Wednesday 23 July 2014

Ca sĩ Quỳnh Giao vừa qua đời sáng hôm nay 23-7-2014

Vừa nhận được tin buồn ca sĩ Quỳnh Giao vừa qua đời sáng hôm nay
Xin chia buồn cùng tang quyến
Mong linh hồn chị siêu thoát nhanh đến vùng viễn hằng
Kỷ niệm với chị Quỳnh Giao:
Nhớ Sài Gòn (nhạc và lời Phạm Anh Dũng) Quỳnh Giao hát, Duy Cường hòa âm:

Quỳnh Giao là một nữ ca sĩ Việt Nam, tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sinh năm 1946 tại làng Vỹ DạHuếViệt Nam. Quỳnh Giao là con gái của Minh Trang, nữ danh ca của tân nhạc những năm đầu. Năm Quỳnh Giao 5 tuổi, cha của bà qua đời và mẹ bà tái giá với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Ca sĩ Minh Trang (giữa) cùng con trai Bửu Minh (T) và con gái Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao) Năm 1951
Ngay từ bé, với tên thật Đoan Trang, Quỳnh Giao đã hát trên đài Phát thanh Quốc Gia Sài Gòn, trong những chương trình Tuổi Xanh của Ban Nhi Đồng Kiều Hạnh. Quỳnh Giao cũng từng tốt nghiệp thủ khoa lớp dương cầm và được bà Robin của Trung Tâm văn Hóa Pháp, Alliance Française, hướng dẫn về thanh nhạc và opera.
Quỳnh Giao thực sự đến với âm nhạc khi 15 tuổi. Đó là năm 1961, bà Minh Trang đang cộng tác với ban Tây Hồ của nhạc sĩ Hoàng Trọng thì mất giọng do căn bệnh hen suyễn nên Quỳnh Giao được mời vào thay thế cho mẹ. Từ đó bà đi hát với nghệ danh Quỳnh Giao và trở thành một ca sĩ quan trọng trong những chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội và Tiếng Nói Tự Do trước năm 1975. Trong những năm đầu 1970 Quỳnh Giao cũng với các em gái Vân Quỳnh, Vân Khanh và Vân Hòa thành lập Ban tứ ca Bốn Phương chuyên hát tại vũ trường Ritz và thâu âm cho các trung tâm Băng nhạc Jo Marcel, Phạm Mạnh Cương và Premier.
Ngày 24 tháng 4 năm 1975, Quỳnh Giao cùng chồng và con rời Việt Nam sang cư ngụ tại thành phố Annandale, tiểu bang Virginia. Trong thời gian ở Annandale, bà gần như ngưng mọi hoạt động về ca nhạc ngoài việc tiếp tục mở lớp dạy dương cầm và thỉnh thoảng thực hiện vài băng nhạc có tính cách lưu niệm do chính bà tự đàn và hát.
Năm 1990, sau khi lập gia đình lần thứ hai, Quỳnh Giao cùng chồng về sống tại California. Từ đó, bà bắt đầu quay lại với âm nhạc và phát hành nhiều CD thành công như Khúc nguyệt quỳnh, Hành trình Phạm Duy... Quỳnh Giao cũng cùng với Mai HươngKim Tước lập ban Tiếng Tơ Đồng ở hải ngoại và thu được nhiều thành công.

Băng nhạc Quỳnh Giao

Trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1975, Quỳnh Giao cùng với ban Bốn Phương đã thâu âm một số băng nhạc cho các hãng Phạm Mạnh Cương, Jo Marcel, Premier, Tiếng Nhạc Tâm Tình...
  1. Quỳnh Giao - Hát cho kỷ niệm 1, 1983
  2. Quỳnh Giao - Còn Thoáng Chiêm Bao, Duyên Anh soạn nhạc, 1986
  3. Quỳnh Giao - Chinh Phụ Ngâm, Cung Tiến soạn nhạc, hát cùng với Kim Tước, Mai Hương và Giàn nhạc thính phòng San José, thâu live 27 March 1988
  4. Quỳnh Giao - Hát cho kỷ niệm 2, 1988

