Wednesday 8 April 2015

TRAO ĐỔI VỚI NGUYỄN THỤY KHA VỀ CA NHẠC SÀI GÒN TRƯỚC 1975 - Nguyễn Phú Yên


 
          Không còn bao lâu nữa là kỷ niệm 40 năm ngày chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Cũng là dịp để nhìn lại quá khứ. Tình cờ tôi đọc được bài viết “Góc nhìn chiến tranh trong ca khúc Sài Gòn trước 1975” của Nguyễn Thụy Kha (NTK) và đọc kỹ vì đây là đề tài nhiều người quan tâm. NTK là nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ ở Hà Nội, ông viết bài này cách đây bốn năm nhưng đề tài vẫn còn mang tính thời sự và còn được thảo luận lâu dài. Có thể đây là bài tôi đọc đầu tiên mà ở đó có một cái nhìn thoáng hơn trước vì đã sau 35 năm, vậy cũng đã là muộn. Trước khi xem bài trao đổi này, các bạn có thể đọc bài của NTK ở đây: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-21-goc-nhin-chien-tranh-trong-ca-khuc-sg-truoc-1975
Trước hết là tên bài viết của tác giả. NTK dùng từ “góc nhìn chiến tranh”, điều đó có nghĩa anh chỉ xét đến ca khúc Sài Gòn nói về đề tài chiến tranh, bỏ qua những dòng nhạc khác, khuynh hướng sáng tác khác ở miền Nam vốn rất phong phú. Kế đó là việc anh dùng từ “ca khúc Sài Gòn”. Anh dùng từ Sài Gòn thay cho từ “đô thị” hay “vùng tạm chiếm” như thường thấy trong sách vở, báo chí. Sài Gòn để chỉ chế độ và toàn lãnh thổ miền Nam chứ không chỉ có các đô thị và hoàn toàn không phải bị tạm chiếm mà là một quốc gia có lãnh thổ được thừa nhận. Chính NTK viết: “Sau hiệp định Genève 20-7-1954, Việt Nam tạm thời chịu chia cắt thành hai miền, với hai thể chế chính quyền khác nhau. Ở miền Bắc là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở miền Nam là chính quyền Việt Nam Cộng hòa”. Nhưng tại sao anh không gọi miền Nam là nước VNCH? Phải là một quốc gia mới có chính quyền chứ! Tuy vậy anh cũng công khai thừa nhận ở miền Nam là “chính quyền” chứ không phải “ngụy quyền” như ta thường nghe trước đó!
Tiếp theo, NTK phân chia các giai đoạn của âm nhạc miền Nam. Sự phân chia giai đoạn có thể hiểu được dưới khía cạnh chính trị và quân sự, còn trong âm nhạc không có sự rạch ròi như thế. Tuy vậy khi nghe nhạc Sài Gòn trước 1975, người ta có thể nhận ra tính chất khác biệt trong tâm tình người nhạc sĩ bởi có sự tác động của hoàn cảnh chiến tranh qua từng thời kỳ, từ đó tính chất âm nhạc cũng đã khác nhau. Theo tôi chỉ nên rút gọn hai giai đoạn: a) từ 1954-1960, giai đoạn tương đối thanh bình và chiến trận nhỏ lẻ và b) từ 1960-1975, giai đoạn chiến tranh khốc liệt hơn, nhất là khi Đảng LĐVN ra nghị quyết về thống nhất đất nước (13-5-1959) và Đại hội Đảng lần III (từ 5 đến 10-1-1960) chủ trương xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam. Thêm nữa, đến tháng 12-1960 thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau khi nhắc đến một vài nhạc sĩ tên tuổi và một số tham gia quân đội, NTK xác nhận: “...và đương nhiên, họ cũng ước ao có những giai điệu động viên, ca ngợi người lính trong nhiệm vụ bảo vệ đất đai, bảo vệ cuộc sống thanh bình của thường dân”. Xin thưa, họ đã viết thật sự chứ không phải ước ao! Bởi họ đâu có bị cấm đoán, họ được tự do sáng tác mà! Cái mà NTK gọi là “giai điệu động viên” đó chính là những bài hùng ca, bài quân hành, chưa kể những bài ca tâm lý chiến có tính chất tuyên truyền. Bên cạnh những bài này, còn có rất nhiều bài nói về tâm tư người lính. Những bài đó hiện diện rất nhiều trong ca khúc Sài Gòn, dễ có cả hàng ngàn bài! Có điều NTK cũng đã dám thừa nhận rõ ràng nhiệm vụ của người lính rồi đó: “...bảo vệ đất đai, bảo vệ cuộc sống thanh bình của thường dân”! Nhiệm vụ đó ở bất cứ quốc gia nào cũng đều cao đẹp, vậy người lính miền Nam làm nhiệm vụ đó có đáng bị lên án không? NTK cho rằng: “Những giai điệu không khỏe khoắn lắm nhưng cũng đầy cảm xúc với ca từ”! Những bài hành khúc vẫn đầy cảm xúc (như anh nói) và nhịp điệu hùng tráng, sục sôi sao lại không khỏe khoắn được, không lẽ là nhạc ủy mị sao? Tôi xin dẫn chứng sau đây.
