Tuesday, 17 June 2014

Những bài học trong chốn lao tù - Nguyễn Trung Tôn

Nguyễn Trung Tôn (Danlambao) - Ra khỏi nhà tù Cộng sản được hơn một năm nay; bận rộn với cuộc sống gia đình nên tôi cũng không có thời gian để viết lại những câu chuyện mà tôi đã trải qua trong nhà tù. Hôm nay lưng tôi bị đau do bệnh thoái hóa đốt sống lại hành hạ. Nằm trên giường suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai của bản thân gia đình và đất nước. Những ký ức chốn lao tù bỗng trở lại trong tôi. Tôi cố ngồi dạy ghi lại những sự kiện đáng nhớ của mình làm lưu niệm cho bản thân và những ai muốn tìm hiểu về một phần xã hội Việt Nam hiện tại ở chốn nhà giam. 

Sáng ngày 15/1/2011, tôi bị Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Nam Đàn và Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Nghệ an bắt về công an huyện Nam Đàn với lý do không đăng ký tạm trú qua đêm. Khi về tới Công an huyện thì họ không hề đề cập gì tới việc tôi qua đêm mà không đăng ký tạm trú. Họ tiến hành lấy lời khai của tôi cho tới 21h đêm thì trao cho tôi một lệnh tạm giữ với thời hạn 3 ngày. Tôi ngơ ngác, không hiểu lý do gì mà tôi bị tạm giữ? Bởi lẽ qua một ngày Công an lấy lời khai của tôi, tôi đâu có gì để mà khai với họ, ngoài việc tôi vào Nghệ an để đón cháu Đức con chị Hồ Thị Bích Khương ra nhà tôi để đi học tiếp vì cháu về quê thăm bà nội vào dịp nghỉ học cuối kỳ. Tôi không làm gì vi phạm luật pháp tại Nghệ An. Tôi được một chiến sỹ Cảnh sát mang hàm trung sĩ, tên Hà dẫn vào buồng giam. 

Tôi hỏi Hà: Công tắc điện buồng ở đâu? Lối đi vệ sinh chỗ nào?

Cậu ta mở cửa đẩy tôi vào trong và nói: Cứ vào sẽ biết.

Cánh cửa buồng giam đóng lại. Trời tối như mực, một mình một buồng giam và lúc đó đã khoảng 21h 30 nên các tù nhân ở các buồng khác đã phải đi ngủ. Tôi mò mẫm lấy tay để lần xem đâu là nơi nằm, nơi đi vệ sinh. Vì buồng giam không dược lắp điện, tôi phải sử dụng hết tất cả các giác quan của mình để biết chỗ năm là một bục xi măng cáo khoảng 50 cm. Hạ lưng xuống nền xi măng lạnh buốt lưng, với thời tiết gần tết nhiệt độ xuống khoảng 9 hay 10 độ c. Lạnh quá không chịu nỗi. Tôi đứng ra gần cửa hé mắt ra khe hở của cánh cửa sắt buồng giam và gọi lớn “Chú Hà ơi mang cho anh cái chăn để đắp chứ, lạnh thế này anh không chịu được”.

Một lát sau cậu Hà mang cho tôi một cái ruột chăn bông cũ. Cậu bảo tôi: “Anh đắp tạm cái này, nếu lạnh thì mai tôi đưa thêm”. Đêm đầu tiên ở tù tuy hơi lạnh, nhưng tôi vẫn ngủ rất ngon, bởi sau một ngày bị công an thay nhau xét hỏi. Sáng hôm sau là Chúa nhật nên vừa mới mờ sáng tôi đã tỉnh dậy và cầu nguyện, tôi hy vọng rằng hết 3 ngày tạm giữ thì công an sẽ phải thả mình ra. Rồi cứ thế thời gian trôi qua cũng thật nhanh. Chiều ngày 17/1 tức ngày thứ 2 trong tuần. Tôi thấy họ mở buồng giam và đưa tôi lên phòng lấy cung. Tại đây họ cho tôi xem những thứ mà họ đã thu giữ của gia đình tôi vào sáng ngày hôm đó. Gồm máy tính, băng đĩa, máy in và nhiều vật dung khác. Họ bắt đầu khai thác máy tính của tôi. In các bài viết của tôi có trong máy tính và yêu cầu tôi ký vào. Tôi đồng ý ký tên vào những bài viết đó vì đấy đúng là những bài tôi đã viết. Sau khi lấy ra hàng loạt bài viết và kiểm tra nội dung hơn 200 đĩa DVD, VCD thu giữ tại nhà tôi xong. Họ tiếp tục trao cho tôi một lệnh tạm giữ thứ 2 với thời hạn 3 ngày rồi tiếp tục đưa tôi trở lại buồng giam. Tôi không còn bỡ ngỡ như trước nữa vì đã “quen” với buồng giam này.

