Wednesday, 12 February 2014

Ngô Nhân Dụng - Ðảng tan rã vì những thế lưỡng nan

Trong cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi (Chương 12), Trần Trọng Kim nhận xét về đảng Cộng sản Việt Nam: “Cái chủ nghĩa cộng sản về đường luận thuyết cũng có điều bảo thủ như là muốn chữa những điều bất công trong xã hội, nhưng về đường kinh tế, thì lại áp chế quá, làm lắm điều hà khốc và dùng những thủ đoạn quỷ quyệt giả dối, khiến người ta mất lòng tin cậy. Ðem cái bất công bình nọ mà phá cái bất công bình kia thì dù có thắng lợi đi nữa, cũng không chắc đã vững bền.” (Xin chú thích: Bảo thủ ở đây nghĩa là đáng giữ)
Trần Trọng Kim viết cuốn hồi ký này trước khi qua đời năm 1953 ở Ðà Lạt, vào tuổi 70, nhà xuất bản Vĩnh Sơn, Sài Gòn, in di cảo vào năm 1969. Trước đây hơn 60 năm, tác giả đã tiên đoán rằng dù có thắng lợi đi nữa, đảng Cộng sản cũng không vững bền. “Cũng không chắc đã vững bền” là lối diễn tả nhẹ nhàng theo ngôn ngữ của một nhà giáo, một người thấm nhuần phong cách Nho gia. Theo lối bây giờ sẽ nói thẳng rằng vì “người ta mất lòng tin cậy” đảng Cộng sản chắc chắn sẽ tan rã.
Vào lúc Trần Trọng Kim tiên đoán chế độ Cộng sản sẽ tan rã, cụ hoàn toàn dự đoán theo lương tri, chưa có kinh nghiệm như chúng ta bây giờ đã chứng kiến cảnh sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Nga và Ðông Âu từ năm 1989. Ngày nay lớp hậu sinh học hỏi được nhiều hơn, với nhiều bằng cụ thể chứng hơn, chúng ta thấy rõ hiện tượng Ðảng Tan Rã đang xẩy ra, đúng như lời tiền nhân tiên đoán.
Trước hết vì các chế độ độc tài sụp đổ là một trào lưu đã diễn ra khắp thế giới liên tục trong 40 năm qua. Từ thập niên 1970 đến nay, gần 100 quốc gia đã chuyển từ độc tài sang các thể chế dân chủ dưới nhiều hình thức, và với mức độ tự do nhiều hay ít khác nhau. Các nước đổi sang thể chế dân chủ ngày càng nhiều, tại những nước đã dân chủ hóa thì dân vẫn đòi hỏi được tự do thêm. Người dân cũng như giới quyền quý ở Việt Nam, cũng như bên Trung Quốc đều biết điều đó.
Có một kinh nghiệm lịch sử, là các chế độ độc tài thường chấm dứt sau khoảng thời gian khoảng 70 năm cầm quyền, dù không bị sụp đổ do một biến cố bên ngoài, như Ðức Quốc Xã, Phát Xít Ý, hay Quân Phiệt Nhật thua trận. Cộng sản Liên Xô nắm quyền lâu nhất, được 74 năm. Quốc Dân Ðảng Trung Hoa được 73 năm, bắt đầu ở lục địa, chấm dứt ở Ðài Loan. Ðảng Dân chủ Ðịnh chế (Partido Revolucionario Institucional, PRI) ở Mexico cai trị 71 năm. Cả hai đảng ở Ðài Loan và Mexico sau còn được dân bầu trở lại cầm quyền vì họ chấp nhận, khởi xướng quá trình dân chủ hóa. Ðảng Cộng sản Nga thì không. So với thời hạn 70 năm thì hiện nay chế độ Cộng sản Trung Quốc đã thọ được 65 tuổi tính từ năm 1949, Cộng sản Việt Nam đã cầm quyền 69 năm kể từ năm 1945. Không biết hai đảng này sẽ phá được kỷ lục của Liên Xô hay không, nhưng chắc chắn họ sẽ theo chung một số phận. Cảnh tan rã thường được báo hiệu từ hàng chục năm trước, cường độ tăng lên dần dần.
Có hai lý do khiến cho các chế độ độc tài phải tan rã, dù ở Liên Xô, Mexico, Việt Nam hay ở Trung Quốc. Thứ nhất là hiện tượng suy đồi từ bên trong guồng máy thống trị. Thứ hai là loài người tiến bộ, với những thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội, nhất là trong kỹ thuật thông tin. Hai hiện tượng đó diễn ra song hành, thúc đẩy lẫn nhau, đưa tới tình trạng “Ðảng Tan Rã” không thể tránh được.
Về hiện tượng tự suy đồi, các chế độ độc tài nuôi sẵn những mầm mống tự diệt, ngôn ngữ Mác xít gọi là những mâu thuẫn nội tại. Mâu thuẫn là điều Karl Marx coi là không thể tránh được, dù ông chỉ lo phân tích những mâu thuẫn nội tại của kinh tế tư bản. Sau khi phân tích, ông Marx tiên đoán các mâu thuẫn từ bên trong sẽ khiến hệ thống kinh tế tư bản giẫy chết. Kết luận này sai lầm, không phải vì kinh tế tư bản không có những mâu thuẫn nội tại. Nhưng nhờ được bổ túc bằng thể chế dân chủ nên các mâu thuẫn được biểu hiện tự do, nhờ thế tự thay đổi. Một “hệ thống mở” có khả năng tự chuyển hóa để thoát chết. Một hệ thống khép kín như các chế độ độc tài cũng cần đáp ứng các mâu thuẫn nội tại. Nếu nó cứ tiếp tục khép kín thì sẽ đi tới sụp đổ. Ngược lại, nếu nó bắt đầu cởi mở thì xã hội sẽ tự đổi, dần dần tới lúc không còn độc tài nữa. Ðây là một thế lưỡng nan khó thoát ra được. Ðảng có thể tan rã qua hai con đường, hoặc sụp đổ nhanh chóng hoặc qua những “diễn biến hòa bình.”
Ngoài ảnh hưởng các mâu thuẫn trong xã hội, một hệ thống khép kín tự nó đã chứa những mâu thuẫn, giữa thực tế và lý tưởng. Ðầu thế kỷ 20, nhà phân tích xã hội Robert Michels người Ðức đã phân tích mối mâu thuẫn nội tại trong các đảng xã hội, một bên là lý tưởng tự do và bình đẳng, một bên là thực tế quyền hành được tập trung vào trong tay một nhóm nhỏ các lãnh tụ. Tập trung quyền kiểm soát các đảng viên, quyền sử dụng các tài nguyên của đảng, sẽ đưa tới chế độ quả đầu (oligarchy). Hiện tượng này thấy rõ trong các chế độ độc đảng, đưa tới cảnh suy đồi ngay từ bên trong.
Không thể nào có dân chủ ở bên trong một đảng nếu đảng này chủ trương cai trị cả xã hội bằng phương pháp chuyên chế. Khi một đảng chiếm độc quyền lãnh đạo, qua một, hai thế hệ, các lãnh tụ sẽ thấy cơ hội “thu lợi nhuận,” vì họ đã “đầu tư” cả cuộc đời vào đảng. Với độc quyền lãnh đạo, xã hội không có cơ chế nào để kiềm chế họ. Giữa đám lãnh tụ, các mâu thuẫn sẽ nảy sinh, họ tranh giành nhau, khi cần thì thay đổi “luật chơi” trong nội bộ để chiếm thêm nhiều quyền và nhiều lợi lộc hơn. Bên ngoài, những người lanh lẹ, khôn ngoan nhìn thấy việc vào đảng như một cơ hội đầu tư. Những đảng viên bên dưới có thể “phấn đấu” leo dần lên các nấc thang, chờ tới ngày sẽ trở thành lãnh tụ và bắt đầu thu lợi nhuận. Nhưng tất nhiên họ cũng thấy có thể thu lợi nhuận sớm hơn, vì ở mỗi cấp quyền hành đều tập trung và không cơ chế bên ngoài nào để kiểm soát và kiềm chế. Ðộc quyền lãnh đạo thi hành từ trên xuống dưới tạo ra môi trường thuận lợi cho họ. Ðó là nguyên nhân gây nên cảnh lạm quyền, tham nhũng, các đảng cộng sản ở Trung Quốc cũng như Việt Nam đều đã thú nhận. Họ không thể giảm bớt được tệ nạn này nếu vẫn tiếp tục giữ độc quyền lãnh đạo. Nhưng mối mâu thuẫn nội tại này không đủ làm cho đảng tan rã nhanh nếu không có những mâu thuẫn lớn trong sự vận hành của toàn thể hệ thống.