Từ khi đất nước phân ly, những năm đầu người miền Nam có được những ngày tháng tương đối thanh bình. Khi chiến tranh còn ở biên giới thì hình ảnh người lính đã hiện diện trong âm nhạc. Đây là giai điệu khỏe khoắn: “Không quên lời xưa đã ước thề, dâng cả đời trai với sa trường. Nam nhi cổ lai chinh chiến hề, nào ai ngại gì vì gió sương”(Phạm Đình Chương) hoặc “Có những người anh tôi chưa biết tên, Tha thiết cuộc đời đôi môi thắm duyên, Quê hương trong khói lửa mùa chinh chiến, Quên tình hậu phương xông pha chiến tuyến” (Võ Đức Hảo). «Để rồi một năm nơi biên cương, Dấn bước thân trên sa trường, Ngày thì tìm vui bên chiếc súng, Khi đêm anh vui với đàn» (Lam Phương)... Bấy giờ họ được mô tả như một khách lãng tử, giang hồ: “Anh đi về đâu mà bụi đường vương trên mái tóc, Anh đi về đâu mà chiều vàng lắng xuống mi anh, Anh đi về đâu khi ánh trăng xuyên cành, Mà còn đi đi mãi, còn đi đi mãi...”(Hoàng Nguyên). Họ cũng được ví như cánh chim tung trời: “Đời anh như cánh chim bằng theo gió, Mơ bốn phương trời vọng một tình thương... Đây núi đồi âm u, Suối rừng vi vu, Khói lam u huyền lững lờ buông trên thôn vắng, Đây những chiều hành quân, Xóm nghèo dừng chân, Nhớ thương mẹ già nơi quê nhà xa xôi lắm” (Tuấn Khanh). Người lính mang dáng vẻ và phong thái một người nghệ sĩ: “Giờ chia tay tôi ra chốn biên cương anh đi sa trường, Tình ngàn phương đời vui với phong sương lãng quên ngày tháng» (Nguyên Diệu & Nguyên Đàm), « Anh như ngàn gió, ham ngược xuôi theo đường mây, Tóc tơi bời lộng gió bốn phương..”(Nguyễn Văn Đông). Nhưng vào giai đoạn sau, khi chiến tranh đến hồi khốc liệt, người lính đâu còn được thong dong, đâu còn được “vui với phong sương” nữa! Họ phải đối diện với bom đạn dữ dội hơn, họ phải chứng kiến cảnh tượng “Bao xóm làng giờ tan hoang, bao xác người ngã đầy non” (La Hữu Vang), “Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co. Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa, Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu, Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này, Bên xác người già yếu có xác còn thơ ngây. Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này, Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai...", “Người chết hai lần thịt da nát tan” (Trịnh Công Sơn), “Gio Linh đón thây giặc, Pleime gió mưa mùa, Tây Ninh nắng nung người mà trận địa thì loang máu tươi” (Trúc Phương), “Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa, Anh trở về trên chiếc băng ca, Trên trực thăng sơn màu tang trắng... », «Ngày mai đi nhận xác chồng, Say đi để thấy mình không là mình” (Phạm Duy)... Trước cảnh tượng đó, con người làm sao có thể thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm, làm sao không cảm thấy buồn đau, than khóc?
Xin nói rõ thêm về các bài hát mà NTK đã nhắc đến. Anh nhầm lẫn và đã hiểu sai nội dung các bài này. Bài «Tiễn bước sang ngang» (Hoàng Trọng) là lời đưa tiễn người con gái đi lấy chồng, tuy không bi lụy nhưng giai điệu đầy tiếc nuối, vả lại đây không phải là nhạc lính: «Biết đến bao giờ gặp lại người em thời ấu thơ, Để đón tin mừng từ ngày thuyền xuân về bến mơ, Thì phút giờ đây gặp mùa áo cưới nở hoa, Quà nghèo chỉ có bài ca tặng nàng trước khi lìa xa”. Bài «Hương xưa » (Cung Tiến) chỉ là hoài niệm về quá khứ chinh chiến của lịch sử dân tộc chứ không phải cuộc chiến hiện tại: «Đời lập từ những đêm hoang sơ, Thanh bình như bóng trưa đơn sơ, Nay đời tan biến trong hư vô, Chết đầy từng mồ oán thù, Máu xương tơi bời nhiều mùa thu”. Bài «Tình anh lính chiến» (Lam Phương) cũng không phải là lời thở than, chỉ là sự tiếc nuối nhẹ nhàng của người lính khi chia tay để đi vào chiến đấu: «Rồi ngày mai ra đi, Chốn biên thùy anh sá chi gian nguy, Có bao giờ anh nhớ chăng, Đêm nào nằm gần nhau, Hồn xây mộng ước mai sau”. Bài «Bến Hàn Giang» (Dương Thiệu Tước) lại càng không phải, dù nhạc sĩ có viết «Còn nhớ năm xưa, Một chiều thu vàng trời mây u ám, Chinh chiến khắp nơi tràn lan, Non nước đó đây lầm than, Biết bao gia đình nát tan vì chiến tranh” nhưng ngay liền đó là câu “Chiều ấy năm xưa, Bên bờ Hàn Giang một chàng trai tráng, Thấy nước non nhà điêu tàn, Nung nấu gan vàng căm hờn, Đem thân nam nhi trả nợ quê hương mến yêu... Ôi! Bến Hàn Giang, Sông nước mênh mang, Nơi đây tiễn đưa người đi, Bừng dậy chí nam nhi”. Lời ca đầy bi tráng và chiến tranh ở đây không phải là chiến tranh thập niên 1960-1970! Còn bài “Đêm” (Cung Tiến, thơ Thanh Tâm Tuyền) chỉ là bài tình ca đôi lứa, nói về nỗi cô đơn trong tình yêu, đâu có gì gọi là “khát vọng xen lẫn tuyệt vọng” trong chiến tranh: “Rồi những đêm nào chiến tranh đã quên, Con mắt đen niềm im lặng, Anh vẫn đi hoài, Anh vẫn đi hoài trong thành phố, Cô đơn... Tiếng ngàn năm em gọi, Yêu nhau hết một đời, Hết một đời chưa thỏa...”. Bài “Lời của mẹ” Từ Công Phụng chỉ là lời nguyện cầu chấm dứt chiến tranh thôi, chẳng có gì gọi là hoài nghi cả: “Xin cho quê hương thôi hết đau thương, thôi hết hờn căm, thôi hết đạn bom, thôi nát tan lòng mẹ. Con ơi con ơi, ngoài kia lá rơi mùa đông đã qua lòng mẹ héo hon, nhìn mùa xuân chết trên từng ngón tay”. Tiếc là dòng nhạc lính đó hiện nay bị cấm nên NTK khó có thể nghe trọn vẹn được.
NTK đã bỏ qua không bàn đến giai đoạn 2 mà anh đưa ra? Còn trong giai đoạn 3, anh cho rằng âm nhạc miền Bắc lúc đó «trong một không khí âm nhạc hừng hực ý chí chiến đấu”, tôi không hiểu sao anh cho rằng “đó là thứ âm nhạc cực "rock"”? Nhạc cách mạng là nhạc rock? Một sự so sánh khập khiễng và không chính xác! Tiếp đó NTK viết: “...người dân miền Nam nhìn vào cuộc chiến tranh tàn khốc này bị phân hóa đến cực độ”. Có lẽ tác giả muốn nói đến ca khúc Sài Gòn bị phân hóa? Đây không phải là phân hóa mà là sự đa dạng với nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau, đó là sự tập hợp nhiều dòng nhạc trên cơ sở tự do sáng tạo. Có thể điểm qua những dòng nhạc sau đây: nhạc lãng mạn trữ tình, tình ca quê hương (với những bài ca ngợi quê hương miền Nam tươi đẹp và những bài ca tươi vui yêu đời), tình ca đôi lứa, dân ca, hùng ca, sử ca, truyện ca và trường ca, tâm ca và đạo ca, nhạc tâm lý chiến, nhạc lính, nhạc trẻ, nhạc du ca, nhạc tranh đấu sinh viên, nhạc thiếu nhi, nhạc sinh hoạt cộng đồng, nhạc tôn giáo... Đó là một vườn hoa đầy hương sắc với nhiều loài hoa chứ không chỉ có một loài hoa đơn điệu!
