Dưới là một câu chuyện gia đình của Trần Đỗ Cung do ông tự thuật.
Vài hàng về cựu Trung Tá Không Quân Trần Đỗ Cung,tác giả bài bên dưới:
Sinh ngày 28 tháng Ba năm 1922 tại Nho Lâm, Nghệ An.
Chính quán tại Nhị Khê, Hà Đông. Trưởng thành ở Thanh Hóa.
Tốt nghiệp Thành Chung tại Collège de Thanh Hóa, nhập học trường Quốc Học Khải Định Huế và tốt nghiệp Tú Tài toàn phần toán năm 1942.
Ra Hà Nội học môn Toán Chuyên Biệt (Mathématiques Spéciales) ở trường Albert Sarraut và đậu các bằng Toán Học Tổng Quát (Mathématiques Générales), bằng Cơ Học Lý Tưởng (Mécaniques Rationelles) năm 1944 và 1945.
(Có một thời đi theo Việt Minh chống Pháp,rồi hồi cư về Hà Nội nhưng vẫn làm mật báo viên cho Việt Minh,rồi làm việc cho Đại Việt!)
Động viên nhập ngũ năm 1953, du học Pháp Quốc tại trường Không Quân Salon de Provence và tốt nghiệp cuối năm 1955 với bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hàng Không.
Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thanh Niên năm 1964 rồi Tổng Cuộc Trưởng Tổng Cuộc Tiếp Tế 1965-67, ngang hàng Thứ Ủy trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, đương đầu và phá vỡ sự phong tỏa kinh tế Thủ Đô của Việt Cộng.
Về hưu quân đội Tháng Mười 1972 với cấp bậc Trung Tá và vào thương trường cho đến khi mất nước thì may mắn di tản qua Mỹ Tháng Tư 1975 rồi được bảo trợ về định cư tại Monterey California cho đến nay. .
Cuộc đời tác giả Trần Đỗ Cung trải dài hơn 90 năm,đồng hành với các đợt sóng phế hưng của vận nước.Câu chuyện gia đình anh em ông,người thật,việc thật, mang nhiều nét chung tiêu biểu của các gia đình Việt Nam thế hệ thứ nhất ở hải ngoại,xem ra đầy xúc tích và đậm tính lịch sử.Bài hơi dài ,xin kiên nhẫn đọc để ngậm ngùi cho số phận dân tộc và quê hương.
P/s:Trong bài dưới tác giả có viết em ông về hưu rồi phải đánh dậm kiếm sống.Dưới là phác thảo của một người đánh giậm và đồ nghề:
Và dưới là cách đánh dậm :
Tóm lại đó là một nghề mạt hạng của dân cùng đinh Bắc Kỳ!
____________________________
Các ông em tôi.
Trần Đỗ Cung.
Khi bố tôi dậy học tại trường Nguyễn Trường Tộ ở tỉnh Vinh thuộc Nghệ An gia đình chúng tôi đã là bốn đứa cách nhau năm một. Tỉnh Vinh có hai trường tiểu học nổi tiếng là Nguyễn Trường Tộ và Cao Xuân Dục mà tên được đặt với danh tính các nhân sỹ đệ trình Vua những chương trình cải tổ theo Âu Tây. Tôi sanh ra đầu lòng rồi đến em gái độc nhất Bạch Liên kém tôi một tuổi. Sau đến hai em trai Kiệm và Nhượng sàn sàn sinh năm 1924 và 1925. Mẹ tôi nghỉ xả hơi bẩy năm rồi lại cho ra một loạt năm đứa trai nữa sinh hai năm một kể từ năm 1932.
Lúc tôi lên năm tôi thường được Bố cho theo vào lớp Nhất ngồi ở cuối với anh Nguyễn Quang Trình là học trò yêu của Bố và sau này trở thành Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục trong chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong những dịp lễ Tết tôi thường chứng kiến cảnh học trò trọng thầy theo lễ nghĩa Khổng Mạnh. Năm nào cũng đúng mồng Một là cụ thân sinh ra anh Trình và anh Hạp (anh cả sau thành Tham Tá Nguyễn Quang Hạp) cũng là học trò sáng giá của bố, dẫn hai cậu con đem các khay cam Xã Đoài đến lễ. Rồi ông cụ thân sinh, khăn đóng áo giài, đứng kính cẩn chúc Tết trước khi bắt hai cậu trai quỳ phủ phục xuống lạy thầy cũng khăn áo chỉnh tề, theo đúng nền nếp đạo lý Khổng Mạnh Quân-Sư-Phụ. (Nguyễn Quang Côn cựu Thiếu Tá Không Quân tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí Salon de Provence là con út trong gia đình nầy). Sau khi nhận được các khay quà Tết đẹp đẽ mẹ lấy một ít kính cẩn bầy lên bàn thờ Tổ. Rồi còn lại vô số trái cam vàng au, mẹ lấy khăn tay sạch sẽ lau chùi bóng lộn và dùng vôi ăn trầu cẩn thận bôi lên cuống từng trái để giữ cho lâu thối. Các trái này mẹ xếp gọn dưới gầm giường là chỗ mát để dành ăn lần.
