Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Một số học giả vừa tổ chức hội thảo lấy tên "Thoát Trung" vào hôm 5/6/2014 tại Hà Nội, với nhiều người đến dự.
Dù các vị học giả nói rõ "Thoát Trung" không phải là "Bài Trung" với "ba tiên đề và bảy trụ cột" [1], nhưng nhiều người vẫn băn khoăn. "Thoát Trung" rồi đi đâu? Có lâm vào một chế độ nào na ná "độc tài" như tại Liên Bang Nga? Hoặc "Thoát Trung" rồi có rơi vào bất ổn như Thái Lan hiện nay, hay như những quốc gia khác, dù sau khi lật đổ chế độ độc tài nhưng dường như đang chìm trong chiến sự?
Nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại [2] - Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) đã đưa ra học thuyết "Thoát Á Luận" [3] để đặt nền móng cho một quốc gia phú cường và văn minh.
Tuy nhiên, một thời gian khá dài sau khi ông Fukuzawa Yukichi tạ thế, những tư tưởng của ông, có vẻ vẫn chưa được "xứ sở hoa anh đào" quan tâm cho lắm, mãi cho đến Thế Chiến 2, với thất bại thảm hại và kinh hoàng nhất vào lúc bấy giờ, dường như nó mới làm người Nhật Bản giật mình tỉnh giấc?
Thua cuộc thê thảm đó, xem ra giúp cho dân Phù Tang có cơ hội nhìn lại tư tưởng của tiền nhân mình? Không những thế, họ can đảm nhìn thẳng vào thất bại ê chề và quyết tâm đứng dậy từ đống đổ nát tan hoang. Đó chính là hành động anh hùng giản dị nhất mà lại thuyết phục nhất. Không chỉ vậy, người dân "xứ sở Mặt Trời mọc" còn đủ dũng khí chấp nhận tư cách "kẻ thua cuộc" với bản Hiến pháp được soạn thảo, khi quốc gia họ được điều hành bởi lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Dân tộc tự hào là con cháu của "Nữ Thần Mặt Trời" không hề mặc cảm tự ti hay hổ thẹn với bản Hiến Pháp không do đại diện của người dân tự soạn. Đó là một triết lý "luận anh hùng" thật thú vị mà chúng ta lại nhìn thấy.
Trong bản Hiến pháp từ 1947, cho đến nay chưa hề chính thức sửa đổi, điều 9 nói [4]:
1. Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe doạ bằng vũ lực.
2. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.
Từ đó, quốc gia đầy tham vọng ngày xưa đã hoàn toàn từ bỏ những khát khao phi nghĩa. Cũng từ dạo ấy, chính người Nhật Bản đã làm cho "viên kim cương" ngày càng lấp lánh sắc màu kỳ diệu mang tên: Thành Thật.
Hơn thế, thực tế đã chứng minh gần 70 năm qua, một Nhật Bản đầy lòng nhân ái, văn minh và phú cường.
Gần 70 năm qua, một thời gian đủ dài để toàn thế giới nhìn về người Nhật với sự tôn trọng và kính nể trong tư cách một quốc gia - nói được và làm đúng với "trái tim pha lê" thật trong suốt và "khối óc kim cương" đầy trí tuệ.
Nhật Bản ngày nay giàu có và hùng mạnh. Thế giới vẫn còn quá nhiều hiểm họa khôn lường và dã tâm thôn tính từ những quốc gia vẫn ấp ôm mộng bá chủ, dù là phương Đông hay phương Tây.
Đứng trước nguy cơ mới và ngày càng rõ mồn một, Hạ viện Nhật Bản cho phép sửa đổi "Hiến pháp hòa bình". Từ lâu, ông Shinzo Abe - đương kim Thủ Tướng Nhật Bản - đã ủng hộ việc sửa đổi bản Hiến pháp, bởi vì nó không còn phù hợp với thực tế hiện nay [5].
Con cháu "Nữ Thần Mặt Trời" thật hào sảng và minh bạch, dứt khoát lại nhạy bén với thời cuộc trong triết lý "cuộc sống là vận động".
