“Trong lý lịch, anh khai anh làm tin báo, vậy tin báo là gì?”, tên công an chấp pháp hỏi tôi như vậy. Tôi trả lời “Tin báo là tin ở trên báo. Ở miền Nam có nhật báo, tuần báo, nguyệt báo, Tổng cộng vào khoảng hơn bốn chục tờ báo. Hàng ngày tôi phải điểm hơn bốn chục tờ báo đó. Những tin nào dính dấp tới quân đội thì tôi chỉ làm một công việc thật đơn giản là cắt và dán vào một tờ giấy lớn, rồi trình lên cấp trên. Chỉ có vậy thôi, Mặt khác, đôi khi có được vài tờ báo của “cách mạng”, tôi cũng cắt ra và làm y như thế”.
Tên công an hỏi tôi tiếp “Vậy theo nhận xét của anh, báo của các anh và báo của cách mạng, báo nào nói thật?” Tôi trả lời “Báo của chúng tôi và báo của cách mạng cả hai đều có khi nói thật, đều có lúc nói dối”. Tên công an trợn mắt quát lớn “Báo của cách mạng nói dối ở điểm nào?” Tôi trả lời “Xin phép anh cho tôi chỉ đơn cử một thí dụ điển hình thôi được không?” Tên công an buông xẵng “được!” Tôi tiếp “Thí dụ như tổng công kích, tổng khởi nghĩa tết Mậu-Thân, báo cách mạng nói thật là bại, hay nói dối là thắng?”
Tên công an đập tay xuống bàn cái rầm, đứng phắt dậy, chỉ thẳng vào mặt tôi quát to “Tôi cho anh biết, cách mạng có thừa cơm cho anh ăn ba năm, sáu năm, chín năm, mười hai năm, mười năm năm, hai chục năm, tới khi anh chết còn cho anh có được một bát cơm với một quả trứng”. Sau đó, tên công an chấp pháp gọi tên vệ binh vào, buông xẵng một câu “Đồng chí cần phải giáo dục anh này kỹ hơn nữa”. Tôi được “chiếu cố” một cái đạp và tiếp tục dẫn về phòng tối!
Nghề nghiệp của tôi chính là “tình báo tâm lý chiến”, nhưng tôi đã lẹ tay cắt đi chữ “h”của chữ “tình” để chỉ còn là “tin báo”. Tin báo thì tội nhẹ hơn tình báo! Có lẽ vì vậy mà tôi chỉ bị có mười năm tù. Bạn bè, chiến hữu thường khen tôi là “khéo tay”.
Hôm nay, cuối đời, ngồi uống cà-fê với bằng hữu ở giữa cái “Thủ Đô” của người Việt tỵ nạn trên đất nước Hoa Kỳ này. Chuyện cũ, chuyện mới, tin lớn, tin nhỏ bàn bạc ồn ào, lao xao, xào xạc với nhau. Thế nhưng, mỗi khi cạn đề tài, họ thường “truy kích” tôi, rằng “nhờ thật thà khai láo “cắt báo làm tin” mà nằm ấp chỉ có mười cuốn lịch, vậy bây giờ thử cắt những tin cũ, tin mới xem sao?” Tôi thực sự bất đắc dĩ làm việc này, và tôi bắt đầu cắt đây.
Trước hết, trên tuần báo Việt-Weekly phát hành ngày 22 tháng 9 năm 2011 đăng tải lời phát biểu của tên Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Cộng Nguyễn thanh Sơn về người Việt ở Hoa Kỳ như sau:
“Phải nói là điều mong muốn của Nhà Nước Việt Nam là đoàn kết và hướng bà con người Việt Nam chúng ta ở hải ngoại nói chung về quê hương đất nước. Không cộng đồng nào trên thế giới giống cộng đồng người Việt Nam chúng ta ở bên ngoài, vì có một bộ phận ra đi sau chiến tranh, có một bộ phận ra đi trước chiến tranh. Họ đi trước năm 1975, đi học, đi công tác, làm việc, rồi những biến cố chính trị trong nước buộc họ phải ở lại để rồi hội nhập với quốc gia sở tại. Và những người ra đi sau năm 1975, những người đi trong cuối thập kỷ 70 và đầu những năm 80, mà chúng ta vẫn gọi là những thuyền nhân. Tôi cho rằng Đảng và Nhà nước ViệtNam đã có chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai không phải riêng với cộng đồng người Việt Nam chúng ta, mà với cả những quốc gia mà đã từng là kẻ thù của chúng ta như Hoa-Kỳ. Chúng ta sẵn sàng thông cảm với những quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp…
Chúng ta luôn luôn dùng nhân nghĩa để đối đáp với tất cả các quốc gia. Chính sách của Đảng và Nhà nước chúng ta là hòa hợp dân tộc, đoàn kết dân tộc. Chúng ta mong muốn đoàn kết với nhân dân các nước thì không có lý gì chúng ta không đoàn kết với nhau. Cho nên chúng tôi muốn chứng minh cái đó để cho nhân dân thế giới cũng như bà con ta ở hải ngoại thấy rằng là Đảng và Nhà nước Việt Nam nói và thực hiện đúng với truyền thống đạo lý của dân tộc. Chúng ta có những bước đi, để rồi chúng ta làm sao không hổ danh là con lạc cháu hồng”.
