Cuối tháng Giêng năm 2005 tôi đến Kyiv. Thủ đô của Ukraine đang phủ đầy tuyết trắng, mặt sông đã đóng đá từ lâu, thuyền bè không di chuyển trên sông được nữa. Trong thời tiết đó, tôi đến Ukraine để thu thanh Symphony Việt Nam 1975 cho kịp ngày đánh dấu 30 năm ly hương 30-4-2005. Trong ba tuần lễ lưu lại Kyiv để làm việc, tôi ở trọ trong nhà (apartment) của Nhạc trưởng Taras và Kateryna Myronyuk. Vợ của Taras, cô Kateryna là một cô gái trẻ đẹp, dịu dàng, hiếu khách. Cô tốt nghiệp âm nhạc từ Nhạc viện Tchaikowsky, năm 2005.
Kateryna tiếp đón tôi rất ân cần, lo thức ăn sáng mỗi ngày, lúc nào cũng muốn tôi ăn thật nhiều những món ăn cô dọn cho tôi và Taras. Mỗi sáng chúng tôi ba người ngồi ăn với nhau trong một nhà bếp thật nhỏ. Kateryna không biết tiếng Anh. Cô chỉ nói tiếng Ukraine, có thể biết ít nhiều tiếng Nga. Tôi hoàn toàn mù tịt hai thứ tiếng này, nên chúng tôi dùng dấu hiệu bằng tay thay lời nói.
Bandura tân thời là cây đàn có trên 60 dây, âm thanh thánh thót tương tự như tiếng đàn tranh của Việt Nam ta, nhưng âm thanh theo âm giai Tây Phương với tất cả các bán âm chứ không theo hệ thống ngũ cung như nhạc cổ truyền của ta. Ðàn có âm vực rất rộng, người đánh đàn một lúc vừa đàn giai điệu, vừa đàn tiếng đệm của bè trầm, vừa vỗ thùng đàn để thêm phần nhịp của tiếng trống ở những chỗ cần thiết, giống như đàn guitar. Người đàn giữ đàn đứng chứ không để nằm như đàn tranh. Kateryna có giọng hát soprano cao vút và rất trong. Không thể nói hết ngạc nhiên của tôi với món quà âm nhạc này.
Sau màn trình diễn, tôi hỏi Kateryna một số câu hỏi về kỹ thuật của đàn này. Xong, tôi nói: “Tôi sẽ viết nhạc cho cô đàn nhạc Việt Nam.” Họ cám ơn nhưng có vẻ không tin. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để đưa nhạc Việt ra khỏi biên giới Việt Nam, việc mà tôi hằng ấp ủ từ lúc biết viết nhạc đầu thập niên 50. Tôi có ý nghĩ rất đơn sơ, muốn người ta chơi nhạc Việt, mình phải viết nhạc để người ta có thể đàn được bằng nhạc cụ của họ chứ không phải yêu cầu họ học nhạc cụ của mình để đàn nhạc Việt. Tôi cảm thấy lý thú khi người Ukraine gọi Bandura là đàn dân tộc của họ chứ không gọi là đàn cổ truyền.
Trong chuyến đi Ukraine lần thứ hai, năm 2007, tôi giữ lời hứa đem tặng vợ chồng Taras bản nhạc Trống Cơm, dân ca Việt Nam mà tôi đã viết lại cho đàn Bandura với phần đệm của dàn nhạc giao hưởng. Kateryna tỏ vẽ ngạc nhiên, liền lấy Bandura ra đàn thử. Vì là lần đầu nhìn thấy bài nhạc này, Kateryna đàn còn ngập ngừng. Ðó là việc tự nhiên cho người phải đàn bài nhạc lạ mà không dễ chơi. Cô nói cô sẽ tập thêm. Tôi chỉ nghĩ bài nhạc này là món quà lưu niệm cho gia đình Taras nhưng không ngờ từ đó nhạc Việt đi xa hơn.
