Nhà Thơ Bút Tre
CHUYỆN THƠ BÚT TRE
Nhiều bạn trẻ hâm mộ thơ BÚT TRE lấy làm tiếc tại sao không có ai xuất bản thơ ông cũng như những tác phẩm có liên quan đến đời thơ của ông. Có đấy chứ! Sở Văn Hóa Thông Tin tỉnh Vĩnh Phú – nơi ông từng làm Trưởng Ty – đã in quyển “Giai thoại Bút Tre” nhưng tiếc vì không thấy phát hành vào trong Nam hay phát hành quá ít nên không đến tay các bạn chăng. Năm 1994, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội đã in 5000 cuốn “BÚT TRE – Thơ và giai thoại” của Ngô Quang Nam nên đã phổ biến rộng rãi khắp nước. Tôi may mắn được đọc một số tư liệu tản mạn về BÚT TRE nên nay xin tổng hợp lại hầu các bạn.
VÀI NÉT VỀ NHÀ THƠ: Nhà thơ BÚT TRE thường được gọi thân mật là ông Đăng (Đặng Văn Đăng) nay không còn nữa. Ông vĩnh biệt chúng ta vào cái tuổi 76, sau một quãng đời sôi nổi hoạt động không mệt mỏi (1987).
Theo nhà văn Ngô Quang Nam – người đã có dịp tiếp xúc với nhà thơ vài lần – thì BÚT TRE là một ông già xuề xòa, mảnh khảnh nhưng rắn rỏi, quắc thước, lúc nào cũng nồng nhiệt, sôi nổi. Ông đỗ Tú tài II nên giỏi tiếng Pháp, đọc nhiều, viết nhiều, và đã nói là nói say sưa không muốn dừng.
Sức làm việc của ông thật ghê gớm:có lần, chỉ hơn một tháng ông đã làm đến 100 bài thơ Đường, niêm luật rất ư là nghiêm chỉnh, chứ không phải ông chỉ làm thơ lục bát như nhiều người lầm tưởng. Ông viết lịch sử, viết địa chí xã, viết văn, làm thơ…Vào những năm 1957-1958, ông được cử làm thư ký cho thứ trưởng Ung Văn Khiêm, ông cũng đã từng làm Trưởng Ty Văn Hóa Thông Tin tỉnh Vĩnh Phú, Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy… Hồi còn làm Trưởng Ty Văn Hóa (1911-1987) Thông Tin tỉnh Vĩnh Phú, ông cao hứng cho in “Tập thơ BÚT TRE” (vào khoảng năm 1962) chỉ để tặng bạn bè thôi. Tập thơ bị chê trách nặng nề, nhưng cũng nhờ đó mà ông nổi tiếng.
Ông nghỉ hưu với chiếc xe đạp buộc lốp rỉ vành, chiếc xe đạp này đã từng làm cho ông ngã khi xuống dốc vì đứt thắng gãy niềng khiến ông sứt cả hàm răng. Quả là số mệnh đã đùa dai với nhà thơ hài hước!
ĐẶC ĐIỂM THƠ BÚT TRE : Ông làm hàng trăm bài thơ Đường, nhưng thơ Đường của ông không tiêu biểu cho “kỹ thuật thơ BÚT TRE”. Bài thơ “Núi Voi” sau đây là một thí dụ:
Núi Voi trông thật giống con voi,
Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi (*).
Voi cũng như người, hăng sản xuất,
Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai.
Ông nổi tiếng là nhờ thơ lục bát chứ không phải thơ Đường.
- Thơ lục bát của ông rất ngắn: mỗi bài nhiều thì 4 câu, ít thì chỉ có 2 câu.
- Thơ ông bao giờ cũng mộc mạc, chất phác, giản dị như ca dao và nhất là.. rất tếu.
- Ít khi ông dùng từ Hán Việt mặc dù ông rất rành.
- Về tên người, tên đất, ông cứ thoải mái ngắt ra làm đôi, một nửa đặt ở cuối câu trên, nửa kia đem xuống đầu câu dưới:
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên…
…Giáp ta ra trận tiến lên hàng đầu.
Tiến lên là tiến đi đâu?
Tiến lên hàng đầu là tiến lên trên.
Nhưng đặc điểm lớn nhất của BÚT TRE là nghệ thuật cưỡng từ đoạt lý, đảo lộn ngữ âm ngữ pháp trong thơ tiếng Việt,ép vần sửa dấu rất thông minh, táo bạo và hóm hỉnh:
Liên hoan có lạc, có chuồi (chuối),
Ra về nhớ mãi cái buồi (buổi) hôm nay.
