Saturday, 23 August 2014

Ferguson: Kỳ Thị Chủng Tộc - Vi Anh


Kỳ thị chủng tộc là vết thương còn rỉ máu của xã hội Mỹ.

Hoa kỳ, lịch sử đã mấy trăm năm, dân số đã mấy trăm triệu, trở thành đệ nhứt siêu cường thế giới mấy chục năm mà vết thương kỳ thị chủng tộc hãy còn chưa lành. Vết thương có lúc banh ra thành Nội Chiến, Nam Bắc đánh nhau, chết chóc nhiều người Mỹ không thua Thế Giới đại chiến mà đất nước và nhân dân Mỹ đã tham gia. Hiến Pháp, luật pháp Hoà kỳ triệt để chống hành động, hành vi kỳ thị chủng tộc, nhưng thái độ kỳ thị chủng tộc hãy còn. Người dân Mỹ đã tiến bộ lần đầu tiên đưa một người Da Đen lên làm tổng thống Mỹ, nhưng nạn kỳ thị màu da đặc biệt là màu da đen vẫn chưa hết.


Cuộc Nội Chiến đã tàn cả trăn năm, nhân dân và chánh quyền Mỹ đã hoà giài hoà hợp mà ám ảnh kỳ thị màu da cả trăm năm sau chưa hết ở Miền Nam nước Mỹ. Có những cuộc đấu tranh của người Da Đen bị luật lệ một số tiểu bang không cho ngồi phía trước xe bus dù lên xe trước, không cho học trường gần nhà vì trường đó dành cho học sinh Da Trắng theo chính sách bình đẳng nhưng phân biệt trong giáo dục của những người Da Trắng nắm chánh quyền “chơi chữ”. Cuộc đấu tranh cho dân quyền bình đẳng thực sự của người Mỹ chánh trực, không phân biệt màu da, địa phương làm nước Mỹ chấn động, vị lãnh đạo phong trào phải hy sinh, TT Abraham Lincoln và Mục Sư Martin Luther King đều bị chết vì ám sát chánh trị.

Năm 1992 nổi loạn ở Los Angeles vì tòa tiểu bang tha bổng 4 người cảnh sát đánh đập Rodney King một cách dã man, nổi loạn suốt 3 ngày 2 đêm, khiến 55 người chết, hơn 2,000 người bị thương, nhiều phố xá bị đốt.

TT Obama khi mới là ứng cử viên tổng thống Nhà Nước Mỹ phải tăng gia bảo vệ hơn ứng cử viên đồng nhiệm khác và khi làm tổng thống càng phải bảo vệ chặt chẽ và tốn kém rất nhiều so với các vị tổng thống Da Trắng.

Vì hành động, hành vi kỳ thị chủng tộc bị cấm nhưng thái độ kỳ thị hãy còn. Tình lý pháp luật không cho phép trừng phạt những gì còn trong đầu óc con người chưa phát tiết ra thành hành động hay lời nói.

Nên lâu lâu xảy ra những cuộc biến động do kỳ thị chủng tộc mà ra. Trường hợp Michael Brown, 18 tuổi, da đen bị Cảnh sát Da Trắng bắn chết trên đường phố của TP Ferguson (có khoảng 21.000 cư dân) vào ngày 9/8 vừa qua, trở thành một biến động, tạo ra một chuổi biểu tình của người Da den tại địa phương và lan toả ra nhiều thành phố khác của nước Mỹ - là một điển hình.

Những cuộc biểu tình của Da Đen chống kỳ thị của cảnh sát Da Trắng thường xảy ra nhứt và hay biến thành lớn chuyện nhứt. Khiến Thống đốc tiểu bang Missouri, phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Các trường học ở khu vực này đa số học sinh là da đen được lịnh đóng cửa.

Thông thường tâm lý của đám đông khác với tâm lý của nhà đương cuộc. Cảnh sát càng giải trình, biểu tình càng không tin. Cảnh sát càng tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, người biểu tình càng bị kích động chống lại cuộc trấn áp. Thông thường toà án không can thiệp kịp vì thủ tục tố tụng rất nhiêu khê, mất thì giờ.

Như Cảnh sát Ferguson phổ biến đoạn băng ghi hình cho thấy Michael Brown ăn cắp một hộp xì-gà ở một cửa hàng và hăm dọa người chủ cửa hàng trước khi bị bắn chết. Thì gia đình Brown bày tỏ giận dữ đối với việc công bố video của cảnh sát, chỉ trích cảnh sát cố tình “biện minh cho việc giết người” của họ. Những người biểu tình làm lớn chuyện hơn, trương băng rôn, hô khẩu hiệu và kêu gọi bắt giữ viên cảnh sát 26 tuổi Darre.

Thông thường rồi chánh quyền tiểu bang phải điều Vệ binh Quốc gia tức quân đội trừ bị của tiếu bang hay thấy quân đội tiểu bang không đủ sức thì Thống Đốc nhờ tổng thống viện binh đến mới yên. Hình ảnh quân đội bảo quốc an dân hơn cảnh sát là những người cưỡng hành luật pháp đối với dân chúng.

Riêng vụ biểu tình chống kỳ thị chủng tộc ở Ferguson này, TT Obama rất quan tâm. Tin VOA, tiếng nói chánh thức của chánh quyền Mỹ, “vụ bạo động vì vấn đề chủng tộc ở thị trấn Ferguson, ngoại ô thành phố St. Louis, đề ra cho Tổng thống Barack Obama một vấn đề mà chính ông có một liên hệ cá nhân sâu sắc. Với nhiều người Mỹ, việc ông Obama trở thành tổng thống da đen đầu tiên là một dấu mốc thay đổi về quan hệ chủng tộc ở Hoa Kỳ, và Tổng thống Obama đã đặt nỗ lực chấm dứt bạo lực lên ưu tiên hàng đầu về chính sách. Ông phải “cắt ngắn một kỳ nghỉ, trở lại Tòa Bạch Ốc họp với Bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder, người đứng đầu các nỗ lực của chính quyền nhằm điều tra độc lập về vụ một cảnh sát da trắng bắn chết một thiếu niên da đen không có vũ khí.

“Tại một cuộc họp báo, Tổng thống Obama kêu gọi “Là người Mỹ, chúng ta phải nhân lúc này mà mưu tìm lòng từ ái chung đã được phơi bày trong thời khắc này.”

“Đối với Tổng thống Obama, đây còn là một vấn đề cá nhân. Sau vụ Trayvon Martin năm 2012, một thiếu niên da đen khác không có vũ khí bị bắn chết trong một vụ việc mang nặng tính chủng tộc, Tổng thống Obama đã bàn về quan điểm của ông đối với quan hệ chủng tộc tại Hoa Kỳ.

"Hiếm có người Mỹ gốc Phi chưa trải nghiệm việc bị theo dõi khi đi mua sắm ở một cửa hàng bách hóa. Trong đó có cả bản thân tôi. Hiếm có người Mỹ gốc Phi chưa trải nghiệm việc băng qua đường thì nghe tiếng khóa cửa xe hơi. Chuyện đó đã xảy ra với tôi, ít nhất là trước khi tôi thành thượng nghị sĩ."

