Monday 8 June 2015

THÁI BÌNH DƯƠNG NỔI SÓNG - VĂN NGUYÊN DƯỠNG

Hoa Kỳ xoay trục về Thái Bình Dương và Đông Á là cơ hội bằng vàng cho Việt Nam thay đổi cơ chế chính trị và Thoát Trung. Ngược lại, nếu các lãnh tụ CSVN còn u mê, đất nước sẽ không thoát khỏi ách thống trị của kẻ thù Phương Bắc một lần nữa.

Trước sự lộng hành của Trung Quốc, với những cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988, vẽ bản đồ với 9 đoạn lưỡi bò và tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh hải đó bao gồm hơn 80% của Biển Đông Nam Á -thường được gọi là South China Sea. Các hành động  cường bạo đó tạo nên sự chống đối và tranh chấp về các nhóm quần đảo trong vùng biển này. 

Tuy nhiên, những hành động trên chỉ là những bước đầu tiên của kế hoạch rộng lớn tuần tự "nuốt chửng" các nước Đông Nam Á, như Mao Trach Đông từng chủ trương trước đây, là làm chủ trọn vẹn vùng biển rộng lớn Nam Thái Bình Dương và con đường hàng hải huyết mạch từ đó sang Ấn Độ Dương. Nghĩa là tranh chấp quyền làm chủ nhân độc tôn với Hoa Kỳ vùng Trung Nam Thái Bình Dương, Nam Ấn Độ Dương và Á Châu và xa hơn là viễn ảnh thay thế vai trò hiện tại trên thế giới.

Để thực hiện sách lược vĩ mô đó, bước thứ hai -là bước thử thách quan trọng nhất- dù đang phải đối đầu với sự phản kháng bằng nhiều hình thức của các quốc gia có làn ranh hải phận "9 đoạn lưỡi bò" như Nhật, Phi Luật Tân, Việt Nam, Brunei, Mã Lai...Trung Quốc đã từng kiện Nhật chiếm các hải đảo Điếu Ngư (Diaoyu hay Senkaku) trước Liên Hiệp Quốc năm 2012 cho rằng Nhật đã vi phạm Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong khi chính Trung Quốc đã
dùng bạo lực chiếm đoạt phần lớn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và áp đặt chủ quyền trên Biển Đông Nam Á, ĐƯƠNG NHIÊN CƯỠNG ĐOẠT ít nhất là 160 hải lý của Thềm Lục Địa Việt Nam, 175 hải lý của các Thềm Lục Địa Phi Luật Tân và Mã Lai, tức là chiếm 4/5 Thềm Lục Địa của Việt Nam và 7/8 Thểm Lục Địa của Phi và Ma Lai. Trung Quốc vi phạm thô bạo Luật Biển nói trên của Liên Hiệp Quốc.

Sau đó, Trung Quốc tuyên bố "Vùng Nhận Diện Phòng Không" (ADIZ -Air Defense Identification Zone) trên không phận rộng lớn Biển Hoa Đông (North-East China Sea) tháng 11, năm 2013. Đây là một thử thách lớn của Trung Quốc đối với Nhật, kể cả Nam Hàn, Đài Loan và, dĩ nhiên, người đồng minh lớn của các nước này là Hoa Kỳ. Lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cho hai chiếc B-52 bay ngang không phận của ADIZ đó. Sự kiện này chứng tỏ Hoa Kỳ thực sự tái lập sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Á và Nam Thái Binh Dương. Tiếp theo là liên minh quân sự được tái lập hay tăng cường giữa Hoa Kỳ - Nhật, Hoa Kỳ - Phi Luật Tân, Hoa Kỳ - Úc. Có đến 60% lực lượng quân sự, nhiều nhầt là hái quân, trở lại vùng chiến lược quan trọng này và qua những hiệp ước đó, Hoa Kỳ có thể đóng quân -gồm hải, lục, không quân và thuỷ quân lục chiến- trên một số căn cứ quân sự của Nhật, Phi và Úc, sẵng sàn cho một thế "đối đầu" mới với Trung Quốc.

Trong khi đó, tuy Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí Thư Đảng CSTQ,Tập Cận Bình tuyên bố chủ trương hoà hoãn, không dùng vũ lực tấn công khối đồng minh Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á, nhưng trên thực tế Trung Quốc tiếp tục triển khai âm mưu thôn tính Biển Đông Nam Á và khống chế hành lang hàng hải từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương bằng những hành động thô bạo.

Năm 2014 Trung Quốc đưa Giàn khoan HD 981 vào nhóm đảo Tri Tôn, trong quần đảo Hoàng Sa  thuộc hải phận Việt Nam. Mục đich không phải để khai thác mỏ dầu nhưng để thăm dò phản ứng của Việt Nam, các nước ASEAN, và Hoa Kỳ. Đảng CSVN và chính quyền phản ứng yếu ớt nhưng quần chúng sôi sục biểu tình đòi chính phủ phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Công An lúc đầu còn làm ngơ, nhưng sau đó các cuộc biểu tình từ Nam ra Bắc đều bị đàn áp dã man và dập tắt, gây nên phong trào chống đối rộng lớn của sinh viên và giới trí thức yêu nước đối với Đảng CS, Chính phủ và Công An. Các nước ASEAN  ngỡ ngàng nhưng không có phản ứng nào đáng kể. Riêng Hoa Kỳ quan tâm hơn; đặc biệt Thượng viện ra quyết nghị yêu cầu Trung Cộng phải rút giàn khoan đi. Lần này, Tập Cận Bình nhượng bộ. Người ta chưa rõ lý do chính tại sao Trung Cộng hành xử như vậy? Đây là lần thứ hai Hoa Kỳ can thiệp vào ý đồ chiếm đoạt các quần đảo trong Biển Đông Nam Á, nơi đang diễn ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và hai đồng minh của Hoa Kỳ là Nhật và Phi Luật Tân. Các giới bình luận cho rằng Trung Quốc sẽ không tạo thêm tình trạng bất ổn ở vùng Biển Đông Nam Á, khi Hoa Kỳ tuyên bố không đứng vào bên nào về việc chủ quyền của các quần đảo đang tranh chấp và yêu cầu các nước trong cuộc nên giải quyết các vùng lãnh hải căn cứ trên nền tảng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (The United Nations Convention on the Law of the Sea -UNCLOS, 1982) mà Trung Quốc đã ký năm 1994 với tư cách là một trong 5 ủy viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, chính trong thời gian đó, Trung Quốc không ngừng phát triển lực lượng hải quân và các vũ khí phòng thủ diện địa, như các loại hỏa tiễn DF (DF-21 diệt Hàng Không Mẫu Hạm, DF-41 có tầm bắn xa đến Thủ đô Washington của Hoa Kỳ), nhất là phát triển lớn lao về Không Quân chiến lược. Nhưng điều mà không ai ngờ là Trung Quốc đã triệt để theo đuổi "Giấc Mơ Trung Quốc" quá sớm là làm bá chủ Á Châu, Biển Đông Bắc, hay Hoa Đông (North-East China Sea, bao gồm eo biển Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hải) và Biển Đông Nam Á (South-East Asia Sea) xuyên qua Ấn Độ Dương, qua Hồng Hải, vào Địa Trung Hải, và đến thành phố Venice, thuộc Ý, Âu Châu. Đó là sách lược "Lam Sắc Quốc Thổ", hay "Chiến lược Biển Xanh", bằng cách mở lại con đường hàng hải gọi là "Con Đường Tơ Lụa Biển, Thế kỷ 21". Mặt khác, Trung Quốc còn mở con đường bộ xuyên lục địa, gọi là "Con Đường Tơ Lụa Lục Địa" là hệ thống đường tàu hoả siêu tốc từ biên giới phía tây Trung Quốc xuyên qua Trung Á, Iran, Iraq, Syria, Thổ Nhi Kỳ, rồi cũng đến trạm chót Venice. 

