Saturday, 10 October 2015

Nhà văn Thế Lữ

Kính thưa quý thính giả, lịch sử Việt Nam thời cận đại ghi nhận, một văn sĩ có chân trong Tự Lực Văn Đoàn, chuyên dịch sách và viết truyện ngắn. Ông đã dóng góp nhiều trong việc khởi xướng và phát triển thể thơ mới cho văn đàn nước Việt, bằng cách nới rộng hồn thơ và thay đổi bút pháp theo nhu cầu đổi mới về nội dung và hình thức ... Trong tiết mục “Danh Nhân Nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả bài “Nhà Văn Thế Lữ” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi.

Đó là những câu thơ trong bài "Nhớ rừng" của Thế Lữ viết tặng Nguyễn Tường Tam. "Nhớ rừng" là một trong những bài thơ hay, tiêu biểu nhất của nhà thơ Thế Lữ và phong trào Thơ mới (1932 - 1941).

Mượn hình ảnh của một con hổ ở Thảo cầm viên, Thế Lữ đã biến con hổ trong thơ hóa thân thành muôn hình vạn trạng và dùng ngọn bút lãng mạn để lột tả cái khí phách của vị chúa sơn lâm khi bị giam mình trong "cũi sắt". Nhớ rừng là khao khát được sống tự do. Bài thơ như một lời nhắn gửi kín đáo, thiết tha về tình yêu đất nước. Hình tượng con hổ nhớ rừng là sự thể hiện tuyệt vời về giá trị của sự tự do.
Thế Lữ sinh ngày 6/10/1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Cha là Nguyễn Thuận, người làng Phù Đổng, Tiên Du, Bắc Ninh, nay là Gia Lâm, Hà Nội. Mẹ là bà Lang Thụ quê Nam Định. Thế Lữ bắt đầu đi học trường bảo hộ Pháp - Việt, đến năm thứ ba bậc trung học thì nghỉ học.

Năm 17 tuổi, lập gia đình với cô Nguyễn thị Khương, 19 tuổi, thuộc họ đạo tỉnh Hà Nam. Thế Lữ là người con có hiếu, trong thời gian làm việc ở Hà Nội, mỗi tháng đều về Hải Phòng thăm viếng mẹ.

Trong khoảng năm 1928 đến năm 1932, Thế Lữ học hàm thụ tại trường Mỹ thuật Hà Nội, nhưng được một năm thì bỏ học. Ông quen biết nhiều bạn bè, cùng nhau chia sẻ về văn chương, sách vở, cùng tập viết văn quốc ngữ và dịch sách.

Thời gian sau đó, vì bị bệnh lao phổi, ông về vùng quê ở Hải Phòng tịnh dưỡng, nhưng vẫn chăm chú viết văn và làm thơ. Truyện Vàng và Máu, cùng nhiều bài thơ được viết trong thời kỳ này, ông cũng bắt đầu viết bài đăng báo và xuất bản sách. Vì vậy, Thế Lữ có chân trong Tự lực văn đoàn và các tòa soạn báo Phong hóa, Ngày nay, Tinh hoa.

Ngoài truyện "Vàng và Máu", ông đã xuất bản: Mấy Vần Thơ, Bên Đường Thiên Lôi, Gió Trăng Ngàn, Trại Bồ Tùng Linh, Ba Hồi Kinh Dị, Con Quỷ Truyền Kiếp, Lê Phong Phóng Viên, Gói Thuốc Lá, Đòn Hẹn, Mấy Vần Thơ...

Thế Lữ của thi ca lãng mạn và Thế Lữ, một thi nhân có công trong phong trào thơ mới tiền chiến mà trước đây vẫn được xem là người cải cách và canh tân số một của thơ Việt Nam vào thế kỷ thứ 20. Sự thành công của ông đáp ứng từ nhu cầu thiết thực của tâm hồn con người trong thời kỳ ông đang sống và kết thúc bằng sức thuyết phục của tài năng mà ông có.

* * *
Có thể nói một cách không sai lầm, nhóm Tự lực Văn đoàn đã xây được nền móng vững chắc cho nền văn học Việt Nam trong giai đoạn đất nước hoàn toàn chuyển mình sang chữ quốc ngữ. Dù chỉ có một số cây viết ít ỏi, nhưng Tự lực Văn Đoàn đã để lại biết bao nhiêu là tác phẩm văn thơ vô cùng có giá trị vượt thời gian và không gian.

Và Thế Lữ là một trong những cây viết xuất sắc đó, được xem là "chủ soái thi đàn" trong phong trào thơ mới, nhưng không đi đến cùng mà lại chuyển sang viết kịch nghệ nhưng không thành công cho lắm. Thế nhưng gần một trăm năm qua, nhắc đến Thế Lữ là người ta nhớ đến bài thơ "Nhớ rừng" đầy ngạo nghễ của ông trong bối cảnh loạn lạc của xã hội VN dưới thời thực dân Pháp.

Rất đáng tiếc là sau 70 năm sống dưới sự cai trị và giáo dục nhồi sọ của tập đoàn cộng sản, rất ít học sinh được biết về nhóm Tự lực Văn đoàn nói chung, và Thế Lữ nói riêng. Ngược lại thì toàn bộ học sinh miền nam dưới thời VNCH đều được giảng dạy về thơ văn của Thế Lữ, một trong 7 trụ cột của nhóm Tự Lực Văn Đoàn bị tập đoàn cộng sản liệt vào đối tượng cần phải tiêu diệt khi cướp được chính quyền ở miền Bắc. Rất may mắn là Thế Lữ bị bạo bệnh nên qua đời sớm, không bị cộng sản thủ tiêu như Khái Hưng.

Chính vì thế, vinh danh Thế Lữ cũng là vinh danh nhóm Tự Lực Văn Đoàn vì đã để lại một di sản văn hóa vô cùng đồ sộ cho thế hệ hôm nay và mai sau!

Việt Thái