Không phải chỉ TT Obama người Mỹ Da Đen thấy thái độ kỳ thị chủng tộc ở Mỹ. VOA cho biết nhận định của Giáo sư Greg Carr, trưởng Khoa Nghiên cứu Mỹ gốc Phi Châu của trường Đại học Howard [một đại học đào tạo ra nhiều tiến sĩ người Mỹ gốc Phi Châu nhất ở Mỹ], cho rằng với tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh và tỉ lệ tù tội cao, và mức thu nhập cùng trình độ học vấn thấp hơn so với các sắc dân không phải da đen, chưa có bất cứ thay đổi thực sự nào về cơ bản nào trong quan hệ chủng tộc ở Hoa Kỳ.

Báo chí Pháp qua vụ Ferguson cũng thấy, Le Monde nhận định, - được đài RFI của Pháp điểm báo như sau. “.. cách đây 20 năm, thành phố Ferguson có 3/4 dân cư là người da trắng và hiện nay, 2/3 cư dân da đen. Trước kia đa phần là tầng lớp trung lưu thì ngày nay, Ferguson toàn dân nghèo. Thị trưởng là người Mỹ trắng. Hội đồng thành phố chỉ có duy nhất một người Mỹ gốc Phi. Trong đội ngũ cảnh sát chỉ có 6% người da đen.Thảm kịch tại Ferguson nhắc nhở rằng, nạn kỳ thị chủng tộc trong xã hội Mỹ vẫn tiếp diễn và có khuynh hướng gia tăng. Người Mỹ đen vẫn là đối tượng hàng đầu của nạn bạo lực của cảnh sát Hoa Kỳ và không ngừng bị lực lượng an ninh kiểm soát hàng ngày.

Sự kiện Tổng thống Obama bước chân vào Nhà Trắng cho thấy tiến triển rõ ràng trong tâm lý của người Mỹ từ lâu vốn rất kỳ thị chủng tộc. Thế nhưng, vụ Micheal Brown nhắc nhở, con đường tiến đến việc xóa bỏ «biên giới màu da» vẫn còn dài và đây luôn là đề tài gây chia rẽ nước Mỹ. Tổng thống Obama cũng từng thừa nhận vào ngày 18/08 rằng, «thanh niên da màu thường có nhiều nguy cơ rơi vào tù hơn là có cơ hội vào đại học hay xin được việc làm tốt». «Đây (cuộc đấu tranh này) là một dự án to lớn và đất nước của chúng ta đã tiến hành từ 2 thập kỷ». Nhưng cái hay của Mỹ là nhân dân và chánh quyền, báo chí chịu mổ xẻ, lắng nghe và hành động sửa chữa.

Vi Anh

NỔI LOẠN TẠI FERGUSON: Phải chăng là hậu quả của chính sách kỳ thị sắc tộc?
Mai Loan



Sự kiện các nhân viên công lực thỉnh thoảng có đối xử khá mạnh tay đến gần như tàn bạo đối với một số nghi can gốc Mỹ đen vốn không phải là điều gì mới lạ phải kinh ngạc đối với những ai đã sinh sống và theo dõi thời sự lâu năm tại Hoa Kỳ.

Cho dù đệ nhất siêu cường nổi tiếng với tinh thần yêu chuộng tự do này đã lựa chọn một vị tổng thống người da đen một cách quang minh chính đại trong hai cuộc phổ thông đầu phiếu với đa số tuyệt đối của người dân trên cả nước, nhưng những hình ảnh về kỳ thị sắc tộc vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những diễn biến thời sự để nhắc nhở cho mọi người biết về những hệ quả tai hại của một chính sách nô lệ dẫn đến kỳ thị sắc tộc vẫn còn lưu lại đến ngày nay.

Dù rằng trước đó, vị tổng thống anh hùng Abraham Lincoln đã phải trả giá quá đắt, bằng chính sinh mạng của mình, khi đã can đảm và sáng suốt ký ban hành sắc lệnh giải phóng dân nô lệ cách nay hơn 150 năm, và ngay cả Quốc Hội liên bang sau đó cũng đã thông qua đạo luật bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1865 với Tu Chính Án số 13 trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Dù rằng trong thực tế, người Mỹ da đen vẫn phải tiếp tục chịu đựng một chính sách kỳ thị khắc nghiệt và bất công kéo dài gần cả thế kỷ sau đó cho đến khi một thiếu phụ da đen là Rosa Parks dám can đảm không chịu nhường ghế cho một người da trắng trên chiếc xe buýt công cộng, dẫn đến một phong trào đòi quyền tự do và công bằng nổ lớn từ Montgomery, tiểu bang Alabama vào cuối năm 1955. Phong trào đấu tranh này kéo dài trong nhiều năm sau đó để người dân Mỹ bắt đầu làm quen với một vị lãnh tụ tinh thần chuyên đấu tranh bất bạo động là mục sư Martin Luther King, nổi tiếng với bài diễn văn “I Have A Dream” vào năm 1963, và qua năm sau trở thành nhân vật trẻ tuổi nhất được trao giải Nobel Hoà Bình.

Dù rằng hai đạo luật rất quan trọng đã được thông qua dưới thời Tổng Thống Lyndon Johnson quy định rõ ràng chính sách ngăn cấm việc kỳ thị vì sắc tộc trong công ăn việc làm (Civil Rights Act năm 1964) cũng như trong quyền đi bầu của người dân (Voting Rights Act năm 1965), nhưng ông Martin Luther King và một chính trị gia sáng giá khác là nghị sĩ Robert Kennedy cũng phải trả giá quá đắt cho việc ủng hộ dân quyền gốc thiểu số khi cả hai cùng bị ám sát vào năm 1968.

Dù rằng sau đó Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua đạo luật vinh danh vị mục sư da đen này vào năm 1983 khi chọn một ngày thứ Hai trong tháng Giêng là ngày nghỉ lễ liên bang. Ấy vậy nhưng cũng có một vài tiểu bang vẫn còn ngoan cố để phản đối. Điển hình như tiểu bang Arizona, quyết chống đối qua một cuộc bỏ phiếu vào năm 1990. Phải đợi đến khi Liên đoàn NFL của các đội bóng bầu dục chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ quyết định tẩy chay không cho tổ chức trận chung kết Super Bowl tại Arizona và chuyển sang California, thì người dân Arizona mới thấm thía vì đã mất đi mối lợi kinh tế khoảng 500 triệu Mỹ kim từ trận tranh tài thể thao này. Do vậy, vào năm 1992, cử tri tại Arizona mới chịu đổi ý và bỏ phiếu công nhận ngày lễ liên bang này.

Chính vì nhiều lý do của một tinh thần kỳ thị vì sắc tộc còn âm ỉ đó mà thỉnh thoảng người ta mới thấy được một vài sự kiện bỗng nổi bùng lên khi phải chứng kiến những hành động đối xử bất công khó có thể biện minh được vì quả tình nó mang đầy tính kỳ thị mầu da mà người dân Mỹ đen đã phải hứng chịu từ lâu.