Thoát Ngụy
Đề cập đến chữ "Ngụy", người ta biết nhiều từ liên quan, như: "ngụy biện", "ngụy tạo", "ngụy quân tử", "ngụy danh", "ngụy trang" v.v... cũng như chế độ VNCH đã từng bị người cộng sản Việt Nam gọi là "ngụy quân", "ngụy quyền". Nhờ thời đại hiện nay, nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt người dân miền Bắc (vốn dĩ sinh trưởng trong một xã hội bưng bít gần 70 năm qua) đã hiểu rõ hơn như blogger Nguyễn Tường Thụy đã kêu gọi: "Đừng gọi Việt Nam Cộng Hòa là ngụy nữa nhé" [6].
Có vẻ "Thoát Á Luận" của Fukuzawa Yukichi đã tạo cảm hứng cho các học giả Việt Nam tạo ra khái niệm "Thoát Trung"?
So sánh và liên hệ hai khái niệm này, cho thấy có một số khập khiểng.
Khi Fukuzawa Yukichi đặt ra việc cần phải thoát khỏi những tư tưởng lạc hậu cách đây hơn trăm năm, ông mong mỏi người Nhật Bản hãy loại trừ những gì lạc hậu, như: tư tưởng, văn hóa, giáo dục, giao thương, đạo đức v.v... của Châu Á [*]. Fukuzawa Yukichi đặt nền móng cho một xã hội phát triển văn minh, hài hòa dựa trên những đặc điểm tốt có chọn lọc từ tư tưởng và văn hóa - xã hội phương Tây lúc bấy giờ. Trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi, người ta không tìm thấy rõ nét yếu tố "thể chế chính trị" mang tính chi phối lớn. Đặc biệt khái niệm "độc tài toàn trị" lúc bấy giờ chưa có.
Do đó, khi đặt vấn đề "Thoát Trung" như vừa qua, với ý nghĩa thoát khỏi sự xâm lăng và lệ thuộc từ chế độ độc tài toàn trị Bắc Kinh thì khái niệm "Thoát Trung", có vẻ trở nên một cách "chơi chữ", mang "chất Trạng Quỳnh", hơn là nhằm mục đích nói lên thực chất một quốc gia độc lập, tự cường như các học giả mong muốn mà nhiều người gần như chỉ thấy phần "lý thuyết" hơn là ý nghĩa "thực tiễn" có thể áp dụng khả thi từ "ba tiên đề và bảy trụ cột".
Vả lại, chúng ta thử nghĩ, một khi người dân Trung Hoa tự kiến tạo một chế độ tự do - dân chủ cho quê hương của họ như các nước văn minh, phải chăng lúc đó khái niệm "Thoát Trung" sẽ trở nên vô nghĩa, lỗi thời và hơi... kỳ cục đối với một dân tộc láng giềng?
Hơn nữa, như nhiều độc giả thắc mắc "Thoát Trung" rồi đi đâu? Phải chăng nó nói lên tính bị động và yếm thế khi đề cập chữ "thoát"? Tại sao lại phải "thoát"? Tại sao không là "Trung Thoát" hay "Cộng Thoát"? Có vẻ, tư tưởng như thế không giúp ích cho lắm trong tình hình hiện nay. Mặt khác, người Việt Nam cũng có thể tiếp tục đặt câu hỏi: phải chăng một lúc nào đấy, dân Lạc Hồng lại tiếp tục đưa ra những "khái niệm": "Thoát Nga", "Thoát Mỹ", "Thoát Nhật"? Và lại tiếp tục nghe những lời "đính chính" hoặc "làm rõ" như trong phụ lục sách giáo khoa sửa lỗi từ "cậu đánh máy" nào đó?
Những người khác lại cho rằng [7]: "Không thể "Thoát Trung" mà không "Thoát Cộng", hoặc các ý kiến tương tự như thế, so ra cũng không khác mấy về mặt ý nghĩa chủ bại và tự gò ép dân tộc Việt Nam cần phải "thoát", thay vì buộc chế độ độc tài toàn trị - dù Bắc Kinh hay Hà Nội - (tốt nhất) chủ động "đào thoát" hay buộc "chế độ đó" (bị động) phải "thoát khỏi" tư tưởng ức hiếp "những người yếu hơn", dù chính nghĩa vẫn thuộc về họ? Có vẻ thế chủ động như vậy mới giúp phong trào dân chủ gắn liền bảo vệ Tổ quốc cần hơn vào lúc này?