Hai con đường tơ lụa này là hai cánh tay, một một cứng (hard-power) một mềm (soft power), vươn từ Trung tâm Bắc Kinh sang Nam, Trung Á đến châu Âu. Mục đích chính là dùng sức mạnh kinh tế và quân sự loại Hoa Kỳ ra khỏi Á Châu, bao gồm các đại dương và các biển nhỏ hơn của châu lục này. Mục đích quan trọng khác là hai con đường chiến lược này yểm trợ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế đang trên đà tuột dốc của Trung Quốc. Thưc vậy, Tập Cận Bình tuyên bố lập quỹ chi phí lo kiến thiết hai con đường tơ lụa và đóng góp 40 tỉ Mỹ kim để phát triển kinh tế Á Châu, đồng thời kêu gọi thực hiện "Khu Vực Tự Do Mậu Dịch Châu Á-Thái Bình Dương" (Free Trade Area of the Asia-Pacific -FTAAP) với việc cho khai trương Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank -AIIB), được 20 quốc gia tham gia, trong số này có Anh Quốc, Ấn Độ, Brasil... Sách lược kimh tế này cũng nhằm mục đích phản đối và cạnh tranh với "Hiệp Ước Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương" (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, viết gọn là Trans-Pacific Partnership -TPP) do Hoa Kỳ chủ trương và Ngân Hàng Quốc Tế (World Bank), kể cả Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF). Rõ ràng, Trung Quốc nghĩ rằng đã đến thời điểm có đủ sức mạnh quân sự và kinh tế để đẩy lùi Hoa Kỳ ra khỏi Á Châu; xa hơn nữa là vượt qua Hoa Kỳ, trở thành thế lực độc tôn của thế giới. Ưu tiên tiến hành giấc mộng lớn này của Trung Quốc là "Chiến Lược Biển Xanh" nói trên. Tức là mở "Con Đường Tơ Lụa Trên Biển" xuyên Nam Thái Bình Dương trước. 

Mặc dù đã khinh thường luật biển của Liên Hiệp Quốc, ấn định thềm lục địa của mỗi quốc gia ven biển và đại dương tối thiểu là 200 hải lý, Trung Quốc đã ngang nhiên vẽ bản đồ 9 đoạn lưỡi bò ép các nước ven biển phía nam bó sát vào thềm lục địa hạn hẹp từ 25 đến 47 hải lý là tối đa của mình, và tuyên bố chủ quyền trên vùng biển quốc tế rộng lớn 300 triệu km2 trong Biển Đông Nam Á, đánh chiếm Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bọn lãnh tụ Trung Nam Hải vẫn chưa hài lòng, từ năm 2014, chúng đã đưa tàu, phương tiện và nhân lực hùng hậu cấp tốc cạo vét lòng biển lấy cát sạn, bồi đắp, cải tạo các gọng đá, bãi đá hay san hô ngầm (reefs), thành các đảo nhân tạo (artificial islands) trong quẩn đảo Trường Sa, rồi biến các đảo này thành các căn cứ quân sự với các kiến trúc qui mô như bến cảng hải quân, phi đạo, cơ ngơi và hệ thống bố phòng kiên cố. Nếu tính từ hướng bắc xuống, Trung Quốc đã cải tạo và phát triển căn cứ Phú Lâm (Woody Island) trong quần đảo Hoàng Sa thành một căn cứ hải quân quan trọng và 7 đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa: Subi, Gaven, Mischief hay Vành Khăn, Hughes hay Huy Cơ, Fiery Cross hay Chữ Thập, Johnson South hay Gạc Ma, và Cuarteron hay Châu Viên. Đảo nhân tạo nhỏ nhất là Huy Cơ rộng 9.2 hecta, đảo cải tạo quan trọng nhất trong nhóm là Chữ Thập rộng 180 hecta được kiến tạo qui mô như một căn cứ quân sự hiện đại với phi đạo dài 3,000m, bến cảng rộng lớn mà các tàu chiến loại lớn cập bến và ra vào dễ dàng, có thể hoạt động toàn khu vực trục hành lang hàng hải quốc tế từ vùng quần đảo Trường Sa, phía nam Mã Lai và Brunei đến eo biển Malacca của Mã Lai.