Điển hình như vụ anh Rodney King da đen bị 4 cảnh sát viên da trắng uy hiếp và đánh đập dã man bằng dùi cui trên đường phố tại Los Angeles. Những hình ảnh của vụ này được thu lại rõ ràng bằng máy quay phim video khiến người xem khó lòng có cảm tình với các nhân viên công lực. Ấy vậy mà sau đó cả 4 cảnh sát viên da trắng này đều được toà xử trắng án, dẫn đến một cuộc nổi loạn kinh hồn của quần chúng vào năm 1992, đập phá và đốt cháy nhà cửa với thiệt hại về tài sản lên đến hơn cả tỷ Mỹ kim. Hậu quả thê thảm hơn về nhân mạng khi cảnh sát địa phương không thể đối phó nổi, phải được tăng viện bởi lực lượng của Vệ Binh Quốc Gia cũng như quân nhân của một sư đoàn bộ binh và sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến. Tổng kết có đến 53 người chết, hơn 2,000 người bị thương, và khoảng 11,000 người bị bắt giữ.

Một vụ khác cũng dấy lên làn sóng phản đối từ cộng đồng dân Mỹ đen trên toàn quốc vào năm ngoái khi một thiếu niên da đen tại tiểu bang Florida là Trayvon Martin đã bị một nhân viên an ninh dân sự là George Zimmerman bắn chết vì tình nghi là kẻ gian, nhưng sau đó hung thủ lại được toà xử trắng án. Ít ra trong vụ này, cũng còn có nhiều người bênh vực cho anh Zimmerman vì cho rằng anh ta có quyền tự vệ trong lúc xô xát với nạn nhân, và theo tinh thần đạo luật ở Florida cho phép người dân được quyền dùng vũ lực để bảo vệ tài sản hay sinh mạng của mình.

TÓM LƯỢC VỤ NỔI LOẠN TẠI FERGUSON

Lần này, một vụ nổi loạn khác đã nổi lên tại Ferguson, một thị trấn nhỏ nằm trong St. Louis County ở phía đông tiểu bang Missouri, giáp giới với Illinois. Vào ngày 9 tháng 8 vừa qua, một thanh niên da đen 18 tuổi là Michael Brown đã bị cảnh sát bắn chết mặc dù không có vũ khí trên người trong lúc anh ta đang đi bộ về nhà từ một cửa hàng tạp hoá (sau này có cáo buộc là anh ta đã đánh cắp hàng hoá tại tiệm này). Vụ nổ súng khiến gia đình và bạn bè của nạn nhân bực tức và đau buồn, tổ chức những cuộc thắp nến tưởng niệm, cũng như xuống đường để tìm hiểu nguyên do, và đòi hỏi công lý. Nó cũng nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của nhiều người dân trong vùng vì họ cho rằng đây là một hành động đàn áp mang tính kỳ thị sắc tộc. (Phần lớn dân chúng trong vùng là người da mầu nhưng đa số nhân viên cảnh sát lại là dân da trắng).

Theo như nhận định của ban chủ biên tờ Sacramento Bee, trong một bài xã luận đề ngày 19-8, thì việc người dân tại Ferguson tức giận và nổi loạn cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì cho dù anh Brown có làm điều gì phạm pháp trước khi xảy ra vụ nổ súng thì anh ta cũng không có mang vũ khí trên người (để cảnh sát có thể có lý do chính đáng khi nổ súng). Và giống như mọi công dân khác trên nước Mỹ, anh ta cũng có cái quyền cơ bản là được coi như không có tội (trước khi bị kết tội ở toà án) cũng như được đối xử theo đúng quy trình của pháp luật (due process of law) chứ không thể bị hành xử bởi một thứ luật rừng như ở các xứ mọi rợ khác. Thế nhưng anh ta đã bị một viên cảnh sát bắn chết, ít nhất là với 6 phát đạn, với 2 viên bắn thẳng vào đầu.

Cũng giống như nhiều vụ biểu tình phản đối khác trên đường phố, nó thường kéo theo nhiều phần tử bất hảo nổi loạn để dễ trở thành những cuộc nổi loạn đập phá và hôi của, làm giảm đi phần nào ý nghĩa và mục đích của những người chống đối lúc ban đầu.

Cảnh sát địa phương đã phản ứng, nhưng với một cách thức và cường độ khá mạnh bạo khi đưa một đội quân hùng hậu khoảng 150 người với xe tăng, áo giáp, súng liên thanh và mặt nạ không khác gì một đội quân chuyên nghiệp được tung ra ở chiến trường Iraq để truy lùng những quân khủng bố kẻ thù. Mục đích thấy rõ của đội quân cảnh sát lần này là dằn mặt kiểu trấn áp chứ không còn đơn thuần là lực lượng nhân viên công lực giữ gìn an ninh và vãn hồi trật tự trên đường phố tại Hoa Kỳ.

Những hình ảnh thu được từ máy quay phim video cho thấy cảnh sát bắn lựu đạn cay vào một toán chuyên viên của đài truyền hình Al Jazeera đến lấy tin, cũng như bắt giữ hai phóng viên một cách tuỳ tiện và vô cớ (Wesley Lowery của tờ Washington Post và Ryan Reilly của Huffington Post), càng khiến cho nhiều người phải tự hỏi về động lực nào đã khiến cho cảnh sát phải ra tay mạnh bạo và quá đáng như vậy.

Tuy nhiên, những cuộc biểu tình vẫn không ngừng, với hình ảnh mới của những người xuống đường giơ hai tay với khẩu hiệu “Chúng tôi đã giơ tay (đầu hàng), xin đừng bắn”, ngụ ý họ chỉ muốn bầy tỏ quyền tự do xuống đường và tụ họp của bất cứ người dân Hoa Kỳ nào, và do đó nhân viên công lực không có lý do gì để nhắm bắn vào họ. Những phần tử bất hảo hoặc quá khích vẫn lợi dụng thời cơ để tiếp tục đập phá và hôi của tại nhiều cửa hàng khiến cho tình hình tiếp tục căng thẳng.

 Phần khác, lúc đầu phía cảnh sát không chịu cho biết danh tính của nhân viên công lực đã nổ súng, cũng như không chịu loan báo kết quả cuộc giảo nghiệm tử thi nạn nhân trong nhiều ngày sau đó. Hơn nữa, thông tin ban đầu đưa ra từ cảnh sát (cho rằng có thể nạn nhân đã giành giật vũ khí với viên cảnh sát) lại trái ngược với những lời thuật lại của những nhân chứng có mặt tại hiện trường khi cho rằng viên cảnh sát đã rượt đuổi theo anh Brown để nổ súng kể cả khi anh ta đã giơ tay đầu hàng.

Tình hình đã trở nên quá căng thẳng khiến cho Thống đốc Missouri là ông Jay Nixon phải can thiệp, đầu tiên bằng việc thay thế lực lượng cảnh sát của St. Louis County bằng lực lượng Cảnh sát Xa lộ Tiểu bang trong việc giữ gìn an ninh. Sự việc có phần giảm bớt căng thẳng khi người chỉ huy của lực lượng an ninh mới này, Đại uý Ron Johnson, một người da đen gốc từ St. Louis, đã đồng lòng tham dự cùng với đám đông trong một cuộc biểu tình ôn hoà, và không còn những màn dùng xe tăng và áo giáp để hù doạ đám đông.

