Wednesday, 23 July 2014

Đảng còn, dân sẽ bị lệ thuộc Tàu

Phạm Trần (Danlambao) - Sau hơn hai tháng không đuổi được giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Cộng ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, đã đến lúc lãnh đạo và đảng Cộng sản Việt Nam hãy tự giác ngộ để trả lại quyền làm chủ đất nước cho dân trước khi quá muộn với quân xâm lược phương Bắc.

Lý do vì:

Thứ nhất, đảng và lãnh đạo đã mất hết lòng tin trong dân và không có khả năng đoàn kết dân tộc để bảo vệ đất nước.

Thứ hai, nhà nước chưa có bất cứ kế họach nào để giành lại Hòang Sa bị Trung Cộng chiếm bất hợp pháp từ tháng 01 năm 1974 và 8 đảo và bãi đá ở Trường Sa mất vào tay quân Trung Cộng từ tháng 3 năm 1988.

Thứ ba, Quân đội nhân dân cũng không có bất cứ hành động nào để ngăn chận Trung Cộng biến các vị trí chiếm được ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo và lập căn cứ quân sự vĩnh viễn ở đó.

Thứ tư, Việt Nam không vận động được Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp Châu Âu và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN, Association of South East Asia Nations) mà Việt Nam là một trong 10 quốc gia hội viên, tuyên bố ủng hộ mình trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Cộng.

Thứ năm, các hành động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam chỉ tập trung vào lời nói của lãnh đạo là nhiều trong khi Trung Cộng tiếp tục hành động chiếm biển và tài nguyên của Việt Nam ở Biển Đông.

Thứ sáu, các hoạt động phản bác, tranh luận về chủ quyền lãnh thổ của các học giả và chuyên viên Việt Nam trên các diễn đàn Quốc tế không sánh kịp với Trung Cộng.

Thứ bảy, Việt Nam chỉ biết “phản ứng chạy theo” chiến dịch tuyên truyền rộng rãi của Trung Cộng về chủ quyền Biển Đông bằng bản đồ, tài liệu du lịch, sách giáo khoa và báo chí nhằm “hợp thức hóa” nhận thức của người đọc đối với “chủ quyền tự vẽ hình lưỡi Bò” chiếm gần hết 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông.

Thứ tám, vài cuộc triển lãm tài liệu lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tổ chức Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra tại Đà Nẵng từ 19-21/06/2014, do trường Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức, tuy có chừng 100 học giả, nhà nghiên cứu quốc tế từ Mỹ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam tham dự nhưng không tạo được tiếng vang trong dự luận Quốc tế.

Nguyên do vì cuộc triển lãm chỉ thu hút được người Việt trong nước, đa số là học sinh, sinh viên và ít khách du lịch hay nhân viên ngoại giao nước ngoài đến coi cho biết.

Trong khi đó thì chính quyền lại vô lý cấm báo chí không được theo dõi cuộc hội thảo Đà Nẵng nên các Hội thảo viên cũng chỉ “nói cho nhau nghe” mà thôi!

Việc làm tắc trách có hại này được Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, người tham dự cuộc Hội thảo phê bình: “Báo chí truyền thông của ta đã có đóng góp rất lớn, hiệu quả và kịp thời trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung cũng như hội thảo này nói riêng. Tuy nhiên, đây là một hội thảo thuần túy khoa học chứ không phải một phiên tòa xử kín, các nhà báo chỉ được tham dự buổi khai mạc và phiên bế mạc. Nội dung thảo luận thì họ không được tham dự. Đây là một điều hết sức đáng tiếc.”

Than phiền của Tiếc sỹ Trục không ngạc nhiên vì từ lâu, bộ óc sợ hãi “làm phiền người láng giềng phương Bắc” của những lãnh đạo Tuyên giáo Trung ương (bây giờ là Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh) và địa phương khi chạm đến những vấn đề được gọi là “nhạy cảm” liên hệ đến Trung Cộng thì liền ra lệnh cho báo chí không được viết hay cấm tham dự.

Chẳng hạn như, cho đến ngày 02/05/2014 khi Trung Cộng đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam thì báo đài mới được tự do nói thẳng các “tàu của Trung Quốc” đã tấn công các tầu cảnh sát biển và tàu cá Việt Nam gần giàn khoan.

