Sunday, 12 July 2015

Bé Như Một Cái Tăm Thu,- S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, cả những người phê phán quyết liệt nhất, cấp tiến nhất, cũng vẫn là những người nằm trong hệ thống, chỉ tìm cách thay đổi, hoàn thiện, bổ khuyết cho hệ thống đó. Chưa ai nghĩ đến sự thay đổi mang tính đoạn tuyệt.”
Phạm Xuân Nguyên 
Đầu năm 2013, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên hân hoan báo một tin vui:
“... một tác phẩm văn chương đầy nhân cảm của nhà văn Lê Tất Điều, sau 47 năm lại tái ngộ độc giả Việt Nam ... Sau 47 năm, Đêm dài một đời của Lê Tất Điều trở lại giản dị và vẫn mới mẻ trong bối cảnh đời sống văn chương đang thiếu những tác phẩm đẹp, lay động thực sự dành cho tuổi mới lớn, trong đời sống mà sự vô cảm đang có sức lây lan mãnh liệt.”
Cuối năm trước, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng đã cho biết một tin vui tương tự:
“Dẫu ra đi trong hoàn cảnh nào, dẫu ở những phương trời nào, đất nước quê hương vẫn là nơi người đi muốn trở về, sau rốt. Võ Phiến được in lại trong nước, dù đang phải dưới bút danh Tràng Thiên, là một tin vui cho tác giả, cho độc giả, là một ích lợi cho văn hóa, văn học nước nhà. Rồi đây những cái có ích như vậy, những cái thực sự là giá trị văn chương, học thuật của cả một đội ngũ những người cầm bút, rộng ra là những người sáng tạo văn học nghệ thuật, của một nửa nước phía Nam thời 1954-1975 chắc sẽ được xuất hiện trở lại nhiều hơn. Văn học còn dè dặt, nhưng âm nhạc thì đã tưng bừng hơn, với sự trở về nước của những giọng ca từng nổi tiếng, quen thuộc, như Chế Linh mới đây, và Khánh Ly tới đây. “Thì Tổ Quốc chật hẹp gì cho trăm con cùng nương náu /Chúng ta không chung một đoạn đường nhưng chung một tương lai.” (Chế Lan Viên).
Và đó là một phúc lớn.”
Phúc thật chứ không phải bỡn đâu!
Không mấy khi những người cầm viết trong nước đề cập đến tác phẩm của đồng nghiệp (“những người sáng tạo văn học nghệ thuật, của một nửa nước phía Nam thời 1954-1975”) đang sống ở hải ngoại, với những lời lẽ ôn tồn và tử tế như thế. Sự bao dung và nhân ái này, dù hiếm hoi và có hơi muộn màng chăng nữa, vẫn là điều nên rất đáng lấy làm trân trọng.
Tuy nhiên, khi bàn đến chuyện “tương lai” và “phúc đức” (để nói cho hết lẽ) tưởng cũng nên nhắc qua về “thảm hoạ” đã xẩy ra trong “quá khứ” cho những tác phẩm, cũng như tác giả, ở miền Nam – gần 40 năm trước:
- “Trước hết là bản thông cáo của Ủy ban Tuyên huấn Thành ủy truyền đi lải nhải suốt cả tuần lễ liền trên đài phát thanh. Nhà nước cấm tàng trữ tất cả mọi loại sách ấn hành dưới chế độ cũ. Nhiều địa điểm được chỉ định để mọi người đem giao nạp sách. Hàng ngày lái xe đạp đi ngang qua cầu Trương-Minh-Giảng, Ba Sinh thấy thiên hạ ùn ùn chở những chiếc xe ba gác chất đầy sách cũ đổ vào sân trường Đại học Vạn Hạnh. Chàng có cảm giác như bị ngộp thở trong một cơn biến động hết sức kinh hoàng.
Nhìn những cuốn sách chồng chất tả tơi trên những chiếc xe nặng nề leo dốc, nhìn những trang sách bị xé rách rã rời bay tung tóe, rơi rải rác trên đường phố, bị những bánh xe vô tình cán qua nhem nhuốc, nhầu nát, Ba Sinh thấy tâm hồn của mình cũng tan nát, tơi tả như thế...” (Nhật Tiến. “Trận Đánh Cuối Cùng Của Một Kẻ Sĩ.” Tiếng Kèn. Westminster: Văn Nghệ, 1982).
