Đầu năm nay, (1/2014) một khám phá không tiền khoáng hậu được công bố đã làm lòng người “xao xuyến”: Tế bào gốc đa năng có tên là STAP (Stimulus-Triggered Acquisition of Pluripotency) đã được tìm thấy mang nhiều hứa hẹn cho khả năng thay đổi cuộc sống con người, dù tuổi đời chồng chất nhưng thân thể sẽ mãi mãi trẻ ….như tuổi đôi mươi, hư cái gì thay ngay cái đó, thiếu cái gì thì có cái …. bù vào ngay. Trời ơi, ai mà không ham, ai mà không khoái.
Và xui thiệt, nghi vấn này lại thành sự thật với những chứng cớ rành rành: cắt dán, dùng hình thí nghiệm cũ, trích bừa bãi từ các luận văn khác…. Sau một thời gian “chống đỡ” với nhiều lý luận rất .. khoa học, cuối cùng thì 3 trong số 5 nhân vật đóng góp vào luận văn là các ông Sasai Yoshiki (sắp xếp cách viết, trình bày toàn thể luận văn sao cho…. xuôi), Wakayama Teruhiko (thí nghiệm trên chuột sau khi nhận tế bào từ Obokata), Niwa Hitoshi (góp ý, coi lại những dữ kiện có được khi thí nghiệm) đã đề nghị rút luận văn xuống để…. tắt đèn làm lại. Chỉ còn lại giáo sư Charles Alfred Vacanti của đại học Havard (đưa ra ý tưởng tế bào STAP) và cô Obokata Haruko (trực tiếp chế tạo tế bào STAP) là chưa đồng ý.
Charles A.Vacanti – Niwa Hitoshi – Wakayama Teruhiko – Sasai Yoshiki – Obokata Haruko
Sở dĩ cô Obokata Haruko chưa đồng ý là vì cô vẫn nhất định tin tưởng sự tồn tại của tế bào STAP, “người khác” chưa làm được là vì họ chưa tận dụng các “bí quyết” hoặc “công thức” đã đăng trên luận văn. Trong cuộc họp báo ngày 9 tháng 4, cô vừa khóc vừa tuyên bố: “STAP saibo wa arimasu” (Có tế bào STAP) câu nói 7 chữ này đã đi vào lịch sử và được chọn là 1 trong những câu nói mà “dân gian” dùng nhiều nhất trong năm. Ngoài ra, cô còn bồi thêm vài câu nữa để khẳng định cho suy nghĩ của mình: Chính tôi đã chế tạo thành công tế bào STAP trên 200 lần. Người chỉ đạo luận văn là giáo sư SASAI cũng đồng tình khi tuyên bố: Dù có rất nhiều thiếu xót và đúng như sự chỉ trích, luận văn STAP nên rút xuống và làm lại từ đầu, nhưng có một điều là tôi chưa thấy ai “phản chứng” được những hiện tượng phát sinh trong quá trình thực hiện STAP. Và không thể nói đây là chuyện tình cờ.
Nhưng những nghi vấn tiếp tục “ngời sáng” và ngày càng lan rộng, chịu không nổi áp lực từ mọi phía, ngày 5 tháng 8 giáo sư Sasai đã “tự nguyện bỏ mình” bằng cách treo cổ mang theo nhiều bí ẩn xuống tuyền đài khiến sự việc đã rối lại còn thêm…. rắm. Tuy nhiên ông vẫn tin tưởng đệ tử Obokata của mình khi nhắn lại: “Chắc chắn phải tái hiện được STAP nhé”. Thế thì ai đúng, ai sai, ai lỗi, ai phải…. bố ai mà giải thích cho thông được. Nghi vấn lớn nhất là vì không ai trả lời được kể cả RIKEN, một cơ quan khoa học “tầm vóc” nhất Nhật Bản đã được đặt ra. Nghi vấn gì?
“Tế bào STAP đa năng có hay không có”?
Để giải tỏa, RIKEN đã cử 2 nhóm tiếp tục giải minh cho bằng được dựa trên những “cơ sở” đã công bố trên NATURE. Nhóm thứ nhất là các chuyên gia của RIKEN, trong đó có một người mà lúc đầu nhất định tin tưởng là tế bào STAP tồn tại là ông Niwa Hitoshi (lúc đó ông này nói mạnh: chính mắt tôi thấy Obokata làm được STAP mà), nhóm này bắt đầu làm việc từ tháng 4 năm nay cho đến tháng 3 sang năm, nhóm thứ hai gồm cô Obokata Haruko (sau khi cô đồng ý rút luận văn) và một vài người lúc nào cũng ở bên cạnh không phải để làm việc cùng với cô mà canh giữ sợ cô….. làm trò ảo thuật tráo đổi gì đó trong khi thí nghiệm cùng với mấy camera “phòng phạm” đặt rải rác trong phòng, Obokata bắt đầu làm việc từ tháng 7 và đã chấm dứt vào cuối tháng 11 năm nay dưới sự canh chừng đầy “nghiêm ngặt”.
