Tuesday 2 June 2015

Mỹ Việt ký tuyên bố chung phát triển quan hệ quân sự

Tú Anh

media
Lễ ký « Tuyên bố tầm nhìn chung » về quan hệ quốc phòng song phương Việt-Mỹ, Hà Nội, 01/06/2015.REUTERS/Hoang Dinh Nam

Hôm nay 01/06/2015, tại Hà Nội, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh đã ký một văn kiện hợp tác gọi là « Tuyên bố chung về quan hệ quốc phòng giữa Việt nam và Hoa Kỳ ». Cũng trong chiều hướng này, chủ nhân Lầu Năm góc cam kết viện trợ cho Việt Nam 18 triệu đôla để tăng cường lực lượng tuần duyên.

Theo Reuters và báo chí chính thức tại Việt Nam, trong chuyến viếng thăm Việt Nam sau đối thoại an ninh tại Sangri-La trong hai ngày cuối tuần, hôm nay 01/06, bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Việt Nam đã ký tại Hà Nội «Tuyên bố tầm nhìn chung » về quan hệ quốc phòng song phương. Văn kiện này ấn định một khuôn khổ cho phép hai nước phát triển quan hệ quân sự trong tương lai. Trước đó, tại Hải Phòng, bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố cần phải « hiện đại hóa » quan hệ song phương và tỏ hy vọng hai nước có thể cùng « tiến xa hơn », sau 20 năm thiết lập bang giao.

Việt Nam là chặng đường công du châu Á - Thái Bình dương lần thứ hai của bộ trưởng Ashton Carter, kéo dài 11 ngày, kể từ khi ông được bổ nhiệm hồi đầu năm nay 2015. Mục tiêu chính của chuyến đi này là vấn đề an ninh hàng hải trong khu vực. Hôm qua, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam và bộ chỉ huy lực lượng tuần duyên ở Hải Phòng. Ông đã lên thăm một tàu tuần duyên Việt Nam, chiếc tàu từng bị Trung Quốc tấn công trên biển trong vụ dàn khoan Haiyan 981 hồi năm 2014.

18 triệu đôla để mua tàu tuần Mỹ

Trong bối cảnh biển đảo Việt Nam đang bị Trung Quốc uy hiếp, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ cung cấp 18 triệu đôla giúp cho Hà Nội mua các tàu tuần duyên loại Metal Shark do Hoa Kỳ chế tạo, để tăng cường tiềm năng quân sự của Việt Nam.

Thượng nghị sĩ McCain : Mỹ cần cung cấp thêm vũ khí cho Việt Nam

Trọng Nghĩa

media
Thượng nghị sĩ John McCain và các nghị sĩ trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-la / DR

Trước chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, dự trù vào ngày mai, 01/06/2015, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đầy thế lực tại Thượng viện Hoa Kỳ vào hôm qua, 30/05 đã công khai lên tiếng hậu thuẫn cho việc cung cấp thêm vũ khí phòng thủ cho Việt Nam, để giúp Hà Nội tự vệ nếu xẩy ra xung đột với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Phát biểu nhân một cuộc họp báo tại Singapore, bên lề Diễn đàn An ninh Châu Á Shangri La, người hiện là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ xác định rằng ông muốn thấy Washington giảm nhẹ hơn nữa lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội. Theo ông, Việt Nam cần được Mỹ cung cấp thêm vũ khí phòng thủ, có thể được sử dụng trong trường hợp một cuộc xung đột với Trung Quốc.

Ông John McCain đã tuyên bố như trên trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng hẳn lên do việc Trung Quốc bị cho là đang âm mưu thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo đá mà họ đang bồi đắp và mở rộng tại vùng quần đảo Trường Sa.

Một dấu hiệu cụ thể là phi cơ do thám Mỹ tuần tra trong khu vực vừa phát hiện hai khẩu pháo cơ động mà Trung Quốc chuyển đến một hòn đảo đang cải tạo, với tầm bắn bao trùm lên đảo lân cận dưới quyền kiểm soát của Việt Nam.

Tuyên bố của ông McCain cũng được xem là một cú hích, nhằm hỗ trợ cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam vào ngày mai. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, xin giấu tên, ông Ashton Carter sẽ thảo luận với phía Việt Nam về việc cung cấp vũ khí phòng thủ biển đã được bật đèn xanh từ năm ngoái, sau khi Mỹ chính thức tuyên bố nới lỏng cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Sau khi thông tin về vụ phi cơ Mỹ phát hiện vũ khí Trung Quốc trên một hòn đảo đang bồi đắp được tung ra, vào hôm qua, phía Việt Nam đã xem đấy là một diễn biến đáng quan ngại.