Những lúc ở trường về Bố tôi thường gọi bốn đứa ngồi trên phản ngựa để mẹ bưng đĩa cam ra cho ông thưởng thức. Với một con dao bài nhỏ sắc bén Bố thủng thỉnh gọt vòng quanh từng trái một để lộ lớp vỏ cùi trắng ngần dưới các cặp mắt hau háu của lũ con. Rồi Bố trịnh trọng hỏi “đứa nào ăn cùi thì dơ tay lên”. Mọi người đều hồ hởi dơ tay để Bố bóc cùi chia cho vào mồm. Khi Bố nói tiếp, “đứa nào ăn cùi thì không được ăn ruột”, thì chúng tôi tiu nghỉu buồn so trong khi cu Nhượng òa lên khóc nức nở.
Bốn anh em chúng tôi thường chơi với nhau, có những đồ chơi dản di do Bố Mẹ chỉ cách làm như lõi cuộn chỉ cắt bánh răng cưa và dùng giây thung làm lò xo đẩy chạy thành tầu bò và máy bay gấp bằng giấy bay liệng. Mẹ tôi thuộc một gia đình chuyên nghề hàng mã di cư vào từ Nam Định nên cứ Tết Trung Thu lại chỉ cho chúng tôi làm đèn xếp và cả đèn kéo quân thật độc đáo với hình bóng binh sỹ chạy vòng quanh do ngọn đèn dầu nhỏ treo chính giữa tỏa ra sức nóng chuyển động.
Bố thích thể thao nhất là quần vợt nhưng những lúc ở nhà thì cũng viết lách. Ông dịch các truyện trinh thám ăn khách của Conan Doyle như Arsène Lupin mà ông gọi là Lữ Bành Đại Ăn Trộm. Ông lại sưu tầm các thí nghiệm khoa học lý hóa có hình vẽ như Lavoisier, Torricelli, vào thành một tuyển tập lấy tên là Cách Trí Khoái Nghiệm và bỏ tiền in. Tuy nhiên Tây cấm lưu hành lấy cớ là không có phép của các nhà khoa học khiến cho ông mất một món tiền dành dụm. Thật ra Bố tôi bị tình nghi cũng như một số giáo viên thời ấy khi họ đã chuyền tay nhau bản báo chui Le Paria thuộc nhóm Nguyễn Le Patriot của Phan Văn Trường ở Paris mà sau Nguyễn Tất Thành đạo danh là của mình dưới danh hiệu Nguyễn Ái Quốc.
Do đó Bố bị đổi đi làm Hiệu Trưởng Trường Huyện Nghi Lộc. Tuy danh vị là Hiệu Trưởng nhưng vì trường chỉ có đến lớp Nhì Một nên thật ra là giáng chức đặt vào một cái bẫy để mật thám dò chừng. Nghi Lộc hồi ấy đang rất sôi động vì vụ Sô Viết Nghệ Tĩnh. Đầu năm 1932 quan huyện Tôn Thất Hoàn bị thảm sát khi đi thị sát với thầy Đề Lại và sáu lính khố lục. Cả bọn rơi vào ổ phục kích cộng sản và bị giết ném xác xuống sông cửa Hội. Toàn gia theo mẹ đang có mang đem xác quan Huyện về Huế mai táng.
Tri Huyện mới là Trần Mậu Trinh nguyên lính Khố Đỏ là một người đẫy đà, ngực nở, mặt đỏ như say rượu và nổi tiếng sát thủ. Ông ta xin một Trung Đội lính Lê Dương bố trí súng máy canh gác cổng huyện. Đêm đêm nghe tiếng dân biểu tình reo hò vang dậy và tiếng súng máy nổ ran khiến bố mẹ kéo chúng tôi ra các luống rau cải phía sau trường nằm rạp xuống run sợ. Ban ngày khi bốn anh em cùng chơi trước sân trường sát Quốc Lộ Một chúng tôi thường chứng kiến cảnh xác người bị hành quyết cáng ngang chân tay lủng lẳng kinh khiếp.