Kết quả thế nào?
Tiến trình chế tạo của tế bào STAP từ đầu đến lúc sinh ra chimera mouse theo cách giải thích của luận văn
Để quí độc giả “hồi tưởng” lại chi tiết cho chính xác chuyện đã qua xin được phép nhắc lại về sự hình thành của STAP dựa theo luận văn đã đăng trên Nature.
STAP được tạo ra bằng cách lấy các tế bào bạch huyết (lympocyte) của chuột sinh được 7 ngày ngâm vào dung dịch acid loãng (độ pH thấp) với nhiệt độ của cơ thể con người trong vòng 25 phút, sau đó nuôi dưỡng khoảng 1 tuần sẽ trở thành tế bào gốc mang tính đa năng (STAP), cấy tế bào này trở lại vào chuột, các tế bào sẽ chuyển đổi thành các tế bào mô não, da, cơ, mỡ, tủy xương, phổi và gan… hoặc chích vào những phôi chuột đang trong thời kỳ phát triển sẽ sinh ra những con chuột khỏe mạnh.
Xin giải thích thêm một chút cho rõ ý nghĩa “làm sao mà biết được sẽ trở thành tế bào gốc mang tính đa năng”. Câu trả lời là “nếu tế bào thành hình phát ra ánh sáng màu xanh lá cây thì tế bào đó mang tính đa năng”. (Thực ra ba cái vụ phát sáng này thì còn linh tinh lắm, giải thích dài giòng, lại không phải là chủ điểm của bài viết, xin lướt qua cho tiện).
Ngày 19/12, trước mặt hệ thống truyền thanh, truyền hình Ủy Ban điều tra (gồm 4 người hiện diện) đã kết luận: “Không thể tái hiện tế bào STAP dựa trên cách chỉ dẫn của nhóm cô Obokata”.
Giải thích sâu vào chi tiết thì mấy ông này cho biết: Sau gần 50 lần thí nghiệm trong mấy tháng, cô Obokata đã “tìm thấy” mấy nghìn tế bào lạ trong đó có khoảng 1600 tế bào phát sáng “giống” màu xanh lá cây, nhưng….. khi tiêm vào chuột hoặc tiêm vào phôi chuột thì chả thấy có phản ứng nào cả cũng như chả thấy con chuột (chimera mouse) nào sinh ra cả, nhóm gồm các chuyên gia cũng thế, nghe nói tìm đâu được hơn 200 tế bào phát sáng và cũng đưa vào chuột hoặc phôi chuột nhưng cùng chung kết quả “em có thấy có nghe cái gì đâu”. Thế thì phải quyết định… thôi: công việc “giải minh” sẽ chấm dứt không cần chờ đến tháng 3 sang năm vì không tái hiện được tế bào STAP. Dịp này, xếp nhóm điều tra là ông Aizawa cũng cho biết là cô Obokata Haruko đã làm đơn xin nghỉ việc từ ngày 21/12, và đơn này đã được chấp thuận và ông này cũng công khai xin lỗi là RIKEN đã “đối xử” với cô như một “tội nhân” khi để cô thí nghiệm trong tình trạng kẻ canh….. camera giữ.
Những nghi vấn khác
- Một câu hỏi được đặt ra: “Thế thì tại sao lại có hiện tượng phát sáng màu xanh” . Nhóm điều tra nhìn nhau rồi sếp nhóm trả lời : Cũng không biết tại sao và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu bằng cách này hay bằng cách khác. Và vài hôm sau (25/12) thì nghi vấn này đã được giải tỏa qua một báo cáo mới nhất là có ai đó đã cố tình trộn lẫn tế bào tìm được với tế bào gốc ES (embryonic stem cells) thành tế bào STAP. Nhưng “ai đó” là ai? Obokata hay ai khác? Lại phải điều với tra.
- Theo cách nhìn của người ngoài hay “dân gian” thì tế bào STAP là không có. Nhưng khi được hỏi: “STAP có hay không có”: mấy ông trong RIKEN lại trả lời rất ỡm ờ: Trong thời điểm hiện tại thì STAP đã không thể “tái hiện” được. Thế “nà” thế “lào”? “Không tái hiện được” với “Không tồn tại” khác nhau thế nào? Có thể hiểu là có thể có và cũng có thể là không, dù xác xuất tuy là rất thấp được không? Bố ai mà đoán được ý của mấy ông này muốn nói gì? Một cách trả lời rất khoa học và…. chính trị.
- Câu hỏi khác: Các ông nghĩ thế nào về lời khẳng định của Obokata: “Thí nghiệm thành công trên 200 lần”, 1 trong 4 ông trả lời: có thể là Obokata nghĩ rằng khi tế bào thành hình phát sáng màu xanh đồng nghĩa với việc tế bào mang tính đa năng.