Trả lời phỏng vấn vào hôm qua của hãng tin Anh Reuters tại Singapore, nơi ông dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri La, Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã không che giấu lo ngại. Theo ông nếu quả thực là như vậy, thì « đó là một dấu hiệu rất xấu cho một tình huống vốn đã rất phức tạp ở Biển Đông ».

Về phía Bắc Kinh, khi bị chất vấn về hình ảnh của vũ khí trên đảo trong tay Trung Quốc ở Trường Sa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vào hôm qua đã từ chối bình luận, khẳng định rằng bà « không có thông tin về sự vụ được nêu lên ».

Tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông tập trận với các nước Đông Nam Á

Đức Tâm
media
Tư lệnh Hải quân Ấn Độ RK Dhowan (thứ 4 từ trái sang) trước hàng không mẫu hạm INS Viraat tại Bombay, 20/04/2015.REUTERS/Shailesh Andrade

Bốn tàu chiến của Ấn Độ tiến hành tập trận với 5 nước Đông Nam Á xung quanh các khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trước khi tới Úc.

Báo điện tử Ấn Độ Deccan Herald, ngày hôm nay 01/06/2015 cho biết, khu trục hạm tàng hình INS Satpura và tàu hộ tống chống tàu ngầm INS Kamorta đã tham gia cuộc tập trận Simbex-2015 với Hải quân Singapore, từ ngày 23 đến 26/05.

Trong khi đó, hai tàu khác là khu trục hạm có trang bị tên lửa INS Ranvir và tàu tiếp tế nhiên liệu INS Shakt tới Jarkarta từ hôm qua, 31/05, để tham gia cuộc tập trận với Hải quân Indonesia trong vòng bốn ngày.

Kết thúc cuộc tập trận với Indonesia, các tàu chiến của Ấn Độ sẽ tới các cảng Kuantan, Malaysia, cảng Sattahip tại Thái Lan và cảng Sinanoukville ở Cam Bốt để tập trận với hải quân các nước này. Sau đó, các tàu chiến Ấn Độ, thuộc hạm đội phương Đông sẽ tới cảng Freemantle, Úc.

Đợt triển khai tàu chiến này kéo dài trong ba tháng, dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Ajendra Bahadur Singh, diễn ra trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á ngày càng gia tăng và Hoa Kỳ cũng như nhiều nước phản đối ý đồ của Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa các khu vực đang có tranh chấp.

Trong thời gian qua, nhiều chỉ huy quân sự Ấn Độ tuyên bố là Hải quân nước này đủ khả năng can thiệp vào vùng Biển Đông, nếu các lợi ích của Ấn Độ trong vùng này bị đe dọa.
Hôm qua, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố là New Delhi đòi hỏi phải có tự do lưu thông hàng hải. Các hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tuyên bố đe dọa sử dụng vũ lực không phù hợp với các cam kết của hai nước trong việc giải quyết hồ sơ này.

Ngày 22/07/2012, trên đường tới thăm Việt Nam, khi cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý, tàu chiến Ấn Độ INS Airavat đã nhận được tin nhắn từ tàu chiến Trung Quốc yêu cầu rời khỏi vùng biển, mà Trung Quốc tự khẳng định thuộc chủ quyền của mình, và không coi đó là vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, tàu Ấn Độ không nhìn thấy tàu chiến hoặc máy bay nào, do vậy vẫn tiếp tục hành trình tới Việt Nam.

Biển Đông : Hà Nội khẳng định chỉ gia cố các đảo thuộc chủ quyền

Anh Vũ

media
Ảnh vệ tinh chụp cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông.wikipedia

Trong quộc hội đàm hôm nay 01/06/2015 tại Hà Nội, hai bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ đã thảo luận về lời kêu gọi của ông Ashton Carter yêu cầu các bên, trong đó có Việt Nam, chấm dứt các công trình cải tạo xây dựng đảo tại Biển Đông. Hà Nội khẳng định chỉ gia cố, chứ không cơi nới đảo thuộc chủ quyền của mình.

Bắt đầu chuyến công du Việt Nam, ông Ashton Carter đã tới thăm căn cứ hải quân của Việt Nam tại Hải Phòng ngày hôm qua (31/5). Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố với báo chí : các bên đang có các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông phải dừng ngay mọi hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng các đảo tranh chấp, cũng như mọi cố gắng nhằm biến các điểm đó thành cơ sở quân sự.

Lời kêu gọi trên được đưa ra cho tất cả các nước liên quan như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và đặc biệt là Trung Quốc. Hoa Kỳ và các nước trong vùng đặc biệt lo ngại Trung Quốc gần đây bồi đắp trên quy mô lớn các đảo nhân tạo, nhằm xây dựng căn cứ quân sự làm bàn đạp cho việc kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông.