CD Quỳnh Giao

  1. Khúc Nguyệt Quỳnh, 1992
  2. Đêm Tàn Bến Ngự - Tình Khúc Dương Thiệu Tước. Cùng Kim Tước, 1995
  3. Tình khúc Văn Cao. Cùng Mai Hương, 1995
  4. Tiếng chuông chiều thu, 1996
  5. Chiều về trên sông, 1997
  6. Ngàn thu áo tím, 1998
  7. Tìm nhau bốn mùa. Cùng Kim Tước, Mai Hương và Duy Trác, 1998
  8. Hành trình Phạm Duy, 1999
  9. Hình ảnh một buổi chiều, 2000
  10. Tình khúc Văn Phụng & Hoàng Trọng, 2001
  11. Thơ tình phổ nhạc, 2002
  12. Hoa xuân, 2003
  13. Tình ca Phạm Duy, 2005
  14. Trở về thôn cũ, 2005
  15. Các bản thâu âm lẻ cho các Chương trình CD: Đoàn Chuẩn, Xuân, Hùng Ca, Giáng Sinh của Trung tâm Mai Ngọc Khánh từ năm 1995 ~ 1998
  16. Các bản thâu âm lẻ cho các Chương trình CD: CD Đưa Người Về Phương Đông-Tình Ca Phạm Anh Dũng phát hành 1992. CD Thiền Ca do Tuấn Khanh soạn nhạc, thơ thiền Tu sĩ Tịnh Liên do Thiền viện Sùng Nghiêm phát hành 2001

alt


              
              
                        Phân Ưu từ website của Nhạc sĩ Lê Dinh (Montreal, Canada)

THÂN MỜI QUÝ VỊ YÊU ÂM NHẠC XEM VÀ NGHE NHẠC Ở TRANG TƯỞNG NIỆM 

CA SĨ QUỲNH GIAO (1946-2014) Ở WEBSITE CỎ THƠM VỚI LINK SAU ĐÂY:

http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=1197&Itemid=47
XIN VUI LÒNG GỞI THÊM TÀI LIÊU VÀ PHỔ BIẾN ĐẾN THÂN HỮU,
PHAN ANH DŨNG

===================

Hai hôm trước, tôi có nhận thông báo từ Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng (Santa Clara, California) là ca sĩ Quỳnh Giao đã qua đời. Tôi bàng hoàng vì không ngờ chị ra đi quá nhanh ở tuổi 68. Sở dĩ tôi nói quá nhanh là vì chỉ mới vài tháng trước tôi được tin chị lâm bệnh nặng nên "tạm thời" ngưng chương trình "Câu Chuyện Văn Nghệ với Quỳnh Giao" ở Người Việt TV do Nam Phương, rồi Lê Hồng Quang phụ trách. Lúc ấy, tôi thầm nghĩ: "tội nghiệp cho ca sĩ Lê Hồng Quang, anh vừa mới bắt tay cộng tác với ca sĩ Quỳnh Giao mục văn nghệ thật lý thú này!"
Tôi nhớ lại một kỷ niệm đẹp vào tháng 3 năm 2012, nhân dịp qua Nam California, Tâm Hảo và tôi đã gặp một số nghệ sĩ như Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, Ca sĩ Lê Hồng Quang tại studio dạy nhạc, Nhạc sĩ Thanh Trang, Nhạc sĩ Tuấn Khanh tại quán phở "Hoa Soan Bên Thềm Cũ", và 2 họa sĩ Vi Vi và Cát Đơn Sa (ở San Diego).
Chúng tôi có đến thăm ca sĩ Quỳnh Giao tại tư gia ở Garden Grove. Căn nhà xinh xắn, vườn tược gon ghẽ, trang trí thanh nhã và dĩ nhiên không thể thiếu cái đàn piano ở phòng khách. Chị vui tươi, trẻ trung niềm nở chào đón "khách từ xa". Sau đó, chị ký tặng một số sách "Tạp Ghi Quỳnh Giao" vừa ra mắt vài tháng trước (10/2011). Tuy ở xa nhưng chị vẫn được tin tức của anh chị em văn nghệ vùng Hoa Thịnh Đốn.
  