Cũng trong năm 2007, một chương trình nhạc Lê Văn Khoa với tiếng hát Ngọc Hà đươc trình diễn ở Kyiv, Ukraine. Vì Kateryna không có mặt ở thủ đô thời điểm đó nên Giáo sư Taras Yanytsky, một Giáo sư Bandura của nhiều nhạc viện và là người chiếm nhiều giải thưởng về thi tài và trình tấu đàn Bandura trên nhiều quốc gia, được chọn độc tấu bài Trống Cơm với dàn nhạc thính phòng của Kyiv. Khán giả Ukraine được nghe một bài dân nhạc từ Việt Nam, lần đầu trình diễn với cây đàn dân tộc của họ.
Kateryna Myronyuk với đàn Bandura (hình do gia đình cung cấp)
Năm 2008 trong chương trình vinh danh nhạc sĩ Lê Văn Khoa “Người Viết Lịch Sử Bằng Âm Nhạc” do Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ tổ chức ở Carpenter Theater, Long Beach, California, Kateryna được mời trình diễn bài Trống Cơm bằng đàn Bandura với dàn nhạc giao hưởng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng. Khán giả Việt Nam rất thích thú với cây đàn lạ mắt do một cô gái da trắng trẻ, đẹp, trình diễn điệu nghệ một bài dân ca Việt Nam quen thuộc và họ đã vổ tay tán thưởng rất lâu. Ðây là hình ảnh chưa từng thấy trên bất cứ sân khấu âm nhạc Việt nào từ trước đến nay.
Kateryna Myronyuk đàn "Trống Cơm" - Dàn nhạc Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ 2008 - Nhạc trưởng Nguyễn Ánh Hồng
Năm 2009, trong khi đang thu thanh trong National Radio and Television Studio ở Kyiv, Ukraine, tôi được báo là tối về có tin rất quan trọng. Cả vợ chồng Taras đều rất vui, giọng nói gấp rút, dành nhau để nói với tôi. Họ báo tin là Kateryna đi trình sơ bộ luận án tiến sĩ của cô và bảo vệ nó trước sự khảo sát của hội đồng duyệt xét. Trong ban hội đồng thẩm xét, có Giáo sư Tiến sĩ Duchat Violetta, là người chuyên về nhạc dân tộc và đàn Bandura. Bà cũng là cây viết rất được kính nể về đàn dân tộc Ukraine này. Khi nghe Kateryna nói về việc trình diễn bài dân ca Việt Nam do một nhạc sĩ Việt Nam viết cho đàn Bandura, cả hội đồng đều ngạc nhiên. Họ cho đây là một khám phá mới, một ứng dụng mới của cây đàn dân tộc của họ mà từ trước họ chưa nghĩ tới. Vì vậy Hội Ðồng Duyệt Xét Luận Án Tiến Sĩ Ukraine đã tuyên bố nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người đầu tiên đưa hai nguồn văn hóa đến với nhau bằng âm nhạc dân tộc của cả hai quốc gia, là dân ca Việt Nam (Á Châu) và đàn dân tộc Ukraine (Âu Châu). Họ yêu cầu Kateryna xin ảnh chân dung của tôi để họ phóng lớn và treo trong viện Khoa Học của Ukraine.
Ðàn Bandura đã từng được dùng để trình tấu nhạc của Chopin, Listz, Bach, Mozart v.v. . . từ xa xưa rồi, người Ukraine cũng có hội Bandura lớn ở New York, tại sao Lê Văn Khoa được nhận là người đầu tiên đem hai nguồn văn hóa đến với nhau bằng âm nhạc?
Năm 2009, trong khi đang thu thanh trong National Radio and Television Studio ở Kyiv, Ukraine, tôi được báo là tối về có tin rất quan trọng. Cả vợ chồng Taras đều rất vui, giọng nói gấp rút, dành nhau để nói với tôi. Họ báo tin là Kateryna đi trình sơ bộ luận án tiến sĩ của cô và bảo vệ nó trước sự khảo sát của hội đồng duyệt xét. Trong ban hội đồng thẩm xét, có Giáo sư Tiến sĩ Duchat Violetta, là người chuyên về nhạc dân tộc và đàn Bandura. Bà cũng là cây viết rất được kính nể về đàn dân tộc Ukraine này. Khi nghe Kateryna nói về việc trình diễn bài dân ca Việt Nam do một nhạc sĩ Việt Nam viết cho đàn Bandura, cả hội đồng đều ngạc nhiên. Họ cho đây là một khám phá mới, một ứng dụng mới của cây đàn dân tộc của họ mà từ trước họ chưa nghĩ tới. Vì vậy Hội Ðồng Duyệt Xét Luận Án Tiến Sĩ Ukraine đã tuyên bố nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người đầu tiên đưa hai nguồn văn hóa đến với nhau bằng âm nhạc dân tộc của cả hai quốc gia, là dân ca Việt Nam (Á Châu) và đàn dân tộc Ukraine (Âu Châu). Họ yêu cầu Kateryna xin ảnh chân dung của tôi để họ phóng lớn và treo trong viện Khoa Học của Ukraine.