Tuy vậy, vào ban đêm, những vụ đập phá và hôi của một số cửa hàng vẫn còn tiếp diễn khiến cho cảnh sát bắt buộc phải dùng khói cay để giải tán đám đông. Thống đốc Nixon quyết định ban hành lệnh giới nghiêm từ 12 giờ khuya đến 5 giờ sáng. Nhưng đám đông khoảng 200 người vẫn không chịu tuân hành lệnh này, tiếp tục tụ tập ngoài đường phố khiến cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán vào tối thứ Bảy cuối tuần. Tình hình không có dấu hiệu thay đổi với những cuộc tụ tập kéo dài trong đêm Chủ Nhật hôm sau khiến cho ông Nixon phải quyết định ký sắc lệnh trưng dụng lực lượng Vệ Binh Quốc Gia vào sáng thứ Hai đầu tuần để đến vãn hồi trật tự tại Ferguson. Điều đáng nói là ngay cả hình ảnh những người lính này trong quân phục tác chiến trông còn không uy hiếp dễ sợ như đội cảnh sát địa phương đã khoác những bộ đồ quân đội mấy ngày trước đó.

SỰ NHẬP CUỘC CỦA NHIỀU CHÍNH TRỊ GIA

Một vài khuôn mặt chính trị gia thường bị chỉ trích là hay “ăn có” trong các vụ xuống đường như Al Sharpton, Jesse Jackson cũng không bỏ qua cơ hội này để lên tiếng nhập cuộc. Tuy vậy, nhiều vị lãnh đạo cao niên trong cộng đồng dân da đen tại địa phương cho biết là họ sẽ vận động giới trẻ là hãy về nhà vào ban đêm để tránh tạo tình cảnh hỗn loạn. Sau đó không lâu, Thống đốc Nixon cho biết là ông đã rút lại lệnh giới nghiêm tại đây.

Từ Martha’s Vineyards là một đảo nghỉ mát sang trọng dành cho giới nhà giầu tại tiểu bang Massachusetts mà ông đang vui đùa cùng với gia đình, Tổng thống Obama cũng đã phải cắt ngang chuyến nghỉ hè này để bay trở về thủ đô Hoa Thịnh Đốn và được nghe Tổng trưởng Tư Pháp Eric Holder báo cáo nội vụ. Thật ra, chính quyền liên bang cũng đã nhập cuộc khi tung ra một đội nhân viên FBI khoảng 40 người để đến phỏng vấn nhiều người dân cư ngụ quanh hiện trường để thu thập những dữ liệu cho một cuộc điều tra sâu rộng như thường xảy ra trong những vụ nổ súng rắc rối tương tự, thường là để biết xem liệu các biện pháp của cảnh sát địa phương có vi phạm đến nhân quyền của công dân Hoa Kỳ hay không.

Trước đó, việc ông Obama lên tiếng chỉ trích hành động “mạnh tay quá đáng” của lực lượng cảnh sát khi đàn áp và bắt giữ các nhân viên ngành truyền thông đang thi hành nhiệm vụ của họ cũng bị một số người của các nghiệp đoàn cảnh sát chỉ trích, tương tự như trường hợp trước đây ông đã xen vào chuyện một giáo sư tại Đại học Harvard, ông Henry Louis Gates người da đen, đã bị đối xử bất công mang tính giống như kỳ thị bởi một viên cảnh sát da trắng.

Tuy vậy lần này, ông Obama dường như được nhiều chính trị gia thuộc cả hai đảng cùng ủng hộ trong việc lên án các biện pháp có phần mạnh tay quá đáng này, không cần thiết để đối phó với người dân trong nước. Theo nhà báo Dan Balz, trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post đề ngày 14/8 vừa qua, thì vụ nổi loạn tại Ferguson đã dẫn đến một kết quả rất ngạc nhiên và hiếm hoi khi mà cả hai quan điểm đối chọi từ cấp tiến cho đến bảo thủ đều đồng thanh lên án cách hành xử của lực lượng cảnh sát tại St. Louis County trong những ngày đầu. Rất nhiều các vị dân cử thuộc cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đều không ngần ngại lên tiếng chỉ trích phương thức hành động của lực lượng cảnh sát khi đối phó với những cuộc biểu tình chống đối mỗi ngày mỗi tăng cao, không những không có hiệu quả mà càng khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng và căng thẳng hơn.

Điều đáng nói là những phản ứng lần này phản ảnh một sự thay đổi rõ rệt so với thái độ của giới bảo thủ, từ trước tới nay vốn thường ủng hộ hay có thiện cảm đối với giới cầm quyền với trọng trách giữ gìn an ninh trật tự trong những tình huống xung đột tương tự. Điều này cho thấy là phải chăng những biến động đặc thù tại Ferguson trong những ngày qua đã là cơ hội để cho những người bảo thủ theo khuynh hướng “libertarian” (tạm gọi là tự do dân sự) có thể mạnh dạn bầy tỏ quan điểm của mình. Những người theo chủ thuyết này ủng hộ việc người dân có quyền tự do nói hay hành động tuỳ theo ý thích mà không sợ sự can thiệp của chính quyền. Những thành phần bảo thủ theo Tea Party thường chống đối một chính sách “big government” cũng là từ suy nghĩ cho rằng một chính quyền to lớn thường là hay giới hạn quyền lợi của người dân.

Điển hình trong số họ lần này là nghị sĩ liên bang Rand Paul, đại diện cho tiểu bang Kentucky. Được coi là một khuôn mặt bảo thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của phe Tea Party và có tham vọng ra ứng cử tổng thống vào năm 2016, ông Paul đã viết một bài được đăng trên website của tạp chí Time. Trong những điều rút ra từ biến cố nổi loạn lần này, ông Paul chỉ trích điều mà ông gọi tình trạng quân-đội-hoá các lực lượng cảnh sát địa phương. Ý ông muốn chỉ trích việc cảnh sát thích sử dụng xe tăng, vũ khí hạng nặng, áo giáp v.v. . . để giải quyết những xung đột vốn luôn thường xảy ra trong xã hội thường ngày, nhưng không nhất thiết phải cần đến những biện pháp mạnh tay, và những vũ khí hạng nặng, để tiêu diệt kẻ thù như người quân nhân khi ra chiến trường. Ông nói rằng chúng ta cần phải thấy có một sự khác biệt giữa cách đối phó của cảnh sát với cách đối phó của quân đội.

Hơn nữa, ông Rand Paul còn không ngần ngại nói thẳng rằng quả tình chuyện kỳ thị sắc tộc có ảnh hưởng đến cung cách ứng xử của nhà chức trách. Ông nói rằng “những ai nghĩ rằng chuyện mầu da không ảnh hưởng đến chính sách thi hành pháp luật trong nước quả là họ đã không chịu nhìn kỹ vào vấn đề”. Diễn dịch một cách bình dân và dễ hiểu hơn, những ai cho rằng cảnh sát không có chuyện kỳ thị sắc tộc khi thi hành pháp luật tại Hoa Kỳ đúng là những người không hiểu rõ chuyện.

Ngoài ông Rand Paul, cũng còn một khuôn mặt bảo thủ cực hữu khác đã lên tiếng. Đó là nghị sĩ liên bang Ted Cruz, đại diện tiểu bang Texas, cũng là một nhân vật được ưa chuộng bởi phe Tea Party và cũng có tham vọng ra ứng cử tổng thống vào năm 2016. Trên trang Facebook của mình, ông Cruz viết rằng chúng ta cần phải cân bằng cả hai vấn đề giữa một bên là thảm trạng của gia đình anh Michael Brown vừa mất đi một người thân, và bên kia là những thử thách to lớn của cảnh sát trong trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự. Ông Cruz cũng nói đến việc cần phải bảo vệ những quyền tự do cơ bản của người dân trong nước, cũng như quyền hành sự của các nhà báo mà không phải sợ bị đe doạ.