Trước ngày 02/05/2014, các viên chức đảng, báo chí, ngay cả ngư dân Việt Nam bị lính Trung cộng giả dạng dân đánh cá hay tầu cảnh sát biển của Trung cộng tấn công, đánh đập dã man và cướp phá tài sản, ngư cụ trên biển, hoặc bị đâm chìm tầu trong đêm tối cũng chỉ được Ban Tuyên giáo cho phép gọi chúng là “tàu lạ”, hay “tàu nước ngoài”!

Thậm chí quân và tàu chiến Trung Cộng đã công khai tấn công chiếm đảo và giết lính Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 cũng từng được Sỹ quan hải quân Việt Nam gọi là “quân đội và tàu nước ngoài”!

Hải quân Việt Nam chỉ “đích danh tố cáo Trung Cộng” đã xâm lược bất hợp pháp Trường Sa từ ngày 31/12/2013.

Báo Tuổi trẻ Online tường thuật: “Tàu Hải quân Việt Nam khi qua khu vực các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam luôn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14.3.1988 - chống Trung Quốc xâm chiếm quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam..

..Trong diễn văn của mình, thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Trường Sa, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: “Ở vùng biển này, cách đây gần 26 năm đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146-Trường Sa anh hùng, của các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505, Trung đoàn công binh 83 chống lại cuộc tấn công trắng trợn, bất ngờ của Hải quân Trung Quốc… Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển Đông nhưng đối phương đã đưa lực lượng lớn xuống quần đảo Trường Sa, ngang nhiên dùng vũ lực chiếm giữ trái phép một số bãi đá ngầm của ta, gây nên sự kiện 14.3.1988, làm cho tình hình càng thêm căng thẳng, phức tạp”.

Vì có “những cái đầu óc chết” không dám chạm đến, dù là hành động phi pháp hay bạo lực trắng trợn chống con người và nước Việt Nam của Trung Cộng trong hàng ngũ “được gọi là lãnh đạo tuyên truyền” của Cộng sản Việt Nam như đã chứng minh nên ông Trần Cộng Trục mới mỉa mai thêm: “Có lẽ chúng ta cũng ít nhiều lo ngại khi thảo luận, "ngộ nhỡ" có những quan điểm phản biện bất lợi cho ta từ phía các học giả nước ngoài nên mới "cấm cửa" báo chí tham gia đưa tin, phỏng vấn các buổi thảo luận về nội dung chính của hội thảo. 

Điều này đã làm mất đi cơ hội để đông đảo người dân và bạn bè quốc tế thấy được tính chính nghĩa của ta trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, đồng thời các học giả, các nhà quản lý của ta cũng thấy được các mặt yếu kém, sơ hở của mình để khắc phục. Khi chúng ta đã tự tin về chủ quyền của mình, thì chẳng có gì chúng ta phải giấu giếm hay "họp kín" cả. Làm như vậy là lợi bất cập hại.” (Báo Giáo dục Việt Nam, 27/06/2014)

Bạn hay thù của Trung cộng?

Bên cạnh những nhược điểm vừa nêu, lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN cũng không chứng minh được bản lĩnh và khả năng bảo vệ lãnh thổ bằng những chính sách và biện pháp cụ thể.

Dư luận vẫn chưa được trả lời tại sao cho đến bây giờ, sau hơn 2 tháng từ ngày giàn khoan Trung Cộng vào “ngồi chễm chệ” trong vùng biển của Việt Nam mà Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa quyết định kiện Trung Cộng ra Tòa án Quốc tế?

Ông trả lời thắc mắc này tại cuộc gặp cử tri Tây Hồ (Hà Nội) ngày 01/07 (2014): “Có ý kiến băn khoăn chiến tranh xảy ra thì sao? Chúng ta phải chuẩn bị mọi khả năng song mong nó không xảy ra... Đảng, Nhà nước, Quốc hội trên dưới một lòng làm hết trách nhiệm của mình. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp, song đấu tranh hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kể cả đấu tranh pháp lý.”

Nhưng đến bao giờ thì ông mới dám “đấu tranh pháp lý” tay đôi với Bắc Kinh?

Ông Trọng là người thân Trung Cộng, theo lời Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh 1974-1987, đã trấn an và khuyên cử tri: “Biển Đông là vấn đề lớn, quan trọng, hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm, cũng là vấn đề liên quan đến sự ổn định, phát triển của đất nước sắp tới, cũng như việc giải quyết quan hệ với Trung Quốc, người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.

