Wednesday, 1 July 2015

Nỗi Bất An Giữa Thời Tan Rã - Tưởng Năng Tiến


BHXH





Vấn đề với chủ nghĩa xã hội là tới lúc nào đó nó sẽ dùng hết tiền của người khác.
Margaret Thatcher


Tôi rời Cali đã lâu. Đủ lâu để bắt đầu thấy nhớ ánh nắng  dịu dàng của Thung Lũng Hoa Vàng, và thèm tô phở gà (Nguyễn Huệ) trên phố Bolsa. Nắng Phnom Penh không chỉ chói chang mà còn nóng bỏng, và phở Nam Vang thì vô cùng nhạt nhẽo, và hoàn toàn không có mùi vị gì ráo trọi. Nó gần giống như cái thứ hủ tíu ăn liền ở một quán ăn xa xôi, nghèo nàn (nào đó) dù luôn có thịt bò tươi. Rất tươi và cũng rất dai, mười tô như chục.
Thiệt là hoạ vô đơn chí: nóng chịu không thấu; dở nuốt không vô. May mà có bia, đời còn dễ thương!
Có ai ngờ California (cứ tưởng là chốn tạm dung) lại có thể hoá “ngang” thành một thứ… quê hương thứ hai cho những hạt bụi đường viễn xứ, và mọi thứ đến từ “quê mình” đều bỗng trở nên gần gũi  – kể cả email.

