữ âm nhỏ nhất…” cơ mà ?
Ân trạch (ân: ơn; trạch: ân huệ) Ơn huệ thấm nhuần (Ân trạch của Hồ Chủ tịch đối với nhân dân).
Thực ra “trạch” (澤) đây là thấm ướt chứ không phải là “ân huệ”. Thế nên Thiều Chửu mới giải thích “Ân trạch: làm sự lợi ích (ân đức thấm tới mọi người)” và Giáo sư mới giảng thành “Ơn huệ thấm nhuần” chứ ?
B
Bạch hổ. Con cọp trắng vẽ trong các tranh tôn giáo.
Giải thích như vậy là phiến diện. Bởi cọp trắng không chỉ xuất hiện trong tranh thờ mà nó còn là con vật có thật, sống hoang dã. Theo Bách khoa toàn thư mở “Hổ trắng hay Bạch hổ là hổ với một gen lặn tạo ra những màu sắc nhạt. Một đặc tính di truyền làm cho các sọc của hổ rất nhạt; trắng”. Ấy là chưa nói việc soạn giả bỏ quên Bạch Hổ với tư cách địa danh nổi tiếng – một mỏ dầu lớn ngoài khơi thuộc vùng biển Vũng Tàu nước ta.
Bát dật (bát: tám; dật: yên vui) Lối múa xưa, có tám hàng, mỗi hàng tám người: Múa bát dật trong cung điện.
Đội múa có tới 64 người tham gia quả là vui thật. Mà có yên thì mới vui, mới bày đặt ra chuyện múa may…Nghe thật có lý ! Thế nhưng “dật” (佾) ở đây không phải là “yên vui”mà có nghĩa là hàng. Không biết chữ “dật” với nghĩa “yên vui” có tự dạng như thế nào và soạn giả căn cứ vào sách nào ? Hán Việt tự điển của Thiều Chửu cho biết: “Dật 佾 : Hàng dật. Trong lễ định vua Thiên tử được bắt sáu mươi tư người múa bài hát, mỗi hàng tám người gọi là múa bát dật”. Chính soạn giả đã thừa nhận“bát dật” là “Lối múa xưa, có támhàng, mỗi hàng tám người” đấy thôi.
Bắc thần (bắc: phương bắc; thần: tinh thần) Ngôi sao sáng nhất trong chùm sao tiểu hùng tinh, giúp người ta xác định hướng chính bắc.
Sai nghiêm trọng. Chữ thần (辰) ở đây chỉ chung mặt trời, trăng, sao. Ví dụ “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi:為政以德,譬如北辰,居其所而眾星拱.Nghĩalà: Dùng đạo đức để giải quyết việc nước thì cũng ví như ngôi sao Bắc cực, ở yên một chỗ mà các ngôi sao khác đều chầu về (Luận ngữ – Vi chính). Chữ thần (辰) này khi đọc là thìn lại có nghĩa là rồng - chi thứ năm trongthập nhị chi. Còn chữ thần trong tinh thần có tự dạng là (神), không liên quan gì đếnbắc thần (北辰). Ở đây chữ thần (辰) phải có nghĩa là trăng sao thì “bắc thần” mới nghĩa là “ngôi sao sáng nhất” thuộc chùm tiểu hùng tinh ở phía Bắc như chính GS Nguyễn Lân đã giảng chứ ? Nếu “thần” là “tinh thần” thì “bắc thần” lại nghĩa là “tinh thần phương Bắc” hay phương nào đó rồi !
Bất chắc. Không chắc nhưng có thể cũng sẽ diễn ra:Phòng khi bất chắc dụng binh (Tú-mỡ)
Người Việt chỉ nói không chắc chứ không dùng kết hợp từ: bất (không) + chắc (chắc chắn) = không chắc. Hơn nữa, soạn giả đã lẫn lộn giữa bất chắc (từ do tự GS Nguyễn Lân nghĩ ra) có nghĩa không chắc và bất trắc với nghĩa không lường đượctrong câu thơ của Tú Mỡ. Sai sót này xuất phát từ lỗi phát âm không phân biệt “ch”và “tr” dẫn đến lỗi chính tả, và cuối cùng là lỗi từ vựng của chính người làm từ điển.
Bón đón đòng. Bón phân cho lúa khi sắp trổ bông: Kịp thời bón đón đòng nên năng suất cao.
Đã gọi là “bón đón đòng” có nghĩa phải bón khi lúa mới bắt đầu giai đoạn hình thành đòng chứ ? Sao lại bón vào lúc lúa sắp trổ bông ?
Bong bong. Tả tiếng kêu nhỏ và thanh: Sóng dồn mặt nước vỗ bong bong (HXHương)
Câu thơ của Hồ Xuân Hương mà GS trích dẫn ở trong bài “Kẽm Trống”: “Gió đập cành cây khua lắc cắc, Sóng dồn mặt nước vỗ long bong”. Thơ Hồ Xuân Hương thường có nhiều dị bản. Tuy nhiên trong trường hợp này GS Nguyễn Lân đã trích dẫn sai: “vỗ long bong” thành “vỗ bong bong”. Ở câu trên là “khua lắc cắc” chứ đâu phải “khua cắc cắc” ? Hơn nữa phải là từ “long bong” mới tinh tế và phù hợp với âm thanh rất khó tả của nước dội vào Kẽm Trống. Nó khác hẳn với tiếng kêu “bong bong” khô cứng phát ra từ chiếc trống bỏi (muỗi).
Bồ đề (bồ: tên cây; đề: nêu lên) (Chữ Phạn bodhi có nghĩa là giác ngộ, đồng thời chỉ cây bồ đề mà Thích Ca ngồi dưới gốc trước khi giác ngộ) đạo Phật.
Đây chỉ là từ phiên âm (từ chữ Phạn bodhi như chính soạn giả đã thừa nhận). Do đó “bồ” và “đề” khi tách ra tuy có chữ mà không có nghĩa. Việc giải nghĩa tách riêng từng từ trong hai từ này là việc làm…vô nghĩa.
C
Cá mè. (…) Phú ông xin đổi một xâu cá mè (ca dao)
Trích dẫn sai. Ca dao nói Phú ông xin đổi ao sâu cá mè, không phải “một xâu cá mè”. Cái “ao sâu” nuôi thả đầy cá mè xưa kia quý giá lắm (cũng như trâu bò, gỗ lim…trong câu ca dao vậy). Nếu chỉ là “một xâu cá mè” như GS viết thì Bờm đâu đến nỗi “bờm” lắm đâu ?
Cá ngựa. Loài cá biển nhỏ, đầu dài, lưng cong, đuôi nhỏ.
Có một đặc điểm rất quan trọng làm nên tên gọi của con cá ngựa không được GS đề cập: đầu giống đầu ngựa. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) mô tả như sau: “Cá biển, đầu giống đầu ngựa, thân dài, nhiều đốt, đuôi thon nhỏ và cong, có thể dùng làm thuốc”. Và thực tế (cũng như Hoàng Phê đã mô tả), phần cong của con cá ngựa là đuôi chứ không phải “lưng cong” (như GS Nguyễn Lân viết). Ngoài ra, so với Hoàng Phê, “cá ngựa” của GS Nguyễn Lân thiếu hẳn 2 nghĩa thông dụng: “Cá ngựa. Đánh cuộc ăn tiền trong các cuộc đua ngựa” và “Cá ngựa. Trò chơi súc sắc tính điểm để chạy thi quân ngựa gỗ. Chơi cá ngựa”.
Cá nóc. Cá nước ngọt thân tròn và ngắn.Cá nóc đuổi bắt cá con.
Sai nghiêm trọng. Cá nóc là cá nước mặn (cá biển) chứ không phải cá nước ngọt.Từ điển Bách khoa nông nghiệp cho biết “Cá nóc (Tetraodontiformes) bộ cá xương, chủ yếu sống gần bờ biển nhiệt đới và cận nhiệt đới”. Mặt khác từ điển thiếu một thông tin quan trọng và bổ ích: cá nóc rất độc, có thể gây chết người khi ăn. Nếu am hiểu, người làm từ điển có thể thay thế ví dụ vô bổ “Cá nóc đuổi bắt cá con” bằng ví dụ: Ăn cá nóc có thể bị ngộc độc gây chết người. Qua đó, người sử dụng từ điển có thêm thông tin cơ bản, hữu ích về loài cá “giết người” này.
Cao lương mỹ vị (mĩ: đẹp; vị: hương vị)
“Mỹ” ở đây không phải là đẹp mà là ngon. Như “mỹ tửu” = rượu ngon. Trong bài thơ “Nhị vật” nói về việc bỏ thuốc lá và rượu, Bác Hồ viết: “Mộng lý hấp yên, ngậtmỹ tửu, Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần” (Trong mơ thấy hút thuốc lá, uống rượu ngon, Tỉnh dậy càng thêm phấn chấn tinh thần).“Mỹ tửu” ở đây chính là rượu ngon.
Cao minh (minh: sáng) Sáng suốt hơn người.
Chính xác hơn, “cao minh” là người có học rộng.
Cầm cương nảy mực (Cầm cương ngựa và nảy mực lên mặt gỗ để cưa). Điều khiển và chỉ dẫn những người dưới quyền làm theo:Trong những năm Hồ Chủ tịch cầm cương nảy mực.
Nhầm lẫn. Cầm cân chứ không phải “cầm cương”. Có lẽ GS cho rằng người cầm cương điều khiển để con ngựa rẽ theo ý muốn, còn người nảy mực nảy lên mặt gỗ để chỉ dẫn thợ mộc cứ thế làm theo ? Thế nhưng người ta dùng chiếc cân để so sánh với công lý, và nảy mực tàu được ví với cách làm thẳng thắn, khách quan, không thiên, không lệch (có câu Thẳng mực tàu làm đau lòng gỗ là vậy). Hai vế của thành ngữ đều nói về sự thẳng thắn, công bằng, không thiên, không lệch, chứ không phải nói về sự dẫn đường chỉ lối. Cũng nên lưu ý soạn giả: người ta chỉ nảy mực lên mặt gỗ để xẻ(dọc) cho thẳng. Còn “cưa” (ngang) không ai nảy mực làm gì.
Câu lạc bộ (Câu: đều; lạc: vui; bộ: bộ phận - Do từ Anh club phiên âm ra tiếng Trung Quốc.
Chiêu mộ1 (Chiêu: sáng; mộ buổi chiều) sáng và chiều: Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng (HXHương).
Viết sai chính tả “triêu” thành “chiêu”. Chữ “triêu” (朝) mới có nghĩa là buổi sáng. Còn “chiêu” (招) lại có nghĩa là vời, vẫy, tuyển mộ. Chiêu (招) mới chính là chữ có nghĩa như GS đã giảng trong mục Chiêu mộ2 (Chiêu: vời tới; mộ: cầu tìm).Tuy nhiên, việc đặt chiêu mộ1 và chiêu mộ2 là sai.Vì cách trình bày này chỉ đúng khi cảtriêu và mộ đều là những cặp từ cùng tự dạng, đồng âm nhưng dị nghĩa. Cuối cùng và tất nhiên, phải trả lại cho câu thơ của Hồ Xuân Hương là “Ba hồi triêu mộ…”
Choe choét Nói tiếng cười không nghiêm chỉnh:Mấy cô thiếu nữ cười đùa choe choét.
