Wednesday, 8 April 2015

Bà Dân Biểu Elisabeth May bị chụp nón cối. - Trần Mộng Lâm

Trong xã hội các người tỵ nạn Việt Nam , chụp nón cối cho nhau là chuyện xẩy ra  thường xuyên. Khi bị chỉ trích, hoặc khi đuối lý, việc dễ nhất để biện minh là chụp một cái nón cối lên đầu địch thủ. Việc này nếu giữa người Việt với nhau, coi như bình thường, nhưng chụp cái nón cối lên đầu người dân địa phương, nhất là khi người này là một dân biểu Canada, được bầu lên bởi người dân Canada, thì có hơi quá đáng. Người ta tự hỏi tại sao sau bốn thập niên sống tại một quốc gia dân chủ như Canada, mà nguyên tắc sơ đẳng về dân chủ vẫn chưa học được .

Lại nói về Bill S-219 .

Tác giả của dư luật này là ông Ngô Thanh Hải đề nghị đặt tên ngày 30 thánh tư là ngày «Hành Trình Tìm Tự Do» để ghi nhớ sự hiện diện của người Việt tại Canada và ghi ơn đất nước Canada đã cưu mang họ. Mục đích này không có gì phải bàn cãi. Việc cần bàn cãi là tại sao lại chọn ngày 30 tháng tư.

Ngày 30 tháng tư đối với người dân Việt Nam Cộng Hòa cũng giống như ngày 11 tháng 9 đối với người dân Hoa Kỳ.Tuy nhiên  nỗi đau đớn của người Việt to gấp nhiều lần nỗi đau đớn của người Mỹ. Cứ nói đến ngày 11 tháng 9, là người ta hiểu ngày đó là ngày gì. Người Việt tỵ nạn, chỉ cần nói đến 30 tháng tư, là nỗi đau đớn lại cấu xé tâm can. Bởi thế cho nên, nhiều người không đồng ý việc cải tên ngày 30 tháng tư là ngày hành trình tìm tự do. Họ đã nói lên một cách tử tế, ôn tồn  lý do nào họ không đồng ý với dư luật của Ngô Thanh Hải.

Cộng Sản Việt Nam cũng không đồng ý với việc cải tên này.

Hai s phản đối nhưng với những lý do khác nhau. Thật ấu trĩ và không lương thiện nếu cố tình gán ghép những ai phản đối Bill S-219 là «Cộng Sản đội lốt quốc gia», như phần dẫn nhập của video mới đây được luân lưu dưới tiêu đề «buổi điều trần về dự luật Hành Trình Tìm Tự Do» ngày 1 tháng tư năm 2015 tổ chức tại văn phòng Ngô Thanh Hải, TNS do ông Harper bổ nhiệm.

Cái video này lúc đầu mọi người xem được nhưng hiện nay đã bị lấy xuống nhưng những người tử tế bị chụp nón cối rất bất bình. Họ bất bình vì họ đã áp dụng quyền tự do ngôn luận, tự do góp ý gửi thư lên các dân biểu của Canada phản đối dư luật này. Họ đồng ý là phải có một ngày gọi là Hành Trình Tìm Tự Do , nhưng không thể chọn ngày 30 tháng Tư. Họ xin tu chính dự luật này và chọn một ngày khác, ngày nào cũng được, nhưng không thể là 30 tháng Tư. Sự đòi hỏi tu chính Bill S-219 đã được bà dân biểu Elisabeth May, lãnh tụ Đảng Xanh, Green Party nhận là có lý. Do đó, bà đề nghị thay vì chọn ngày 30 tháng tư, nên chọn ngày 27 tháng 7, vì theo bà « july 27, 1979 marks the day when first Canadian Forces plane arrived in Toroto under Operation Magnet II, bringhing Vietnamese refugees to Canada». Việc rõ như ban ngày, và tài liệu về Operation Magnet II còn sờ sờ ra đó, đâu có phải chuyện bịa đặt. Thế nhưng trong video xem được, ông Ngô Thanh Hải đưa ra lý do này để từ chối tu chính : «Cái ngày đó, 27 tháng 7 năm 1979 đó là ngày thương binh liệt sỹ là để nhớ quân đội CS đã hy sinh cho chính phủ CS Việt Nam, mà lấy cái ngày đó để thay thế cho ngày đạo luật Hành Trình tìm Tư Do của chúng ta là một cái chuyện rất không thể chấp nhận được. Do đó mà tôi biết trước những cái chuyện họ đặt ra, tôi biết trước những cái chuyện mà họ muốn làm gì».

