CWS, Cal Waste Solutions, là công ty chuyên thu gom và xử lý rác của một người Mỹ gốc Việt, ông David Dương, chủ tịch kiêm tổng giám đốc CWS tại thành phố Oakland, tiểu bang California.
Thành công tại Hoa Kỳ
Từ một cơ sở xử lý rác cở nhỏ những năm 1980, phát triển dần thành một công ty lớn, ông David Dương chia sẻ:
“Tổng công ty hiện đang có 1.000 nhân viên, trong đó 65% là ở Việt Nam và 35% là ở Hoa Kỳ. Nên nhớ ở Hoa Kỳ thì tất cả nhân viên của công ty nằm trong công đoàn thành ra về vấn đề lương hướng, y tế và những phúc lợi khác mà công nhân ở đây có đều rất là cao.”
Đây là lần đầu tiên một công ty của người Mỹ gốc Việt giành được chiến thắng trước đối thủ tầm cỡ Waste Management, công ty xử lý rác lớn nhất của Hoa Kỳ có trụ sở tại Texas với nhiều chi nhánh khắp 50 tiểu bang cũng như nhiều nước trên thế giới:
Tổng công ty hiện đang có 1.000 nhân viên, trong đó 65% là ở Việt Nam và 35% là ở Hoa Kỳ. Nên nhớ ở Hoa Kỳ thì tất cả nhân viên của công ty nằm trong công đoàn thành ra về vấn đề lương hướng, y tế và những phúc lợi khác mà công nhân ở đây có đều rất là cao.
-David Dương
“Đây là một sự kiện lịch sử của thành phố Oakland là đã giao một gói thầu bạc tỷ cho một công ty người thiểu số da màu, đặc biệt là của người Việt Nam. Đây cũng được coi như một dự án thầu rất lớn đối với đất nước Hoa Kỳ. Gói thầu đó là 20 năm. Mình đã chứng minh được là mình làm tốt thành ra mới thắng cái thầu đó, đẩy lùi được cái công ty lớn hàng đầu của thế giới là Waste Management đã trụ tại thành phố 102 năm rồi.”
Năm 2007, CWS Cal Waste Solutions khởi sự vận hành VWS Vietnam Waste Solutions, trở thành chủ đầu tư dự án Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn, gọi chung là rác đủ loại, tại Đa Phước thuộc thành phố Sài Gòn.
“Cũng như tại Hoa Kỳ, khi làm ngành xử lý môi trường, xử lý rác thì mình phải làm việc với thành phố. Hiện nay đối tác của chúng tôi là thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền của thành phố đang thu gom rác của thành phố, họ có hợp đồng thu gom rồi họ giao lại cho mình để mình xử lý.”
Tiếp sau dự án Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn Đa Phước, một Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh đang được Vietnam Waste Solutions tiến hành trên qui mô lớn tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An:
“Dự án đó tới gần 2.000 mẫu đất, đầu tư giai đoạn đầu là 450 triệu Đô, xử lý tất cả các loại rác đang có và những loại rác chưa xứ lý được. Trong tương lai, tình hình kinh tế phát triển của Việt Nam sẽ mang thêm nhiều loại rác khác nhau , thì mình sẽ là nơi xử lý tất cả những loại rác công nghệ đó. Đó là dự án sắp tới, được chính phủ đặt để là khu xử lý rác cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự kiến đầu tư có thể lên tới 800 triệu nhưng giai đoạn đầu hạ tầng cơ sở các thứ là khoảng 450 triệu. Chúng tôi mới được cấp phép hai tháng trước.”
Khó khăn tại Việt Nam
Thế nhưng việc đầu tư trên thực tế nhiều phần không dễ dàng như dự kiến. Cách đây một hai tháng Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn ở Đa Phước nhiều lần bị các ban ngành liên quan ở thành phố Hồ Chí Minh đến kiểm tra công việc và sổ sách. Trước đó, báo chí trong nước như tờ Thanh Niên đã gọi ông David Dương là ông vua rác, là người được tổng thống Barack Obama chỉ định vào Ban Quản Trị VEF tức Quĩ Giáo Dục Việt Nam. Nay cũng báo chí trong nước lại gọi ông là người chuyên đi lượm ve chai ở Mỹ. Theo báo Người Tiêu Dùng phát hành trong nước, Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn ở Đa Phước gây ô nhiễm môi trường, còn nhà đầu tư David Dương thì đang mắc nợ chính phủ 9 triệu Đô La chưa thanh toán. Lời ông David Dương:
“Lượm ve chai thì không sai đối với tôi. Khi còn ở Việt Nam, cha mẹ chúng tôi làm chủ một nhà máy sản xuất giấy, gia đình chúng tôi là một gia đình khá giả. Nhưng mà khi ra đi đến định cư tại Hoa Kỳ thì gia đình chúng tôi 16 người không có gì hết. Chúng tôi bắt đầu bằng cách đi lượm giấy vụn rồi là chai, lon nhôm... tất cả những thứ có thể bán được. Hàng đêm chúng tôi đi làm việc đó và ban ngày chúng tôi đi học, cha mẹ tôi và mấy chú lớn đem những thứ đó đi bán. Giành dụm mới có được đồng vốn nhỏ để bắt đầu mở công ty thu gom, mua lại phế liệu, hướng dẫn cho những người Việt Nam đến sau cùng đi lượm để có tiền nuôi sống gia đình trong quá trình họ đi học.
Tôi nghĩ việc gọi là người đi lượm ve chai, người đi giao Pizza hay là người đi đổ xăng, đứng bơm xăng cho người ta hay là lau chùi kiếng xe cho người ta... Tất cả những thứ đó đều tốt hết, vấn đề ở đây là mình làm công việc gì mà nó phù hợp cho cái thời điểm mình cần phải làm để mà nuôi gia đình hoặc để mình sống qua ngày. Không có nghề gì gọi là xấu cả, đó là cái tinh thần, cái ý chí của mình, mình đi làm những công việc dù rằng đồng tiền kém nhưng mà bằng sức của mình hơn là đi làm những việc bất hợp pháp để có những đồng tiền lớn hơn. Tôi vẫn hãnh diện vào những ngày tháng đó, do sự hướng dẫn và chỉ bảo của cha mẹ, chúng tôi mới có được cái cơ ngơi và cái sự nghiệp của ngày hôm nay.”
Có hai vấn đề cần tìm hiểu sâu hơn. Thứ nhất, dự án Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn ở Đa Phước có thực sự gây ô nhiễm môi trường không và nếu có thì ở mức độ nào. Bà Nguyễn Thị Dậy, cư dân Ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh thành phố Hồ Chí Minh, cho biết vấn đề thoạt đầu là mùi hôi trong không khí:
Nhưng cái khó của Việt Nam là mỗi một lần có thay đổi các cấp lãnh đạo, tức là thay đổi một ông lớn, hay là thay đổi luật lệ gì đó, thì họ cứ moi ra. Người này moi đi moi lại, báo chí moi đi moi lại, rồi bắt đầu cơ quan là những người mới nhảy vào, đòi chúng tôi là phải chứng minh chứng từ các thứ.
-David Dương
“Mấy năm về trước thì hôi dữ lắm, hôi nhức đầu luôn, dân người ta la quá, giờ làm kiên cố nên mùi hôi cũng phất phát vậy thôi. Mình ra chơi tham quan thấy cũng hoàn tất, nhân viên rất tốt, giờ đỡ hơn mọi lần nhiều lắm, có sao tui nói vậy hà.”
Một bãi rác khổng lồ như Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn, mà nhất là những loại rác ở Việt Nam, việc bốc mùi hôi thối là chuyện không thể tránh. Ông Huỳnh Văn Sơn, cũng là cư dân ở Đa Phước, nhận xét như vậy:
“Bị vì nơi có nhà máy của ông David Dương là miếng đất không sử dụng được, tức là cái vùng đầm lầy hoang dã. Rác của thành phố Hồ Chí Minh thì không xử lý mà đẩy lên mấy vùng cao trên Củ Chi, để đó thì mùi hôi thúi cũng dữ dằn lắm, không được xử lý khoa học như ở đây.
