Saturday, 10 October 2015

Ngô Nhân Dụng - Cuộc phiêu lưu của Putin tại Syria


Ông Vladimir Putin, tổng thống Nga mới mừng sinh nhật 63 tuổi trong không khí huy hoàng, chỉ thua ông Stalin đời xưa. Ông đã ra sân đánh hockey cùng với những nhà tỷ phú tay chân và các cầu thủ hạng nhất nước Nga và thế giới; đội ông thắng 15-10! Chính ông đã làm bàn bảy, tám lần chắc vì không đối thủ nào dám chặn đường banh của ông! Một nhạc sĩ Nga tung ra đĩa video mới, với bài đồng ca chính: “Bạn thân nhất của tôi là Tổng Thống Putin!” Một họa sĩ triển lãm những bức tranh vẽ chân dung Putin, so sánh ông với những danh nhân lịch sử, như Che Guevara, họa sĩ Salvador Dali, và Ðại Ðế Hy Lạp Alexander! Dân Nga vẫn ủng hộ ông Putin, với tỷ lệ 84%, kể từ khi ông chiếm bán đảo Crimea đầu năm 2014. Trong ngày sinh nhật của ông năm nay, Hải Quân Nga đã bắn hỏa tiễn từ biển Caspian ở Nga vượt 1,500 cây số sang tận xứ Syria đánh quân nổi dậy IS, bay qua Iran và Iraq!

Ở nước ngoài, dân theo giáo phái Shi A tại Iraq hoan hô ông Putin không khác gì dân Nga. Phái Shia chiếm đa số ở Iraq và họ đang kiểm soát chính quyền sau khi Mỹ lật đổ chế độ Hussein. Ông Putin đang đánh lực lượng IS (gọi là Daesh trong tiếng Á Rập) ở Syria, là những người theo phái Sun Ni đang muốn chiếm cả hai nước Iraq và Syria lập một quốc gia Hồi Giáo mới. Nhiều người Iraq đang truyền nhau giả thuyết kể rằng bố ông Putin chính là người Iraq theo đạo Shi A! Ông cụ tên là “Abu Tin,” làm nghề bán sung (tin là quả sung, trong tiếng Á rập). Cụ di cư sang Nga, đổi Abu Tin thành Putin, lấy một cô vợ tóc vàng rồi đẻ con đặt tên là Abdulamir, đọc lối Nga thành ra Vladimir! Lãnh tụ người Shia ở Quốc Hội Iraq ngỏ ý nên mời ông Putin giúp đánh quân IS (Daesh) ở Iraq sau khi máy bay Mỹ thả bom mấy năm nay rồi vẫn chưa tiêu diệt hết được!

Ông Putin đã đánh bom quân Daesh tại Syria để bảo vệ chính quyền Bashar Assad đang lâm nguy, nhưng không đụng tới quân IS ở Iraq. Putin phải can thiệp vì căn cứ Hải Quân Nga duy nhất ở miền nước ấm trên bờ biển Syria. Muốn hiểu tại sao Vladimir Putin sốt ruột, phải đem máy bay, hỏa tiễn đến trực tiếp giúp Assad, cần nhìn lại thời gian trước đây bốn, năm năm. Lúc đó Syria là một quốc gia cô lập, được Nga và Iran bảo trợ. Mỹ và các nước Châu Âu không có ảnh hưởng nào trên chính quyền Assad.

Cha con ông Assad là khách hàng được Nga cung cấp vũ khí, Nga được đặt căn cứ hải quân tại Tartus, bên bờ Ðịa Trung Hải. Chính quyền Assad cũng là đồng minh tự nhiên của Iran vì cả hai đều thuộc phái Shi A, khối tín đồ Hồi Giáo thế giới do Iran lãnh đạo.

Từ bốn năm nay, Syria trở thành bãi chiến trường giữa ba phe: chính quyền Bashar al-Assad, lực lượng IS, và các nhóm nổi dậy khác. Các nhóm này được các nước chung quanh như Á Rập Saudi, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp viện và tài trợ, có máy bay Mỹ giúp. Từ giữa năm 2015, các quân lực của chính quyền Assad thua liên tiếp, nhà độc tài sắp bị lật đổ. Iran đã gửi hàng ngàn quân sang giúp Assad, một vị tướng Iran đã tử trận ở Syria. Tổ chức Hizbollah của những tín đồ Shi A thiểu số ở Lebanon được Iran trang bị đã đưa quân qua giúp Assad. Tất cả các nhóm chống Assad đều theo phái Sun Ni.

Chính quyền Iran đã thúc đẩy ông Putin đem thêm máy bay, xe tăng và trọng pháo vào Syria để cứu nng người đồng đạo. Bản tin AP trong tuần này tiết lộ Tướng Qassem Soleimani, vị tướng cầm đầu đạo quân Quds của Iran đã sang Nga nói chuyện với ông Putin suốt ba giờ, trong Tháng Tám vừa qua. Tướng Soleimani dùng bản đồ và hình ảnh chứng minh cho ông Putin thấy rằng nếu quân IS tiếp tục thắng thế, không bao lâu nữa đạo quân Hồi Giáo Sun Ni cực đoan này sẽ đến sát biên thùy nước Nga khi quân đội của Assad tan hàng! Chính quyền Iraq đã được Iran thông báo về chuyến đi của Tướng Soleimani, chính quyền Mỹ trong vai trò bảo hộ chắc chắn phải nhận được tin tức này, do đó các nước Á Rập và Châu Âu đồng minh của Mỹ cũng đã biết trước hành động can thiệp của ông Putin.

Tại sao Nga phải lo ngại trước viễn tượng quân IS thắng thế? Bởi vì từ biên giới Nga đi về phía Bắc có các nước nhỏ theo Hồi Giáo nằm trong liên bang Nga, thuộc vùng Caucasus. Chính phủ Putin đã phải đàn áp phong trào Hồi Giáo nổi dậy tại Cộng Hòa Chechnya, không thể nào làm ngơ trước mối nguy đạo quân IS quá khích cực đoan hơn đang tới ngưỡng cửa.

Nhưng chắc ông Putin cũng biết can thiệp vào Syria là một ván bài gay go, không thể kéo dài. Một phần vì kinh tế Nga đang suy yếu, phần khác vì kinh nghiệm sa lầy của Liên Xô ở A Afghanistan từ gần 30 năm trước.

Kinh tế Nga tiếp tục xuống dốc vì giá dầu lửa xuống thấp, bán dầu khí là nguồn ngoại tệ lớn nhất của Nga. Mỹ và các nước Châu Âu tiếp tục cấm vận vì Putin chiếm Crimea và gây loạn ở phía Ðông nước Ukraine. Ðồng tiền Nga đã mất một nửa giá trị. Số tiền đầu tư và tiêu thụ đều giảm, số sản xuất xuống. Trong năm tháng đầu năm 2015, số tiền vay để mua nhà đã giảm bớt 40% so với năm trước. Trong Tháng Sáu vừa qua, số xe hơi bán đã giảm 30%. Kinh tế Nga sẽ giảm bớt ít nhất 3% trong năm 2015. Với số ngoại tệ dự trữ 200 tỷ Mỹ kim đang đốt dần dần ông Putin sẽ không đủ vốn để đánh một canh bạc lớn. Tướng David Petraeus, cựu chỉ huy quân Mỹ ở Iraq và Afghanistan điều trần tại Quốc Hội Mỹ, đoán rằng ông Putin có thể tiếp tục can thiệp tại các nước Ukraine, Belarus, Moldova, Syria, Georgia nhiều nhất là hai năm! Trong khi đó, một đại biểu Quốc Hội Nga thân cận với Putin đoán rằng cuộc can thiệp vào Syria chỉ kéo dài mấy tháng. Hiện nay dư luận dân Nga chống việc can thiệp vào Syria (hơn 60%). Ông Putin đang đưa những toán “quân tình nguyện” do chính quyền Chechnya thân Nga cung cấp sang Syria, gồm những người cũng theo Hồi Giáo. Một nhóm“quân tình nguyện” khác sẵn sàng qua Syria chiến đấu là những người theo Nga nổi dậy ở miền Ðông nước Ukraine. Cuộc đình chiến đang tiến hành khiến nhiều tay trong cánh quân này “thất nghiệp.” Nếu không muốn trở về đời sống thường dân tẻ nhạt, họ sẽ tình nguyện sang Syria!