Người ta không dùng từ “choe choét” để ví với tiếng cười của bất cứ ai, ở bất cứ cấp độ nào. GS nhầm với kiểu cười toe toét chăng ?
Chơi gái. Có quan hệ sinh lý với phụ nữ (thông tục): Hắn có học hành gì đâu, chỉ nghĩ đến chuyện chơi gái mà thôi.
“Gái” ở đây không thể hiểu là “phụ nữ” nói chung mà là hạng gái điếm, kỹ nữ(mà gần đây còn gọi bớp, ca ve, gái gọi, gái bao, v.v…) Còn “quan hệ sinh lý” là nói nhu cầu chính đáng của đời sống tình dục và hàm chứa hoạt động duy trì nòi giống của con người; trong khi từ “chơi gái” lại nói về kiểu chơi bời trác táng, thiên về trải nghiệm nhục dục, thỏa mãn xác thịt, không được xem là tình dục có ý thức của con người. Chính câu ví dụ về cách dùng từ “chơi gái” của Giáo sư: “Hắn có học hành gì đâu, chỉ nghĩ đến chuyện chơi gái mà thôi” đã nói lên cái nghĩa chẳng tốt đẹp gì của từ này. Kẻ đi “chơi gái” thì phải có “gái chơi”. Thế nên, gái điếm, kỹ nữ còn được gọi là “gái làng chơi”là vậy.
Chu niên (H chu: đầy đủ; niên: năm) Đủ số năm đã qua:Kỷ niệm đệ ngũ chuniên ngày giải phóng.
Chu (周) không phải là “đầy đủ” mà là tròn.Chu niên (周年)nghĩa là năm tròn, năm chẵn. Ví dụ thập lục chu niên = tròn 60 năm. Hoặc ngũ chu niên = tròn 5 năm (cách tính năm đủ ngày, đủ tháng). Ví dụ năm 2010 Việt Nam – Trung Quốc kỳ niệm tròn 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, dòng chữ bằng Trung văn viết (tham khảo tư liệu ảnh trên VOV): 慶祝越-中建交六十周年 Khánh chúc Việt – Trung kiến giao lục thập chu niên (18/01/1950 – 18/01/2010). Nghĩa là: Chúc mừng Việt-Trung tròn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Còn khi nói đệ thập lục niên =năm thứ 60 tức mới chỉ bước sang năm 2010 chứ chưa tròn (chưa đến ngày 18/01/2010). Không ai đã “đệ” rồi còn dùng “chu”. Giống như tròn 10 tuổi khác vớituổi thứ 10. Và không ai nói tròn thứ 10 tuổi.
Chung kiếp (chung: cuối cùng; kiếp: thời vận) Cuối đời: đến chung kiếp vẫn còn giữ tròn được nhân phẩm.
GS lại phát âm sai dẫn đến viết sai chính tả và đưa ra một kết hợp từ hoàn toàn xa lạ và mâu thuẫn. Nếu “kiếp” = “thời vận” như cách giảng của soạn giả thì “chung kiếp”phải hiểu là thời vận cuối cùng, sao lại có nghĩa là “cuối đời” ? Mặt khác, chỉ có khái niệm trung kiếp (中劫), không có “chung kiếp” (vần tr, không phải vần ch).“Kiếp” ở đây không phải là “thời vận” mà là số kiếp, đời kiếp, tiếng Phạm là kiếp ba (劫 波). Theo Phật học từ điển (Đoàn Trung còn): “Trung kiếp: Thường thì kêu kiếp, tức là trung kiếp (kiếp vừa vừa). Một trung kiếp có 20 tiểu kiếp, tính ra có 336.000.000 năm”.
Chung lưng đấu cật (Cật là chỗ thắt lưng)
Giáo sư sai rồi ! Cật là toàn bộ phía sau lưng chứ không phải là “thắt lưng”.
Chung thân (chung: trọn vẹn; thân: thân mình) Suốt đời.
Chữ thân (身)có nhiều nghĩa như: thân mình, bản thân, gốc cây, tuổi, đời… Ở đây, thân không phải là “thân mình” mà là đời. “Chung thân” là hết đời, như “tiền thân 前身 đời trước” (Hán Việt tự điển-Thiều Chửu).
Chuyên đề (đề: đưa ra)
Nhầm lẫn. Chữ đề trong chuyên đề (專題)là đề mục, luận đề chứ không phải đề nghĩa là “đưa ra”. Chữ đề này có bộ hiệt (頁) tự dạng là (題-đề). Còn chữ đề nghĩa là“đưa ra” có bộ thủ (扌) tự dạng là (提).
Chuyên gia (gia: nhà)
Không đúng ! Mặc dù đều có tự dạng là 家,nhưng chữ gia trong chuyên gia (專家)lại không có nghĩa là nhà. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa thứ 4 của chữ gia: “Có cái học vấn giỏi riêng về một môn gọi là gia. Như văn học gia 文學家, nhà văn học, chính trị gia 政治家 nhà chính trị, v.v…” Như vậy “gia” ở đây được hiểu là người (có học vấn, tài năng chuyên sâu).
Chuyển khẩu (…) Sang nước khác:nhiều người Việt Nam đã chuyển khẩu từ Pháp về nước.
Thật khó tin cách giải nghĩa sai hoàn toàn này lại nằm trong một cuốn từ điển có tên Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Thứ nhất, ta vẫn nói chuyển khẩu từ địa bàn này sang địa bàn khác, từ tỉnh này này sang tỉnh khác mà không cần phải “sang nước khác”mới gọi là “chuyển khẩu”. Thứ hai, nhập khẩu hay chuyển khẩu là cách quản lý hành chính nội địa của riêng Việt Nam, chỉ áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam.Theo Bách khoa toàn thư mở: “Hệ thống hộ khẩu hiện nay chỉ tồn tại ở 3 nước: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam”. Tuy nhiên cách quản lý, các chế độ liên quan đến hộ khẩu của mỗi nước khác nhau. Nếu có việc đi lại trong phạm vi ba nước nói trên cũng không thể gọi là chuyển khẩu được.Việc “đi sang nước khác” được gọi là xuất cảnh,nhập cảnh (cảnh 境 đây có nghĩa là biên giới, bờ cõi). Việc xuất cảnh, nhập cảnh phải đáp ứng một số thủ tục hải quan theo quy định giữa hai nhà nước. Ví dụ của Giáo sư:“nhiều người Việt Nam đã chuyển khẩu từ Pháp về nước” có lẽ ý chỉ Việt kiều Pháp hồi hương và sinh sống lâu dài ở Việt Nam chăng ? Để làm được việc này, Việt kiều sẽ thực hiện một số thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhưng dứt khoát không thể gọi là “chuyển khẩu”.
Cử tọa (cử: cất lên; tọa: ngồi) Tất cả những người dự một buổi họp:Lời tuyên bố đó khiến cử tọa vỗ tay như pháo nổ.
Ở đây Giáo sư giảng sai nghĩa của cả hai từ “cử” và “tọa”. Cho dù đều có tự dạng là舉, nhưng chữ “cử” trong cử tọa nghĩa là hết thảy, tất cả chứ không phải là “cất lên”. Ví như cử quốc = cả nước (Hán Việt tự điển - Thiều Chửu) Hán Việt tự điển-Trần Văn Chánh giải nghĩa chữ “cử”: “Cả, khắp, tất cả đều, mọi, hết thảy mọi người: 舉座 Tất cả những người dự họp; 舉國歡騰 Khắp nước tưng bừng”. Thứ hai, chữ “tọa” (座) đây là chỗ ngồi chứ không phải chữ “tọa” (坐) là “ngồi”.
Cước sắc (cước: cuối cùng; sắc: lệnh vua). Phẩm hàm (cũ) Người có cước sắc ở trong làng.
Sai ! Cước sắc (腳色) có nghĩa là “Nhân vật, vai (trong tuồng kịch, phim ảnh)”(Hán Việt tự điển-Trần Văn Chánh). Soạn giả nhầm với từ chức sắc chăng ?
Cười đứt ruột Cười nhiều quá, không thể nhịn được.
Cười rũ ra, cười bò ra cũng có thể gọi là “cười nhiều quá, không thể nhịn được” chứ ? Chính xác “cười đứt ruột” phải được giảng là: cười đến mức đau cả bụng, ruột thắt lại từng cơn, tưởng có thể “đứt” ruột đi được.
D
Dáng vóc. Thân hình khỏe mạnh.
Sai ! “Dáng vóc” là chỉ ngoại hình cao thấp, gầy, béo. Ai cũng có dáng vóc của người đó, không cứ gì người khỏe mạnh.
Dao sắc chẳng chặt được chuôi. ý nói: dù sao cũng không thể làm hại người thân thích với mình.
Sai ! Cái chuôi là bộ phận của chính con dao chứ không phải là “người thân thích”hay họ hàng của nó. Theo nghĩa đen: con dao dù sắc đến mấy cũng không thể chặt, gọt được cái chuôi của chính nó. Nghĩa bóng: người tài giỏi về phương thuật nào đó thường không tự áp dụng cho chính mình được. Ví như anh thợ cắt tóc chẳng thể cắt cho mình. Bác sĩ giỏi thường không chữa bệnh được cho chính mình.
Dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông. Việc khó khăn thì hiểu được, việc dễ dàng thì không lường được.
Phải hiểu “dễ” ở đây không phải “dễ dàng” (ngược lại với khó) mà nghĩa là “liệu có thể” “khó có thể”, “chưa chắc”. Truyện Kiều: “Một người dễ có mấy thân”, “Đàn bà dễ có mấy tay” Đào Duy Anh giải thích nghĩa chữ “dễ” trong văn cảnh này là“Chẳng dễ, khó có thể, khó lòng, có dễ đâu”. Ở đây “dễ” và “khôn” trong câu Dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông đều có nghĩa là “khó” cả: Dễ gì dò được rốn bể, khó có thể lường được đáy sông. Đây là lỗi mà GS Nguyễn Lân từng mắc (trong Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam) khi giảng câu “Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo” làDù là kẻ thù nguy hiểm thế nào nếu mình có mưu mẹo, có phương tiện thì mình cũng thắng. Trong khi câu tục ngữ phải được hiểu nghĩa đen là: Dù nanh có sắc nhưng chuột cũng khó có thể cắn được cổ mèo.
Đ
Đắc ý (ý: ý nghĩa).
Sai ! “ý” ở đây là ý nguyện.“Đắc ý” là được như ý nguyện chứ không phải được như ý nghĩa.
Đăng khoa (đăng: ghi tên; khoa: khoa cử).
Kế thế đăng khoa (đăng: trèo lên).
Thực ra chữ “đăng” trong hai trường hợp trên đều có nghĩa giống nhau: ghi danh khoa cử. Việc giải nghĩa một “đăng” là ghi tên, một “đăng” là trèo lên trong hai mục từ trên là “tiền hậu bất nhất”.
Đèn huỳnh quang (Huỳnh: đom đóm; quang: ánh sáng).