Chỉ hơn nửa tháng sau, nhật báo Người Việt phát hành ngày 7 tháng 10 năm 2011 với một tựa đề lớn “Hà Nội nhất định không tìm hài cốt quân nhân VNCH” như sau:
“Hồi tuần trước, Nghị Sĩ Jim Webb, chủ tịch Tiểu Ban Đông Á và Thái Bình Dương, cho hay chính phủ Mỹ đã đình chỉ số tiền viện trợ 1 triệu đô la cho Việt Nam cho đến khi Hà Nội cam kết sẽ tìm cả hài cốt quân nhân VNCH mất tích. Hàng ngàn hài cốt quân cán chính VNCH mất tích trong cuộc chiến Việt Nam cùng với hàng ngàn hài cốt tù cải tạo chết trong các nhà tù CS sau khi VNCH sụp đổ, vùi lấp trong các khu rừng cũng phải được tìm kiếm.
Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, cũng là một cựu quân nhân từng tham chiến ở Việt Nam, nói không có ngân khoản nào được sử dụng "cho đến khi chúng ta được bảo đảm chắc chắn rằng chương trình viện trợ áp dựng đồng đều cho tất cả những ai chiến đấu ở tất cả các bên".
Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội, theo bản tin AFP, cho hay nhà cầm quyền Việt Nam đã cho biết trong các cuộc thương thuyết là những người chiến đấu VNCH không bao gồm trong chương trình "viện trợ để tìm kiếm".”
Năm 2007, cựu Thủ tướng Việt cộng Võ văn Kiệt, trước khi “thất nghiệp”, giả nhân giả nghĩa nói rằng: “Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù của Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù của Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta không khép lại quá khứ ấy mà cứ đố kỵ lẫn nhau?”. Đó là lời phát biểu của một hung thần sau 30-4-1975.
Tin cũ: Năm 1972 nhà báo, ký giả, phóng viên quân đội Thiếu tá Phạm Huấn có dịp đi cùng phái đoàn liên hợp quân sự bốn bên ra Hà Nội. Trong một ngày rảnh rỗi, ông dạo chơi bên bờ hồ Hoàn Kiếm, ngạo nghễ trong bộ quân phục của sĩ quan miền Nam Việt Nam. Ông đang thả hồn về những kỷ niệm dĩ vãng của thời thơ ấu của ông ở giữa cái Thủ Đô cổ xưa này, chợt một nhóm người gồm những phóng viên và nhiếp ảnh miền Bắc vây quanh ông, xin được phỏng vấn ông, ông lịch sự, mỉm cười đồng ý, và cuộc phỏng vấn bắt đầu như sau:
Phóng viên Việt Cộng: “Qua giọng nói, chắc thiếu tá là người sinh trưởng ở miền Bắc?”T/tá Phạm Huấn: “Đúng vậy, tôi được sinh ra và lớn lên ở giữa Hà Nội này.” Phóng viên Việt Cộng: “Vậy thì sau bao nhiêu năm, hôm nay có dịp thiếu tá trở lai nơi cũ xưa mà thiếu tá đã từng trải qua ở tuổi thanh xuân, thiếu tá thấy có gì thay đổi?” T/tá Phạm Huấn: “Hà Nội vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Vẫn tháp rùa cũ mốc, vẫn cây cầu Thê Húc cổ xưa, nhà cửa, phố phường vẫn như là một trăm năm trước.” Phóng viên Việt Cộng: “xin cám ơn T/Tá”.
Khoảng mười ngày sau, sau khi T/tá Phạm Huấn đã trở về Sài Gòn. Đài phát thanh Hà Nội phát lại cuộc phỏng vấn ngắn gọn như sau:
Một T/tá của miền Nam có dịp theo phái đoàn quân sự bốn bên ra thăm Thủ Đô của nước ta đã phải thừa nhận về thành tích bảo vệ toàn vẹn Hà Nội của quân, dân ta trước những đánh phá hung hãn của đế quốc Mỹ qua lời phát biểu của anh như sau: “Hà Nội vẫn như xưa, không có gì thay đổi; đúng như bác và đảng đã từng giáo dục nhân dân ta rằng "vũ khí không bằng người, người không bằng động viên tư tưởng", tư tưởng quyết tâm bảo vệ thủ đô yêu dấu của nhân dân ta là vô địch.”