Ðàn Bandura đã từng được dùng để trình tấu nhạc của Chopin, Listz, Bach, Mozart v.v. . . từ xa xưa rồi, người Ukraine cũng có hội Bandura lớn ở New York, tại sao Lê Văn Khoa được nhận là người đầu tiên đem hai nguồn văn hóa đến với nhau bằng âm nhạc?
Từ trước nhạc sĩ Ukraine dùng nhạc nghệ thuật của các nhạc sĩ cổ điển danh tiếng khuất bóng đã lâu, từ các quốc gia khác (Âu Châu). Nhạc của những nhạc sĩ ấy do một nhạc sĩ Ukraine viết lại cho đàn Bandura trình tấu. Ở đây một nhà soạn nhạc Việt Nam, trực tiếp chuyển bài dân ca phổ thông của Việt Nam cho tiết tấu độc đáo của đàn dân tộc Ukraine, để hai bên “nói chuyện” và “hòa hợp” được bằng âm thanh đặc thù riêng của dân tộc mình mà không qua người trung gian. Theo yêu cầu, tôi viết điện thư về Mỹ, nhờ gia đình gửi ảnh chân dung của tôi qua gấp. Tôi không theo dõi việc treo ảnh này, nhưng chỉ với lời xác nhận của họ đủ làm cho tôi mát lòng mà thấy mục đích đưa nhạc Việt vào thế giới đã đạt được một phần đáng kể.
Giáo sư Duchat Violetta sau đó viết bài Rethink the Timber of the Bandura. Với tựa bài “Nghĩ Lại” hay “Xét Lại Âm Sắc Của Ðàn Bandura” đủ thấy sự giao thoa của đàn này với dân ca Việt Nam là cái gì đáng để nhạc sĩ Ukraine quan tâm và “xét lại” gía trị đích thực của chính cây đàn dân tộc họ. Ðiều đó cũng cho ta thấy cây đàn này cùng chung số phận với những nhạc cụ cổ truyền của ta, có thể sẽ bị mờ nhạt dần vào quên lãng của thời gian. Bandura đã trải qua biết bao chìm nổi theo vận nước, có biết bao nhiêu người Ukraine đã hy sinh mạng sống với nó, vì nó, và bây giờ họ bỗng thấy cây đàn ấy có cơ hội vươn tới xa hơn để đi vào thế giới. Bài viết của Giáo sư được in lại nơi trang 674-678 trong quyển sách “Lê Văn Khoa, Một Người Việt Nam”. Giáo sư Duchat Violetta phân tích hai bài dân ca Việt Nam là Trống Cơm và Se Chỉ Luồn Kim của tôi viết cho đàn Bandura độc tấu với dàn nhạc giao hưởng. Giáo sư xác nhận cô Kateryna là người đầu tiên chơi hai bài này năm 2008 ở Long Beach Center of the Arts và năm 2010 ở trường Ðại Học Cộng Ðồng Bắc Virginia.
Sau khi phân tách kỹ thuật viết nhạc bài Trống Cơm cho đàn Bandura, bà kết: “Tiếng đàn thánh thót, âm vực rộng, có những kỹ thuật độc đáo và kỹ thuật trình diễn đặc biệt của nhạc cụ độc tấu, như rung reo (tremolo) và rải dài (glissando), đều được Lê Văn Khoa sử dụng trọn vẹn. . . Nhìn chung, bài nhạc cho ta hình ảnh của món kim hoàn sắc sảo, trong sáng, với những nét chạm trổ tinh vi, thật đẹp và hấp dẫn chứ không hời hợt.”
Kateryna Myronyuk đàn "Se Chỉ Luồn Kim" - "Ode to Freedom" concert - 9/11/2010 - Alexandria, Virginia USA - Dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra và Nhạc trưởng Lê Văn Khoa
Với bài Se Chỉ Luồn Kim, Tiến sĩ Duchat Violetta nhận xét: “Trong bài Se Chỉ Luồn Kim, Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng viết với phong cách tương tự. Nhạc cũng mang bản chất nhẹ nhàng, vui tươi, tung tăng. . . Hòa âm có phong phú hơn, phối khí có hiệu năng hơn. Trong bài này tác giả dùng những nốt quãng tám kép song hành của những bộ nhạc cụ khác nhau, giúp cho tác phẩm “rộng lớn” và “bao la” hơn. Tiết nhịp của tác phẩm vận dụng bộ gõ có trống nhỏ, timpani, và âm điệu tái diễn chuyển tiếp đặc thù giữa các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng, gợi hình ảnh các tầng lớp chỉ màu khác nhau chồng lên qua mũi kim thêu”.
Tôi ít được gặp một người Việt Nam nghe nhạc Việt mà hiểu rõ âm nhạc như Giáo sư Tiến sĩ Duchat Violetta, người Ukraine, nghe nhạc Việt Nam. Giáo sư nhận ra được ý tôi muốn diễn tả mà không cần lời giải thích hay gợi ý trước.
Tất cả những kết quả này đều phát xuất từ món quà âm nhạc của cô Kateryna năm 2005. Nhờ Kateryna Myronyuk mà tôi biết cây đàn Bandura và khả năng của nó. Nhờ Kateryna Myronyuk mà ngày nay có nhiều người Ukraine dùng đàn Bandura để tấu lên dân ca Việt trên vùng đất xa lạ này. Vợ chồng Taras Myronyuk và tôi hứa hẹn nhau sẽ đưa nhạc Việt và đàn Bandura đi xa hơn nữa bằng cách trình diễn ở nhiều nơi với dân nhạc Việt do tôi viết lại cho đàn Bandura. Nhạc sẽ huê dạng hơn và hòa với tiếng hát của Kateryna. Việc này có dễ không? Thưa, không dễ, nhưng thực hiện được và tôi đã lên kế hoạch để thực hiện, tin rằng Kateryna sẽ giúp tôi truyền bá dân nhạc Việt ra thế giới. Việc này cũng như dương cầm thủ Lyudmila Chychuk đã giúp đưa nhạc dương cầm Việt Nam của tôi đến nhiều quốc gia Âu Châu qua các buổi trình diễn của bà.
Gần đây, ngày 16 tháng Giêng 2015, Taras và Kateryna Myronyuk cùng ba con nhỏ bị một tai nạn xe hơi trầm trọng trên dường từ miền quê về thủ đô Kyiv. Xe gặp nạn, lăn nhiều vòng. Một trong ba đứa con trai nhỏ bị văng ra khỏi xe. Tất cả người trong xe đều bất tỉnh. Bác sĩ ở Kyiv, Ukraine đều bận rộn (có thể lo chữa trị thương binh đang trong cuộc chiến chống tay sai của Nga). Sau khi dàn xếp được, xe cứu thương chở tất cả nạn nhân qua Ba Lan điều trị. Taras và ba đứa con trai bị thương nhẹ nên chỉ vài hôm là được cho về. Kateryna bị thương nặng hơn hết, phải nằm nhà thương hơn hai tháng. Cô bị bể cằm, rách mặt nhiều chỗ, phải khâu trên 35 mũi kim. Tin nhận được ngày 15 tháng Ba 2015, Taras cho biết tuy cơn nguy kịch đã qua, hiện vợ chồng ông còn đang ở trong Trung Tâm Phục Hồi tại Ba-Lan. Kateryna đang tập ăn, nói rất khó khăn, tai nghe chưa rõ, mắt còn mờ nhòe. Sẽ còn những cuộc giải phẩu tiếp theo.
Kateryna Myronyuk, một phụ nữ trẻ đẹp, tài giỏi, đạo đức, yêu và có uớc vọng phổ biến dân ca Việt, đang bị hoạn nạn quá lớn. Tương lai cô như thế nào? Không ai nói trước được!
Composer Lê Văn Khoa & Nhạc sĩ Kateryna Myronyuk