Chữ “huỳnh” đây chính là cách đọc trệch của chữ Hoàng do kiêng húy (chúa Nguyễn Hoàng). Chữ hoàng 煌 (bộ hỏa) nghĩa là sáng sủa, sáng rực (ví dụ như huy hoàng 輝 煌). Còn chữ “huỳnh” (hoàng) với nghĩa đom đóm lại có tự dạng là 螢 (bộ trùng). Không ai mượn hình ảnh ánh sáng lập lòe của con đom đóm để đặt tên cho bóng đèn điện cả. GS suy diễn ánh sáng trắng của đèn huỳnh quang giống ánh sángtrắng xanh của con đom đóm, nên cho rằng chữ “huỳnh” này có nghĩa là “đom đóm”chăng ?
Đĩ đực Từ dùng để chỉ bọn đàn ông lẳng lơ.
Ngày trước có từ “đĩ trai” chỉ loại đàn ông làm dáng, hay ve vãn đàn bà, con gái. Gần đây,“đĩ đực”chỉ hạng đàn ông đi bán dâm (mại dâm nam). Khái niệm “lẳng lơ” là “đặc quyền” dùng cho nữ giới.
Đoản văn. Thể văn gọn gàng.
Chữ “đoản” ở đây có nghĩa là ngắn. Chỉ có văn phong gọn gàng, câu văn gọn gàng. Không có “thể văn gọn gàng”. Nói chính xác đoản văn là thể loại văn ngắn.
Đón người cửa trước, rước người cửa sau. Nói kẻ chuyên nghề mại dâm: Công an săn lùng những kẻ đón người kẻ trước rước người kẻ sau.
Đúng ra là “Đưa người cửa trước, rước người cửa sau”. Nếu cửa trước cũngđón, cửa sau cũng rước thì “mại” sao cho kịp ?
Đông phong. Gió từ phương đông thổi tới.
“Đông phong” không đơn giản chỉ là “gió từ phương đông thổi tới” mà nó còn được hiểu là gió xuân, vì hướng đông ứng với hành mộc – mùa xuân. Gió đông cũng gọi là gió xuân. (Đào hoa y cựu tiếu đông phong - Thôi Hiệu). Giống như phương tây ứng với mùa thu nên gió tây còn được gọi là gió thu vậy.
Đồng điếu. Đồng nguyên chất màu đỏ.
Thực ra “đồng điếu” là đồng hợp kim chứ không phải đồng nguyên chất. Đây cũng là cái sai từng được GS Nguyễn Lân giảng trong “Từ điển thanh ngữ tục ngữ Việt Nam”.
Đồng ruộng. Nông thôn nói chung: Trở lại đồng ruộng xí nghiệp, công trường (PVĐồng)
“Nông thôn nói chung” có nghĩa rộng hơn“đồng ruộng” nhiều. Nó bao gồm cả cảnh quan, đường sá, ruộng đồng, làng mạc….Trong khi ruộng đồng chỉ là khu ruộng, mảnh đất phục vụ cho việc cấy cày, trồng trọt mà thôi. Giống như “xí nghiệp, công trường” không phải “thành thị nói chung” mà là nơi làm việc của công nhân.
Động cỡn. Nói phụ nữ có đòi hỏi về tình dục.
Thực ra từ “động cỡn” vốn nói biểu hiện sinh lý bị kích thích ở thời kỳ động dục (thường là) của trâu bò. Chúng hay có động tác nhảy cỡn lên hoặc nô dỡn rất bất thường với nhau. Sau đó, từ “động cỡn” dùng để mắng chửi vỗ mặt những người đàn bà có hành động, cử chỉ, lời nói giống như hiểu hiện “động cỡn” vậy. Ví dụ: Đồ động cỡn ! ; Động cỡn hay sao mà…! Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê giải nghĩa động cỡn: “(loài thú) có những động tác biểu hiện đòi hỏi sinh lý bị kích thích mạnh khi có đòi hỏi về tính dục. Lợn động cỡn. Đồ động cỡn (tiếng mắng thông tục)”.
Nếu như GS Nguyễn Lân giải nghĩa “động cỡn” như trên là đúng thì phụ nữ phát triển sinh lý bình thường ai mà không “động cỡn” ? Cũng giống như mục chữ cái C, từ“Chơi gái” được giải thích là “có quan hệ sinh lý với phụ nữ” thì đàn ông mấy người không “chơi gái” ?
Mức độ đúng sai của trường hợp này xin giành sự nhận xét cho độc giả là chị em phụ nữ.
E
Én Loài chim nhảy, đuôi chẻ…
Môi trường kiếm ăn của chim én là bầu trời. Chúng bay qua, bay lại chấp chới (như con thoi dệt vải) để bắt muỗi, côn trùng. Bởi vậy, chim én là loài chim bay, đậu cành, không đậu trên mặt đất (do đuôi dài, chân ngắn và mặt đất không phải môi trường kiếm ăn của én). Nói gì đến chuyện én là loài chim nhảy ?
Eo éo. Tiếng kêu, tiếng gọi từ xa.
Đúng ra là tiếng kêu, tiếng gọi nghe không rõ, vọng lại từ xa, gây cảm giác khó chịu.
Ê
Ếch ngồi đáy giếng Than phiền là ở một vị trí không hiểu gì ở chung quanh: Tôi ở đây như ếch ngồi đánh giếng, hiểu sao được tình thế đổi thay.
Thực ra tục ngữ được dùng phổ biến với nghĩa: kẻ có hiểu biết hạn chế, nông cạn nhưng lại lầm tưởng ta đây thông thái.
Ếch vồ hoa dâm bụt (Ếch không ăn được hoa dân bụt) Chê kẻ làm việc hão huyền: Tin sao được cái kẻ ếch vồ hoa dâm bụt ấy.
Tục ngữ không có ý nói ếch ăn được hay không ăn được hoa dâm bụt. Mà hoa dâm bụt thường được trồng ở bờ ao. Khi hoa nở, ong bướm, côn trùng đến hút nhụy, ếch ta ngồi ngóng lên thèm thuồng, định thực hiện cú vồ ngoạn mục để đớp gọn con mồi. Ai dè lực bất tòng tâm, cú nhảy chỉ vồ trúng cái hoa dâm bụt mà thôi. Nghĩa bóng: chế giễu kẻ vụng về làm hỏng việc lớn.
G
Gà đồng. Từ dùng đùa để chỉ con ếch.
Con ếch có một số tên chữ như: thanh oa, thanh kê, thủy kê, điền kê. Từ “gà đồng” dịch từ chữ Hán điền kê 田雞 - tên gọi con ếch (hiện vẫn dùng phổ thông của người Trung Quốc).
Gà què ăn quẩn cối xay. Chê kẻ không có tài năng gì lại kiếm chuyện gây gổ với người chung quanh.
“Chê kẻ không có tài năng gì” thì đúng. Nhưng gán cho kẻ thất thế “an phận thủ thường” kia cái tội “kiếm chuyện, gây gổ với người chung quanh” quả là oan cho nó quá ! Có lẽ theo Giáo sư, cái chân què chính là bằng chứng về “tiền sự” kiếm chuyện gây gổ của con gà chăng ?
Gối vụ nói nhà nông làm lấn sang vụ sau, trong khi chưa xong hẳn vụ này.Nông dân phải gối vụ để tăng sản lượng.
Phải hiểu ngược lại: vụ sau gối vào vụ trước mới đúng. Nghĩa là khi vụ trước chưa xong thì đã triển khai vụ sau. Như chuẩn bị cây giống, phân bón, nhân lực để khi vụ trước vừa xong thì gối ngay vào. Ví như để trồng ngô đông trên đất hai lúa, người ta gieo sẵn hạt ngô vào bầu trước khi trồng tới hàng tuần. Đến vụ gặt mùa, thu hoạch lúa phía trước, cày ngay đất phía sau, rải phân bón đã chuẩn bị sẵn đầu bờ ruộng và đưa bầu ngô ra trồng (Sáng lúa, chiều ngô). Như thế cây ngô đông đã gối lên vụ trước được tới cả chục ngày (mà tục ngữ có câu “Hơn một ngày hay một đường”). Nếu nói vụ trước“lấn sang vụ sau” có nghĩa thời gian của vụ trước bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vụ sau, sao gọi là “gối vụ” được ?
H
Hành quyết. ( Quyết: phán xử).
Chuyện “phán xử” chỉ diễn ra ở pháp đình. Khi đã ra tới pháp trường với hai từ“hành quyết” rồi làm gì còn chuyện phán với xét nữa ? Thực ra chữ “quyết” ở đây có nghĩa là xử chém.“Hành quyết” là thực hiện việc xử chém.
Hiệp thương (hiệp: giúp đỡ; thương: bàn luận)
Chữ hiệp 協 cũng có nghĩa là giúp đỡ. Nhưng “hiệp” ở đây = hòa hợp mới đúng.Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: “Hiệp: Hoà hợp, như đồng tâm hiệp lực 同心協力, hiệp thương 協商 cùng bàn để định lấy một phép nhất định”.
Hiếu đạo (đạo: con đường)
Không đúng. Tuy cùng có tự dạng là 道 nhưng đạo trong “hiếu đạo” không thể chọn nghĩa là “con đường” mà phải là đạo lý.
Hiếu đễ (Hiếu: lòng hiếu; đễ: yêu quý anh em) Kính yêu cha mẹ và hòa thuận với anh em.
Thực ra “đễ” là cách ứng xử của người dưới đối với người trên (cụ thể là của em đối với anh) chứ không phải chỉ chung anh em với nhau. Xin trích dẫn “Đễ: Thuận, biết đạo xử với anh gọi là đễ” (Hán Việt tự điển-Thiều Chửu) ; “Đễ: kính mến anh, kính nhường anh, kính thuận (với người lớn hơn mình)” (Hán Việt từ điển-Trần Văn Chánh).
Hiệu phó (…phó: người giúp đỡ)
Không đúng ! Chữ “phó” ở đây có nghĩa là thứ, thứ hai, thứ nhì chứ không phải là“người giúp đỡ”. Thế nên Thứ trưởng còn được gọi là Phó bộ trưởng (bên Trung Quốc). Chính Nguyễn Lân đã giải nghĩa chữ “trưởng” trong hiệu trưởng là “người đứng đầu” đấy thôi.
Hiệu suất (suất: cái làm chuẩn)
Thực ra “suất” = tỉ lệ, mức.
Hình lập phương (lập: đứng thẳng…)
Đúng ra là “lập” = toàn khối; Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: “Lập 立: ①Ðứng thẳng (…) ⑦ Toàn khối, như lập phương 立方 vuông đứng, một vật gì vuông mà tính cả ngang dọc cao thấp gọi là lập phương”. Như vậy, chữ “lập” có rất nhiều nghĩa. Thay vì nghĩa thứ nhất của “lập”, Giáo sư phải chọn nghĩa thứ (7) của “lập” mới đúng.
Hôi nách. Nói nách có mùi khó ngửi vì thiếu vệ sinh.
Hôi nách là chứng bệnh do tính chất của tuyến mồ hôi. Y học cổ truyền cũng như Y học hiện đại đều cho rằng hôi nách có tính di truyền. Bởi vậy ngay cả khi vừa tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ xong vẫn có mùi hôi như thường. Kết luận như GS Nguyễn Lân thật thiếu công bằng.
Huyết tộc đồng hôn. Chế độ hôn nhân trong thời nguyên thủy, buộc trai gái trong họ phải lấy nhau và không được lấy người ngoài.