Rồi Bố được đổi về tỉnh nhà làm Hiệu Trưởng Trường Phủ Hoằng Hoá, do công vận động của mẹ với cụ Tá Lý Bộ Học của Thượng Thư Phạm Quỳnh qua bà Tham Cao là bạn thân của mẹ ở Vinh và là con gái cụ Tá Hoán. Sau một thời gian nghỉ xả hơi mẹ lại sinh thêm bốn đứa con trai cách nhau hai năm một bắt đầu là Tràn Đỗ Lộc và cho đến năm 1943 lại thêm chú út Trần Đỗ Thiện. Mẹ đi tầu hỏa xuôi Nam buôn cau khô và đường phổi Quảng Ngãi và Bố Mẹ đã dành dụm đủ tiền mua được một căn nhà khang trang ở Thanh Hóa. Bốn đứa con đầu nay đã khôn lớn, ba cậu nhập học trường Cao Tiểu Thanh Hóa. Cô con gái Bạch Liên thì công-dung-ngôn-hạnh đủ điều giúp mẹ quán xuyến gia đình giỗ chạp hoặc họp cầm cái Họ.
Tôi sửa soạn thi đậu bằng Cao Tiểu gọi là bằng Đít Lôm trong khi em Kiệm học dưới tôi hai năm và em Nhượng kém ba năm. Trong thời gian này tôi có một anh bạn thân tên là Đỗ Trọng Thuận ở với bà mẹ góa đầu Phố Huế. Anh Thuận có đạo Gia Tô, đầu tóc húi cua, mặc áo giài thâm và đặc biệt luôn luôn có chiếc ô đen máng vào vai phía sau lưng. Trông anh ta đạo mạo như một thầy giòng và có vẻ mến Bạch Liên tuy Mẹ không chịu vì khác đạo. Liên nói mình tụng Nam-Mô trong khi Thuận xưng A-Men nên trắc trở!
Kiệm rất thân với Thuận, luôn luôn cặp kè và đọc những cuốn sách của Dr Victor Pauchet về cách sống và phương pháp gia tăng sức khỏe thể lực cũng như tinh thần. Hai cuốn sách gối đầu tiêu biểu của Kiệm với Bác Sỹ Victor Pauchet là quyển Le Chemin du Bonheur và quyển La Rééducation de Soi. Cuối tuần nào hai bầu bạn cũng rủ nhau lên Núi Mật, leo lên tận mỏm cao nhất, đứng nhìn ngắm thiên nhiên và suy tưởng lý lẽ làm người, con người hùng mạnh về mọi phương diện. Núi Mật là hòn núi đá sừng sững nằm phía Nam tỉnh Thanh.
Trong khi ấy tôi đi học tiếng Anh tại chùa Mật dưới chân núi Mật với Sư Tuệ Chiếu. Sư Tuệ Chiếu mà tục danh là Trương Thế Giám là bạn đồng liêu với Võ Nguyên Giáp ở trường Tư Thục Thăng Long. Ông Giám là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị mật thám Tây truy nã nên đã cạo đầu trở thành Thiền Sư Tuệ Chiếu mai danh ẩn tích tại chùa Mật dưới chân núi Mật Thanh Hóa. Ông ta đã có vợ cũng là một đồng chí cũng cạo đầu nương nhờ cửa Phật dưới đạo danh sư ni Đàm Hướng. Khi vào Sài Gòn sư bà Đàm Hướng lập ra chùa Phước Hòa có rất đông phật tử và nấu cơm chay rất ngon.
Trên San José có ngôi chùa sư nữ Đức Viên nổi tiếng đã được các ni sư nối gót sư bà Đàm Hướng xây dựng lên. Các vị sư nữ đều lấy pháp danh bắt đầu bởi chữ Đàm. Vị sư nữ đầu tiên xây dựng ngôi chùa đẹp đẽ này là sư bà Đàm Lựu nay đã qui tiên rồi đến nay là sư bà Đàm Nhựt trụ trì ở đó. Trong đạo danh, ngoài chữ đầu Đàm theo sư tổ Đàm Hướng ra còn chữ thứ nhì thì dùng chữ đầu theo thứ tự trong chữ cái, bắt đầu bằng chữ H của sư bà Đàm Hướng. Sư Ông Tuệ Chiếu là học trò Bố tôi ở Vinh trong khi Sư Bà Đàm Hướng lại là học trò mẫu giáo của mẹ. Sư Tuệ Chiếu đã bị cộng sản Hà Nội thủ tiêu. Trong sách Thép Đen của Đặng Chí Bình có nói đến trước khi đi Hà Nội công tác anh Bình đã được đưa đến chùa Phước Hòa giới thiệu với Sư Bà Đàm Hướng để nhận lời yêu cầu nhắn Thị Trưởng Thẩm Hoàng Tín tìm xây mộ đàng hoàng cho nam đồng chí bất hạnh.