Tại Sài Gòn, T/tá Phạm Huấn đã phải khó khăn tường trình với thượng cấp rằng cuộc phỏng vấn đó đã bị Việt Cộng cắt đi ở phần kế tiếp!
Hơn ba mươi năm sau, Đức Tổng Giám Mục Ngô quang Kiệt của giáo phận Hà Nội (cũng lại Hà Nội) lại bị những người của “đỉnh cao trí tuệ” dùng chiêu thức đểu cũ bịp bợm, cắt, vá, xào xáo, tuyên truyền nhồi óc dân ngu đại khái như sau: “Ông Giám mục Ngô quang Kiệt đã xúc phạm đến nhân phẩm dân tộc Việt Nam qua lời nói "Tôi lấy làm xấu hổ là người Việt Nam khi trình cái hộ chiếu đi ra nước ngoài".”
Thực sự, trong những ngày giáo dân ấp Thái Hà sôi sục, biểu tình đòi lại đất của nhà thờ đã bị nhà nước ngang ngược chiếm giữ bao nhiêu năm nay; Tức giận trước những hành động sử dụng côn đồ, đầu gấu, thô bạo đàn áp giáo dân, ngài đã nói rằng “thật là xấu hổ khi đi ra nước ngoài, những người nước khác khi trình hộ chiếu, nhân viên hải quan chỉ nhìn qua rồi cho đi ngay, trái lại khi gặp hộ chiếu là người Việt Nam thì bị xem xét rất kỹ, và vặn hỏi nhiều hơn”. Lời nói đầy ắp chân thật và khí tiết của một người Việt Nam thương đồng bào, yêu quê hương đã bị cắt xén xuyên tạc, gian manh, xảo quyệt, ác độc, khiến ông “thân bại, danh liệt”! (Đi nước ngoài chữa bệnh, mất chức Tổng giam mục Hà Nội).
Năm 1966, công tác của tôi là phỏng vấn để tìm hiểu tâm lý những sĩ quan của quân đội ta đã vượt thoát về được sau khi bị Việt cộng bắt, nơi đó có tên là trại Dưỡng quân nằm kín đáo ở một khu biệt lập gần chợ Bà Chiểu. Và sau đây là chuyện của Trung úy Năm:
Đầu năm 1965, Trung úy Năm mặc thường phục, đi nghỉ phép thường niên một tuần. Trên đường về, xe đò chạy gần tới Lộc Ninh thì bị Việt cộng chặn lại. Sau một lúc lục xoát xe và khám xét mọi người, mấy tên du kích cho xe tiếp tục chạy, nhưng giữ lại ba thanh niên trẻ, dẫn họ vào sâu trong rừng, trong ba thanh niên đó có Trung úy Năm.
Tại một chòi lá, từng người lại bị lột hết quần áo, giày dép để khám một lần nữa kỹ hơn. Trung úy Năm bị chúng phát hiện là quân nhân vì có vết chai ở mắt cá của hai chân. Ngay sau đó anh bị bịt mắt và dẫn đi. Qua hai ngày một đêm, đến một trại giam ở sát biên giới Việt-Miên, tại nơi này đã có sẵn vào khoảng hai chục tù binh.
Trong suốt hơn một năm bị giam cầm ở đây, tù binh đã được hưởng hơn hai chục bữa cơm liên hoan, có cả một ít dân từ vùng xa mang lương thực đến để ủng hộ bộ đội và cùng ăn mừng vì “quân dân ta vừa giải phóng” được một tỉnh. Như vậy là miền Nam có tổng cộng 42 tỉnh, qua hơn hai mươi cái “liên hoan”, một nửa đất nước đã bị “giải phóng”! TR/uý Năm đau khổ gần như tuyệt vọng. Trong lòng đầy ắp thương nhớ và lo lắng cho vợ, con. Một ngày, anh quyết định trốn trại. Ngày nghỉ, đêm đi, cuối cùng anh đến được một tiền đồn của địa phương quân. Hỏi ra mới biết chẳng có tỉnh nào bị “giải phóng”!
Trong những năm đầu “kháng chiến”, người ta viết tắt chữ Việt Minh là VM, phát âm là VẸM, người Hà Nội chân chính, khi đề cập tới những kẻ gian dối thì thường nói “đừng tin nó, thằng đó VẸM!”
Ông Hồ chủ trương “trồng cây mười năm, trồng người trăm năm”. Tính đến nay cũng xấp xỉ tám mươi năm. Người “VẸM” mà ông Hồ trồng đã phát triển, to lớn, vạm vỡ, tới độ trơ trẽn, trơ tráo, lộ liễu, mà vẫn có kẻ nhẹ dạ bị lừa!
BÙI-TRỌNG-NGHĨA___