Tình cờ tôi nhận được một món quà của một thân hữu bên Mỹ biếu, đó là quyển “Phiên bản tình yêu” (gồm hai quyển, quyển 1 và quyển 2 - tất cả 1240 trang) của một tác giả có bút danh lạ hoắc: Vũ Biện Điền.Vũ Biện Điền là ai, người mà chúng ta có thể mới nghe tên lần đầu tiên trong làng văn, làng báo. Theo người viết lời giới thiệu ở đầu quyển sách, Vũ Biện Điền, bút danh mới của quyển “Phiên bản tình yêu”, là một cây viết cũ, được nhiều người biết với sáu, bảy quyển sách đã xuất bản trước đây. Nhưng tác giả không thể dùng bút hiệu trước được cho nên phải tạm lấy bút danh mới này, bởi một lý do rất dễ hiểu là ông còn ở trong nước. Vũ Biện Điền đã lột trần hết những sự ngu dốt, những việc xấu xa, đê tiện, những hành động dã man, những mánh lới gian manh và sức mạnh cường hào để trấn lột của cải dân chúng, những mưu mô thâm độc để giết hại dân lành của bọn chóp bu CS - hạng ngồi trên, ăn trước - trong quyển truyện này. Tác giả là một nhân chứng sống, là người trong cuộc, là người phụ trách một tổng công ty của nhà nước Cộng sản ở một thị xã miền Bắc, có nhân viên khoảng 1200 người. Những gì tác giả thuật lại trong tác phẩm “Phiên bản tình yêu” này là chuyện thật dưới mắt, trước mặt, không phải là chuyện tác giả tưởng tượng ra để bêu xấu Việt Cộng. Vậy chúng ta hãy tin tưởng Vũ Biện Điền.Trong một tác phẩm dày 1240 trang, viết về chế độ mafia này thì cũng có ít nhất hàng trăm chuyện để kể. Nhưng, với cảm nghĩ của một nhạc sĩ, tôi thích nhất đoạn tác giả kể lại chuyện tác giả đi tìm người yêu nhỏ bé, trong trắng và ngây thơ của ông, bị đưa vào động và bị bọn ăn trên ngồi trước của tỉnh đưa vào phòng riêng VIP của một khách sạn để bày trò “orgy”, qua sự cấu kết của một bà chủ nhà hàng và một bà chủ quán Karaoke mê tiền. Thôi thì có mặt hầu hết các quan lớn trong tỉnh mà tác giả đều biết rõ mặt mày, biết rõ tên tuổi như Phó Chủ tịch thị xã, Chi Cục trưởng khu nghiệp, Giám đốc Sở Thể dục Thể thao, Trưởng Phòng Vật tư, Giám đốc Cầu Đường bộ, Trưởng Phòng Thuế vụ, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và một số phụ tá của những tai to mặt lớn này. Trò chơi cũng kỳ dị, lạ đời, với những tiếng hét “Dô! Dô! Ay da!”, “Houra, houra, hê! Houra, hê! – như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, như Thủy thủ và các nàng tiên người cá hay sự sinh hoạt của một bộ lạc rừng rú nào đó bởi những tiếng “À um! À um” như cọp rống bên những thiếu nữ mơn mởn, hơ hớ, không một mảnh vải che thân, trong đó có người yêu trinh trắng của tác giả và nhìều cô gái khác. Thì ra bọn quỷ sa tăng này đang chia nhau uống rượu máu màng trinh đựng trong một cái bồn men trắng đặt ngay chính giữa phòng, để được cải lão hoàn đồng, sống lâu trăm tuổi, học theo sách vở quan thầy Tàu ô của chúng.
