Tuesday 8 April 2014

Mầu kỷ niệm trao anh Ngô Vương Toại - Nguyễn Ngọc Phúc

Một số thành viên của nhóm “chủ nhân” Quán Văn trên sân trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Từ trái qua: Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang, Trần Đại Lộc, Hoàng Xuân Sơn. (Hình: của Hoàng Xuân Sơn)

Hoàng Xuân Giang – Phạm Nhuệ Giang – Hoàng Xuân Sơn (tờ báo che mặt)-Trịnh Công Sơn – Hoàng Ngọc Tuấn-
Ngô Vương Toại (người đứng sau HXS là Trần Tiển Tự) ảnh chụp năm 1967 trước Hội Họa Sĩ Trẻ.
(tư liệu của Đinh Cường)
 
Năm 1967, thời nhạc phản chiến và ca khúc da vàng của TCSơn đang được hát ở khắp nơi, nhứt là ở các quán cà phê nơi đám học sinh, sinh viên thường đến đóng đô nghe nhạc hàng giờ.

Tôi năm đó đang học Luật năm thứ 2 thường cùng bạn bè rủ nhau đến 1 trong hai quán cà phê hoặc ở ngã ba cuối đường Bàn Cờ và Phan Thanh Giản,  cà phê  cô Hồng hay ở ngã ba cuối đường Pasteur và Nguyễn Đình Chiểu, cà phê cô Chi để nghe nhạc TCSơn.

Đêm thứ bẩy 16 tháng 12 năm 1967, nghe tin TCS và KLy có một đêm hát ở Đại Học Văn Khoa đường Cường Để, chúng tôi hẹn hò cùng nhau đi coi.

Tôi biết khu Đại Học Văn Khoa nhưng chưa bao giờ đặt chân đến trường này cả.

Bọn tôi, 5,6 đứa hẹn hò cùng nhau đi.

Tới nơi, đã chập tối, có lẽ hơi trễ. Cho nên, xe đạp, xe gắn máy đã dựng đầy sân. Người ngoài sân thì vắng nhưng nhìn vào giảng đường thì đầy nghẹt.

Nơi trình diễn là một giảng đường nằm ngay góc Cường Để và Thống Nhứt.

Phòng hình chữ nhật khá lớn và dài.  Chúng tôi chẳng biết đâu là cửa chính đi vào vì không thấy bảng và dấu hiệu gì ở ngoài. Tất cả mọi cửa đều đã đóng lại.

Cuối cùng, tìm được một cánh cửa đơn ở cuối phòng còn hé mở, tôi kêu bạn bè " vào đây"

Cánh cửa mở vào phía trong nhưng thật khó mà mở được vì một đống người đang đứng ở trong đó, lưng quay tựa vào cửa như một bức tường chắn. Cũng vất vả lắm mới đẩy được bức tường lưng người này lui lại một tí để mở cửa bước vào.

Khi vào được trong, chúng tôi trở thành một bức tường mới cuối cùng, lưng tựa vào cánh cửa đóng lại và đứng đó chịu chết luôn, không nhúc nhích được.

Thôi thế cũng được, miễn là có thể nhìn thấy sân khấu và người trình diễn.

Chương trình chưa bắt đầu. Chỗ tôi đứng là cuối và ngang hông sân khấu. Nếu phòng là hình chữ nhật, thì chúng tôi đang đứng ở sát ngay cạnh ngắn bên trái của hình chữ nhật.

Sân khấu là vài cái bục gỗ kê sát  giữa một cạnh dài nhìn đối diện qua cạnh dài bên kia.
Khán giả rất đông và đứng chật đầy phòng, không có ghế ngồi.

Trên sân khấu chỉ có 1 cái microphone gắn trên chân. Đằng sau là có vài cái loa dựng đứng, cạnh đó thấy có vài người đang lui cui qua lại, sắp xếp đồ đạc và giây nhợ.
Có một cái lạ bắt mắt tôi là thấy thấp thoáng có một tay thanh niên trẻ tuổi, tóc hơi vàng, Âu Tây chứ không phải mũi tẹt da vàng, trong đám sắp xếp đó, nghĩa là một người trong ban tổ chức.

Nghe nói anh ta la người phụ trách về âm thanh máy móc.

Tôi không biết ai là ban tổ chức và không nhớ chương trình đã được bắt đầu hay  giới thiệu như thế nào.

Chỉ nhớ chương trình đã làm im lặng tiếng ồn ào của khán giả bằng những bài hát mà chúng tôi thường hay nghe ở quán cà phê.

TCSơn với cây đàn Guitar bên cạnh Khánh Ly đang đưa tiếng hát và lời hát của chiến tranh một chiều đến với mọi người.

Có lẽ cũng đã gần 1 tiếng đồng hồ trình diễn liên tục, tiếng hát và tiếng đàn tạm ngưng lại, có một người bước lên sân khấu để thông báo tạm ngưng chương trình và nghỉ ngơi. 