Thấm thoát thời gian trôi, chiều ngày 22/1 Cơ quan CSĐT huyện Nam Đàn dùng xe của cơ quan đưa tôi và chị Hồ Thị Bích Khương xuống Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Lần đầu tiên trong đời tôi bị Công an dùng Còng số 8 còng tay lại. Tôi không biết rằng thế là tôi chuẩn bị tới một môi trường sống mới. Tới cổng trại giam Công an bắt chúng tôi ngồi đợi mãi cho tới khi một Trung tá an ninh điều tra tỉnh Nghệ An, tên là Văn, mang tới và đưa cho chúng tôi ký vào quyết định khởi tố của họ đối với chúng tôi. Tôi xem quyết định đó thì biết là mình bị khởi tố theo điều 88 của BLHS. Tôi vui vẻ ký vào mà không hề phản đối gì, còn chị Hồ Thị Bích Khương thì cương quyết không ký. Tuy nhiên dù ký hay không thì họ vẫn cứ giam. Trời sắp tối tôi được một đại úy quản giáo tên Nguyễn Văn Thành dẫn từ cổng trại vào nhà giam. Đi cùng với quản giáo này có thượng sĩ Vi Văn Sơn, cán bộ phụ trực trại. Tôi phải đi trước họ một mét họ đi sau và thúc giục đi nhanh lên.

Quãng đường từ cổng trại vào buồng giam không xa, nhưng cũng đủ để tôi vừa đi vừa ngắm quang cảnh xung quanh lúc hoang hôn với những cành cây trơ trụ lá vì tiết trời giá lạnh. Nhưng những cành cây đó đang lu lú nhữngbúp non để đón chờ mùa xuân sắp tới. Không gian đó làm cho tôi có thêm nghị lực và ấp ủ những tia hy vọng cho Việt Nam một ngày mai tươi sáng. Tiếng thượng úy Vi Văn Sơn cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: “Đi nhanh lên! Ông đá chết mẹ mày bây giờ” Thú thật lần đầu tiên tôi bị công an quát mắng như vậy. Tôi giật mình và bước nhanh hơn tới nhà giam A la. Quản giáo Nguyễn Văn Thành mở cửa buồng giam số 9 đưa tôi vào đó. Quản giáo dặn với vào: “Giao cho Toàn thằng này nhé! Chỉ dẫn cho nó!”

Cánh cửa buồng giam đóng lại, tôi bước vào buồng giam. Đập vào mắt tôi là 3 người tù đầu cắt trọc, họ nhìn tôi chăm chăm. Xác định họ ít tuổi hơn mình nên tôi cất tiếng “Chào các chú”.

Một người trong bọn họ hỏi tôi: “Mày chào ai vậy? Chưa bao giờ đi tù à?”

Tôi bảo: “Chưa! Tôi bị bắt lần đầu.”

Người này nói tiếp: Thằng Rùa lấy cho nó bộ quần áo cho nó thay đi. Thằng này mày đi tắm đi rồi thay quần áo lên đây tao nói chuyện.

Cảm giác có chuyện chẳng lành, tôi nói: “Thôi ạ trời lạnh lắm, để trưa mai ấm hơn tôi sẽ tắm”.

Người này nói tiếp: “lạnh cũng phải tắm, ở tù mà không tắm rửa sạch sẽ thì ghẻ lở không chịu được đâu”.

Biết không thể từ chối nên tôi đành phải tắm. Tôi cởi quần áo ra tắm, nhưng vẫn mặc quần lót như ở nhà. Cậu ta nói: “Cởi hết ra! Trong này toàn đàn ông cả phải cởi truồng mà tắm. Tắm xong quạt người cho khô mới mặc quần áo, nếu không sẽ bị hâm và lở loét đấy.”

