Friday, 27 November 2015

Học giả Trung Quốc bị cô lập tại hội thảo Biển Đông ở Việt Nam?


Ảnh do CSIS phân tích cho thấy những công trình xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ảnh do CSIS phân tích cho thấy những công trình xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị coi là “ngụy biện” và “chọi nhau” tại cuộc hội thảo quy mô lớn về biển Đông ở Việt Nam, với sự tham gia của các học giả có uy tín trên thế giới, mới kết thúc ở thành phố Vũng Tàu hôm qua (24/11).

Cuộc hội thảo kéo dài hai ngày với chủ đề “Biển Đông – hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao cùng với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông phối hợp tổ chức.
Tin cho hay, hàng chục học giả nước ngoài đến từ nhiều nước đã tham gia sự kiện quốc tế này.
Ông Trần Đức Long, Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết hội thảo năm nay có nhiều người tham dự hơn vì những diễn biến dồn dập ở biển Đông.
Ông nói:
“Bộ Ngoại giao và Hội Luật gia phối hợp để làm rõ những yếu tố liên quan đến biển Đông. Năm nào cũng thế, nó là truyền thống rồi. Nhưng năm nay là năm cũng khá đặc biệt bởi vì trong thời điểm này, Trung Quốc lại lấn chiếm bồi đắp thêm [các đảo nhân tạo]”.
Trong khi đó, ông Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng “năm 2015, biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn”, đe dọa tới tuyến đường biển huyết mạch và kế sinh nhai của hàng triệu ngư dân.
Ban tổ chức cho hay, có nhiều vấn đề lớn như việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, quan hệ giữa các nước lớn ở biển Đông, luật pháp quốc tế cũng như triển vọng tương lai ở biển Đông đã được mang ra thảo luận.
Ngoài các chuyên gia tới từ Hoa Kỳ, Philippines và Australia, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng có mặt tại diễn đàn.
Tuy nhiên, tin cho hay, quan điểm về biển Đông của các học giả tới từ quốc gia láng giềng phương bắc của Việt Nam “đều bị phản bác”.
Truyền thông trong nước không kiêng dè trong việc chỉ trích các chuyên gia Trung Quốc với những hàng tít như: “Học giả Trung Quốc ngụy biện” hay “Học giả Trung Quốc lại xuyên tạc về biển Đông”.
Mình lấy tiếng nói chung của các học giả trên toàn thế giới để minh chứng cho cái việc là thực hiện của Trung Quốc có những điều chưa phù hợp đối với luật pháp quốc tế rồi những cam kết như Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, DOC.
Báo chí Việt Nam cũng cho rằng những nhà nghiên cứu Trung Quốc “tung hỏa mù” khi cho rằng không chỉ Bắc Kinh mà cả Việt Nam hay Philippines cũng tôn tạo các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo.
Về những ý kiến trái chiều đưa ra tại hội thảo, Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam nói:
“Mình lấy tiếng nói chung của các học giả trên toàn thế giới để minh chứng cho cái việc là thực hiện của Trung Quốc có những điều chưa phù hợp đối với luật pháp quốc tế rồi những cam kết như Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, DOC”.
Trong khi đó, vấn đề biển Đông thời gian gần đây thường là chủ đề hàng đầu mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đề cập tới khi đi công du nước ngoài nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Hôm nay, trong khi thăm Đức, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang bày tỏ mong muốn rằng Quốc hội Đức “tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề biển Đông”.
Trước đó, hôm 21/11, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói rằng “việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, xói mòn lòng tin, có thể dẫn đến nguy cơ xung đột trên biển...”.
Cũng liên quan tới biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay chỉ trích vụ kiện Bắc Kinh của Philippines ở Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan, nói rằng đó không phải là một nỗ lực nhằm giải quyết các tranh chấp mà là “một sự khiêu khích chính trị dưới vỏ bọc luật pháp”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 22/11 cũng cáo buộc Mỹ đang “khiêu khích chính trị” đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo mà quốc gia này xây dựng trên biển Đông.
Ngoài việc triển khai một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường tới gần các hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, Washington đầu tháng này phái các máy bay ném bom B-52 bay tới gần một số đảo.
Ông Lưu Chấn Dân nói rằng những hành động đó “đã vượt ra ngoài khuôn khổ của tự do hàng hải”.
0:00:00