Trong một xã hội sống dưới chế độ độc tài, mối mâu thuẫn thứ nhất phát khởi vì nhu cầu của đảng phải kiểm soát đám dân bị trị. Càng kiểm soát chặt chẽ thì càng làm cho xã hội chậm tiến, từ kinh tế đến văn hóa. Người dân so sánh chế độ mình đang sống với các nước chung quanh, thấy họ đang thua kém về mọi mặt, thấy cần thay đổi chế độ. Muốn xoa dịu lòng dân thì phải nới lỏng guồng máy kiểm soát, phải “đổi mới” để đáp ứng nhu cầu, từng bước một. Ðài Loan, Ba Lan, Hungary đã đi từng bước như vậy trong hàng chục năm, trước khi thay đổi hẳn. Ði trên con đường này chính quyền độc tài có dịp lâu lâu lại kể công mình đã “đổi mới” cứu dân thoát tai họa của những người cầm quyền trước, độc tài hơn mình. Những khẩu hiệu “tiến lên chủ nghĩa xã hội” được thay thế bằng khẩu hiệu “tiếp tục đổi mới để tiến lên.” Con đường này trước sau cũng trở thành “diễn biến hòa bình” đòi thay đổi toàn diện. Nếu cố cưỡng lại khát vọng của người dân thì mâu thuẫn ngày càng nặng hơn, diễn biến sẽ không còn hòa bình nữa, như đã xảy ra ở Phi Luật Tân thời Marcos, ở Nga, và đặc biệt ở Rumania. Ðây là một thế lưỡng nan (dilemma), chọn đi theo con đường nào cũng dẫn tới tình trạng chế độ tan rã.
Mâu thuẫn thứ hai nằm ngay trên con đường đổi mới chậm từng bước. Nới rộng guồng máy kiểm soát thì người dân sẽ được no ấm hơn. Nhưng sau khi đủ ăn, đủ mặc rồi, kỳ vọng của dân chúng sẽ lên mức cao hơn. Uy tín của chính quyền được đo lường bằng những bước tiến trên đường phát triển kinh tế nó cho biết nền cai trị bền vững hay không. Nhưng các nhu cầu kinh tế sẽ gia tăng, người dân vẫn tự so sánh đời sống của họ với các nước chung quanh mà họ nhìn thấy trên ti vi, hay qua đám du khách. Chính quyền độc tài bị đặt vào một thế lưỡng nan mới. Nếu kinh tế phát triển chậm, dân bất mãn, có thể đưa tới diễn biến không hòa bình. Nếu kinh tế tiến bộ, xã hội thay đổi, tâm lý và thái độ của người dân sẽ thay đổi, người ta không thể chấp nhận sống dưới ách độc tài mãi được. Vì kinh tế phát triển tạo ra một tầng lớp trung lưu, lợi tức và học vấn cao hơn. Họ sẽ nuôi những khát vọng bình thường của giới trung lưu khắp nơi. Họ ý thức về quyền công dân của mình, họ biết tập họp thành tổ chức, một xã hội công dân ra đời là mầm mống tạo thêm nhu cầu sống tự do dân chủ. Ðảng PRI đã thành công phần nào trong việc nâng cao đời sống của dân Mexico trong hơn nửa thế kỷ; nhưng chính vì thế mà dân gặp họ muốn thay đổi.
Các chế độ độc tài thường ra đời sau các cuộc chiến tranh hay cách mạng, với những lãnh tụ đầu tiên được tô điểm bằng hình ảnh hấp dẫn quần chúng, Max Weber gọi là “charisma.” Sau đó, phải đi qua một quá trình mà Max Weber gọi là “bình thường hóa” (routinization). Mâu thuẫn nằm trong quá trình này, vì không đáp ứng được những thay đổi trong xã hội. Các chế độ độc tài thất bại vì không thể bình thường hóa một nền nếp xã hội mà giới trung lưu nhìn thấy là không bình thường. Giới trung lưu thành hình khi kinh tế phát triển. Lợi tức lên cao khiến người ta muốn tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ mà người nước khác được hưởng. Sau khi thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng (cơm ăn, áo mặc, nhà ở) sẽ nẩy sinh những nhu cầu ở cấp cao hơn, như con cái được hưởng một nền giáo dục tử tế, mình được an toàn nhờ pháp luật bảo vệ, được thỏa mãn các nhu cầu tinh thần, như quyền được đóng góp ý kiến về những quyết định chung liên can đến mình. Nhu cầu cao nhất là quyền được lựa chọn, được quyết định, do đó cần được cởi trói khỏi chế độ độc tài. Người ta tin vào một số giá trị giống giới trung lưu ở các nước tiến bộ, vì trình độ học vấn tương tự. Với hiểu biết rộng hơn, họ cũng bớt bảo thủ, sẵn sàng chấp nhận những bất đồng về tư tưởng, ý kiến. Họ tự ý thức các quyền lợi của mình và quyền lợi chung của xã hội mình đang sống; và họ sẵn sàng lên tiếng đòi hỏi, nếu cần thì hành động để phản kháng.
Một xã hội không thể tạo ra một tầng lớp trung lưu trong khi vẫn duy trì một guồng máy kiểm soát đè nén không cho những khát vọng của giới trung lưu được thể hiện, qua xã hội công dân với những tổ chức mà giới trung lưu tự lập để thể hiện những giá trị bình thường của giới trung lưu khắp mọi nơi. Diễn biến tất sẽ xảy ra, hòa bình hay không hòa bình. Chế độ độc tài phải tan rã.