Một nhân vật thứ ba của đảng Cộng Hoà là nghị sĩ liên bang Marc Rubio, đại diện tiểu bang Florida, cũng bầy tỏ sự lo ngại trước tình hình bạo loạn đã lan rộng, cũng như điều khó giải thích được về chuyện hai nhà báo bị bắt giữ.

TRANH LUẬN ĐỂ ĐỔ LỖI

Cho đến nay, việc tìm hiểu để phân tích trách nhiệm hoặc quy kết lỗi phải về ai cũng còn cần một thời gian để cho những cuộc điều tra đầy đủ được tiến hành, cũng như thủ tục giảo nghiệm tử thi một cách cẩn trọng được hoàn tất. Câu hỏi liệu nhân viên công lực trong vụ này đã sử dụng vũ lực theo đúng quy luật đã cho phép (dù là có mạnh tay và khiến cho nạn nhân thiệt mạng), hoặc là đã đi quá đà đến mức trở thành một hành động trấn áp người dân thấp cổ bé miệng, quả là một câu hỏi nhức nhối cho nhiều chuyên viên có thẩm quyền trong thời gian sắp tới. Và chắc chắn là nó cũng sẽ dẫn đến nhiều chuyện tranh cãi còn kéo dài sau đó.

Sự kiện phía gia đình nạn nhân đã thuê một chuyên viên tư nhân để thực hiện một cuộc giảo nghiệm riêng biệt, sau cuộc giảo nghiệm lần đầu bởi chính quyền địa phương, dẫn đến kết quả không mấy đẹp đẽ cho hình ảnh của nhân viên công lực đã nổ súng. Theo tờ nhật báo New York Times, cuộc giảo nghiệm này được thực hiện bởi Bác sĩ Michael Baden, cựu trưởng ty giám định pháp y tại New York, với kết quả cho thấy nạn nhân bị bắn ít nhất 6 viên đạn, với 2 viên vào đầu trong đó có một viên đi thẳng từ trên giữa đầu xuống.

Riêng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết chính quyền liên bang sẽ cho thực hiện một cuộc giảo nghiệm tử thi lần thứ ba do một bác sĩ chuyên viên pháp y khác tiến hành. Tổng thống Obama cũng cho biết là ông ra lệnh cho Tổng trưởng Tư Pháp Eric Holder đến tận nơi để bàn thảo với các giới chức thẩm quyền cũng như những nhà lãnh đạo trong cộng đồng. Thống đốc Jay Nixon thì biện minh cho quyết định trưng dụng lực lượng Vệ Binh Quốc Gia để đảm nhận công tác giữ gìn an ninh trật tự, để từ đó những cuộc biểu tình ôn hoà có thể được tiếp tục duy trì. Nói theo lời của Đại Uý Ron Johnson, thì tất cả những vụ biểu tình đều được tôn trọng, nhưng tình trạng đập phá để hôi của thì sẽ không được tha thứ.

Trong khi chờ đợi những cuộc điều tra để giúp mọi người hiểu rõ hơn nội vụ, mọi người đều nhìn nhận là lực lượng cảnh sát địa phương đã có một số những quyết định lúc ban đầu khiến cho nhiều người có quyền hoài nghi rằng họ chỉ tìm cách lo bảo vệ lẫn nhau thay vì dám trình bầy một cách trong sáng những việc làm của họ, vốn không phải là điều gì cần phải dấu diếm trong một xã hội tôn trọng pháp luật như Hoa Kỳ. Và những quyết định này càng khiến gia tăng sự căng thẳng trong khối quần chúng tại địa phương, vốn thường đã hoài nghi về chính sách đối xử không công bằng của nhân viên công lực đối với dân gốc thiểu số.

Thứ nhất là khi viên cảnh sát trưởng tại Ferguson đi ngược lại lời hứa lúc ban đầu và từ chối tiết lộ danh tính của viên cảnh sát đã nổ súng. Kế tiếp là quyết định cũng không loan báo kết quả cuộc giảo nghiệm tử thi nạn nhân, để biết xem là anh Michael Brown đã bị bắn bao nhiêu phát đạn vào người.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự im lặng của cảnh sát trong trường hợp này cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì họ lo ngại rằng khi loan báo danh tính của người nổ súng, dù chưa biết rõ là anh ta có lỗi hay không, sự an nguy của anh ta và gia đình coi như trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh những bạn bè và gia đình của nạn nhân có thể nổi nóng bất tử để trả thù. Và những chi tiết của một cuộc giảo nghiệm tử thi lại có thể khiến nhiều người nổi giận hơn nữa, đúng như kết quả xảy ra vài ngày sau đó với cuộc giảo nghiệm do gia đình của nạn nhân yêu cầu.

Nhưng sự bực tức và giận dữ của người dân cũng là điều dễ hiểu, bởi vì người dân có quyền thắc mắc được biết những thông tin tương tự rất sớm trong những trường hợp xung đột chết người và người nổ súng không phải là một nhân viên công lực.

Khách quan mà nói, một vụ cảnh sát nổ súng không phải là chuyện gì ghê gớm để có thể được chú ý nhiều như vậy. Người dân tại Hoa Kỳ có lẽ cũng đã quá quen với những tin tức tương tự xảy ra khá thường xuyên, và giá như anh chàng Brown lần này có bị cảnh sát đánh đập, cho dù có bị quay video hay không, thì có lẽ sự kiện đã không trở thành rùm beng như vậy.

Thật vậy, nếu chỉ duyệt sơ qua tin tức hàng ngày, người ta cũng sẽ thấy nhiều vụ tương tự. Chẳng hạn như tại California, cùng trong tuần lễ anh Brown bị bắn, tại San Bernardino, cảnh sát cũng bắn chết anh Dante Parker, một nhân viên làm việc cho một tờ báo bằng nhiều phát súng điện. Cảnh sát tại Los Angeles cũng bắn chết một thanh niên 25 tuổi tên là Ezell Ford dường như là người mắc bệnh tâm thần. Còn tại Sacramento, cảnh sát cũng bắn chết một người đàn ông mà họ nói là đang cầm con dao tiến về họ.

Tình hình rồi cũng sẽ lắng dịu trong những ngày tháng tới. Tuy nhiên, nhiều vấn đề tồn đọng cần phải được đem ra mổ xẻ để tìm phương cách giải quyết cho ổn thoả. Bởi vì nó chính là nguyên nhân không phải chỉ dẫn đến cái chết của anh Brown mà còn là một sự bùng phát vì tức giận trong cộng đồng, từ bấy lâu nay có thể đã bị kìm hãm nhưng chỉ chờ có dịp để nổ tung lên. Và có lẽ khó ai chối cãi yếu tố kỳ thị mầu da đã ảnh hưởng khá lớn trong vụ này, không chỉ đơn thuần vì nạn nhân là một thanh niên da đen và hung thủ là một cảnh sát viên da trắng.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay khi chúng ta đang sống ở đầu thiên niên kỷ thứ ba, vấn đề không chỉ còn đơn giản là sự kỳ thị giữa người Mỹ trắng với Mỹ đen. Bởi vì xen lẫn trong đó còn có nhiều vấn đề nhức nhối khác chưa giải quyết được: đó là tình trạng giầu nghèo quá cách biệt, quyền lực không cân bằng hoặc tương xứng và một khối dân dường như đã bị bỏ quên hoặc làm ngơ và bị bỏ rơi bên lề của xã hội. Thêm vào đó, lại còn tình trạng các lực lượng cảnh sát địa phương dường như ngày càng thích thú với trò chơi tân trang súng ống không khác gì một quân đội chạy đua võ trang khiến cho nhiều nhân viên công lực cũng lây bệnh theo với tâm trạng và phản ứng sẵn sàng nã đạn vào bất cứ nghi can nào mà họ chặn giữ lại trên đường phố.