Cho đến hiện tại, Trung Quốc đã thiết lập trên toàn khu vực Trường Sa từ những bãi đá chìm thành những căn cứ quân sự với tổng số diện tích 1,692,000 m2 cơ cấu kiến trúc, đều bằng be-tong, và qui cách kiến tạo giống nhau về hình dạng. Một điều cần lưu ý, cũng cho đến hôm nay, Việt Nam còn giữ và đóng quân thường trực 48 tiền đồn trên 29 hòn đảo trong Quần đảo Trường Sa (Tài liệu của Giáo sư Carlyle A. Thayer, kèm ảnh; Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam nói chỉ đóng quân trên 9 đảo nổi và 12 đảo chìm). Tức là vẫn còn chiếm đa số diện tích tổng thể nhưng chưa có một căn cứ quân sự hiện đại như các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trung quốc đóng quân trên 8 đảo, Phi luật tân cũng 8 đảo, Mã Lai 3 đảo. Brunei không có một đảo nào.


Hòn đảo nhân tạo Gaven của Trung Quốc chỉ cách đảo Nam Yết của Việt Nam chừng 5km. Hai căn cứ nhân tạo Hughes và Johnson South cùng nằm chung với nhóm 4 đảo của Việt Nam. Vậy mà, từ suốt 27 năm kể từ khi bị Trung Quốc đánh chiếm một phần quần đảo, Việt Nam chỉ phản ứng yếu ớt, và cũng làm ngơ cả việc cải tạo qui mô của Trung Quốc gần đây. Trong khi đó, Phi Luật Tân đã phát hiện ra và kiện Trung Quốc xâm chiếm các hải đảo và kiến tạo các bãi đá ngầm thành các đảo nói trên đến những cơ quan pháp luật quốc tế... Thử hỏi những phản ứng tự vệ và phản biện yếu ớt của Việt Nam có đủ để giữ những hòn đảo còn lại của tổ quốc trong Quần đảo Trường Sa hay không?

Công trình xây cất trên các đảo nhân tạo đang còn tiếp diễn. Hoa Kỳ phản ứng bằng sự tuyên bố không chấp nhận chủ quyền trên 9 đoạn lưỡi bò và các đảo nhân tạo của Trung quốc. Các nhân vật lãnh đạo chính trị, quân sự, ngoại giao trong chính phủ Obama, kể cả Tổng thống và Phó Tổng Thống, kể cả các nhân vật quan trọng trong Quốc Hội, gần đây trong các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc (UN), Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO), Hợp Tác Kinh Tế Á Châu - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Tổ chức ASEAN, Hội Nghị Cấp Cao ASEAN + 3, Diễn Đàn Hợp Tác Á - Âu (ASEM), Hội nghị Cấp Cao ASEAN-Trung Cộng, Hội nghị Cao Cấp Đông Nam Á (EAS) kể cả các cuộc Đối Thoại tổ chức ở Khách Sạn Shangri-La Singapore (Dialogue Security Conferences in Singapore) cùng có chung luận điệu bảo vệ hành lang hàng hải huyết mạch này của thế giới và phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Tiêu biểu nhất là lời phát biểu của Phát Ngôn viên Toà Bạch Ốc Josh Earnest về quan tâm của TT. Obama: "TT thường xuyên đề cập tới tầm quan trọng của an ninh trên Biển Đông vì nó quan trọng đối với nền an ninh toàn cầu. Do đó, tự do thương mại trên Biển Đông phải được duy trì." Quan tâm của Tổng thống Hoa Kỳ về Biển Đông cũng là quan tâm của các vị nguyên thủ quốc gia Nhật, Phi, Nam Dương, Úc, Mã lai, và Ấn Độ, kể cả Anh quốc và Nga. 

