Người biểu tình ở Mongkok- Hồng Kông. Ngày 25/11/2014.REUTERS/Bobby Yip
Phong trào chiếm đường phố từ Mỹ đã lan rộng khắp thế giới và đến với Hồng Kông từ hơn hai tháng nay qua việc người dân Hồng Kông, mà đa phần là giới học sinh-sinh viên, xuống đường yêu cầu chính phủ Bắc Kinh cho tự do bầu người đứng đầu đặc khu hành chính này.
Thế nhưng, phong trào đã không dành được chiến thắng như ở nhiều nước. Phần thắng lại thuộc về nhà cầm quyền. Vì sao thất bại ? Báo chí Pháp đã có đôi lần bàn đến. Báo La Croix : « Chia rẽ và mệt mỏi ».
Số là cảnh sát Hồng Kông đã bắt đầu chiến dịch tháo dỡ lều của người biểu tình và hôm nay sẽ tấn công vào khu vực lều biểu tình tại khu Mongkok, một trong ba địa điểm trung tâm của Hồng Kông với nhiều tuyến phố buôn bán sầm uất, và là một trong ba « đại bản doanh » của người biểu tình trong hơn hai tháng qua.
La Croix dẫn lời một người tham gia biểu tình 35 tuổi bày tỏ : « Các rào chắn tại khu Mongkok sẽ bị dỡ bỏ vào hôm nay. Tôi cảm thấy buồn…Cuộc sống trong lều biểu tình của tôi đã diễn ra được nhiều tuần nay và tôi sẽ rất nhớ».« Cảm thấy nhớ », là bởi vì sự việc đó cho thấy phe biểu tình đã thất bại cũng như lời người nói trên thừa nhận : « Chúng tôi đã không đạt được gì cả. Chính phủ vẫn cố chấp không muốn đàm phán với chúng tôi nữa… ».
Sự thất bại này không có nghĩa là 7 triệu người Hồng Kông không còn tha thiết với dân chủ, mà là vì chính quyền Hồng Kông được sự hậu thuẩn của chính phủ Bắc Kinh đã sử dụng phương pháp đối phó theo kiểu « Dĩ vật đãi lao », tức là kiên nhẫn chờ đợi để cho kẻ thù mệt mỏi và mất tinh thần, khi ấy sẽ ra đòn tấn công quyết định.
Và quả thật sau 8 tuần biểu tình, người dân địa phương đã dần cảm thấy bị phiền hà quá nhiều bởi hoạt động buôn bán để kiếm sống bị cản trở, hơn nữa các khu bị chiếm đóng lại là những khu hoạt động buôn bán sầm uất. Nhiều thăm dò đã được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở các trường đại học và bởi báo chí, cho thấy có hơn 80% dư luận muốn người biểu tình rời khỏi các khu lều trại và hơn 60% muốn cảnh sát ra tay dọn dẹp các khu lều trại đó.
Còn trong hàng ngũ người biểu tình cũng dần xuất hiện những bất đồng. Người thì muốn bám trụ đến cùng, người thì muốn chấm dứt hình thức chiếm đường phố và đổi sang hình thức khác. Người biểu tình được dẫn lời bên trên cho rằng : « Chúng tôi sẽ tìm hình thức đấu tranh khác, chắc chắn là như vậy, và chúng tôi có thể tập hợp lại bất cứ giờ nào khi cần thiết ».
La Croix cho biết thêm, một vài lãnh đạo của phong trào thì kêu gọi người biểu tình rời khỏi các khu lều trại và sẽ đấu tranh bằng hình thức khác.
Đa phần người biểu tình thì ôn hòa kể từ khi bắt đầu vụ việc đến giờ, nhưng nguy cơ xung đột với cảnh sát khi lực lượng này đến tháo dỡ khu lều trại không phải là không có. Một bộ phận nhỏ người biểu tình hiện tại vẫn còn chưa sẵn sàng cho việc từ bỏ, và tuyên bố chấp nhận đụng độ với cảnh sát.
