Wednesday 13 May 2015

HÔN NHÂN - QUA NHẬN THỨC CỦA PHẬT GIÁO - GS Trần Thủy Tiên

cô còn là phật tử theo đạo Phật với pháp danh Liên Ánh. Lễ cưới theo nghi thức của một phật tử được cử hành khá giản dị nhưng trang nghiêm và ấm cúng. Khách tham dự hôn lễ chỉ gồm cha mẹ cô dâu, chú rể và những người thân thích, bạn bè gần gũi hai bên gia đình.

Tháng Năm dương lịch ở Hoa Kỳ là Tháng có Ngày Phật Đản và Ngày Lễ Mẹ, nên cũng là dịp nói về người mẹ, người vợ, đám cưới, hôn nhân, và nghi thức Phật Giáo cho hôn nhân (đang được giới trẻ càng lúc càng tiếp nhận và áp dụng nhiều hơn). Trước hết, nên biết Phật Giáo không chống đối hôn nhân, vì quan niệm đây là việc riêng của con người thế tục. Phật Giáo cũng không cấm ly dị, không viện lý do hôn nhân là sự kết hợp của một “đấng cao siêu” nên loài người không được phân chia. Con người có quyền tự do chọn lựa, yêu thương, kết hợp hoặc chia ly, miễn sao giữ được Thiện Tâm trong đời sống và An Tịnh trong tâm hồn, để các cá nhân, gia đình, và cộng đồng nhân loại được an vui và trí tuệ thăng hoa.

Tuy nhiên, Phật Giáo khuyến khích Cuộc Sống Độc Thân đối với những người có ý định tu hành để giải thoát cho bản thân và tha nhân, vì cuộc sống thế tục phức tạp và ràng buộc có thể ngăn trở việc tu học và giảm thiểu sự tiến triển trí tuệ và tâm linh của họ. Trường hợp Trở Lại Sống Một Mình cũng được khuyến khích cho những người vợ hoặc chồng đau khổ khi bị ngược đãi và mất tự do. Giáo Sư Mithra Wettimuny đã trả lời câu hỏi: “Người vợ có phải chịu đựng người chồng nát rượu và đánh vợ không?” bằng sự xác định: Người nghiện rượu hoặc uống rượu đến say khướt là kẻ dại khờ. Càng dại khờ và sân hận hơn khi người chồng phải dùng đến bạo lực với vợ. Vậy người phạm cả hai lỗi nầy (uống rượu say và dùng bạo lực) là kẻ ngu.

Ở đây, người vợ (nhất là Phật Tử) sẽ có hai chọn lựa để quyết định. Nếu người vợ có đủ bản lãnh và hiểu biết để thực hiện hạnh Bồ Tát cao cả, thì có thể chọn tiếp tục sống và chịu đựng, với Tâm Từ Bi, không oán hận, hy vọng có ngày thay đổi được người chồng bất thiện. Ngược lại, nếu người vợ thấy sống chung với người chồng ngu dại, bạo lực, vũ phu, chỉ làm cho mình và con cái đau khổ, oán hận, mất cả tương lai, hoặc có thể bị tổn hại, bị mất mạng vô ích, thì tốt hơn là nên chọn cách chia tay cho nhanh và êm đẹp. Thực vậy, ai đó đã nói: Nếu một người thường xuyên làm bạn khổ sở, thì bạn phải có đủ can đảm để người đó ra đi. If someone constantly makes you unhappy, then you must build up the courage to let that person go. 

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật Thích Ca đã dạy: Thà Sống Một Mình còn tốt hơn là sống với kẻ ngu. Tại sao? - Vì khi phải sống với người ngu, hoặc thường tiếp xúc với kẻ ngu, thì những ý xấu, lời nói thô ác, và cách xử sự vô học và bất chính của họ hằng ngày... sẽ nhập nhiễm, ảnh hưởng từ từ, làm phát khởi cái Bất Thiện trong con người bạn. Bạn sẽ giống họ lúc nào không hay, nên cũng chấp nhận và nghĩ, nói, làm... cùng một cách tham ác và si mê như họ. Từ đó, bạn sẽ không bao giờ học được Nhân Lành để gieo trồng và phát triển đươc Thiện Đạo và Lợi Lạc cho bạn và gia đình, đoàn thể, cộng đồng, xã hội, đất nước...

Tuy nhiên, cũng cần nhắc, đa số chúng ta có thói quen nhìn ngó và chê bai người khác, mà lại quên, không nhìn lại chính mình và tự soi xét (look at yourself in the mirror for self-reflection.) Nên cũng trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã khuyên chúng ta: Hãy tự quan sát các hành vi của mình, gia đình mình, nhóm mình, hằng ngày, xem mình đã làm được những gì tốt đẹp với Thiện Tâm thì tiếp tục, hoặc còn những gì dối gian, vô trách nhiệm phải che đậy với nhau, hoặc chưa hoàn tất hôm nay, thì cần sửa đổi ngay, ngày mai. Theo Kinh Tăng Chi Bộ: Khi hai đối tượng tin tưởng lẫn nhau, nói với nhau bằng lời lẽ dịu dàng, có giới hạnh, và giữ được tư cách con người, thì cả hai tiến triển hơn, và một cuộc sống hạnh phúc được tượng hình!

BỔN PHẬN, NGHĨA VỤ, VÀ QUYỀN LỢI

Đức Phật Thích Ca nhận xét rằng việc hoàn thành Bổn Phận và Nghĩa Vụ của Mỗi Người Vợ và Mỗi Người Chồng trong mọi cuộc hôn nhân, là việc đáng làm hơn bất cứ sự tranh đấu cho quyền lợi nào. Vì trong khi lo chu toàn bổn phận của mình, người nầy phát sinh tinh thần trách nhiệm (sẽ thổ lộ cho người liên quan biết, để cùng bàn bạc và chia xẻ khó khăn, sẽ không che giấu lỗi mình, nhất là không đổ tội người khác khi bị phát hiện có sai trái xẩy ra) và nhất là sẽ không có ý lạm dụng người kia.

Tuy nhiên, Đức Phật không cho rằng đây là một phương cách thần kỳ để giải quyết mọi mâu thuẫn, vì sẽ không thể áp dụng với những kẻ ngang ngược, ngu si, tham lam, và bất lương, vốn là những kẻ chỉ muốn chiếm đoạt và lợi dụng, không hề suy xét đến người khác...  Đức Phật chỉ cho rằng việc hoàn thành Bổn Phận và Nghĩa Vụ của mỗi người (bình thường, có nhân phẩm) là Việc Tự Nguyện Đầu Tiên để thiết lập Quan Hệ Tốt Đẹp cho hôn nhân. Điều dạy bảo nầy từ thời Đức Phật cách nay gần 2600 năm, vẫn còn hữu dụng, vượt thời gian:

LỜI KHUYÊN NGƯỜI CHỒNG VỚI 5 BỔN PHẬN VÀ NGHĨA VỤ

1) Biểu Lộ Sự Tôn Trọng Vợ: Đây là điều đầu tiên mà người chồng phải có đối với vợ, do Đức Phật nêu lên. Tại sao? - Bởi vì trong thời xa xưa đó, người vợ đã bị xem là một sở hữu cá nhân của người chồng, nên chồng có quyền sai bảo và xử dụng vợ theo ý riêng, không hề quan tâm đến nhân phẩm của người phụ nữ. Vậy để đạt hạnh phúc hôn nhân, Đức Phật đã thực hiện một cuộc giáo dục cách mạng Nhân Bản, bằng việc kêu gọi sammananaya, một danh từ Pali, nghĩa là sự tôn trọng và ngưỡng mộ vợ. Những bổn phận khác của người chồng là thứ yếu, vì một khi không có lòng tôn trọng vợ thành thật, xuất phát từ bên trong ý nghĩ, qua lời nói và hành động chân thực, thì tất cả những gì anh ta làm, chỉ là hời hợt và giả tạo, là đóng kịch với gia đình và xã hội. Lòng Từ Bi (Loving Kindness) của Phật Giáo, biểu lộ tình cảm thương yêu chân thực và bi mẫn (cảm được cái vui, cái buồn, cái đau của người khác, đúng lúc, đúng chỗ) có thể được áp dụng cho sự tôn trọng nầy. Bởi vì người vợ chân chính là một thành viên bình đẳng và xứng đáng đươc tôn trọng, trong hôn nhân.
 
2) Kiềm Chế Lời Nói Làm Tổn Thương: cũng là một hình thức biểu lộ sự tôn trọng vợ, mà Đức Phật kêu gọi người chồng phải tuân thủ chặt chẽ và thường xuyên. Không phải chỉ ngọt ngào với vợ khi cần, rồi mắng mỏ nặng lời sau đó, vì người vợ sẽ biết là bị lợi dụng nhất thời. Người chồng phải tự học kiềm chế, không nói lớn tiếng và gay gắt với vợ. Những lời nói khó chịu (irritable words), hành vi hung tợn (violent acts), trợn mắt (rolling eyes) của người chồng sẽ mang lại phản ứng dội ngược: người vợ muốn kình chống lại và đánh giá thấp nhân cách người chồng. Hãy mềm dẻo với tình thương hợp lý, người chồng sẽ giúp hôn nhân dễ chịu, nhẹ nhàng.
 
3) Giữ Lòng Chung Thủy Với Vợ: Dù biết bản năng tình dục là ham muốn mãnh liệt nhất của con người, Đức Phật vẫn nhắc người chồng không đươc quyến rũ hoặc giao tiếp với phụ nữ khác, bằng cách dùng trí tuệ cá nhân (vì lợi ích của gia đình, con cái) và tự quán sát: “Tôi sẽ không tha thứ cho ai quyến rũ vợ tôi. Vậy người khác sẽ trừng phạt tôi khi tôi quyến rũ vợ họ.”
 
4) Từ Bỏ Tính Gia Trưởng: Phải bỏ ý nghĩ “Chồng là người quyết định và vợ phải nghe theo” vì vợ như là con rối, kẻ bù nhìn. Ngược lại, không có nghĩa là người vợ sẽ quyết định hết. Cả hai cùng bàn bạc và quyết định mọi việc. Theo Đức Phật, một người vợ tuyệt vời có thể cư xử như một người mẹ, người chị, người bạn của chồng trong những trường hợp cần thiết khác nhau.
 
5) Tôn Trọng Sự Ưa Thích Cái Đẹp Của Phụ Nữ: Bằng cách mang đến cho người yêu, người vợ những món quà đẹp, ngay từ thời đó. Vì thời xưa, người vợ ở nhà, đảm đang mọi việc và nuôi dạy con cái. Còn người chồng đi ra ngoài làm ăn và nhân tiện, mua sắm mọi thứ cho cả nhà, nên vợ thường yêu cầu chồng mua các thứ họ và gia đình cần. Và hãy tôn trọng sự ưa thích cái đẹp của phụ nữ ngay trong thời nay. Người chồng có thể hài lòng với hàng rào giản dị và sân cỏ cắt phẳng, nhưng người vợ muốn có vài chậu hoa treo, trồng thêm rau thơm hoặc hoa lá khác trong vườn, tăng thêm mầu sắc tươi vui.
 
Nếu người chồng giữ được 5 Cách Đối Xử trên đây với lòng chân thật, người vợ sẽ cảm nhận được tình thương yêu ấm áp và đáp lại chồng. Tình cảm này là món quà vô giá, bảo đảm được quan hệ mật thiết của gia đình, ngay cả trong những lúc gian nguy cùng cực của đời người... Xin cúi đầu thán phục những người yêu, người vợ, người mẹ, người chị và em gái đã cùng chia xẻ đắng cay với các Quân, Dân, Cán, Chính, từng là người tù VNCH bị Đảng CSVN tập trung ở tận Bắc Việt,  Trung  Việt, để tách rời họ ra khỏi gia đình mà hành hạ, sau năm 1975.

blank

LỜI KHUYÊN NGƯỜI VỢ VỚI 6 BỔN PHẬN VÀ NGHĨA VỤ

1) Tổ Chức Công Việc: Ngăn nắp và theo thứ tự ưu tiên, dù là chăm sóc nhà cửa, nấu ăn, dạy con, hay kinh doanh bên ngoài, làm việc bình đẳng với nam giới..., đều rất hữu ích cho gia đình.

Đức Phật nhấn mạnh đến Cách Làm Việc Có Tổ Chức của người vợ, hơn là loại công việc họ làm, vì họ có tự do chọn lựa nghề nghiệp.
 
2) Giải Quyết Các Mối Quan Hệ Gia Đình: Thường là cả hai vợ chồng cùng giải quyết việc tiếp xúc với người thân, bạn bè, gia nhân, hàng xóm, người kinh doanh chung... trong xã hội xưa và nay. Nhưng vì người vợ thường có sự khéo léo tự nhiên khi giao tiếp người ngoài, nên Đức Phật khuyên người vợ phải chăm lo việc nầy giúp chồng.
 
3) Chung Thủy Với Chồng: Người vợ không được liên hệ gần gũi với người đàn ông khác, ngoài hôn nhân. Nhưng nếu người chồng đã xé rào trước, và không làm tròn các bổn phận và trách nhiệm khác của mình, thì Đức Phật cho rằng người vợ có quyền tự quyết định, ở hay đi.
 
4) Bảo Vệ Tài Sản Gia Đình: Nam giới có thói quen phung phí tiền của vào rượu, gái, và cờ bạc, nhiều hơn phụ nữ. Nên người vợ phải bảo vệ tài sản gia đình. Người vợ không tham lam, cất giấu tiền, gian dối để hoang phí, không coi tài sản gia đình là tài sản cá nhân để giữ riêng. Cũng tránh hai cực đoan: phung phí hoặc bỏn xẻn. Mà phải chi tiêu chừng mực, hợp tình hợp lý, có phần tiết kiệm để giúp đỡ người thân, người đáng giúp, từ thiện xứng đáng. Sự trung thực và chi tiêu sáng suốt của người vợ làm gia tăng lòng tin và mến phục của người chồng, tạo đoàn kết và hòa thuận trong gia đình.
 
5) Khéo Léo Và Có Năng Lực: Trong việc kinh doanh, nuôi dạy con cái, nấu ăn, chăm sóc người bệnh,giao tiếp với người ngoài, phân biệt kẻ xấu người tốt, đối phó với tai nạn và những bất hạnh, dù bất ngờ hay thường trực... là những việc không tầm thường mà người vợ phải trổ tài khi hữu sự.
 
6) Làm Bạn Và Là Người Cố Vấn Cho Chồng: Bổn phận thứ 6 nầy xác định đây mới là người vợ hoàn hảo trong hôn nhân. Dù ngăn người vợ không được coi thường chồng, lạm dụng, chửi mắng thô tục và vô tư cách, Đức Phật không đồng ý người vợ hiền là người chỉ biết vâng lời chồng, mà không biết tích cực làm bạn trung thành, có ân nghĩa, và làm cố vấn khôn ngoan giúp chồng, khi cần đến.  
 
Tóm lại, sự phân chia đồng đều các bổn phận, nghĩa vụ và quyền lợi trong tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau giữa vợ chồng, giúp mang lại hạnh phúc gia đình, niềm vui hòa hợp hôn nhân, sự thoải mái về tâm lý, ít lo ít bệnh, lại là gương mẫu tốt nhất cho con cháu noi theo để trở thành những công dân tốt. Những đứa con phạm pháp, hoặc vô tư cách, ích kỷ, bất nhân, bất tín, bất nghĩa, vô lễ hỗn hào, không biết hổ thẹn, là kết quả của một hôn nhân bất hòa, với nền tảng thiếu nhân nghĩa trong gia đình.

Theo Phật Giáo, mọi người và mọi vật trong cuộc đời vô thường nầy sẽ hủy hoại. Những gì do điều kiện (quyền lợi, danh vị, ân oán, ganh ghét, âm mưu, thủ đoạn, tham sân si...) tức là do Duyên hợp mà Thành, thì cuối cùng sẽ tan rã... Chỉ trong khi còn sống chung với nhau, hãy mang niềm vui phẩm hạnh và lợi ích tâm linh cho nhau qua các ý nghĩ, lời nói, hành động chân thật và đạo đức (Nói trước mặt và Làm sau lưng phải đồng nhất), thì các bạn và con cái sẽ cùng được lợi lạc trong các kiếp sau.

Hãy Tôn Trọng nhau, Thương Yêu nhau, và Nhẫn Nhục, trong hôn nhân. Hãy kiên nhẫn và nhường nhịn nhau trong chừng mực hợp lý. Vì điều lợi ích duy nhất, vào thời điểm bạn ra đi vào Cõi Chết, sẽ là những Công Đức mà bạn đã lưu trữ được mỗi ngày trong cuộc đời nầy. Đó là hành trang lương thực Cần và Đủ cho bạn ra đi... An Vui và Tự Tại. Riêng với Những Người Mẹ, xin cầu chúc tất cả được sáng suốt, từ bi, và chánh trực hơn, sau mỗi thử thách và chướng duyên gặp phải, trên con đường tu tập và tự rèn luyện bản thân. A good marriage is not just about marrying the right person, it is also about being the right person!!! 

Ngày Lễ Mẹ, 10/5/2015,
GS Trần Thủy Tiên, M.S. in Counseling & Guidance
 
Nguồn Tham Khảo:
Pháp Âm, số 68, ngày 1/1/2011, Texas