Theo thiển ý, ca sĩ Quỳnh Giao là một người có thực tài về nhiều khía cạnh nghệ thuật. Ngoài ca hát, chị còn đàn và dạy piano, viết văn, làm chương trình "talk show" TV ...
Chị được nuôi dưỡng trong một môi trường âm nhạc lý tưởng (Mẹ là danh ca Minh Trang, Bố dượng là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước). Chiều dầy kinh nghiệm của chị do học hỏi và thực hành hầu như mỗi ngày từ các ban Tuổi Xanh, Tây Hồ, Tiếng Tơ Đồng và huấn luyện chính thức từ các giáo sư nổi tiếng của Trường Quốc Gia Âm Nhạc (tốt nghiệp ngành piano).

Ca sĩ Quỳnh Giao có giọng ca soprano, thanh, mỏng và có kỹ thuật cao về đơn ca và hát bè. Danh ca Châu Hà đã từng nói: "tiếng hát Quỳnh Giao vẫn trong, chưa hề vẩn đục, tôi đặt tên cho giọng hát này là giọng hát thủy tinh (crystal)" khi  giới thiệu Quỳnh Giao hát nhạc phẩm "Yêu" của Nhạc sĩ Văn Phụng năm 1988.
Có lẽ là một ngạc nhiên cho giới yêu âm nhạc: Quỳnh Giao có ngón đàn piano khá điêu luyện - tuy không trình tấu solo - và chị có sáng tác năm 1965 một ca khúc tựa đề  Bâng Khuâng, âm điệu cổ điển, được nhạc trưởng Vũ Thành khen ngợi. 

Quỳnh Giao cộng tác nhiều năm với Báo Người Việt, giữ mục viết tạp ghi văn nghệ, phần lớn viết về ca nhạc sĩ Việt Nam trước 1975 và ngoại quốc.  Bài viết của chị dễ đọc, dí dỏm, dựa trên kinh nghiệm sống thực cộng thêm khảo cứu.

Chị nói chuyện lưu loát và nghiên cứu kỹ lưỡng nên không có vấn đề khi giữ mục "Câu Chuyện Văn Nghệ với Quỳnh Giao" ở Người Việt TV.
Xin được thành tâm cảm ơn những đóng góp tích cực quý báu của chị cho tân nhạc Việt Nam.
Cầu mong hương linh ca sĩ Quỳnh Giao, pháp danh: Như Nghiêm, nhũ danh: Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sớm về cõi Niết Bàn.
Phan Anh Dũng 
(Richmond, Virginia - USA; 25 tháng 7, 2014) 

                          
 
                          
                                                          Quỳnh Giao, Mai Hương & Đoàn Chính  
                                         
                                                        Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên & Quỳnh Giao 
                
                                       Anh Ngọc, Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Hà Thanh
                   
Ca sĩ Quỳnh Giao trình bày "THỤY KHÚC" của Vũ Thành (hòa âm: Lê Văn Khoa) - Nhạc Trưởng Khánh Hồng điều khiển dàn nhạc Vietnamese American Philharmonic Symphony Orchestra
        
                                                Ca sĩ Quỳnh Giao - Đêm nhạc Cung Tiến  
   Quỳnh Giao: Tiếng ca mở nẻo lam kiều - Bài viết của: Hồ Trường An

Hồi ở quê nhà, trên tivi, tôi chưa thấy ai hát bản "Xuân Và Tuổi Trẻ" của La Hối tươi vui và rạng rỡ như Quỳnh Giao, dù khi diễn tả bài này cô không nhún nhảy, không phô trương mắt liếc miệng cười. Há mà lẳng nhức lẳng nhối, điệu đà, ỏn ẻn như mấy cô vợ bé nũng nịu với chồng là không có cô. Ở ngay tiếng hát cô, khán thính giả đã thấy mùa xuân tươi sáng và tuổi trẻ hạnh phúc trong đó rồi. Còn bản "Giòng Sông Xanh" của Johann Strauss, cô hát sao mà nhẹ nhàng, thênh thang, trơn ngọt, ngân bằng nguyên âm thật sướng tai. Tùng chuỗi ngân dài như dải lụa rập rờn trong gió tuôn ra không chút nắn nót.
Quỳnh Giao hát cực kỳ điêu luyện, ai ai cũng biết. Quỳnh Giao tốt nghiệp môn dương cầm trường Quốc Gia Âm Nhạc, có ngón đàn tươi và sành điệu, chắc chẳng ai quên. Nhưng mấy ai biết sự thuỷ chung và ý tình thắm thiết của cô đối với ca hát? Ca hát là tôn giáo của cô, là mục đích mà cô đeo đuổi hơn ba phần tư cuộc đời, dù khách sành điệu của cô quá ít, dù kẻ biết được cái chân giá trị của giọng hát cô chẳng được bao nhiêu ngươì nữa.

