Sunday 9 November 2014

Reminiscence (Hồi tưởng) - Phó Minh Cường


Reminiscence (Hồi tưởng) là nickname cho một bản nhạc thật hay và thật buồn mà Chopin viết năm 1830 để tiếc nuối cho một tuổi thơ đã mất. Ở thời điểm này Poland đang bị nước Nga thao túng với một tình hình chính trị bấp bênh và Chopin sắp sửa rời Poland, bắt đầu một cuộc sống lưu đầy.

Năm ấy Frederic Chopin viết một bản nhạc không tên cho chị mình là Ludwika Chopin với lời dặn “đây là một bài tập (exercise) trước khi tập Concerto #2 của tôi”. Chopin không có ý định xuất bản bài này nên không đặt tên. Bài này chỉ được xuất bản 26 năm sau khi Chopin chết và nhà xuất bản gọi nó là Nocturne No 20 in C sharp minor, nhưng mọi người thường biết nó qua cái tên Reminiscence nocturne.


Đây là bài nocturne thứ nhì và là bản nhạc cuối cùng Chopin viết trước khi rời Poland nên không có số Opus. Bản nhạc này được Wladyslaw Szpilman đánh trên radio Poland trước khi đài này bị trúng bom của nazi và là bản nhạc đầu tiên được nhà nghệ sĩ này trình diễn trên radio Poland khi đức quốc xã (nazi) đầu hàng.

Đây là một bản nhạc đầy rung cảm, buồn như tim vỡ và đẹp một cách kỳ diệu. Ai đã xem phim The Pianist chắc nhớ cảnh nhạc sĩ Wladyslaw Szpilman đánh bài này lúc mở đầu và lúc kết thúc cuốn phim.

Đó là nói về nhạc, về thơ tôi cũng có một bài thơ hồi tưởng, đây xin chia sẻ với các bạn:


Hồi tưởng

Những bài thơ nho nhỏ
Tôi viết để tặng em
Mỗi khi trời về đêm
Nhìn sao rồi lại nhớ
Ngôi sao trong mắt em

Và những bài thơ
Cho những đêm không ngủ
Tí tách mưa giăng sầu
Miên man bao nỗi nhớ
Để hồn ta thao thức …
vì đâu ?

Những bài thơ ngăn ngắn
Tôi viết cho tuổi thơ
Mỗi khi có trăng tròn
Nhìn trăng để mà nhớ
Trăng tròn của tuổi thơ

Rồi những bài thơ,
Cho những chiều hư ảo
Trăng sáng say lòng người
Tinh tú bay đầy trời
Đom đóm ra chào mời

Như ánh sao rồi tan …

CMP