MỘT SỐ BÀI THƠ CỦA BÚT TRE: BÚT TRE làm thơ rất nhiều, ở đây tôi chỉ xin trích một số bài tiêu biểu. Khi ca ngợi tình hữu nghị Việt-Trung-Xô, giọng điệu của ông thật “nghênh ngang” như lời thơ ông vậy:
Tình hữu nghị Việt-Trung-Xô
Xít-Ta, Mao Trạch, Bác Hồ nghênh ngang.
Về tình cảm cách mạng quốc tế, ông ca ngợi chủ tịch Fidel Castro ở bên kia trời Tây:
Hoan hô đồng chí họ Phi-…
…Đen Cu-Ba đó rất chi anh hùng.
Khi phi hành gia đầu tiên của địa cầu bay vào vũ trụ là Iu Gagarin của Liên Xô, ông vô cùng phấn khởi viết:
Liên-Xô rất đỗi tự hào:
Anh Ga-ga-rỉn (rin) bay vào vũ tru (trụ).
Hay :
Trên trời thêm một vì sao,
Anh Ga-ga-rịn bay vào vũ tru.
Năm 1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, ông hào hứng viết:
Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên…
…Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng.
Có một dạo BÚT TRE được điều về làm công tác bảo tàng. Công tác này thật chẳng thích hợp với ông chút nào, nhưng ông cũng tự an ủi:
Anh nay công tác bảo tàng,
Cũng là nhiệm vụ cách màng (mạng) giao cho.
Nhưng chỉ ít lâu sau, buồn chán quá, ông làm đơn khiếu nại lên cụ Hồ thì được cụ trả lời bằng hai câu thơ ghẹo rằng:
Chú về làm việc bảo tàng
Cũng là công tác cách màng (mạng) đó thôi.
Không biết chuyện này hư thực ra sao.
Năm 1969, cụ Hồ mất, Bút Tre vô cùng thương tiếc, làm thơ than rằng:
Tin đâu sét đánh giữa đàng,
Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần.
Lúc Tổng Bí thư Lê Duẩn được chủ tịch Bờ-rê-dờ-nép mời sang thăm Liên Xô, ông viết:
Hoan hô Tổng Bí thư Lê…
…Duẩn ta vừa được Bờ-rê-nép mời.
***
Trong đời sống thường ngày, gặp chuyện gì vui thích là ông làm thơ ngay và làm rất nhanh. Lúc bấy giờ ở Cục đường sắt có một cán bộ là Hà Tăng Ấn, ông bèn làm thơ đùa rằng:
Cục ta có bác Hà Đăng…
….Ấn cho một phát, xe băng trên đường.
Thời kỳ tuyên truyền cho việc vệ sinh phòng dịch, ông viết:
Giống ruồi là giống hiểm nguy,
Tay chân của nó rất vi trùng nhiều.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, ông mừng các chị em bằng hai câu:
Hôm nay mồng tám tháng ba,
Chị em phụ nữ uống trà với đương (đường).
Tuy vậy đôi khi thơ BÚT TRE cũng nghiêm túc, không đùa, lời thơ chân thành và chứa chan tình cảm. Ông làm thơ tặng một đồng chí giữ cầu như sau:
Chú làm công tác giữ cầu,
Quản chi bom đạn trên đầu nó rơi.
BÚT TRE chẳng như mọi người,
Qua sông nhớ mãi nụ cười chú em.
Và một bài khác (không biết có phải viết về Nguyễn Chí Thanh?):
Anh lên, đồi núi cúi chào,
Đồi vương nương sắn, gò cao cây chè.
Anh đi, đồng ruộng lắng nghe,
Lúa mừng phân bắc, khoai che mảnh vườn.
Những bài thơ này được in ở quê ông (Vĩnh Phú) vào khoảng năm 1962-1963 đã gây nhiều thích thú trong dư luận nên sau đó một số người khác cũng mượn danh BÚT TRE để làm thêm một số bài tương tự và cũng được nhiều người truyền miệng, tất cả được gọi là thơ BÚT TRE :
BÚT TRE nối bước những ai,
Một dòng thơ mở đường quai kể vè.
Năm năm dân dã lắng nghe,
Một BÚT TRE thành vạn BÚT TRE các làng…
Một sĩ phu bút sắt đã phải nghiêng mình kính phục lão trượng BÚT TRE :
Vì sao ai cũng thích nghe,
Cứ nghe mà biết BÚT TRE là cười.
Bao nhiêu bút sắt mòn rồi,
BÚT TRE vẫn để cho đời nguồn vui.