NTK đã nhận ra được “góc nhìn trong ca khúc Trịnh Công Sơn có sức mạnh phản chiến” nhưng đã sai lầm khi cho rằng “Chỉ với tình khúc "Nhìn những mùa thu đi" dịu dàng nhưng mới mẻ, mà giai điệu Trịnh Công Sơn đã tiếp sức cho học sinh, sinh viên Huế kiên cường đấu tranh chống đàn áp Phật tử 1963”. Tình khúc TCS và chuyện Phật giáo Huế tranh đấu thì có ăn nhập gì với nhau? Còn nữa, NTK cho rằng TCS trốn vào rừng sâu để viết “Ca khúc da vàng” và in lậu tập nhạc này. Một điều tưởng tượng kỳ lạ! Thời điểm ấy có ai dám vào rừng mà sáng tác? Vào rừng chỉ có quân báo VNCH hoặc du kích quân về thành thôi, cả hai đều sẽ bị đối phương bắn ngay. Thực tế TCS viết giữa lòng thành phố, tác phẩm được in ấn và phổ biến công khai (tác giả tự xuất bản, các tác phẩm sau là của NXB Nhân Bản), hà cớ gì phải in lậu? Nội dung chỉ là nhạc phản chiến, chưa phải là kêu gọi hòa bình. NTK còn viết: “Chính góc nhìn này đã hòa nhập Trịnh Công Sơn vào phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" rừng rực”. Lại sai lầm nữa! TCS là nhạc sĩ độc lập, anh luôn ủng hộ nhưng chưa bao giờ đứng trong phong trào sinh viên này. NTK còn nhắc đến nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn vì nhà thơ có câu thơ liên quan đến TCS, nhưng đúng ra để hiểu rõ tính cách nhà thơ-người lính này phải nhắc đến mấy câu thơ của anh “Ta vốn hiền khô ta là lính cậu, Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo, Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo, Xem chiến cuộc như tai trời ách nước, Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước, Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi, Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi, Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí, Lũ chúng ta sống một đời vô vị, Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”.
Đoạn cuối bài viết, NTK đã nhắc một kỷ niệm: “Trong chiến dịch Tây nguyên tháng 3-1975, tôi đã nhặt được cuốn "Ca khúc da vàng" mà Trịnh Công Sơn xuất bản "lậu" năm 1967. Ở trang đầu, có ghi dòng chữ khắc của một người lính chế độ cũ. Dòng chữ đã mang đậm khát vọng hòa bình: "Mẹ Việt ơi! Hãy ngưng cảnh máu đổ thịt rơi. Để chúng con cùng chung vui một nhà" (dòng chữ kỷ niệm này được ghi ngày 23-02-1969, ở dưới có ký tên)”. Và đây, hãy nghe Trịnh Công Sơn hát: “Ai có nghe, ai có nghe tiếng nói người Việt Nam. Chỉ mong hòa bình sau cơn tăm tối, chỉ mong một ngày tay ấm trong tay...". NTK có hiểu được tâm tư người lính và khát vọng hòa bình cháy bỏng trong lòng người thanh niên miền Nam không? Dù sao kết bài anh cũng viết được: “Bây giờ nhìn lại, mới thấy quý những góc nhìn chân thực... những giai điệu thấm vào lòng người, mang ý nghĩa gợi mở cho cách nhìn hôm nay thêm một lần nhận rõ về cuộc chiến tranh đã đi qua”. Anh đã nghe ra được những giai điệu ấy trong ca khúc Sài Gòn! Rất mong nhiều người trong chúng ta, kể cả NTK, vượt qua được cái nhìn hời hợt, phiến diện, định kiến phi học thuật, nhiều thiếu sót và ác cảm trong mấy chục năm qua để nhìn lại cuộc chiến tranh đẫm máu mang tên VN, để hiểu rõ con người miền Nam, âm nhạc Sài Gòn nói riêng và tài sản văn hóa văn nghệ miền Nam nói chung, vốn đã bị khai tử sau ngày 30-4-1975! Bất cứ dòng ca nhạc nào cũng đều có bài hay, bài dở; vấn đề là biết gạn đục khơi trong, biết giữ lại những điều giá trị nhất. Ca nhạc Sài Gòn trước 1975 còn tồn tại được chính do giá trị nghệ thuật thấm đẫm tinh thần nhân bản bao đời ăn sâu trong tâm hồn Việt vậy.

N.P.Y.(14-11-2014)
________________________

Ghi thêm: Nếu muốn có một sự so sánh nhẹ giữa âm nhạc giữa hai miền Nam-Bắc trong giai đoạn 1954-1975, tôi xin nêu câu văn trong một tham luận của GS Eric Henry (Đại học Bắc Carolina): “The musical environment in the south during the “Division” era was much richer than in the north” (Môi trường âm nhạc ở miền Nam trong thời kỳ phân chia đất nước phong phú hơn nhiều so với ở miền Bắc). (Tân Nhạc: Notes Toward a Social History of Vietnamese Music in the 20th Century, Michigan Quarterly Review, Winter 2005).