“Trong lịch sử đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền... ta thẳng thắn công khai đến toàn thế giới, không nhân nhượng, rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm chủ quyền của VN, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa hai nước.”(VietnamNet, 01/07/2014)

Tất nhiên Trung Cộng là “nước lớn” là “láng giềng lớn”, nhưng bảo phải “ăn đời ở kiếp” hay “chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển...” với người hàng xóm đã bị chính báo của đảng lên án “tiểu xảo” và “hành động khiêu khích trắng trợn” chống Việt Nam thì không thể là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” , hay là bạn bè với nhau theo phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. 

Vậy phải chăng, tuy ông Trọng nói là: “Ta đấu tranh toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trên tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh...”, nhưng vẫn phải “đồng thời giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, không để nội bộ rối ren...”

Nói như ông Trọng thì nghe cũng xuôi tai, nếu chỉ “biết nghe” và “không cần phải suy nghĩ hay nghiên cứu xem cái nghĩa thật của câu nói nằm ở đâu”, nhưng rõ ràng là ông muốn “chế độ” và “Đảng” phải được bảo vệ để tồn tại thì mới có thể đấu tranh với Trung Cộng.

Khốn nỗi “chế độ” và “Đảng” của CSVN đã bị Trung Cộng “kìm kẹp” và “xỏ mũi” lôi đi từ Hội nghị Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Cộng) năm 1990 bằng những “cú lừa” ngọai mục thì làm gì còn khả năng và nghị lực” để “tống cổ” cái gian khoan Hải Dương 981 về Tàu nữa đâu mà “bảo vệ” để làm gì và cho ai?

Lý do vì vào năm 1990, khi Chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Sô và các nước Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu đã và đang đi vào chỗ chết thì Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh đã xin sang gặp lãnh đạo Cộng sản Tàu là Giang Trạch Dân ở Thành Đô để mưu cầu sự ủng hộ để bảo vệ chế độ và cùng với Tàu bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội để tái lập lại “Thế giới Cộng sản”. 

Nhưng giờ đây Trung Cộng không còn theo Chủ nghĩa Cộng sản kiểu Nga Sô nữa mà đã tự chế ra điều được gọi là “Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” để theo đuổi “Giấc mơ Trung Hoa”, trong đó có chủ trương phải “bảo vệ chủ quyền biển” là quyền lợi “cốt lõi” của Trung Cộng.

Hẳn ông Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN phải biết rất rõ Chủ tịch và Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung cộng Tập Cận Bình muốn gì và Việt Nam đang mắc nợ Bắc Kinh bao nhiều ngàn tỷ dollars cho nên từ sau Hội nghị Thành Đô qua hai “triều đại” Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười, và đặc biệt từ năm 1999 đến nay, Việt Nam - dưới thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu- đã phải nhượng bộ đòi hỏi “phải được phần trội hơn” của Trung Cộng trong các Hiệp ước Biên giới (1999), Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ (2000) và Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ (2000).

Sau đó đến thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từ 2001 đến 2010 rồi đến phiên ông Nguyễn Phú Trọng từ 2011, đảng CSVN tiếp tục trao cho Trung Cộng, qua hình thức “đấu thầu rẻ để chắc chắn trúng thầu” đến 90% các dự án kinh tế và kỹ nghệ quan trọng như điện lực, khoáng sản, cơ khí, dệt may, xi măng, làm đường cao tốc nối liền Việt-Trung, dự án khai thác Bauxite trên vùng đất chiến lược Tây Nguyên đều nằm trong tay Trung Cộng.

Các Bộ Chính trị từ thời Nguyễn Văn Linh (1986) đến Nguyễn Phú Trọng (từ 2011) phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử về những việc làm “nhượng Tầu hại Việt” của họ.

Như vậy thì làm sao mà Việt Nam có thể “thoát Trung” nếu đảng CSVN còn tồn tại với chính sách đối phó “nửa vời” với Trung Cộng ở Biển Đông và trên tất cả các lĩnh vực khác?

Cũng vì đảng CSVN đã bị Trung Cộng trói tay chân từ năm 1990 nên Bắc Kinh đã không đánh mà thắng bằng mua chuộc và mưu mẹo để giờ đây được tự do “xâm nhập rất sâu” vào hệ thống chính trị, kinh tế, ngoại giao và quốc phòng nên Việt Nam đã hết đường thoát.

Vì vậy mà không nên ngạc nhiên khi thấy ông Nguyễn Phú Trọng khuyến cáo cử tri Hà Nội rằng: “Các lãnh đạo, đoàn thể, địa phương đều đã lên tiếng mạnh mẽ, có cả diễu hành phản đối, Chính phủ cũng mới họp tìm cách phát triển kinh tế ra sao trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng… mọi lời nói, cử chỉ, hành động đều phải cẩn trọng, phối hợp nhịp nhàng trên các mặt trận.”