Nhưng điều chính yếu mà tôi muốn kể lại trong bài viết này là ngoài những tiếng hô, những tiếng la hét man di, như những tiếng gào thét lên đồng hay trần truồng, nhảy nhót điên cuồng như một bộ lạc bán khai ở rừng Amazone, là lúc mà một tay chơi bất ngờ nổi hứng, cất tiếng gào to lên bài hát “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và được những tay khác đồng thanh ú ớ phụ họa theo. Tác giả sững sờ khi nghe “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng – Lời bác nay thành chiến thắng huy hoàng… Việt Nam! Hồ Chí Minh! Việt Nam! Hồ Chí Minh!” Họ hát để chi vậy? Tác giả suy đoán, họ hát để kích thích sự dâm loàn, họ dùng âm thanh bài hát này để tự kích dục, cũng như dùng tiếng kèn thúc quân nung lòng chiến sĩ khi xông pha trận mạc vậy. Trời ơi! Một bài hát được một tác giả VC say sưa mừng đại thắng mùa Xuân, được viết vội trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau ngày CS cướp miền Nam, để tỏ lòng tôn thờ, đời đời nhớ ơn, đời đời đội ơn lãnh tụ, có ba chữ Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu của họ trong đó, sao lại đem ra hát lên ở chỗ ăn chơi trụy lạc, lầu hoa nhơ nhớp này? Say máu, say tình hay là say dâm? Có tên còn hăng tiết, vừa chui qua háng của một cô đứng chàng hảng, không mảnh vải che từ trên xuống dưới, vừa hau háu nhìn lên chỗ kín của thiếu nữ, miệng oang oang bài hát chiến thắng “Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Hồ Chí Minh!” cùng với sự phụ họa của các tên khác. Ngày vui đại thắng… Chiến thắng huy hoàng là đây à? Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông, để làm chi? Có phải để có được một đêm như đêm hôm nay? Thật không uổng bao nhiêu xương máu… của người khác.Tôi nghĩ bài hát “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là một bài hát ngắn, chỉ có mấy câu, dễ nhớ dễ thuộc, cho nên bọn uống máu màng trinh thiếu nữ này mới hát được. Rất may cho nhiều nhạc sĩ VC khác - mỗi người cũng có vài chục ca khúc ca tụng bác Hồ của họ vậy - nhưng vì bài hát của họ dài và khó nhớ, cho nên những tay chơi này không thể nhớ để mà hát ở đây, hôm nay.
Và tôi lại nghĩ thêm – không biết có phải vậy không – những kẻ này, những tên 45 hay 50 tuổi đảng này, những tên tai to mặt lớn dâm dật, trụy lạc, sa đà, trong thị xã này, trước những thiếu nữ lõa lồ, duyên dáng, quyến rũ và mời gọi như vậy, trong giờ phút đó họ coi vị lãnh tụ của họ như một mẫu thuốc lá hút dở mà họ quăng đi, hay một miếng giấy lau tay dính đầy máu trinh mà họ vứt trong thùng rác. Hồ Chí Minh - trước rượu, thuốc lá và gái - đối với họ, không có chút nghĩa lý gì cả.Một chuyện khác mà tôi kể tiếp theo đây, quý thân hữu nghe xong cũng thấy buồn cười cho tình người tị nạn. Một ông nọ cư ngụ bên Mỹ, qua e-mail làm quen với tôi, vì biết tôi là người viết nhạc và tỏ ý cho tôi biết là ông ta thích nhạc của tôi, mến mộ tôi, thường hay sưu tầm những bài nhạc của tôi để làm tài liệu. Thư từ e-mail qua lại, tôi nhận thấy ông ta có tinh thần quốc gia và ngoài ra, ông ta còn là một cựu quân nhân. Có lẽ quý thân hữu cũng còn nhớ là trước đây khá lâu, tôi có viết một bài ngắn có tựa đề “Không viết không chịu được”. Mà thật vậy, cho đến bây giờ, nếu những điều mà tôi được biết cứ để mãi ấm ức trong lòng chắc tôi phải ray rứt cho đến nay.
Đó là lúc Nguyễn Cao Kỳ qua đời, và có vài điều tôi biết về ông Kỳ, cho nên tôi phải nói ra vì thời đó, khi NCK vừa qua đời, có nhiều bài viết ca tụng ông ta một cách thái quá đến trắng trợn. Ông ta là một cựu Phó Tổng thống mà lại trở cờ, sỉ nhục quân lực VNCH và có những lời nói khó nghe đối với những người Việt tị nạn CS. Mặc dù những kẻ bênh vực NCK đã rào trước đón sau rằng “nghĩa tử là nghĩa tận”, để không ai nói về người ấy nữa. Thế mà họ khen ông Kỳ thì được, còn ai có lời nói thật về ông này thì họ chống đối. Trong bài viết của tôi, tôi kể rằng tôi được một người bạn thuở còn học Trung Học Le Myre de Vilers (Mỹ Tho) là Nguyễn Thanh Lịch, cùng học lái phi cơ ở Marrakech (Maroc) chung khóa với ông Kỳ và sau khi về nước, vì là đồng môn của ông Kỳ cho nên Joseph Lịch (tức Nguyễn Thanh Lịch) được ông Kỳ nâng đỡ, đưa qua Hàng Không VN lái phi cơ dân sự đi Hong Kong, Đài Bắc. Quen với Lịch cho nên một hôm tôi được Lịch rủ vào Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc để xem một màn biểu diễn có một không hai của một cô gái Đài Loan - dùng cái đó của phụ nữ để làm đủ thứ trò - do ông Kỳ mời từ Đài Bắc qua biểu diễn ở Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc duy nhất có một đêm và ngay sáng hôm sau, đàn em của ông Kỳ lái phi cơ quân đội đưa cô gái Đài Loan này trở về Đài Bắc. Thời kỳ đó (1964-1967), VC đã mở nhiều cuộc tấn công miền Nam chúng ta, chiến tranh đã lan rộng khắp nơi, cho nên tôi có ý nói lên sự việc đó, trong khi chiến sĩ VNCH phải lo lùng địch, diệt địch ở mọi nơi thì tại Saigon một ông Phó Tổng Thống lại bày trò ăn chơi đàng điếm, khả ố như vậy.