Những hành vi đàn áp dã man và có hệ thống, cũng như cướp đất, bỏ mặc công nhân bị bóc lột, sự lạm quyền của cơ quan công quyền ngày càng tệ hại và trắng trợn, càng làm cho chữ "cộng sản" ngày càng trở nên bị tha hóa hơn nhiều lần, nó dần nghiêng về "độc tài toàn trị". Từ đó, nó làm cho quyền năng "lợi ích nhóm" càng "thoát thai" và vươn mình lớn mạnh như bầy sâu hấp thụ chất kích thích tăng trưởng kinh hoàng, góp trong đó không hề thiếu những "gói viện trợ", những "túi cho vay" từ các tập đoàn và tổ chức tài chính quốc tế tựa như một sự cố ý nuôi nấng và vỗ béo cho "bầy siêu sâu" tha hồ đục khoét?
Sự thật về công hàm Phạm Văn Đồng được bày ra chính thức và công khai, không còn lập lờ như cách đây vài năm, nhất định nó giúp người Việt Nam không còn bàng hoàng và choáng váng, một khi sự thật về "hội nghị Thành Đô" và những khuất tất nghiêm trọng khác được trưng ra. Như thế, ít nhất người dân không bị một hội chứng "nhồi máu cơ tim" vào lúc nào đó, bởi đã chờ đón một cách có căn cứ khi biết về công hàm 1958. Sự Thật tiếp tục lại "ngồi ngay" trong tim để bảo đảm sức khỏe. Có đủ sức khỏe mới có thể nói đến những việc khác.
Một độc giả trên RFA nhận xét về bài "Bí mật không thể bị mất" [8]:
Hồ Ái Quốc - Nơi gửi Quảng Ngãi
Ông Nguyễn Ngọc Già có lẽ là người Trung Quốc! Bài viết của ông dù đúng sự thật thì toàn dân VN cũng không hoan nghênh ông trong lúc này! Ông cần suy nghĩ cẩn trọng hơn!
Không thể giữ nước bằng tục ngữ "tốt khoe xấu che". Đó là chân lý. Cũng như cho đến nay, nói về "đường lưỡi bò", phía Trung Quốc vẫn không thể giải thích sao cho thuyết phục cả thế giới, như wikipedia cho biết [9]: "Từ khi Trung Hoa Dân Quốc công bố ranh giới chín đoạn vào năm 1947 cho tới nay, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa cũng chưa bao giờ chính thức nói ý nghĩa của ranh giới đó là gì..."
Đến đây, chúng ta lại thấy vai trò của Sự Thật quan trọng như thế nào.
Kết
Hòa bình và nhân ái nhất định được nuôi dưỡng từ Sự Thật. Quốc gia hùng cường Nhật Bản đã chứng minh điều đó từ lâu. Sự Thật luôn thuyết phục và chiến thắng tất cả những gì không thuộc Chính Nghĩa.
Chữ "ngụy" là một từ Hán - Việt, nó phản ánh những cái gì giả trá nhưng mang dáng vẻ của Sự Thật.
Để thoát khỏi tình trạng Việt Nam lệ thuộc nhiều mặt đối với chế độ toàn trị tại Trung Quốc cũng như hiện trạng bi đát và bế tắc của Việt Nam hiện nay, thay vì "Thoát Trung", có lẽ người Việt Nam cần phải gọi đích danh: THOÁT NGỤY. Khởi đầu của quá trình "Thoát Ngụy", nhất định phải do giới cầm quyền Việt Nam hiện nay, bởi họ phải chịu "trách nhiệm toàn diện" dựa trên sự "lãnh đạo toàn diện" của ĐCSVN, suốt 70 năm qua.
Bên cạnh "Sự Thật", "Công Bằng" phải lên tiếng, dù muộn.
__________________________________________
Chú thích:
[*] Tất nhiên Trung Hoa - xứ xở được xem là "cái nôi" ảnh hưởng lớn đến hầu hết các quốc gia Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Việt Nam v.v...) với Khổng giáo (Khổng Tử), Đạo giáo (Lão Tử), Phật giáo Đại Thừa, Mạnh Tử, Trang Tử v.v...