Tuy nhiên, hình như Trung Quốc đã ngang ngược coi thường quan điểm chung về an ninh của hành lang hàng hải quốc tế quan trọng này nên vẫn tiếp tục xây dựng thêm cơ ngơi trên các đảo đã chiếm đoạt của Việt Nam. Trong tháng 5, 2015, chiến đấu cơ Trung Quốc đã mấy lần cảnh giác phi cơ và tàu thám thính Hoa Kỳ ở hải phận quốc tế, gần các đảo đang xây dựng. Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tuần thám trên vùng biên Trường Sa đồng thời các giới chức cao cấp Hoa Kỳ nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay các công tác xây dựng trên các đảo đó. Để phản ứng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố mạnh bạo: "Quyết tâm bảo vệ chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ của Trung Quốc vững như đá." Trước sau gì Trung Quốc cũng vẫn xác quyết chủ quyền trên vùng biển lưỡi bò độc chiếm trong đó có 7 đảo nhân tạo đang còn tiếp tục kiện toàn. Và Trung Quốc đã có những hoạt động tăng kích và khiêu khích trắng trợn hơn để chứng tỏ quyết tâm đó.

Trong tuần lễ cuối tháng 5-2015, Hoa Kỳ ghi nhận thêm Trung Quốc đã đưa các giàn pháo binh di động vào đảo nhân tạo Subi và xây cất hai ngọn hải đăng trên 2 đảo Gạc Ma và Châu Viên. Ngày 26-5-2015, Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng "Chiến Lược Quân Sự của Trung Quốc" bao gồm sách lược phát triển tiềm năng quân sự về Biển Cả (The Ocean), về Ngoại Tầng Khí Quyển (Outer Space), về Lực lượng Nguyên Tử, và về Không Gian Ảo hay Không Gian Mạng (Cyber-Space).  Cuối tháng, trên Diễn Đàn Đối Thoại Shangri-La, ở Singapore, Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter, đã thẳng thắn lên án Trung Quốc "đã vượt quá hàng rào chuẩn mực qui ước quốc tế, vi phạm an ninh khu vực Á Châu-Thái Bình Dương được sự đồng thuận của các nước trong khu vực là ủng hộ hình thức ngoại giao chống lại sự cưỡng bức." Sau đó Ông Carter đến Việt Nam từ 31-5 đến 2-6-2015 hội thảo với Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh và ký một thoả thuận đầu tiên là "Thông Cáo Chung về Viễn Cảnh Hợp Tác Quốc Phòng". Hi vọng sẽ có một hiệp ước quân sự song phương giữa hai nước...trong tương lai để rồi Việt Nam sẽ được Hoa Kỳ tăng cường tiềm năng quân sự cùng hợp tác chống Trung Quốc...và bảo vệ thềm lục địa ở Biển Đông, kể cả các đảo còn lại trong Quần đảo Trường sa !.. Cũng trên diễn đàn này, Thứ Trưởng Quốc Phòng Nga Anatoly Antonow tuyên bố Nga sẽ tiến hành tập trận với đồng minh Brunei ở Biển Đông vào năm 2016. Như vậy là Nga cũng sẽ nhập cuộc; nhưng chưa biết ngả về Hoa Kỳ và đồng minh hay Trung Quốc, hoặc sẽ giúp Brunei chiếm một số ít đảo trong Quần Đảo Trường Sa?.. Năm quốc gia trong Khối Liên Minh Quân Sự FDA (Five Powers Defense Agreement) ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương gồm Anh, Úc, Tân Tây Lan, Mã Lai và Singapore cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc. Ấn Độ cũng lên tiếng cảnh giác.