Tôi nghe theo họ, cởi hết đồ và tắm. Nói thật là vừa lạnh vừa xấu hổ nên tôi tắm qua loa rồi mượn quần áo mặc vào.

Khóa học đầu tiên trong tù dành cho tôi bắt đầu khai giảng. Họ bảo tôi ngồi lên bục xi măng, gần phía hố vệ sinh rồi bắt đầu… Người có uy nhất trong buồng lên tiếng: “Mày tên gì? Quê ở đâu? Bị bắt tôi danh gì? Tại sao bị bắt? Công an nào bắt?”

Tôi lần lượt trả lới các cậu hỏi của người này. Cậu ta tiếp lời: “May phúc cho mày đấy. tao cũng quê ở Nam Đàn, nhà tao gần công an huyện đấy. Tao bị chúng nó bắt giam ở đó, tao treo cổ tự tử mà bị đứt dây nên không chết. Chúng sợ tao làm lần nữa nên chuyển gấp xuống đây. Thôi ít nhiều gì chúng ta cũng cùng là nạn nhân của công an Nam Đàn nên tao tha cho mày, không làm “thủ tục” nhập buồng, nhưng về “Lý thuyết” thì phải học.

Cậu ta bắt đầu giới thiệu các thành viên trong buồng giam: “Tao giới thiệu để mày biết Tao tên là Trần Thế Toàn. Buồng trưởng buồng này. Bới vậy vào đây mọi thứ mày đều phải hỏi ý kiến tao mới được làm. Còn đây là thằng Lâu Vả Rùa nó là người Lào bị bắt về tôi buôn bán heroin, đã giam ở đây gần một năm. Nó có thể nhẹ thì bị tùtrung thân, nặng thì bị tử hình, còn đây là thằng Thò Gà Hùa người HMong ở Quế Phong cũng tội buôn bánheroin, nhẹ thì 20 năm, nặng thì trung thân. Buồng giam này là buồng giam đặc biệt dành cho những đối tượng trọng án, nên được lắp bóng điện và có “Mắt mèo” theo dõi.”

Toàn đưa tay chỉ về hướng Camera trên tường và nói tiếp: Vì có nó nên mọi hoạt động trong buồng đều bị theo dõi.

Toàn bảo tôi: Trong này có luật riêng là ba không ba có. Mày phải biết nghe chưa? Ba không là:Không nghe, không thấy, không biết. Cán bộ có hỏi gì chuyện trong buồng cũng phải trả lời trước sau như một. Tất cả phải bắt đầu từ chữ “Không”. Ba có là: Có mắt như mù, có tai như điếc, có mồn như câm. Như vậy không được nhìn việc của người khác, không nghe lén chuyện của người khác, không hớt lẻo chuyện của người khác với bất kỳ ai. Tóm lại không phải việc của mình thì không tò mò làm gì.

Nói xong Toàn hỏi lại tôi: Đã nhớ chưa?

Tôi trả lời: Nhớ rồi!

Toàn nhắc lại: Nhớ rồi mà còn vi phạm thì đừng trách đấy nhé.

Toàn nói: Ở trong này người ta không gọi nhau theo tuổi đời mà gọi nhau theo tuổi tù. Ai ở đây lâu hơn thì là bề trên, ai vào sau là bề dưới. Cán bộ quản giáo thì tù phải gọi họ bằng ông, tù nhân vào sau phải gọi tù nhân vào trước bằng anh. Đó là luật bất thành văn nhưng ai cũng phải tuân thủ.

Toàn cho tôi biết thêm: Để vào nhập buồng thì các tù nhân phải qua thủ tục Thông tai, Thông ngực, Cuốc chim. Nhưng phúc cho mày là mày không phải vào buồng “Vệ sinh” nên không phải nếm mùi, vào đây gặp tao, tao cho qua là phúc ba đời đấy.