Bài viết của tôi được phổ biến chừng hai tuần, thì ông bạn quen biết qua Internet này của tôi nói rằng tôi không nên viết những bài như vậy. Những người viết bài loại này – lời ông ta nói - là những người chỉ muốn nổi danh mà thôi. Tôi không trả lời gì ông ta cả mà chỉ âm thầm đơn phương cắt đứt sự liên lạc vì đối với tôi, trắng cho ra trắng, đen cho ra đen. Tôi không bênh vực hay nói xấu ai cả, tôi chỉ nói ra sự thật, những điều tôi biết mà có nhiều người không được biết, nếu để trong lòng, tôi không chịu được, vậy thôi. Nếu một người làm chuyện xấu xa, khi chết rồi, không ai được đụng tới được hay sao? Vã lại tôi không nói gì quá đáng đối với thần tượng của ông bạn này, chỉ trách cứ ông NCK về việc ăn chơi hư đốn, trụy lạc không đúng lúc, đúng thời của ông ta mà thôi. Mất một người bạn hay mất mười người bạn như vậy, cũng chẳng làm sao.Một cậu khác ở bên Úc, có vẻ còn trẻ tuổi, đã có gia đình, vợ hai con, cũng quen với tôi qua Internet. Anh này cũng tập tành viết nhạc và gửi nhạc nhờ tôi sửa chữa giùm. Và tôi đã ân cần chỉ bảo anh ta – không quản ngại mất thì giờ - từ kỹ thuật viết nhạc cho đến cách viết lời ca, trong một thời gian khá lâu.
Thế mà - chỉ có một người duy nhất lội dòng nước ngược - đó là người bạn ở Úc, người học trò trên Internet của tôi, không biết có phải là người Tàu mà tên Việt hay không, chẳng những không khen ngợi, khuyến khích ông thầy nhạc của mình thì thôi mà lại còn có những lời lẽ vô lễ, khiếm nhã. Ông bạn trẻ này nói tại sao tôi chửi người Tàu quá thậm tệ như vậy, suốt cả bài nhạc cứ lập đi lập lại China, China, nghe thấy ghét. Tôi bảo với anh ta đây là một bài thơ, không có nói gì tới người dân nước Tàu, chúng tôi gọi China, chứ có đá động gì đến người Chinese đâu? E-mail trả lời tôi, anh ta cho tôi biết rằng anh ta kêu gọi bạn bè anh ta cùng thử nghe bài nhạc này để cho ý kiến, tất cả cũng đều đồng ý với anh ta là bài nhạc nghe không vô, chửi China làm họ rất khó chịu và các người bạn này của anh ta không thèm nghe tiếp nữa.Cho đến một hôm, khi tôi được đọc một bài thơ bằng tiếng Anh của cô Nguyễn P. Thúy trên Internet, tựa là “In the name of Peace”, nói lên lòng căm hận của dân Việt Nam trước sự hống hách, phách lối và ý đồ xâm lăng Việt Nam của Tàu cộng, và thấy bài thơ thích hợp với khí thế của người dân VN đang bừng bừng sôi sục, tuổi trẻ biểu tình chống Trung quốc khắp nơi, tôi mới viết nhạc với lời bài thơ này. Bài nhạc “In the name of Peace” được ca sĩ Tường Vi thu thanh. Sau khi đưa lên Youtube, tôi và cô Nguyễn P Thúy được không biết bao nhiêu người, ở hải ngoại cũng như ở trong nước, viết thư khen ngợi bài hát ra đời hợp với lòng dân chúng, đúng lúc, đúng thời.