Do đó, theo ông Trọng: “Biển Đông là vấn đề lâu dài, cơ bản, đụng chạm đến chủ quyền quốc gia: TQ muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông, muốn Hoàng Sa – Trường Sa là của TQ. Ta luôn nói Hoàng Sa - Trường Sa là của VN, trong bối cảnh thực tế TQ đang chiếm Hoàng Sa sau hai lần cưỡng chiếm. Vì vậy, phải làm sao khẳng định chủ quyền, đấu tranh lấy lại Hoàng Sa.

Đây là việc khó khăn, ta phải kiên quyết, kiên trì, bằng nhiều biện pháp, sai một ly đi một dặm, mặt nào không tốt đều ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển đất nước”.

Chủ trương “kéo dài thời gian đấu tranh với Trung Cộng” và “chiến thuật phải từ từ” nhưng không coi chừng “trâu chậm uống nước đục” của ông Trọng sẽ không thành công vì Trung Cộng thì vẫn hung hăng tiếp tục đem giàn khoan dầu vào biển Việt Nam trong khi đảng CSVN lại không dám rũ bỏ cái điều viển vông “Lý tưởng tương đồng” với Bắc Kinh thì Việt Nam sẽ tiếp tục lún sâu vào tròng lệ thuộc mọi mặt với Trung Cộng.

E rằng nếu cứ e dè, co vòi và hy vọng hão huyền vào Lãnh đạo Trung Cộng sớm muộn cũng sẽ nhận ra “chân lý đồng chí” để “sống chung hòa bình” với Việt Nam thì toàn vẹn lãnh thổ khó mà còn nguyên.

Tuy vậy, ông Trọng vẫn chủ trương: “Đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý, không mong muốn chiến tranh, xung đột xảy ra nhưng phải chuẩn bị tất cả mọi phản ứng.”

Nhưng đàng CSVN đã chuẩn bị chưa? Nếu có, tại sao không cho dân biết mà để dân phải hỏi như cử tri Tây Hồ đã thắc mắc với ông hôm 01/07 (2014)?

Thế rồi người đứng đầu đảng CSVN lại khuyên dân đừng nhầm lẫn giữa “lãnh đạo xấu” và “người dân tốt” của Trung Cộng.

Ông bảo: “Cũng cần chú ý phân biệt nhân dân TQ và các lãnh đạo Trung Quốc, phân biệt những người gây hấn, đặt giàn khoan với 1,3 tỷ người dân Trung Quốc.”

Nhưng nếu cứ “nhịn đói mà chờ sung rụng” thì có thoát chết không? Muốn có miếng ăn thì phải “tay làm hàm nhai”. Không ai có cơm thừa mà đem bố thí cho kẻ khỏe mạnh mà lười biếng, chỉ giỏi lý luận cùn mà không dám nhìn xem ánh sáng có còn ở cuối dường hầm hay không?

Thực tế của Việt Nam ngày nay là: Nếu cứ bám lấy chủ trương của ông Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN là phải kiên định “bảo vệ chế độ” và “bảo vệ đảng” để “bảo vệ dân” và “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” trong cuộc đấu tranh với kẻ thủ cực kỳ nguy hiểm Trung Cộng thì dân tộc sẽ chỉ bị đẩy đến gần ngưỡng cửa lệ thuộc phương Bắc mà thôi.

Vì vậy, muốn giữ nước và dựng nước thì người CSVN phải vượt ra khỏi tư duy giáo điều và chậm hiểu để lột xác khỏi chiếc áo Cộng sản xơ cứng, lạc hậu đang tác hại đến tận xương tủy dân tộc.

Mọi phương án tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản độc tài Hồ Chí Minh để duy trì chế độ Cộng sản ở Việt Nam chỉ có hại cho dân cho nước mãi mãi. 

Với tình hình cực kỳ nguy nan hiện nay, ai cũng thấy chỉ có một chế độ tự do, dân chủ và đòan kết toàn dân mới bảo vệ được Tổ quốc trước âm mưu bành trướng và bá quyền của “láng giềng Trung Cộng”.

Cũng nên biết rằng nếu chẳng may nước mất vào tay Trung Cộng thì đảng CSVN có được phép tồn tại không hay sẽ bị “chặt đầu” ráo trọi?

(07/014)