Nghe Toàn nói tới đây, mặc dù chưa biết thông tai, thông ngực, cuốc chim là gì nhưng tôi thầm cảm ơn Chúa là mình đã thoát được những thủ tục này. Toàn tiếp tục dạy tôi một bài học nữa trước khi đi ngủ: Trong buồng giam không được đi đại tiện ban đêm. Sáng mai khi mở cửa buồng rồi thì mọi người thay phiên nhau để đi đại tiện, nên phải tập cho quen đi, đi tiểu thì tự do nhưng phải đi tiểu kiểu của phụ nữ để nước tiểu không văng ra ngoài làm hôi khai trong buồng.

Vậy là buổi học đầu tiên trong vòng 30 phút kết thúc, nhưng đối với tôi vô cùng giá trị và tôi ơn Chúa vô cùng vì được gặp Trần Thế Toàn, một người “thầy” nhiệt tình, tận tụy chu đáo đối với tôi. Lúc này Toàn nói: Thôi hôm nay chỉ nói tới đây thôi, mai sẽ tiếp tục. Tôi thấy Toàn bảo Hùa: “Bắt đầu đi em” Hùa lấy chiếc khăn tắm vắt lên dây mắc màn, cố ý che chiếc Camera lại, Toàn móc trong người ra một tở giấy báo và một nhúm thuốc lào cùng một cái bật lửa. Toàn cuốn thuốc như cái loa kèn dài, dùng bật lửa nhưng không có ga. Hùa lấy bông xé thật tơi đưa cho Toàn cả hai người lúi húi bật lửa.

Toàn hỏi tôi, Có hút thuốc không? Tôi nói, Tôi không hút. Toàn bảo phải tập đi, vào đây chỉ có điếu thuốc làm vui thôi, mà thuốc là hàng cấm đấy, nhưng vẫn có để dùng, không hút thuốc thì sao biết được giá trị của nó trong chốn lao tù. Tôi nói, trước đây tôi có hút, nhưng từ khi làm Mục sư tới giờ tôi đã bỏ. Toàn khuyến khích: Vào đây rồi thì cứ hút cho vui, ở đây thì sư với sải gì nữa, hút cho vui, sau về lại bỏ cũng được. Mà mày không hút là phụ lòng tốt của tao đấy. Mày thích tao đối xử tử tế với mày hay thích tao dùng “luật”? Thấy Toàn nói vậy tôi tặc lưỡi kéo một hơi. Đã lâu không hút thuốc, nay hút lại làm tôi say chóng cả mặt. Hút xong điếu thuốc chúng tôi bắt đầu vào giấc ngủ.

Một ngày trôi qua ở chốn lao tù cũng thật nhiều kỷ niệm. Tôi sẽ cố gắng viết tiệp những câu chuyện tiếp theo trong thời gian tới.

(Còn nữa)

Thanh Hóa, ngày 13/6/2014

Nguyễn Trung Tôn
ĐT: 0162.8387.716

Những bài học trong chốn lao tù

Nguyễn Trung Tôn (Danlambao) - Kẻng báo thức của trại giam vang lên, mặc dù không biết là mấy giờ, nhưng trời vẫn còn tối.

Cả buồng thức dậy. Tôi ngồi cầu nguyện còn 3 người bạn tù của tôi vùng dậy. Trần Thế Toàn thấy tôi ngồi cầu nguyện.

Toàn hỏi tôi: Tôn làm gì vậy?

Tôi không trả lời vì vẫn đang cầu nguyện.

Toàn hỏi tiếp: Thằng Tôn, mày làm gì vậy?

Tôi đành dừng cầu nguyện và trả lời: Tôi là người theo Chúa nên mỗi buổi sáng và tối tôi đều cầu nguyện.

Toàn nói: Thôi đã vào đây thì không được thực hành những nghi lễ đó. Lát nữa mở cửa mày xem nội quy và phải học cho thuộc.

Toàn lại bảo Hùa: Chuẩn bị đi em! Hùa lại lấy khăn che lên dây khăn mặt, cố tình tạo ra một góc phòng mà Camera không thể thấy. Toàn tiếp tục lấy thuốc lào và báo ra làm như khi tối. Họ hút thuốc và đưa cho tôi, nhưng tôi từ chối, vì hôm qua tôi đã hút với họ nhưng bị say nên rất sợ.

