Wednesday 9 April 2014

Câu chuyện ‘Thủy Chung’ của người vợ lính VNCH

Người cộng sản VN nhân danh "độc lập, tự do, thống nhất, công bằng" để giết người vô tội.

Ngay cả  những người mang danh là "trí thức Bắc Hà", "sĩ phu cấp tiến", "trí thức dân chủ"... cũng vẫn khăng khăng tôn sùng Hồ Chí Minh, và Võ Nguyên Giáp.

Có nghĩa là, họ luôn cho chuyện giết người của ông Hồ và ông Giáp là chuyện đúng, hay ít nhất là cần phải làm.

Giết người vô tội, diệt chủng, dùng chiến tranh khủng bố mà có lý do "cao cả" là tốt sao?

Vậy người ta nhân danh gì mà kết án xử tội Goering, Himler...? Làm gì mà có thứ công lý nào khác hơn công lý của kẻ chiến thắng?

Không, tôi không tin như vậy.

Ông cựu thủ tướng Pháp Laurent Fabius không thể nào phủ nhận Hitler là người ái quốc vĩ đại của dân Đức, nếu ông ta ca tụng tướng Võ Nguyên Giáp là người ái quốc vĩ đại của dân Việt. Khi ca tụng như thế, ông Laurent Fabius có nghĩ đến 6 triệu người Do Thái cùng gốc với ông ta (dù ông ta đã cải đạo Thiên Chúa) đã bị giết bởi Hitler và đồng bọn?

Nước Mỹ chống chiến tranh khủng bố hay chỉ chống chiến tranh khủng bố nhắm vào nước họ.

Người ta chỉ đau sót khi bị xâm lược, còn lầm lẫm, và oai hùng khi đi xâm lược nước khác?

Nếu khi còn bất công thì còn đấu tranh.

Tội ác không thể bị chôn vùi qua những thỏa thuận chung để ngủ yên trên quyền lợi chung.

Henry Kissinger sẽ chết, nhưng những hành động của ông ta cho những cái chết của nhiều triệu người của hai dân tộc Việt Nam và Căm Bốt sẽ còn được xem xét lại.

Không thể nhân danh ái quốc mà giết người, rồi phủi tay ngủ yên.

Luật nhân quả đã luôn báo ứng. Và đó không phải là một lời nguyền, mà là lời cảnh giác, chẳng những là nhìn về quá khứ, mà cho cả hiện tại và tương lai.

Giá trị của đạo đức luôn được tôn trọng vì đạo đức là điều tất yếu cần có trong cuộc sống con người. Khi ai đó sống phi đạo đức, nạn nhân cuối cùng chính là họ.

Bài sau cho thấy có những thứ cũng được quí như tự do, độc lập, thống nhất..., nhưng không là những chiêu bài để cho các chính trị gia hay các đảng phái, quốc gia núp dưới đó đi giết người, ăn cướp. 

Đinh Thế Dũng


Câu chuyện ‘Thủy Chung’ của ngưi vợ lính VNCH
 
          Xin thuật lại đây câu chuyện người viết được nghe từ lâu về hành động quả cảm của một người lính VNCH có chồng bị Cộng sản bắt đi tù ‘Cải tạo’ tại miền Bắc như sau :
 
          Vào khoảng năm nào, tôi không còn nhớ rõ (có lẽ 1983 hay 1984 gì đó), lúc còn ở tại VN (Sài-Gòn), trong một lần đến chơi nhà người bạn thơ Trần Thiện Hiếu (hiện đang ở Sydney – Úc Châu), tôi gặp ông Hà Thượng Nhân và một người nữa vừa được Cộng sản trả tự do sau thời gian bị tù gọi là ‘bị Học tập cải tạo’. Lúc bấy giờ ông Hà Thượng Nhân chưa biết tôi. Trong buổi hôm đó, tôi được nghe người cùng đi với ông Hà Thượng Nhân kể lại câu chuyện như sau :
 
          «Có một ông Thiếu Tá bị đưa đi tù tận miền Bắc. Lúc được cho phép gia đình tiếp tế, thăm nuôi, vợ ông Thiếu Tá ra thăm ông, thấy chồng tiều tụy, gầy guộc, ốm o, bệnh hoạn. Năm sau, Bà lại ra thăm nuôi chồng nhưng không được gặp. Bà hỏi thì quản giáo bảo là ‘không biết’. Bà nổi sùng lên bảo: ‘’Chồng tôi năm trước còn ở đây, sao bây giờ, các ông bảo là ‘không biết’? Như thế, một là chồng tôi bị chuyển sang một trại khác, hai là chồng tôi đã chết hoặc chồng tôi trốn trại bị bắn chết hay đã thoát rồi, như vậy, các ông phải biết chứ?’’. Người quản giáo vẫn bảo:‘’Chồng bà không có ở đây’’. Bà tức giận, lớn tiếng hỏi mãi, cuối cùng, quản giáo nói là ‘’chồng bà chết rồi’’. Bà lại hỏi: ‘’Chồng tôi chết, tại sao chết, chết thì chôn ở đâu?’’. 

Do dự mãi, lát sau, quản giáo cho biết mộ chồng bà ở phía sau trại giam. Bà ta lân la hỏi các người tù đang đi lao động, được biết chồng bà bi đau rồi chết và chỉ chỗ chôn. Bà ta tìm đến mộ chồng, giở đồ tiếp tế bày ra, cúng chồng. Ðêm đó, Bà ở lại ngủ bên mộ chồng. Quản giáo ra đuổi bà đi thì Bà nói to lên: ‘’Sao các ông tàn nhẫn, không cho người vợ được ngủ bên mộ chồng mình sao? Có luật pháp nào cấm việc đó không?’’. Thấy Bà cương quyết quá, quản giáo đành làm ngơ. 

Sáng ra, Bà phân phát các thứ tiếp tế cho các bạn tù lao động gần đó rồi bẻ một nhánh cây cắm trước mộ chồng, nhổ một ít tóc treo vào nhánh cây đó. Năm sau, Bà lại lặn lội, đem theo thực phẫm tiếp tế ra thăm chồng lần nữa. Quản giáo bảo: ‘’Chồng Bà chết rồi, sao Bà còn thăm nuôi, tiếp tế làm gì nữa?’’. Bà bảo: ‘’Tôi thương, tôi nhớ chồng tôi, xin các ông cho phép tôi được ngủ bên chồng tôi lần nữa’’. 

Quản giáo ngạc nhiên, biết ngăn cản cũng khó vì ngại Bà lại lớn lời như trước nên đành chịu. Như lần trước  sáng ra, Bà dựng lại nhánh cây năm trước đã bị ngã xuống đất, cắt một nằm tóc buộc vào (nắm tóc năm trước đã bay đi hết, chỉ còn đôi sợi lẫn vào trong đất) rồi ra về. 

Năm thứ ba, Bà lại ra thăm nuôi chồng. Quản giáo hỏi: ‘’Ðã hai lần rồi, Bà còn ra thăm nuôi người chết sao ?’’. Bà bảo: ‘’Tôi còn trẻ, lần nầy, tôi ra  xin ngủ với chồng tôi lần thứ ba để ‘đoạn tang’ chồng, như thế cho trọn nghĩa phu thê, tôi mới có thể bước đi bước nữa sau nầy. Xin quản giáo cho cho phép tôi được toại nguyện, đây là lần chót…’’. 

Quản giáo có lẽ cảm động ít nhiều, đồng ý. Bà lại ra ngủ bên mộ chồng lần thứ ba, thắp nhang, đốt nến. Vào khuya, Bà mở túi xách, lấy một cái xẻng nhỏ cùng túi nylong, đào mộ, hốt ít xương cốt chồng, bỏ vào túi nylong, đổ formol vào rồi mang túi xác chồng lần ra lộ. Bị cán bộ bắt được, quản giáo bảo bà phải bỏ túi nylong đó lại. 

Bà bảo: ‘’Chồng tôi chết rồi, có gì các ông phải lo ngại. Tôi đem xương cốt chồng tôi về thờ cho trọn nghĩa thủy chung, điều nầy có gây khó khăn gì cho các ông đâu? Tôi có lấy chồng khác  thì tôi cũng thấy trọn nghĩa với chồng trước và người chồng sau của tôi càng kính trọng tôi thêm’’.

Quản giáo nhất định bắt Bà phải để túi nylong xác chồng lại rồi mới cho Bà đi. Bà tức tối, la lớn:‘’Ðời thưở nhà ai, vợ hốt cốt chồng lại bị ngăn cấm! Ðươc, tôi gởi túi xác chồng tôi nơi đây, các ông phải giữ kỹ. Tôi sẽ về Hà-Nội, gõ cửa các quan lớn, hỏi cho ra lẽ. Có phép nào, có luật nào không cho vợ được giữ hài cốt của chồng mình, thờ phụng không? Chuyện gì xảy ra thì các ông phải chịu trách nhiệm’’. 

Thấy sự việc gây cấn, biết người đàn bà nầy sẽ làm lớn chuyện, có thể không hay nên quản giáo đành để Bà đi nhưng cho một cán bộ đi theo Bà ra đến lộ, ngăn cấm tất cả mọi loại xe: xe đò, xe hàng, xe ôm, xe đạp, cả xe chở củi, không cho chở Bà. Thế là Bà cuốc bộ hàng chục cây số, len lỏi đến nhà ga Hàng Cỏ, hối lộ nhân viên trên tàu, leo lên xe lửa, len lỏi qua bao nhiêu toa, rốt cuộc sau bao ngày về đến Sài-Gòn.
 
         Người viết có ghi lại sự việc nầy trong tập thơ ‘Việt Nam tân huyết sử diễn ca’ dài 7000 câu Song Thất Lục Bát, thuật lại hết mọi cảnh đời điêu linh của nhân dân Miền Nam do cuộc ‘Ðổi đời’ bi đát của Cộng sản, động chạm đến cả Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng, cả Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,…Ðoạn viết về sự việc nầy trên cả trăm câu. Tiếc rằng, lúc vượt biên (cuối năm 1988), người viết không dám mang theo tập thơ viết tay gồm cả 4, 5 quyển tập học trò, sợ bị bắt thì chỉ tù rục xương hoặc bị đánh đập đến chết. Cũng rất tiếc, người viết không hỏi rõ người vợ lính đó cùng chồng tên gì, bị giam tại trại tù nào. Nay chỉ còn nhớ đôi đoạn ngắn như sau:

          -Lần hai, Bà ra ngủ bên mộ chồng:

Năm sau nữa, đội mưa đạp nắng
Nửa vừng trăng, nếp trán rưng rưng
Mồ hoang lại ngủ bên chồng
Tóc thề thêm một thủy chung đất trời…

          -Lần ba, có đoạn sau:

Năm sau nữa, rừng hoang núi vắng
Ðêm cùng ngày gió đắng mưa cay
Ðến bên quản giáo tỏ bày
Chồng tôi mộ đã xanh dày cỏ hoang
Xin cho lần nữa đoạn tang
Dù thêm bước mới, cũng tròn thủy chung….

          Sau nầy, năm 2005, trong quyển ‘Khung Trời Hướng Vọng’ viết về thơ 16 tác giả hải ngoại, lúc viết về thơ Mạc Phương Ðình nói đến những khổ cực, đắng cay của người vợ trọn nghĩa cùng mình, có đoạn:

‘’Xin được viết trên lá rừng vạn dặm
Một chữ tình chung nhất để yêu em
Dòng suối nhỏ mang lá về với biển
Ðể nghìn năm tình ấy vẫn mênh mông’’…

Mạc Phương Ðình

          Nhân đoạn thơ đó và nghĩ đến những gương phụ nữ anh hùng suốt thời gian qua, tôi đã viết: ‘’Rừng vạn dặm, biển mênh mông từ nay mang chở hàng hàng chiếc lá thủy chung, ân tình, bất khuất của nữ lưu người Việt cạnh bao đấng hùng anh trong sa cơ vẫn không khuất nhục, đầu hàng. Cho dù ‘vô danh’, khiêm nhượng, cho dù không được lịch sử chép ghi nhưng những gương sáng đó vẫn được đời đời gìn giữ : ‘sử văn lỗi chép, sử tình vẫn ghi’. Còn có những người nữ như thế, còn những người nam nhi như thế, dân tộc Việt Nam miên viễn vẫn hùng anh và lịch sử sẽ lại sớm huy hoàng sau giai đoạn bị đẩy chìm vào tăm tối’’ (‘Khung Trời Hướng Vọng’, trang 355).

Nguyễn Thùy