Hôn nhân thời nguyên thủy là chế độ quần hôn. Còn chế độ trai gái trong họ lấy nhau lại gọi là hôn nhân nội tộc (như nhà Trần chẳng hạn)
I
Im như thóc đổ bồ. Người có thóc đổ bồ không muốn cho ai biết, sợ người ta vay mượn.
Lưu ý: đây là “Im như thóc đổ bồ” chứ không phải Im như đổ thóc vào bồ. Câu này một lần nữa soạn giả lại bê nguyên cái sai trong cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (xuất bản 1989) để giải thích. “Im” ở đây không phải tả động tác đổ thóc vào bồ một cách nhẹ nhàng, kẻo có người (đang rình ở xó nhà hay bờ vách nhà mình chăng ? !) nghe tiếng rào rào của thóc chảy vào bồ rồi đến vay mượn như GS hiểu. Sự im lặng theo nghĩa đen này ám chỉ những hạt thóc đã ở yên trong bồ, đã cất vào bồ, đưa vào trong kho, buồng kín rồi, không có gì xáo trộn nữa. Đó là sự im hơi, lặng tiếng ở một nơi kín đáo, không hề nhúc nhích. Còn có câu mang tính nhấn mạnh hơn “Câm như thóc” hoặc “Im như thóc trầm ba mùa”. Thóc “trầm ba mùa” là thóc không còn khả năng mọc mầm nữa, một sự im lặng tuyệt đối và mãi mãi.
Ý câu thành ngữ muốn diễn đạt: Nói sự sợ sệt im thin thít, không nhúc nhích, không dám tỏ thái độ phản ứng trước một việc nào đó. Đó là cách ví von, sự mô tả giàu tính hình tượng của thành ngữ dân gian.
K
Khẩu trang (trang: tô điểm)
Thực ra “trang” ở đây là trang phục.
Khí tượng thủy văn (văn: vẻ ngoài)
Thực ra “văn” ở đây là những hiện tượng thiên nhiên.Nên có thiên văn, địa văn, thủy văn là vậy.
Khiếm thính. Không nghe được rõ vì có tật.
Thực ra “khiếm thính” là người bị điếc bẩm sinh (khiếm = thiếu; khiếm thính = thiếu bộ phận, chức năng thính giác). Những người này hoàn toàn không nghe thấy gì, dẫn đến bị câm điếc. Nếu “không nghe được rõ” thì đó là người bị lãng tai.
Không biết ất giáp là gì. Chẳng biết tí gì hết.
“Giáp” nghĩa là đứng đầu, “ất” là thứ hai.“Không biết giáp ất là gì” tức không biết trên dưới, phải trái, sau trước thế nào. Còn người ngu dốt nói chung mới là người “Chẳng biết tí gì hết”.
Khuyển. Con chó dùng với ý bông đùa.
Trước tiên “khuyển” là từ Hán Việt nghĩa là con chó. Còn bông đùa hay không còn tùy từng văn cảnh cụ thể.
Kinh sư (sư: quản lĩnh)
Thực ra “sư” ở đây là nhiều, đông đúc chứ chẳng có quản lĩnh gì ở đây. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu viết: ”Sư (師): Nhiều, đông đúc, như chỗ đô hội trong nước gọi là kinh sư 京師 nghĩa là chỗ to rộng và đông người”.
Kính thiên văn (văn: văn vẻ)
Như trên đã nói, “văn” ở đây có nghĩa là những hiện tượng thiên nhiên. Kính thiên văn là kính quan sát những hiện tượng thiên nhiên trên bầu trời (trăng sao, nhật thực, nguyệt thực…) Ở mục từ “Khí tượng thủy văn” soạn giả giải thích “văn” là “vẻ bề ngoài” đến mục “Kính thiên văn” cũng là “văn” này, nhưng lại được giải thích là“văn vẻ”. Và cả hai cách giải thích đều không đúng.
Kính tiềm vọng (tiềm: ẩn giấu; vọng: trông ngóng).
GS đã chọn nghĩa sai cả hai từ “tiềm” và “vọng”. Chữ tiềm (潛)cũng có một nghĩa là ẩn giấu,(như khen cái đức hạnh của kẻ sĩ ở ẩn gọi là tiềm đức). Nhưng trong văn cảnh này nó lại có nghĩa là ngầm (tiềm thủy đĩnh 潛水艇 = tàu ngầm). Với chữvọng tuy có cùng tự dạng là (望), nhưng “vọng” trong “kính tiềm vọng” không có nghĩa là trông ngóng mà là nhìn xa. Kính tiềm vọng là bộ phận rất quan trọng của tàu ngầm, giúp cho thủy thủ đoàn có thể nhìn thấy bên trên của mặt nước khi tàu ngầm hoạt động dưới nước.
L
Lai vãng (vãng: đi đến) Qua lại một nơi nào đó.
Ở đây có sự nhầm lẫn. “Vãng” là đi, đi qua, “lai” mới là đi lại, đi đến. Nên “lai vãng” mới có nghĩa là“qua lại” như GS đã giảng.
Lành cho sạch, rách cho thơm
Đúng ra là Đói cho sạch, rách cho thơm. Đói mà giữ cho sạch mới khó.
Lãnh địa (lãnh: thống trị)
Lẫm liệt oai phong (phong: lề thói)
Tuy cùng có tự dạng là 風 nhưng thực ra “phong” ở đây là dáng dấp. Lẫm liệt oai phong là cái dáng dấp oai nghi lẫm liệt.
Lục cá nguyệt (cá: từng cái; nguyệt tháng) Sáu tháng một lần: Nộp báo cáo lục cá nguyệt.
“Lục cá nguyệt” là sáu tháng chứ không phải“sáu tháng một lần”. Chữ cátrong lục cá nguyệt là số đếm = 6 tháng, nhằm phân biệt với lục nguyệt = tháng 6.
Lụng thụng. Nói quần áo rộng quá.
Thực ra“lụng thụng” là nói quần áo vừa rộng, vừa dài mới đúng. Nếu chỉ là rộng thôi phải là “thùng thình” chứ không phải“lụng thụng”.
M
Má hồng không thuốc mà say. Chê kẻ đàn ông quá ham mê sắc đẹp.
Thực ra là nói cái má hồng (vẻ đẹp) của người con gái có thể làm say lòng người. Như “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”(Sắc đẹp chẳng phải sóng lớn nhưng có thể nhấn chìm được người ta). Tức nói cái sức mạnh ghê gớm của sắc đẹp.
Màn hình. Bề mặt của đài truyền hình hoặc máy tính.
Phải hiểu ngược lại mới đúng: màn hình là bộ phận hiển thị hình hảnh (Trung văn gọi là hiển thị khí) của máy tính hoặc máy thu hình (chứ không phải “truyền hình”). Và nó không chỉ là “bề mặt” mà là một vật, một bộ phận (ngôn ngữ hàng ngày đôi khi màn hình được dùng để chỉ chung cái Ti-vi – máy thu hình)
Mật ít ruồi nhiều: nói tình trạng việc thì ít mà người xin làm lại nhiều.
Thực ra không chỉ nói chuyện xin việc mà là cách nói hình tượng chỉ chung tất cả những tình huống cầu vượt quá cung.
N
Nạ dòng lấy được trai tơ. Nói người phụ nữ có tuổi lấy được người chồng trẻ.
Nói đúng hơn phải là phụ nữ nhiều tuổi đã từng có chồng lại lấy được một chàngtrai trẻ chưa vợ mới chính xác. Vì “phụ nữ có tuổi” nhưng chưa có chồng thì vẫn không thể gọi là nạ dòng được mà xếp vào diện gái quá lứa, lỡ thì. Và trai tơ là trai chưa vợ chứ không đơn thuần là trẻ. Làm từ điển mà giải nghĩa đại khái kiểu này thì lẫn lộng lung tung hết.
Nghênh tiếp (tiếp: liền với nhau).
Sai ! Thực ra “tiếp” ở đây có nghĩa là tiếp đãi, đón tiếp.
Ngọc nữ (nữ: đàn bà)
Ngọc nữ thường được hiểu là tiên nữ. Từ nữ trong “ngọc nữ” phải hiểu là “con gái” không thể là “đàn bà”. Vua Lê Thánh tông có bài thơ Nôm vịnh núi Ngọc Nữ ở Thanh Hóa: “Phau phau da đá phơi màu phấn, Trinh tiết bền gan chẳng lấy chồng”. Ở mục vần T, từ thôn nữ GS Nguyễn Lân giải thích: “nữ: đàn bà. Người con gái ở nông thôn”.Thực ra, nữ trong “thôn nữ” ở đây cũng có nghĩa là: cô gái chứ không phải đàn bà. Như thế từ “thôn nữ” GS Nguyễn Lân mới giảng thành “người con gái ở nông thôn” được chứ ? Từ điển phải phân biệt được thế nào là đàn bà, thế nào là cô gái, con gái, phụ nữ…Sao có thể tùy tiện, lẫn lộn đàn bà với con gái, thiếu nữ với phụ nữ được ?
Ngồn ngộn1. Rất nhiều:Tiền của ngồn ngộn. (Ng-hồng)
Ngồn ngộn2. Nói người phụ nữ trắng và đẹp:Cô ta mới lớn lên trông ngồn ngộn.
Về mục Ngồn ngộn1. thực ra, “ngồn ngộn” đây không chỉ là số lượng “rất nhiều” mà còn gợi cho ta hình dung về khối lượng (rất đầy-Ngồn ngộn sân phơi khoai giát nắng – Tố Hữu). Thế nên câu văn gợi tả của Nguyên Hồng “tiền của ngồn ngộn” =tiền của chất đống.
Thiết nghĩ, đàn ông khi sử dụng cuốn từ điển này nên cẩn thận khi có nhã ý dùng từ “ngồn ngộn” để ngợi khen người“phụ nữ trắng và đẹp” nào đó: Em (cô, chị) đẹp thật, trông ngồn ngộn !”. Trong văn cảnh này các “đấng mày râu” sẽ bị chị em phụ nữ quy ngay cho cái tội “có máu dê” chứ chẳng chơi !
Ngự lãm Nói vua xem (cũ) Đoàn văn công vào cung biểu diễn để nhà vua ngự lãm.
Quả ngự lãm là nói vua xem. Nhưng vua mà ngự lãm văn công biểu diễn thì đây là hiện tượng “tân cổ giao duyên” rất khó chấp nhận trong ngôn ngữ. Văn công là khái niệm hoàn toàn mới, chỉ những đoàn, đội văn nghệ đi biểu diễn lưu động phục vụ công chúng. Vua nào mà tài giỏi tới mức sống dậy để có thể xem được văn công biểu diễn ?
Nhan sắc (Nhan: mặt; sắc: màu – Nghĩa đen: màu mặt) Vẻ đẹp của phụ nữ.
Soạn giả tiếp tục bị nhầm lẫn bởi hiện tượng đồng tự, dị nghĩa. Chữ sắc色 đúng là có một nghĩa là màu sắc. Thế nhưng trong văn cảnh này sắc lại được hiểu là sắc đẹp.Thiều Chửu giải nghĩa: “Sắc: Sắc đẹp, gái đẹp. Như hiếu sắc 好色 thích gái đẹp”.
O
Oanh yến (oanh: chim oanh, yến: chim yến) Những người phụ nữ làm nghề ca hát trong chế độ cũ:Vô tình chi bấy, oanh yến kia hát gió ngân trăng (PhBChâu); Lọ là oanh yến hẹn hò (BCKV).
Cách giải thích này hoàn toàn phỏng đoán theo ý soạn giả. Theo Từ điển Truyện Kiều - Đào Duy Anh, yến anh (oanh) hoặc oanh yến có hai nghĩa: 1.“Tỷ dụ người đi chơi lũ lượt, tấp nập, như chim én, chim oanh bay từng đàn tíu tít trong tiết xuân”. (Truyện Kiều: Gần xa nô nức yến anh, Chị em sắm sửa bộ hành chời xuân - Chính là nghĩa “oanh yến” trong ví dụ thứ nhất của GS Nguyễn Lân). 2.“Tỷ dụ chơi bời hoa nguyệt”. (Mây mưa đánh đổ đá vàng, Quá chiều nên đã chán chườngyến anh - Kiều – Chính là nghĩa “oanh yến” trong ví dụ thứ hai của GS Nguyễn Lân). Điều đáng chú ý là đến mục từ Yến oanh phần cuối sách lại được soạn giả giải nghĩa khác hẳn: (Yến: chim yến; oanh: chim hoàng oanh: hai loại chim này hay bay từng đôi, trống và mái) Tình trai gái :Dám đâu học thói yến oanh, Mặn tình trăng gió, nhạt tình lửa hương (BCKN).
Ô
Ô nhục (ô: vẩn đục)
Ô trọc (ô: vẩn đục)
Chính xác chữ “ô” (洿)nghĩa là nước tù, nước đọng, nhơ bẩn.“Vẩn đục” không đồng nghĩa với “nhơ bẩn”.
Ống điếu. Đồ dùng để nhét thuốc lá vào rồi đốt mà hút.
Vật GS mô tả thực ra là cái tẩu hút thuốc. Còn “ống điếu” lại chỉ vật dụng có thêm cái nõ dùng để hút thuốc lào.
Ơ
Ở ẩn. Sống ở một nơi hẻo lánh để không tiếp xúc với xã hội.
Thực ra ở ẩn chính xác phải là sống lánh đời, thể hiện chí khí hoặc giữ gìn khí tiết của nhà Nho hay bậc hiền nhân ngày xưa.
Ời ời Nói tiếng gọi không dứt: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời.
Thực ra “tiếng gọi không dứt” thì có thể chỉ nhiều kiểu tiếng gọi. Còn ời ời phải là tiếng gọi với, vang vọng từ một nơi xa, nghe gấp gáp, bức thiết mà không rõ lời. Trong ngôn ngữ thường ngày, từ này ít dùng. Dường như nó chỉ xuất hiện và thực sự đắttrong câu ca dao làm ví dụ của soạn giả.
P
Phi nghĩa (nghĩa: điều phải làm)
Thực ra “nghĩa” đây là nghĩa lý. Còn “điều phải làm” thì nhiều không sao kể xiết.
Q
Quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng. Ý nói: Bắt người vô tội chịu hình phạt thay kẻ có tội: Trong chế độ thực dân, thường có chuyện quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng.
Thực ra, quạ là giống chim đa thực. Ngoài gà con, xác thối…chúng còn rất thích ăn các thứ quả như mít, dưa hấu…Tục ngữ có câu “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”. Thời tiết nắng nhiều khiến quạ được chén những quả dưa ngọt lành. Trong khi đó, cò không ăn được dưa (loài chim này chỉ ăn tôm tép, cá con, côn trùng…) lại phải chịu chung đặc điểm thời tiết nắng nóng chang chang ấy (đôi khi làm cạn nước, chết hết cá tôm, ảnh hưởng đến môi trường kiếm ăn của cò). Ý thành ngữ muốn nói: Hoàn cảnh thuận lợi của người này đôi khi lại chính là khó khăn vất vả đối với người kia. Cách giải thích: “Bắt người vô tội chịu hình phạt thay kẻ có tội” của GS Nguyễn Lân suy diễn quá xa nghĩa bóng của thành ngữ.
Quý hồ tinh bất quý hồ đa (tinh: trong trẻo).
Gs lại mắc lỗi đồng âm, dị tự, dị nghĩa. Chữ “tinh” mà soạn giả chú nghĩa “trong trẻo” có tự dạng (晶) và nghĩa chính xác là trong sáng, được dùng trong kết hợp từthủy tinh (水晶).Còn chữ tinh(精)trong tinh lọc, tinh tuyển mới đúng là chữ được dùng trong câu tục ngữ Quý hồ tinh bất quý hồ đa.Thiều Chửu:“Vật gì đã lọc bỏ hết chất xấu rồi đều gọi là tinh”.
R
Rau muống. Thứ rau phổ biến nhất ở nước ta, cùng họ với khoai lang trồng ở ao hoặc ở trên cạn.
Không biết căn cứ vào đâu mà GS lại cho rau muống “cùng họ với khoai lang”.Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia “Rau muống (danh pháp hai phần: Ipomoea aquatica) là một loài thực vật nhiệt đới bán thủy sinh thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae), là một loại rau ăn lá”.
Rắn giáo. rắn đầu nhọn, mình dài: Thằn lằn, rắn giáo.
Cái sai này xuất phát từ chỗ phát âm không phân biệt được Gi và R, dẫn đến viết sai chính tả rồi suy diễn. Ở nước ta không có loại rắn nào tên là rắn giáo, mà chỉ córắn ráo.
Rắn cạp nia. Rắn độc, mình có những vằn tròn đen và trắng liên tiếp nhau.
Từ “vằn” phải thay bằng khoang, từ “liên tiếp” phải thay bằng xen kẽ: mình có những khoang tròn đen, trắng xen kẽ nhau.
S
Sáng kiến (sáng: bắt đầu, gây dựng nên; kiến: thấy)
Thực ra sáng ở đây nghĩa là mới. Sáng kiến là cách làm mới tìm ra.
Sắc bất ba đào dị nịch nhân ((ba: sóng; đào: dậy sóng)
Chính xác: Ba = sóng nhỏ; đào = sóng lớn.
Sơ cứng. Không linh hoạt: Giải quyết vấn đề một cách sơ cứng.
Ở đây soạn giả viết sai chính tả. Tiếng Việt chỉ có từ xơ cứng, không có “sơ cứng”.
T
Tán phó mát. Theo bài ngụ ngôn “Con quạ và con cáo của La Fontaine con cáo tán con quạ để nói bỏ rơi miếng phó-mát) Có nghĩa ngồi với nhau nói những chuyện bâng quơ.
“Con quạ và con cáo” là câu chuyện ngụ ngôn viết bằng thơ của La Fontainechứ không phải là một bài thơ. Dùng từ “bài ngụ ngôn” là không đúng. Hơn nữa, câu này GS giải thích mâu thuẫn với chính ý nghĩa và nguồn gốc của câu thành ngữ đưa ra. Một buổi sáng trong rừng, cáo thức dậy với cái bụng đói meo. Khi nhìn thấy quạ cắp một miếng phó-mát, nó nghĩ rằng không phải tìm bữa sáng ở đâu xa nữa, bèn dùng lời tán tỉnh quạ rằng: với một bộ lông bóng mượt như vậy, chắc hẳn tiếng hót của quạ sẽ hay lắm ! Quạ bị lừa, đắc ý há mỏ cất tiếng kêu để rơi miếng phó-mát xuống đất, biếu không miếng mồi ngon cho cáo ranh mãnh. Như vậy, “Tán phó-mát” không phải là“những chuyện bâng quơ” vô bổ, không có chủ đề, mục đích, mà là những lời tán tỉnh, tâng bốc lừa phỉnh mới đúng.
Tế độ chúng sinh (chúng: nhiều; sinh: cuộc sống) Nói Phật cứu giúp mọi sinh vật ra khỏi bể khổ.
Thực ra “sinh” ở đây phải hiểu là sinh vật, muôn loài, không phải nghĩa là “cuộc sống”.
Thóc lép Nói hạt thóc nhỏ hơn bình thường. Năm ấy hạn hán nên nhiều thóc lép.
Giải nghĩa như thế là chưa nhìn thấy hạt thóc lép bao giờ. Và cái cơ bản thóc lép khác thóc mẩy ở bên trong chứ không phải bên ngoài. Thóc lép có hai loại. Loại 1: lép lửng (còn gọi lúa trửng hay lúa kẹ) chứa rất ít tinh bột, có khi chỉ bằng 1/3 thóc mẩy.Loại 2: lép hoàn toàn, chỉ có vỏ mà không có chất dinh dưỡng. Như thế, “hạt thóc nhỏ hơn bình thường” không phải là thuộc tính của thóc lép.
Thống lĩnh (Thống: chỉ huy; lĩnh: trông coi) Chỉ huy toàn thể quân đội.
Thực ra “thống” ở đây là thâu tóm; “lĩnh” nghĩa là đứng đầu; thống lĩnh là người đứng đầu thâu tóm tất cả.
Thủy tạ (tạ: ngôi nhà xinh) Ngôi nhà xây trên mặt nước để làm nơi giải trí:Nhà thủy tạ ở Hồ Tây.
Chữ “tạ” theo Thiều Chửu: “Sàn, nhà tập võ, cái đài có nhà ở gọi là tạ”. Như vậy, chữ tạ trong thủy tạ có nghĩa là “cái đài có nhà ở”. Có lẽ soạn giả ngắm nhà thủy tạ ở Hồ Tây thấy nó xinh xắn quá nên tự cho rằng chữ tạ ở đây phải có nghĩa là ngôi nhà xinh.
Tức như bò đá (Thực ra bò không thể đá được) Bực mình vì một chuyện rất vô lý.
Chưa nhìn thấy bò đá bao giờ không có nghĩa “bò không thể đá được”. Tuy không ra được những cú song phi uy lực, dứt khoát như ngựa, nhưng bò vẫn đá theo kiểu của bò. Đó là kiểu đá hất một chân ra phía sau. Bình thường, bò là con vật nhút nhát, hiền lành, chậm chạp đến độ bị coi “ngu như bò”. Thế nên người ta có tâm lý xem thường, ít để ý đến nó. Tuy nhiên, đôi khi đi ngang qua hoặc đứng phía sau đuôi bò (do bị giật mình) nó vẫn bất ngờ “ra đòn” đánh “nhằng” một phát. Người bị bò đá đã đau lại bị một phen giật mình, hồn vía lên mây. Định thần lại mới hóa ra nguyên nhân chính từ “kẻ ngu đần” kia. Bực tức, mà chẳng làm gì được, thậm chí có điên tiết lên quất cho nó mấy roi cũng đến thế. Tức như bò đá là như vậy. Ý nói: bỗng dưng gặp phải chuyện bị ức chế, bực mình, rất tức mà chẳng làm gì được.
U
Uyên ương (Loài ngỗng trời, uyên là ngỗng đực, ương là ngỗng cái, tục truyền hai con bao giờ cũng đi với nhau). Vợ chồng yêu thương nhau.