Toàn bắt đầu phân công công việc cho các thành viên trong buồng: Hôm nay có thêm thằng Tôn nên công việc thay đổi một chút nhé. Thằng A Lào (tức Rùa) vẫn chịu trách nhiệm lau dọn hố “mét”(Hố vệ sinh), Thằng Hùa lau bục nằm và “xa lộ”, thằng Tôn chịu trách nhiệm rửa bát.

Toàn nói tiếp: Sáng nay thằng Hùa ra nhận 4 gói mì tôm và nước, ăn xong thì Thăng A Lào se râu cho thằng Tôn, sau đó Thằng Tôn phải học cho thuộc nội quy.

Tôi nghe xong và chỉ hiểu được phần việc của mình từ hôm nay là rửa bát cho cả 4 người sau mỗi bữa ăn.

Cửa buồng giam mở, chúng tôi vội vàng bước ra cửa xếp hàng ngang, 3 người bạn của tôi hô lớn tiếng “Xin chào cán bộ”. Quản giáo Thành gật đầu. Có một tù nhân thuộc buồng “vệ sinh” đi theo cán bộ làm trách nhiệm mở và đóng cửa, người tù này tên Tuấn. Tuấn đóng cửa ngoài, quản giáo khóa lại. Mấy thành viên trong buồng, thay nhau đi đại tiện, xong Hùa dùng dẻ lau lối đi trong buồng mà họ gọi nó là “Xa lộ”, A Lào (Tức Lầu Vả Rùa) nhanh nhảu lau dọn hố vệ sinh. Còn tôi thì ngơ ngác chẳng biết làm gì. Thấy Tuấn, là người đã đi theo Quản giáo để mở cửa buồng giam khi nãy cầm cuốn sổ và một người nữa bê thùng mì tôm tới cửa buồng gọi: Buồng 9 lấy bao nhiêu gói?

Toàn trả lời: 4 gói anh ạ!

Lấy Mì tôm vào, Hùa xé và bỏ vào bốn bát nhựa, một lát sau thấy có người xách thùng nước nóng tới đổ cho chúng tôi một ít vào chậu để chúng tôi pha Mì tôm. Tối hôm qua đợi công an làm thủ túc giấy tờ mãi, vào buồng muộn nên tôi không được ăn cơm tối. Sáng hôm nay ăn bát Mì Tôm trong tù, tôi thấy nó thật ngon.

Tôi hỏi Toàn: Mì Tôm này là do trại cấp hả anh Toàn?

Toàn cười nói: Trại cấp, nhưng tiền gia đình.

Tôi chưa hiểu lắm câu trả lời này nhưng cũng có thể nhận ra rằng Mì tôm tôi ăn sáng nay không phải là của “nhà nước”.

Ăn sáng xong tôi mang bát vào rửa và thấy Tuấn (người đã đi theo cán bộ để mở buồng) đi lại và đưa qua song sắt cho Toàn một nhúm Thuốc Lào, một dãi báo. Toàn mang vào trong buồng, ngồi làm gì đó tôi không giám để ý, vì tôi vẫn nhớ bài học ba không ba có. Một lát sau thấy Tuấn mang bật lửa lại gọi Toàn ra bật lửa cho Toàn châm Thuốc Lào. Sau khi hút thuốc xong, Toàn bảo Rùa: A Lào lấy chỉ se râu cho Tôn đi!

Thấy A Lào đứng dậy lấy một sợi dây chỉ mà cậu cuộn sẵn trong túi đựng đồ cá nhân.

A Lào bảo tôi nằm xuống, cậu ta dùng chỉ buộc vào bốn đầu ngón tay của cả hai tay, bắt đầu nhẹ nhàng đưa vào cằm tôi và cứ thế cậu ta se từng sợi râu, ria trên cằm và mép tôi. Đã hơn một tuần chưa cạo râu nên râu tôi rất tốt. A Lào se mãi mới xong, cứ mỗi lần hai ngón trỏ của A Lào bật ra bật vào, dây chỉ se vào râu và nhổ ra vài sợi, làm tôi đau chảy cả nước mắt.

Tôi hỏi: Sao không dùng dao cạo để cạo cho đỡ đau? 

Toàn nói giải thích: Trại giam cấm không cho người bị tạm giam dùng dao cạo.

