Wednesday 4 February 2015

Nước Pháp được miễn tố trong vụ nộp người Cam Bốt cho Khmer Đỏ - Trọng Nghĩa

media
Nhà tù Tuol Sleng tr thành nơi lưu trữ các tài liệu về tội ác Khmer đỏ - AFP / Tang Chhin Sothy

Sau 15 năm điều tra, ngành tư pháp nước Pháp mới đây đã quyết định miễn truy cứu trách nhiệm của chính quyền Pháp, bị cáo buộc là đã giao nộp một số quan chức trong chính quyền Cam Bốt trốn tại Đại sứ quán Pháp ở Phnom Penh cho lực lượng Khmer Đỏ vào tháng Tư năm 1975.

Theo hãng tin Pháp AFP, một nguồn thạo tin đã xác nhận vào hôm qua, 03/02/2015, rằng thẩm phán thụ lý hồ sơ đã bác đơn kiện với lý do lời tố cáo « không có bằng chứng xác đáng ».

Vụ việc xẩy ra vào tháng Tư năm 1975, khi lực lượng Khmer Đỏ tiến vào hoành hành tại thủ đô Cam Bốt. Vào khi ấy, ngày 17/04, đã có hàng trăm người nước ngoài cũng như người dân Cam Bốt chạy vào lánh nạn trong Đại sứ quán Pháp ở Phnom Penh. Trong số này có ông Ung Boun Hor, Chủ tịch Quốc hội Cam Bốt, cùng với nhiều quan chức cao cấp khác trong chính quyền Phnom Penh lúc đó.

Vấn đề là lực lượng Khmer Đỏ lúc đó đã phủ nhận quyền bất khả xâm phạm của Đại sứ quán Pháp, và đòi Pháp phải giao nộp tất cả những người Cam Bốt đã chạy trốn vào bên trong, nếu không thì họ sẽ tấn công vào để bắt giữ những người bị cho là « phản quốc ».

Ngày 20/04, Ung Boun Hor cùng các quan chức đã ra khỏi sứ quán Pháp, bị Khmer Đỏ bắt đi, và bị mất tích trong cuộc thảm sát diệt chủng đã khiến hai triệu người thiệt mạng trong vòng 4 năm.

Vào năm 1999, góa phụ của cựu Chủ tịch Quốc hội Cam Bốt Ung Boun Hor, đã đệ đơn tại tòa án Pháp, tố cáo Nhà nước Pháp vào năm 1975 là đã giao nộp chồng bà cho Khmer Đỏ, đẩy ông đến chỗ chết.

Sau 15 năm điều tra, trong phán quyết ghi ngày 27/01 vừa qua, bà Emmanuelle Ducos, thẩm phán chịu trách nhiệm vụ kiện này đã quyết định miễn tố, cho rằng những lời buộc tội đã « không có cơ sở ».

Theo viên thẩm phán này : « Mặc dù có những khác biệt liên quan trình tự chính xác của việc các quan chức Cam Bốt rời khỏi (Đại sứ quán Pháp ở Phnom Penh) ngày 20/04/1975, nhưng tất cả các nhân chứng đều thống nhất là việc rời khỏi nơi đó là một hành động tự nguyện ra đầu thú ».

Theo thẩm phán Ducos : « Khi được biết về tối hậu thư của chính quyền Khmer Đỏ, đòi họ phải ra đầu thú, các quan chức của chế độ cũ tại Phnom Penh, trong đó có ông Ung Boun Hor, đã quyết định ra hàng để tránh sự can thiệp quân sự vào trong Đại sứ quán và bảo vệ người tị nạn khác ».

Bà Ducos còn miễn tội hoàn toàn cho chính phủ Pháp của Tổng thống Valérie Giscard d’Estaing vào thời đó. Theo bà, quả đúng là Paris đã từ chối không cho các quan chức Cam Bốt quyền tỵ nạn, sau đó cung cấp cho Khmer danh sách những người này, thế nhưng các quyết định đó « không thể được xem là một hành vi phạm luật một cách tự nguyện và có ý thức ».

Trong quá trình điều tra, tư pháp Pháp đã nghe hàng chục nhân chứng, và bản thân thẩm phán Emmanuelle Ducos đã qua Cam Bốt để tìm hiểu thêm.