Tuy nhiên, thái độ của Trung Quốc là bất chấp những hiệp ước an ninh song phương hay đa phương hay đơn độc như vậy. Tờ báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận chính của họ, ngày 26-5-2015 đã viết chi tiết về sự thay đổi nhãn quan thu hẹp phòng thủ diên địa, hải phận mà nhìn xa hơn ra ngoài đại dương, chuyển thế thủ bằng thế công. Tờ báo chỉ trích các nước ngoài...đang bận rộn xen vào chuyện nội bộ của Biển Đông. Tiếp theo là luận điệu cứng rắn cho rằng "Sự xung đột sẽ không tránh khỏi nếu Washington không để yên cho Bắc kinh xây dựng các tiện nghi quân sự trên các đảo đang tranh chấp ở BIển Đông. Chúng tôi (Trung Quốc) không muốn có một cuộc chiến với Hoa Kỳ. Nhưng nếu chiến tranh diễn ra, chúng tôi sẽ tiếp nhận". Song song với luận điệu ví như ở vào thế bị động này, bộ mặt bá quyền hung bạo của Trung Quốc cũng lộ rõ bằng những sự kiện hiển nhiên đang tiếp tục phát triển từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương.
            Một là: Tiếp tục tiến hành "Sách Lược Biển Xanh" tức là kiện toàn "Con Đường Tơ Lụa Trên Biển hay kiện toàn "Sâu Chuổi Ngọc Trai" (Nhất Phiến Trân Châu - String of Pearls) hay là một dãy dài các đảo và căn cứ hàng hải từ đảo Hải Nam xuống Hải Phòng, qua đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, qua 7 đảo nhân tạo Trường Sa, qua Sihanoukville Kampuchia, qua kinh đào Kra (đang được xúc tiến ký kết giữa Trung Quốc và Thái Lan) xuyên Vịnh Thái Lan sang Andaman ở Ấn Độ Dương -tàu chở dầu, vận tải của Trung Quốc có thể thu ngắn hành trình từ 2 đến 5 ngày, hay 1,200 kms vì không cần qua eo biển Malacca- đến Cảng Chittagong Bangladesh, các căn cứ Hambantoba Sri-Lanka và Marao thuộc Quần Đảo Madives, qua căn cứ Ile Cocos thuộc Myanmar (Miến Điện) và qua căn cứ hải quân Gwadar của Pakistan trước khi vào Hồng Hải và đến Venice của Ý (Italy) trên bờ Bắc Địa Trung Hải. Tất cả các đảo, bến cảng, căn cứ nói trên đã được Trung Quốc dùng quyền lực mềm mua chuộc cả rồi.
            Hai là: Khi công bố sách trắng "Chiến Lược Quân Sự của Trung Quốc", phát ngôn viên   Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Đại Tá Dương Vũ Quân, tuyên bố Quân Đội Trung Quốc PLA (People Liberation Army) sẽ phát triển mạnh hơn tiềm năng không lực, nhất là hải lực để đáp ứng nhu cầu mới trong chiến lược toàn cầu mà báo chí Âu-Mỹ gọi là "Chủ trương Can Thiệp Toàn Cầu của Trung Quốc". Chiến lược toàn cầu này được giải thích là Trung Quốc sẽ thay đổi quan niệm phòng thủ diện địa và hải nội vượt ra ngoải lãnh địa và hải phận Trung Quốc mà Dương phát biểu là "Để đáp ứng yêu cầu mới từ lợi ích chiến lược phát triển đất nước, lực lượng vũ trang sẽ tham gia tích cực vào cả hai hợp tác an ninh khu vực và quốc tế lẫn bảo vệ hiệu quả lợi ích của Trung Quốc ở quốc ngoại." Dương giải thích, "Có nghĩa là Trung Quốc chủ trương chiến lược chuyển từ phòng vệ lãnh thổ sang 'phòng vệ lãnh thổ và tấn công' dựa vào sự phát triển của không quân, nhất là sự thay đổi lớn lao của hải quân, với mục đích chuyển trọng tâm phòng vệ nội hải sang 'tăng trưởng phòng vệ nội hải và phòng vệ hải phận quốc tế,' bảo toàn các tuyến giao thông chiến lược." Quan trọng hơn, Dương Vũ Quân luu ý đến trọng tâm chiến lược của Trung Quốc  về "Tầm Nhìn về Vai Trò Toàn Cầu Hơn của Quân Đội Trung Quốc. Rõ ràng, ngoài chủ trương cạnh tranh kinh tế, Trung Quốc còn cạnh tranh với Hoa Kỳ về quân sự để chiếm vị trí số 1 thế giới trong tương lai...