Tóm lại rác ở Việt Nam rất khó xử lý, bên Hoa Kỳ thì nó dễ vì rác được phân loại từ nguồn, còn đây cứ dồn dập vô thì đâu có xử lý được, để đó cho nó bớt thúi rồi sản xuất tái chế ra phân bón. Tôi thấy giờ có chỗ tập trung để làm rác một cách khoa học thì cũng tốt, có hôi đó nhưng mà xử lý tốt, chứ rác mà làm sao không hôi được. Nếu không có nhà máy đó thì rác thành phố không biết đi về đâu. Cả một thành phố Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam, không có một chỗ tập trung rác để xứ lý một cách khoa học vậy thì chừng 3 ngày thì mình không thể tưởng tượng được.”
Về mặt môi trường của Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn ở Đa Phước, ông Huỳnh Văn Sơn phân tích tiếp, chính quyền địa phương giữ một phần trách nhiệm vì là đối tác của công ty VWS của ông David Dương:
“Không phải do công ty rác mà do bên môi trường. Cứ tưởng tượng một núi rác khổng lồ, một ngày từ năm đến bảy ngàn tấn rác, không có bãi rác đó thì lượng rác đó đi về đâu?
Trước khi làm bãi rác đó thì chính quyền sở tại phải làm sao để có khu cách ly, phải có vành đai cây xanh cách ly. Còn ở đây thì chính quyền đốt giai đoạn tức là thiếu một vành đai xanh. Thứ hai nữa là còn tồn đọng lại những ngôi nhà lân cận và rải rác. Hồi đó thỏa thuận của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh là sẽ tạo một vòng đai cây xanh, có thể cái ngân sách quá nhiều, đã có qui hoạch nhưng tới bây giờ người ta cứ lãng quên. Vành đai cây xanh tới giờ chưa có thì đó không phải lỗi bên công ty ông David Dương mà lỗi bên thành phố nó không làm.”
Bước sang chuyện thứ hai, 9 triệu đô mà công ty VWS Vietnam Waste Solutions bị cáo buộc còn nợ chính phủ và chưa giải quyết là như thế nào. Ông giám đốc David Dương giải bày ngọn nguồn như sau:
“Khi chúng tôi vào đầu tư với dự án 109 triệu ban đầu thì dĩ nhiên đó là lần đầu tiên nhà nước, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, muốn xã hội hóa, muốn tư nhân hóa cái công việc đã giao cho ban ngành nhà nước làm từ mấy chục năm nay rồi.
Khi họ giao cho chúng tôi khu Đa Phước, là một khu ở vùng đầm lầy để chúng tôi đầu tư, thì ông tổng giám đốc ngân hàng tại Hoa Kỳ mà về cùng dự án của chúng tôi đặt vấn đề là “Ông đổ tiền của ông cả trăm triệu vào vùng đầm lầy này hay sao?” Tôi nói với uy tín lớn của công ty chúng tôi tại Hoa Kỳ thì khi quyết tâm làm chuyện gì chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và biết mình sẽ làm được, làm tốt.”