Thế nhưng, La Croix nhận định, những sự cố bạo lực đó sẽ làm mất uy tín của phe biểu tình nhiều hơn nữa. Trong một thành phố thương mại và du lịch năng động như Hồng Kông, « một trạng thái mất trật tự nhỏ cũng đủ bị xem là mối đe dọa cho ổn định và cho thịnh vượng kinh tế ». Như vậy, hình thức chiếm trung tâm đã tỏ ra hết hiệu quả và người Hồng Kông cần tìm ra hình thức đấu tranh mới để bảo vệ cho ý nguyện dân chủ của mình.
Vị thế của Trung Quốc trên thế giới ?
Trong lĩnh vực địa chính trị quốc tế, nhật báo Les Echos đăng bài phân tích của chuyên gia với hàng tựa đáng chú ý : « Trung Quốc đã và sẽ còn làm thay đổi thế giới », nhận định về vị thế đang lên của nước này trên trường quốc tế.
Theo bài viết, từ hơn 20 năm qua, thế giới đã bị thay đổi dưới tác động của ba nhân tố. Trước tiên là hiện tượng « toàn cầu hóa », mà cụ thể là sự tăng cường trao đổi hàng hóa, thông tin, nhân lực và nguồn vốn.Thứ hai đó là sự lên ngôi của « thời đại kỹ thuật số », tức là sự phát triển vượt bật của ngành công nghệ truyền thông và nó đã làm thay đổi cách thức liên lạc, mua bán, sản xuất…Thứ ba đó là sự phát triển mất kiểm soát của lĩnh vực tài chính, cái mà các chuyên gia gọi mà « hiện tượng tài chính hóa », và đã dẫn đến cơn địa chấn kinh tế mà các nước có nền kinh tế phát triển nhất đã phải khổ sở từ năm 2008 đến nay.
Bài viết nhấn mạnh : Thời gian qua, Trung Quốc đã thật sự giữ vai trò trung tâm trong làn sóng « toàn cầu hóa » và « tài chính hóa » đó. Trong lĩnh vực tài chính, Trung Quốc đã thực hành chính sách « tích tiểu thành đa », tức gom góp tiết kiệm lâu ngày để trở thành nhà giàu. Thời gian qua, Trung Quốc đã phát triển rất mạnh ngành xuất khẩu và liên tục có thặng dư thương mại với các đối tác. Từ năm 2000, chính phủ Bắc Kinh cũng tăng tốc việc mua trái phiếu ở những thị trường lớn và hiện tại là chủ nợ số một của Mỹ.
Còn trong hồ sơ toàn cầu hóa, vai trò trung tâm của Trung Quốc càng rõ ràng hơn. Nước này được mệnh danh là « Công xưởng của thế giới », là nước số một thế giới về xuất khẩu, chiếm đến 1/8 tổng sản phẩm được bán ra trên thị trường thế giới, tức đã tăng gắp 6 lần so với năm 1990. Trung Quốc cũng đứng thứ hai về nhập khẩu trên thế giới, và đứng số một nếu chỉ nói về nhập khẩu nguyên liệu như đồng, thép, lúa mạch hay gần đây nhất là dầu hỏa.
Như vậy, mọi thành bại của thị trường Trung Quốc đều ảnh hưởng đáng kể đến toàn thế giới. Trong tương lai, sự ảnh hưởng đáng kể này sẽ được tiếp tục. Theo bài viết, Trung Quốc sẽ tiếp tục tận dụng sức mạnh tài chính của mình để mua thêm đất ở Châu Phi, mua thêm công ty ở Châu Âu ; Trung Quốc sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Châu Á với các thỏa thuận thương mại lớn…
Bài viết kết luận : «Như vậy thì Trung Quốc sẽ tiếp tục vẻ tương lai của chúng ta cũng như đã từng làm từ một phần tư thế kỷ qua ».
Trung Quốc đang lên : Châu Âu làm gì ?
Trong khi Trung Quốc đã thành công nắm giữ vai trò ngày càng lớn trên thế giới, Châu Âu phải làm gì ? Góp phần trả lời câu hỏi này, Le Figaro đăng bài phân tích của cựu Thủ tướng Pháp, ông Jean-Pierre Raffarin, với dòng tựa : « Chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc và chúng ta ».
