BBC vừa phát sóng cuốn phim tài liệu “40 Năm Vươn Lên Từ Nước Mắt” do đạo diễn Trần Nhật Phong thực hiện. Phim mô tả trung thực và khách quan hành trình và cuộc sống của người gốc Việt tại Mỹ với những thử thách, thất vọng, kiên trì trong cuộc sống hàng ngày. Cuối cùng, sau 40 năm, là những thành tựu đáng hãnh diện so với mọi sắc dân khác trong cái melting pot là America.
Anh Phong là một BCA và chúng ta hân hạnh được chia sẻ cùng anh một công trình nghệ thuật với nhiều tư liệu lịch sử.
Xem tại:
Góc Nhìn Alan
’40 năm vươn lên từ nước mắt’
Trần Nhật Phong Little Saigon, California
Năm nay đánh dấu đúng 40 năm từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Nhiều đài báo đã viết bài, làm những phóng sự ngắn ở nhiều mảng khác nhau, đề cập đến tâm tình, suy nghĩ của người Việt hải ngoại về ngày lịch sử này.
Trong một chừng mừng nào đó, tôi thấy các bài viết hoặc phóng sự chưa có điều kiện đi sâu vào cuộc sống của cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng.
Do đó, cách đây vài tuần tôi đã nảy ra ý định thực hiện một phim tài liệu, theo đó tìm hiểu quá trình tạo dựng cuộc sống của họ, sự phát triển của cộng đồng qua nhiều góc cạnh văn hóa, kinh tế chính trị và xã hội.
Trong quá trình liên hệ và tìm người phỏng vấn nhằm tìm hiểu những hệ lụy từ quá khứ của người Việt, tôi đã gặp những câu chuyện khiến tôi xúc động mạnh như một người cha đi tìm con bị hải tặc cướp trên tay 30 năm trước đây trên đường vượt biển, vẫn có niềm tin rằng con gái của ông vẫn còn sống.
Ngoài những người thành đạt trong các ngành luật và tài chính hay y khoa, và “cô bé lọ lem vượt biên tị nạn năm nào” nay trở thành Thượng Nghị sĩ tiểu bang có nên kinh tế lớn nhất Hoa Kỳ, tôi muốn tìm đến những mảng kinh doanh phổ biến trong giới người Việt tại Hoa Kỳ như ngành làm móng tay.
Từ ý niệm mở một cửa tiệm làm móng tay để “mưu sinh” hơn 30 năm trước, tôi đã gặp gia đình nay thành đạt và trở thành kỹ nghệ lớn hàng gần cả trăm cửa tiệm và cả ngàn thợ.
Cuốn phim ‘ 40 năm vươn lên từ nước mắt‘ của tôi đề cập đến quá trình tạo dựng của cộng đồng người Việt nhiều hơn, từ những bãi đất trống, những bãi dâu, vườn cam hay bãi rác, sau 40 năm người Việt bỏ công xây dựng đã trở thành những đô thị phồn thịnh, buôn bán sầm uất, nếu thập niên 80, 90 người ta gọi là Tiểu Sài Gòn thì nay thì với cái nhìn của tôi phố Việt đã trở thành một Đại Sài Gòn.
Tất cả đều do người Việt tạo dựng từ hai bàn tay trắng khi họ đến Hoa kỳ 40 năm trước. Họ đã vượt lên bằng niềm khát vọng của chính họ.
Bản thân cuốn phim tuy chưa thể nói là thật đầy đủ do thời gian có hạn, nhưng tôi tin rằng đó là phần đóng góp nhỏ của cá nhân nhằm nói lên tổng thể sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ.
Tôi hy vọng qua cuốn phim này, mọi người khắp nơi trên thế giới sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, không chỉ đóng khung trong các môi trường chính trị mà bên cạnh đó là sự phát triển mãnh liệt về kinh tế, gìn giữ văn hóa và đóng góp lại cho xã hội.