              

Ở ngoài đời, Quỳnh Giao có cung cách thật cao sang, cho nên cô giữ gìn tiếng hát cô quý phái theo. Cô không bao giờ vừa hát vừa nhỏng nhẻo với khán giả, hoặc làm như đang hổn hển say nhừ lạc thú ái ân như mấy bà sủng phi ỏn ẻn mê hoặc đức vua hiếu sắc hiếu dâm, như mấy cô kỹ nữ nịch ái các khách làng chơi khờ khạo. Cô đưa tình cảm vào giọng hát có chừng mực. Người chưa sành điệu khó cảm thông nổi giọng hát của cô vì đối với họ nó hơi làn lạt, chưa đủ ngọt say sưa như mật ong, mà củng không đắng đậm như mật gấu. Tuy nhiên, cô không hát quá chân phương như Mộc Lan hay như Anh Ngọc. Tình cảm trong giọng hát của cô phơn phớt và dịu nhẹ.Cô cũng dùng nét láy thật mềm để trang sức cho giọng hát mình thêm nét gợi cảm, để nữ tính cô được bộc lộ một phần nào. Hình như cho tới bây giờ, Quỳnh Giao vẫn giữ giọng thiếu nữ non mềm và tươi mươn mướt, một giọng trong ngần và trắng loá loá như pha lê.

Giọng Quỳnh Giao thuộc loại kim (soprano). Khi hát ở những chổ ngang ngang thì nó quá diụ mềm làm cho chúng ta nghĩ tới hình ảnh các cô khuê nữ kiều nhược. Khi lên cao, giọng cô tuy không xé lụa, như giọng Ánh Tuyết, tuy không lảnh lót chuông ngân như giọng Thùy Nhiên năm nào, nhưng vẫn chắc, vẫn dẽo, vẫn thoải mái và thống khoái. Cô lại còn ưa chuyền hơi, từ tiếng chót câu đầu cô ngân nga thật dài rồi bắt qua tiếng đầu của câu sau với một làn hơi óng ả vóc nhung tơ và dồi như nước sông mùa lũ, nghe mà cảm thấy đã cái lỗ tai biết dường nào.

Quỳnh Giao thường hát những bài chọn lọc, có phẩm chất cao. Cô không chìu theo thị hiếu của khán thính giả tạp nhạp. Cô nhắm vào khách sành điệu ít oi, dù nghìn người chỉ có một người đi nữa. Cô hát những bản có nhiều chỗ lên cao để cô có thể biểu diễn giọng kim cao vút và sáng nguy nga, sáng lồng lộng của mình như: "Chiều Về Trên Sông" của Phạm Duy, "Tiếng Dương Cầm" và "Mưa Trên Phím Ngà" của Văn Phụng,"Hẹn Một Ngày Về" của Lê Hữu Mục, "Tiếng Thời Gian" của Lâm Tuyền, "Hoài Cảm" và "Thu Vàng" của Cung Tiến. Bản "Sao Đêm" của Lê Trọng Nguyễn và "Đường Chiều Lá Rụng" của Phạm Duy tuy không có chỗ lên thật cao nhưng vẫn là hai bản khó hát, các ca sĩ có kỷ thuật non kém sẽ hát tuột giọng, đâm hơi, lạc giọng...nhưng vốn có kỷ thuật thâm hậu, Quỳnh Giao hát rất đúng giọng, không sai một bán cung, rất điệu nghệ, càng nghe càng khoái. 



Tang lễ Nghệ sĩ Quỳnh Giao: