Wednesday, 26 February 2014

NGÀY MỚI - Vũ Hạ (Tiếng Quê)



– Quỳ xuống!

Hai gối tôi lập tức khụy xuống đất như cái máy. Tên thượng sĩ Tàu béo phị vẫn chễm chệ trên chiếc ghế bành bày giữa phòng. Bên cạnh, gã trung úy công an phường vẫn xun xoe với cái lưng cong và ánh mắt láo liên.

– Khai! Tên thượng sĩ Tàu vẫn nói như hét, bằng tiếng Việt giọng Tàu lơ lớ.

Gã trung úy công an người Việt tiếp ngay mệnh lệnh của tên Tàu béo phị với giọng thị uy:

– Đứa nào xúi giục mày bôi nhọ chế độ, hở thằng phản động?

– Dạ, tôi có dám nói gì đâu!

– Không dám nói mà dám nghĩ, phải không?!


Gã trung úy công an quay sang tên thượng sĩ Tàu, khom lưng, xí xa xí xố một tràng bên tai. Bỗng tên thượng sĩ Tàu nhương nhướng cặp mắt như hai đoạn chỉ đỏ nằm vắt ngang cái mặt chảy phệ, chỉ xuống chân, ra lệnh:

– Liếm giày tao!

Tôi dợm đứng dậy thì gã trung úy công an gằn giọng:

– Ai cho phép mày đứng lên, mạy? Bò!

Tôi lật đật bò về hướng tên lính Tàu. Ngay khi đó, gã công an bước đến đạp mạnh vào giữa lưng tôi. Hơi thở tôi bị cắt ngang, mũi dập xuống nền, tuôn máu. Gã công an vẫn để chân trên lưng tôi, quát:

– Trườn !

Gom hết sức, tôi run rẩy trườn đến rồi ôm ghì lấy chân tên Tàu béo phị, lè lưỡi liếm lên đôi giày lính vốn dĩ đã bóng loáng của hắn. Hắn cười khặc khặc, cái thân núc ních mỡ rung giật từng hồi. Sau cơn đắc chí, hắn khoan khoái móc điếu xì gà trong túi gắn lên đôi môi thâm; gã trung úy công an vội vội vàng vàng lấy bật lửa khom lưng mồi. Tên lính Tàu phà những đợt khói trắng lơ lửng. Chợt nhớ ra điều gì, hắn lại móc túi lấy điếu xì gà khác thẩy cho gã trung úy công an; gã nầy đáp trả bằng ánh mắt hoan hỉ, biết ơn.

Vẫn ánh mắt sắc như dao lam, tên lính Tàu hướng về vợ tôi đang bị hai tên công an phường xốc nách trong một góc. Hắn ngắm vợ tôi từ đầu đến chân, thong thả, đủng đỉnh như ác thú vờn mồi. Căn phòng im bặt, chỉ còn tiếng khóc rấm rứt của con tôi, mới lên hai, úp mặt vào ngực bà ngoại.

– Lôi nó đến đây!

Hắn hất hàm ra lệnh. Đoạn hắn uể oải đứng dậy khi hai tên công an lôi vợ tôi đến trước mặt

– Nị cũng “lẹp” lắm chớ! Hắn vừa nói vừa đưa tay xoa xoa ngực vợ tôi trong tiếng cười hô hố của đồng bọn.

Vợ tôi mặt tái xanh, đầu cúi gầm. Tôi vẫn ở dưới, ôm chân tên tàu. Nước mắt vợ tôi nhỏ giọt trên đầu, trên cổ tôi… Vẫn chưa hả dạ, tên lính Tàu thọc tay vào quần vợ tôi, sờ nắn… Tôi chạm phải ánh mắt van lơn với bao nhiêu là nhục nhã, ê chề của vợ tôi… Tôi vẫn bất động trên sàn nhà. Thân phận tôi thấp hơn cả mặt đất…

Vẻ bực dọc vì tiếng khóc rấm rứt của con tôi, tên lính Tàu chau mày. Hắn thủng thỉnh kéo lại cái vạt áo rồi buông từng bước về hướng hai bà cháu. Cặp mắt ti hí của hắn nhìn xuống thăm dò phản ứng của tôi… Khi đến bên cạnh con tôi, hắn đưa tay nựng nịu, nói:

– Uổng. Chết sớm!

Đoạn hắn rút khẩu súng ngắn đeo lủng lẳng bên hông, dí vào đầu con tôi. Miệng hắn nhoẻn nụ cười khoái trá man rợ… Rồi bỗng sắc mặt hắn đanh lại. Lạnh. Tôi thét lên…

– Phi cơ chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Lê Quốc Quân. Hiện tại nhiệt độ bên ngoài là…
Tiếng cô chiêu đãi viên hàng không lảnh lót, vang trong không gian. Tôi giật mình thức giấc, mồ hôi nhễ nhại trên trán, trên ngực…

Rời phi trường, tôi đón chiếc Taxi về khách sạn. Khách sạn nhỏ nhưng tươm tất, thuộc trung tâm Hà Nội, gần Hồ Gươm. Tắm xong tôi cảm thấy hơi đói bụng và chồn chân sau nhiều giờ bó gối trên máy bay nên tự dưng thèm một tô phở –loại phở Bắc chính cống– và thèm đi bộ. Chụp chiếc áo khoác bước xuống sảnh tiếp tân, tôi nhờ anh nhân viên đứng sau quầy hướng dẫn lối đến quán phở ngon trong vùng.

– Ra cổng, Ông đi về hướng tay mặt nhé, đến ngả tư đèn xanh đỏ thì rẽ trái sang bên kia đường, sau đó đi một quãng Ông sẽ trông thấy cái công viên thì Ông đi xuyên qua công viên, ra khỏi công viên thì quán nằm ngay cuối đường bên trái, nhé! –Anh nhân viên tiếp tân trẻ lắm, mặt mũi tuấn tú, mắt trong sáng và nụ cười tươi luôn trên môi– Chúc Ông những ngày vui Hà Nội. Dứt câu, anh tiếp người khách sau lưng tôi bằng tiếng Anh rất ``chuẩn``.

Bên ngoài, trời đầu xuân, buổi sáng hơi lạnh và có tí sương váng vất. Đường phố đã được quét dọn sạch sẽ, chỉ một hai chiếc lá rơi. Những ngôi nhà nho nhỏ xinh xắn nấp sau những rặng cây… Theo sự hướng dẫn, tôi thả bước lững thững một chốc thì đến ngả tư. Một vài chiếc xe đạp chậm rãi qua lại, trong khi đợi đèn cho phép qua đường, mắt tôi đậu trên bảng tên Đường Nguyễn Hữu Đang. Đường nầy cắt ngang với đường Đinh Nguyên Kha. Tôi rẽ trái đi dọc theo đường Đinh Nguyên Kha một quãng, không lâu, thì đúng là công viên xanh lá đang lớn dần, tôi lẩm bẩm: Công Viên Phương Uyên.

Công viên nhỏ đang tắm sương mai. Sáng chủ nhật. Tôi chọn chiếc ghế đá ngồi xuống nghe chú chim nhỏ hót trên cành. Nó cứ líu lo, không biết chuyện gì ? Rồi nó chuyền cành rồi lại hót… Nhìn chung quanh tôi: rất nhiều hoa, đủ loại, nhưng chỉ mỗi màu trắng, trắng như màu áo học trò buổi tan trường.

Một cô gái trẻ vận áo thun, sọoc ngắn, chạy lúp xúp, thở hổn hển; nhìn tôi cô nhoẻn miệng cười chào. Trông cô tinh khiết và tràn trề sức sống. Tôi cũng cất tiếng chào nhưng chắc cô chẳng nghe vì cô vừa chạy vừa nghe nhạc từ cái máy nhỏ xíu đeo bên hông. Tôi đứng dậy lần theo dáng cô đang nhỏ dần. Nơi kia là ngõ ra của công viên. Bên phải, một cái hồ sen nhỏ – toàn là sen trắng – bao quanh bức tượng người thiếu nữ vung tay rải những cánh hoa. Nước từ hồ sen phún lên gây những tiếng lao xao vui tai.

Rời công viên, bên nầy là đường Huỳnh Thục Vy, cũng rợp bóng cây. Bảng đường hướng dẫn: bên phải hướng về cầu Điếu Cày, bên trái theo đường Cù Huy Hà Vũ là đến quảng trường Quang Trung. Theo hướng dẫn của anh nhân viên tiếp tân khách sạn, tôi lần về hướng trái. Chả mấy bước thì tôi nghe mùi phở thơm lừng, lẩm nhẩm: «Ôi, Hà Nội, phở, của muôn thuở!»…

Sau khi tô phở đã nhẵn bóng, trong khi chờ đợi cà phê, tôi bấm điện thoại gọi nhà tôi:

– Anh đây. […] Không, không mệt! […] Vừa mới ăn phở xong đây. […] Ngon. Phở Hà Nội mà ! […] Ừ, sáng mai anh mới đi nhận nhiệm sở. Các con, sao? […] Chúng nó nhớ bố lắm không? […] Có ai nhớ nữa không? […] Bên ấy chắc còn tuyết, nhỉ? […] Năm nay mùa đông dài thật! […] Ừ, tuần tới em về rồi thong thả xem nhà. Mình có nhà sở cấp để ở tạm mà, lo gì…

Theo lời hướng dẫn niềm nở của bác hàng phở, tôi rẽ phải lấy đường Nguyễn Đắc Kiên, đi một đoạn, đụng phố Hàng Khay thì thấy Hồ Gươm bao phủ những vòm cây xanh lá.

Chọn một chỗ ngồi bên bờ hồ. Tháp Rùa cổ kính mờ ảo trong làn sương. Một chút gió. Một chút sóng lao xao. Trên ghế đá, cạnh tôi, một bà lão tóc trắng nhiều đang đọc sách cho cháu, con bé lối năm, sáu tuổi gì đó. Khuôn mặt nó bầu bĩnh, hai mắt mở to, trong veo:

– Thế rồi sao nữa, bà? Nó lắc tay bà cụ, giục. Hai cái chuôi tóc đung đưa, lúc lắc theo.

– Thế rồi nhà vua cho thuyền ra giữa hồ, trao trả lại gươm báu cho Rùa Thần. Vì thế mà còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm; hoàn là trả lại, kiếm là gươm – bà lão âu yếm xoa đầu đứa bé – Thôi, ta về nào!

Dáng hai bà cháu xa dần. Bà mặc áo màu nâu sồng, cháu màu vàng; trời trong xanh, lửng lơ mây trắng; nước hồ màu lục…

Như có vật gì cục cựa dưới chân, tôi nhìn xuống: một chú rùa nhỏ xíu, độ hơn bàn tay chút đang chậm chạp bò về hướng mặt hồ. Tôi bế nó lên, tiến tới đặt xuống mặt nước. Nó lặn mất. Trông bóng cây in trên mặt hồ lung linh, tôi nhủ thầm: «Thế hệ mới đây!» Đằng kia Tháp Rùa vẫn cổ kính, trang nghiêm.

Vũ Hạ