Tác giả bài viết đánh giá cao chính sách ngoại giao của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình và cho rằng chính sách đó dựa trên ba trụ cột : không xung đột và tránh đối đầu ; tôn trọng độc lập của nhau ; tăng cường mối quan hệ hợp tác cân bằng với các nước lớn. Tác giả cho rằng, chính sách của ông Tập là : không ngừng đưa ra nhiều ý tưởng mới nhưng vẫn dựa trên truyền thống.
Trong bài viết, tác giả cũng đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách khoanh vùng xung đột của Trung Quốc, tức là tạm gác lại những vấn đề còn bất đồng để tập trung cho tăng trưởng và phát triển. Tác giả nhắc lại sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có buổi tiếp chẳng đặng đừng đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi Thượng đỉnh APEC vừa qua.
Tác giả cho rằng, trong mối quan hệ Trung-Nhật, hai bên đã không hề sử dụng biện pháp trừng phạt với nhau, và đây là bài học dành cho các nước phương Tây trong quan hệ với Nga trên hồ sơ Ukraina. Tác giả nhấn mạnh : « Ngoại giao hiện đại thì mang tính bề ngang hơn hà chiều dọc, tức là nó đa cực. Phải biết chia những trở ngại ra thành từng phần nhỏ để giải quyết chứ không nên chỉ biết có áp đặt biện pháp trừng phạt ».
Tác giả kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu không nên chia rẽ như hiện nay, mà phải biết đoàn kết, và đó là điều cần thiết đảm bảo vị thế của Châu Âu trong thế giới đa cực ngày nay.
Đức : chia rẽ về hồ sơ Ukraina
Lời kêu gọi đoàn kết bên trên của Cựu Thủ tướng Pháp Raffarin không phải là không có cơ sở bởi Châu Âu đã không ít lần tỏ ra thiếu đồng thuận trong thái độ đối với Nga về hồ sơ Ukraina. Sự chia rẽ đó cũng đã diễn ra trong nội bộ các nước thành viên Châu Âu trong đó có Đức. Bàn sâu về nước Đức, nhật báo Les Echos đăng bài : « Chính phủ Đức trước thử thách của cuộc khủng hoảng Ukraina ».
Tờ báo nhấn mạnh đến sự chia rẽ mới nhất tại Đức về hồ sơ Ukraina, mà sự chia rẽ đó được thể hiện rõ ràng nhất là giữa người điều hành chính phủ-Thủ tướng Angela Merkel và một thành viên của chính phủ-Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier (hai người thuộc hai đảng phái chính trị khác nhau).
Đến mức là lãnh đạo Đảng Liên Minh Xã hội Cơ Đốc Giáo (CSU), một đảng liên minh trong chính phủ của đảng Liên Minh Dân Chủ Cơ Đốc Giáo của Thủ tướng Merkel, đã báo động trên một tạp chí uy tín ở Đức rằng : « Nếu ngài Steinmeier tiếp tục chính sách ngoại giao trái ngược với Thủ tướng, thì điều đó sẽ vô cùng nguy hiểm ».
Lo ngại nghi ngờ về sự chia rẽ trong chính phủ bị thổi phồng, người phát ngôn của chính phủ Đức đã phải chính thức lên tiếng khẳng định tính thống nhất và đoàn kết trong nội bộ chính phủ về hồ sơ Ukraina và thái độ đối với Nga.
Thật ra thì trái ngược với Thủ tướng Đức, Ngoại trưởng Đức gần đây bị chỉ trích là có thái độ quá mềm dẻo với Nga trong hồ sơ Ukraina. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà tại diễn đàn Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Merkel đã lên tiếng cảnh báo : «Mối nguy hiểm lớn nhất chính là chia rẽ ».
Người hưởng lợi lớn nhất của tình trạng chia rẽ đó chính là Nga. Bởi thế mà, theo tờ báo, Tổng thống Nga Putin đã biết không ngừng đào sâu những bất đồng chính trị giữa các đảng phái ở các nước Châu Âu và giữa những nước Châu Âu. Chẳng hạn như, ông Putin đang xem xét chấp nhận một khoảng tín dụng cho Đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức-AFD, một đảng chống Liên Hiệp Châu Âu. Hay như ông Putin cũng đã làm điều đó cho Đảng Mặt trận Quốc gia –FN tại Pháp thông quan ngân hàng First Crech Russian Bank. FN là một đảng cực hữu đối đầu mạnh mẽ với chính phủ Pháp hiện tại.
