Mấy tháng
qua, sốt ruột về tình hình Việt Nam nên thôi thúc viết bài về Việt Nam. Nhưng
cuối cùng, sau những lần thăm hỏi người nhà, vẫn thấy Việt Nam, vẫn trơ gan
cùng tuế nguyệt, vẫn bình thản sống, vẫn thản nhiên sống, không gì đáng lo lắng
cả. Biển Đông vẫn cứ thế. Hoàng Sa Trường Sa vẫn cứ thế, vẫn của người ta. Và rốt
cuộc, cả xứ Việt Nam, theo những tin từ Việt Nam, đang ở trong trạng thái « con ếch đang
bị luộc », đang bị Hán Hóa dần dần,
mà không biết !
Có anh bạn,
vừa ở Việt Nam 6 tháng về, cũng vừa cho biết đất nước ta hoàn toàn của Tàu rồi !
Đúng vậy, tất cả là
toàn của Tàu, người Việt ta là thứ dân - thứ là thứ hai - người Việt ta là hạng
dân thứ hai. Từ nay, xin bỏ những chuyện chánh trị kinh tế, nói chuyện du lịch, danh lam thắng cảnh. Tuần
nầy mời quý độc giả đi du ngoạn xa.
Du ngoạn thám hiểm Hỏa Tinh.
Vì đã vượt biên bỏ đất quê cha đất tổ đi sống tha
hương được, thì tại sao không bỏ Địa Cầu chật hẹp với nhiều nhiểu nhương đi tìm
hành tinh mới để sống ?
Để tổ chức một căn cứ thường trực có người ở nơi Hành
Tinh Đỏ, chương trình tư nhân Mars One - Hỏa Tinh Một đang tuyển lưạ 24 người tình
nguyện. Ngày hôm nay chương trình khá thành công, chỉ còn đang phải vượt qua những
khó khăn kỹ thuật và tài chánh thôi (Nhưng có lẽ đây mới là những khó khăn
chánh !)
Nhưng đây chỉ là kết quả của vòng 3, vòng tuyển lựa thứ
ba, của một chương trình rất táo bạo và đầy ước vọng để đi chinh phục Hỏa Tinh
do hai người Hòa Lan, Bas Lansdorp và
Arno Wielders, một kỹ sư và một vật lý gia tung ra năm 2012. Hai chàng đam mê
Không Gian Học nầy, trước nay, vẫn đặt tin tưởng vào những thành tựu và những
chương trình không gian của những Cơ quan quốc gia của thế giới – Huê kỳ, Âu châu,
Nga hay Tàu, tin rằng một ngày nào đó sẽ có một cuộc tổ chức các chuyến bay có
hành khách người - « nhơn loại » - đi thám hiểm và chinh phục Hỏa Tinh. Chờ mãi và nên hai chàng nầy thất vọng !
Có chăng, thì có vài robots, máy móc đến được mục tiêu và đi lại trên « đất »
của Hỏa Cầu…nhưng chắc chắn rằng các máy móc robots ấy chắc cũng phải chờ cả chục
năm mới thấy bóng dáng các chủ nhơn « con người ». Huê Kỳ, Âu Châu,
Nga Tàu hay cả Ấn Độ, đều hẹn sẽ có những chương trình Hỏa Tinh vào những năm
2030, 2040, có thể, để chắc chắn hơn 2050. Nhưng khi đào sâu vấn đề, chẳng thấy
một cái gì cụ thể nào cả, mọi trả lời đều vịn vào tài chánh và kỹ thuật chưa sẳn
sàng.
Trên 200
ngàn thí sanh tình nguyện để tuyển 24 du hành gia :
Landsdorp và Wielders, thiếu nhẫn nại, ngứa gan sôi ruột,
trông chờ. Bèn nghiên cứu và đặt vấn đề : tại sao chương trình du lịch khó
khăn, tốn hao như thế ? Và tốn tiền nhứt do ở khu vực nào ? Trả lời :
« Khi chuyến bay trở về ». À vậy thì, eureka, sáng kiến tuyệt vời, ta
hãy bỏ « khúc bay trở về ».
Hãy làm một
chương trình No Return-Không trở về. Đi vé một chiều thôi !
Với vé đi một chiều, các người đi du lịch Hỏa Tinh sẽ
là những người chinh phục, khám phá, và khai thác Hỏa Tinh, sẽ là những điền chủ
sở hữu những « đất đai » khai mạc của Hỏa tinh. Họ sẽ sống nốt khoảng
đời (ngắn ngủi ?) của họ trên hành tinh xa trên 56 triệu cây số cách Quả đất,
hành tinh quê mẹ của họ.
Một ban tổ chức được thành lập ngay, với quyết định cuối
thâp niên nầy, hay trễ lắm là cuối thập niên tới, phải có một « đoàn thám
hiểm » đầu tiên có mặt thường trực, đặt trụ sở trên Hỏa tinh. Đăng báo, quảng
cáo chỉ trên những báo thật đặc biệt, thế mà, một chuyện không tưởng tượng được:
có trên 200 ngàn thí sanh tình nguyện nhập cuộc đi chơi! Con số đúng là
202 586 người ! Đến từ toàn cõi cả 5 châu ! Sau hai vòng tuyển lựa,
còn 100 thí sinh. Vào ngay lúc nầy, cuối những ngày của hè nầy (2015), tại một
nơi bí mật, hiện đang tuyển lựa 6 hoặc 10 toán với 6 hoặc 10 người thật hạp
nhau, thật cân xứng, tương đồng nhau. Điều kiện tiên
quyết phải giữ đúng là, tiêu chuẩn cân đối
con số nam nữ để truyền giống nhân loại. Một loạt tiêu chuẩn lựa chọn rất khó
khăn để tuyển 40 « siêu nhân »,
để trong vài tháng nữa, sẽ đưa họ vào sống cô lập hoàn toàn 9 ngày trong hai « hầm
kín » của Planetary Society. Planetary Society là một hảng tư sở hữu của
nhà Không gian học người Mỹ tên là Carl Sagan ngày nay đã quá cố. Hảng ông có một
hệ thống « địa ốc giả tưởng như sống ở không gian » đặt trong sa mạc ở
Tiểu bang Utah –Hoa kỳ và ở vùng Bắc Cực Canada. Sau 9 ngày thử thách ấy, chỉ còn
24 người trúng tuyển thật sự, và từ đó sẽ thường trực vào nghề sẽ nhập cuộc, ăn
ở hẳn, sanh hoạt và luyện tập cho cuộc phi hành tương lai đi Hỏa Tinh không trở
lại. Để đúng như chương trình dự định, năm 2026, sẽ phóng chiếc phi thuyền đầu
tiên của chuyến đầu, chỉ một toán 4 người, hai cặp thôi ! Cuộc Hành trình dài từ 6 đến 7 tháng. Và nếu xong
xuốt, mỗi 2 năm sẽ phóng một phi thuyền.
(Tiếc thay không
có người Việt tham dự! Vì thế hệ người Việt chúng ta nếu tham dự, chúng
ta sẽ có nhiều lý do được trúng tuyển. Thế hệ anh em người Việt tỵ nạn Cộng Sản
mình hội đủ tài nghệ để được tuyển lựa, sau khi đã lọt qua vòng tuyển Trại Tù
Cộng Sản Việt Nam, với cachot, conex, bỏ đói, phơi nắng, vân vân, can trường, lỳ
lợm, cần cù, gan dạn, liều lĩnh, chúng ta có đủ tất cả. Ngày nay chỉ tội là chúng
ta quá date, quá già thôi, người trẻ nhứt của chúng ta cũng sắp 6 bó! Tiếc quá !
Quá già ! Còn ra đi lên Hỏa Tình không ngày trở lại, nhằm nhò gì ba cái lẻ
tẻ ấy, có khá chi khi xưa vượt biên, ra đi có hẹn ngày trở lại đâu ? Xá gì cái phận ly hương)
Giấc mơ hão của một đám khùng ? Không chắc hẳn !
Các nhà sáng lập và các cộng sự viên của chương trình đã được các chuyên viên kỹ
sư của ba hãng chuyên nghiệp Không gian Hoa kỳ, như Lockheed Martin, nổi tiếng
trong ngành Không gian, Máy bay, và Quốc Phòng ủng hộ và giúp đỡ.
« Chương
trình nầy do các nhà thông thái nghiêm chỉnh nghiên cứu ! » Ông
Alain Souchier, vị Chủ tịch của Hội Planète Mars, chi nhánh Pháp của Hảng
Planetary Society Huê kỳ chuyên môn khuyến khích và bảo trợ các chương trình thám
hiểm không gian. « Họ có một
não trạng đặc biết, rất « cương quyết, kiểu rất Hoa kỳ » : phải
thử sức, may ra thành công »…
Khi đến Hỏa Tinh, các nhà thám hiểm phải tự túc sinh sống,
sinh tồn bằng những thức ăn tự tạo, những thực vật, thực phẩm bằng sự canh tác
(tương lai) của mình. Dân « Hỏa nhân » sẽ là dân ăn chay, thực phẩm là
hoa mầu, cây xanh ! Phải tự sản xuất, tự hút nước từ « đất Hỏa »
để sống, để canh tác trồng trọt, tự túc sống với canh tác mình, không cần sự tiếp
tế, không cần tiếp liệu của trái đất.
Đầu tháng 7 vừa qua, chương trình Mars One đã trình diện
mẫu gia cư - nhà ở Environmental Control
and Life Support System (ECLSS)-Nhà với Hệ Thống Điều Hòa Đời Sống Với Môi
Sinh. Đó là những loại « gia cư kín » như chiếc hộp kín, với một hệ
thống điều khiển, kiểm soát, điều hòa không khí, điều hòa phẩm chất dưỡng khí,
kiểm soát khí thải thán khí, khí thải dioxyde thán khí, đo lường kiểm tra những
chất bẩn bụi khác và tạo dưỡng khí bằng điện từ nơi nước. Nước sẽ được sản xuất
bằng cách đốt chất régolithe, là tổng
hợp cát bụi của « đất » Hỏa. Cả các chất Azote và Argon cũng được lọc
kỹ, tách ra khỏi không khí. Những chất thải của người, như nước « tiểu »
sẽ được tái tạo thành nước sạch để dùng. (Việc
nầy dễ thôi, trên các tàu lặn nguyên tử ngày nay đã làm rồi). Cái khó khăn
ngày nay là trọng lượng của cái hôp căn nhà nấy - nặng 7800 kí lô ! Một đoàn
thám hiểm 24 người cần 6 căn nhà ấy. Tất cả còn trên lý thuyết !
Vả lại những hộp nhà ấy vẫn chưa được một nhóm nghiên
cứu khác xem là toàn hảo. Nhóm Phân Khoa Không gian học của MIT (Massachusetts Institut
of Technologie) Huê Kỳ, đã nghiên vứu một cách độc lập sự thành bại của chương
trình Mars One, đã trình bày trong Buổi Hội Thảo Quốc tế về Không Gian ở
Toronto, Canada, tháng 10 năm 2014 đưa nhiều kết luận rất tiêu cực và đặt nhiều nghi ngờ, rằng :
« Thí dụ nếu các nhà thám
hiểm chỉ được nuôi dưỡng bằng canh tác, trồng trọt rau cỏ của họ, thì họ sẽ tạo
ra một nguồn dưỡng khí có hại cho họ » ( vì cây xanh xuất dưỡng khí) và « họ sẽ bị chết ngộp bằng chính nguồn
oxy của họ ». Muốn sống được « họ phải có một hệ thống lọc
bỏ « dư thừa của Oxy-dưỡng khí », hệ thống đó ngày nay con người
chưa phát minh được.
Hệ thống bảo
vệ các nhà thám hiểm còn yếu kém :
Những kỹ sư của MIT cũng đặt ra nhiều nghi vấn về hệ
thống « tự sinh tự quản » sử dụng canh tác với môi trường sinh thái tại
chổ. Hệ thống ấy chưa đủ bảo đảm, đặc biệt với hệ thống khai thác để tách
Azote, lấy dưỡng khí, và nước từ « đất » hỏa tinh. Và cuối cùng, con
số đự định những lần phóng phi thuyền, cũng như nhịp độ phóng phi thuyền để sửa
soạn « cuộc sống ăn đời ở kiếp » của các phi hành gia – đi khẩn, thám
hiểu và chinh phục « Châu Hỏa tinh » không đủ sức để toàn hảo chương
trình.
Những biện pháp dự định để che chở và tạo một đời sống
an toàn trong môi trường « đầy chất độc » của Hỏa tinh đến ngày hôm
nay, còn rất nhiều thiếu thốn về mặt kỹ thuật. Với một cuộc phi hành dài từ 6 đến
7 tháng trong vũ trụ, các phi hành gia có cơ bị nhiểm độc bởi những tia vũ trụ-rayons cosmiques năng lượng cao, với
nguy cơ phát bệnh ung thư. Sống trong ảnh hưởng phi trọng lượng-apesanteur, lâu ngày, các phi hành gia sẽ
bị giảm số lượng và phẩm chất của khối xương
và khối bắp thịt, tất cả sẽ bị teo mòn. Cơ thể họ sẽ có nhiều biến chuyển - thế
nào ? Chắc chắn là sức khỏe họ sẽ yếu hơn trong khi họ phải đến một nơi, mà
họ phải cần có một thể xác của một lực sĩ, một thân thể tráng kiện để sống và dùng
sức lực để hoạt động và khai phá trong một môi trường bất an ? Vì Hỏa tinh
là một môi trường bất an, với một không gian rất mỏng, không được lọc, không có
những màn lọc và chận được các tia vũ trụ
và các tia sáng của Mặt trời, đầy nguy hiểm cho con người. Dĩ nhiên, theo
Landsdorp, những tình nguyện nhân nầy đều mặc áo giáp kiểu thợ lặn – scaphandres, được bọc bằng một lớp nước,
như một hàng rào, rất hiệu nghiệm để chống các tia ánh sáng độc, dễ mang bịnh
ung thư. Và các hộp nhà gia cư, cũng vậy sẽ được che chở, được bọc bằng một lớp
vỏ, chứa chất đất régolithe của Sao Hỏa.
Nhưng cát bụi dầy đặc của Sao Hỏa cũng đầy các « hóa chất độc tố » như perchlorate, sẽ tàn phá hệ thống thyroïdes của con người, hay như những silicates sẽ tàn phá hệ thống hô hấp, hay
như gypse sẽ làm hại phổi, da và mắt.
Những độc tố nầy sẽ len lõi theo những trận bão cát, sẽ làm nguy hiểm mọi hệ thống
sanh hoạt của con người, len lỏi qua những chỗ hở của áo giáp giữ thân thể, cả
của những hộp gia cư.
6 Tỷ euros, một số tiền không tưởng
Nhưng, khó
khăn lớn nhứt, hàng rào cản đầu tiên là tiền đâu ? Các nhà chủ trương chương trình định
giá là sẽ tốn vào khoảng 6 Tỷ euros cho cú phóng phi thuyền thứ nhứt và 4 Tỷ
cho mỗi chuyến đi sau. Và Bas Landsdorp cũng phải thú nhận rằng vào hôm tháng
hai vừa qua, ông ta vẫn chưa đủ sức để hoàn thành hai phi thuyền tự động thăm dò
cho cuộc tiền-thám hiểm (một chiếc đáp và một chiếc bay ở quỷ đạo), dự kiến khởi
hành vào năm 2018. Kết quả : mọi dự kiến hoàn thành đều sẽ trễ sau hai năm.
« Toàn là
những dấu hiệu không tốt. Dù biết rằng những thời gian dự kiến đều có vẻ không
thực tế lắm » Alain Souchier bàn,
nhưng được Florence Porcel, một người
nữ tinh nguyện người Pháp, cô đã thông qua được hai vòng tuyển nhưng vừa bị
loại ở vòng ba, châm chước, binh vực, bào chữa rằng : « Cũng phải hiểu rằng, phải bình thường mà nhìn nhận rằng, sở
dĩ chương trình không kiếm ra nguồn tài trợ, chỉ vì phương pháp dùng, là các ngưồn
tài trợ sẽ đến bằng hướng khai thác, quảng bá chương trình, ví dụ như một loạt phim quảng cáo và trình bày về sự lựa chọn, cách tuyển lựa và cách tố chức
cùng luyện tập của các phi hành đoàn phải được truyền bá rộng ».
Bas Landsdorp cũng đã nghĩ đến, khi ông nhìn thấy
phim quảng cáo của Thế Vận Hội London năm
2012, chỉ chiếu có ba tuần mà đã đem đến gần 4 Tỹ euros…và ông cũng đang soạn một cuốn phim sẽ
được đem phổ biến toàn thế giới với hy vọng hốt tiền về. Nhưng, khổ nỗi, công
ty phim Hòa Lan Endemol vừa rút tên khỏi chương trình. Và chương trình góp vốn
đầu tiên bắt đầu từ năm 2014 chỉ đem lại có 400 ngàn euros thôi ! Phần còn
lại, quảng cáo cho giấc mơ chỉ biết bán những áo thun T shirts, ca uống nước-mugs, và những đố vật kỷ niệm…. Khó mong
tất cả đem lại 6 Tỷ euros.
« Mà dù có 6
Tỷ thật đi nữa, tính ra cũng không đủ ! » Alain
Souchier nói : « Nên nghĩ đến 100
Tỷ mới đủ ».
Vậy các nhà tỷ phú ở đâu ? Khổ nỗi ! Mỗi tỳ
phú đều có chương
trình và giấc mơ riêng cả.
Thí dụ nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk, nhà sáng lập một loạt
xí nghiệp công ty kỹ thuật mủi nhọn ở Huê Kỳ, như Công ty Tesla Motor (chuyên sản
xuất xe hơi chạy bằng điện hiệu Tesla, với hai động cơ điện, ở hai bắnh trước và
hai bắnh sau, có sức chạy nhanh trên 250 km/giờ và đi cả 500 cây số trước khi sạc điện trở lại) và Công ty Space X, cũng đang mơ chinh phục Hỏa
tinh. Theo ông, ông mơ một chương trình gởi một đoàn thám hiểm độ mươi người lên
Sao Hỏa, vào khoảng độ từ đây 12 năm nữa với chi phí tốn kém vào thoảng 38 Tỷ
euros, chi phí ông nghĩ sẽ nhờ Nasa chia xẻ với ông. Nhóm người đầu tiên ấy sẽ
gồm khoảng 10 người, phải trả một vé đi một chiều để chinh phục một Viễn Tây mới
là Châu Hỏa với giá 500 ngàn euros cho mỗi vé ! Tất cả sẽ được chuyên chở
trên một phi thuyền vận tải khổng lồ, phi thuyền nầy là một phi thuyền sẽ được tái
sử dụng, với sức chở trên 100 tấn và vận chuyển bằng sức đốt của dưỡng khí và
méthane. Hình dáng phi thuyền sẽ do công ty Mars Colony Transport (MCT) đóng và
sẽ ra mắt trình diễn vào cuối năm 2015 nầy. Elon Musk dự kiến sẽ có 800 ngàn
người sẳn sàng mua vé nầy (Vé một chiều ! Ra đi không trở về!).
Một chương trình khác của nhóm các tình nguyện nhân của
vùng Vịnh (A rập), Liên Âu, Huê Kỳ, Nga thất vọng vì không được tuyển trong chương
trình Mars One nói trên, nhưng vì giấc mơ không gian không toại nên ngày nay biến
thành nỗi ấm ức, đang rủ nhau thành lập một chương trình Du Hỏa khác. Lấy tên là
MarsPolar, chưa thành hình về mặt tổ chức, chỉ còn mới những lởi kêu gọi trên mạng
www.marspolar;space. Mục tiêu năm
2015, thành lập thành một công ty và sẽ để trụ sở chánh ở Emirats arabes unis.
Tóm lại, chương trình Mars One cảm thấy khó thực hiện
được. Nhưng, « Chương trình cũng
chứng minh rằng cuộc thám hiểm Hỏa tinh đã được nhiều người sẳn sàng theo »
Alain Southier nói. Và Florence Porcel bổ túc thêm : « Càng đi sâu vào vấn đề, chương trình càng
giúp thiên hạ biết rõ thế nào là một cuộc thám hiểm Sao Hỏa. Nếu chẳng may,
chương trình có thất bại đi nữa, chương trình cũng đã giúp người đời biết rõ về
những khúc mắc của cuộc du ngoạn và thám hiểm Sao Hỏa. Và đó mà một thành công
đáng khích lệ ».
Trở về
chuyện Việt Nam và ông bạn
Anh bạn nói
trên của chúng tôi, sau khi về Việt Nam sống 6 tháng trong xóm với người dân, đã
nhận rõ xã hội Việt Nam nay hoàn toàn bị Tàu hóa, nên khi về lại Pháp đã báo
cho chúng tôi rõ, để chúng tôi từ nay đừng có mơ hảo mơ huyền nữa. Với cuộc sống
hằng ngày trong vai một phó thường dân, anh đã thấy rõ xã hội Việt Nam, và anh đã
nắm rõ, và anh đã kết luận nay đã hoàn toàn Hán hóa. Và anh trở về quê lại, và đau
đớn thay, anh bảo : « với anh quê từ nay là xứ Pháp, là ngoại ô
Paris, là nơi anh đã sanh sống từ 30 năm nay, từ ngày anh tỵ nạn Cộng Sản ».
Quê hương nơi chôn nhao, cắt rún, nơi tuổi trẻ học trò, quê hương nơi những ngày
vui sướng hiền hòa của tuổi thanh niên, quê hương nơi những ngày oai hùng chiến
đấu cực khổ để giữ nền dân chủ tự do cho đất nước Cộng hòa, quê hương của cha của
mẹ, của tổ, của tiên, từ nay, anh bỏ hẳn. Trở về Pháp chuyến nầy anh về hẳn.
Anh nói với chúng tôi. « Tao mua giấy một chiều qua Pháp ở luôn. Pháp bây
giờ là quê hương tao. Tao thật sự bỏ Việt Nam. Và anh kết luận, thằng nào về Việt
Nam bây giờ là đi một cuộc thám hiểm đầy gian nguy ! »
Xin kể chuyện
Anh bạn ấy. Đến Pháp do vượt biên, thuyền nhân do Tàu Đảo Ánh Sáng rước năm
1979. Tỵ nạn, sanh sống và làm việc ở vùng ngoại ô Paris từ dạo ấy. Từ năm
2005, thỉnh thoảng đi hè thăm Việt Nam. Đi đâu cũng vậy, đi về với em cho
dzui ! Năm rồi, anh về hưu. Góa vợ
từ ba năm rồi, con cái đã thành tài. Ở một mình, bổng nhớ quê hương thuở thiếu
thời, kinh nghiệm mấy lần về hè, hưởng thụ vui vẻ, đi Bắc về Nam, khách sạn 5
sao, hầu bao rộng mở, tưởng bở. Nên kỳ nầy,
làm gan, vì hưu trí ngon lành, muốn thoát xác Tây giấy, bán nhà, chia gia tài
cho con (hai đứa), quy mã hồi hương, hẹn sống trọn kiếp già nơi quê cha đất tổ. Về Sài gòn, vào trong xóm, thuê nhà, bỏ dáng Việt kiều, quyết
tâm ở hẳn, quyết tâm làm người Việt, làm
thứ dân cho trọn nghĩa trọn tình.
Sau 6 tháng,
chịu thua, đầu hàng, chạy, … lại tái vượt biên …dzọt về quê … Paris. Thuê nhà,
ở lại Pháp luôn. Nhà cửa cũ, cơ sở cũ đã bán đã chia cho con cháu cả rồi. Ngay
chỉ độc thân, goá vợ, hưu trí cao, nên thuê appartement nhỏ, một thân một mình
làm bạn với đèn sách, chờ ngày xum họp cùng vợ nơi nước Chúa.
Trở về Việt
Nam, mua vé một chiều, là một cuộc thám hiểm ? Hỏi là trả lời. Đau !
Quá đau !
Phỏng theo
Sylvie Rouat
Tuần báo
Sciences & Avenir (Khoa Học & Tương Lai)-Paris Pháp
Hồi Nhơn
Sơn, những ngày vào Thu
Phan Văn
Song