Trong cuộc họp báo hôm nay tại Hà Nội, trả lời câu hỏi Việt Nam có cam kết gì về việc chấm dứt hoạt động bồi đắp, tôn tạo đảo, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh khẳng định lại đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã được hai bên thảo luận trong cuộc hội đàm hôm nay, đồng thời ông khẳng định : « Việt Nam vừa qua cũng có củng cố các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ». Ông Phùng Quang Thanh giải thích : « Việt Nam hiện đang đóng quân trên 19 đảo nổi và 12 đảo chìm. Các đảo nổi thì chúng tôi chỉ cho kè kín lại xung quanh để tránh sóng đánh lở, đảm bảo cho người dân và các lực lượng đóng quân, quản lý trên đảo có cuộc sống an toàn".

Liên quan đến chủ đề thảo luận này lãnh đạo Quốc phòng Mỹ nhận định : « Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã giải thích rất rõ ràng cho tôi biết các hoạt động của Việt Nam ».
Sau cuộc hội đàm trong buổi sáng nay, lãnh đạo Quốc phòng hai nước đã ký « Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ », văn kiện mang tính định hướng cho việc mở rộng quan hệ giữa quân đội 2 nước trong thời gian tới.

Việt Nam có 40.000 người chết hàng năm vì thuốc lá

Thu Hằng
media
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc là gây ra 6 triệu ca tử vong mỗi năm - REUTERS /Department Of Health /Arquivo

Ngày 31/05 hàng năm được chọn làm Ngày Quốc tế không hút thuốc lá. Nhân dịp này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, cho tới năm 2020, thuốc lá là nguyên nhân chính gây tử vong và tình trạng bất lực, với hơn 10 triệu nạn nhân hàng năm. Hơn nữa, thuốc lá gây nên nhiều ca tử vong hơn cả bệnh Sida, ung thư, tử vong ở thai phụ, tai nạn xe hơi, tự vẫn …
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, thuốc là là nguyên nhân dẫn tới 6 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó có hơn 600.000 người không hút thuốc, song do sống chung hoặc tiếp xúc thường xuyên với người hút thuốc. Nếu không có hành động gì, thì từ nay tới năm 2030, con số tử vong sẽ lên tới hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó, hơn 80% trường hợp tử vong có thể xảy ra tại các nước có thu nhập thấp hay trung bình.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm Việt nam có khoảng 40.000 ca tử vong, trung bình 100 người chết mỗi ngày, vì hút thuốc. Nếu không có các biện pháp can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan tới thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.

Vẫn theo điều tra của tổ chức trên, vào năm 2010, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc. Rất may là tỷ lệ nữ hút thuốc còn thấp, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành.

Theo báo điện tử Le Courrier du Việt Nam, ông Jeffery Kobza, quyền trưởng đại diện văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới, nhận định, Việt Nam sẽ phải chịu gánh nặng về kinh tế và sức khỏe do các vấn đề liên quan tới thuốc lá với chi phí điều trị các bệnh liên quan được thẩm định lên tới hơn 1 tỉ đô la mỗi năm.

Liên quan tới tình trạng này tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã ra quyết định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng như nhà hàng, văn phòng làm việc, phương tiện giao thông công cộng, khu vực xung quanh trường học hay bệnh viện.

Quy định này có hiệu lực từ ngày mai, 01/06/2015. Những người vi phạm sẽ bị phạt tới 200 nhân dân tệ (khoảng 29 euro). Trong trường hợp tái phạm tới lần thứ ba, tên của người vi phạm sẽ bị nêu lên trong vòng một tháng trên một webside của chính phủ. Các doanh nghiệp không áp dụng quy định mới trên có thể sẽ bị phạt tới 10.000 nhân dân tệ (1.455 euro).
Tại Liên Hiệp Châu Âu, theo một cuộc điều tra của Eurobaromètre được công bố 29/05 vừa qua, năm 2014, tỷ lệ người hút thuốc đã giảm nhẹ trong khối này, nhưng vẫn chiếm tới 26% dân số. Trái lại, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng lên.

Pháp vẫn là nước có tỷ lệ người hút thuốc cao hơn so với mức trung bình của Liên Hiệp. Năm 2012, con số này là 32%, thì dù đã giảm xuống vào năm 2014, vẫn có 28% người Pháp hút thuốc. Hy Lạp có số lượng người hút thuốc cao nhất, chiếm 38% dân số, tiếp theo là Bulgary, chiếm 35%. Hai nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan có số lượng người hút thuốc ít nhất trong Liên Hiệp, chiếm lần lượt là 11% và 19% dân số.