Saturday, 10 October 2015

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 9-10-2015


THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta


NỢ MỘT LỜI XIN LỖI

Tính tới nay, bốn mươi năm đã qua. Gần một nửa thế kỷ, thời gian đủ dài để nhìn lại những sai sót, những lầm lẫn, những chuyện không hay đã xẩy ra để tránh lập lại, và ít nhất là nhận lỗi, để đưa ra một lời xin lỗi. Mặc dù lời xin lỗi đó có muộn màng, có quá muộn màng đi chăng nữa. Tôi rất thích cách nói này của tiếng Anh: tôi nợ anh một lời xin lỗi, I owe you an apology. Khi mắc hay thiếu nợ thì phải trả, không có chuyện bỏ qua được.

Ngay sau khi những chiếc T-54 chạy vào thành phố Sài Gòn, ủi sập một cánh cổng và cầy nát thảm cỏ của dinh Độc Lập (một cách không cần thiết), thì cái việc không hay đó cũng bắt đầu.

Trong cuốn Giải Phóng (1976) củaTiziano Terzani, một nhà báo người Ý, viết về ngày 30 tháng Tư năm 1975, có một bức ảnh đen trắng chụp một nữ du kích đứng tại góc đường Tự Do và Lê Lợi, có thể là trong ngày đầu tiên khi quân đội miền Bắc tiến vào kiểm soát thủ đô miền Nam. Người nữ du kích mặc quần áo đen, khăn rằn, mặt mũi vẩu viu, vẫn chưa hoàn hồn, vẻ kinh ngạc còn nguyên trong ánh mắt. Cảnh Sài Gòn đã tạo ra nét hoảng hốt đó.

Người Sài Gòn sau những kinh hoàng đầu tiên, đã kéo nhau ra đường tung hô những thay đổi, ngây thơ tưởng như làm như thế, họ sẽ được những bánh sắt xe tăng đối xử tử tế, nhẹ nhàng hơn. Những hình ảnh chụp cảnh đốt sách báo ở ngoài đường, hay cảnh tham dự cuộc diễn hành của quân “giải phóng” người ta thấy nhiều phụ nữ mặc những chiếc áo dài đẹp để mừng “đoàn quân chiến thắng”.

Nhưng chỉ vài ba ngày sau đó, cái ngây thơ đó đã bị dội cho những chậu nước lạnh buốt và tàn nhẫn. Nói là tàn nhẫn thì cũng vẫn còn là nhẹ. Phe chiến thắng quay lại đưa ra những đối xử tàn bạo ngay sau đó. Những kiểu ăn mặc của người Sài Gòn bị chiếu cố lập tức. Ở đầu đường, góc phố, các thanh niên bị chặn lại, những mái tóc bị những nhát kéo nham nhở làm cho ngắn đi, những chiếc quần ống hơi chật bị cắt cho rộng ra để có thể lọt một cái chai. Thời trang cách mạng, bưng biền không chấp nhận kiểu ăn mặc như thế. Những chiếc quần jean biến mất vào trong những góc tủ quần áo hay chạy ra chợ trời cùng với những kiểu quần áo “đồi trụy” tàn dư của Mỹ Ngụy phản động.

Về phía phụ nữ thì những chiếc áo dài cũng ngừng xuất hiện. Những chiếc không hoa lá, mầu mè sặc sỡ thì với mấy nhát kéo để làm cho mất đi những nét thời trang bay bướm của những ngày trước khi bưng biền tiến vào. Hai chục năm Hà Nội nhem nhuốc áo cánh, quần vải thô không thể chốc lát điều chỉnh để có lại được cảm quan nghệ thuật trong lãnh vực ăn mặc. Cách ăn mặc của phụ nữ Sài Gòn chắc chắn làm cho những người như cô nữ du kích vừa từ bưng vào thành phố không vui.

Thế nên phải dẹp cái thứ thời trang không thích hợp với lối ăn mặc của cách mạng. Kiểu ăn mặc đó là kiểu đồi trụy. Cái đẹp cách mạng không có lối ăn mặc như thế.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những chiếc áo dài mini của tuổi trẻ Sài Gòn, những kiểu áo đẹp thầm kín chững chạc hơn, vai raglan, không eo cũng biến mất…

Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
Cánh tay tà áo sát vòng eo…
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ
…(Nguyên Sa)

Nhưng rồi cũng không lâu sau đó, những chiếc áo dài đồi trụy thấy dần dần xuất hiện trở lại. Chúng được mua ở chợ trời của những người chủ của chúng để giải quyết những cơn túng quẫn của trận phá sản kinh tế diễn ra ở miền Nam. Những chiếc áo ấy được đem ra Bắc, được đem ướm vào những hình hài thô kệch, và bỗng biến những nét thô kệch ấy giảm đi ít nhiều. Những chiếc áo đó được đem ra mặc, và từ từ xuất hiện nhiều hơn khi người ta thấy chúng giúp làm bớt đi những nét quê kệch của người mặc. Chúng được dùng làm kiểu mẫu để đo may và cắt những chiếc áo mới.

Những chiếc áo dài từ đó dần dần không còn bị coi là đồi trụy nữa. Cán bộ nhà nước quay sang mặc chúng trong các dịp lễ lạc, tiếp tân và vợ của các lãnh tụ cũng diện chúng trong những chuyến xuất ngoại với chồng. Hết vợ Trương Tấn Sang lại đến vợ Ba Ếch… mụ nào cũng lôi những chiếc áo may theo kiểu áo dài của thời đồi trụy Mỹ Ngụy, nhưng không thấy một con khỉ đột nào đòi cắt hai vạt trước sau như hồi năm 1975 nữa. Những cuộc trình diễn thời trang ở trong nước cũng đem trình diễn toàn những chiếc áo dài từng có lúc bị coi là đồi trụy và thiếu cách mạng tính, không tượng trưng cho nét đẹp bưng biền, giải phóng…

Bọn ngợm từng xúc phạm, mạ lị, bôi bẩn những chiếc áo dài phải xin lỗi những chiếc áo dài mới phải.

Nhưng có lẽ cũng chẳng cần tới lời xin lỗi của một bọn quen trò nhổ rôì lại liếm nữa. Cứ lôi những chiếc áo dài đồi trụy ra mặc cũng đã là tự chúng nó chửi cha chúng nó lên rồi.


Những chiếc áo dài đều biết điều đó!