Riêng em Nhượng thì từ khi sinh ra đã là một con người hưởng thụ, ăn ngon mặc đẹp, tính lười và học hành không cần mẫn mặc dầu ăn roi vọt rất nhiều của Bố. Khác với Kiệm ở chỗ không sắc xảo, Nhượng lúc nào cũng ngủ trưa, không quan tâm gì đến triết lý cuộc sống, và khi cùng đi bơi với các anh không bao giờ ganh đua cả. Mồng Một Tết năm nào chúng tôi cũng rủ nhau lên hồ chứa nông giang nhẩy ùm xuống nước lạnh cóng mở hàng lấy hên cho năm mới. Nhượng không bao giờ dám đi theo hai anh và chỉ ở nhà chùm chăn ngủ trưa cho đến khi mẹ đánh thức uể oải.
Kiệm đậu Thành Chung và vào Huế nhập học Quốc Gia Sư Phạm nối nghiệp Bố. Hồi đảo chính Nhật Bản tháng Ba 1945 Kiệm đã là một giáo viên có hạng trong khi Nhượng vẫn lang bang bất định đọc các truyện kiếm hiệp ba xu. Rồi bắt chước luyện nhỡn quang bằng cách rướn mắt nhìn thẳng mặt trời đến nỗi chỉ chút xíu là bị mù mắt!
Hồi Tây trở lại thì không khí tỉnh Thanh hết sức sôi sục. Việt Minh kêu gọi kháng chiến chống ngoại xâm. Thanh niên hăng hái rủ nhau tòng quân đáp xe lửa xuôi Nam chống quân Pháp với các khí giới thô sơ, gậy gộc, cuốc xẻng và dăm ba khẩu súng săn cũng như những mousqueton cổ lỗ. Lúc ấy trong bốn anh em thì tôi đang là sinh viên Khoa Học tại Hà Nội và tham gia kháng chiến trong Đại Đội Sinh Viên Chiến Đấu. Em gái Bạch Liên cũng hăng hái tòng quân mặc dầu Bố Mẹ cản trở. Kiệm, một thầy giáo mới ra trường, kéo Nhượng nhập đoàn tình nguyện xuôi Nam trên chuyến xe lửa từ ga Thanh Hóa. Đám đông dân chúng tiễn đưa với quà bánh, trao đổi tâm tình và hân hoan cổ võ những chiến binh cách mạng trẻ măng, quần áo tùy tiện mỗi người mặc một kiểu tuy nét mặt rắn rỏi sẵn sàng hy sinh cứu nước.
Bạch Liên gập Trần Thiện Thuật trong chuyến xuôi Nam và hai cô cậu gắn bó. Về sau Thuật bỏ ngang về với nàng(tức Bạch Liên) khiến Kiệm cho lùng bắt để xử tội đào ngũ theo quân luật. Cậu giáo trẻ nhưng đầy hăng hái Trần Đỗ Kiệm đã trở nên một tay lãnh đạo quân sự nổi tiếng. Anh ta tham gia các trận đánh từ trong Nam ra cho đến trận Đèo An Khê thì bị trọng thương. Lúc được đưa về Thanh Hóa giao cho gia đình chữa chạy thì thật là một cái mền rách tả tơi, chân bị bắn què và chấy rận đầy mình. Mẹ rất thương xót lo bồi bổ tận tình trong khi Bố thì tỏ ra hết sức hãnh diện. Sáu tháng sau Kiệm đã hồi phục đôi phần nhưng trong một đêm lại bỏ nhà đi theo đơn vị. Vì thương tật và vì có chữ nghĩa nên Tướng Nguyễn Sơn ở Khu Tư chuyển Kiệm qua làm Chính Ủy. Lúc ấy anh chàng được nhồi lý thuyết Mác Xít, giai cấp đấu tranh và nhanh nhẹn thấu đáo những tư tưởng cách mạng trong đầu óc còn trong trắng để sẵn sàng hấp thụ lý tưởng giúp xã hội tiến lên đại đồng không còn bị bóc lột, ai nấy đều được hưởng theo nhu cầu.
Nhượng chỉ là một cán bộ trung bình không có gì xuất sắc, khả năng lãnh đạo chỉ huy thì giới hạn. Bởi vậy cậu ta chỉ là một quân nhân cơ hội không có sáng kiến, cuộc đời do thời cuộc đẩy đưa.Quân Việt Minh bắt đầu vây hãm thung lũng Điện Biên Phủ. Nhượng cũng nằm trong thành phần, đào giao thông hào khép chặt vòng vây và chịu cảnh đói khát khổ cực sống nhờ sự hỗ trợ của Trung Cộng. Khi Tướng De Castries kéo cờ trắng đầu hàng chấm dứt cuộc chiến là lúc Nhượng được thăng Thiếu Tá và gắn nhiều huy chương danh dự. Nhượng luôn luôn đem theo một hộp bánh quy sắt tây đã hoen rỉ chứa các huy chương hãnh diện. Hồi vào Sài Gòn sau khi cộng sản thống nhất đặt đất nước vào một chế độ hà khắc, Nhượng cũng đã đem theo hộp thiếc này phô trương cùng bố mẹ và các chị em nhưng đã bị Kiệm khua tay nói, “Dẹp những cái vô nghĩa này đi”!
Hai anh em tuy tham gia cách mạng từ đầu nhưng thuộc thánh phần tiểu tư sản nên không được cất nhắc nếu không gột rửa được vết tích của mình. Vì Kiệm có học và đầu óc kiến thức mở mang nên đảng quyết tâm thu nạp. Đảng giới thiệu cho một nữ đồng chí có đôi chút học vấn cấp sơ học. Đó là cô Nguyễn thị Thùy Nga, kém Kiệm 13 tuổi. Hai người lấy nhau năm 1959, sanh được ba con, hai trai một gái. Sau khi chiến tranh chấm dứt Kiệm được xuất ngũ về làm giám thị trường Đại Học Phúc Vĩnh thuôc địa hạt Sơn Tây. Rồi phục viên, nghèo đói phải đi đánh dậm ngày ngày bắt con tôm con tép nuôi gia đình trong cảnh bần hàn cùng cực.
Kiệm vào Sài Gòn cùng Nhượng năm 1976 bằng xe lửa trong lúc hồ hởi chiến thắng Mỹ Ngụy tìm được Bố Mẹ ở với gia đình chú Cẩm(Trần Đỗ Cẩm,em trai tác giả). Trong khi ấy thì Cẩm đang qua các trại tù Hóc Môn rồi Suối Máu, Bù Gia Mập. Hai em thứ Bẩy Trần Đỗ Hoằng và Chín Trần Đỗ Thiện thuộc Pháo Binh cũng đang lê lết trong các trại độc địa Long Thành, Kà Tum và nông trường Củ Chi. Kiệm ăn mặc bệ rạc, đi đôi dép râu nhưng ăn nói đàng hoàng đem theo nồi niêu xoong chảo bẹp dúm và các chăn mền rách nát để cứu giúp Bố Mẹ bần hàn đã bị Mỹ Ngụy bòn rút tận xương tủy. Nhưng khi nhìn thấy cảnh phong lưu tủ lạnh Ti Vi và mẹ nói “sống đến ngày nay là nhờ anh cả “. Kiệm dở chứng nói ngay dưới cập mắt sững sờ của thân mẫu, “Con có nhiệm vụ đi bắt ông anh cả tư bản(tức tác giả). Nhưng chẳng may hắn đã trốn thoát với Mỹ Ngụy”. Về Hà Nội Kiệm có viết một bức thư giài cho Bố Mẹ trong đó có câu “Hai mươi năm qua anh cả(tác giả) đã nuôi Bố Mẹ bằng xương máu nhân dân”. Mẹ rất buồn và từ đó cấm cửa tất cả họ hàng ngoài Bắc vào. Và cụ tức giận đến trở bịnh và qua đời năm 1978 vì bế phổi mà không có trụ sinh. Cũng nên nhắc lại là lúc rục rịch di tản chú Hoá (em thứ tám) làm với Pacific Architect and Engineering đưoc vào DAO với Bố Mẹ chờ lên máy bay ra khỏi Sài Gòn. Nhưng Bố đòi ở lại (chắc vì mong gập lại hai cậu con trai kháng chiến) còn mẹ thì muốn đi lắm nhưng phải theo chồng, bởi vậy Hóa phải nhờ người quen chở các cụ về nhà chú Cẩm. Khi mẹ nằm trên giường bệnh trước lúc lâm chung bà đã dặn con dâu là không được báo tin cho hai đứa con ngoài Bắc.