- “Đám trẻ xộc vào nhà người ta khuân ra ngoài lề đường từng đống sách báo. Nổi lửa đốt khói lên ngút trời. Một ông lớn tuổi đầu hói mang kính cận dầy cộm chạy ra la giằng lại cuốn sách đóng bìa da to vĩ đại:
- Các cháu ơi cho bác xin, đây là quyển Bách Khoa Từ điển tiếng Tây. Không phải văn hóa đồi trụy.
Chú nhóc miệng còn hôi sữa giằng lại cuốn sách, ném luôn vào thùng phuy đang bốc lửa:
- Đốt hết, đốt hết, sách là đốt. Lệnh trên như vậy.
Ông già ôm mặt khóc bên lề đường. Tôi quay mặt nhìn đi chỗ khác, tôi biết ông cụ. Giáo sư đại học luật, Vũ Đăng Dung. Tiến sĩ luật công pháp quốc tế. Ông cụ ở đường bên cạnh nhà tôi, đường Đinh Công Tráng, con đường nổi tiếng bán bánh xèo..."  (Nguyễn Thụy Long. Viết Trên Gác Bút. Westminster: Văn Nghệ, 1999)
- "Sách báo trên kệ sách trong nhà của tư nhân bị các thanh niên đeo băng đỏ lôi ra hỏa thiêu không thương tiếc. Tại các cửa hàng kinh doanh, sách báo bị thu gom để thiêu hủy, coi như đốt cháy cả cơ nghiệp lẫn con người những cá nhân có liên quan...” (Nguyễn Ngọc Chính – Buồn Vui Thời Điêu Linh: Đốt Sách).
Gần bốn mươi năm sau – sau khi sau khi hàng ngàn tác phẩm, và hàng trăm tác giả của cả một nền văn học bị vu khốngxuyên tạc, đánh phá, quét sạch, tố cáo, truy lùng và thiêu hủy – đã có vài tác phẩm (con số chưa chắc đã đếm đủ 10 đầu ngón tay) của những tác giả lưu vong được phép in lại ở VN. Và điều này đã được nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Hà Nội, mô tả “là một tin vui cho tác giả” và “cho độc giả.”
Tôi thực lòng cũng có lấy làm vui nhưng không thoáng khỏi ray rứt – khi chợt nghĩ  đến những mảnh đời tan nát của những người còn ở lại, hay kẹt lại. Hãy nghe Trúc Phương nói qua về thân phận của chính ông: 
"Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rài đây mai đó, ’bèo dạt hoa trôi’... Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no... Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nổi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được... đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắc, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả. Tôi nghĩ ra được một cách... là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ... Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng... thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta... thế là mình lấy 1 đồng về... như là tiền thế chân...
Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng... Mà nói anh thương... khổ lắm... Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, thế rồi cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát... mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn... Tôi nghĩ mà thôi, còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này...”
Chất liệu, rõ ràng, đã có (và có quá dư) nhưng cơ hội để Trúc Phương viết bài sau này (tiếc thay) không bao giờ đến – theo như tường thuật của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam:
Vào một buổi sáng năm 1996, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân.”
Lê Xuyên, ngó bộ, đỡ bầm dập hơn chút xíu:
“Sau biến cố 75, Lê Xuyên cũng bị liệt vào hàng ngũ ‘biệt kích văn hóa’ và bị cộng sản nhốt tù 7 năm. Được tha ra khỏi tù, ông làm đủ mọi nghề không tên để kiếm sống, và công việc cuối cùng ông làm được nhiều năm, cho tới lúc chết là ngồi bán thuốc lá lẻ bên lề đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn... Từ khi ra khỏi tù, Lê Xuyên sống không hộ khẩu, không được cấp bất cứ một thứ giấy tờ hộ thân gì, khi chết phải nhờ những người sống lâu năm trong xóm làm chứng mới xin được giấy khai tử để mang thiêu.