Bài học Afghanistan vẫn còn sâu đậm trong ký ức dân Nga. Liên Xô đã đem quân vào xứ này để bảo vệ một chính quyền cộng sản, nhưng bị sa lầy vì dân Afghanistan nổi dậy chống quân xâm lược. Khi tinh thần chiến đấu tan rã, quân Nga phải rút về, một hậu quả là sau đó chính quyền Xô Viết sụp đổ. Nếu ông Putin dấn chân vào Syria và Iraq thì miền này có thể sẽ là một bãi đầm lầy không khác gì Afghanistan.

Tại Syria không phải chỉ có một nhóm nổi lên chống chính quyền Assad mà còn nhiều phe phái khác. Sau khi Nga bắt đầu đánh bom, tổ chức Liên Minh Dân Tộc Syria, vừa chống chính quyền Assad vừa đánh quân IS đã tố cáo máy bay Nga tấn công cả các lực lượng không thuộc quân IS nhưng chống Assad, để bảo vệ nhà độc tài tàn bạo này. Ngày 6 Tháng Mười, đại diện 41 nhóm trong liên minh này đã tuyên bố họ sẵn sàng chiến đấu chống cự và sẽ đánh bại quân Nga. Cùng lúc đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tố cáo máy bay Nga xâm phạm lãnh thổ nước họ. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát đường eo biển nối Hắc Hải qua Ðịa Trung Hải, con đường thiết yếu để Nga tiếp tế cho căn cứ Hải Quân Tartus ở bờ biển Syria.

Ðiều nguy hiểm nhất cho ông Putin là cả thế giới Hồi Giáo theo phái Sun Ni sẽ coi Nga là kẻ thù vì cấu kết với Iran và phái Shi A. Những phong trào quá khích từ nay sẽ tấn công vào Nga thay vì chỉ nhắm vào nước Mỹ; mà nước Nga thì nằm ngay bên cạnh họ. Trong năm 2015, chính phủ nhiều nước Hồi Giáo vùng Trung Á, trước năm 1990 vẫn nằm trong Liên Bang Xô Viết, đã báo động nhiều thanh niên xứ họ đã lên đường sang Iraq và Syria gia nhập quân IS! Ông Putin không thể vui mừng khi được nhiều người Iraq hoan hô, coi ông là một tín đồ Shi A chính hiệu! Càng nhiều người hoan hô thì khối tín đồ Sun Ni chiếm đa số khắp nơi càng coi Putin là tử thù!

Ông Putin can thiệp vào Syria để có mặt trong một cuộc đàm phán giữa các phe phái về một giải pháp chính trị cho xứ này, sau khi 250,000 người đã chết và 10 triệu người phải chạy loạn và tị nạn sang các nước khác. Khi nào có được một thỏa hiệp, Nga không cần bỏ bom nữa. Nhưng bao giờ thì các phe phái có thể ngồi xuống thảo luận với nhau?

Theo tình hình hiện nay thì viễn tượng đó còn xa vời. Lực lượng IS chắc chắn không bao giờ ngồi xuống nói chuyện với bất cứ ai; mà cũng không ai muốn nói chuyện với họ. Các lực lượng thuộc Liên Minh Dân Tộc Syria cũng không đoàn kết đủ với nhau để có một lập trường chung. Những nhóm tham chiến chống chính quyền Assad nhưng không được các nước Á Rập trong vùng chấp nhận như Mặt trận Nusra, hậu thân của Qaeda, sẽ khó được mời ngồi vào bàn hội nghị. Các nước Á Rập và Thổ Nhĩ Kỳ đều đòi phải lật đổ Assad, trong khi Nga và Iran muốn bảo vệ ông ta, bao giờ họ mới mặc cả xong để thỏa hiệp?

Cho nên cuộc phiêu lưu của ông Putin vào vùng đất Trung Ðông Hồi Giáo sẽ còn kéo dài, cho đến khi kinh tế Nga kiệt sức. Chính phủ Mỹ có thể dửng dưng đứng ngoài chờ rất nhiều năm nữa cũng không cần một giải pháp nào cho nước Syria. Mỹ đang cho máy bay giúp các đạo quân được Saudi, Qatar hoặc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và quân Kurds, với chi phí không cao lắm. Mỹ cũng kêu gọi lật đổ Assad để làm vừa lòng các nước Á Rập khác, nhưng chính quyền Mỹ không thiết tha lật đổ Assad ngay bằng bất cứ giá nào. Một chính quyền khác lên thay chỗ Assad có thể cũng chống Mỹ không khác gì Assad! Mỹ không cần thêm căn cứ quân sự, mà vị trí nước Syria cũng không quan trọng gì, so với thế lực Mỹ có sẵn trong vùng này. Hơn nữa, nước Syria còn rối loạn thì các nước Á Rập và Iran đều phải bận tâm, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ là Israel đỡ bị áp lực. Ông Putin xoay trở thế nào trên chiến trường Syria để khỏi bị sa lầy như Brezhnev tại Afghanistan trước đây 30 năm? Là một người khôn ngoan, ông ta phải quyết định trong năm, sáu tháng tới!

Ngô Nhân Dụng - Putin cố cứu Assad


Bashar al-Assad
Hai ông Vladimir Putin và Barack Obama đã công khai đấu khẩu qua hai bài diễn văn trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nói đến cuộc nội chiến thảm khốc ở Syria. Trong khi hai ông tổng thống Nga và tổng thống Mỹ đàn hạch lẫn nhau, nhân vật đứng trong hậu trường đang chờ coi số phận mình sẽ được quyết định ra sao là  Bashar al-Assad. Bashar là vị tổng thống đời thứ hai của nước Syria, nhờ cha truyền con nối, không khác gì triều đại nhà Kim ở Bắc Hàn.

Trong khi Barack Obama lớn tiếng gọi Bashar al-Assad là tên bạo chúa từng bỏ bom, bắn hỏa tiễn để giết các trẻ em vô tội, thì Vladimir Putin kêu gọi thế giới hãy ủng hộ Assad đánh các lực lượng mang danh hiệu “Quốc gia Hồi Giáo,” (IS hay ISIS). Obama kết tội chính sách kỳ thị bạo tàn của Assad, dùng một thiểu số theo một phái Shi A cai trị đa số dân theo phái Sun Ni, đã đẩy hàng chục ngàn thanh niên Á Rập chạy theo nhóm IS. Putin đáp lại, vạch ra rằng chính nước Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự bành trướng của đạo quân Hồi Giáo Sun Ni quá khích này, sau khi quân đội Mỹ lật đổ các chế độ độc tài ở Iraq và Libya; và Putin báo trước sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho chế độ Assad,
Cuộc đấu khẩu công khai ở New York có thể khiến người ta quên tính chất rắc rối phức tạp trong cuộc cờ Syria, và nghĩ rằng quốc gia Á Rập nhỏ này chỉ là một võ trường cho Nga và Mỹ đấu với nhau.


Thực ra, Nga và Mỹ có thể cùng đứng về một phía. Chính phủ cả hai nước đều công khai coi các lực lượng IS là kẻ thù cần tiêu diệt. Tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Putin báo trước sẽ cho máy bay Nga bỏ bom các toán quân IS, đó cũng là một việc mà các máy bay Mỹ cùng các nước đồng minh đang làm; trong đó có các quốc gia Á Rập trong vùng, với Anh và Pháp đang nhập cuộc. Điều khác biệt là máy bay Mỹ đánh các toán quân IS khi bọn này đe dọa các đạo quân người Kurds ở Iraq và Syria, khi các nhóm quân đồng minh với Mỹ cần yểm trợ; trong khi đó ông Putin chắc chắn sẽ chỉ ném bom cánh IS khi cần giải vây quân đội của Assad. Bởi vì Nga và Mỹ có những mục tiêu khác nhau trên chiến trường Syria, và cho tới gần đây cả hai vẫn đóng vai trò đứng ngoài chờ chiến cuộc biến chuyển coi tới đâu.

Bởi vì có rất nhiều nước lân cận đang can dự vào cuộc nội chiến ở Syria. Thứ nhất, ngay từ khi nội chiến bùng lên, đây là một cuộc chiến đấu của của đại đa số dân chúng theo giáo phái Sun Ni chống một chính quyền của ông Assad dựa trên thiểu số người Syria theo phái Alawites, một chi nhánh của giáo phái Shi A. Các lãnh tụ IS gồm những giáo sĩ và tướng tá thuộc quân đội Iraq cũ bị quân Mỹ giải tán từ năm 2003, đã “cướp cờ” dẫn đầu phong trào phản đối đó, tuyên bố thành lập một “quốc gia thuần túy Hồi Giáo.” Họ xây dựng một lực lượng Hồi Giáo quá khích quốc tế, mạnh hơn phong trào al Qaeda trước đây; với mục đích xóa bỏ tất cả các quốc gia Hồi Giáo trong vùng và thành lập một “caliphate” giống như trước đây hơn mười thế kỷ.

Vì vậy, các nước theo Hồi Giáo đều thấy họ bị đe dọa. Những nước Á Rập đa số theo phái Sun Ni họp lại chống IS, chính phủ Mỹ yểm trợ họ bằng vũ khí và không lực. Nước Iran theo phái Shi A thì đứng về phía chính quyền Assad, người đồng đạo. Syria trở thành một chiến trường quốc tế, ít nhất đối với các nước trong vùng Trung Đông.

Chính phủ Mỹ đã tự giới hạn trong vai trò yểm trợ để khỏi bị lôi kéo vào chiến trận trên mặt đất. Họ theo chiến thuật “chờ coi” tình hình biến chuyển, có lẽ nhờ rút kinh nghiệm đau thương ở Iraq. Quân đội Mỹ huấn luyện một số quân địa phương vừa chống IS vừa chống Assad, nhưng chỉ cốt cho có mặt chứ không tin tưởng vào các toán quân yếu ớt này.

Ngược lại, Nga đang có sẵn những quyền lợi quan trọng ở Syria cần bảo vệ, vì từ bao nhiêu năm qua Nga vẫn là đồng minh lớn nhất cung cấp vũ khí cho quân đội của triều đại Assad, kể từ thời cha đến đời con. Nước Nga chỉ có một căn cứ hải quân duy nhất trong vùng nước ấm Địa Trung Hải, nằm trên bờ biển nước Syria. Vladimir Putin đã bầy ra một thế cờ mới: Nối liền căn cứ hải quân Nga trong Hắc Hải, sau khi chiếm được đảo Crimea của Ukrain, với các chiến hạm ở bờ biển Syria.

Thế cờ mới của Putin có nguy cơ bị đảo lộn nếu chính quyền Assad bị lật đổ, bao nhiêu tỷ mỹ kim vũ khí đầu tư vào chế độ Assad có thể biến ra mây khói. Tình trạng đảo lộn này gần trở thành sự thật vào giữa năm 2015.

Từ đầu tháng Sáu, chế độ Assad đang thua trên bốn mặt trận khi những đạo quân chống Assad dần dần mở rộng vùng kiểm soát ở phía Bắc và phía Nam nước Syria. Đạo quân Jaish al-Fatah (Chinh phục quân), do do các nước Á Rập theo phái Sun Ni bảo trợ, như Saudi và Qatar, đã chiếm được thủ phủ của tỉnh Idlib. Đạo quân này chỉ muốn đánh đổ chính quyền Assad, chứ không nhắm vào lực lượng IS. Những nhóm quân khác, do nước láng giềng Jordan và Mỹ bảo trợ, bắt đầu chiếm được nhiều vùng ở phía Nam. Trong cùng thời gian đó, lực lượng IS đáng sợ nhất tấn công  vùng ở giữa và phía Đông nước Syria, đe dọa vùng đất chung quanh thủ đô Damacus của chính quyền Assad.

Chiến cuộc Syria không giản dị như bàn cờ có hai thứ quân mầu đen và mầu đỏ, vì quá nhiều quốc gia can dự. Iran tiếp tục ủng hộ chính quyền Assad, nhưng bị các nước Á Rập theo phái Sun Ni trong vùng chống lại. Mỹ muốn giúp tiêu diệt các đạo quân IS và lật đổ Assad nhưng không muốn những đám quân Hồi Giáo quá khích như Mặt Trận Nursa thắng thế, vì đó là một đám tàn quân của al Qaeda. Nhóm Nursa này lại được các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ và hợp tác với đạo quân Jaish al-Fatah cùng thắng thế ở miền Bắc. Trong một cuộc phỏng vấn với đàiAl-Jazeera, lãnh tụ nhóm Nusra Front là Abu Mohammad al-Jolani đã tuyên bố nhóm này không hề có ý chống nước Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đã ngầm giúp cho lực lượng IS bằng cách mở cửa biên giới cho các quân tình nguyện từ Châu Âu và Phi châu đi vào Syria gia nhập IS, bắt đầu thay đổi chính sách vì chính họ cũng lo sợ IS quá mạnh. Trong khi đó, quân Thổ lại đánh nhau với các đạo quân người Kurds đang đánh IS!

Từ tháng Sáu vừa qua, chiến trường Syria đã thay đổi, thế lực của chế độ Assad ngày càng suy yếu, có thể bị sụp đổ. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi nhiều người ủng hộ Assad đã tìm đường trốn ra ngoại quốc. Chính phủ Nga đã ra lệnh người Nga rút ra khỏi tỉnh Lakatia, di tản về nước. Lakatia nằm trên bờ biển phía Tây Bắc Syria, vốn là căn cứ địa của gia đình Assad.

Đứng trước nguy cơ chế độ Assad có thể sụp đổ, Vladimir Putin đã đánh nước cờ chót: Đưa máy bay, hỏa tiễn, xe tăng và các “cố vấn quân sự” tới Lakatia. Từ năm 2014 đến tháng Chín năm 2015,  trung bình mỗi tháng chỉ có một chuyến tàu chở hàng của Nga đi từ vùng Crimea xuống bờ biển Lakatia. Nhưng trong hai tuần lễ kể từ ngày 9 tháng Chín năm nay, đã có sáu chuyến tàu chở vũ khí và chiến cụ tiếp viện cho chính quyền Assad.

Ông Putin tuyên bố rằng chính phủ Nga chỉ muốn giúp Assad đánh các lực lượng Hồi Giáo quá khích IS, một mục tiêu mà Mỹ với các nước Á Rập trong vùng và Iran cũng theo đuổi. Các chính phủ Saudi và Qatar đều đặt câu hỏi: Lực lượng IS không hề có máy bay, tại sao Nga lại đem tới Lakatia những hỏa tiễn địa không nhắm đánh các máy bay bên địch như hỏa tiễn SA15 và SA22? Ai cũng biết, mục đích chính của Putin trong nước cờ chót này là bảo vệ một chỗ đứng cho nước Nga tại miền Đông Địa Trung Hải, khi cuộc chiến Syria có thể tiến đến hồi kết thúc.

Các hành động cấp cứu của Putin cho chế độ Assad diễn ra sau khi tình hình chiến sự nghiêng về phía các đạo quân chống Assad. Nhưng cũng vì những biến chuyển chính trị mới trong vùng. Mỹ đã ký với Iran một hiệp ước hạn chế năng lượng hạch tâm, để bảo đảm quốc gia Hồi Giáo Shia A này không thể chế bom nguyên tử. Mỹ và Iran có thể sẽ thỏa hiệp thêm về cuộc cờ Syria, trong khi bàn chuyện bãi bỏ cấm vận. Saudi và các nước theo Hồi Giáo Sun Ni đang có cơ thắng thế ở Yemen, đẩy đám quân Houthis nổi dậy vào thế thụ động, đám quân này theo phái Shi A và được Iran ủng hộ. Nhưng các nước theo phái Sun Ni cũng tỏ ý sẵn sàng nói chuyện với Iran để giảm bớt mối căng thẳng giữa hai giáo phái trong cả vùng Trung Đông. Ngoại trưởng xứ Qatar, Khaled al-Attiyah nói rằng đã đến lúc các nước Á Rập trong Vùng Vịnh thảo luận với Iran “một cách nghiêm cẩn” về tất cả các vấn đề tranh chấp để “bình thường hóa” mối quan hệ.

Nếu Iran và các nước Á Rập trong vùng có thể tiến tới một thỏa hiệp “sống chung hòa bình” giữa hai giáo phái Sun Ni và Shi A thì vai trò của Bashar Assad sẽ chấm dứt. Nước Syria có thể sẽ được chia ra thành nhiều vùng nhỏ, những tiểu quốc, khi Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Á Rập chia nhau ảnh hưởng. Trong một thỏa hiệp như vậy, Iran có thể hy sinh vai trò của Assad. Những người dân Syria theo phái Alawites, một chi phái của giáo phái Shi A, có thể giành được một vùng tự trị, không cần có gia đình Asasd nhưng vẫn nằm trong ảnh hưởng của Iran.

Trước viễn ảnh đó, nước Nga có thể sẽ mất chỗ đứng. Vì vậy, ông Putin phải vội vã đưa 500 quân lính và chiến xa, hỏa tiễn, máy bay tới gọi là để “đánh quân IS.” Putin muốn “quốc tế hóa” vấn đề Syria để có thể giữ được một chỗ ngồi trong bàn thảo luận về tương lai Syria.

Trong cuộc họp 90 phút giữa hai ông Putin và Obama bên cạnh đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Putin sẽ dùng các chiến cụ, phi cơ, hỏa tiễn Nga mới đưa tới Syria để cố mặc cả lấy một chỗ đứng cho Nga ở vùng biển ấm Địa Trung Hải. Nhưng hai người này cũng không thể quyết định số phận của chế độ Bashar Assad. Các nước khác trong vùng sẽ có tiếng nói của họ.


Nhưng chúng ta đều biết một sự thật: Hàng trăm ngàn người Syria bỏ chạy khỏi xứ, vượt biển, vượt rừng, leo núi đi tị nạn, họ chống cả chế độ Assad lẫn các toán quân IS. Họ không chạy đến những nước Á Rập, cũng không tìm tới sống nhờ Iran hay Nga. Họ đều chạy sang Châu Âu và xin được nước Mỹ đón tiếp. Họ đi tìm cuộc sống mới trong các nước có chế độ tự do dân chủ. Các cường quốc không thể bỏ qua khát vọng của những người dân Syria còn ở lại trong nước. Chính họ cũng muốn được sống trong tự do dân chủ.