NHỮNG CĂNG THẲNG ĐÃ ÂM Ỉ TỪ LÂU

Tờ báo New York Times trong số ra ngày 17/8 vừa qua có một bài phân tích khá dài và lý thú của hai nhà báo Tanzina Vega và John Eligon với tựa đề “Deep tensions rise to surface after Ferguson shooting”, tạm dịch là “Những căng thẳng lâu đời đã bắt đầu trồi lên sau vụ nổ súng tại Ferguson”. Bài báo giúp người đọc biết được một phần nào lịch sử của vùng đất này, có dính líu đến những mối căng thẳng và kỳ thị đã có từ lâu đời đối với những di dân từ miền nam muốn dời lên miền bắc trên đường lập nghiệp.

St. Louis được coi như là thành phố cảng quan trọng chạy dọc theo giòng sông Mississippi từ bắc xuống nam. Vào cuối thế kỷ 19, nó được xếp hạng là thành phố đông dân đứng hàng thứ tư trên toàn quốc. Nhưng cũng từ đó, nó bị chia rẽ thành hai đơn vị riêng biệt: St. Louis tách rời khỏi tỉnh hạt St. Louis County để trở thành một thành phố độc lập duy nhất trên toàn tiểu bang. (Thông thường một tỉnh hạt, county, bao gồm nhiều thành phố lớn nhỏ, và có thể trùng tên với thành phố có dân số cao nhất như trường hợp của Los Angeles và San Francisco).

Nơi đây là một trong những điểm dừng chân quan trọng của những đợt dời cư của dân da đen từ các tiểu bang miền nam để đi về phía bắc hầu mong tìm công ăn việc làm tại các thành phố kỹ nghệ như Detroit và Chicago.

Khi khối dân thiểu số dời vào thành phố càng ngày càng đông thì những người da trắng lại bắt đầu dời ra những vùng ngoại ô, một sự di chuyển rất tiêu biểu tại hầu hết các thành phố lớn ở Hoa Kỳ. Lúc ban đầu, giới cầm quyền da trắng đã tìm đủ cách đặt ra những luật lệ rắc rối nhằm mục đích giới hạn khối dân da mầu di chuyển ra các vùng ngoại ô. Nhưng đến thập niên 1970 thì những quy định này dần dần bị bãi bỏ, khối dân thiểu số da mầu bắt đầu tràn ra các vùng ngoại ô lân cận, và khối dân da trắng lại càng tránh né để rời xa trung tâm thành phố hơn nữa. Đó là trường hợp của Ferguson, một trong những thị trấn nằm ở ngoại ô trước đây là nơi dời cư của khối dân da trắng mấy thập niên trước đó, giờ đây lại trở thành những khu có đông dân da mầu. Tuy nhiên, các thị trấn này vẫn còn chịu ảnh hưởng của một hệ thống chính quyền đặt nền tảng trên khối dân da trắng.

Vì thế nên tuy Ferguson có 2/3 dân số là người da đen, nhưng vị thị trưởng và 5 trong số 6 nghị viên thành phố lại là người da trắng! Trong số 53 cảnh sát viên của thành phố thì chỉ có 3 người là dân da đen. Trong Khu Học Chánh Ferguson-Florissant, cả 7 uỷ viên trong Hội đồng Quản trị đều là người da trắng. Chỉ đến khi họ quyết định sa thải một vị tổng giám đốc Học Khu là người da đen vào đầu năm nay thì nhiều người da đen khác mới chịu ra ứng cử vào các chức vụ uỷ viên Học Khu.

Trong một số những cuộc hội họp của hội đồng thị chính, một vài người dân đã than phiền là cảnh sát nên dùng nhiều thì giờ để đi tuần tiễu tại nhiều khu vực thay vì cứ chực núp tại nhiều nơi để ghi giấy phạt vạ lưu thông. Hồi năm ngoái, một viên thiếu uý cảnh sát người da trắng đã bị sa thải vì tội đã ra lệnh cho nhân viên dưới quyền hãy chú ý theo dõi những người da đen tại các khu thương mại.

Tuy vậy, Ferguson cũng như nhiều thị trấn nhỏ khác quanh thành phố St. Louis đã không để xảy ra những vụ nổi loạn và bạo động to lớn thường xảy ra khắp nơi tại Hoa Kỳ trong thập niên 1960. Lý do là các lãnh tụ da đen tại địa phương đã biết cách và có khả năng thuyết phục giới chủ nhân các cơ xưởng, trung tâm thương mại cũng như các cấp lãnh đạo các học khu là hãy thực hiện các chính sách mở rộng cửa để đón nhận các công nhân da đen vào làm việc cũng như cho con em của họ đến trường học. Theo nhận định của ông Stefan Bradley, một chuyên gia nghiên cứu về khối dân Mỹ đen tại Đại học St. Louis, thì có lẽ những chính sách nhân nhượng này trong quá khứ cũng đủ tạo nên một không khí cởi mở vừa đủ để khiến cho khối dân da đen không bực tức đến mức phải nổi loạn bạo động để đòi hỏi công lý và bình quyền cho họ.

Nhưng dù gì đi nữa thì những điều xem chừng như bất công và bất bình đẳng đối với khối dân da đen đã không biến mất tại vùng này, và có lẽ vụ nổ súng tại Ferguson đã trở nên một ngòi nổ làm bùng lên những căng thẳng âm ỉ đã bị dồn nén từ bấy lâu nay.

NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA ĐƯỢC

Chỉ nhìn sơ qua lịch sử hình thành của cộng đồng tại Ferguson, cũng như nhiều thị trấn nhỏ lân cận bao quanh thành phố St. Louis, người ta có thể rút ra một bài học quý giá là chính người dân tại đây có thể đứng lên giành lấy quyền chủ động trong sinh hoạt hàng ngày. Họ chỉ cần nhìn thấy rõ một sự khác biệt quá lớn trong cơ cấu công quyền tại địa phương, khi mà một thành phố có hơn 2/3 dân số là người da đen nhưng chỉ có 1 nghị viên trong hội đồng thị chính là người cùng mầu da, và trong lực lượng cảnh sát hành sự gồm 53 người, lại chỉ có 3 cảnh sát viên da đen.

Từ đó, họ sẽ biết phải làm gì khi cần phải dấn thân hơn, dù chỉ bằng việc chịu khó tham gia vào sinh hoạt bầu cử thường xuyên để có thể nói lên nguyện vọng của mình, cũng như có thể trực tiếp quyết định vận mạng cho mình qua lá phiếu, thay vì cứ thờ ơ vì lười biếng và thiếu hiểu biết như bấy lâu nay, nên đã để cho nhiều thế lực và chính trị gia tiếp tục lợi dụng để chi phối đời sống của họ.