Không đúng. Uyên ương thuộc loài vịt chứ không phải loài ngỗng. Theo Bách khoa toàn thư mở: “Uyên ương (danh pháp hai phần: Aix galericulata) là một loài vịt đậu cây kích thước trung bình, có quan hệ họ hàng gần gũi với vịt Carolina ở Bắc Mỹ”. Vì uyên ương là một loài vịt, chúng có tập tính, môi trường kiếm ăn giống nhau nên thành ngữ gốc Hán có câu: “Đả áp kinh uyên ương” – đánh con vịt lại sợ động chạm đến con uyên ương là vậy.
Ư
Ướt đẫm Nói mồ hôi thấm đầy vào quần áo: Tay mang khăn gói sang sông, Mồ hôi ướt đẫm, thương chồng phải theo (ca dao).
Từ ướt đẫm không chỉ dùng riêng để “Nói mồ hôi thấm đầy vào quần áo”. Soạn giả mới giải nghĩa từ “ướt đẫm” trong văn cảnh cụ thể của câu ca dao chứ chưa phải giải nghĩa từ vựng. Người ta vẫn viết và nói ướt đẫm mưa, ướt đẫm nước mắt, ướt đẫm sương v.v… Ví dụ: Tàu chuối ướt đẫm sương đêm. Nghĩa từ vựng phải là nghĩa tổng quát, bao hàm để từ đó người nói, người viết có thể vận dụng vào nhiều trường hợp khác theo cách mà từ điển đã chỉ dẫn. Từ ướt đẫm có thể được dùng trong các trường hợp chỉ ướt đều, ướt hết, ướt mà thấm.
V
Vịt xiêm Giống vịt to, người ta nói nhập từ Thái Lan. Trong sân nhà có đôi vịt xiêm rất lớn.
Thực ra, vịt xiêm là cách gọi tên con ngan của người miền Nam.
Vọng tộc (Vọng: trông xa; tộc:họ) Gia đình có danh tiếng lớn trong xã hội phong kiến.
Thực ra vọng ở đây không phải là “trông xa”. Thiều Chửu giảng nghĩa: “Có cái để cho người chiêm ngưỡng gọi là vọng, như danh vọng 名望, uy vọng 威望, v.v”. Chữ vọngtrong vọng tộc chính là theo nghĩa mà Thiều Chửu đã giảng.
Vồ lắm lại vật đau. Chê người lúc đầu đối xử rất tử tế, nhưng về sau vì chạm đến quyền lợi nên lại ăn ở tệ: Ông ấy mới ở ngoại quốc về thì bà ấy săn đón thế, nhưng rồi đây, vồ lắm lại vật đau cho mà xem.
Chính xác phải là “Vồ lắm vập đau” (không có chữ “lại”; chứ “vật” thay bằng chữ “vập”). Ở đây, dân gian chơi chữ “vồ” và “vập”. Ban đầu thì vồn vã, săn đón, vồ (vập) cho lắm vào, đến sau lại vập (đánh nhau) cho đau. Nếu viết “Vồ lắm lại vật đau” thì còn gì là chữ với nghĩa nữa !
Vợ đàn bà, nhà hướng nam. Câu này có vẻ ngớ ngẩn, nhưng chỉ muốn tỏ rằng nhà hướng nam thì tốt, theo lẽ tất nhiên như người vợ phải là đàn bà.
Không hiểu tục ngữ nói gì không có nghĩa tục ngữ “ngớ ngẩn”. Đàn bà hay đàn ông cũng có năm bảy loại. Có khi đàn ông nhưng tướng mạo lại ẽo ợt, thiếu bản lĩnh, sống nhỏ mọn, bon chen, chấp nhặt…Trong khi đàn ông thực thụ tướng mạo khôi ngô, rắn rỏi, bản lĩnh vững vàng, trượng nghĩa…Cũng như đàn bà thực sự phải mang vẻ đằm thắm, dịu dàng, chu đáo, biết thương chồng thương con, thu vén cho cuộc sống gia đình… Chẳng may vớ phải cô vợ trông thô kệch như đàn ông, ăn to nói lớn, vụng về, không biết vun thém cho gia đình, ấy là lấy phải người vợ không phải đàn bà. Chưa kể đến nghĩa đen: có khi lấy phải người nam không ra nam, nữ không ra nữ (lỗi tạo hóa theo dân gian, hay rối loạn giới tính theo khoa học). Hoặc bề ngoài là nữ nhưng thực chất lại là nam. Trong xã hội hiện đại, không thiếu những cặp vợ chồng về chung sống với nhau, thậm chí có con có cái rồi mới phát hiện ra là giới tính của vợ hoặc chồng “có vấn đề”. Thế nên chưa hẳn theo lẽ tất nhiên “ người vợ phải là đàn bà” như quan niệm đơn giản của GS Nguyễn Lân. Tục ngữ không hề “ngớ ngẩn” mà còn vô cùng sâu sắc và kinh nghiệm, đi trước thời đại.
Vuông như bánh chưng tám góc. Rất vuông vắn: Một cái bàn vuông như bánh chưng tám góc.
Nếu có tới tám góc thì đó là hình bát giác. Đây là cách nói ngược, nghĩa đen có ý chế diễu người gói bánh chưng vụng, vuông chẳng thành vuông mà lại “xéo xèo xẹo” như hình bát giác.
X
Xanh rì. Có màu xanh lá cây đậm: Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, Bậc đá xanh rì lún phún rêu (HXHương); Trắng phau ngựa trắng xanh rì rừng xanh (Tản Đà)
Xanh rờn. Như màu xanh của cỏ tươi: Nắng vàng mát và cỏ xanh rờn (NgTuân)
Thực ra, cả hai từ “xanh rì” và “xanh rờn” đều giành để mô tả màu xanh sống động của thiên nhiên, gắn với màu xanh và tính chất của cỏ cây chứ không phải màu sắc của các đồ vật hay tranh vẽ. “Xanh rì” thường dùng cho màu xanh hơi tối của lá cỏ rậm rạp (có từ rậm rì là như vậy). Còn xanh rờn lại là màu xanh non mơn mởn của cây cỏ. Không ai nói cái áo màu xanh rờn hay xanh rì. Vì tính chất của cái áo là một vật thể chết, nó chẳng có trạng thái của sắc màu gắn liền với rậm rạp hay thưa thoáng, già hay non.
Xanh rớt. Nói nước da xanh quá.
Xanh lè hay xanh lét, xanh rợn cũng là một kiểu “xanh quá”, rất xanh. Thế nên để phân biệt với những cái rất xanh khác, xanh rớt phải được giải nghĩa là xanh một cách yếu ớt; thường dùng để chỉ nước da xanh biểu hiện ốm yếu, bệnh tật, thiếu sức sống.
Xào xạc Nói tiếng động của nhiều thứ chạm vào nhau: Em không nghe rừng thu, Lá thu kêu xào xạc (Lưu Trọng Lư).
Sỏi đá, gạch, ngói, gỗ, sắt cùng va chạm với nhau cũng là “nhiều thứ” chạm vào nhau, nhưng không bao giờ âm thanh chạm vào nhau của chúng được gọi là “xào xạc”.Thuộc tính của “xào xạc” phải là tiếng của cành lá giao nhau, chạm nhau khi có gió lay, nghe mơ hồ và rất êm nhẹ (như chính câu thơ của Lưu Trọng Lư ấy)
Xào xáo Nấu thức ăn bằng dầu mỡ và mắm muối: Tính anh ấy dễ dãi, vợ xào xáo thứ gì thì ăn thứ ấy.
Nấu thức ăn bằng dầu mỡ mắm muối gọi là “xào” cứ không phải là “xào xáo”. Còn“xào xáo” theo nghĩa “vợ xào xáo thứ gì ăn thứ ấy” lại có nghĩa là nấu qua loa, nấu cho nhanh, không thành món xào cũng chẳng phải món xáo.
Xáo Nấu thịt với các gia vị: Ông ơi ông vớt tôi nao, Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng (cd); Mười voi không được bát nước xáo (tng).
Thịt kho tàu, kho nghệ hay kho với cà chua đều có thể gọi là cách “nấu thịt với các gia vị”. Thuộc tính của món “xáo” là phải có nhiều nước. Thế nên hai câu tiếp theo trong bài ca dao mới là: Có xáo thì xáo nước trong, Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Câu “Ba voi không được bát nước xáo” cũng là nói về món có nhiều nước là vậy đó.
Y
Yêu nhau rào dậu cho kín. Ý nói: khi yêu nhau thì người ta cố che đậy những cái sai sót của nhau: Hai ông ấy rất thân nhau, nên họ luôn bênh vực nhau, yêu nhau rào dậu cho kín mà.
Thực ra “rào dậu” không phải là “che đậy những cái sai sót của nhau”. Đây là dị bản có ý nhấn mạnh của “Yêu nhau thì rào dậu”. Nghĩa đen: Hai nhà ở cạnh nhau, dù thân đến mấy cũng nên có hàng rào ngăn cách nhà nọ với nhà kia tạo ra không gian tự do, độc lập. Không nên vì yêu nhau mà phá vỡ ranh giới, sẽ dẫn đến va chạm, thắc mắc dễ xa nhau. Nghĩa bóng: trong mối quan hệ tình cảm nếu muốn giữ bền chặt, lâu dài thì cần thực hiện những nguyên tắc sống, lối ứng xử, cẩn thận, kín kẽ, đặc biệt là những gì liên quan đến vật chất, tiền bạc phải rõ ràng. Không nên xuề xòa, lâu dần sẽ nảy sinh tâm lý thắc mắc, hơn thua khiến người ta dễ xa nhau.
Kẻ mạo muội viết bài này, dù chưa hết ý, cạn lời, nếu có chỗ nào mạo phạm, xin được anh hồn Nhà từ điển học nổi tiếng GS Nguyễn Lân đại xá và các bậc cao minh cùng độc giả chỉ giáo.
Nội dung trên đây được lược trích từ “Phê bình từ điển” – bản thảo đã được Ban lý luận phê bình, dịch thuật-Hội văn học Nghệ thuật Thanh Hóa thẩm định tháng 6/2013 và cấp kinh phí tài trợ xuất bản 2014. Bạn đọc có thể tìm nội dung đầy đủ hơn trongtuancongthuphong.blogspot.com.
H.T.C
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
HÀNH TRÌNH”TRẢ LẠI TÊN CHO EM”
Bài của HÒNG TUẤN CÔNG trên Quechoa 14/1/2014
CHÀNG hay TRÀNG, VẠT ÁO hay CỔ ÁO ?
Tục ngữ Việt Nam có câu “Áo cứ tràng, làng cứ xã” hoặc “Áo cứ tràng, làng cứ lý trưởng”. Tuy nhiên trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân lại đưa ra một dị bản rất lạ: “Áo cứ CHÀNG, làng cứ xã” và giải thích: “(Xã là chức dịch trong làng). Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình”. Cách giải thích này bị không ít nhà nghiên cứu, nhà ngữ học và biên soạn từ điển phản đối:
1. Đầu tiên, Học giả Huệ Thiên (An Chi) phải thốt lên: “Thật là chuyện quá đỗi bất ngờ khi mà một quyển từ điển lại có thể viết sai chính tả và giảng sai nghĩa đến thế; hình thức chính xác của câu đang xét là “Áo cứ TRÀNG, làng cứ xã”. (Tại sao một số thành ngữ tục ngữ lại khó hiểu - An Chi). Trong bài Đọc lướt “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân, An Chi một lần nữa cho rằng “Tràng là vạt trước của áo dài và đây là một cách hiểuhoàn toàn đúng với cấu trúc cú pháp – ngữ nghĩa của câu tục ngữ đang xét”.
