T. Dean Reed, Huffingtonpost.com, ngày 3-4-2014
Trần Ngọc Cư dịch
Trần Ngọc Cư dịch
Trong khi một chiếc tàu Philippines tránh được các pháo hạm Trung Quốc để đi vào vùng biển an toàn và tiếp tế lương thực cho quân trú đóng, thì chính phủ Philippines, cậu bé Đa-vít can trường của châu Á, đã qua mặt tên khổng lồ Gô-li-át Trung Quốc bằng cách một lúc ra hai tòa án để đòi lại lãnh thổ và lãnh hải bị chiếm của mình.
Hai là Tòa án Công luận Thế giới, và Philippines đang trông cậy vào một suối nguồn hậu thuẫn phong phú nếu Trung Quốc bị tòa án La Hay kết tội mà vẫn không chịu tuân theo lệnh của tòa án này.
Trung Quốc từ chối tham dự tòa án La Hay, nhưng bắt đầu tỏ ra lo sợ công luận thế giới sẽ qui kết mình là một quốc gia côn đồ [rogue nation]. Dấu hiệu lo sợ đầu tiên biểu hiện khi Trung Quốc có vẻ chớp mắt nao núng và đưa ra những đề nghị vào phút cuối với Philippines nếu nước này chấm dứt việc đâm đơn kiện trước tòa án quốc tế. Có tin cho rằng những đề nghị này gồm việc Trung Quốc rút khỏi các đảo và bãi đá ngầm đang tranh chấp và một gói mậu dịch và viện trợ khổng lồ cho Philippines, được mô tả là có khả năng dẫn đến một thời đại hợp tác vàng son mới mẻ giữa hai nước.
Hiện nay Trung Quốc không nhìn nhận đã đưa ra bất cứ một đề nghị nào như thế – cho tin này là “hoàn toàn bịa đặt” – vì không hề có một đề nghị chính thức nào cả, mà chỉ có những nỗ lực hậu trường đã bị Philippines bác bỏ. Trung Quốc lại tiếp tục đưa ra một loạt những hăm he đe dọa, cảnh báo Philippines về những hậu quả không lường được. Dấu hiệu nao núng thứ hai của Trung Quốc diễn ra khi Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ về việc Philippines cho thế giới biết là tàu tiếp tế của mình đã tránh né được các lực lượng hải quân Trung Quốc bằng cách đi vào vùng nước cạn tại Bãi Cỏ Mây [Second Thomas Shoal] để tiếp tế lương thực và thay quân trú đóng. Trên tàu có cả ký giả, và diễn biến này nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh khắp thế giới.
Vụ kiện tại La Hay sẽ kéo dài và rất phức tạp. Các luật sư của Philippines đã gửi đến tòa án một đơn yêu cầu sơ bộ dài 4000 trang. Nhưng người ta không dự kiến tòa án sẽ có phán quyết trước năm 2015 về việc Trung Quốc có vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, mà Trung Quốc đã ký kết, hay không. Năm vị thẩm phán sẽ ra phán quyết – chánh thẩm là người Ghana, và các vị kia đến từ Pháp, Ba Lan, Hà Lan và Đức.
Nhưng các bằng chứng đã được Philippines trưng ra trước Tòa án Công luận Thế giới, và Trung Quốc không mấy thích những điều mắt thấy tai nghe. Vụ kiện tại tòa án La Hay đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc bị thách thức pháp lý về các hành động lấn chiếm của mình tại biển Đông, nơi mà nước này tuyên bố gần như toàn bộ các đảo, bãi đá ngầm và các tuyến đường biển thuộc chủ quyền của mình. Ngoài ra, nếu tòa án quốc tế ra phán quyết có lợi cho Philippines, phán quyết này có thể có một hiệu ứng rõ rệt trên các cuộc tranh chấp tương tự giữa Trung Quốc với Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Trung Quốc đòi hỏi rằng các bất đồng giữa mình với Philippines và các nước khác phải được bàn thảo song phương với từng nước của những quốc gia nhỏ bé này. Trung Quốc không muốn ASEAN, Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á, và chắc chắn không muốn Liên Hợp Quốc, trực tiếp tham dự đàm phán, cho dù Trung Quốc đã phê chuẩn bản tuyên bố năm 2002 của ASEAN, cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, mười hai năm sau đó, vẫn chưa có tiến bộ đáng kể để biến bản tuyên bố nói trên thành bộ qui tắc ứng xử tại biển Đông, và điều này có vẻ phù hợp với ý đồ của Trung Quốc. Một bộ qui tắc hữu hiệu sẽ ngăn cấm các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc tại những vùng biển tranh chấp, những hoạt động mà Trung Quốc vẫn tiến hành đều đặn và không muốn chấm dứt.
Dư luận thế giới đang hậu thuẫn quyết định của Philippines đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, một hành vi hòa hoãn chỉ được thực hiện sau nhiều năm Trung Quốc dùng sức mạnh lấn chiếm lãnh thổ Philippines. Hoa Kỳ đã đưa ra các bản tuyên bố cho rằng biện pháp pháp lý của Philippines là đúng đắn và hợp lẽ.
Không ai biết được phản ứng sau cùng của Trung Quốc là như thế nào. Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa trả đũa Philippines, nhưng không rõ bằng hình thức nào. Trong một tranh chấp trước đây, Trung Quốc chấm dứt việc nhập khẩu chuối của Philippines, khiến loại trái cây này trở nên hư thối tại các cảng của Trung Quốc. Vòng trả đũa tiếp theo được dự kiến là nghiêm trọng hơn “cuộc chiến tranh chuối” nói trên, nhất là nếu Trung Quốc cân nhắc đến hành động quân sự để đánh bật Philippines ra khỏi Bãi Cỏ Mây, nơi mà Philippines đã tránh né thành công các pháo hạm Trung Quốc.
Điều mà người ta cũng không biết được là Hoa Kỳ và các nước khác sẽ phản ứng như thế nào nếu Trung Quốc có những hành động làm cho tình hình trở nên tồi tệ.
Vị tổng thống kiên cường của Philippines, ông Benigno Aquino, người dám đứng dậy trước một Trung Quốc xâm lược, đã ghi nhận rằng các nước khác nói họ sẵn sàng đứng sau lưng ông. Aquino sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu những nước này, kể cả Hoa Kỳ, đứng bên cạnh ông, chứ không phải ở đằng sau.
T. D. R.
Dịch giả gửi BVN.