- Các ký giả lại truy tiếp: Xin cho biết quá trình từ lúc RIKEN nhập cuộc chính thức “cấp giấy phép” cho thí nghiệm STAP đến khi được đăng tải trên NATURE? Sếp nhóm nghiên cứu đáp: Chúng tôi không thể trả lời được. Điều này thì ngoài các ông Sasai, Wakayama và cô Obokata thì bây giờ có lẽ RIKEN nắm vững và hiểu rõ hơn ai hết. Nên nhớ là tháng 4 năm 2012, luận văn STAP đã được gửi đến các tạp chí Nature, Science, Cell nhưng bị chê là không tưởng. Với mong ước là “phải có danh gì với núi sông” RIKEN đã đồng ý là để ông Sasai nhập cuộc với lý do: ông là người của thế giới và đã có bài đăng trên các tạp chí khoa học nói trên. Nếu nói về trách nhiệm, ngay chính cách suy nghĩ của RIKEN cũng đã không ít thì nhiều đưa đến sự việc không hay này. Nhưng bây giờ ông Sasai đã…. đi xa, còn Obokata và Wakayama thì im lặng như tờ, còn RIKEN thì: Chúng tôi không thể trả lời được.
Và cuối cùng câu kết luận là: Tạm kết thúc một nghi vấn để rồi…. tiếp tục sang nghi vấn khác.
Ảnh hưởng ra sao?
- Tội nghiệp nhất là những chuyên viên đang nghiên cứu tại RIKEN sẽ bị ảnh hưởng vì sang năm, qua “sự cố” này ngân khoản sẽ bị cắt giảm và một số chuyên viên sẽ phải đi tìm việc khác.
- Mất mát lớn nhất cho nền khoa học Nhật Bản là cái chết của ông Sasai Yosiki.
- v.v…..
Còn Obokata thì sao?
- Ngày 19/12, sau buổi họp báo của Ủy ban điều tra, Obokata đã viết một bản trần tình ngắn xin lỗi về sự việc của mình và thú nhận là “quá mệt mỏi và tinh thần của cô có giới hạn” nên kết quả trở nên như vậy.
- Cuộc đời khoa học Obokata sẽ phải tạm dừng ở đây là vì đã “mất tiếng nói” và hơn nữa cô cũng còn phải dành thì giờ lo “chỉnh trang” lại luận văn tiến sĩ của mình nộp cho đại học Waseda (tháng 3/2011) cũng bị tố là đạo văn, thiếu xót….. Dù đã được một Ủy Ban “ngoài luồng” nhận định là chưa cần tước, nhưng vì uy tín, đại học Waseda đã tạm thời tước luận văn của cô nhưng cho cô một lối thoát: phải chỉnh trang hoàn bị lại luận văn trong vòng 1 năm kể từ tháng 8 năm nay.
- Muốn…. thoát thân cô phải hóa trang bằng cách…. đeo khẩu trang, cắt tóc ngắn…. để mọi người không nhận ra mỗi khi phải ra ngoài nhưng cũng không dễ mà tránh được những cuộc “săn lùng” của nhóm ký giả, chắc chắn họ sẽ “dõi” theo….. bước chân cô đi từng giờ từng bước để “tra hỏi” chứ không phải:
Em, cô gái nhỏ…..Waseda*
Hồn tơ lụa mượt mà
Ta thấy đời bỗng đẹp
Mỗi lần em bước qua
Ta thấy đời bỗng đẹp
Mỗi lần em bước qua
*(đại học Obokata xuất thân, nguyên thủy là “văn khoa”) - (thơ chế lại từ vài câu thơ không biết tác giả).
- Cô phải nhận lãnh một hình phạt nào đó tương xứng.
- Mọi người muốn cô tái xuất hiện để nói cho ra lẽ nguyên nhân câu phát biểu:
“STAP wa arimasu” (STAPはあります).”Có tế bào STAP” và “thí nghiệm thành công trên 200 lần”
Tuy thế, cô còn trẻ mới có 31 cái xuân xanh, nếu “thành tâm sám hối” có thể cô sẽ lấy lại được niềm tin của mọi người vì những nghiên cứu âm thầm. Chắc chắn có một người lúc nào cũng tin và ủng hộ cô đến cùng là ông Sasai Yoshiki đang ở trên “cõi ấy” sẽ không bỏ cô… bơ vơ. Thôi cứ tạm tin như vậy đi để “bình an dưới thế cho những người …. như tôi” nhé.
Hẹn quí vị sang năm và chúc quí vị mơ gì được đó trong năm tới còn phần tôi chả mong vì
Đố ai nằm ngủ không mơ
tôi thường mất ngủ thì mơ…. nỗi gì?.
tôi thường mất ngủ thì mơ…. nỗi gì?.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê
Xin tham khảo thêm các bài đã đăng trên Diễn Đàn này: