Wednesday 1 July 2015

Spielberg, 40 năm bộ phim Hàm Cá Mập - Tuấn Thảo (TẠP CHÍ VĂN HÓA)

Spielberg, 40 năm bộ phim Hàm Cá Mập
Hàm Cá Mập chỉ tốn 9 triệu đô la nhưng thu về 470 triệu đô la - DR

Mùa hè năm 1975, tức cách đây đúng 40 năm, bộ phim mang tựa đề Jaws Hàm Răng Cá Mập được công chiếu rộng rãi ở Hoa Kỳ. Vào thời ấy, không ai ngờ rằng bộ phim của đạo diễn mà chẳng ai biết đến lại nhanh chóng biến thành một hiện tượng toàn cầu. Nhờ vào cú đột phá ngoạn mục này mà Steven Spielberg trở thành một trong những tên tuổi lẫy lừng nhất Hollywood.

Chi phí thực hiện bộ phim Hàm Răng Cá Mập là khoảng 4 triệu đô la, do bị trễ nải nên lên tới gần 9 triệu, nhưng doanh thu sau đó lại được nhân lên gấp 50 lần. Nói cho thật chính xác là 52 lần vì bộ phim này đã thu về cho hãng phim Universal Studio hơn 470 triệu đô la toàn cầu. Tuy nhiên, khi đoàn làm phim bấm máy khởi quay, không có gì dự báo là bộ phim Hàm Răng Cá Mập sẽ ăn khách.


Trong suốt quá trình thực hiện, bộ phim gặp nhiều trục trặc kỹ thuật, lịch làm việc gặp nhiều chậm trễ, cho nên suýt nữa dự án này bị gián đoạn. Hồi tưởng lại giai đoạn này, Steven Spielberg gọi đó là một cơn ác mộng, lúc nào cũng như chứng đau răng âm ỉ nên buộc phải nhổ, lúc nào cũng như có lửa đốt trong bụng khiến ông đứng ngồi không yên, vóc dáng tiều tụy hao gầy, xuống đến 10 cân do biếng ăn mất ngủ.

Hàm Răng Cá Mập (Jaws) là bộ phim truyện thứ hai của đạo diễn Steven Spielberg, lúc đó mới 28 tuổi, dựa trên quyển tiểu thuyết best seller của Peter Benchley, do nhà xuất bản Doubleday Publishing phát hành vào năm 1974. Do quyển sách này thu hút rất nhiều độc giả, cho nên hãng phim Universal mới quyết định chuyển thể thành phim truyện. Chỉ có điều là kịch bản phóng tác rất kém, quá nhiều nhân vật và tuyến truyện, đâm ra phức tạp khó hiểu.

Làm phim đau đớn, nhức nhối nhổ răng

Khi thừa hưởng dự án này, đạo diễn Spielberg đã viết lại toàn bộ kịch bản, ông tập trung khai thác mối hiểm nguy rình rập qua hình tượng hoán dụ của hàm răng sắc bén dao mài. Nội dung bộ phim đơn thuần nói về các đợt tấn công của một con cá mập trắng khổng lồ dữ tợn ngoài khơi bờ biển phía đông Hoa Kỳ.

Bất chấp những lời cảnh báo, cũng như mức độ rủi ro đối với du khách, giới kinh doanh ngành du lịch khách sạn vẫn muốn biến địa điểm này thành một trạm nghỉ mát ven biển lý tưởng. Thế nhưng Jaws còn là một câu chuyện ngụ ngôn đầy ẩn ý : cá mập chuyên săn mồi do bản năng tự nhiên, con người hảm hại đồng loại là do tính ích kỷ tham lam, lòng thâm độc nham hiểm.

Kịch bản phác thảo trên giấy có vẻ rất đơn giản, nhưng tới khi bấm máy uay phim thì chẳng đơn giản một chút nào. Trong suốt quá trình thực hiện, không có gì xảy ra đúng như kế hoạch dự tính ban đầu. Spielberg do rất ngỡng mộ phong trào điện ảnh Làn sóng mới của Pháp, đã quyết định quay phim với cảnh thật với ánh sáng ban ngày trong môi trường hoang dã thiên nhiên.

Ý tưởng này rất đáng khen ngợi nhưng lại vô cùng phức tạp để đạt được kết quả mong muốn : những thay đổi bất thường của thời tiết, ánh sáng tự nhiên chỉ đủ để quay vài giờ mỗi ngày. Các cuộc đua du thuyền ngoài khơi Martha’s Vineyard khiến cho đạo diễn càng thêm nhức đầu. Đoàn làm phim buộc phải chờ đợi cho tới khi các chiếc thuyền buồm cuối cùng rời khỏi chân trời, ra ngoài khung ảnh thì họ mới có thể bắt đầu bấm máy quay phim.

Cá mập khổng lồ, đoàn phim khổ lòng

Để làm y như thật, đoàn làm phim đã chế tạo những con cá mập bằng chất liệu hỗn hợp, ở bên trong có gắn máy móc điều khiển. Mỗi con cá như vậy nặng gần cả ngàn kí lô, chi phí lên đến 150.000 đô la. Tốn kém thì nhiều mà hiệu quả chẳng bao nhiêu : khi thả vào nước, cá mập không hề trôi nổi mà luôn bị chìm xuống đáy do nó cồng kềnh quá nặng. Nước mặn, muối biển làm cho máy móc nhanh chóng bị sét rỉ. Rốt cuộc, đoàn làm phim đành phải dùng thợ lặn, xe có gắn dây để kéo con cá mập cho nó có thể trồi lên, lội sát mặt nước. Cá mập càng khổng lồ, đoàn phim càng khổ lòng.

Trong cái khó lại ló cái khôn, đạo diễn Steven Spielberg nhận ra ông cần phải làm khác với dự tính ban đầu, khi quay phim ông hy vọng rằng công chúng sẽ không bật cười khi nhìn thấy cái hàm răng giả tạo của con cá mập bằng nhựa …. Nhà làm phim khéo léo khai thác sự hồi hộp nhỏ giọt, ít cho khán giả thấy tận mắt mà buộc người phải đoán những gì đang xảy ra ở ngoài màn hình. Đạo diễn này sử dụng tài tình thủ pháp ngoại khung, ông quay cận ảnh một nhân vật đang bơi, nhưng bỗng nhiên lại bị tấn công bởi một con quái vật từ dưới đáy nước. Người xem không thấy cá mập nhưng vẫn hồi hộp vì mối hiểm nguy rình rập bốn bề, tiềm ẩn tứ phía. Nhạc nền của phim lặp đi lặp lại, càng lúc càng dồn dập, mô phỏng theo nhịp đánh trống tim thình thịch thoi thóp ….
Từ một khuyết điểm, đạo diễn Steven Spielberg lại biến diễn tiến câu chuyện thành một ưu điểm. Công nghệ kỹ xảo giữa những năm 1970 không tối tân hiện đại như thời nay, nhưng bộ phim Hàm răng cá mập lại gay cấn nghẹt thở nhờ chỗ ít cho thấy hơn là trực diện tường tận. Cứ vào mỗi buổi tối ông chỉnh sửa các chi tiết kịch bản cho đến nửa khuya, rồi đem ra quay thử vào ngày hôm sau.
Các diễn viên đôi khi khám phá các lời thoại của họ vào giờ phút cuối, và thường là rất khác với kịch bản gốc mà họ đã đọc khi ký hợp đồng đóng phim. Tất cả mọi thứ phải được hoàn tất trước Independance Day ngày 04 tháng Bảy, ngày lễ Độc lập của nước Mỹ cũng là ngày khai mạc mùa chiếu phim thương mại nhân dịp hè. Nhưng rốt cuộc đạo diễn Steven Spielberg sẽ không làm kịp thời hạn, vì sau khi quay phim còn phải có thêm phần hậu kỳ.
Các nhà sản xuất của hãng phim Universal bắt đầu hoảng sợ : ngân sách leo thang vùn vụt, vượt quá bốn triệu đô la kinh phí ban đầu. Điều đó không hẳn là do phí tổn quay phim, mà chủ yếu là các phụ phí bất ngờ. Vào mùa hè tại trạm ngỉ mát Martha's Vineyard, giá phòng khách sạn tăng gấp ba lần, tiền thuê xe hơi hay các thiết bị lặn cũng vậy. Nhưng đã phóng lao thì đành phải theo lao, hãng phim đắn đo lắm đành phải buộc chi thêm tiền để hoàn tất cuộn phim nhưng vẫn không chắc sẽ thu hồi vốn, do kế hoạch phát hành phim bị dời lại tới mùa hè năm sau.
Đạo diễn Steven Spielberg lúc đó vẫn còn non tay nghề suýt nữa bị đuổi việc, các nhà sản xuất từng đề nghị với ban giám đốc một số đạo diễn khác thâm niên hơn để thay thế. Nhắc lại giai đoạn này, nhà làm phim cho biết ông bàng hoàng như một người mộng du, sửng sốt như một kẻ sống sót sau một trận động đất, nhưng ông vẫn phấn đấu cho tới cùng để giữ nguyên tay lái. Theo đạo diễn Spielberg, nếu một người khác đến quay phim thì hẳn chắc họ sẽ quay thêm những hình ảnh cho thấy tận mắt con cá mập và như vậy sẽ phá hỏng quan điểm sáng tạo của ông.
Sau hơn hai tháng chậm trễ, bộ phim Jaws cuối cùng cũng được hoàn tất vào ngày 15 tháng Chín. Tưởng chừng là tai họa đã qua, nào ngờ trong những tháng sau đó, không khí lại càng gay go hơn. Đạo diễn Spielberg trong suốt giai đoạn lồng âm thanh, buộc phải trổ tài hùng biện trước các nhà sản xuất, để họ không xen vào công việc dựng phim, để rồi cắt xén chỉnh sửa bộ phim của ông. Từ kinh nghiệm ‘’xương máu’’ ấy, mà sau này cho mỗi dự án làm phim ông luôn cố gắng giữ quyền độc lập, bảo vệ quan điểm cá nhân. Phim được dựng theo chủ ý của nhà đạo diễn (director’s cut) chứ không phải là để chiều lòng giới sản xuất đã bỏ vốn đầu tư vào cuộn phim.
Bộ phim Jaws Hàm Răng Cá Mập được công chiếu vào trung tuần tháng Sáu năm 1975. Đây là lần thứ nhì một bộ phim được phát hành rộng rãi khắp nước Mỹ vì có gần 700 rạp công chiếu cùng lúc. Bộ phim thành công một cách nhanh chóng và ngoạn mục ban đầu tại Bắc Mỹ rồi sau đó trở thành một hiện tượng toàn cầu khi được khai thác tại các quốc gia khác.
470 triệu đô la doanh thu cho một bộ phim với kinh phí khoảng 9 triệu, ngay cả hãng phim Universal cũng không ngờ là bộ phim Jaws lại ăn khách đến như vậy. Nhờ vào thành tích này mà đạo diễn Steven Spielberg trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu, được giới sản xuất ve vãn chiêu dụ, được các hãng phim lớn mời sang hợp tác.
Bản thân đạo diễn Steven Spielberg rất am tường thấu hiểu cách vận hành guồng máy điện ảnh Hollywood, cho nên ông đầu tư khá nhiều thời gian để phát triển các dự án làm phim, xen kẻ các tác phẩm đậm chất nghệ thuật (Amistad, The Color Purple, Schindler's list …. ) với những bộ phim nặng tính thương mại hơn. Sau một loạt phim ăn khách như ‘’quái vật’’ E.T, anh hùng thám hiểm Indiana Jones hay là phim khủng long trong Công viên kỷ Jura, Spielberg được công nhận là một bậc kỳ tài trong lối dẫn dắt câu chuyện (story telling), dựng phim dồn dập, thủ pháp ngoại khung …..
"Hàm Cá Mập" khai phóng phong trào blockbuster
Đối với giới chuyên ngành, thành công vượt bực của bộ phim Jaws tạo ra môt cột mốc quan trọng trong làng phim Hollywood. Nhiều người cho rằng Hàm Răng Cá Mập là bộ phim ‘’bom tấn’’ đầu tiên của Mỹ, cho dù thực tế không hẳn là vậy. Nhưng ít ra, bộ phim Jaws áp đặt mô hình của loại phim blockbuster, chủ yếu xem để tiêu khiển giải trí, được công chiếu rộng rãi để có thể lập kỷ lục doanh thu trong một thời gian ngắn. Mùa chiếu blockbuster thường là vào các dịp lễ lớn, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là những tháng hè, hầu lôi kéo vào rạp hát các khán giả thích ăn kem và bắp rang, có nhiều thời gian nhàn rỗi, phim không quá nặng nề để tâm trí đỡ phải suy nghĩ, khán giả càng bận tâm mệt óc càng cần những giây phút thư giãn.
40 năm sau ngày phát hành bộ phim Jaws, công thức khai thác các bộ phim blockbuster vẫn còn rất thịnh hành tại Hollywood với một sự lạm phát đáng kể về mặt kỹ xảo, đôi khi quá đà quá trớn, chứ ít còn có chuyện làm phim thủ công như vào thời của đạo diễn Spielberg những năm 1970. Thủ công mà vẫn hay, ít kỹ xảo mà vẫn hiệu quả : 40 năm sau ngày ra đời, Hàm Răng Cá Mập vẫn được xem như là một trong những tác phẩm gay cấn hồi hộp nhất lịch sử điện ảnh.
Trên danh sách 100 bộ phim rùng rợn ly kỳ nhất của Viện phim Mỹ (American Film Institute), bộ phim Jaws của Steven Spielberg đứng hạng nhì, chỉ thua có tác phẩm Psycho (phát hành năm 1960) của đạo diễn người Anh Alfred Hitchcock, còn hạng ba là bộ phim The Exorcist (Quỷ Ám phát hành năm 1973) của đạo diễn Mỹ William Friedkin.
Cũng trên danh sách này, đạo diễn Hitchcock chiếm vị trí đầu bảng vì ông là người có nhiều phim nhất với tổng cộng là 9 tác phẩm (trong đó có North by Northwest và The Birds). Steven Spielberg về nhì với 6 bộ phim lọt vào bảng xếp hạng. Đạo diễn Stanley Kubrick đứng hàng thứ ba với tổng cộng là 5 bộ phim. Gay cấn hồi hộp theo lối nhỏ giọt chứ không rùn rợn đến mức kinh tởm, bộ phim Jaws vẫn được giới phê bình đánh giá cao bởi vì đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện của một con ‘’thú dữ’’ săn mồi mà nội dung còn hàm chứa nhiều ngụ ý. Hàm răng sắc bén của cá mập khổng lồ làm cho người ta phải hoảng sợ là chuyện đương nhiên, nhưng đáng gờm hơn nữa là lòng tham con người vô đáy ….. Chỉ cần một con cá mập không thôi, thì người bơi cũng đủ xé xác banh thây huống chi lội với một bầy.