THƠ BÚT TRE GIẢ HAY THƠ BÚT TRE DÂN GIAN : Nếu có thơ BÚT TRE thật thì cũng có thơ BÚT TRE giả, nhưng đây là cái “giả” bất vụ lợi, rất đáng yêu. Từ khi “trường phái BÚT TRE” xuất hiện thì nhiều người yêu thích thơ ông, cũng bắt chước kỹ thuật của ông, làm ra những bài thơ hay lạ, không tài nào phân biệt được đâu là thơ BÚT TRE thật, đâu là thơ BÚT TRE giả. Người duy nhất có thể phân biệt được là BÚT TRE thì nay không còn nữa.
Một hôm có anh bộ đội từ xa lặn lội tìm đến thăm BÚT TRE vì yêu thơ ông và mến tài ông. Ông cảm động lắm, hết lời cảm ơn người lính và bảo anh có thuộc bài thơ nào của ông thì đọc cho ông nghe vài bài. Anh lính thích chí bèn cất cao giọng đọc mấy bài:
Anh đi công tác Pờ-Lây…
…Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra.
Hoan hô Trung tá Phạm Tuân
Bay lên vũ trụ một tuần về ngay.
Con đò dịch đít sang ngang,
Bên kia có một cái làng thò ra.
Thương anh, khuyên bảo nhiều lần,
Mát-xa thì mát, mát-gần thì không.
Chị em du kích tài thay!
Bắn máy bay Mỹ rơi ngay cửa mình.
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh,
Anh về phân đỏ phân xanh đầy đường.
Nghe xong, ông cười chảy nước mắt và vỗ vai người lính:
- Những bài cậu vừa đọc không phải là thơ của tớ! Từ thơ BÚT TRE thật, họ đã sáng tác ra thơ BÚT TRE dân gian tuyệt vời. Tớ xin cúi đầu bái lạy dân gian.
Có lần, trong câu chuyện vui “Thơ BÚT TRE dân gian”, ông cười nói với nhà văn Ngô Quang Nam :”Oan tớ còn hơn oan Thị Kính”.
“Quả thật, ông là một hiện tượng từ BÚT TRE thật đến BÚT TRE dân gian, tuy không giống nhau từng câu chữ, song lại vẫn có cái giống nhau đồng điệu về tình cảm với bản sắc hồn nhiên, dí dỏm…” (Ngô Quang Nam).
VÀI GIAI THOẠI KHÁC :
HÀM THẰNG NÀO?
BÚT TRE về hưu với chiếc xe đạp cọc cạch, vành nứt và lốp cuốn chằng chịt. Một lần, ông đi xe đạp xuống dốc, phanh đứt, vành gãy làm ông ngã lộn mấy vòng. Ông lồm cồm bò dậy, chưa định thần được đã vội nhớ đến túi thơ văng đi mất. Trời nhá nhem tối, ông đưa tay sờ tìm túi thơ chẳng thấy đâu, lại sờ đúng cái hàm răng giả, vội kêu lên:
- Không biết hàm của thằng nào đây?
Vào lúc đó, người làng đi đến, dừng xe đỡ ông dậy và tìm được túi thơ đưa cho ông, ông mới định thần sờ lên miệng:
- Hóa ra là hàm răng giả của mình.
CHỮA THẾ NÀO ĐƯỢC THƠ TÔI?
Lần nọ, một nhà thơ nổi tiếng đương thời lại có chức vụ cao, lên Phú Thọ chơi. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh xong liền cho mời ông Đăng sang yêu cầu đọc thơ. Ông đọc liền hàng chục bài. Nhà thơ nổi tiếng nghe một lượt rồi gật gù bảo:
- Tôi sẽ nhờ anh Xuân Diệu sửa giùm những bài thơ của anh.
Ông Đăng điềm nhiên trả lời:
- Báo cáo anh, anh Xuân Diệu làm “thơ bác học”, còn tôi làm “vè dân gian”. Anh Xuân Diệu là “bút máy”, còn tôi là “bút tre”, chữa thế nào được thơ tôi?
KẾT LUẬN :
Thơ BÚT TRE là một hiện tượng lạ. Thơ ông không phải là những tác phẩm văn chương hoa mỹ và dĩ nhiên không đạt đến một giá trị nghệ thuật đúng nghĩa của nó. Tuy vậy, điều mà ai cũng phải công nhận là thơ ông đã đi sâu vào lòng người vì nó gây được sự thích thú trong dư luận rộng rãi, do đó ông được xếp vào loại tác giả có những bài thơ được nhiều người truyền miệng nhất nước trong cuốn “Guiness Văn Hóa Việt Nam 1975-1989”.
Nay thì nhà thơ BÚT TRE không còn nữa, nhưng thơ BÚT TRE thật và thơ BÚT TRE dân gian vẫn tiếp tục được yêu thích và truyền miệng rộng rãi khắp nước vì những người yêu thơ ông muốn kế thừa cái tài lạ của ông và không muốn tên ông mai một với thời gian.
(*) Câu này ông mượn của Cao Bá Quát.