Anh bạn ở Úc này cũng là người tị nạn như chúng ta mà lại phản đối một bài hát chống Tàu xâm lăng, kẻ thù của Việt Nam thì tôi không biết anh ta là người gì? Mất Hoàng Sa, Trường Sa, mất Bản Giốc, mất đất, mất rừng, mất biển, mất gần hết nước… anh ta không đau lòng sao? Vậy anh ta là ai? Anh ta là người Tàu, anh ta là VC, hay anh ta là Việt gian hoặc anh ta là con cháu của VC gửi qua Úc du học? Anh ta cũng có gia đình, đã có con, nghĩa là thuộc lớp người đứng tuổi mà thật sự hay giả đò không biết việc Tàu Cộng đang xâm lăng Việt Nam, rồi đi phản đối một bài nhạc chống Tàu. Thật tình tôi không hiểu nổi. Thôi thì giã từ anh học trò bướng bỉnh, khó thương và thiếu lịch sự này, cho đỡ phải nhức đầu.Một trường hợp khác cũng khá buồn cười: Tôi có thằng cháu ở Toronto, tuy kêu nó bằng “thằng” nhưng nó cũng đã 57 tuổi rồi và còn độc thân. Tôi kêu nó bằng thằng vì nó là cháu của vợ tôi, kêu vợ tôi bằng dì. Bấy lâu nay, qua những câu chuyện trao đổi, tôi nhận thấy nó cũng là một người biết điều, biết chuyện nào phải, chuyện nào trái, biết thế nào là người quốc gia, thế nào là cộng sản, cái gì thơm, cái gì thúi. Vì cũng sợ VC và oán ghét VC như chúng ta cho nên nó mới bỏ xứ, đi tị nạn.
Chắc quý thân hữu cũng thấy trong việc giao thiệp bằng e-mail, có một số người gửi e-mail cho bạn bè, hoặc nói chuyện với bằng hữu mà lập lại những chữ mà báo chí và đài phát thanh VC thường xài từ ngày chúng cướp miền Nam tới nay. Có người nói không ngượng miệng, nói một cách rất ư là tự nhiên… “từ ngày giải phóng” tới giờ… tôi thấy thật là không gì vô ý thức bằng, giải phóng con khỉ gì mà gọi là giải phóng, giải phóng để đem lại sự cùng cực, khổ sở, đói nghèo, khốn nạn cho dân miền Nam, như vậy mà gọi là “giải phóng” được hay sao? Có cướp miền Nam thì có. Chiếm đoạt đất đai, chiếm cứ ruộng vườn, nhà cửa, tài sản của người dân miền Nam thì có. Nếu anh hay chị là một bác nhà quê ruộng đồng, ít học thì không nói làm chi. Đàng này, người nói ra hai tiếng đó là những người miền Nam có học, trước 1975, cũng làm việc, ăn lương của chính phủ VNCH, thế mà bây giờ ra hải ngoại lại thốt lên hai tiếng phản nghĩa đó. Nếu anh chị là người quốc gia, tại sao không nói rõ ràng là từ ngày VC cướp miền Nam, từ ngày Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam, từ ngày VC vô, từ ngày mất nước, từ ngày đổi đời…thiếu gì cách nói. Rồi còn những thứ tiếng khó nghe mà VC xài, họ cũng bắt chước nói theo như vậy, nghe rất chói tai, không chịu được.