Nhượng cũng xuất ngũ và vì trước kia làm việc ở sở Nông Giang Thanh Hóa nên được đua vào làm trong ngành thủy sản. Nhượng cũng được cải thành phần và được đảng ghép vợ cho thuộc loại bần cố nông hoàn toàn tên là Ngô thị Kim Nhâm kém chồng 17 tuổi. Nhượng và Kiệm cùng vào Sài Gòn tìm Bố Mẹ. Kiệm ăn nói chững chạc, thưa bẩm đàng hoàng, nhưng khi mẹ bảo các con làm giấy bảo đảm cho các em ra tù vì thuộc diện gia đình cách mạng thì Kiệm gạt ra nói rằng các chú còn trẻ cứ gắng học tập tốt thì được về. Tuy nhiên Nhượng sẵn sàng ký giấy bảo đảm ngay. Bố tôi, theo lời các cô em dâu kể lại, đã nói, “thằng Kiệm là cộng sản thứ thiệt đó. Nó làm theo đảng chớ không theo cảm tình gia đình đâu”! Tuy vậy mẹ vẫn thương tình đưa tiền cho thím Cẩm đi mua khăn mặt bông trắng Mỹ to và mấy kí tôm cùng áo sơ mi quần Tây về đãi các cậu con. Các chú ăn tôm he kho nói rằng tôm ngon quá, Hà Nội không bao giờ có như vậy đâu. Mua sắm các thứ mất mấy chỉ vàng để cho hai ông con lột xác. Tuy vậy lúc nào các cậu cũng đòi đồ U-Xa(nói theo bộ đội chữ USA,hàng Mỹ lúc đó) và Bố nói, “chúng mày xã hội chủ nghĩa mà sao lúc nào cũng đòi U-Xa vậy”? Nhượng vừa nói vừa cười U-Xa tốt hơn nhiều!
Nhượng vào Sài Gòn vài lần nữa nhờ có thuyền của ngành thủy sản. Lần nào cũng xin xỏ được tiền của mẹ đi chợ trời mua sắm. Nực cười khi anh ta đi Chợ Lớn mua được một chiếc xe đạp hí hửng đạp về thì giữa đường xe bị gẫy cụp cổ. Là vì ống xe toàn làm bằng sắt thùng phuy cắt ra chế biến. Có lần dẫn theo vợ vào Nam thì cãi cọ thế nào mà chị vợ trẻ ăn vạ không chịu về nhà chú Cẩm. Về sau Cẩm phải đi tìm và thấy chị dâu ngồi bệt ủ rũ xuống lề đường Trương Minh Giảng nói mãi mới chịu về.
Nhượng giải ngũ chuyển về công tác thủy sản đã được cấp một căn hộ chật hẹp ở ngoại thành Hà Nội. Căn nhà ống bề ngang chưa được ba thước Tây và sâu độ mười thước. Năm 1990 bà thông gia của chúng tôi về Hà Nội thăm mẹ có ghé tìm và đưa biếu chút tiền. Bà ta kể lại đời sống cơ cực quá nghèo nàn. Căn nhà chật hẹp với phòng ngoài vừa ăn vừa ngủ cho một gia đình ba con. Vào trong là sân với bể nước mưa vừa là bếp và chỗ nuôi một con heo. Thím Nhượng Kim Nhâm lo vỗ con heo lớn béo bằng cám và cây chuối thái. Khi heo đã lớn thì hạ thịt đi bán để rồi lại đem cho chú Nhượng chở xe đạp đi về nhà quê thồ con heo con khác nuôi vỗ. Bởi vậy nhà hết sức hôi thối mùi xông lên khủng khiếp.(Sau 1975 tại Sài Gòn,ở chung cư cũ có người ngoài Bắc vào ở hay có cảnh chăn nuôi này.Họ còn ngăn chỗ quẹo của mỗi cầu thang lên xuống,nơi có 1 khoảng vuông phẳng đề chăn nươi hoặc trồng rau "cải thiện".Nước tưới và phân thú hôi thối kinh lắm.Ngưới Sài Gòn gọi đó là mùi Xã Hội Chủ Nghĩa!Trong trại tù và ngoài xã hội đâu cũng có mùi đó!)