Toàn bảo tôi: Vào đây rồi phải xác định, tập tành cho quen đi, phải tự tập mà se râu, chứ không ai làm cho mình mãi được đâu.

Se râu xong tôi vào buồng tắm rửa cho sạnh sẽ, và bắt đầu quan sát cho kỹ lại buồng giam:

Buồng giam thiết kế có 2 bục bằng Xi măng để cho tù nhân nằm, chiều cao của bục khoảng 50 cm chiều ngang khoảng 90 cm dài khoảng 2 m thiết kế dọc theo chiều dài của buồng giam, ở giữa hai bục nằm là lối đi rộng khoảng 70cm, mọi người trong buồng gọi là “Xa lộ”. Cuối hai bục nằm một bên là bể chứa nước được gắn vòi từ gòi vào, một bên là hố vệ sinh. Như vậy tổng cộng chiều dài của buồng giam khoảng 3m, chiều ngang khoảng 2,5m, Tổng diện tích buồng khoảng 7,5m vuông. Không có cửa sổ, chỉ có một cửa chính, cánh cửa làm bằng sắt rất dầy, trên cánh cửa có một ô hình chữ nhật cao khoảng 1,5cm, dài khoảng 2,5cm làm ô thoáng mỗi khi cảnh cửa sắt đóng lại. Phía trước và sau buồng giam ở trên gần trần nhà có mấy ô thoáng để thông khí, được gắn bằng các khung sắt. Ngay cửa buồng bước ra có một khu hiên mà người tù gọi là “Chuồng cọp” là nơi mà mỗi giờ mở cửa buồng giam thì các bị can ra đó ngồi cho thoáng. Chiều dài “chuồng cọp” là chiều ngang của buồng giam, chiều rộng “chuồng cọp” khoảng 1,2m, được ngăn cách với bên ngoài bằng một dãy song sắt. Có một cánh cửa ra vào, nhưng bình thường nó chỉ được mở mỗi ngày 6 lần, Sáng Quản giáo mở nó để vào mở cửa buồng giam, gần trưa Quản giáo mở nó để các bị can nhận phần cơm, trưa quản giáo mở nó để vào đóng cửa buồng giam, tương tự buổi chiều cũng vậy.

Quản giáo sai Tuấn tới mở cửa buồng gọi tôi ra ngoài gặp. Quản giáo Nguyễn Văn Thành ngồi trên ghế có một bàn gỗ trước mặt. Tôi tới nới, ông ta chỉ tay về trước mặt bảo tôi: Đứng đấy!

Tôi đứng vào chổ ông ta chỉ.

Cán bộ hỏi tôi một loạt các câu hỏi như: Họ tên gì? Sinh năm bao nhiêu? Nghề nghiệp làm gì? Quê quán ở đâu? Họ tên bố mẹ, vợ và các con là gì? Bị bắt ngày nào? Bị truy tố tôi danh gì?…

Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi của ông ta. Thấy ông ta ghi tất cả vào một cuốn sổ, sau đó ghi họ tên tôi vào một mảnh giấy hình con thoi gần bằng lòng bàn tay rồi dắt vào cuốn sổ, (mà sau này tôi biết họ gọi là sổ “Tôm” để quản giáo theo dõi tên tuổi và số bị can trong các buồng giam). Xong việc họ đưa tôi trở lại buồng giam.

Buồng trưởng Toàn hỏi tôi: Tôn có muốn ở buồng này hay thích lên buồng “Vệ sinh” ở cho thoải mái?

Tôi không hiểu “Buồng vệ sinh” là sao nên hỏi: Sao ở buồng vệ sinh lại thoải mái hả anh? Buồng vệ sinh là thế nào ạ?