Thằng cháu “dễ thương” này của tôi chuyển cho tôi một e-mail trong dịp Tết với nhiều hình ảnh chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ ngày xưa (không biết ngày nay tên gì), nhưng tựa đề của bài báo VC là “Lễ hội hoa Xuân…” Tôi mới e-mail lại cho thằng cháu này, lưu ý nó trước nhất là đừng quảng cáo cho VC, thây kệ nó làm chợ hoa, chợ quả gì mặc xác nó, mình bỏ xứ đi rồi thì cần gì biết tới những cảnh chợ búa này. Hai là nó đừng xài hai chữ “lễ hội”, tiếng VC khó nghe lắm. Người ta nói Lễ Hai Bà Trưng, Lễ Hùng Vương, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan… chứ sao lại phải Lễ hội Hai Bà Trưng, Lễ hội Hùng Vương, lễ hội này, lễ hội nọ. Tôi bảo với nó rằng tiếng VC để chúng nó xài với nhau, còn tiếng của mình, mình xài, thế thôi. Tưởng đâu thằng này là người biết phải trái như từ trước đến nay, chuyện gì không nên làm thì bảo nó đừng làm, chuyện gì nó không biết thì nói cho nó biết, thế mà bỗng dưng nó trả lời một cách hỗn xược: “Không có ‘từ’ nào là ‘từ’ của Cộng sản và cũng không có ‘từ’ nào là ‘từ’ của quốc gia cả, dượng Tám ơi. Chỉ có tiếng Việt Nam thôi”. Nghe nó phản ứng như vậy, tôi đành chịu thua và cúp máy, không liên lạc với nó nữa, chứ đứng đó mà lai nhai, lải nhải để giải thích với một đứa – không biết ăn cái bả gì của VC – mà ăn nói một cách hồ đồ, vô phép và không đúng chút nào, chỉ làm mất thì giờ vô ích thôi.Trốn CS, bỏ xứ ra đi từ ngày đó, chúng ta tưởng rằng tất cả những người tị nạn CS như chúng ta đều giống chúng ta hết. Thật sai bét! Cái ý nghĩ ngây thơ này có trong đầu tôi từ ngày tôi vượt biên. Nào ngờ, đi xa cả mấy chục ngàn cây số rồi, cho đến 39 năm sau, mùi hôi thúi của VC vẫn còn nặc nồng đâu đó, quanh đây. Người Việt tị nạn CS đi đâu, CS bu theo đó, như đá nam châm, như mật với ruồi.
Đã bảo là trốn CS nhưng ra được hải ngọai rồi, được an cư lạc nghiệp rồi, anh lại quay về, nói là về thăm quê hương. Đúng, anh về thăm quê hương khi nào quê hương không còn bóng CS, nhưng anh lại về khi CS còn sờ sờ ra đó thì anh bảo về thăm quê hương là quá mâu thuẫn. Anh sợ bọn cướp giết anh khi bọn cướp vào chiếm đoạt của cải trong nhà anh, anh dẫn vợ con anh chạy trốn bên nhà hàng xóm để khỏi bị chúng nó giết, rồi anh lại mon men về, trong khi bọn cướp vẫn còn trong nhà anh mà anh nói về thăm nhà là nghĩa lý gì? Đã bảo là trốn CS, ra hải ngoại, anh vẫn làm những chuyện có lợi cho CS, có những hành động như luyến tiếc, nhớ nhung CS, làm đau lòng người tị nạn, anh có biết không? Nếu anh là CS trá hình, như mấy ông sư, mấy ông cha VC, nếu anh là Việt gian, hay anh là người quốc gia - mà vì một lý do khó nói gì đó - anh phải ”ăn cây nào rào cây nấy”, ơn đền nghĩ trả, thì chúng tôi cũng còn hiểu được đôi chút. Đằng này, anh dở dở ương ương, núp bóng quốc gia để làm lợi cho CS thì thà rằng anh trở về sống chung với CS còn hơn. Đừng làm ô nhiễm vùng đất êm ả này, trả lại không khí tươi mát, trong lành cho người tị nạn ở nơi đây.Trên đời - suy đi nghĩ lại, chúng ta thấy không sai chút nào – chỉ có 3 thứ làm cho con người dễ dàng sa ngã: đó là danh - tiền - và gái. Chưa có thì bằng mọi cách làm cho có. Và khi có một thứ rồi, lại thấy chưa đủ. Phải hai thứ, ba thứ mới đầy tham vọng của họ. Có danh thì muốn có thêm tiền, có tiền rồi thì muốn có gái. Danh dự, nghĩa lý, đạo đức không còn nữa trước cái bả vinh hoa, tiền tài và gái đẹp của VC đưa ra để nhử những kẻ háo danh, ham tiền và mê gái. VC hiểu tâm lý ấu trĩ này cho nên chúng đem ra áp dụng và áp dụng thành công đối với một số người lửng lơ, nói đó rồi quên đó, hành động không đi đôi với lời nói, lời nói không cánh mà bay. Không biết họ có thuộc thành phần “nhất trụ” (Nhất trụ, nhì tù, tam xanh, tứ kết) của VC hay không mà họ bám trụ dữ quá. Sống đục sao bằng thác trong, tội lắm các người ơi!
Danh mà chi, lợi mà chiMai kia mốt nọ, cũng thì sắc không.Lê Dinh(2014)