Báo chí thế giới ghi nhận chỉ dấu đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu thực thi sách lược chuyển từ quan niệm phòng thủ sang tấn công bằng đưa nhiều tàu thám thính vào vùng biển Hawaii theo dõi hoạt động của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ và chuẩn bị đụng trận với Hoa Kỳ ở Biển Đông, đúng như lời tuyên bố của Dương Vũ Quân -"China must prepare for potential conflict with with the United States  in the South China Sea while more maritime surveillance vessels are being deployed to Hawaiian waters to monitor the activities of the U.S. Pacific Fleet."
Tất nhiên, trước tiên Hoa Kỳ không thể để cho Trung Quốc ngang nhiên tung hoành ở Biển Đông và hoàn thành "Con Đường Tơ Lụa Trên Biển" và...có thể tuyên bố "Vùng Nhận Diện Phòng Không -ADIZ" trên Biển Đông và trên Quần Đảo Trường Sa.

Ngược lại, các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự Hoa Kỳ cho rằng lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ ở Biển Đông là: "Tự do hàng hải, hàng không, cũng như bảo vệ cam kết tự do hàng hải, hàng không với thế giới với tư cách là cường quốc quân sự số 1 bị thách thức." Biến Đông chiếm giữ địa-lý chính-trị tối ưu, là hành lang hàng hải quan trọng về quân sự và kinh tế từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Nếu Trung Quốc kiểm soát hành lang này sẽ triệt tiêu nền kinh tế của Nhật vì không nhập được 70% dầu khí và không xuất được 45% sản phẩm, Úc bị nghẽn không xuất khẩu dược 2/3 sản lượng và không nhập được 1/2 nhu cầu các mặt, chưa kể đến sự mất mát lớn lao của Hoa Kỳ và các nước Âu Châu cũng như các nước Đông Nam Á, Nam Dương và Ấn Độ. Tất nhiên với sách lược "Xoay Trục về Á Châu và Thái Bình Dương" Hoa Kỳ phải dùng biện pháp cứng rắn để kềm chế tham vọng của Trung Quốc. Sự phảt triển vũ khí tối tân trên không, dưới biển, hoả tiễn tầm xa, phát triển không gian mạng của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tăng kích viễn ảnh Chiến Tranh Thế Giới III.

Các nhà bình luận, chiến lược gia thế giới cho rằng trong hiện tại cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đang tự kềm chế để tránh chiến tranh. Nhưng một khi Trung Quốc còn mang tham vọng vượt qua Hoa Kỳ để làm bá chủ thế giới chiến tranh sẽ bùng nổ. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng một giải pháp hoà bình có thể được Trung Quóc và Hoa Kỳ chấp nhận để cùng chung sống hoà bình lâu dài và cùng nhau hiệp lực chống một kẻ thù chung nguy hiểm hơn...

Còn con đường tiến thoái của Tổ quốc Việt Nam, tôi nghĩ, trong hiện tại nên cố gắng gia nhập Hiệp Ước Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương, nhưng nên thận trọng trong việc ký một hiệp ước liên minh quân sự với Hoa Kỳ. Một hiệp ước như vậy tưởng như là một sinh lộ cho Việt Nam "Thoát Trung", nhưng tàng ẩn nguy cơ diệt vong nếu chiến tranh diễn ra. Lúc đó, đất liền và thềm lục địa Việt Nam sẽ trở thành bãi chiến trường chính, đẫm máu... sẽ bị huỷ diệt. 

Trên đây là hai những lý do thúc đẩy tôi viết luận thuyết PACINTO và lập thuyết "Một nước Việt Nam Trung Lập và Tự Cường.

VĂN NGUYÊN DƯỠNG

Trân Châu Cảng, ngày 6/6/2015