2. Trong Từ điển tục ngữ Việt, Tiến sĩ ngữ học Nguyễn Đức Dương cũng lên tiếng phê phán: “Do tra cứu chưa kỹ nghĩa từ vựng của TRÀNG trong câu Áo cứ tràng, làng cứ xã, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989-10) đã đánh đồng nó với CHÀNG và đinh ninh rằng CHÀNG này cũng chính là từ được “phụ nữ hay dùng để gọi chồng hoặc người yêu còn trẻ (với hàm ý thân thiết)”…Sơ suất đáng tiếc ấy đã đẩy tác giả tới chỗ phải đưa ra cho một lời diễn giải hoàn toàn “xa lạ” với cảm thức của bao người”. Rồi, TS Nguyễn Đức Dương khẳng định“TRÀNG là một từ cổ dùng để chỉ cái vạt trước của chiếc áo dài”.
3. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của nhóm tác giả Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào (sau đây gọi tắt là Vũ Dung) tuy không tranh luận gì với GS Nguyễn Lân nhưng cũng đưa ra dị bản giống An Chi, Nguyễn Đức Dương và chú giải “tràng: tràng áo, tức vạt áo”.
Như vậy, An Chi, Nguyễn Đức Dương và nhóm Vũ Dung đều có hai điểm tương đồng, thống nhất cao:
1.Công nhận dị bản TRÀNG chứ không phải CHÀNG.
2. Khẳng định TRÀNG là vạt trước của chiếc áo dài, chứ không phải chàng – người chồng (đối với nàng-người vợ).
Vậy ai đúng, ai sai ? Và sai, đúng như thế nào ?
Có thể khẳng định ngay: An Chi, Nguyễn Đức Dương và nhóm Vũ Dung đã đúng khi lựa chọn TRÀNG chứ không phải CHÀNG. GS Nguyễn Lân đã sai hoàn toàn khi nhầm “tràng”, một bộ phận của chiếc áo thành “chàng” là chàng – người chồng và đưa ra cách giải thích không thể chấp nhận. Có lẽ GS cho rằng: việc giặt giũ, vá may quần áo lẽ ra người phụ nữ phải đảm đương, đằng này ỷ lại, “cứ” (để cho) “chàng” (chồng) phải lo, phải làm, (nên gọi là“áo cứ chàng”); còn công việc của làng “người dân trong thôn xóm” “cứ” (ỷ lại) cho ông xã trưởng mà “không thấy vai trò làm chủ của mình”( nên gọi “làng cứ xã”) chăng ?
Tuy nhiên, liệu Nhà nghiên cứu An Chi, TS ngữ học Nguyễn Đức Dương và Nhà biên soạn từ điển Vũ Dung đã đúng khi cho rằng TRÀNG trong câu tục ngữ là cái vạt trước của chiếc áo dài ? Theo tôi, ở ý thứ hai, các nhà khảo cứu, biên soạn đã thay cái sai này bằng cái lầm khác mà thôi. TRÀNG trong câu tục ngữ làcái cổ áo chứ không phải cái vạt trước của chiếc áo dài. Để đến được kết luận ấy, ta cần phải đi bằng con đường vòng. Tức xét nghĩa Hán Việt của từ LĨNH 領 (cổ áo):
1.Khang Hy tự điển:
領:(…) 里整切音嶺。領,頸也。(…)。亦言總領衣體,爲端首也:“Lĩnh(…) Lý chỉnh thiết, âm lĩnh (…) “Lĩnh, cảnh dã (…), diệc ngôn tổng lĩnh y thể, vi đoan thủ dã” nghĩa là: Chữ Lĩnh – thiết âm là lý chỉnh, âm đọc là lĩnh. Lĩnh-cái cổ(…) cũng chỉ bộ phận thống lĩnh đối với chiếc áo; là cái đầu mối vậy”.
2. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: “Lĩnh 領.① Cái cổ…② Cái cổ áo…. Xóc áo thì phải cầm cổ, cầm tay thì áo mới sóng, vì thế nên người nào quản lí một bộ phận, một nhóm gọi là lĩnh tụ 領袖 (đầu sỏ)”.
3. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích: “Lãnh 領-Cái cổ-Cổ áo-Một cái áo-Thống suất cả…”. “Lãnh tụ - Cổ áo và tay áo. Khi cổi áo tất trước cầm cổ áo và tay áo-Nghĩa bóng: Người có tài xuất chúng làm thủ-lãnh cho nhân-chúng”.
Trong 3 cách giải thích, Thiều Chửu rõ ràng hơn cả. Tuy nhiên, hai từ “xóc áo” và “sóng” có vẻ hơi khó hiểu. Thì đây: Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: “Xóc: Xách lên mà lắc để cho xuống đều: Xóc cổ áo”; “Sóng: Trơn óng, thẳng, không rối”. Và Từ điển AN NAM – LUSITAN – LA TINH-A.de Rhodes giải thích “Xóc: Xóc áo: Xóc áo đã mặc để cho thẳng”.
Như vậy, từ lĩnh với nghĩa cổ áo là bộ phận thống lĩnh, chức năng thâu tóm cả cái áo tỏ ra rất “đắt”, rất hợp với nghĩa của chữ TRÀNG trong câu tục ngữ đang bàn. Thế nhưng, tục ngữ nói “Áo cứ tràng…”, đâu có nói áo cứ lĩnh ? Dựa vào đâu để nói rằng tràng (cổ áo) chính là cách gọi nôm của từ lĩnh-cổ áo ? Câu trả lời có trong các sách:
1. Tam thiên tự - ĐoànTrung Còn viết: “Y 衣 - Áo ; Lãnh 領 - Tràng”.
2. Ngũ Thiên Tự (bản Hán – Việt – Pháp) Đoàn Trung Còn chú nghĩa rõ hơn: “領-Lãnh (lĩnh) - Tràng (cổ áo) – Col”.
3. Việt ngữ tinh nghĩa từ điển - Long Điền Nguyễn Văn Minh giải thích: “Lãnh” là ”tràng áo, như “lãnh tụ” tràng áo và ống tay áo, chỉ dùng với nghĩa bóng nói người đứng đầu một đảng phái.”
4. Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức: “領-Lĩnh. Tràng áo (không dùng một mình). Lĩnh tụ 領 袖 tràng áo và tay áo. Chỉ dùng nghĩa bóng để nóingười đứng đầu một đảng- phái: Lĩnh – tụ đảng xã hội”.
5. Đại Nam quấc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của: “Lãnh: Tràng;(…) Áo viên lãnh: Áo cổ tròn, áo cổ trịt”. (Trịt ở đây có nghĩa là bệt, bẹt xuống, tức không phải áo cổ đứng-HTC).
Như vậy, ít nhất 5 cuốn từ điển, tự điển Hán và Hán – Việt thích nghĩa chữlĩnh nghĩa là tràng (cổ áo). Đến đây có thể kết luận: lĩnh - tràng - cổ áo – chính làbộ phận quan trọng nhất của cái áo. Cách kết cấu ngữ pháp, ngữ nghĩa của dân gian rất rõ ràng, đăng đối chặt chẽ: tràng (cổ áo) là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo, giữ vị trí thống lĩnh đối với cả cái áo; xã (xã trưởng, lý trưởng) là cấp chủ chốt, quản lý cao nhất của làng. Muốn “xóc” (cầm, túm,) để giũ cái áo cho phẳng cứ nắm lấy phần cổ áo là chắc chắn, gọn gàng nhất. (Ngày trước áo dài rất lùng nhùng, muốn cầm cho gọn gàng, giũ cái áo cho phẳng tất phải cầm lấy vị trí cổ. Kể cả ngày nay, áo ngắn, áo dài, áo dày, áo mỏng…đủ loại. Nhưng khi cầm chiếc áo lên, ta đều chọn vị trí cổ áo mới gọn gàng được. Cũng như gặp việc ở trong làng (phu phen, tạp dịch, bắt rượu lậu…) cứ nắm lấy người đứng đầu có trách nhiệm cao nhất “xã” (trưởng) mà “gõ” xuống là xong. (Dân gian có câu: Đục đến chạm thì chạm đến khăng, Đòn đánh lý trưởng thì văng cả làng là vậy).
Trở lại cách lý giải của các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển. Vì cho rằng TRÀNG là vạt trước của áo dài nên tất cả đều rất lúng túng khi giải thích nghĩa đen câu tục ngữ, tại sao áo lại “cứ tràng” ( áo thì cứ vạt áo). Và vì không hiểu nên cái vạt áo (vốn chỉ đáng được “vinh danh” ở một số chức năng “sáng tạo tự phát” ngoài trang phục như: lau nước mắt, lau, chùi, đùm, đựng, vân vê làm dáng…) đã bị các nhà ngữ học, biên soạn gán ghép cho một số chức năng rất hoang đường:
1. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung giải nghĩa: “Áo cứ tràng…” là “muốn tìm ai thì cứ túm lấy vạt áo”. Nhưng, nếu hiểu như vậy lại thành “Người cứ tràng…” (người thì cứ tràng – vạt áo mà túm) chứ không phải “Áo cứ tràng…” nữa. Vả lại, nói như Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã phản biện Vũ Dung: còn đang đi “tìm ai” ở đâu đó làm sao túm được “vạt áo” của chính người ấy ? Phải chăng, ý Vũ Dung là: muốn giữ ai lại thì cứ túm lấy vạt áo người đó. Thế nhưng, túm vạt áo mà giữ được người ở lại có lẽ chỉ xảy ra một khi đó là cử chỉ tỏ tình của chàng trai đối với cô gái “tình trong như đã mặt ngoài còn e”: “Chàng buông vạt áo em ra, Để em đi chợ kéo mà chợ trưa…”, hay “Nàng về ta chẳng cho về, Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ, Câu thương, câu nhớ, câu đợi, câu chờ…” (ca dao).
2. Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương giải thích: “Áo thì nên lấy tràng làm chỗ dựa (khi cắt may) làng thì nên lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)”. Nguyễn Đức Dương đã có lý khi bác cách giải thích của Vũ Dung. Nhưng nếu giải thích như chính Nhà ngữ học, tục ngữ này lại đưa đến cho ta một kinh nghiệm khác, đó là cách cắt may áo mất rồi ! Và không biết cái “kinh nghiệm” cắt may này ở đâu ra ? Vạt áo không thể là chỗ dựa khi cắt may. Bởi bộ phận này dẫu ngắn – dài, hay rộng – hẹp một chút cũng không sao. Nhưng cổ áo, vai áo mà chật thì mặc không nổi. Ấy là chưa kể đến “kế sách ngoại giao” “lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)” cũng có “vấn đề”. Bởi “bình phẩm” về làng xã mà chỉ dựa vào mỗi ông lý trưởng thì làm sao chính xác ? Không lẽ mỹ tục thuần phong của làng xã tập trung cả nơi ông xã, ông lý chăng ?