Con trai lớn Trần Đức Thành cũng mò vào Sài Gòn năm 1979 nhưng chạy chọt mãi mới được hộ khẩu và ở nhờ nhà chú Cẩm để đi học nghề. Thành đã mở mắt và nói nhỏ với các chú là Bố con đã nhầm đường! Năm 1996 Nhượng viết thư vào Sài Gòn xin các em giúp cho vay 7 ngàn Mỹ Kim để lo cho con gái út Trần thị Cẩm Yến đi Tiệp Khắc qua một đường giây lậu. Cùng lúc tôi có nhận được thư của Trần Đức Thành xin giúp đỡ và tôi đã không trả lời.
Nghe nói Cẩm Yến sau một thời gian vất vả ở lậu đã được tổ chức buôn người lo cho hộ chiếu qua Đức đi làm công cho một gia đình Đức nên chính thức thành dân lập cư ở đó. Cho con gái đi vào đường giây buôn người là một điều bất hạnh trong xã hội Việt nam hiện nay. Tuy nhiên nghe nói may mắn cho Nhượng là nhờ đó mà nhận được tiền con gửi về chu cấp đỡ cơ cực phần nào. Song nợ của bọn buôn người vẫn phải trả. Theo lời thuật lại của con dâu út chú Lộc khi đi qua Đức buôn bán có gập Yến và thấy chị ta làm việc rất vất vả như một nô lệ để trả nợ bọn buôn người thôi thúc. Năm ngoái Yến có về Sài Gòn nhưng không dám ra Hà Nội. Yến chỉ mua vé máy bay gửi ra cho bố mẹ vào thăm con để nhận chút tiền con đem về. Thật là thảm cảnh bi đát của một gia đình chiến binh xả thân xây dựng chế độ ưu việt. Chiến sỹ Trần Đỗ Nhượng đánh trận Điện Biên ngày nào giờ chỉ còn hộp bích quy rỉ xét đựng các huy chương vô nghĩa trong xã hội tư bản đỏ ác độc.
Đầu tháng Tám năm 1988 tôi nhận được một bức thư bất ngờ đề ngày 1-6-1988 của Kiệm. Thật là một việc hi hữu vì hai anh em không có liên lạc đã hơn bốn chục năm. Thơ viết tay giài hai trang giấy, lời lẽ khiêm tốn lễ độ và ân cần, không xin xỏ giúp đỡ, đúng mực thước của một nhà mô phạm. Kiệm nhắc lại những kỷ niệm xa xưa, những lúc nằm sấp ăn roi mây của Bố. Mở đầu Kiệm thưa gửi “Hai Bác” rồi thăm hỏi chí tình chớ không nhắc đến câu anh cả nuôi bố mẹ bằng xương máu nhân dân nữa! Kiệm có nói lời xin lỗi về những lời lẽ hỗn hào trong quá khứ. Trong thư trả lời đề ngày 3-7-1988 tôi viết hai anh em xa nhau đã 43 năm khi tôi theo Đại Học Hà Nội còn Kiệm thì đang học Sư Phạm tại Huế. Tôi kể lại những công tác yêu nước chống Tây tôi đã tham gia trước khi nhận thấy bộ mặt thật của cộng sản nên đã đào thoát về với chính nghĩa quốc gia. Mục đích là để cho cậu em biết là có nhiều cách ái quốc mà con đường Kiệm đi bây giờ mới thấy trắc trở.
Tôi viết: ”Vừa ở Trung Quốc về thì nhận được thư Kiệm cho biết tin tức đời sống và gia đình. Anh chị rất mừng là đời sống hai em đã tương đối ổn định và thím Kiệm tuy ít học nhưng chịu khó lao động nên đã giúp nuôi được các cháu nay đã trưởng thành và tự lập. Anh chị có lời khen công lao của thím đó. Câu đầu anh nói là Kiệm đừng xưng hô với anh chị bằng ‘hai bác’. Tuy là danh xưng cổ truyền nhưng anh thấy có vẻ xa cách lắm. Nên gọi là ‘anh chị’ hay ‘anh chị cả’ thì gần gũi hơn. Kiệm nói là hai anh em mình xa cách nhau nhiều và lâu lắm trong số anh chị em. Đúng ra là 53 năm khi anh còn ở Đại Học Khoa Học Hà Nội và Kiệm đang theo sư phạm Huế. Rồi tình thế thay đổi nhanh chóng, mỗi người đi theo một con đường do thời cuộc đưa đẩy. Khi nhờ phúc nhà anh chị qua được đất tự do với hai bàn tay trắng, anh đã làm lại cuộc đời từ con số không. Năm cháu đã xong bậc Đại Học ở đây và đã nên người có danh phận trong xã hội mới. Và cũng nhờ vậy mà bảo đảm được cho con chú Bẩy và Lộc vượt biển qua đây. Nay hai cháu đã đậu đạt cao, kỹ thuật giỏi, có chân đứng vững trong từng lớp cao của xã hội tư bản này.
Kiệm có nhắc là trong quá khứ đã có những hành động hay lời nói lầm lỡ. Thì chuyện cũ bỏ qua đi cũng phải. Nhưng sai thì nhận sai và tránh vết xe đi trước thì lương tâm thanh thản hơn và đời sống nhẹ nhàng. Anh du ngoạn Trung Quốc, mắt nhìn thấy nước người mà ngậm ngùi cho nước mình vì họ có những lãnh đạo hiểu thời thế. Dân họ chưa có trình độ cao như ở các nước mở mang nhưng họ sẽ nhanh tiến vì thật ra họ cần cù, thật thà và trật tự. Thư sau anh sẽ bàn với Kiệm vài điều đáng nói”.
Trong thư hồi âm Kiệm cho biết thêm là vợ đã có một quán bán xôi cho sinh viên trong trường Phúc Vĩnh. Còn hai cậu con trai thì nay lên biên giới thồ hàng Trung Quốc về cho người ta cũng như đem hàng Việt Nam qua Tầu, chủ ý là nông phẩm (người ta gọi là làm nghề cửu vạn) cho nên đời sống cũng dễ chịu hơn. Kiệm cũng nói rằng từ khi chính phủ đề ra chính sách đổi mới thì mọi từng lớp nhân dân đã khấm khá nhiều. Nhận thư tôi phang cho một cú, “Đảng và chính phủ của các chú bây giờ mới thấy sai lầm, nhưng đưa ra chính sách quái gở ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì tổ sư Karl Marx cũng không hiểu nổi”!
Và từ đó bặt tin luôn cho đến cuối năm 2000 Kiệm chết vì ung thư cổ họng. Hai chú em còn ở Sài Gòn đã ra Hà Nội thăm ông anh trên giường bệnh. Theo các chú kể lại thì Kiệm rất can đảm cắn răng chịu cơn đau dằn vặt. Tất cả các anh em chung nhau tiền giúp ma chay. Thím Kiệm cũng rất can đảm chịu đựng. Riêng cái thư cuối cùng của tôi chắc Kiệm không dám đưa ra cho gia đình biết. Chúng tôi có gọi điện thoại qua Hà Nội chia buồn và lấn đầu tiên được nghe giọng thim Kiệm rất nền nếp lễ nghĩa. Cháu gái Lan cũng nói thêm lời cám ơn hai Bác và mong trong tương lai sẽ nhận được thư từ qua lại thường xuyên.
Trong cuộc chiến quốc cộng kéo giài nửa thế kỷ gia đình nào cũng có cảnh chia cắt đau lòng. Tuy nhiên may thay gia đình họ Trần chúng tôi vẫn còn đầy đủ mặc dầu cũng bị chia thành hai phe đối nghịch. Nay nhìn lại càng thấy rõ chủ nghĩa cộng sản độc địa như thế nào để có thể xóa bỏ tất cả cương thường đạo lý hun đúc từ bao đời. Thật ra Mác Xít lúc khởi sinh ra có tính cách nhân bản muốn đưa nhân loại lên chỗ đại đồng với một nhãn quan lãng mạn. Chỉ từ khi thi hành và thực nghiệm qua Lê Nin và Sít Ta Lin mới đề ra phương cách giữ chính quyền bằng bạo lực quá độ. Không có tình cảm cá nhân, ràng buộc gia đình lân bang khiến cho anh em con cái bố mẹ không còn tương thân nữa. Giờ đây thấy sự tham nhũng tột cùng của chính thể Xã Hội Chủ Nghĩa Hà Nội phải bao che cho nhau từ trên xuống dưới thành một đảng cướp Mafia khổng lồ trong khi 80 triệu dân đen thì lầm than cùng cực, các ông em tôi đã sáng mắt ra nhưng làm gì được hay là chỉ bằng lòng với căn nhà ống ba thước và con cái đi làm cửu vạn trên biên giới hoặc bán thân nô lệ cho hệ thống buôn người ra nước ngoài?
|