Như thế, nói Lê Xuyên hưởng thọ 77 tuổi là một cách nói theo thói quen, văn chương chữ nghĩa. Chứ sự thực, có thể coi như Lê Xuyên đã không còn nữa kể từ sau ngày 30 tháng 4, 1975...” (Nguyễn Đình Toàn. Bông Hồng Tạ Ơn, 2nd ed. Westminster: T &T, 2012. Vol.2). Võ Phiến lại có cách nói khác, nặng nề và chính xác hơn, ông gọi những những người cầm viết  còn ở lại quê nhà là những “tài năng bị chôn sống.” Ôi thôi, tưởng gì chớ bị chôn sống thì chết chắc. Mà nói nào ngay thì dù không bị chôn (e) cũng ... chắc chết thôi, hay chỉ sống ngắc ngư, hoặc sống rất lờ vờ – như nhận xét của giáo sư Nguyễn Văn Lục về một người bạn đồng nghiệp cũ: ... sau 1975 ... có mấy mấy nhà văn, nhà báo trong Nam được cầm bút lại như Lý Chánh Trung. Con số đếm chưa hết một bàn tay... Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng nhiệt huyết. Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay.
Mà đâu cần phải đợi đến 1975 mới có cảnh tang thương, dâu bể: 
“Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam. Tôi phải học năm cuối cùng, Tú tài 2, cùng một số ‘lớp Chín hậu phương’, năm sau sẽ sáp nhập thành ‘hệ mười năm’. Số học sinh ‘lớp Chín’ này vào lớp không phải để học, mà là ‘tổ chức Hiệu đoàn’, nhận ‘chỉ thị của Thành đoàn’ rồi ‘phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!’ Họ truy lùng... đốt sách!
Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu đoàn ‘kiểm tra’, lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang ‘tập trung’ tại Thư viện phố Tràng Thi, để đốt. Lửa cháy bập bùng mấy ngày, trong niềm ‘phấn khởi’, lời hô khẩu hiệu ‘quyết tâm’, và ‘phát biểu của bí thư Thành đoàn’: Tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn là... ‘cực kỳ phản động!’. Vào lớp học với những ‘phê bình, kiểm thảo... cảnh giác, lập trường”. ( Hồi Ký của một người Hà Nội- Nguyễn Văn Luận)
Cứ nhìn những khuôn mặt nhầu nát của Văn Cao, Trần Dần, Đặng Đình Hưng,  Nguyễn Mạnh Tường... thì người ta biết ngay họ đã sống dở (và chết dở) ra sao – từ sau 1954.
Tôi có quá lời không, hay có cố chấp quá không khi cứ nhắc lại những chuyện đã cũ, và những người đã khuất. Không đâu. Đây là chuyện mới tinh, mới xẩy ra năm ngoái – theo tường thật của phóng viên Đỗ Hiếu, từ RFA:
“Nhân dịp Lễ Vu Lan, rằm tháng 7 âm lịch, chùa Liên Trì tại Saigon tổ chức phát quà từ thiện cho một số thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, cựu tù nhân chính trị, tôn giáo, thân nhân các nhà dân chủ, vào sáng hôm qua.
Theo thông tin do các nhà dân chủ từ Việt Nam chuyển ra thì một số nhân vật bất đồng chính kiến, thân nhân các tù nhân chính trị còn bị giam cầm, dân oan bị công an bám sát mấy hôm nay, nhà cửa bị canh chừng, nhiều người đến chùa Liên Trì tham dự lễ Vu Lan, khi ra về đã bị công an bắt.” 
 
 Photo courtesy of hoilatraloi.blogspot.com
Thì Tổ Quốc chật hẹp gì cho trăm con cùng nương náu/ Chúng ta không chung một đoạn đường nhưng chung một tương lai.” (Chế Lan Viên).
Tổ quốc (tất nhiên) không “chật hẹp gì cho trăm con cùng nương náu” nhưng chúng ta làm sao có được “tương lai” khi quê hương đất nước vẫn bị kìm chặt bởi những kẻ cầm quyền mà tầm nhìn thì chỉ thấp như con kiến, và lòng dạ thì bé xíu không hơn một cái cây tăm – như thế?