Đối với cộng đồng người Việt, dù cũng mang thân phận của khối dân thiểu số chỉ mới nhập cư vào vùng đất mới này chưa đầy 4 thập niên, nhưng nhiều người trong chúng ta cũng dễ có cái thành kiến đối với dân da đen, và từ đó cũng dễ có tính kỳ thị sắc tộc không khác gì khối dân Mỹ trắng. Thí dụ điển hình nhất là cung cách ứng xử của nhiều người, kể cả những thành phần được coi là trí thức trong ngành truyền thông tiếng Việt, đối với ông Obama dù rằng ông ta đã được đại đa số người dân Mỹ, trong đó có rất nhiều người Mỹ trắng, bầu chọn là vị tổng thống đường hoàng chính trực.

Trong tinh thần chủ quan đầy thiên kiến đó, nhiều người có thể cho rằng vụ nổ súng và nổi loạn tại Ferguson này chẳng có gì đáng để làm ầm ĩ. Họ cho rằng nó chỉ là một “chuyện bé xé ra to”, chuyện của những người da đen muốn lợi dụng thời cơ để làm rùm beng, và nhiều khi còn đồng tình với những biện pháp mạnh tay vì cho rằng những nạn nhân da đen bị bắn chết đó cũng phải chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. 

Đó cũng là nhận định rất chính xác của TT Obama khi ông phát biểu: “Tại rất nhiều nơi trên nước Mỹ, có một hố sâu ngăn cách vì nghi kỵ giữa người dân địa phương và nhân viên công lực. Tại rất nhiều nơi, có rất nhiều những người trẻ da mầu đã bị bỏ rơi và bị coi như là những thứ đáng sợ.”

Tuy nhiên, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”; chúng ta chưa thực sự phải nếm mùi của những chính sách kỳ thị sắc tộc thường thấy tại nhiều vùng ở các tiểu bang miền nam nước Mỹ cách nay mấy thập niên về trước, nên có lẽ chưa hiểu hết những nỗi đắng cay mà khối dân Mỹ đen phải chịu đựng.

Sau cùng, có lẽ chúng ta cũng cần nên nhớ rằng những hành động tranh đấu để bảo vệ tự do và công bằng cho khối dân Mỹ đen, cũng như cho tất cả những khối dân thiểu số khác, thật ra cũng sẽ mang lại những ích lợi thực tiễn trong lâu dài cho chính tập thể người Việt chúng ta, vốn dĩ cũng chỉ là một thành phần thiểu số tại quốc gia đa chủng này.

MAI LOAN

Cảnh Sát Bắn Chết Dân và Tệ Nạn Kỳ Thị
 
·        Vụ cảnh sát bắn chết người ở Missouri làm nổi bật vấn đề chủng tộc, mầu da, và việc sử dụng vũ khí chết người. Hai vấn đề gây nhiều xáo trộn, trăn trở cho nước Mỹ.
 