Hôm rồi, ký giả Nguyễn Tuyển gửi thư tâm tình: “Tác giả Đèn Cù tới Quận Cam. Tôi có ngồi nói chuyện với ông ấy nhưng không được nhiều vì bận làm tin cho tờ báo. Ông có vẻ lạc quan, tin rằng chỉ hai ba năm nữa là chúng nó có thể sập. Dựa vào sự oán ghét, căm hận của người dân khắp nơi, ông ấy bảo Việt Nam như cái nồi nước sôi mà đậy nắp kín, thế nào cũng phải bung.”
Sự “lạc quan” của Trần Đĩnh khiến tôi nhớ đến một người cầm bút khác: Trần Khải Thanh Thủy. Mùa Hè năm kia, khi chúng tôi đang cùng Phan Quang Tuệ và Đỗ Thành Công ngồi bệt trước Lãnh Sự Quán (của nhà đương cuộc Hà Nội) ở San Francisco, cô bỗng nhỏ giọng nghiêm trang: “Chỉ vàtháng nữlà chúng nó đổ thôi. Quỹ hưu trí cạtiệrồi, anh .”
“Chúng nó” (rõ ràng) đã không “đổ” như Trần Khải Thanh Thuỷ mong đợi, và không chắc sẽ “xập” như Trần Đĩnh dự đoán. Chúng ta vẫn thường không nhìn thực tại như nó là mà chỉ như mình muốn. Đây là tâm cảm bình thường và tự nhiên của mọi người trước hiện cảnh bức bối (và bí lối) hiện nay của đất nước.
Không phải ai cũng chia sẻ sự lạc quan và ước vọng của Trần Đĩnh và Trần Khải Thanh Thủy nhưng tất cả (tôi nói lại: tấcả) đều rất bi quan về tương lai của chế độ hiện hành. Chín mươi ngàn công nhân của Pouen, cùng đồng nghiệp ở những Long An, Tây Ninh, Tiền Giang đã lãng công (hồi tháng ba vừa qua) để phản đối điều 60 Luật BHXH  – điều luật chỉ cho phép người lao động nhận tiền BHXH một lần khi về hưu – chính vì họ nghi ngại về khả năng giữ tiền (và giữ quyền) của Nhà Nước trong những ngày tháng tới.
BHXH 1
Ảnh: tuoitre.vn
Mọi giới chức có thẩm quyền, và có liên quan đến vấn đề BHXH, đều biết (rõ) như thế nhưng không ai dám thừa nhận như vậy. Tất cả đều chỉ nói dối quanh:
  • Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng: Việc công nhân phản ứng Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do công tác tuyên truyền đến phổ biến pháp luật chưa tốt nên khi động đến lợi ích trước mắt là có phản ứng dù luật chưa có hiệu lực.
Có lẽ đây là lời nói dối trơ tráo nhất của ông Hùng. Luật BHXH mới được cái quốc hội của ông ta thảo luận “chui” và thông qua “lén,” có dám cho ai biết đâu (cho tới khi công bố) mà bảo rằng “công tác tuyên truyền … chưa tốt.”
  • Thứ Thứ Trưởng Lao Động Thương binh và Xã hội Phạm Minh HuânCần làm cho người lao động hiểu rằng việc tích lũy để sau này có điều kiện hưởng lương hưu chắc chắn tốt hơn nhiều so với lĩnh một lần.
 Vấn đề không phải là “không hiểu” mà là “không tin,” Giời ạ! Ai cũng hiểu cả nhưng không ai tin rằng chế độ hiện tại có thể tồn tại đến “sau này” nên mọi người đều muốn nhận một cục tiền (và nhận liền) cho nó chắc ăn.
  • Vụ Phó BHXH Nguyễn Duy Cường: Không tính đến yếu tố trượt giá, nếu người lao động tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu thì lợi ích thu đượcsẽ lớn gấp 4-5 lần so với việc nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Coi: “Gửi Tiết Kiệm Một Chỉ Vàng Nhận Lại Một Ổ Bánh Mì Thịt” / “Gửi Tiết Kiệm 20 Năm, Một Căn Hộ Còn Ba Tô Phở” Tin tức hàng ngày nhan nhản như thế này trên mặt báo mà ông Cường lại nhất định “không tính đến yếu tố trượt giá” thì có bỏ mẹ con người ta không cơ chứ. Sao mà ông “tính” ngu vậy?
  • Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim NgânVề quan điểm, mục tiêu khi xây dựng điều 60 Luật BHXH là đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp với xu hướng quốc tế, hướng đến chiến lược an sinh lâu dài cho người lao động.
Quả là đúng xu hướng quốc tế thật nhưng ở những quốc gia khác qũy BHXH được điều hành bởi một chính quyền khả tín. Cái Đảng và Nhà Nước của bà Kim Ngân (tiếc thay) lại là một tập đoàn thống trị vô cùng bất nhân, bất nghĩa, và bất tín nên không hề có được chút tín nhiệm nào cả – từ bất cứ ai. Đừng nói chi đến chuyện “an sinh lâu dài cho người lao động,” ngay giờ đây đã có tiếng cảnh báo rồi: “ Việc nhà nước Việt Nam vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian, khi nào thì công bố chính thức mà thôi.
  • Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền : Nội dung Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là phù hợp với xu hướng phát triển chung, đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Cũng như bà Kim Ngân, bà Hải Chuyền phát biểu không có gì sai. Cả hai bà, cùng tất cả qúi vị có chức danh thượng  dẫn, chỉ đều không ai chịu nói thật thôi.
Sự thực là ở Việt Nam, cũng như ở Tầu, không ai cảm thấy an tâm về hiện cảnh cả.
Hãy nghe Tiến Sĩ Alan Phan nói qua về tình trạng ở Tầu:
“Theo một nghiên khảo của Hurun Consulting Group tại Shanghai, có 64% nhà giàu tại Trung Quốc đã và đang lên kế hoạch để xin di cư ra nước ngoài. Nhà giàu được định nghĩa là có tài sản hơn 12 triệu RMB (hay khoảng 1.8 triệu USD). Điểm đến mong ước? Mỹ (52%), Canada (21%), Úc (9%) và châu Âu (7%). Hai phần ba số người trên sẵn sàng bỏ quốc tịch Trung Quốc.”
BHXH 2
Nguồn ảnh: vnmedia.vn
Từ Ba Lan, nhà báo Maciej Michalek cũng có nhận xét tương tự:
“Họ gửi con cái đi học nước ngoài, chuyển tiền ra nước ngoài, cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để có được hộ chiếu của các nước khác, và cuối cùng, nếu có thể, họ di cư để tìm kiếm một nơi tốt hơn để sống. Điều này cho thấy sự thiếu tin tưởng giữa chính phủ và các doanh nghiệp, cũng như sự thiếu niềm tin vào tương lai của người dân Trung Quốc tại chính quê hương của mình.”
Hiện trạng Việt Nam, tất nhiên, cũng không thể khác.  Từ Hà Nội phóng viên Luke Bùi có bài tường thuật (“Người Giầu Ở Hà Nội Tìm Đường Sang Mỹ”) chi tiết:
“Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam sắp vượt trần, phân hóa giàu-nghèo ngày càng cách biệt, đời sống xã hội có nhiều rủi ro, giới giàu có ở Hà Nội đang ráo riết tìm đường định cư ở Mỹ để bảo toàn khối tài sản.
Có mặt tại Hà Nội trong những ngày này, người ta không khó để bắt gặp những chiếc xe BMW, Bentley, Roll-Royce bóng lộn, trị giá cả vài trăm ngàn đô la xuất hiện ngạo nghễ trên những con phố chật hẹp. Nhưng trong tầm mắt của du khách cũng có cả những người buôn thúng, bán bưng chật vật với chuyện kiếm được dăm ba chục ngàn đồng mỗi ngày. Quang cảnh khiến người ta nhớ đến khái niệm ‘phồn vinh giả tạo’ mà một nhà thơ đã dùng để miêu tả thời thế…
Mà Hà Nội bây giờ không chỉ có mình Ciputra, người ta có thể kể thêm một loạt những The Manor, Indochina, Pacific Palace, Golden West Lake… như là minh chứng về đẳng cấp của giới thượng lưu tại thủ đô.
Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng ấy có khi là tâm thế bất an trước thời cuộc… Điều này được minh chứng trong thực tế. Gần đây, các buổi hội thảo giới thiệu chương trình đầu tư định cư EB-5 lấy thẻ xanh Mỹ được tổ chức dồn dập ngay tại thủ đô Hà Nội và thường không còn một chỗ trống.
Bình quân sau mỗi buổi hội thảo, công ty định cư làm thủ tục cho hàng chục khách hàng với phí dịch vụ khoảng hơn $40,000/trường hợp. Tuy vậy, theo một doanh nhân làm lĩnh vực môi giới định cư cho biết thách thức lớn nhất đối với công ty ông và các luật sư đối tác là chứng minh nguồn gốc tài sản của khách hàng…”
Nếu quí bà (Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Thị Hải Chuyền…) và quí ông (Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Minh Huân, Nguyễn Duy Cường…) đều là những người nghèo, không ai có tài sản gì ráo trọi để mà phải lo tẩu tán, và tất cả đều tin tưởng tuyệt đối vào sự bền vững của chế độ mà mình đang phục vụ thì cho tôi chân thành ngỏ lời xin lỗi vì đã có những lời lẽ xúc phạm đến quí vị. Bằng không, tôi xin mượn ý của một nhà văn Việt Nam để kết thúc bài viết ngắn ngủi này:
 “Giá các ông ấy cứ ăn nhưng đừng giảng dậy đạo đức cho mình thì dễ chịu hơn.” (Bùi Ngọc Tấn. Biển Và Chim Bói CáHội Nhà Văn. Hà Nội: 2008).
Tác phẩm thượng dẫn đã được chuyển dịch sang Pháp ngữ (La Mer et le Matin-Pêcheur) bởi dịch giả Tây Hà, và được trao giải Henri Queffélec. Khi được biên tập viên Mặc Lâm (RFA) yêu cầu tóm gọn đôi lời về cuốn sách này, tác giả đã phát biểu như sau:
 “Tôi chỉ có thể tóm tắt lại như thế này, đây là sử thi, quyển tiểu thuyết sử thi thời sự tan rã. Tan rã trong hệ tư tưởng, tan rã trong quan hệ sản xuất, nghĩa là tan rã trong ý thức hệ, tan rã trong quan hệ giữa người với người.”
Tưởng Năng Tiến