Syria : Obama đánh bom, Assad hưởng lợi
Liên quan đến cuộc chiến chống Nhà nước Hồi Giáo tự xưng –IS trên lãnh thổ Syria, tờ Libération dành gần trọn trang nhất đăng ảnh những ngôi nhà trên hiện trường bị đánh bom sụp đổ kèm theo dòng tựa : « Syria : lợi thế của Assad ».
Tờ báo cho biết, trong khi quân Mỹ ra sức không kích quân đội của IS, thì chính phủ của Tổng thống Bachar al-Assad đã tận dụng thời cơ để tấn công lực lượng quân nổi dậy và đã giành được thắng lợi ở nhiều nơi. Thành phố lớn thứ hai của Syria là Alepo cũng sắp rơi vào tay của quân chính phủ.
Như vậy, chiến dịch không kích IS của Mỹ vô tình đã làm lợi cho ông Assad. Tình hình căng đến mức mà tờ báo dẫn lời của nhiều nhân chứng lo ngại rằng không biết các lực lượng nổi dậy « ôn hòa » ở Syria còn trụ được bao lâu trước làn sóng tấn công ồ ạt của quân đội Assad. Đó là chưa kể máy bay Mỹ đã oanh kích nhầm mục tiêu, gây tổn thất cho lực lượng nổi dậy ở Syria. Tờ báo dẫn lời một chiến binh nổi dậy ở Syria cay đắng cho rằng : « Làm sao mà quý vị muốn họ chiến đấu chống IS trong khi bản thân họ lại là nạn nhân của các vụ oanh kích ».
Cũng bàn về chủ đề này, Libération đăng một bài xã luận nhấn mạnh đến những thay đổi đột ngột trên mặt trận Trung Đông. Bài xã luận còn mỉa mai rằng, việc Mỹ oanh kích IS và việc quân đội Assad giành ưu thế giống như là « một sự phân chia nhiệm vụ » dù rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bài xã luận nhấn mạnh : « Một kiểu phân chia nhiệm vụ chỉ vì lợi ích ngắn hạn, đang tạo ra hai nạn nhân : dân thường và các lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria ».
Pháp: chi cho phúc lợi xã hội mát tay nhất thế giới
Dù kinh tế khó khăn, nhưng đến hiện tại Pháp vẫn là nước giữ ngôi quán quân thế giới trong hồ sơ chi tiêu công dành cho phúc lợi xã hội. Đây là nội dung được đăng tải trên nhật báo Les Echos với dòng tựa : « Pháp luôn là nhà vô địch về chi tiêu xã hội »
Theo số liệu vừa được công bố hôm qua của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế-OECD, thì năm nay chi tiêu công dành cho các chính sách xã hội ở đa số các nước giàu đều vẫn ở mức cao, trung bình chiếm 22% GDP.
Đối với Pháp, dù chi tiêu xã hội năm nay có thấp hơn năm ngoái chút ít, nhưng vẫn cao hơn nhiều mức trung bình của toàn khối, ở mức 31,9% GDP. Với con số này, Pháp vẫn là nước « hào phóng nhất thế giới », đứng trước cả Phần Lan, Bỉ và Đan Mạch.
Một điểm đáng chú ý nữa, đó là kể từ khi nổ ra khủng hoảng kinh tế vào năm 2008 đến nay, trong tổng thể các nước thuộc OECD, chi tiêu dành cho lương hưu, hỗ trợ thất nghiệp, chăm sóc y tế…đã tăng nhanh hơn trước kia.
Trước khi xảy ra khủng hoảng, chi tiêu xã hội của Pháp đã là 28,5% GDP, chiếm ngôi « vô địch thế giới ». Rồi từ khi khủng hoảng, chi tiêu công dành cho các chính sách xã hội của Pháp cũng tăng nên mới có con số 31,9% bên trên.
Còn vào năm 2013, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha đã đạt mức kỉ lục trong lịch sử của mỗi nước về chi tiêu xã hội.
Trong bối cảnh đó, OECD cũng cho biết rằng, nhiều nước như Đức, Canada, Hy Lạp và Anh đã giảm chi tiêu xã hội « một cách đáng kể » trong giai đoạn khủng hoảng.