Ở VÙNG NGOẠI Ô ST . LOUIS, Mich ael Brown, 18 tuổi, một thanh niên Da Đen không có vũ khí, bị cảnh sát bắn chết vào buổi trưa ngày 9 tháng Tám. Hai ngày sau, vào lúc chạng vạng tối ở Vùng South Los Angeles, người đàn ông Da Đen khoảng trên 20 tuổi tên là Ezell Ford cũng bị cảnh sát bắn chết. Gia đình nói anh Ezell không có vũ khí trong tay. Mùa thu năm ngoái, tại một khu ngoại ô gần Charlotte , NC , anh Jonathan Ferrell, 24 tuổi, Da Đen, không có vũ khí trong tay, cũng bị cảnh sát bắn chết.
Nước Mỹ vẫn còn gậm nhấm vết thương đau lòng gây ra bởi cái chết của cậu thiếu niên Da Đen Trayvon  Martin hồi năm ngoái ở thành phố Sanford , Florida . Ngoài  ra, còn xảy ra vụ một người đàn ông Da Đen 43 tuổi, bị cảnh sát ở New York kẹp cổ, nghẹt thở đến chết. Cuốn video thu hình Eric Garner bị chết vì bị kẹp cổ, vật xuống đường vào ngày 17 tháng 7 tại State n Island , N.Y. Tại sao cảnh sát ưa dùng vũ khí giết người vội vã như thế. Họ dùng vũ khí giết người để chống lại ai vậy?
Song đó cũng là số liệu thống kê nước Mỹ từ chối không thu thập. Chính phủ liên bang có cơ thể nói cho chúng ta biết mùa thu hoạch dâu tây đem về bao nhiêu pound, người đàn bà Mỹ trung bình dùng mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày để làm vườn.Nhưng chưa hề có một cơ quan nào ghi chép số thống kê có bao nhiêu người bị cảnh sát bắn chết.
Cái chết của Mich ael Brown khiến hàng trăm người kéo nhau xuống đường phố quận hạt St Louis để phản đối. Lúc đầu, chỉ là những buổi thắp nến tưởng niệm trong yên lặng, về sau biến thành những vụ bạo động, đốt nhà, hôi của suốt đêm. Sáng hôm sau thành phố lại rơi vào tình trạng căng thẳng, nghi kỵ. Trong lúc cảnh sát trang bị mặt nạ chống hơi cay, súng bắn đạn cao su, và khiên mộc đi tuần tra kiểm soát đường phố Ferguson , Missouri . Thỉnh thoảng cảnh sát phải bắn lựu đạn khói, và đạn cao su để giải tán đám đông. Các điều tra viên ở điạ phương và FBI từ chối không tiết lộ danh tính người cảnh sát viên bắn chết Michael Brown, sợ rằng tính mạng của ông ta bị đe doạ.
Khoảng trống thông tin được thay bằng lời khai của người đi chung với Brown vào ngày cậu ta bị bắn chết. Người bạn đó tên là Dorian Johnson 22 tuổi kể lại câu chuyện cho giới truyền thông, trong đó có báo TIME như sau: Hai cậu thanh niên Da Đen đang đi chơi, làm chuyện riêng của họ, bỗng dưng họ bị cảnh sát tỉnh Ferguson ra lệnh đứng lại bằng lối nói xấc xược, khiêu khích. Hai cậu bước vào lề đường. Với thái độ hơi bực, cự lại cảnh sát, cậu Brown lập tức bị cảnh sát chụp ngay vào cổ họng. Brown tìm cách thoát khỏi bàn tay của người cảnh sát, ông ta bèn rút súng ra bắn Brown nhiều phát.
Bạn đọc có thể dự đoán trước là phía cảnh sát sẽ có những lời biện bạch khác để điền khuyết những chi tiết không được sáng tỏ. Hiếm có khi nào lập luận của phía cảnh sát lại không có lý do chính đáng để biện minh cho hành động dùng vũ khí giết người. Chúng ta thừa hiểu rằng đa số  người dân Mỹ sẵn sàng biếu cảnh sát thức ăn, áo quần để bầy tỏ lòng cảm ơn những người giữ vai trò bảo vệ an ninh công cộng. Tuy nhiên câu chuyện xảy ra ở Missouri giúp chúng ta soi tỏ thêm một vài điểm trong vấn đề cảnh sát bắn  người dân. Trong đó có những nét rất tế nhị cần được trình bầy cho rõ.
Căn nguyên cội nguồn của vấn đề là thiếu huấn luyện và nguyên tắc trách nhiệm. Các nhà nghiên cứu thu thập những tài liệu về vụ việc cảnh sát bắn chết người, song chính phủ không hề làm chuyện này. Họ khám phá ra rằng nếu cảnh sát được huấn luyện kỹ càng hơn, và kỷ luật được áp dụng triệt để, sẽ giúp giảm đi rất nhiều những vụ sử dụng vũ lực giết người mà vẫn không làm cho cảnh sát gặp hiểm nguy trong khi đi tuần. Nhà nghiên cứu độc lập Jim Fisher tổng kết cho thấy trong năm 2011 có 1,146 vụ cảnh sát bắn người ở Hoa Kỳ, trong đó có 607 vụ làm chết người. Một sự kiện đem lại chút ít hy vọng là ở New York , những vụ cảnh sát bắn người lại giảm sút: Năm 1971,có 314 vụ, đến năm 2012 chỉ còn 16 vụ. Vì sao ở New York họ làm được như vậy? Nhờ vào việc tuyển dụng và huấn luyện cảnh sát được làm hết sức cẩn thận.
Như mọi người đều thấy sau khi sự kiện xảy ra, bước đầu tiên là phải nhận lỗi có là vấn đề. Ở St Louis là nơi có một lịch sử lâu dài về sự xung đột giữa cư dân Da Đen và Da Trắng sống trong cùng một thành phố. Một đường ranh giới tưởng tượng phân chia rõ khu Da Đen và khu Da Trắng. Lần ranh tưởng tượng này khiến chúng ta nhớ lại rằng ngày xưa lâu lắm rồi St. Louis được chọn làm điạ điểm cuối cuối của mìền Đông, và là điểm khởi đầu của miền Tây. Độc đáo hơn nữa là St. Louis nằm chính giữa con sông Missisippi nên nó cũng là điểm chia cắt Nam Bắc nước Mỹ. Tóm lại, St. Louis là nơi chia cách nước Mỹ theo chiều Đông Tây, và cả chiều Nam Bắc
Nói về góc cạnh lịch sử, St. Louis lại bị mang tiếng là điạ điểm chia đôi đất nước. Từ vụ án Dred Scott xảy ra năm 1857, khiến cho St. Louis là bình thuốc nổ khởi phát ra cuộc Nội Chiến Nam Bắc. St. Louis còn là điạ điểm quyết tử định đoạt thân phận của một tên nô lệ mất hết quyền làm người, nếu hắn lọt vào tiểu bang có chế độ nô lệ. Trong nhiều thập niên qua, chỉ còn rất ít thành phố mặc nhiên chấp nhận lằn ranh chia rẽ sắc tộc, mầu da.
Năm 1916, thành phố làm ra luật về qui vùng (zoning law) minh thị qui định vùng nào người Da Đen có quyền mua nhà. Một năm sau, Tối Cao Pháp Viện tuyên bố luật khoanh vùng vô hiệu, tổ chức Mua Bán Điạ Ốc của St. Louis trả đũa quyết định của Toà  Tối Cao bằng cách lập ra kế hoạch tập trung dân Da Đen vào một khu. Trong khi đó, nhiều cư dân ký  Da Trắng ký giao ước rủ nhau không bán nhà cho người Da Đen.
Cuối cùng thì chiến lược đó cũng thất bại. Năm 1948, Tối Cao Pháp Viện nghe nói về trường hợp một gia đình Mỹ gốc Phi Châu ở St. Louis mua nhà không được vì người hàng xóm Da Trắng phản đối, viện dẫn điều giao ước cấm bán nhà cho Da Đen. Vị Chánh Án Tối Cao Pháp Viện người Da Đen nổi tiếng về bênh vực nhân quyền, ông Thurgood Marshall đã đưa ra phán quyết nói rằng điều giao ước đó không thể áp dụng được.
Kế đến là thủ tục vạch lằn đỏ. Đây cũng là một hình thức khoanh vùng, tập trung người Da Đen sống vào một khu bằng cách làm khó dễ khi người Da Đen làm đơn vay tiền mua nhà. Qua thủ tục vay tiền mua nhà, người Da Trắng  tăng cường khu vực mình ở bằng cách bỏ những khu trung tâm thành phố, chạy ra vùng ngoại ô, chỉ có Mỹ Trắng ở với nhau. Người Da Trắng bỏ trung tâm thành phố chạy ra ngoại ô trở thành một hiện tượng phổ biến xảy ra ở khắp các đô thị Hoa Kỳ sau Thế Chiến Thứ Hai.
Vụ bắn chết Brown, và những cuộc xuống đường đầy bạo lực theo sau với chủ đích muốn đập nát cái lằn ranh chia cắt mầu da. Ferguson là một vùng xôi đậu ở khu ngoại ô, không chỉ dành riêng cho Da Đen hay Da Trắng. Đây là một thành phố nhỏ, chỉ  rộng 6 dậm vuông, với khoảng 21,000 dân, nhà cửa đa số xây theo kiều Victorian của thế kỷ trước. Thành phần dân cư ở đây khoảng hai phần ba là Mỹ gốc Phi Châu (Mỹ Đen), và một phần ba gốc Caucasian (Mỹ Trắng). Mối quan hệ giữa hàng xóm với nhau khá hoà thuận, riêng người Da Đen thì cảm thấy không thích chính quyền thành phố. Mối quan hệ với chính quyền thường là căng thẳng, không được tốt. Đa số người làm trong chính quyền là Da Trắng, nhất là trong ngành cảnh sát.
Bộ Tư pháp tiểu bang Missouri làm một cuộc nghiên cứu về những vụ cảnh sát chặn xét giấy tờ lưu thông cho thấy cảnh sát ở Ferguson ưa chặn xét giấy tờ người Da Đen nhiều hơn là người Da Trắng. Ông George Chapman, 50 tuổi, người Da Đen suốt đời sinh sống ở đây phải nói rằng: “Cảnh sát Ferguson nổi tiếng là có thành kiến đối người Da Đen.” Ông ta vừa dọn ra khỏi nơi này bởi vì ông “quá chán chường với thái độ của cảnh sát ở đây.”.
Hiện nay, cư dân thành phố cảm thấy kinh hãi khi bạo động xảy ra ở khắp nơi. Trên đường phố đầy những mảnh kính vỡ, cửa hàng bị đập phá để hôi của, kệ hàng trống trơn vì bị ăn cắp, và xe bọc sắt của cảnh sát đi tuần tra ồn ào, đinh tai nhức óc. Bà Shante Duncan, 33 tuổi, cư dân ở đây phải than rằng: “Thành phố Ferguson của chúng tôi trước kia đâu có như vậy. Chúng tôi là một cộng đồng tốt đẹp.”
Giống như những cộng đồng tốt trên khắp nước, cộng đồng này đang trông chờ từ phía cảnh sát những câu trả lời thoả đáng, khả tín cho một vấn đề hết sức đau lòng.
 
Bài tường thuật của David Von Drehle trên báo TIME ngày 25/8/2014
Nguyễn Minh Tâm dịch