Điện Kremly trên Quảng trường Đỏ của Nga.Wikipedia
Một hồ sơ quốc tế vẫn luôn là thời sự nóng đối với báo chí Pháp cả hơn tháng nay, đó là cuộc khủng hoảng Ukraina. Cuộc khủng hoảng chính trị ban đầu trong phạm vi nội bộ Ukraina, sau đó được đẩy lên mức cao hơn khủng hoảng giữa Kiev với Matxcơva, rồi nhanh chóng chuyển hướng sang đối đầu giữa Nga với các nước Tây. Trong cuộc khủng hoảng lớn này, tâm điểm được chú ý nhiều nhất có lẽ là tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã làm dấy lại không khí chiến tranh lạnh Đông-Tây.
Tờ Aujourd’hui en France cho biết, có lần ông Putin đã tuyên bố : « Người không luyến tiếc Liên Xô là người không có trái tim. Người nào mong muốn phục hồi Liên Xô là người không có cái đầu » và tờ báo đưa ra nhận xét rằng, chắc chắn ông là người có đầu nhưng trái tim ông còn được đặt lên trên.
Theo tờ báo, chưa bao giờ những cố gắng khôi phục ảnh hưởng của Matxcơva đối với những nước từng nằm trong Liên bang Xô Viết lại hiển hiện rõ nét như lúc này. Người ta có thể thấy điều đó không chỉ từ vụ sáp nhập Crimée mà còn cả rất nhiều nỗ lực ngoại giao của chính quyền Putin nhằm thiết lập một liên minh Á-Âu tập hợp chủ yếu các nước cộng hoà cũ của Liên Xô, nằm trong vòng kiềm tỏa của Nga.
Chủ trương bành trướng này gắn liền với tham vọng của ông Putin muốn đưa nước Nga trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Những từ như « siêu cường » cùng những cách nói thoá mạ phương Tây được sao chép của thời chiến tranh lạnh đã trở thành ngôn từ thông dụng của các nhà báo thân cận với điện Kremlin ngày nay. Tờ báo khẳng định rằng, sau hơn 20 năm rời bỏ với tư tưởng cũ kỹ lỗi thời, giờ đây Kremlin đang trở lại với những mô hình cũ, có chút ít vay mượn của thời Nga hoàng và đặc biệt mang nhiều nét của thời kỳ Liên Xô.
Mặc dù tệ sùng bái Stalin chỉ còn tồn tại trong một số ít người có đầu óc cực đoan nhất mà thôi, thế nhưng trong sách giáo khoa lịch sử mới ở Nga, nhà độc tài này được mô tả như là một nhà quản lý tài giỏi, là lãnh tụ đã đưa nhân dân đến chiến thắng và là người có công lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Không một dòng nào nói về hàng chục triệu người đã chết dưới thời độc tài Stalin.
Tờ báo Pháp nhận thấy, thái độ sùng bái Xô Viết được khuyến khích từ thượng tầng. Tổng thống Putin còn có câu nói nổi tiếng là : « Sự tan rã của Liên Xô là thảm hoạ địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20 ».Tổng thống Nga không bao giờ nhắc đến chuyện những trại cải tạo Goulag, hiệp ước Nga –Đức hay những chuyện sách nhiễu những người ly khai.
Nhưng ông ta đang đề nghị quay trở lại việc quân sự hoá học đường, tức là giáo dục thể chất theo kiểu quân đội phải là môn học bắt buộc cho học sinh, một chủ trương giáo dục của thời Liên Xô. Ông ta ca ngợi Komsomol, Đoàn thanh niên Cộng sản Liên Xô, hay cho khôi phục danh hiệu « Anh hùng lao động »….Nói tóm lại, ông Putin đang cố gắng tìm cách làm sống lại hình ảnh và hào khí của cái thời Xô Viết đã qua từ lâu.
Vẫn theo tác giả của Aujourd’hui en France, hình thái « tân Xô Viết » hung hăng nhất được thể hiện rõ nét trên truyền thông Nhà nước Nga. Truyền hình thường xuyên phát đi những nội dung thù địch với phương Tây, khơi dậy tâm lý cho rằng nước Nga như một thành trì bị bao vây bởi các thế lực thù địch phương Tây (vẫn lặp lại một thái độ của thời Liên Xô cũ).
Với những tiếng nói đối lập, báo chí dưới sự kiểm soát của chính quyền, gọi họ là những « kẻ phản bội tổ quốc », hay « gián điệp cho CIA »… Những ngôn từ tưởng như đã bị lãng quên từ cách đây hai thập kỷ thì nay được dịp hồi sinh dưới thời của Putin. Tờ báo kết luận, Tổng thống Putin không chỉ cổ vũ cho hoài niệm về Liên bang Xô Viết mà ông ta còn tìm cách khôi phục Liên Xô.
Liên Hiệp Châu Âu dự trù đối đầu lâu dài với Nga
Vẫn liên quan đến nước Nga và cuộc khủng hoảng với phương Tây, trang quốc tế của Le Figaro nhận thấy « Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị một cuộc đọ sức dài lâu với Matxcova ».
Theo tờ báo, Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị cuộc đọ sức chưa có hồi kết với ông Vladimir Putin. Các Ngoại trưởng của EU hôm qua trong cuộc họp tại Athene, Hy Lạp đã loại trừ có được hòa dịu ngay lập tức với Nga đồng thời cam kết sẽ xem xét lại quan hệ lâu dài với Kremlin.
Lãnh đạo ngoại giao Đức ông Walter Steinmeier, người được cho là cởi mở nhất đối với Nga, đã nhận định về quan hệ với Matxcơva là : « Trước mắt chúng ta sẽ còn nhiều tháng thậm chí nhiều năm khó khăn ». Trong khi đó đồng nghiệp Anh William Hague cũng đánh giá tình hình « vẫn còn rất nguy hiểm » xung quanh Ukraina. Sự xuống thang quân sự được Kremlin hứa hẹn không thuyết phục được các nước Châu Âu. Trong khi đó Nga đang khởi động cho cuộc chiến khí đốt.