3. Riêng Nhà khảo cứu An Chi khả kính-người có nhiều kiến giải xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu từ nguyên học (người viết bài này luôn kính phục ông) thật khôn khéo khi chỉ dừng ở chỗ khẳng định TRÀNG là vạt trước của áo dài chứ không cố giải thích tại sao lại “áo cứ tràng” và cái vạt áo được hiểu như thế nào trong câu tục ngữ. Từ điển AN NAM – LUSITAN – LA TINH A.de Rhodes có giải nghĩa “Tlàng áo: phần trên chiếc áo che cổ” (Tlàng là cách phát âm xưa củatràng-H.T.C). Thật đáng ngạc nhiên, ngay cả khi An Chi tiếp cận với dữ liệu này, ông vẫn lựa chọn nhầm TRÀNG trong câu tục ngữ đang bàn với nghĩa cái vạt trước của chiếc áo dài, chứ không phải là chiếc cổ áo trứ danh !
Đến đây, ta thấy thêm một thực tế: từ TRÀNG với nghĩa là cổ áo và TRÀNG với nghĩa là vạt trước của chiếc áo dài thường bị đánh đồng làm một (theo nghĩa thứ hai, muộn hơn là vạt áo) ngay cả đối với các nhà làm từ điển. Ví dụ:
1. Chữ 領 lĩnh (lãnh), Việt Nam tự điển và Đại Nam quấc âm tự vị đều giải nghĩa là tràng (cổ áo). Nhưng cũng chính trong hai cuốn tự điển này, ở mục từtràng lại chỉ thấy thích nghĩa là vạt trước của áo dài mà không hề nhắc đến nghĩacổ áo đã được chú ở mục từ lãnh, lĩnh.
2. Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San – Đinh Văn Thiện, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Viện ngôn ngữ học) và nhiều cuốn từ điển Tiếng Việt khác đều cho rằng tràng là từ cổ, chỉ duy nhất có một nghĩa liên quan đến trang phục là vạt trước của chiếc áo dài và hoàn toàn bỏ quên nghĩa cổ hơn của từ trànglà cái cổ áo.
3. Cuốn từ điển cổ xưa Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, mục “Y quan bộ đệ cửu”:
Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng.
Yểm Lý danh rằng lụa vuốt mồ hôi
Trần Xuân Ngọc Lan chú thích “Tràng: vạt áo”. Tuy nhiên, theo tôi chữ lĩnh(領) trong “hộ lĩnh” (領 護)phải được hiểu là cái cổ, “hộ” là bảo vệ, che chở, “hộ lĩnh” là vật bảo vệ, che chắn cho cái cổ (tức cái khăn quàng cổ). Tên gọi này xuất phát từ chức năng của cái khăn quàng cổ, ban đầu chỉ thực dụng là bảo vệ cái cổ(hộ lĩnh). Sau này, cái “hộ lĩnh” mới trở thành phục sức, (nghĩa là thêm cả chức năng trang điểm, làm dáng) và được gọi là lĩnh cân ( lĩnh (領)cái cổ, cân (巾)cáikhăn; lĩnh cân là cái khăn quàng cổ). Cách giảng giải của từ điển Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa ”Hộ lĩnh buộc che ngoài tràng” là: Vật bảo vệ cái cổ (hộ lĩnh) đượcbuộc che ở bên ngoài cái cổ áo (tràng). Hai câu Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng,Yểm Lý danh rằng lụa vuốt mồ hôi đều nói về hai mảnh vải (hai chiếc khăn):một là khăn quàng cổ buộc che bên ngoài tràng (cổ áo) và một là mảnh lụa dùng để“vuốt”(lau, thấm) mồ hôi phía trong áo. Điều này hoàn toàn phù hợp với văn cảnh và cách trình bày của Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (cũng như nhiều cuốn từ điển cổ bằng văn vần khác). Tức là xếp từ theo chủ đề, theo cặp từ, loại từ cùng chỉ về sự vật, hiện tượng nào đó. Ví như cặp nói về hai loại áo của vua: “Long Cổn” và “Hoàng bào”:
Long Cổn hiệu là áo rồng,
Hoàng bào Tống tổ mặc phong mạ vàng
Hoặc cặp nói về hai loại áo “Sa y” và “Hiệp y”:
Sa y mặc mát áo the.
Hiệp y áo kép kéo dê càng dài.
Rồi cặp từ nói về hai loại đai (dải):
Kê Đới tơ điều thắt ngoài.
Hộ Đới dải áo hằng cài tương liên.
Thực tế trên đây buộc ta phải nhìn nhận lại một số cách giải thích, cách hiểu về từ “tràng”. Trong các câu thơ: Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh (Truyện Kiều-Nguyễn Du), Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư – mã đượm tràngáo xanh. (Tỳ – bà – hành), thì TRÀNG ở đây chính là vạt trước của áo dài thấm những “giọt châu”, giọt lệ “tầm tã”, “chứa chan”. Tuy nhiên trong câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” thì TRÀNG lại là cổ áo chứ không phải vạt áo? Bởi vì, cái cổ áo là bộ phận quan trọng nhất của cái áo nên dù áo có rách (ở đâu) chăng nữa cũng phải giữ được cái cổ áo lành lặn. Cũng giống như cái lề của tờ giấy rất quan trọng nên dù rách ở đâu cũng phải giữ lấy cái lề (Trong câu đồng nghĩa “Giấy rách phải giữ lấy lề”). Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển lâu nay vẫn nhầm lẫn khi cho rằng trong câu tục ngữ Áo rách phải giữ lấy tràng thì tràng nghĩa là vạt áo:
1. An Chi trong bài phê bình GS Nguyễn Lân đã viết: “Tràng” (…) được hiểu là cái vạt trước của chiếc áo dài. (Tục ngữ còn có câu “Áo rách phải giữ lấytràng” mà chính Nguyễn Lân cũng đã có ghi nhận)”
2. Nguyễn Đức Dương trong Từ điển tục ngữ Việt chú thích: tràng là vạt trước của áo dài và giải thích: “Áo dù có rách chăng nữa thì cũng phải cố giữ cho được cái tràng (để còn dùng được vào việc khác). Hay dùng với ẩn ý: nh. Giấy rách phải giữ lấy lề”.
3. Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức, mục từ “lĩnh” chú nghĩa tràng(cổ áo) nhưng mục “tràng” lại chỉ ghi nhận “Tràng: Vạt dài trong áo: Tràng áo”Rồi trích dẫn: “Văn liệu: Áo rách thì giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi (C-d). Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư – mã đượm tràng áo xanh. (Tỳ – bà – hành). Như thế Việt Nam tự điển đã sai khi đánh đồng chữ tràng (cổ áo) trong câu tục ngữ Việt (Áo rách phải giữ lấy tràng) và chữ tràng (vạt áo) trong câu thơ dịch Tỳ bà hành làm một.
Riêng Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã dấn sâu vào sai lầm khi giải thích câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” là:“Áo dù có rách chăng nữa thì cũng phải cố giữ cho được cái tràng (để còn dùng được vào việc khác). Xin hỏi, “việc khác” ở đây là gì, nếu không phải là để “tận dụng” cái vạt áo (theo cách hiểu của NĐD) làm miếng vá vào chỗ rách của chiếc áo khác, hoặc làm giẻ lau ? Nếu chỉ với mục đích như vậy thì liệu có cần “cố sống cố chết” mà giữ cho được cái vạt áo của chiếc áo rách bỏ đi không ? Tục ngữ đang nói cái áo rách nhưng vẫn mặc, vẫn dùng cơ mà ? Nếu đủ cả lục bát “Áo rách phải giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi, ta sẽ hiểu: Áo (mặc trên người) dù có rách ở đâu thì cũng phải giữ lấy phần quan trọng nhất là cái tràng (cổ áo); Cũng như dù khó khăn nghèo túng đến mấy cũng phải cố gắng đủ đóng đủ góp nghĩa vụ với làng.
Có thể nói câu tục ngữ Áo cứ tràng, làng cứ xã có niên đại rất sớm. Sớm đến mức từ tràng (với nghĩa cổ áo) đã trở nên mờ nhạt, thậm chí biến mất hoàn toàn trong sách vở và ngôn ngữ thời hiện đại. Và chỉ khi trả lại cho chữ tràng trong câuÁo cứ tràng, làng cứ xã (và Áo rách phải giữ lấy tràng) nghĩa chính xác là cái cổ áo thì nghĩa đen và nghĩa bóng của câu tục ngữ mới được sáng rõ. Đây chính là bài học kinh nghiệm điển hình đối với các nhà sưu tầm biên soạn từ điển thành ngữ, tục ngữ. Nhiều trường hợp không thể chỉ tra cứu kỹ nghĩa từ vựng của từ nôm trong câu tục ngữ (như cách Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương từng chỉ giáo GS Nguyễn Lân) rồi đoán định, áp đặt cách hiểu. Trong khi ý nghĩa đích thực, nghĩa hàm ẩn, nghĩa bóng của nó lại nằm trong từ vựng từ Hán Việt./.
H.T.C
Lời bàn:
Khi trả lại cho câu tục ngữ cổ đúng nghĩa vốn có, chúng ta mới thấy hết giá trị của tri thức, kinh nghiệm mà ông cha ta đã đúc rút. Đó là cách quản lý bộ máy chính quyền cơ sở của nhà nước phong kiến: đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Nói cách khác, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề xảy ra trong địa hạt (rộng hơn: trong lĩnh vực) mình quản lý. Chữ “cứ” trong câu tục ngữ “Áo cứ tràng, làng cứ xã” thật đắt: Cứ kẻ đứng đầu mà nghiêm trị ! Không có chuyện không nghe không biết, không thấy… là xong. Các cụ nhà ta tài thật !
…………………………………….
Những sách đã dẫn và tham khảo:
1,Đại Nam quấc âm tự vị (Dictionnaire ANNAMMITE) Huình Tịnh Paulus Của-Sài Gòn 1895.
2,Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa -Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm chú giải (NXB Khoa học xã hội – Hà Nội 1985).
3,Ngũ thiên tự -Đoàn Trung Còn (Nhà xuất bản Thanh Niên-1999)
4, Từ điển AN NAM – LUSITAN – LA TINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La) A.de Rhodes - NXB Khoa học xã hội-1991.
5,Việt Ngữ Tinh nghĩa từ điển-Long Điền Nguyễn Văn Minh (-NXB Quảng Vạn Thành- Hà Nội 6/1950).
6.Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam -GS Nguyễn Lân (NXB Văn hóa – 1989)
7.VIỆT NAM TỰ ĐIỂN - HỘI KHAI TRÍ TIẾN ĐỨC - NHÀ IN TRUNG BẮC TÂN VĂN – 1931 (BẢN SCAN CỦA VIETNAMTUDIEN.ORG )
8. Từ điển từ Việt Cổ-Nguyễn Ngọc San- Đinh Văn Thiện-NXB Văn hóa thông tin-2001. (Cần nói thêm từ tràng vốn gọi đầy đủ là tràng vạt (trường vạt-vạt dài), sau này mới biến đổi và gọi tắt là tràng (trường) với nghĩa mặc định là vạt trước của áo dài. (Đúng như Đào Duy Anh giải thích trong Từ điển Truyện Kiều).
9. Một số bài viết của Huệ Thiên (An Chi) được đăng lại trên e.cadao.com vàngonngu.edu.vn