“Bây giờ nếu ta chỉ miễn cưỡng lắt lay mà sống, sao bằng ung dung chết cho việc nghĩa”. Đó là câu nói Nguyễn Tri Phương thốt lên cuối đời, vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 tại dinh Tổng đốc Hà Nội, nơi ông được triều đình cử về làm người chỉ huy chống trả những đợt tấn công của người Pháp do Thiếu tá Francis Garnier cầm đầu. Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, quân Pháp băng bó, ông dứt ra. Đổ thuốc đút cháo vào miệng, ông phun ra. Nhịn ăn uống, đau buồn vì thành mất, nhắm mắt xuôi tay sống tròn danh hiệu “An Tây dũng tướng” do vua Thiệu Trị ban tặng tự năm xưa (1847).
Nguyễn Tri Phương không cô đơn, cái chết của ông là tấm gương sáng mà Hoàng Diệu đã một lần soi mặt. Kế tục tiền nhân, Hoàng Diệu được vua Tự Đức bổ nhiệm làm Tổng đốc hai tỉnh Hà Nội và Ninh Bình. Ông là người nhìn ra vị thế trọng yếu của thành Hà Nội, trong tờ sớ tâu lên Tự Đức có ghi rõ: “Thành Hà Nội như cuống họng của cả Bắc kỳ. Nếu tan tành sẽ là đất lở khiến các tỉnh miền Bắc sẽ lần lượt mất như ngói bung”. Ngày 26 tháng 3 năm 1882, Đại tá Henry Rivière chỉ huy hơn 600 lính cùng 3 pháo hạm theo sông Hồng tiến đánh Hà Nội. Thành vỡ, Hoàng Diệu đến trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự vẫn. Tâm sự gửi về vua Tự Đức trong tờ di biểu ngỗn ngang tấc lòng: “Tôi học lực thô sơ, trách nhiệm quá lớn, được uỷ thác giữ một phương diện trong khi ba cõi chưa yên. Một kẻ thư sinh vốn chưa quen chính trị, mười năm hoà ước, tin sao được lòng kẻ thù… Đã không tài làm tướng, tham thân sống cũng bằng thừa, thành mất cứu không xong, biết chắc chết không hết tội… Dám rằng trung nghĩa gì đâu, chẳng qua sự thế phải thế! Trung nguyên mà đắm chìm thành đất giặc, sống càng sạn mặt với nhân sĩ kinh kỳ, cô trung quyết sống thác với Thăng Long thành thì xin theo bậc tiên thần họ Nguyễn (Nguyễn Tri Phương) dưới chín suối! Mấy dòng lệ máu, muôn dặm của trời, chỉ mong rực rỡ đôi vầng, xét soi thấu tấc son là đủ!”
Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên quê làng Chi Long huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên (1800-1873). Hoàng Diệu, tự Quang Viễn hiệu Tĩnh Trai quê làng Xuân Đài huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam (1829-1882). Cái chết của hai vị được sử sách ghi đậm chu toàn sắc son trách nhiệm kẻ sĩ: Tướng tử khi mất thành.
Trang sử xưa có khi rơi rụng những chương hồi, mất dấu vết. Bị thời cuộc đảo điên, bị chiến tranh tàn phá, lý ra đất nước Việt tự thân phải là một cuốn sử có bề dày vượt mặt. Hoặc hiềm khích, do lòng oán hận phân ly, nhìn ngó qua lăng kính khác, chữ bạn và thù vẫn hiện hữu qua một lằn ranh mong manh, mỏng hơn cả một trang giấy. Có những cái chết lẫm liệt bị vùi dập trong thời cuộc tranh tối tranh sáng, có những lên đường ngậm ngùi chẳng một ai thống thiết hát lời tiễn đưa. “Người đi ừ nhỉ người đi thật… tiếng đời xô động tiếng hờn câm”.
Riêng cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1975, miền Nam cô đơn chịu tổn thất với 6 vết thương lòng, sáu trang sử bất hạnh chẳng thấm mực máu ghi xuống thành lời cho hậu thế “ôn cố tri tân”. Họ nào khác gì Nguyễn Tri Phương? Họ là con cháu ruột rà của Hoàng Diệu.
1. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, dùng súng tự sát trước cột cờ bộ tư lệnh vào lúc 11 giờ sáng 30 tháng 4. Sinh ngày 22 tháng 8 năm 1933 tại Sơn Tây, hưởng dương 42 tuổi.
2. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4, dùng súng Browning bắn vào màng tang tự sát vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Sinh ngày 23 tháng 9 năm 1927 tại Đà Nẵng, mất ở Cần Thơ, hưởng dương 48 tuổi.
3. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó Quân đoàn 4, dùng súng lục tự vận lúc 20 giờ 45 phút tối 30 tháng 4. Sinh ngày 27 tháng 3 năm 1933 ở Hóc Môn, mất ở Cần Thơ, hưởng dương 42 tuổi.
4. Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh, tự sát vào đêm 30 tháng 4. Sinh năm 1929 tại Cần Thơ, mất ở Mỹ Tho Định Tường, hưởng dương 46 tuổi.
5. Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, quyên sinh bằng thuốc uống quá liều tại nhà riêng. Sinh năm 1929 tại Hà Đông, mất ở Sài Gòn, hưởng dương 46 tuổi.
6. Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long, Chánh sở Tư pháp vùng 1 Chiến thuật, dùng súng tự sát vào khoảng 2 giờ trưa ngày 30 tháng 4. Sinh ngày 1 tháng 6 năm 1919 tại Phú Hội, Huế, mất tại Sài Gòn, hưởng dương 56 tuổi.
Thi thể Trung tá Nguyễn Văn Long nằm ngay dưới chân tượng đài hai người lính TQLC dựng trước Hạ viện. Sau đó không lâu, bức tượng kia bị giật sập, bụi mờ khoắn lên giữa bao hoang mang cùng cực, khởi đầu một trang sử đen tối đầy bạo lực.
Khác với tiền nhân, những anh hùng thất chí sanh bất phùng thời ấy đã không nói lên câu vĩnh quyết để nhân gian truyền tụng. Họ câm lặng ra đi. Cái kín tiếng kia có khi lại “vàng son” hơn “dám rằng trung nghĩa gì đâu, chẳng qua sự thế phải thế”. Chỉ dấy lên tiếng súng nổ lẻ loi trước phút giã từ vũ khí, thân thể họ ngã xuống thầm lặng ở giờ thứ 25, chẳng màng tới áo quan với lá cờ phủ kín. Họ không muốn ai kia xía phần vào sinh mệnh, họ tự tay mua lấy chiếc vé lẻ và xa đời, bỏ cái hoạt cảnh bát nháo đang đảo ngược phía sau lưng.
Tháng Tư, hãy thắp riêng cho họ những nén nhang như chúng ta được sinh ra ở miền Nam tử tế. Miền đất đẻ ra Phạm Công Thiện:
“đã đi thì đã đi rồi
thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu
hạ phương ngày tháng bể dâu
sắc son tình cũ phượng cầu tuý hương”.
thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu
hạ phương ngày tháng bể dâu
sắc son tình cũ phượng cầu tuý hương”.
Vùng đất sinh ra Bùi Giáng:
“đêm đêm đội nón lên chùa
hỏi thăm phương trượng một mùa mưa Xuân
đường xa kết tập dở chừng
huyền sương hoả tuyết sao trừng trị nhau”.
hỏi thăm phương trượng một mùa mưa Xuân
đường xa kết tập dở chừng
huyền sương hoả tuyết sao trừng trị nhau”.
Nơi nuôi dưỡng Thanh Tâm Tuyền:
“Đầm mình trong hạnh của ẩn mật
mắt hoen nhoà hứng giọt thiên thâu
dò dẫm lối về đêm tối mịt
sông xa núi thẳm quê nhà đâu?”.
mắt hoen nhoà hứng giọt thiên thâu
dò dẫm lối về đêm tối mịt
sông xa núi thẳm quê nhà đâu?”.
Chốn nặn ra Tô Thuỳ Yên:
“gà nửa khuya gáy xô trăng muộn
ai hồ nghi lộn kiếp bên này
con chó khóc tru ngoài địa giới
ngờ ngợ người góc biển chân mây”.
ai hồ nghi lộn kiếp bên này
con chó khóc tru ngoài địa giới
ngờ ngợ người góc biển chân mây”.
Của Cao Đông Khánh dạt trôi Gia Định Sài Gòn Chợ Lớn:
“tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế
nắng rọi trong đầu những trắng bao la
….
em đâu biết, tôi bây giờ, hầu như cây kiểng
…..
tôi sống, cảm giác, ngọn dáo đâm trước ngực”.
nắng rọi trong đầu những trắng bao la
….
em đâu biết, tôi bây giờ, hầu như cây kiểng
…..
tôi sống, cảm giác, ngọn dáo đâm trước ngực”.
Của Hàn Mặc Tử ảo ảnh khói sương:
“một mai kia ở bên khe nước ngọc
với sao sương anh nằm chết như trăng
không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
đến hôn anh và rửa vết thương tâm”.
với sao sương anh nằm chết như trăng
không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
đến hôn anh và rửa vết thương tâm”.
Và của tất cả những ai, “những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình”.