Tiếng ồn ào của mọi người trong phòng lại bắt đầu vang trở lại nhưng không thoát ra ngoài được, kể cả chúng tôi vì không ai có thể hay muốn bước ra ngoài ngồi nghỉ hay tán láo bởi bức tường lưng người đã chặn các cánh cửa đi ra, không ai có thể di chuyển để có chỗ cho cánh cửa mở được. Nghĩa là chật cứng, nghỉ hay không nghỉ cũng thế.

Chúng tôi chịu chết đứng dựa lưng vào cửa như vậy trong vài ba phút và nói chuyện qua lại lăng nhăng thì tiếng ồn ào trong phòng tự nhiên giảm hẳn đi, gần như im lặng kể cả chúng tôi.

Mọi người đang đều nhìn về phía sân khấu bởi có hai người đang bước lên trên bục gỗ.

Một cô thiếu nữ mặc áo dài, bên ngoài có khoác một chiếc áo lạnh đan mỏng đứng bên cạnh một thanh niên trẻ tuổi, mặc áo dài tay trắng bỏ ra ngoài quần, hai tay buôi xuôi theo hai bên đùi.

Thái độ và dáng dấp của họ coi bình thường và thản nhiên ở trên bục gỗ. 

Tôi nhìn họ và thầm nghĩ trong đầu "À! lại sắp giới thiệu hay quảng cáo chương trình gì nữa đây??"

Nhưng nhìn kỹ lại, tôi bắt đầu e ngại và lấy làm lạ bởi chợt thấy một tay buôi xuôi theo đùi của người thanh niên đó, có cầm một khẩu súng lục ép sát đùi.
Có lẽ chỉ có khán giả đứng ngang hông họ như chúng tôi mới nhìn thấy được bàn tay cầm khẩu súng đó, còn ngoài góc cạnh này, không ai thấy rõ là cái gì.
Chúng tôi chờ đợi một lời nói của họ để xem chuyện gì đang xẩy ra.

Người thanh niên bắt đầu lên tiếng trên microphone : “Chúng tôi đã bố trí, anh em đừng hốt hỏang…”

Ngạc nhiên  và nghi ngờ chợt bùng lên ngay tức khắc trong đầu hai chữ " Việt Cộng??" khi nghe đến câu "đã bố trí.."  bởi người Quốc Gia miền Nam chúng ta không bao giờ dùng đến hai chữ Bố Trí này trong đối thoại cả.

Mọi người trong phòng vẫn lặng im và không hiểu chuyện gì đang xẩy ra. 

Sau câu đó, cô thiếu nữ cầm lấy micophone và bắt đầu nói to lên: "Nhân sắp đến ngày 10-12 kỷ niệm 7 năm thành lập MTGPMN”

Ngay sau chữ MTGPMN vừa dứt, hàng loạt tiếng vang " Việt Cộng - Việt Cộng " đã ầm ĩ dội lên khắp phòng.

Tiếng la, tiếng hét và tiếng hỗn loạn bùng nổ dậy nhưng cũng không thể nào lẫn lộn được trong tai tôi sau đó, vì có vài tiếng súng đã dội ra từ phía sân khấu tôi nghe thấy.

Tôi không còn nhìn thấy những gì xẩy ra ở trên sân khấu hay xa hơn nữa bởi ngay lúc đó, sau lưng là giáp ngay cánh cửa vào, tôi đã bị đẩy xô dạt ra, sóng người ở trong đã kéo được cánh cửa mở  và bung ra ngoài, lôi cả tôi bung theo làn sóng người đó.

Tôi đã lăn lộn mấy vòng không biết nhưng khi đứng dậy được, tôi thấy mình đang đứng sát lan can sắt hành lang của phòng cách cánh cửa chừng 7,8 thước là ít. Trời đất lúc ấy với tôi sao mù mờ quá. Bên ngoài thì tối thui, lù mù ánh đèn vàng ngoài đường nhưng náo loạn với một rừng người đang chạy tứ tán.

Tôi không còn nhìn thấy ai và ai, ngay cả thằng bạn đang đứng bên cạnh. Khi nghe tiếng nó hỏi " mắt kiếng mày đâu?" lúc đó tôi mới hiểu, tôi đã rơi mất cặp mắt kiếng đang đeo. Cho nên, tôi chả nhìn thấy rõ ai cả.

Nghe chừng thấy lạnh ở đôi chân, nhìn xuống, tôi mới khám phá thêm là đôi giây mình cũng đã chia tay với  đôi vớ của mình trên đường lăn lộn và không biết nằm chỗ nào.

Chỉ nội chừng dăm ba phút sau đó, đám đông chạy loạn đã bay ra hết khỏi phòng hát. Riêng tôi, vẫn ở lại để đi kiếm đôi giầy và cặp mắt kiếng thất lạc.
Không giầy và không kiếng, vừa lạnh giò vừa đui thì làm sao tôi có thể ra về được. Tôi nghĩ chỉ trong vòng 7,8 thước từ cánh cửa ra lan can sắt này, gia tài của tôi đang nằm đâu đó.

Tôi lết bết bước về cánh cửa đang mở rộng. 

Ôi! than ơi! nhìn thấy trong phòng một rừng giầy, bóp ví, đồ đạc, mắt kiếng, áo lung tung và đủ mọi thứ đang lẫn lộn phủ đầy sàn nhà.
Tôi chỉ kịp nhìn thấy lố nhố một số người gần sân khấu  đang náo loạn và la lối thì nghe tiếng bạn tôi gọi lớn : " Ê! P..chạy đi mày"

Tôi không còn biết giầy đâu và mắt kiếng đâu nữa, cuống quít vội vàng chạy ra theo bạn, lao xuống tam cấp cầu thang với đôi vớ không giầy và mắt không kiếng. Tôi đã tới bãi đậu xe thật nhanh.

Tôi biết mình đã vấp phải, đụng phải hay đạp phải cái gì đau lắm nhưng không rõ là cái gì. Cuối cùng lấy được chiếc xe velo solex ra ngoài, cùng bạn đứng ở ngoài đường Đinh Tiên Hoàng, tôi mới biết, quần áo mình rách tả tơi may mà chân không sao.

Hóa ra, tôi vừa can trường băng qua các hàng kẽm gai an ninh ở quanh bãi đậu xe một cách hùng dũng và đã mang  theo vài dấu vết rướm máu nhỏ trên người với cái quần rách sướt mướt đi đoong.

Cả đám lết thếch kéo quân về. Chừng 100 m tới ngã tư Phan Đình Phùng & Đinh Tiên Hoàng, thì thấy 3,4 người Cảnh Sát Quốc Gia đang đứng hàng dài xét giấy quân dịch.

Thấy mình được hỏi giấy, bất mãn quá vì vừa bị địch đánh rách tả tơi mà không ai hỏi thăm, tôi bèn lên tiếng cho bạn ta biết: " Việt Cộng vừa bắn người ta ở trường Văn Khoa, các ông biết không?" 

Bạn ta hỏi "ở đâu ?" tôi nói: "Góc Cường Để & Thống Nhứt" 

Thế là khỏi trình giấy. Bạn ta bèn thổi tu huýt, gọi nhau lên xe chạy bay đến trường Văn Khoa.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ tới câu chuyện của mấy người Cảnh Sát Quốc Gia đêm hôm đó, tôi vẫn hãnh diện vì họ về việc làm này.

Về đến nhà bạn, tôi mượn được đôi giầy khác xỏ vào.

Lúc đó là khoảng 12 giờ đêm, nghe lời khuyên của gia đình bạn, chúng tôi lại lên xe kéo nhau tới Bệnh Viện Bình Dân ở Phan Thanh Giản để xin chữa trị và chích ngừa Sài Uốn Ván vì bị chảy máu bởi giây kẻm gai.

Tại nơi này, lần đầu tiên, chúng tôi được biết thêm tin tức của chuyện súng nổ và lần đầu tiên được nghe tên người bị bắn nhưng không gặp được ai trong câu chuyện cả.

Theo đó, trở lại câu chuyện giải lao và sau khi chữ MTGPMN chấm dứt, mọi người hô hoán lên " Việt Cộng ! Việt Cộng !" thì Ngô Vương Toại  chính là người đầu tiên phản ứng leo lên sân khấu giựt lại microphone khỏi tay tên VC nữ và tiếng súng nổ sau đó chính là tên VC nam đã bắn vào bụng anh Toại để chặn anh lại. Từ đó, tên Ngô Vương Toại và câu chuyện này đã đến và ở trong tôi suốt  47 năm dài.

Trong 47 năm dài đó, tôi vẫn không được biết khuôn mặt và dáng dấp của anh Toại, tôi vẫn không biết gì hơn về anh Toại như anh là sinh viên trường nào? ra trường hay chưa? anh hoạt động như thế nào trong khối sinh viên QG?

Tôi chỉ nghĩ rằng nếu anh là người nhẩy lên sân khấu để giựt lại microphone khỏi tay của Việt Cộng và bị VC bắn thủng ruột, anh là người yêu tự do và đất nước VNCH.

Thỉnh thoảng, đọc báo chí hay xem tin tức, tôi có thoáng thấy tên anh, tôi mới hay Ngô Vương Toại vẫn bình yên và hiện đang ở hải ngoại.

Tôi vui và nhớ về kỷ niệm của mình.

Khi nghe tin anh Toại mất đi, lúc đó, tôi mới được nhìn thấy khuôn mặt và dáng dấp của anh qua báo chí và internet. 

Tôi có buồn và nhớ đến kỷ niệm của mình.

Hôm nay, xin gửi đến anh và gia đình nỗi vui và nỗi buồn của tôi và cũng  xin tặng anh mầu kỷ niệm của tôi, một  mầu kỷ niệm tôi đã giữ trong suốt 47 năm qua và muốn tìm được người để trao.

Hạnh phúc thay  tôi đã tìm được người đó.

Thân chào anh Ngô Vương Toại.

Nguyễn Ngọc Phúc.