Toàn nói: Nhà A1a này có 10 buồng, chia làm nhiều loại khác nhau, Buồng 6 là buồng Vệ sinh, buồng đó rộng rãi hơn, có cửa sổ thoáng mát, chỗ nằm thoải mái, hàng ngày cán bộ mở cửa cho đi đi lại lại, phục vụ nước nôi cho cán bộ, phơi quần áo và chia cơm nước cho tù nhân. Cán bộ cho họ được đun nấu thức ăn trong buồng giam, có thuốc lá thuốc lào thoải mái, thậm chí thích uống rượu, cán bộ cũng có thể mang vào cho. Buồng 5 là buồng “Sỹ Quan” buồng đó cũng rộng rãi thoáng mát, cũng có thuốc lá thuốc lào nhiều hơn các buồng khác, nhưng không được mở cửa để đi ra đi vào. Mỗi buồng đó bình thường là có 10 tới 12 tù nhân ở. Mỗi người muốn được vào ở buồng vệ sinh thì gia đình phải “làm cơ chế” cho cán bộ quản giáo 5 triệu đồng và mỗi tháng gia đình thăm nuôi phải biếu quà cho cán bộ 5 trăm ngàn. Nếu không đủ điều kiện ở buồng vệ sinh thì ở buồng sỹ quan cũng được. Ở buồng sỹ quan thì làm cơ chế cho cán bộ 3 triệu và mỗi tháng cũng quà cáp 4 hoặc 5 trăm ngàn. Nếu không có thì ở buồng bình dân, không làm cơ chế, nhưng mỗi khi gia đình tới thăm thì biếu cán bộ từ 2 trăm tới 5 trăm, để cán bộ quan tâm cho mình việc nước nôi, thuốc men… Còn nếu không có gì thì phải ở buồng Si bi ri.

Tôi hỏi: Thế buồng Si bi ri là thế nào ạ?

Toàn nói: Buồng đó là dành cho những thành phần không có gia đình thăm nuôi, qua cáp và không có cả tiền lưu ký. Hàng ngày chỉ dùng cơm tù canh trại, cán bộ dồn họ vào một buồng.

Tôi lại hỏi: Thế buồng mình đang ở là buồng gì?

Toàn nói: Buồng này là bình dân, nhưng chỉ dành nhốt những đối tượng trọng án để theo dõi qua Ca me ra.

Tôi nói: Thôi! Họ nhốt đâu thì mình ở đó thôi chứ chẳng chọn lựa, hơn nữa nhà tôi cũng không có tiền làm cơ chế cho cán bộ.

Toàn chỉ vào tờ giấy khổ A4 treo ở hàng song sắt bảo tôi: Nếu xác định ở lại buồng này thì bây giờ ra học nội quy cho thuộc đi.

Tôi cầm tờ gấy xem qua một lượt, rồi treo lên. Tôi nói với Toàn: Những quy định ở đây mình cứ hiểu, nhớ và thực hiện là được chứ học thuộc làm gì.

Quản giáo đi lại nhắc nhở: Toàn cho thằng mới vào học nội quy đi, thằng đó phải học thuộc điều 9 nhé !

Toàn lại bắt tôi phải học nội quy, nhưng lần này thì bảo tôi là phải học bằng thuộc điều thứ 9.

Điều 9 có nội dung đại khái như sau: “Nghiêm cấm người bị tạm giữ, tạm giam tàng trữ sử dụng văn hóa phẩm đồi trụy, phản động. Cấm thực hành các hình thức mê tín dị đoan, cấm truyền đạo…”. (Mặc dù bị buộc phải học thuộc nhưng tôi cũng chỉ học để đối phó, nên không con nhớ được đầy đủ). Thời gian trôi qua, một ngày tù kết thúc vào lúc khoảng 16h chiều bằng việc cậu Tuấn vệ sinh đi phát thuốc lào cho các buồng giam xong thì quản giáo đi đóng cửa buồng. Cả khu nhà giam lại rơi vào tĩnh mịch. Các thành viên buồng giam số 9 chúng tôi lại kể cho nhau nghe những câu chuyện của đời mình, để thời gian được trôi nhanh. Những câu chuyện mà mọi người kể lại trong chốn lao tù, tôi sẽ lần lượt kể lại vào những phần sau.

Cám ơn các đọc giả đã cảm thông và cùng tôi xem hết bài viết dài này, hi vọng quý độc giả sẽ phần nào hình dung ra cuộc sống của những người ngồi sau song sắt trong “Thiên đường XHCN” này.

Hen gặp lại quý đọc giả trong kỳ sau.

Thanh Hóa ngày 17/6/2014

Nguyễn Trung Tôn
ĐT: 0162.8387.716