Chúng tôi không biết những gì mà  Ngô Thanh Hải đã biết, chúng tôi chỉ căn cứ vào văn thư chính thức mà bà Elisabeth May đã ký để đề nghi tu chính dự luật S-219. Nếu nghe những gì mà ông NTH phát biểu, thì người ta phải hiểu rằng bà Elisabeth May đội nón cối hoặc bị nón cối giật dây, và vì lý do đó, bà «đặt ra» ngày 27 tháng 7 ??

Nhưng mà có cái gì không ổn. Bà Elisabeth May nói tới Operation Magnet II, trong khi ông Ngô Thanh Hải nói tới ngày thương binh liệt sĩ CS, hai chuyện này có gì dính dáng với nhau. Tại Canada có một ngày lễ quan trọng gấp nhiều lần cái ngày Hành Trình Tìm Tư Do mà Bill S-219 đang muốn có. Ngày lễ này người ta gọi là Fête de La Reine mà tất cả các người Canadiens đều được nghỉ, có ăn lương, thị trường chứng khoán đóng cửa. Sinh nhật của bà Hoàng Hậu Victoria là 24 tháng 5 , nhưng Fête de La Reine là ngày thứ hai trước ngày 24 tháng 5 để dân chúng có một cuối tuần kéo dài để nghỉ ngơi, vui chơi trong ngày trọng đại này. Bởi lý do đó, Fête de la Reine thay đổ hàng năm, có thề là ngày 18 tháng 5 như năm nay hay cũng có thể là ngày 19, ngày 20, 21, 22 hay ngày 23 , 24 tháng năm. Nếu như có một năm nào đó, Fête de la Reine rơi trúng ngày 19 tháng 5, ngày sinh nhật Hồ Chí Minh, dân Canadien phải bỏ Fête de la Reine năm đó hay sao ?? Diễu dỡ !!! Lý luận này không «đạt chỉ tiêu, yêu cầu». Không biết khi bà Elisabeth May nghe được lý luận này, bà nghĩ sao, cười hay khóc, hay…. ??

Có người đề nghị ngày 20 tháng sáu, là ngày Canada được Cao Ủy Tỵ Nạn trao cái huy chương Nansen, nhưng ông NTH nằng nặc đòi ngày 30 tháng tư, ngày theo ông, «hàng triệu người chúng ta ra đi». Lý do gì phải là ngày 30 tháng tư , trong khi 30 tháng tư, ở Canada có bao nhiêu người Việt Nam ??

Ngày 30 tháng tư có thực có hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi như NTH nói hay không,tôi không biết phải nói sao cho đúng cái cảm giác của mình . Ba mươi tháng tư, có bao nhiêu người có may mắn được tầu Mỹ vớt ?? Có bao nhiêu người được Canada cho tỵ nạn ?? Vừa thôi. bỏ đi Tám.


Bill S-219 rồi sẽ được chấp thuận. Đảng Conservateur là đảng đang nắm đa số tại Hạ Viện. Năm nay lại là năm bầu cử lại Viện Dân Biểu. Tất cả các Đảng Phái đều muốn có một chút quà cho các cử tri gốc Việt. Thiên thời, Địa Lợi, thì dù nhân không hoà, chỉ may lắm 50/50, rồi sẽ có một ngày Hành Trình tìm Tự Do cho một số người năng động, nhưng mà nói Bill S-219 không chia rẽ người Canadien gốc Việt, là nói không đúng sự thật.