Sau khi bàn thảo thì ngân hàng phía ông David Dương đồng ý với điều kiện phải bảo đảm chính quyền Việt Nam muốn làm tốt công việc này. Mặt khác, nếu thật sự muốn xã hội hóa, tư nhân hóa công việc xử lý rác thì chính quyền địa phương thành phố Hồ Chí Minh phải thể hiện trên một bản hợp đồng giấy trắng mực đen, kế đến phải bỏ tiền vào dự án hầu chứng tỏ sự ủng hộ tối đa vào việc này:
“Sau khi thương lượng với Sở Tài Chính, Sở Tài Nguyên Môi Trường, Sở Khoa Học Công Nghệ, nói chung là 8, 9 sở ngành, cuối cùng thì nhà nước không thể nào bở chung tiền để làm việc này. Để du di cho việc ngân hàng Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư với chúng tôi, sau cùng chúng tôi đưa ra đề án là nhà nước đưa cho chúng tôi 9 triệu đô đầu tiên để phụ trong phần xây dựng, bằng cách là trả trước chứ cũng không phải là mượn. Trong quá trình điều đình thì giá cả thời điểm đó coi như 17 Đô mấy cho mỗi một tấn rác mà chúng tôi sẽ xử lý. Thì nhà nước đồng ý và chúng tôi đồng ý giảm 15 triệu đô trên tiền chúng tôi sẽ được hưởng từ thành phố, đổi lại thành phố trả trước cho chúng tôi 9 triệu Đô để đầu tư vào hạ tầng. Sau cùng đi đến việc thỏa thuận thành ra đó không phải chúng tôi nợ thành phố mà thành phố trả trước cho chúng tôi để chúng tôi giảm giá.
Mà việc đó chúng tôi cũng không phải lấy tiền của nhà nước mà là khi chúng tôi đầu tư tiền của chúng tôi vào thì 9 triệu đầu tiên của nhà nước lại là 9 triệu đầu tiên của chúng tôi. Khi chúng tôi đầu tư 18 triệu trước tiên thì chúng tôi lấy lại 9 triệu Đô của nhà nước để 18 triệu đầu tiên của đôi bên đi vào đầu tư hạ tầng.”
Theo giải thích của nhà đầu tư David Dương thì mọi việc coi như đã giải quyết xong. Thế nhưng:
“Những việc này đã được Trung Ương xác nhận, đồng ý. Nhưng cái khó của Việt Nam là mỗi một lần có thay đổi các cấp lãnh đạo, tức là thay đổi một ông lớn, hay là thay đổi luật lệ gì đó, thì họ cứ moi ra. Người này moi đi moi lại, báo chí moi đi moi lại, rồi bắt đầu cơ quan là những người mới nhảy vào, đòi chúng tôi là phải chứng minh chứng từ các thứ.”
Với kinh nghiệm gần 10 năm tiếp xúc và làm việc với các cơ quan liên hệ ở Việt Nam, ông David Dương khẳng định đây là trở ngại không chỉ riêng cho giới đầu tư bên ngoài mà còn là trở ngại cho cả sự phát triển về mặt kinh tế và xã hội:
“Bởi vì cái gì đã xong thì xếp nó bỏ vào tủ và lo tới những chuyện phát triển trong tương lai. Còn đằng này sau 10 năm thực hiện, biết bao nhiêu việc xảy ra, biết bao nhiêu văn bản, biết bao nhiêu việc đôi bên đã giải quyết xong hết nhưng bây giờ ngược lại tới tới năm thứ mười chúng tôi vẫn phải đính chánh chứng minh tất cả các thứ. Phát triển thì không nghĩ được nữa tại vì mình lo tập trung mình đối đầu, thành ra nó kéo chậm đi cái sự phát triển.”
Với câu hỏi ông có lo lắng rằng dự án Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh ở Long An có thể cũng sẽ gặp khó khăn như trường hợp Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn Đa Phước ở thành phố, ông David Dương bày tỏ hy vọng:
“Bởi vì mới đây vấn đề ký kết hiệp định thương mại TPP thì tôi nghĩ cái đó sẽ mở một cánh cửa lớn để thay đổi cách tư duy, cách làm việc, cách vận hành cũng như luật lệ của Việt Nam. Tôi nghĩ cái sân chơi cho nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ được công bằng hơn trong tương lai.
Vấn đề chúng tôi là công ty nước ngoài nhưng họ lại nhìn chúng tôi là người Việt Nam thành ra họ đối xử như người Việt Nam. Lẫn lộn và nhận diện sai cho nên việc hành xử coi như bị nhức đầu, chận đứng sự phát triển của nhà đầu tư.”
Đó là câu chuyện về sự khó khăn mà công ty Cal Waste Solutions của ông David Dương phải đương đầu ngay tại công ty Vietnam Waste Solutions do ông đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn lại tối thứ Năm tuần tới.